Mọi người đều phải kiếm sống vì sớm muộn cha mẹ ai cũng qua đời, không còn ai nuôi thì phải tự kiếm sống. Nhạc Trịnh nghe hay, triết lý sâu xa nhưng buồn nhiều hơn vui, “tin buồn, từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người…” Làm người là khổ từ lọt lòng mẹ đến lúc qua đời, cứ lẩn quẩn trong vòng sinh lão bệnh tử, hết kiếp này lại đến kiếp luân hồi khác. Lại còn phải ăn ở sao cho tử tế trong đời người ngắn ngủi để kiếp sau không trở thành lục súc càng khó cho cuộc mưu sinh.
Mấy ngàn năm rồi, không biết đã được bao nhiêu Phật tử an
nhiên trả nghiệp, bao nhiêu tín đồ sống theo Kinh thánh cho vừa tầm với sự phát
triển chùa với nhà thờ trong đời vẫn nhởn nhơ những người chẳng làm gì cả, sống
suốt đời dựa vào phúc lợi xã hội nhưng ăn ngon, mặc đẹp hơn cả người lam lũ đi
làm. Ai cũng biết trong những người ăn trợ cấp thực phẩm, ở nhà chính phủ,
có medicare khi phải đi bác sĩ là những người có hoàn cảnh nên
được thông cảm như dị tật bẩm sinh hay tai nạn đã làm tàn phế một con người. Ngược
lại vẫn thấy những người ăn mặc bảnh bao, phong thái nhàn nhã, đi chợ mua tôm
cá đắt tiền bằng tem phiếu chính phủ, họ không có khuyết tật thấy được nhưng
lòng tự trọng của họ đã ung thư.
Tôi đã có lần gặp một người Việt bảnh bao như nói ở trên nơi
quán cà phê, anh đã dạy đời những người chung bàn cà phê sáng, “Từ hồi qua Mỹ đến
giờ, tôi chưa bao giờ phải đóng một đồng bạc thuế. Tại sao các ông cứ phải đi
làm và đóng thuế cho mệt vậy, chỉ cần suy nghĩ một chút là sống khoẻ ở Mỹ
này...” Tôi tôn trọng người bạn mời tôi đi ăn sáng, uống cà phê. Ngày cuối tuần
nên quán đông, phải ngồi chung bàn thì đành chịu. Tôi cũng thử suy nghĩ một
chút như anh ta dạy đời nhưng suy nghĩ không vượt qua được suy nghĩ mình có tay
có chân thì đi làm mà ăn, người tàn tật mới xứng đáng được hưởng phúc lợi xã hội,
không có ngoại lệ.
Nhìn lại mấy chục năm sống ở Mỹ, trải qua khá nhiều ngành
nghề cũng chẳng có gì trong tay ngoài lòng tự trọng còn đó. Hồi mới qua Mỹ, có
anh bạn là lính cũ, qua Mỹ từ ‘75 nên anh rành rẽ hơn chúng tôi qua sau. Anh
nói với đàn em làm chung hãng là chúng tôi, “Tụi Mễ quét dọn cho chợ Walmart ăn
cắp quá nên quản lý chợ muốn mướn người Việt. Nếu mấy đứa muốn làm thêm kiếm
thêm thì anh nhận lời người quản lý chợ Walmart anh quen.”
Thế là chúng tôi đi làm cho Walmart từ tám giờ tối tới mười
giờ, làm hai tiếng đồng hồ được hai chục bạc là lớn lắm rồi vì đi làm hãng khi
xưa có năm đồng một giờ. Việc làm dễ ẹt vì quét thì không có rác nên đẩy cái
máy hút bụi, sau đó đẩy máy lau nhà cho có là được vì cũng chẳng có gì dơ bẩn.
Cực nhất là làm vệ sinh ở hai cái nhà vệ sinh nam và nữ, kể ra cũng chẳng khó
vì kéo vòi nước nóng, xịt hết xuống cống là xong việc, bỏ thêm mớ giấy vệ sinh
cho hôm sau là hoàn tất.
