14 November 2015

TÌNH VUI GANG TẤC… - Đoàn Xuân Thu

Thưa chuyện rằng: Một ông vừa từ giã cõi đời, hồn bay lên đến tận chín tầng Trời. Trước khi cho phép ông nhập “tịch” ở thiên đình, vị quan giữ cổng Trời làm một cuộc sát hạch:
“Ông có mèo chuột, lăng nhăng gì không?”
“Thưa không!”
“Ông có yêu vợ ông không?”
“Thưa cũng không!”
“Sống mà cái gì cũng “Không” hết… nghĩa là ông đã chết tự lâu rồi… mà sao mãi tới giờ nầy ông mới lên được tới đây vậy hả?”
Như vậy tình yêu là dấu vết rõ ràng nhứt của sự sống chớ không phải nước hay oxy mà các khoa học gia không gian NASA Hoa Kỳ bỏ công rồi mất công tìm kiếm ngoài vũ trụ!
Sống là phải yêu mới được. Còn khi đã nghỉ yêu, lòng ta đã nguội như trà thiu; lạnh như nước đá, thấy ai, dù sexy, hấp dẫn trong bộ bikini, hai mảnh nhỏ, cỡ bàn tay, mà tim mình vẫn không không lay… động, trơ như đá, vững như đồng; không lăn tăn thì dù vẫn còn ăn, còn nhậu, còn thở, còn ngáy ‘pho pho’ cũng xem như đã chết tự lâu rồi.

Thưa mấy thằng Tây thực dân sau khi xâm lược, chiếm đóng và cai trị nước ta tới 114 năm, nhận xét về người Việt mình, dựa theo cái bề dày kinh nghiệm kha khá, nó phán rằng: Việt Nam mình, nhứt là mấy ông, ai cũng là một ông quan nhưng phải là quan văn mới được, (quan võ cho tao… tao cũng bỏ?!).
Mà phàm là quan văn thì ai cũng khoái làm thơ. Đi đánh giặc Tàu, thay vì gươm giáo thì làm thơ cho nó sợ chơi… Sau nầy chắc có lẽ máu thơ vẫn còn luân lưu trong huyết quản hay sao nên bất cứ đề tài nào bà con cô bác mình lên web đều thấy có thơ.
Thơ nhiều tưởng dở. Hỏng phải vậy đâu! Cũng có thơ hay đó chớ. Mà bài thơ thế gian tình là gì hay hết biết; nên tui xin chép lại hầu quý độc giả tình thương mến thương rằng:
“Hỏi thế gian có bao liều thuốc bổ?/ Sẽ chữa lành căn bệnh khổ vì yêu/ Yêu cũng khổ mà không yêu thì lỗ/ Trái tim nầy chắc phải mổ ra xem!”
Như vậy con đường tình ta đi, từ thuở tạo thiên lập địa, ông Adam yêu bà Eva tới lúc anh yêu em… biết mấy trăm, mấy triệu năm rồi mà không mấy ai cũng hiểu.
Rồi có ráng thì cũng phải phán một câu như ông nhạc sĩ Trúc Phương rằng: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn!”
Như vậy làm toán trừ thì thấy yêu là lỗ mà còn lỗ to nữa đó. Tại sao vậy? Vì yêu là gây lộn tối ngày chớ có thơ mộng gì đâu, nhứt là trường hợp anh vớ phải em yêu hay càm ràm, dai như giẻ rách!
Chuyện nhỏ như con thỏ em không bỏ, cũng sửa lưng làm chàng phải đỏ mặt tía tai vì mắc cỡ trước bàng quan thiên hạ. Em yêu bực bội nói với anh rằng: “Từ rày ai có hỏi thì anh đừng trả lời là mình đã sống với nhau được gần một phần tư thế kỷ nữa nha; mà anh phải trả lời là mình đã sống với nhau được 24 năm!”
“Vậy thì có gì khác nhau đâu?” “Khác chớ! Khi thiên hạ thấy số 24 lớn hơn 1/4 rất nhiều, họ sẽ hiểu và thông cảm cho em đã chịu đựng tánh khí “lên trầm xuống bổng” của anh suốt tới ngần ấy năm dài!”
Hôm qua thằng Tí con mình còn hỏi em rằng: “Má ơi sao má lại đồng ý kết hôn với Ba vậy?” “Thấy chưa? Giờ tới phiên thằng con của đôi ta cũng phải rất ngạc nhiên!”
Mà tình ta không xuôi chèo mát mái chẳng qua vì tánh ghen bóng ghen gió của anh thôi! Giống hệt như chuyện: “Ông chồng có tới 6 đứa con, nhưng tánh vẫn hay ghen, phòng thủ từ xa, để không có thằng cha nào dòm ngó con vợ mình chi nữa.
Nên thay vì gọi vợ mình bằng tên mà gọi em yêu bằng Bà má có 6 con. Đặng cho tụi nó nghe là sợ chạy mất dép rồi không dám ‘be he’ mà ve vãn.
Mới đầu thì con vợ nghe thấy cũng vui vui… Sau thì bực bội. Kêu tốp cái trò khỉ đó đi mà ảnh cứ tới luôn bác tài hoài…
Một hôm hai vợ chồng đến nhà bạn bè ăn tiệc. Tới giờ về, anh rống họng: “Thôi mình về nha bà Má có 6 con.”
Con vợ nhanh chóng đáp lại tiếng rõ to, ai cũng nghe rằng: “OK, em sẽ ra ngay với anh – Người cha của 4 đứa!”

