Đây là sản
phẩm của tưởng tượng, mọi trùng hợp ngoài đời đều ngoài ý muốn của tác giả.
Không biết
ông thân sinh nó có ngụ ý gì không khi đặt tên nó là Thắng. Nếu thắng được hiểu
như chiến thắng, đánh đâu được đó thì phải xem ước mơ của ông thân sinh nó, một
ước mơ đến giờ phút nầy có vẻ như là một ước mơ không đạt vì cái nghề giáo sư
dạy toán cho một trường trung học của Thắng không phải là một thành quả to lớn
gì lắm đối với một sinh viên du học. Cái chiến thắng duy nhất của Thắng dưới con
mắt của nhiều người vừa ngạc nhiên vừa thắc mắc là nó cưới được con vợ vừa đẹp
vừa ngoan. Nhưng chuyện đó sẽ được giải thích về sau.
Trở lại
chuyện cái tên. Nếu ông thân sinh Thắng đặt tên nầy cho nó với ước mong khi lớn
lên Thắng sẽ là con người sống biết tự chế thì quả thật ông đã chọn nhầm tên.
Thắng từ thuở còn là học sinh, sinh viên cho đến khi làm thầy giáo, làm chồng,
làm cha là một tay “nói toạc móng heo,” một tên phát ngôn không kiêng nể, một
gã ăn nói không cần rào trước đón sau, không sợ đụng chạm.
Thắng nhỏ
người ốm o. Sống ở xứ thừa thải sữa, bơ, phó mát nó chưa bao giờ cân nặng quá
50 kí. Thắng có chiếc cằm nhọn, chóp mũi cong như mỏ keo, cặp mắt lồi. Nó lại
chơi một cặp kính đồi mồi to bự. Nhìn nó, nghèo óc tưởng tượng mấy, cũng thấy
hiện ra ngay hình ảnh một con dế. Bởi vậy thời trung học, thắng đã mang biệt
danh là Thắng Dế để phân biệt với một Thắng khác cùng lớp là Thắng Mập. Vào đời
với cái tính ăn ngay nói ngang Thắng bị ghép thêm một biệt danh thứ hai là
Thắng Dế Gàn. Thắng đụng chạm càng nhiều, sự bực mình của người chung quanh
càng lớn. Người ta xóa luôn tên của nó và hễ nhắc đến Thắng, người ta bằng một
giọng bực tức hay cam chịu, gọi nó là thằng dế gàn.
Tôi biết
Thắng nhân một buổi họp của một hội ái hữu mà cả Thắng và tôi đều là hội viên.
Mục đích buổi họp là bàn việc tổ chức một đêm văn nghệ gây quỹ cho hội. Ông Chủ
Tịch và Ban Chấp Hành đưa ra kế hoạch: giá vé vào cửa tương đối rẻ để lấy số
đông, nhưng kèm theo đó để tăng thu sẽ có phần bán tập san của Hội, xổ số và
đưa phong bì mỗi bàn quyên tiền giúp nạn nhân bão lụt trong nước. Người phản
đối gay gắt nhất kế hoạch gây quỹ là Thắng. Phải công nhận Thắng có tài hùng
biện. Nhỏ con nhưng giọng nó sang sảng, nói năng mạch lạc, lên giọng xuống
giọng, dứt câu đúng chỗ đúng lúc.
Tôi đồng ý
hội chúng ta cần phương tiện tài chánh để sinh hoạt; tôi đồng ý chúng ta cần
giúp đỡ đồng hương có liên hệ với hội chúng ta. Nhưng tôi không đồng ý cách gây
quỹ. Tôi có cảm tưởng chúng ta dụ những thân hữu của chúng ta đến dự để rồi đè
họ ra bóc lột thêm với những mục bán tập san của hội mà tôi chắc người bị ép
mua sẽ cũng chẳng có mấy ai đọc, bán vé xổ số, quyên tiền v.v.. Tôi không đồng
ý chúng ta sách nhiễu thân hữu chúng ta quá độ. Làm quá, qua vài lần họ sẽ xa
lánh chúng ta hết. Tôi đề nghị chúng ta bán vé đắt lên một chút rồi thôi. Có xổ
số thì xổ số miễn phí, lấy hên cho vui mà thôi. Chúng ta sẽ thu ít nhưng chúng
ta sẽ được sự ủng hộ lâu bền. Thân hữu của chúng ta đến tham dự phải được coi
như là một sự ủng hộ rồi xin hãy để yên cho họ mua vui sau đó.