Chúng tôi làm được một tuần êm xuôi, ông quản lý chợ rất hài
lòng nên cho bia xách về uống vì chúng tôi không trộm bia, không trộm vặt đủ thứ
trong chợ khi chưa có camera giám sát lắp đặt khắp nơi như bây giờ. Nhưng những
người Mễ bị chúng tôi cướp việc làm của họ nên họ trả thù! Họ dẫn theo vợ con
như đi trẩy hội, họ tràn vào hai cái nhà vệ sinh và nhét hết những cuộn giấy vệ
sinh xuống những cái bồn cầu. Không có vòi nước nào cứu nổi mà chỉ còn cách móc
bằng tay lên thôi. Ông quản lý chợ trang bị cho chúng tôi găng tay dài, nhưng
anh em cứ lần lượt bỏ việc, không làm “job Mễ”. Cuộc sống Mỹ nhìn bề ngoài văn
minh, cơ hội, nhưng khi bước vào, nhập cuộc mới thấy kiếm sống ở Mỹ cũng không
dễ chút nào, nhất là những công việc thuộc về người không hợp lệ sống trên nước
Mỹ. Đặc biệt mùa cuối năm, những người Mễ lậu không còn việc cắt cỏ, họ sống khổ
lắm, có quen biết họ mới rõ.
Tôi tiếp tục làm thử công việc mà tôi chưa từng nghĩ đến trước
đó. Anh bạn người Mễ trong chung cư mà tôi thường cho gia đình anh ta cá tôi
câu được. Một hôm cuối tuần, cuối năm, anh ta nói với tôi, “Ngày mai anh đừng
đi câu cá hay ở nhà uống bia nữa, hãy đi làm với tôi, kiếm tiền mua quà Giáng
sinh cho vợ con.” Tiếng Anh tôi chưa thạo, anh ta cũng không rành, nhưng hiểu
nhau. Sếp anh ta nói tìm thêm người làm nên anh ta muốn tôi đi làm cùng anh ta,
công việc dễ thôi, làm ngày nào lãnh lương ngày ấy, làm tiền mặt nên không phải
khai thuế…
Vậy là mười giờ đêm tôi rời khỏi nhà để đi làm cùng anh ta.
Lần đầu tiên trong đời tôi biết đến công việc rửa bãi đậu xe ở khu thương mại.
Chỉ quan sát được một nhóm mà tôi là người mới trong nhóm họ chứ còn nhiều nhóm
khác nữa cùng làm việc lúc nửa đêm ở bãi đậu xe chỉ có gió lạnh và buồn ngủ,
tôi còn thấy buồn tủi trong tâm can mình vì từ cha sanh mẹ đẻ chưa bao giờ phải
làm những công việc âm thầm, lặng lẽ trong gió lạnh như vầy. Cảm giác lẻ loi
nơi đất khách quê người, xa nhà khi năm hết tết đến như những mũi kim châm vào
phế phủ buốt giá hơn cả thời tiết.
Chừng mười người đeo trên lưng mười cái máy thổi cỏ, họ
giăng hàng ngang và xuôi theo chiều gió để thổi rác. Công việc của tôi là hốt
rác vô bao, đầy bao cột lại thì tiếp tục bao khác, để gọn vô một chỗ nào đó để
gom hết bao rác một lần. Mười người thổi rác xong việc thì họ trở lại xe, đeo
lên lưng bình xịt hoá chất thay cho cái máy thổi cỏ. Họ lại giăng hàng ngang đi
xịt hoá chất tẩy nhớt do những chiếc xe hơi cũ của khách hàng bị chảy nhớt, lâu
ngày làm đen xì bãi đậu xe. Sau đó họ làm lính cứu hoả, kéo ống xịt nước từ cái
xe chở bồn nước từ từ chạy theo sau lưng họ, rửa nhớt xe và hoá chất trên bãi đậu
xe… Chúng tôi làm xong một khoảng lớn bãi đậu xe tính theo cột đèn trong bãi
thì nghỉ giải lao một chút rồi làm tiếp tới cột đèn tiếp theo. Đến hừng đông đi
thu gom bao rác lên xe để chở đi bỏ rồi về nhà ngủ. Bãi đậu xe của khu thương mại
chiều qua còn dơ bẩn những bãi nhớt đen xì thì sáng hôm sau đã sạch sẽ, tạo cảm
giác dễ chịu cho khách hàng đi mua sắm mùa lễ…
Coi như làm tám tiếng từ mười giờ đêm đến sáu giờ sáng trong
môi trường khắc nghiệt với thời tiết cuối năm mà làm việc ngoài trời. Công việc
thấy vậy nhưng rất mệt, dễ bị cảm lạnh, nhưng lương bèo chỉ có năm đồng một giờ.
