Ba cái bóng lầm lũi bước trong khoảng hành lang mờ tối giữa hai vách tường. Hai người cảnh sát, một nam một nữ, cao lớn, giầy đinh lộp cộp, lỉnh kỉnh những đồ nghề và súng đạn quanh thắt lưng. Người thứ ba loắt choắt trong lớp áo liền quần màu cam rộng thùng thình. Hai tay còng trước bụng. Chân lê đôi dép lẹt quẹt trên sàn xi măng. Người thứ ba ấy là nó. Thỉnh thoảng nó dùng dằng bước chậm lại như ngầm phản đối. Người cảnh sát phải đẩy nhẹ vào lưng nó, thúc nó bước tới.
Cánh cửa hé mở. Một vùng ánh sáng chói lòa tràn vào khoảng
hành lang tối. Nó hơi sựng lại, rồi ngập ngừng bước qua khung cửa. Nó nheo mắt
chặn bớt thứ ánh sáng gay gắt của những ngọn đèn nê ông vắt ngang dọc trên trần
nhà. Những mặt người xoay về phía nó. Những con mắt mở lớn. Vô số ánh nhìn soi
mói. Nó cảm thấy khó chịu. Tụi bay nhìn cái đéo gì vậy, hở lũ khốn nạn.
Kẻ nào đó rít lên trong đầu nó cái câu – lúc còn sống – bố nó thường quen miệng.
Nó cố kìm cơn giận. Mắt nhìn thẳng phía trước. Mặt vênh lên, thách thức. Bàn
tay nào đó gạt cái móc khóa cánh cửa gỗ làm phát ra tiếng kêu lạch cạch. Nó nhận
ra cánh tay người nữ cảnh sát vừa áp giải nó. Cái mặt hiền. Giọng nói cũng hiền
nhưng lời lẽ lại toàn những lệnh truyền gai góc. Nó thấy mình đứng trên nền nhà
lót thảm màu gạch, trước cái hộp hình chữ nhật bên dưới là gỗ, bên trên là
khung kính vây cả bốn phía. Một băng ghế dài trong cái khung ấy. Bàn tay nào
khác đẩy nó vào trong cái khoảng trống chật chội ấy. Cái khung này hẹp hơn chiếc
hộp ở trại giam mà mấy hôm nay nó nằm co bên trong như con sâu ốm đói. Nó bước
lọt vào trong khoảng trống ấy, và hất đầu nhìn cái bàn tay vừa đẩy lưng nó. Những
ngón tay thô của người nam cảnh sát. Lưng cái bàn tay ấy có vết xâm hình con cọp
nhe hai chiếc nanh nhọn hoắt và đôi mắt rực lửa. Con cọp sẵn sàng vồ lấy nó nếu
nó có ý đồ tẩu thoát.
Vạt tóc dài lại xổ xuống trước trán, ngứa ngáy khó chịu. Nó
hất đầu hai ba cái nhưng cụm tóc vẫn lòa xòa. Nếu hai tay không nhùng nhằng với
cái còng sắt nó đã gạt mớ tóc sang một bên rồi ép chặt bàn tay lên trán cho cụm
tóc nằm yên như vẫn thường làm mỗi khi – cứ như vô tình – đâm sầm vào một đứa
con gái trên hành lang trường học. Ấy là chuyện ngày xưa. Bây giờ thì đành chịu.
Vừa hất cái đầu và cụm tóc vừa mới vắt lên thì đã lại xõa ngay xuống mắt.
“Bị can hãy khai họ và tên cùng ngày tháng năm sinh cho
tòa.”