Thắng nói
đúng ý tôi. Nhưng tôi là người nhút nhát giữa đám đông nên dù bất đồng ý kiến
với ai cách mấy tôi cũng giữ im lặng. Có người mạnh miệng nói lên điều mình
không dám nói, tôi cảm phục Thắng hết sức. Sau buổi họp, tôi tìm đến bắt tay
Thắng và làm thân với nó từ bữa ấy.
Đêm văn nghệ
vẫn được tổ chức với đầy đủ tiết mục mà Thắng đã cực lực phản đối. Tuy đông đảo
người tham dự nhưng không khí đêm văn nghệ ồn ào mà tẻ nhạt. Thức ăn nghèo nàn,
văn nghệ vá víu chen vào đó là tiếng gào năn nỉ bán sách, bán vé số. Đối với
tôi, đúng như Thắng nói, đêm hôm ấy tôi không mua được vui, chỉ thấy mình bị
sách nhiễu. Quá nửa khách tham dự bỏ ra về sau khi ăn món chót. Thắng không có
mặt trong đêm văn nghệ đó.
Rời nhà
Thắng trên đường ra xe, vợ tôi bình phẩm ngay bữa tiệc đầu tiên vợ chồng chúng
tôi được mời cùng hai cặp vợ chồng khác: - Anh Thắng có lối tiếp bạn giống anh.
Em nghĩ mới quen nhưng anh và anh Thắng sẽ rất hợp nhau.
Vợ tôi đi
sát tôi, hai bàn tay ôm chặt cánh tay tôi. Tôi nghe có chút gì vừa bằng lòng
vừa hãnh diện trong giọng nói của nàng. Đúng, vợ chồng Thắng đã tiếp chúng tôi
đúng như vợ chồng chúng tôi vẫn làm mỗi khi có dịp mời bạn hữu dùng cơm. Tiếp
bạn đối với tôi là làm sao cho bạn khi ra về cảm thấy không uổng phí một buổi
tối của họ. Bạn tôi không ai đói ăn đói uống cả nhưng thèm được thoải mái, thèm
được thân tình, thật sự thân tình trong khi ăn uống. Tiếp bạn là dành những gì
bình thường mình không dám dùng, chờ bạn tới mới mang ra để cùng nhau thưởng
thức. Tiếp bạn không phải để khoe, không phải để trả, tiếp bạn là tạo niềm vui
cho người và cho mình. Tiếp bạn là cho hết lòng để nhận được hết tình.
Khi cho xe
từ từ rời chỗ đậu, tôi hỏi vợ tôi: - Em có thắc mắc tại sao anh Thắng không mấy
bảnh trai mà có bà vợ đẹp lại có vẻ rất chìu chồng không?
Vợ tôi cười
đáp: - Chị Điệp biết thế nào những người bạn mới cũng thắc mắc nên lúc em đứng
phụ chị trong bếp, chị ấy nói: “Chị Mai biết không, ai cũng thắc mắc tại sao
mình lại đi lấy một ông chồng không đẹp trai lại mang tiếng là gàn nữa. Mình
chấm anh Thắng là vì lối tỏ tình của anh không giống ai. Anh nói theo thống kê
đức tính nơi người đàn ông mà người đàn bà thích nhất là sự chân thật. Rồi anh
ấy nói với mình ‘Có hai điều tôi có thể bảo đảm với Điệp, điều thứ nhất tôi
không đẹp trai, điều thứ hai tôi là người có sao nói vậy. Phần còn lại tôi
không dám bảo đảm gì với Điệp hết.’ Mình chọn anh Thắng cũng với lý luận thường
tình thôi: chồng xấu là chồng của mình, xấu mặt nhưng tốt lòng là được. Mình
thấy anh Thắng thẳng tính chứ không gàn. Và mình tin sự lựa chọn của mình là
đúng.”