Dù không trả thuế nhưng tôi cầm bốn mươi đồng tiền lương rửa bãi đậu xe một đêm
đông lần đầu cũng là lần cuối trong đời. Sau đó là mâu thuẫn bản thân khi trót
nghĩ đã muốn viết lại cuộc sống của người di dân trên nước Mỹ thì việc gì cũng
nên trải nghiệm để không viết bằng tưởng tượng sau khung cửa sổ, nhưng vợ con cứ
năn nỉ đừng làm nữa vì công việc đêm hôm cực quá lại dễ cảm cúm, thật là khó vẹn
đôi đàng.
Nói tới kiếm sống ở Mỹ còn nhiều ngành nghề khác mà sau khi
qua Mỹ tôi mới biết như người đi mua garage sale là công việc chính thức của
anh ta. Anh ấy người Việt nên thương cảm tôi mới qua còn lơ ngơ, không kinh
nghiệm. Anh dạy tôi,
“Mới qua phải không?”
“Dạ đúng.”
“Ừ thì mới qua, đi mua đồ garage sale về xài cho đỡ tốn tiền
cũng được. Nhưng đi garage sale thì phải nhanh mắt, trả giá và mua cho lẹ rồi
nhanh chân để còn đi chỗ khác. Anh cứ xà quần ở đây, rồi họ không bớt giá thì
không mua được. Trong khi ở chỗ khác thì người khác mua hết rồi.”
“Vậy hôm nay tôi theo anh để học hỏi được không?”
“Tôi đâu cấm anh chạy theo tôi được, nhưng đừng hỏi tôi gì
nha. Tôi không có thời giờ để trả lời anh đâu!”
Tôi sốc với người Việt ở Mỹ về lối nói chuyện thẳng thừng đến
khiếm nhã, tôi không nói chuyện với ai như thế ở quê nhà, nhưng quê nhà đã là
dĩ vãng từ khi bước chân đi. Thế là tôi lái xe theo anh ta, không hỏi câu nào
như không quen biết, đi được năm bảy nhà bán garage sale trong
thời gian rất ngắn. Anh ta xuống xe, đảo mắt một lượt và mua món nào là bốc
luôn để người khác khỏi giành. Quan trọng nhất với anh ta là hốt hết mớ vòng
vàng đồ giả. Cuối cùng là trả giá mẻ vòng vàng, dây chuyền giả. Những đồ vật cũng
gộp chung trả giá một lần, rồi nhanh chóng cho lên xe và vọt đi chỗ bán garage
sale khác.
Cuối cùng tôi cũng biết được nhà anh ta, việc làm của anh ta
là đi mua garage sale ba lần cuối tuần, đến lần thứ tư trong
tháng thì anh bán garage sale tại nhà vào hai ngày cuối tuần.
Những ngày người khác đi làm thì anh có nghề thợ bạc nên ở nhà lọc lấy vàng từ
những đồ trang sức mạ vàng mà anh đã mua tiền đồng nhưng bán ra vàng thật. Chuyện
này làm tôi nhớ người bạn khi còn ở trong nước, cũng làm nghề thợ bạc. Tôi thấy
uổng phí nên hỏi anh ta, “vòng vàng, bông tai giả của con nít đeo chơi ba ngày
tết mà anh mạ vàng thật thì có uổng phí vàng lắm không?” Anh ta đã trả lời tôi,
“Mạ vàng mà không dùng vàng thì dùng gì để phủ lên bề mặt của dây chuyền, bông
tai làm bằng dây kẽm? Chỉ khác là người có một chỉ vàng thôi nhưng muốn đeo cái
lắc chọi chó cũng chết nên mướn tôi làm cái lắc năm chỉ, vậy một chỉ vàng phải
mạ lên cái lắc bốn chỉ bằng đồng, thau gì đó. Cái lắc đó đeo vài năm thì vàng
thật bọc ngoài bị mòn đi, trơ ra lõi bằng đồng, thau, hơ lửa đen xì nên mới có
câu vàng thật không sợ lửa. Còn tết đến, tôi xi mạ cả rổ bông tai cho con nít với
nửa chỉ vàng thì đúng là qua tết, bông tai trơ ra dây kẽm đen xì, vứt bỏ…”
Trở lại với người kiếm sống bằng nghề garage sale,
thu nhập của anh ta gấp đôi người đi làm hãng xưởng. Trở thành quen biết nên mấy
chục năm sau, tôi biết anh vẫn giữ nghề, hành nghề mua bán tự do tự tại. Hồi đó
chưa có karaoke nên rảnh rỗi, vợ chồng anh chơi nhạc sống, rủ
thêm vài người bạn biết chơi đàn, chơi trống để hát hò ở nhà om xòm với giàn nhạc
anh mua từ garage sale. Tôi biết thêm một nghề ở Mỹ như nghề mua ve
chai bên Việt Nam vậy, nhưng kiếm tiền dễ ụi, mua trúng mớ vòng vàng của mấy bà
Mỹ già, không thích nữa thì bán garage sale, đâu nhớ cái đó là vàng giả hay
vàng thật! Hay may mắn mua được mớ cần câu cá của một ông già Mỹ thì lời hết biết
nói luôn, mua cây cần câu mười đồng nhưng bán lại cả trăm bạc là chuyện thường
vì những cây cần câu tốt có giá vài trăm cũng là chuyện thường. Và những cây cần
câu mà một cần thủ đã giữ lại bên mình tới già, tới đi câu hết nổi thì
bán garage sale như chạy trốn quá khứ và kỷ niệm thì đâu kể
bán được bao nhiêu tiền. Một người bạn câu có lần mua mão mớ cần câu của ông
già Mỹ trắng bán garage sale hai trăm đồng, sau khi anh ta đã
chừa lại cho mình hai cây cần câu tốt nhất, vậy mà còn bán lại cho bạn câu được
hơn một ngàn đồng, là bán giá bạn câu rồi đó nha.
