Cửa Bắc Thành Cổ
(để tưởng nhớ đến Bố nhân ngày giỗ thứ 10: 12/20/2024)
Chuyến đi Sơn Tây dự tính cả năm nhưng mãi đến cuối thu 2010 chúng tôi mới thực hiện được. Bố tôi đã hơn 100 tuổi nhưng thể lực tương đối vẫn còn khoẻ do đó tôi dắt Bố về thăm lại cố hương trước khi có cơn gió mạnh nào đó chưa kịp thổi tắt ngọn nến vàng.
Bố mẹ tôi sống tuổi thơ ở miền quê nhỏ bé này, cùng đi học,
đi làm, yêu nhau rồi lập gia đình và sau cùng di chuyển về thủ đô. Tôi sanh tại
Hà Nội nhưng vì quê nội và ngoại đều gốc Sơn Tây nên mỗi khi nghe câu thơ “Quê
hương là chùm khế ngọt” tôi hình dung ngay đến Sơn Tây mặc dù địa danh
hữu tình này chỉ sống trong tâm khảm qua những câu chuyện gia đình.
Ngày về mang nhiều ý nghĩa, Bố sẽ thăm lại miếng đất cũ của
gia đình, tuy đã 100 năm nhưng vẫn còn đó! Tôi muốn ngồi nghe Bố kể lại chuyện
tuổi thơ và cả chuyện 100 năm của Bố với Mẹ nơi quê cũ... Hy vọng Bố còn khả
năng nhớ lại kỷ niệm đã tròn 1 thế kỷ! Sự việc đó trên thực tế hẳn cũng không dễ
dàng.
Từ Hà Nội theo quốc lộ 32 đi về hướng Tây Bắc, khoảng 40 cây
số hơn 1 tiếng đồng hồ chúng tôi đến Sơn Tây. Trung tâm thị xã là Thành Cổ, tọa
lạc trên miếng đất vuông, bờ tường cao xây bằng đá ong. Đền Vọng Cung hay còn gọi
là Điện Kiến Thiên ở giữa Thành được cất từ thời vua Minh Mạng thứ III để hàng
năm cúng trời đất cho quốc thái dân an. Những năm chiến tranh, quan quân cố thủ
trong Thành vì được bảo vệ bên ngoài bởi 1 con hào vừa dài vừa sâu. Hiện nay vẫn
còn chứng tích và nước sông hào Tích Giang bao thế kỷ vẫn êm đềm chảy quanh.
Ở Sơn Tây, tôi là khách lạ nhưng mang tâm trạng sâu đậm như
người trở về nguồn cội. Đầu tiên tôi tìm mua tấm bản đồ tỉnh lỵ nhưng không ai
bán, họ chỉ dẫn địa điểm Thành Cổ rồi theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc của hình
vuông ấy là sẽ tìm ra mọi nơi. Hướng Nam đối diện với phố Quang Trung còn gọi
là Cửa Tiền, Cửa Hậu ở hướng Bắc có phố Lê Lợi và nếu đi thẳng đến cuối đường sẽ
gặp sông Hồng, hướng Đông là Cửa Tả nhìn ra chợ Nghệ và cuối cùng hướng Tây hay
Cửa Hữu có phố Ngô Quyền. Cấu trúc đặc biệt này làm tôi liên tưởng đến thành phố
New Haven thuộc bang Connecticut nơi có trường đại học Yale. New Haven cũng bắt
đầu từ miếng đất vuông ở giữa tỉnh gọi là New Haven Green rồi tất cả đường phố
hay cơ sở đều xây ngang dọc chung quanh giống như Thành Cổ Sơn Tây.
Bố Mẹ tôi lúc bé sống với Ông Bà ở Cửa Hậu, từ đó lại đưọc
phân chia ra bốn khu: Hậu An, Hậu Ninh, Hậu Bình, Hậu Tĩnh. Gia đình Ông Bà ở
phố Hậu An, lúc đó Bố Mẹ tôi là những đứa trẻ học trường làng. Hiện nay, nhà cửa
ở khu phố này đã xây mới lại, chỉ còn 2, 3 căn lụp sụp, cửa ngõ xiêu vẹo, chắc
chẳng bao lâu nữa cũng phải đập đổ nhưng đặc biệt ngôi chùa Hậu An vẫn đẹp,
kiên cố, ngạo nghễ như thách đố với thời gian. Chùa toạ lạc ngay khu đất xưa,
được bảo trì nên vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm. Phố Hậu An bây giờ đổi
thành Lê Lai, cắt ngang phố chính Lê Lợi. Ở đây có tiệm phở Xê, nghe đồn ngon
và rẻ nhất Sơn Tây. Ông Xê khi còn sống đạp xích lô, chán nghề nên mở tiệm phở,
bây giờ giao cho vợ con nhưng quá đông khách nên chỉ làm đến giữa trưa là đóng
cửa. Tiệm phở không có bảng hiệu nhưng cả tỉnh ai cũng biết.