Thưa có người định nghĩa tại sao thằng chồng nó hay ghen. Chẳng qua trước khi về với nhau, cùng hát bản tình ca, thì em đã từng cho thằng khác ‘con ong đã tỏ đường đi lối về’ rồi lên báo than thở rằng: Em không còn trong trắng nữa. Chồng em cứ đay nghiến em hoài. Xin hỏi thế gian tình là gì? Giờ em phải làm sao? Bỏ nó lấy thằng khác có tâm hồn khoáng đãng hơn?
Thưa tui hằng trộm nghĩ: Vợ như tờ báo! Đứa nào đọc rồi là báo cũ; đứa chưa đọc như mình thì báo vẫn mới tinh. (Who cares?)

Nhưng lúc trà dư tửu hậu, anh bạn văn của tui trộm nghĩ khác: “Anh rất muốn anh là người đầu tiên, nhưng sẽ tốt hơn nếu anh là người cuối cùng!” Nghĩa là sao? Nghĩa là lấy anh rồi em đừng ‘ngựa’ phi đường xa nữa là OK!
Còn tui, người trước, người sau cùng, hay chính giữa gì cũng được hết ráo nha!
Đang ở với nhau chỉ xin em đừng có ‘trữ’ tình (nghĩa là ‘trữ’ thêm vài mối tình khác để xài dần dần) hay em Tình ‘phụ’ nghĩa là có ‘phụ’ thêm vài mối tình lẻ tẻ ngoài tình ‘chánh’ với anh yêu nha!

Đừng chê anh là ông chồng chỉ biết ăn nhậu, rồi ngủ kỹ việc gì cũng phó vào tay em để đến nỗi như chuyện nầy:
Vợ năn nỉ chồng cắt cỏ. Chồng trả lời: “Bộ tướng tui giống thằng cha làm vườn lắm hả?”
Năn nỉ chồng sửa cái bồn rửa chén bị nghẹt. “Bộ tướng tui giống thằng cha sửa ống nước lắm hả?”
Bóng đèn cháy! Không chịu thay! “Bộ tướng tui giống thằng cha thợ điện lắm hả?”
Vài ngày sau đi làm về, ông chồng ngạc nhiên thấy cỏ đã được cắt, bồn rửa chén không còn nghẹt nữa, bóng đèn cũng được thay mới, bật công tắc lên nghe cái cốc là sáng lòa; nên ngạc nhiên hỏi con vợ: “Nè em yêu! Chuyện gì đã xảy ra?”

“Anh biết thằng cha hàng xóm của mình mà. Ảnh tới và mọi thứ đâu vào đấy.” “Rồi em trả nó hết bao nhiêu?” “À ảnh nói: Một là em nướng cho ảnh một cái bánh thiệt ngon hay là ‘chiều’ ảnh một chút!”
“Rồi em nướng cái bánh gì?” “Bộ tướng em giống con nhỏ chuyên làm bánh lắm hả?”
Bị cắm cái sừng to tổ bố trên đầu, nên buồn bã quá, anh than: “Nhiều khi buồn quá anh muốn buông xuôi tất cả. Nhưng hỏi lòng mình đâu có nắm được cái gì để mà buông?!”
Thôi thì hai đứa mình cùng ‘tình ngoại’ tức ‘ngoại tình’ vậy nhé. Nên hai vợ chồng đang mơ màng giấc điệp. Bỗng có tiếng động. Vợ nói: “Chết rồi! Chồng em về kìa! Anh trốn nhanh lên!” Chồng nghe vậy bèn phóng qua cửa sổ nghe một cái đụi!

Thà như vậy còn hơn sống với nhau mà trù cho em chết!
“Một nhà thám hiểm vào một lăng mộ xưa, chưa ai từng khám phá, tìm được chiếc đèn thần. Nhặt nó lên, lấy vạt áo chùi cho sáng; thì một ông thần hiện ra.
“Ta là thần đèn đây, ta muốn biết trong đời, ai là người nhà ngươi căm ghét nhứt?” Nhà thám hiểm trả lời: “Dạ đó là con vợ của tui!”
“Ta cho ngươi ba điều ước nhưng có điều kiện là ngươi ước cái gì thì con vợ của ngươi sẽ được gấp đôi số đó.”
Nhà thám hiểm ước rằng: “Tui muốn một tỉ đô”

“Được! Vợ ngươi sẽ được 2 tỉ”.
“Tui ước một lâu đài ở tiểu bang California, có hồ bơi, có sân chơi quần vợt, có mọi thứ”.
“Được vợ của ngươi sẽ được gấp đôi”.
“Còn lời ước cuối cùng?”
“Dạ! Xin ông hãy đập cho tui một trận gần chết đi!” Hi hi!