Còn biết bao nghề lạ như đi bỏ quảng cáo cho nhà hàng, cái
nghề khiến tôi nghĩ về lòng người khác hết những bài học trong trường khi nhỏ về
lòng nhân ái, những trang sách tôi đọc về tình người sưởi ấm lúc gian nan trong
đời. Hồi nhỏ, đọc truyện “cô bé bán diêm” bỗng ứa nước mắt; đọc truyện “cánh đồng
tuyết” cũng thương cảm đến ứa nước mắt khi cô bé hỏi mẹ, “chừng nào anh con chết”
chỉ để nó được ăn thức ăn của những nhà hàng xóm cho gia đình có người chết
theo lệ làng là nhà có đám tang thì không nổi lửa. Nhưng kiếm sống ở Mỹ mới biết
ứa nước mắt không phải vì thương cảm nhân vật trong truyện mà là thương thân
mình…
Chủ nhà hàng thuê bạn đi bỏ quảng cáo đã nói trước là không
bỏ trong chung cư mà bỏ khu nhà riêng, họ chỉ định luôn những khu nhà giàu, vì
sao? Vì họ cần khách hàng giàu có gọi đặt thức ăn nhiều tiền hơn dân nghèo
trong những chung cư. Làm người đi bỏ menu mới thấm thía tầng lớp ở xã hội nào
cũng vậy. Khi vào chung cư, bạn xoay người một vòng đã bỏ được bốn cái menu vì
bốn cánh cửa nhà tụ lại chân cầu thang. Bạn kiếm được bốn lần bảy xu cho một
cái menu, bạn có hai mươi tám xu bỏ túi không đầy một phút. Bạn làm việc siêng
năng thì một ngày bỏ menu trong chung cư bạn có thể bỏ được một ngàn cái, kiếm
được bảy mươi đồng tiền mặt, hơn lương đi làm hãng năm đồng một giờ, ngày tám
tiếng chỉ có bốn mươi đồng, tuần bốn mươi giờ được hai trăm, trừ thuế còn trăm
tám.
Nhưng đi bỏ menu thì không được chơi trò
gian lận, bỏ thùng rác menu của nhà hàng, vì thuê bạn xong là
họ có người đi kiểm tra. Những người Mễ lậu, Mỹ đen mất “job” vì tống menu của
nhà hàng vào thùng rác, họ không ăn năn đâu, họ kiếm chuyện với bạn, phá bạn nữa
là đàng khác. Bạn bỏ đến đâu thì họ nhặt đến đó… rồi bỏ thùng rác chung cư, bỏ
cho vương vãi ra để chủ nhà hàng đi kiểm tra dễ dàng phát hiện. Một mình bạn
dám đương đầu với cả đám không khi hành hung xảy ra?