Mỗi sáng tôi đi bộ với Bố ăn điểm tâm phở Xê hay bánh cuốn
tráng tay rồi đi bộ đến quán cà phê gần ngôi chùa cổ, khu đất xưa của Ông Bà tổ
tiên. Quán có một bàn nhỏ, đối diện với phố chợ. Ngồi bên nhau, nhiều lần tôi
thấy Bố nhìn xa xăm, chẳng nói lời nào vì kỷ niệm quá dầy hay nghẹn ngào do tất
cả đã lùi vào dĩ vãng hoặc đắn đo chẳng biết bắt đầu câu chuyện đời mình từ
đâu? Bố thích hương vị cà phê đen, tôi để ý những lúc yên lặng, Bố hớp một ngụm
đắng như muốn vơi đi nỗi buồn tha hương, nỗi buồn phu thê nay đã nghìn trùng xa
cách... Tôi bỏ thuốc lá đã 10 năm nhưng hôm nay, tự nhiên tay quơ lấy bao thuốc
trên bàn và đốt lúc nào không hay!
Giờ phút lịch sử này quay lại từ 100 năm, chẳng biết Bố đang
nghĩ gì? Tôi thầm biết mình may mắn có đủ điều kiện, cả thời gian và sức khoẻ,
giống như cá hồi bơi ngược giòng trở về nguồn cội. Hơn thế nữa, tôi còn được ngồi
cạnh Bố già “Người về từ trăm năm” trên mảnh đất cũ sáng nay.
Ngày nào cũng có phiên chợ, người mua kẻ bán như trảy hội,
đa số là các bà, các cô. Tôi ít thấy đàn ông Sơn Tây ở nơi này, họ thường la cà
các quán nhậu, tán dóc với bạn bè nếu không thì trầm ngâm với điếu thuốc trên
môi. Ở Sơn Tây, tôi dậy sớm lúc 5 giờ, tản bộ đường Quang Trung là đến Thành Cổ.
Tôi gặp vài cô gái trẻ quét lá vàng trên phố. Khoảng 1 tiếng sau thì đèn đường
tắt và loa phóng thanh rỉ rả tin tức từ quê ra tỉnh, mọi nhà vẫn đóng cửa ngủ
yên như không có gì xẩy ra.
Có buổi chiều, khi ánh dương vừa khuất sau đồi, tôi đến khu
đất nhiều cây lá, có tên là Vườn Ổi để uống cà phê với mấy bạn. Ngồi ở vườn, với
không khí ảm đạm miền quê, ngọn đèn mờ ảo, từ trong nhà 2 thiếu nữ tuổi đôi
mươi ra tiếp chúng tôi… Được biết mảnh vườn này ở khu Hậu Bình (gần khu Hậu An
của Bố Mẹ tôi) đất quê của Trung Tướng Lê Nguyên Khang tư lệnh Thủy
Quân Lục Chiến miền Nam trước năm 75 và bây giờ những người cháu của ông làm chủ
quán Vườn Ổi vừa rộng vừa hữu tình. Căn nhà cũ của Tướng Nguyễn Cao
kỳ ở Cửa Hữu, phố Ngô Quyền. Nghe kể ông Kỳ có về thăm Sơn Tây chớp nhoáng,
sáng đến chiều đi. Ông có người anh cùng cha khác mẹ tên là Nguyễn Cao
Đăng qua đời mấy năm nay. Sinh thời, ông Đăng bán báo sống qua
ngày, cuộc đời cơ cực bần hàn.
Ngày 30 tháng 4 năm 75, khi chiếc xe tăng đầu tiên cán dẹp
cánh cửa sắt chạy thẳng vào Dinh Độc Lập; chiếc xe thứ hai từ phía sau lướt tới...
Hình ảnh ấy chúng ta đã xem nhiều lần trên truyền hình nhưng truyện này có một
chi tiết quan trọng tôi xin kể vì người Sơn Tây bất mãn...
Trên chiếc xe tăng đầu tiên có 3 bộ đội, họ đánh sập cửa sắt
Dinh Tổng Thống nhưng cả 3 không hề được ghi công. Chiếc xe thứ 2 vượt lên, vị
sĩ quan tức thì nhẩy ra, leo lên Dinh cắm lá cờ xanh đỏ vàng rồi sau đó hắn được
gắn huy chương và công trạng đi vào lịch sử. Trong 3 người ấy, Phượng là nông
dân Sơn Tây, bây giờ cắt tóc ở bờ hào, công an đuổi lên đuổi xuống vì làm việc
nơi công cộng không có giấy phép, người thứ 2 lái xe Lam ở Saigon và người thứ
3 trở về thôn cầy ruộng.
