tặng người cùng quê
Trèo lên đỉnh dốc, đời sẽ thấy
Một rừng. một núi. một quê hương
Thảng thốt kêu bầy, chim ông lão
Than già như cây cội tà dương
Quê ngồi dưới gốc buồn thiu thít
Cây tre còn trẻ đã phong trần
Lá bay theo gió mười phương thổi
Tản mạn như người buổi chiến tranh
Bùi ngùi quê khóc không thành tiếng
Đất đỏ tràn đi khắp nẻo đường
Nắng bụi mờ trời, mưa lầy đất
Con chó còi nhai miếng thảm thương
Gió chướng thổi qua cầu
Mười Bốn Cầu già như một bộ xương khô
Trăng soi lạnh cả vùng sông nước
Mạn ngược xuồng ai cố chống vô
Hoa cà phê đắng, hương nồng, ngất
Rỉa rúc vào tim thấm lịm hồn
Ruộng rẫy khuya về rêm tiếng suối
Mõ ốc cầm canh rợn cô thôn
Thấp thoáng gì trong màu quê cũ
Mà câu đồng thiếp quá ghê người
Bão đời kéo lê qua bão mắt
Ngằn ngặt lệ sâu cơn khóc ai
Quê khóc giùm anh hùng mạc vận
Mùa mưa gục ngã ngoài chiến trường
Mảnh hồn tan tác bay về núi
Sống lẩn vào trong nỗi tiếc thương
Quê xót giùm thân người con gái
Tháng Ba chết duối ở bên đàng
Chiều rơi một trái hoàng hôn
Tím tím mộ em vùi nông - Phước An
Quê tiếc giùm trăm con tình lỡ
Bàn tay cách trở mối tơ hồng
Này năm ba tấm u hờn mỏng
Vất vưởng trôi về đâu trống không
Hường rơi một nhánh trong câu hát
Nở trên môi nhỏ đỏ trái tim
Lấp lánh trôi dài theo nhịp phách
Rồi lạc về đâu mù bóng chim
Trầm Hương một đóa xanh hồn nhớ
Tóc thả huyền thơm sang nhà ai
Rồi cũng úa em trong hoài niệm
Trầm bay, hương đành chịu phôi phai
Mòn tay cố níu ân tình cũ
Mù bay con Yến tới xa xăm
Thủy xa, Phượng cũng thay màu áo
Hiu hắt lòng tôi bóng nguyệt nằm
Đi qua đường cũ, thăm nhà cũ
Rêu phong lỡ lói liếm hoen tường
Hoang phế nổi lên mùi ẩm mốc
Lòng ngăn giọt lệ nuốt vào trong
Đi qua đường cũ, thăm trường cũ
Cây đa trời đánh chết, không còn
Lối nào dẫn xuống khu Thiết Giáp
Ai dắt giùm lên núi Châu Sơn
Đi vô rừng rú, thăm mùa cũ
Đào hư một gốc kỷ niệm xanh
Tập thơ mối đùn cao nấm đất
Đau hoài trang giấy khóc thất thanh
Trèo lên cây sấu, cây cơm nguội
Hái xuống ăn cùng trái gió sương
Nhìn lung trên nẻo đời bay bụi
Kẻ còn, người mất, đứa tha hương
Khóc mùi một trận đi, quê núi
Vuốt ngực trôi xuôi những nỗi niềm
Trả hết về xưa cho gió xóa
Để hồn ươm vạt nắng vàng im
Trèo lên đỉnh dốc Đời sẽ thấy
Một rừng Một núi Một quê hương...
Phan Ni Tấn sanh năm 1946 tại Banmêthuột. Phụ thân là người
Cần Giuộc, trôi dạt ra tới Huế, lập gia đình với cháu ngoại của viên Ngự Y triều
Vua Khải Định, sau đó đưa gia đình lên Ban Mê Thuột sinh sống từ năm 1942. Bên
ngoại thuộc dòng hoàng phái, bà Cố tổ Ân Phi Hồ Thị Chỉ là vợ chánh thức của
vua Khải Định.
Phan Ni Tấn học trung học ở Banmêthuột (1960), Đại học
Khoa Học Saigon (1969), và là sinh viên Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức (1970). Sau biến
cố 1975, ông đi tù cộng sản tại Ban Mê Thuột cho đến năm 1978 thì vượt ngục trốn
về Sài Gòn sống đời trôi sông lạc chợ rồi vượt biển đến Thái Lan vào năm 1979,
cuối cùng định cư tại Toronto, Canada từ năm 1980. Sau gần 40 năm đi làm cho
hãng xưởng, hiện nay ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn không ngừng sáng tác.