Cũng vẫn là bảy xu cho một cái menu nhưng
chủ nhà hàng chỉ khu nhà giàu, bạn không được tự ý đi bỏ khu nhà khác. Bạn đi rụng
giò một ngày cũng chỉ bỏ được năm trăm cái vì nhà cách nhau hai cái sân cỏ mênh
mông. Những khu nhà giàu có hơn nữa thì cách nhau những cái sân cỏ có thể cưỡi
ngựa vì nhà này cách nhà kia tới bốn số. Ví dụ căn nhà số 1800 thì nhà bên cạnh
trong khu nhà bình dân là 1804, nhưng khu nhà có thể cưỡi ngựa trong sân thì
nhà số 1800 có nhà bên cạnh là 1820, cách nhau không thương xót người đi bỏ menu nên
chua lắm, chua chát luôn là những ngôi nhà như biệt thự ấy thường có bảng gắn
trên tường trước cửa nhà họ là không được bỏ quảng cáo, không dán hay treo trên
nắm cửa. Lòng người giàu không nên căn cứ theo số tiền họ cho từ thiện mà nên
nhìn cư xử của họ với người nghèo sẽ thấy thực hơn vì tiền cho từ thiện khai
thuế được còn thông cảm với người đi bỏ menu thì đồng tiền họ
chi ra không có tiếng keng như lên báo đài là nhà từ thiện. Họ chỉ có thời gian
để gọi mắng vốn chủ nhà hàng, còn tái diễn thì họ có thời gian gọi cảnh sát vì
người giàu không muốn người nghèo xuất hiện trong khu nhà họ ở. Dù sao tôi cũng
biết thêm được một nghề ở Mỹ mà khi còn trong nước tôi không thấy, không biết
bây giờ có nghề đó ở Việt Nam chưa?
…
Hôm nay tôi biết thêm được một nghề, đúng hơn là một người,
không đúng hết vì nghề và người tôi đã biết trước rồi. Nghề câu cá bán thì người
Lào nhiều lắm, họ chịu cực chịu khổ đi câu hai ngày cuối tuần, về làm cá còn cực
hơn câu cá. Họ bán lại cho những người làm chung hãng cũng nhiều tiền chứ không
ít đâu; họ gom tiền đồng thành tiền chục, tiền chục thành tiền trăm, tiền trăm
thành tiền ngàn thì đi đóng tiền điện cho sòng bài một lần, nhiều khi còn không
đủ thì bán xe, bán nhà vì người Lào thường rất máu với bài bạc.
Sáng nay nghỉ lễ Giáng Sinh, đã hai hôm tôi ngồi xem TV tới
muốn mục xương sống vì trời lạnh quá nên không đi câu được. Chịu hết nổi bốn bức
tường câm nên tôi đi cầu may, đi là ra khỏi nhà cho bớt tù túng. Dĩ nhiên tính
trong bụng là không câu cá striper được vì trời lạnh câu rê
sao nổi khi phải đứng ngoài trời và hai tay làm việc liên tục chứ đâu giấu hai
bàn tay trong túi áo lạnh được. Tôi tính câu catfish, móc mồi bỏ đó
rồi vô xe ngồi, chừng chuông gọi hồn ai tính sau. Nhưng xa xa một dáng người
quen quen, tôi đoán là anh Thuần. Mới đầu tôi nghĩ: Ông già gân ha, trời này mà
dám đứng lure cá striper. Tuy thời tiết bốn mươi độ F không phải
là lạnh lắm, nhưng ngoài hồ thường lạnh hơn trong thành phố cả chục độ, rồi gió
mười bốn dặm một giờ thì lạnh cóng tay, nước mắt nước mũi tha hồ chảy, sóng
đánh một hồi làm đôi ủng dưới chân cứng và lạnh như nước đá. Tôi gọi anh không
được vì sóng gió, thêm tuổi già lãng tai của anh. May hay rủi mà trời mưa, anh
chạy về phía tôi. Tôi mời anh lên xe tôi uống ly trà nóng cho ấm bụng.
Tuy quen biết đã lâu, chào hỏi thân tình nhưng không trò
chuyện nhiều vì thường gặp ngoài bãi câu nên ai cũng lo câu. Hôm nay lễ Giáng
Sinh nên ơn trên cho cho hai ông già một cơn mưa ân sủng. Chúng tôi trò chuyện,
“Anh gân quá ha, trời này mà dám đứng lure striper.
Tôi chỉ dám câu catfish để trốn lạnh…”
“Tôi thì câu catfish làm gì khi nhà không ai ăn.”
“Catfish kho ăn cơm trắng cũng ngon vậy? Catfish kho tộ, nấu
canh chua như ngoài nhà hàng được mà, catfish nướng cuốn bánh tráng cũng hết sảy…”
“Hồi vợ tôi còn khoẻ thì bà ấy làm, tôi không biết làm cá, nấu
cá. Hai đứa con tôi cũng chỉ biết ăn thôi. Bây giờ chúng có gia đình, sống
riêng ra, tôi câu được catfish về cho con cháu cũng chẳng ai làm. Cho cá
striper thì con trai tôi còn làm cho vợ con nó ăn, nó chia cho gia đình em gái
nó cùng ăn cá ông ngoại câu. Nhưng con gái, con trai cũng chẳng đứa nào múc
sang cho ông bà nội, ông bà ngoại một miếng, có lẽ tôi cho không đủ ăn nên cứ
áy náy trong lòng.”