Chợ Nghệ nằm ở Cửa Tả, lấy tên của làng Nghệ, cách xa tỉnh
Sơn 1 cây số. Chợ vừa xây 2 tầng ngay bên bờ hào Thành Cổ; những ngày tôi đến
thì chợ chưa khánh thành và người ta họp chợ tạm gần đó. Đi chợ có cái vui là
thấy sinh hoạt của tỉnh, rau cỏ, trái cây đều tươi từ quê mang ra. Tất cả gà vịt,
chim chóc, cóc nhái hay hải sản cá, cua, tôm, lươn đều còn sống. Khi chọn ăn
con nào thì con đó chết! Người bán cắt cổ, giết ngay trước mặt mình rồi nhổ
lông làm sạch tại chỗ. Có lần 2 chim bồ câu đã bị đập chết chỉ vì tôi chán thịt
gà! Kể từ đó, tôi không muốn trở lại phiên chợ Sơn Tây 1 lần nào nữa.
Danh lam thắng cảnh ở xứ Đoài nhiều lắm: Đền Và, Chùa Mía,
Chùa Tây Phương, Núi Ba Vì… Tản Viên là ngọn cao nhất của núi Ba Vì. Từ Thành Cổ,
tôi có thể nhìn thấy ngọn Tản Viên khi trời quang mây tạnh. Tản Viên là nơi xẩy
ra sự tích Sơn Tinh, Thủy Tinh mà chúng ta đều đã học lịch sử. Tỉnh Sơn Tây xuất
phát nhiều nhân tài tập trung ở 2 địa hạt quân sự và văn chương chẳng hạn như:
Tản Đà Nguyển Khắc Hiếu, Quang Dũng, Chu Tử, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Ngọc Ngạn…
ngoài những tướng tá tôi kể ở trên còn có Ngô Quyền, Phùng Hưng…
“Đôi mắt người Sơn Tây” là đôi mắt có linh hồn,
không phải chỉ đẹp bề ngoài mà chứa đựng cả bầu trời tâm sự bên trong. Khi về
đây, tôi hỏi vài trưởng lão để tìm “Đôi mắt người Sơn Tây” thì
không ai có câu trả lời rõ ràng vì không thấy cô gái nào có đôi mắt đặc biệt ấy!
Thỉnh thoảng tôi gặp vài cô gái đẹp nhưng không phải đôi mắt. Sau cùng, đọc lại
bài thơ Quang Dũng: “Đôi mắt người Sơn Tây, u uẩn chiều lưu lạc, buồn
viễn xứ khôn nguôi…” thì tôi không đi tìm nữa, đôi mắt ấy tôi đang sở
hữu ở nhà và nhiều lần đã say đắm. Nỗi lòng này chỉ duy mình tôi hiểu…
Cuối cùng tôi đến viếng từng ngôi mộ, ông Bà Nội, ông Bà Ngoại,
tôi cũng thăm tất cả họ hàng, có người chỉ biết tên chưa bao giờ gặp nhưng đã sớm
nằm trong lòng đất. Nghĩa địa ở đây quạnh hiu không bút nào tả được, không khí
lạnh lẽo bao phủ tận chân trời, từng ngôi mộ xanh cỏ đôi khi không bia đá,
không hàng lối nổi lên ngổn ngang từ mặt đất tạo nên cảnh kinh hãi như người chết
nhấp nhô trở về.
Đất xưa nên cảnh tượng hoang tàn, con người Sơn Tây nghèo khổ,
đâu đâu cũng thấy đầu tắt mặt tối vì miếng cơm manh áo nên người chết phải sống
trong lạnh lùng, ít ai dành thời giờ thăm viếng bảo trì vì thế khi bước vào mộ
phải chặt cây, nhổ cỏ mới tìm đến nơi. Tôi nhớ nhất Bà Ngoại, năm 54 để Bà ở lại,
Bố Mẹ tôi di cư vào Nam, cứ ngỡ xa cách chỉ vài tháng là đoàn tụ nhưng chiến
tranh mỗi năm mỗi khốc liệt và mỗi ngày một cách xa. Bà già yếu khóc nhiều vì
nhớ thương con cháu nên lòa cả 2 mắt rồi ra đi không một ai trong gia đình ở
bên Bà. Bao nhiêu kỷ niệm đẹp của tôi đều xuất phát từ tình yêu của Bà. Tôi đã
đến, đốt nén hương lòng, ngậm ngùi tưởng nhớ những năm xưa, những ngày thơ ấu
có bàn tay Bà nâng niu ấp ủ... Gió bão thời cuộc đã cuốn đi tất cả và cuộc đời
vẫn nổi trôi!