Giọng đàn ông. Trầm và lạnh. Nó nhận ra tiếng động trong
phòng này vang vọng như được lọc qua hệ thống khuyếch âm. Nó ngẩng đầu nhìn về
phía vọng ra cái âm thanh đầy quyền uy ấy. Người đàn ông áo đen có dải băng vải
màu đỏ vắt chéo một bên vai. Ông ta ngự trên chỗ cao nhất. Quan tòa. Nhất định
phải là quan tòa. Chỉ có quan tòa mới có thể ra lệnh cho nó như thế. Điều ấy
làm nó ngỡ ngàng. Nó không quen làm theo lệnh của ai hết. Mấy hôm nay nó đã gân
cổ cãi nhau tay đôi với viên thám tử cảnh sát. Và nó luôn luôn thắng. Khi cãi
không lại nó, người ta đẩy nó vào phòng giam. Một cái hộp nhỏ với ba vách tường
lạnh và một khung song sắt để người ta có thể nhìn thấy nó ngồi bó gối trên chiếc
giường sắt, lưng dựa vách đá. Và còn có thể nghe nó lẩm bẩm chửi thề bằng cả
hai thứ tiếng.
“Có nghe tôi nói không?” Ông quan tòa nói, xoáy vào người nó
tia nhìn nhọn hoắt. “Hãy đọc họ và tên cùng ngày tháng năm sinh cho tòa.”
Nó muốn gân cổ mắng lại ông quan tòa nhưng ở trong cái phòng
rộng thênh thang này, không khí đặc quánh toát ra cái mùi xiềng xích làm nó ngại
ngần. Nó cúi mặt, nhìn xuống nền nhà trải thảm màu gạch nâu, cái màu thấy quen
quen, nó nhớ đã gặp ở đâu đó.
“Họ, tên và ngày tháng năm sinh,” ông quan tòa lặp lại.
“Hừm,” nó lẩm bẩm. “Mấy người bắt tôi thì phải biết tên
tôi.”
Nó lớn lên ở xứ này, nó nói bằng ngôn ngữ xứ này. Nó gọi
chung tất cả nhân loại trong cái phòng này là You guys.
“Bị can nói gì thế?” Ông quan tòa trợn hai con mắt, bẻ cong
cặp lông mày rậm rạp.
Tia nhìn làm nó nao núng. Ông quan tòa này hách thật. Vật gì
đó thúc nhẹ vào lưng nó. Nó quay lại. Bàn tay xâm hình con cọp. Và cái đầu rậm
rì râu tóc gật gù nhắc nhở. Nó hít một hơi dài, lí nhí đọc cái tên cùng những
con số của ngày tháng năm sinh. Rồi nhận ra mình vừa nói sai cái năm sinh, nó vội
lớn tiếng cải chính, “Năm hai ngàn không trăm linh chín.”
“Vậy là mười bốn tuổi.” Ông quan tòa gật gù.
Nó giật mình. Nó đã mười bốn tuổi rồi ư. Ông quan tòa có nói
sai không đây. Nó không tin là nó đã mười bốn tuổi. Không ai nhắc ngày sinh của
nó. Chẳng ai rảnh rỗi mà làm chuyện ấy. Bà con thân thuộc của nó – nhất là đám
già, những người thập thò miệng lỗ, như nó vẫn nghe họ nói đùa với
nhau – luôn quả quyết là người chết quan trọng hơn người sống nên nó thường phải
có mặt ở những đám giỗ nhiều hơn những tiệc sinh nhật. Nó không bao giờ để ý nó
bao nhiêu tuổi nhưng nó biết rõ nó còn bé lắm, bằng chứng là mẹ nó cứ hay đua
đòi với thiên hạ, gọi nó bằng chữ baby với cách phát âm ngượng
ngịu nhưng ngọt ngào, để nó thấy nó bao giờ cũng còn bé. Vậy thì nhất định nó
không thể đã mười bốn tuổi.
“Tôi chưa mười bốn tuổi,” nó buột miệng.
Không để ý đến câu nó vừa nói, ông tòa hỏi, “Bị can có biết
bị can bị truy tố vì tội gì không?”
Nó lắc đầu.
“Tội hành hung gia trọng. Có biết gia trọng là gì không?”
Nó lại lắc đầu. Mắt nhìn đăm đăm nền thảm màu gạch nâu. Cái màu quen quá là quen. Và cơn đói bỗng
quặn lên trong bao tử nó. Nước miếng nhạt thếch trào ra, ứa đầy những kẽ răng.
“Bị can phải trả
lời yes hay no,” quan tòa gằn giọng.
Nó nuốt nước miếng,
lẩm bẩm, “Không biết.”