“Thì ông đã cho con cháu hết đời ông rồi còn gì mà áy náy với
ân hận?”
“Tính tôi vậy. Nếu trời không mưa chắc tôi cũng không uống của
anh ly trà nóng ngoài hồ quý như nước thánh vì đúng lúc mà trà lại ngon. Tôi sợ
nợ ân tình khi mình không có gì đáp trả.”
“Anh khách sáo quá, mình người Việt với nhau thì ly trà có
đáng gì. Lúc nào tôi cũng có bình trà nóng trong xe, mai mốt gặp nhau anh cứ tự
nhiên uống là tôi vui. Anh thấy xe tôi có khoá cửa bao giờ, cái gì tôi có cũng
là ơn trên ban tặng nên sống là câu trả lời: ‘Ai là anh em tôi’ mà Chúa hỏi
chúng ta.”
Tôi thấy ông đeo trên cổ cây thánh giá bằng gỗ như đồ cổ lên
nước bóng loáng, không biết mình thật lòng được bao nhiêu nên sợ Chúa phạt thấy
mồ, nhưng hãy nói lời vinh danh Chúa với người mộ đạo là kinh nghiệm hồi nhỏ
hay đứng ngẩn tò te với mấy người em xóm đạo…
Ông tư lự nói, “Cảm ơn anh nhiều nha. Tôi biết anh từ
lâu lắm rồi nhưng không có dịp nói chuyện. Tôi thường đọc anh trên báo. Chừng gặp
anh đây thì ai cũng mê câu nên không dám làm phiền…”
“Anh Thuần năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”
“Tôi bảy mươi hai, hưu rồi anh ơi.”
“Bảy mươi hai thì anh còn khoẻ lắm, trời này dám đứng câu
striper thì tôi chịu thua anh…”
“Tôi nghĩ, cái hoàn cảnh khiến người ta làm được hết à anh
ơi. Nếu bây giờ anh phải ra ngoài trời làm việc thì mới có cơm gạo cho con ăn,
tự nhiên anh làm được hết à!”
“Anh còn phải nuôi ai mà hoàn cảnh, tiền già, tiền hưu của
anh đâu? Đừng có nói với tôi tiền già không đủ trả tiền child support…”
“Mỗi người một hoàn cảnh, biết đâu mà nói. Nhưng tôi biết
anh như nói hồi nãy là đã lâu rồi. Đọc báo tôi cũng biết người viết nên nói thật
anh thương. Vợ chồng tôi tính về hưu sống ở Việt nam nên giúp đỡ con trai, con
gái mua nhà sau khi tụi nó lập gia đình. Căn nhà của vợ chồng tôi sẽ bán là vốn
liếng để về Việt Nam sống mấy năm cuối đời. Nhưng về già vợ tôi bệnh hoài nên bỏ
kế hoạch về Việt Nam vì bên đây mới có medicare. Hiện tại tiền già,
tiền hưu không tệ nhưng vô bà ấy hết vì tôi không nói ra được. Nói gì với vợ
mình khi đã già, nói được thì phụ nữ Việt đâu có chết như nhau vì bà nào cũng hồi
đau quá, phải đi bệnh viện mới chịu nghe bác sĩ, uống thuốc tây. Nhưng chỉ xuất
viện về nhà là lại đi ông thầy thuốc nam, thuốc bắc, mười bà Việt Nam qua đời
thì chín bà bị thuốc vật mà chết chứ đâu tới bệnh làm chết người.”
“Tôi mới nghe anh là người đầu tiên nói ra đúng với suy nghĩ
riêng tôi. Tôi thấy mẹ tôi, má vợ, rồi tới chị tôi cũng đều chết y chang như
anh nói. Má vợ tôi hưởng thọ được bảy mươi mốt tuổi, đâu đã già nhưng sáng thuốc
tây chiều thuốc tàu nên lên đường sớm. Mẹ tôi được tám mươi sáu vì ăn chay trường
nên kiệt sức mà chết. Nguyên nhân dẫn đến tử vong của phụ nữ phải kể thêm vụ ăn
chay trường nữa, đại ca. Sau khi cha tôi chết, mẹ tôi ăn chay trường như tạ ơn
trời phật cho hết nợ hay sao, ăn chay tới kiệt sức mà chết. Nhưng chị vợ tôi mới
bảy mươi sáu, sống ở Mỹ hơn bốn chục năm vẫn chết bởi thuốc nam, thuốc bắc đánh
lộn với thuốc tây trong người thì ai sống nổi. Thêm ông thầy Tàu châm cứu bằng
dao lam, một lần châm vài mũi kim mà tính hai trăm đô la tiền mặt như cứa cổ
người ta bằng dao lam…”
“Thôi thì tiền hưu, tiền già vợ tôi có xài hết cũng được.