Thưa đó là sự thực trần trụi không hoa hòe, hoa sói gì hết ráo! Hỏi thế gian tình là gì? Là như vậy đó!
Cha bi quan dữ nha! Buồn quá chiều nay xem tiểu thuyết. Còn tui buồn quá chiều nay coi chớp bóng! Thì thấy phim ảnh thường vẽ ra những tình yêu chung thủy, phi hiện thực nghĩa là hỏng có thiệt, là dóc. Như phim Romeo & Juliet, phim Love Story, phim Titanic chẳng hạn…
Chớ trong đời thật, đời thường, tình nghĩa vợ chồng hay của hai kẻ yêu nhau là chán, là ngán như cơm nếp nát, là gỉ sét như cầu Long Biên (thưa đúng ra là tui phải viết cầu ‘Paul Doumer’ nhưng sợ độc giả phê rằng tui viết văn mà hay chửi thề quá hà!); là đen đủi như ông già da đen, kem Hynos.
Tuy nhiên không cần phải bi quan lắm đâu, có đau đớn, có chia lìa thì cũng có hạnh phúc lúc ‘tù ti’, có sum họp trong tình yêu sau cả chục năm trời đăng đẳng anh ở đầu sông em cuối sông, (quân tại tương giang đầu, thiếp tại tương giang vĩ)… đó nha mấy huynh.

Thưa tui kể người nghe… hy vọng bà con mình cả nam lẫn nữ sẽ khôi phục lại những mối tình lãng mạn xưa có … mà sao giờ hơi ‘bị’ hiếm…
Đó là tình vui gang tấc; (chắc bà con ‘thấm ý’ biết ‘em’ muốn nói cái gì rồi?) dặm sầu biệt ly!
Đó là tình yêu không nệ khoảng cách xa xôi! Không nệ thời gian xa cách dài đăng đẳng! Không nề Cộng sản là em mà Tư bản là anh!
Khi Irina và Woodford McClellan cưới nhau họ không thể nào tưởng tượng được là phải mất thêm 11 năm trời nữa đôi uyên ương, chim mới được liền cánh; cây mới được liền cành.

Năm 1970, Irina, sống ở Mạc Tư Khoa và làm việc cho Học viện Quan hệ quốc tế và Kinh tế, ở đó em gặp chàng là một giáo sư người Mỹ, tên Woodford McClellan. Yêu nhau cả hai thành hôn hai năm sau vào tháng Năm 1974.
Sống chung chỉ được một thời gian ngắn, chiếu khán (visa) của chàng hết hạn đành phải quay về Mỹ. Nhiều lần xin quay lại thăm vợ nhưng đơn xin nhập cảnh Liên Xô đều bị bác mà không rõ nguyên do.
Đôi tân lang và tân giai nhân nầy chỉ còn biết tìm nhau qua kỷ niệm ngày cưới. Nầy hình ảnh đôi ta chụp bên nhau lúc sánh vai qua Quảng trường Đỏ (thấy mà ghê màu máu) ở Mạc Tư Khoa; bằng điện thoại viễn liên (tốn rất nhiều tiền).

Mãi 11 năm sau, nàng mới được cho phép xuất cảnh đi Hoa Kỳ để đoàn tụ với chồng… Cuối tháng Giêng, năm 1986, nàng đặt chân xuống phi trường quốc tế Baltimore – Washington, sà vào vòng tay run run rộng mở của người xưa.
Tưởng gì?! Anh bạn văn của người viết vượt biên rất lâu! Từ năm 80 mãi tới năm 95 ảnh mới gặp lại được người xưa. Cái tình nầy cũng đẹp không kém gì tình Mỹ với Liên Xô kể trên; nhưng xét kỹ là thua.
Thua là khi gặp lại người xưa, anh hỏng dám run run vòng tay rộng mở để em ‘xưa’ sà vào, ảnh không dám ôm ‘ét’ gì hết ráo… Vì lỡ có con vợ khác, hồi bên đảo rồi, đang đứng kế bên; mặt hầm hầm ghen ngược… Hu hu!
Nhưng còn lãnh qua cũng còn tốt, (theo lời ảnh biện hộ), vì theo tui biết nhiều ‘khứa’ còn giả bộ quên luôn đó nha!

“Tui tính vợ cả, vợ hai, hai vợ đều vợ cả! Nhưng hai bả không chịu, ra tối hậu thư rằng: “Người ấy và em… Anh chọn ai?” Phần Úc nó cấm đa thê! Nên biết ở với ai; bỏ ai bây giờ?
Thôi để công bình, tui bỏ hết cả hai và về Việt Nam để cưới con vợ thứ ba! Ha ha!”
Thiệt là cái thằng cha lựu đạn sét!


Đoàn Xuân Thu
Melbourne