“Hành hung người
khác, gây thương tích trầm trọng,” ông quan tòa nói và bắt đầu rì rầm một tràng
những từ ngữ lạ tai.
“I want
freedom!” Nó hất cái mặt xương xẩu, xanh nhợt lên, ngắt lời ông tòa. Mảng
tóc dài lòa xòa trước trán, che mắt nó.
Ông tòa vẫn thản
nhiên, “Vì mức nghiêm trọng của hành vi tội phạm, bị can sẽ bị tạm giam cho đến
ngày xử chính thức.”
“No way!” nó gào lên. “Tôi không có tội gì hết.”
“Bị can bị cáo buộc là hành hung người khác đến ngất đi rồi
tiếp tục nhảy lên người nạn nhân đến mức người ấy gẫy một cánh tay và ba cái
xương sườn.”
Nó tròn mắt nhìn vào khoảng không trước mặt. Những hình người
nhòa đi. Bóng ông quan tòa loang lổ, nhập nhằng lẫn vào hình ảnh những nhân
viên tòa án và cả những đầu người lô nhô trong phòng xử. Những ngọn đèn trong đầu
nó tắt ngấm. Những cái loa trong óc nó mở hết mức. Tiếng gào thét xoáy vào
không gian ngột ngạt của căn phòng chung cư. Nó đạp, nó nhẩy, nó dày xéo cái
thân hình mềm nhũn dưới chân nó. Đoạn phim ấy cứ chiếu đi chiếu lại cho một
mình nó xem. Lúc ấy nó lên cơn ghiền. Nó chỉ xin vài chục bạc mà cũng không được.
Nó điên lên. Cái thân hình kia đã đổ sụm xuống nền nhà, nó còn cố nhẩy lên cái
hình hài còm cõi ấy thêm một lần. Và nó nghe được cái âm thanh trầm đục của vật
gì đó vừa bị bẻ gẫy. Người ta xúm vào kéo nó ra. Kẻ nào đó vật nó xuống. Đè nó
nằm úp trên sàn nhà. Một bên má nó áp xuống nền nhà. Bọt mép xùi ra, loang lổ nền
xi măng. Bàn chân kẻ nào đó đạp lên lưng nó nặng trịch. Nó gầm gừ. Nó chửi thề
bằng cả hai thứ tiếng. Nó vặn vẹo, nhúc nhích. Vô vọng. Tiếng còi xe cấp cứu
xoáy vào tai. Những người cảnh sát kéo nó lên. Cặp còng sắt lạnh buốt ở hai cổ
tay.
“Nạn nhân tàn tật chỉ vì hành vi nóng giận và thiếu suy nghĩ
của bị can. Vì mức nghiêm trọng của sự việc, bị can sẽ bị tạm giam cho đến ngày
có phiên xử chính thức.”
Nó bừng tỉnh. Ý nghĩ náo loạn trong đầu. Phải lên tiếng chứ,
đời mình thì mình phải quyết định, đâu có thể để người ta phán truyền như thế. Wrong,
very wrong! Nó há miệng toan phản đối thì ai đó phía dưới, ngồi lẫn
trong những hàng ghế dài, nói vọng lên bằng thứ tiếng Anh rạn vỡ, “Không được
đâu!”
Nó sững người. Mọi người trong phòng xử cũng sững sờ. Nguyên
tắc căn bản là khi ngồi trong tòa, người ta chỉ được nói khi đến phiên mình, hoặc
khi quan tòa ra lệnh cho mình nói. Vì vậy ba chữ “Không được đâu” khàn đục vọng
ra từ hàng ghế áp chót làm mọi người trong phòng xử giật mình. Và tất cả những
con mắt xoay qua, dán vào khuôn mặt hốc hác của một người đàn bà.
Khuôn mặt hốc hác ấy loang lổ những vết bầm tím ngắt quanh
mí mắt, trên gò má và dưới cằm.
“Im lặng trong tòa,” quan tòa lớn tiếng nhắc nhở.
“Làm ơn cho tôi nói…” Vừa lắp bắp người đàn bà vừa lọng cọng
đứng dậy.
“Bà là ai?”
