20 June 2015

NGƯỜI ANH EM - Hồ Đình Nghiêm

Một cây có bao nhiêu năm tuổi mới tạo ra được một bóng im mát bên đường? Nó cần thiết để hiện diện hay nó vô ích, xâm hại làm chật đất?
Kẻ qua đường có hôm nhìn ra cái khác lạ, một khoảng trống ngập nắng. Người ta đã hạ đốn nó đi, thinh lặng. Màu xanh nó gieo xuống một góc phố đã thôi còn. Kẻ qua đường dửng dưng hay lòng sầu đổ theo giọt mồ hôi chảy dọc sống lưng? Thinh lặng.

Là người Việt, có bao nhiêu triệu, tựa đời cây bị bứng đi? Số tuổi thọ của mình là 22 năm, bị chặt, bật gốc rễ, mang cành lá tiêu điều sang trồng đất mới. Nhớ năm ấy, người Hoa được nhà nước cho đóng tàu vượt biển kiểu bán chính thức trong khi lính Trung quốc mở những cuộc tấn công ở biên giới phía Bắc. Họ sợ, lỡ có bề gì, đám người Hoa kia sẽ là “một bộ phận không nhỏ” nhập chung vào đạo quân bành trướng xâm lược nọ?

Người Hoa ra đi bán chính thức, mình chẳng giống họ, mình đi chui. Một bên: Vai mang ba lô. Một bên: Quần áo không có mà cắp nách. Người Việt, hỗn danh: Trần văng Trụi. Qua được đất tạm trú, người ta gán vào thân đứa “Duỵt-nàm dành” một con số. Nơi ăn chốn ở, địa chỉ liên lạc, nhận sự uỷ lạo từ thập phương cũng đè con số ấy mà lần ra, trao gửi. Tên họ có thể trùng lẫn, số má thì tuyệt đối không. Một là một mà hai là hai. Minh bạch, chả ấm ớ. “Một hôm đếm một thành ba, một lần đếm một mà ra bốn lù”. Ngôn kiểu đó là anh rớt thanh lọc ngay. Anh bị đẩy lên máy bay trả về cho cố quận thì cái gì đang chờ đợi anh ở khúc ruột ngàn dặm nát nhừ nọ, tất anh đã rõ, dông dài làm gì cho tốn giấy mực!

Cây đã bứng đi rồi, cả năm trời, giờ mang về đất cũ trồng, liệu nó sống được chăng? Ôi, thậm khó. Chỉ nghĩ thôi đã nghe “nửa hồn thương đau”.
Đã 36 niên trôi qua, giờ mình thành dân điên (Canadien) thôi nói quàng xiên, bỏ thói con rồng cháu tiên, người đắm mộng liên miên. Cỏ đã bén đất thiêng, nơi tôn trọng những niềm riêng. Và chính mình cũng tự tôn trọng, tựa một con chiên: Không về lại chốn xưa hỗn mang kỷ niệm mà làm gì, cho má nó khinh.
Nguyên Sa nói: “đời xưa ta nhớ mây tiền kiếp, còn lúc bây giờ ta nhớ em”. Nhớ, xem ra chỉ có duy đó là hình ảnh đẹp. Biến sự tương tự nọ thành hiện thực, một gặp mặt liệu còn nguyên vẹn hình hài chút sương khói xưa? Thực tế bao giờ cũng đong đầy nỗi phủ phàng. Em đã hiểu thấu và em trông mong, đừng nhìn nhau nữa anh ơi, hoa xuân đã phai nhàu. Một thứ “đền cũ lâu đài bóng tịch dương”!
Trong văn học cổ của Trung hoa có câu chuyện, bứng cây quýt phương này mang trồng ở phương nọ, quýt ra quả và trái chua lét le. Cây Việt Nam tuồng có khác, phải hoán đổi môi sinh, phải gieo hạt xứ lạ, dẫu băng tuyết quanh năm, nó mới đâm chồi kết nụ sản sinh ra trái lành quả ngọt. Ngạn ngữ Việt do vậy mới tựu thành một biện chứng: Đất lành chim đậu. Và Bùi Giáng cũng rung đùi: “Làng tôi chim nhảy mười chân, làng em bướm liệng có phần nhiều hơn”.
Ôi, chim với bướm. Ôi quýt với cam. Ôi hai quả tuyết lê. Ôi khe rạch núi đồi. Tất thảy dường như ngày một mỏi mòn kiệt quệ khi có bàn tay người nước lạ nhúng vào, vấy bẩn. Cây đốn đi vì người anh em muốn dùng nó làm bàn ghế, bạn có thể vô cảm khi chứng kiến cái chết của đời cây. Nhìn một đàn con gái trần truồng đứng phô thân cho bọn đàn ông sờ nắn mặc cả mua về làm vợ, bạn là nam nhân xứ Việt lẽ nào nhắm mắt chẳng bợn tấc lòng? Bạn bịt tai trước những thông tin cảnh báo để mua trái cây nhiễm đọc nhập từ Trung quốc. Bạn vo gạo nấu cơm và mắt bạn chẳng tài nào nhìn ra phân nửa hạt ngọc trời cho được trộn lẫn “hàng nhái China”.
Mình chưa hề trở lại chốn cũ nhưng có theo dõi những hoạt cảnh xẩy ra mỗi một sát na, diễn liên hoàn trên từng cây số và mình đồng tình với câu nói “đương đại”: Biết chết liền!
Hôm qua, tình cờ đọc thấy trên Facebook một đoạn ngắn của Sỹ Liêm y như câu chuyện khôi hài thời đại: “Ở nước ngoài, khi mình tỉnh mình lái xe đường thẳng. Khi mình say mình lái xe hình chữ S. Ở Việt Nam, khi mình tỉnh, mình lái xe hình chữ S, do tránh ổ gà, sợ té chết. Khi mình say, mình lái thẳng… Tỉnh hay say cỡ nào cũng chết”.
Cái hay của đoạn văn ngắn này nằm ở chỗ: hình chữ S. Mẫu tự này tượng trưng cho bản đồ VN. Cái bản đồ mà mình cóp nhặt từ một trang mạng ở trong nước, bày ở trên ngó không còn nguyên dạng chữ S. Hoặc chẳng sớm thì muộn nó sẽ bị biến dạng đi. Khi cây đồng loạt bị chặt hạ làm náo loạn dân tình, dân phản ứng và người ta tạm ngưng sự phá hoại. Nhưng liệu một bản đồ quốc gia bị gặm nhắm, bị khuyết tật cỡ đó, dân bất bình và dân phản ứng bằng cách nào? Nhà nước chìu lòng dân?
Liệu bạn có bi quan? Để rồi đọc thơ Bùi Giáng qua một dạng khác: Làng tôi chim nhảy một chân, làng em bướm rụng một phần lông bay.
Nhảy hay bay, kiểu nào cũng chết. Nếu còn xem thằng giặc phản động phương Bắc là người anh em.

Hồ Đình Nghiêm