Nhưng tôi còn cha mẹ già trong nước mới khó cho tôi…”
“Anh còn cha mẹ. Hai bác được trăm tuổi chưa?”
“Ba tôi chín mươi tám tuổi rồi, má tôi chín mươi hai. Cả đời
hai người không uống viên thuốc tây nên thọ…”
“Vậy bây giờ hai bác sống với ai?”
“Tôi có bốn anh chị em. Anh Hai, chị Ba tôi chết rồi. Tôi thứ
Tư, sống bên đây. Cô em út tôi sáu mươi tám, nó nuôi cha mẹ chứ tôi vô dụng.
Nhưng ba năm trước nó bị đột qụy, không làm được gì nữa. Bây giờ ngồi, nằm một
chỗ mà vẫn phải nuôi cha mẹ…”
“Tôi hiểu rồi, anh không giúp được gì cho em gái anh nên anh
buồn…”
“Thì hoàn cảnh tôi bây giờ là vậy đó. Tôi chỉ tốn tiền đổ
xăng chứ có xài gì đâu. Mới nghỉ hưu thì đi câu giải trí, tới hồi gia cảnh cứ
eo hẹp lại vì tiền thầy tiền thuốc nam thuốc bắc cho vợ tôi. Đời sống ngày càng
khó, thấy con gái, con dâu cứ cho chồng con tụi nó ăn gà kho gừng với thịt heo
kho trứng riết tôi cũng buồn nên ráng đi câu cá striper cho con cháu được ăn chứ
ngoài chợ bán mười đồng, mùa cá hiếm mười hai đồng một cân striper thì tiền đâu
mua nổi…”
“Anh hơi lo quá đáng rồi đó! Anh chị tới tuổi này còn tự lo
cho hai người, không hoặc chưa nhờ tới con cái đã là hay lắm rồi. Mình không thể
lo cho con cái tới hết đời nó đâu…”
“… Thì cũng lo cho tới hết đời nình chứ anh. Điều tôi lo hơn
nữa là em gái tôi nằm một chỗ ba năm nay rồi. Cháu gái tôi đã chồng con lo
không hết, lo cho mẹ đột qụy nằm một chổ thì cháu rể còn chấp nhận được, nhưng
lo luôn cho ông bà ngoại vợ thì hơi quá đáng. Tôi là cậu, là con trai của ba má
tôi thì ngồi yên được sao? Hôm em gái tôi bị biến chứng, phải nhập viện, cháu
tôi cho cậu hay chứ không yêu cầu gì. Tôi đang câu bỏ về nhưng nghĩ về nhà thì
giúp được gì cho em tôi. Tôi ghé chợ Tàu bán mấy con cá câu được, không dám ghé
chợ Việt vì xấu hổ và sợ người quen biết được sẽ nói lại với vợ con tôi. Xấu hổ
nhất là cháu nội cháu ngoại hỏi hôm nay ông không câu được cá hả ông? Người làm
ông mà nói dối cháu mình làm tôi không ngủ được…”
…
Tôi lặng người với ông mới ngồi trong xe tôi chưa được một
tiếng đồng hồ đã già thêm mười tuổi. Đôi mắt ông như mờ đục hơn trời âm u ảnh
hưởng bão ngoài kia, ai cũng nghĩ là mình khổ quá, rồi trách trời trách đất,
nên gặp người khổ hơn thì người ta thúc thủ để bảo toàn nỗi khổ riêng mang. Ông
cũng vừa kịp nhận ra mình đã không nên nói nên xin tạm biệt. Tôi biết nói gì với
người đồng hương xa xứ lúc tuổi già…
“Anh ngồi nám lại chút nữa, trời còn mưa mà, uống với tôi ly
trà nữa rồi về chứ câu ciếc gì trời này. Cảm ơn anh đã tâm sự cho tôi nghe,
nhưng coi như tôi chưa từng nghe gì hết. Anh nói biết tôi đã từ lâu, mình chào
hỏi nhau đã nhiều. Xin cho tôi nói thật lòng: Anh không nhờ vả con cái giúp đỡ
vì họ cũng không dư giả chứ không phải con cái anh tệ với cha mẹ, anh không
giao tiếp nữa để khỏi có qua có lại vì eo hẹp tài chính cũng đúng đó. Tôi cũng
đang như thế nhưng không do tài chính mà do ngộ ra chỉ có sự yên lặng là tử tế,
biết sống một mình là trưởng thành.