Chúng tôi
nghĩ Điệp là một người đàn bà khôn ngoan. Họ sống với nhau đã trên 20 năm. Hai
con của họ một trai một gái đều là những sinh viên xuất sắc ở Đại học. Nhưng
khi cô con gái lớn của Thắng sắp lấy chồng thì có vấn đề. Hai vấn đề cùng một
lúc. Một vấn đề đến từ đàng trai; một vấn đề đến từ hai đứa trẻ. Đàng trai muốn
một tiệc cưới thật sang. Họ muốn đãi cơm Tây và chọn một nhà hàng ngoại ô thành
phố. Theo tục lệ tây phương, tiệc cưới do nhà gái chịu chi phí. Nhưng đàng trai
muốn làm tiệc lớn nên đề nghị chia đôi chi phí. Nhưng trong số 250 quan khách
dự trù mời, đàng trai dành lấy 150 chỗ. Họ dành đặt thực đơn và bắn tiếng mỗi
phần ăn là 200 đồng. Việc bắn tiếng mỗi phần ăn 200 đồng làm Thắng nổi giận. Nó
tìm đến tôi trút nỗi bực mình:
- Bắn tiếng
như thế có nghĩa là họ muốn phía tao, tao cũng phải nói với những khách tao mời
mỗi phần ăn là 200 đồng. Nói như thế để làm gì ? Để nhắc khéo bạn bè phải cho
bằng hay nhiều hơn 200 đồng à? Đám cưới con mình, mình mời bạn bè đến chung vui
hay đến để chung tiền? Tao nghĩ bạn bè mình đãi ở đâu họ cũng chỉ cho, tùy theo
túi tiền và tùy theo độ thân tình ít hay nhiều. Còn mình muốn làm cho lớn, làm
cho sang thì mình phải chịu tốn kém chứ, tại sao lại bắt bạn bè gánh chịu?
Vợ Thắng chỉ
ôn tồn nói với chồng:
- Phía mình
khi đưa thiệp mời mình đừng nói gì cả. Ai cho bao nhiêu cũng được. Phía đàng
trai họ làm gì kệ họ. Mình lớn tiếng chống đối con cái nó buồn.
Thắng tấn
công luôn hai đứa trẻ:
- Hai đứa
tụi nó cũng không khá. Chúng nó nói đám cưới của chúng nó, chương trình phải để
chúng nó nắm. Chúng nó chê chương trình văn nghệ bằng tiếng Việt của mình là
xưa rồi. Chúng nó và đám bạn ngoại quốc của chúng nó nghe không hiểu gì hết.
Còn tôi, tôi dự hàng chục cái đám cưới mà bọn trẻ nắm chương trình từ đầu đến
cuối thì có gì mới mẻ. Ở đâu thì cũng lui tới mấy cái màn “qua cầu gió bay,”
chú rể bịt mắt sờ tìm tay cô dâu, một thằng lên kể tiểu sử chú rể, một con lên
kể tính tình cô dâu, rồi đặt câu hỏi ở nhà ai rửa bát, ai giữ chi phiếu vân vân
và vân vân.. Chúng nó vui với nhau thiệt nhưng còn khách của ông bà già chúng
nó ngồi đó mà chịu trận à? Tôi đồng ý ai cũng có cái lý của mình hết. Nhưng
phải công bằng nhìn sự việc như thế nầy: Nếu con cái mình muốn tiệc đám cưới là
tiệc của chúng nó, chúng nó có quyền quyết định hết thì cũng được nhưng ngoài
họ hàng, mình sẽ không mời bạn bè tham dự. Liệu bạn bè của chúng nó có đóng góp
đủ để chúng nó trang trải chi phí không? Còn muốn mời bạn bè của cha mẹ để
người ta cho tiền thì phải để cho cha mẹ tiếp đãi họ chu đáo, chu đáo trong
phần ăn uống cũng như trong phần giải trí. Tôi sẽ gặp hai đứa chúng nó, phân
tích sự việc cho chúng nó thấy rồi tùy ý chúng nó chọn lựa.
Vợ chồng
chúng tôi đi dự đám cưới con gái Thắng mà trong lòng vô cùng hồi hộp. Nhưng lạ
lùng thay, mọi sự êm xuôi nếu không muốn nói là tốt đẹp. Phần sinh hoạt được
phân chia đồng đều: phần đầu cho đám trẻ, phần sau cho người lớn. Tôi lại bội
phần khâm phục cái ngang mà ngay của Thắng, ngay cả với con cái nó.