Người đàn bà nói cái tên bằng ngôn ngữ lạ, nhưng những chữ
tiếng Anh, phát ra bằng cái giọng khàn đặc và âm sắc nặng nề thì người nghe vẫn
hiểu được. “Làm ơn cho nó về nhà…”
Cánh tay bó bột, đeo bằng dải băng vải vắt ngang vai. Tay
kia chống cây nạng gỗ, người đàn bà chập choạng bước tới trước.
“Xin tòa cho nó về nhà. Đừng bỏ tù nó…”
“Bà là ai?” Quan tòa cao giọng, hỏi. Những người cảnh sát
nhanh chân bước về phía người đàn bà, sẵn sàng chặn bà ta lại.
Quan tòa đưa một ngón tay lên, phất qua phất lại, trong một
cử chỉ vô nghĩa, “Phải bà là nạn nhân không? Bà không sợ nguy hiểm khi đến gần
nó à? Bà là ai?”
“Tôi là mẹ nó. Tôi xin tha cho nó.” Người đàn bà nói, rồi sựng
lại, dựa người vào cạnh chiếc ghế dài, ôm ngực thở hì hạch. Cây nạng rơi xuống,
nằm trơ trên nền thảm màu gạch nâu. Người đàn bà suýt soa đưa bàn tay không bó
bột lên đỡ nhẹ một bên đầu. Ngừng vài giây như chờ cho cơn đau loãng đi, cặp
môi khô nứt nẻ lại thều thào, “Làm ơn tha cho nó.”
“Bà không sợ nó sẽ lại hành hung bà nữa hay sao?”
“Mấy hôm nay tôi không ngủ được…”
“Tôi biết bà bị cơn đau hành hạ…” Quan tòa gật gù.
“Tôi lo cho nó…” Người đàn bà lắp bắp như hụt hơi.
“Bà là nạn nhân, bị can là tội phạm…”
“Vâng, tôi là nạn nhân,” người đàn bà ngắt lời quan tòa. Bà
không nói tiếng Anh nữa, cứ phải ậm ừ tìm câu tìm chữ mệt lắm, bà xoay về ngôn
ngữ xứ sở bà, “Nó đánh tôi đến ngất đi, tôi biết mà, nhưng không sao đâu. Tòa cứ
cho nó về nhà. Tôi sẽ dạy nó, tôi sẽ chỉ dẫn nó làm lại từ đầu. Xin tòa giơ cao
đánh khẽ, phận mẹ góa con côi…” Ngần ngừ một chút, rồi không bận tâm đến hàng
trăm con mắt ngơ ngáo chung quanh, người đàn bà đổi giọng sôi nổi, “Hay là tòa
cho nó về một buổi cũng được, tôi mới nấu cho nó nồi bún riêu, còn một tay
nhưng tôi vẫn xoay xở được. Nó thích bún riêu…”
Người đàn bà nói một tràng dài bằng ngôn ngữ quen thuộc của
bà, chẳng cần biết có ai hiểu không. Chỉ một mình tên tội phạm mười bốn tuổi
trong cái lồng có khung kính hình chữ nhật của phạm nhân hiểu được. Nó tròn con
mắt bối rối, rồi nó cúi gằm mặt xuống, nhìn chăm chăm vào lớp thảm dày màu gạch
cua dưới chân. Nó chợt hiểu vì sao nó cứ thấy cái màu thảm ấy rất quen. Cái màu
gạch cua trong nồi bún riêu mẹ nó vẫn nấu. Nó bỗng thèm một tô bún. Thèm đến
điên lên được. Mấy hôm nay trong trại tạm giam, tọng vào họng toàn hamburger,
chán ngấy.
Nó gào lên bằng thứ ngôn ngữ mà chỉ mẹ nó hiểu, “Mẹ nhớ để
dành cho con một tô.”
Những con mắt trong phòng xử ngớ ra, ngơ ngác.
“Im lặng trong tòa,” ông quan tòa gằn giọng. Cái giọng trầm,
đục ấy át hẳn mọi tiếng động khác. Tên tội phạm mười bốn tuổi mím chặt môi và lại
cúi xuống, lại xoáy tia nhìn vào lớp thảm dày màu gạch cua dưới chân.