Tôi không nhiều tiền nhưng cho anh mượn vài trăm bất cứ lúc
nào cũng có, anh cần vài ngàn thì tôi cũng xoay sở được, bảo đảm với anh là có.
Tôi chỉ có một yêu cầu với anh là không mạo hiểm, anh nghĩ coi anh tuổi này rồi
mà giờ này ra đây thách đố với thời tiết thì ai thắng. Tôi không biết anh là
không duyên nợ gì nhau theo ông Phật nói, nhưng đã quen biết anh là ý Chúa muốn
thế khi Ngài hỏi, “ai là anh em tôi?”. Anh nghe lời tôi đi…”
“Thiệt là cảm ơn, tôi cũng tự trách mình nhiều lắm vì cái gì
đã làm được lần đầu sẽ có lần sau, nói dối con cháu đem cá đi bán được một lần
nên sau đó tôi thường mất ngủ …”
“Thôi như vầy đi, khi anh cần cứ mượn tôi tới tôi không còn
để cho anh mượn thì trời cho mình cách khác. Trời không có đường cùng, tôi
không muốn anh chết vì cảm lạnh ngoài hồ này…”
“…”
Ông rời đi sau khi từ giã tôi, quyển truyện “Cánh đồng tuyết”
đọc hồi nhỏ như cuốn phim cũ tái hiện trong đầu. Ông tiều phu đốn củi nuôi gia
đình sống qua ngày. Ông cố đi chuyến cuối, đốn mớ củi để gia đình sưởi ấm khi
tuyết đã trắng trời, Giáng sinh đã về, nhưng không may trượt chân té xuống vực
thẳm và qua đời. Tục lệ làng là nhà có đám tang không nổi lửa, những nhà hàng
xóm nấu thức ăn đem sang cho nhà có tang.
Cách làng họ một cánh đồng tuyết có ngôi nhà trắng, bán nhu
yếu phẩm cho cả làng. Gia nhân của nhà trắng đem đến nhà người tiều phu không
may mâm thức ăn toàn cá, thịt thơm ngon. Nhưng tang lễ qua khi Giáng sinh về,
người mẹ không thay chồng đi đốn củi trong rừng được để nuôi hai con nhỏ. Bà đi
giặt màn cửa sổ, chẻ củi, dọn dẹp nhà cửa cho hàng xóm đón Giáng sinh cũng đủ
nuôi con tạm bợ. Nhưng Giáng sinh đến, hàng xóm không cần bà giúp việc nữa. Bà
nghĩ ra cách kiếm sống, đi hỏi hàng xóm cần mua gì ở nhà trắng, bà vác bao vải,
băng qua cánh đồng tuyết để mua cho họ, tiền công đi chợ thuê cho hàng xóm, bà
mua lương thực cho con. Nhưng bà bị cảm lạnh sau vài ngày vì ai cũng ngại băng
qua cánh đồng tuyết mùa Giáng sinh, bà không đi được nữa. Đứa con trai mười tuổi
thấy mẹ bệnh, em gái kêu đói mà lều không có gì ăn. Nó vác bao vải đi chợ thuê
cho hàng xóm. Nhưng rồi nó cũng cảm lạnh, không đi được nữa. Người mẹ trong cơn
sốt nghe con gái nhỏ kêu khóc vì đói. Bà cố dậy, moi móc trong lều được củ
khoai, nướng cho nó ăn đỡ dạ. Cô bé bỗng hỏi mẹ, “Chừng nào anh con chết?”
Đã ba mươi lần Giáng Sinh xa quê, năm mươi lần Giáng sinh nhớ
cô bé ngây thơ trong truyện “Cánh đồng tuyết”. Nghĩ đến những người xa quê kiếm
sống bằng đủ các ngành nghề trên nước Mỹ bao la, may là bao dung. Chúa đã
thương xót những mảnh đời phiêu bạt với câu hỏi “Ai là anh em ta?” Câu trả lời
của mỗi người Chúa đều nghe hết…
Phan