Nhưng Thắng
trở nên hòn sỏi trong gót giày của vài hội đoàn và nhóm tư nhân khi nó lên
tiếng công kích những buổi văn nghệ gây quỹ liên miên gọi là để giúp trẻ em mồ
côi, trẻ em khuyết tật ở trong nước. Nó viết một bài gởi báo cậy đăng có trả
tiền với những lời lẽ rất mạnh bạo. Nó viết:
- Giúp trẻ
em mồ côi, trẻ em khuyết tật là một việc làm đáng được khuyến khích. Nhưng nếu
tiền lời thu được đem ra chia phần cho hội đoàn mình núp bóng, mượn tên, trả
thù lao cho chính mình nếu người tổ chức lại là ca sĩ, dùng phần lớn tiền thu
vào phương tiện di chuyển ăn ở cho người tổ chức mang tiền về Việt Nam thì thử
hỏi số tiền còn lại khi đến tay các em bé bất hạnh phỏng được là bao nhiêu?
Hành động như thế phải coi là vì danh vì lợi chứ không thể gọi là thiện nguyện
được.
Bài báo của
Thắng gây bàn tán trong cộng đồng. Một tuần sau, xe của Thắng đậu bên lề bị ai
đụng rồi bỏ chạy. Kính chiếu hậu bên trái bị bể nát và hông trái của xe bị lõm
một lỗ lớn. Ba tuần sau Thắng bị du đãng hành hung trên đường ra bãi đậu xe sau
khi xem chiếu bóng xuất tối ra. Thắng khai với cảnh sát rằng một tên núp sẵn
gần xe nó, khi Thắng khom người định mở cửa xe thì bất thình lình tên du đãng
xuất hiện dùng cây gậy dã cầu phang vào đầu nó nhưng Thắng nhờ nhanh mắt nhanh
trí kịp chuồi người xuống đất lăn mình núp dưới lườn xe nên cây gậy chỉ phang
trúng ống chân trái của nó. Tên du đãng sau đó vọt lên xe một đồng bọn đã rồ
máy chờ sẵn để tẩu thoát.
Tôi vội vã
vào bệnh viện thăm Thắng sau khi được vợ nó báo tin. Thắng đang nằm ở phòng cấp
cứu. Tôi nắm chặt tay nó. Thắng nín đau cười với tôi:
- Bác sĩ nói
chỉ gãy kín một xương ống chân thôi. Bó bột, sau vài tuần là lành. Nó mà phang
trúng đầu chắc tao “đi” rồi. Mầy yên chí, xứ nầy tự do thật, nhưng kẻ gian khó
thoát lắm. Mầy tin tao đi thế nào cũng tóm được tên chủ mưu. Nhưng với mọi
người tao chỉ nói là bị cướp.
Tôi ngồi
lặng thinh ở cuối phòng nghe người trong hội trường bàn tán về vụ Thắng bị hành
hung. Tôi ngạc nhiên vì không ai tin Thắng bị cướp, ai cũng nghi Thắng bị trả
thù, bị đánh để dằn mặt. Tôi bỗng chú ý đến hai người đàn ông ngồi hàng ghế
phía trước tôi. Tôi không quen mặt nên không rõ họ là hội viên của hội hay chỉ
là thân hữu. Người có ria mép nói với người có tóc bạc:
- Thằng
Thắng là một tay can đảm dám nói sự thật. Chúng muốn dằn mặt nó nhưng tôi bảo
đảm nó chẳng sợ đâu.
Người đàn
ông tóc bạc gật đầu tiếp lời:
- Hội đoàn
nào, Cộng Đồng nào của người Việt mình cũng cần có vài thằng như thằng Thắng
thì mới khá lên được, mới sạch ra được.
Nghe mấy lời
trao đổi phía trước, tôi tự thẹn với lương tâm mình. Bấy lâu nay tôi thủ phận
giữ im lặng. Việc làm của Thắng cho tôi thấy im lặng là hèn. Chắc tôi sẽ phải
năn nỉ xin làm học trò Thắng. Trong trí tôi hiện ra một khuôn mặt quen thuộc
với cái cằm nhọn, chiếc mũi keo và đôi mắt lồi núp sau gọng kính đồi mồi đen
to. Đúng là mặt của một con dế mèn. Nhưng con dế ấy giờ đây tỏa rực hào quang.
Tôi lẩm bẩm trong miệng một câu có vẽ như lạc đề: “Thảo nào nó chẳng được vợ
đẹp.”
Trang Châu