Năm mươi lăm năm của sáu mươi lăm năm đời quả thật quá dài cho những hoài
niệm, cho những ký ức dần nhạt nhòa phôi phai theo giòng thời gian. Những lần
có dịp đi ngang qua Thủ Dầu Một tôi lại dán mắt đau đáu nhìn theo cảnh vật chạy
ngược theo vòng bánh xe lăn. Vô ích, tất cả đều quá mới mẻ, quá màu mè không
giống với những màu sắc cũ càng, không giống với khung cảnh giản dị thời tuổi
thơ tôi. Và tôi cứ vẫn mãi suýt soa tiếc nhớ những hình ảnh cũ không còn thấy
lại mỗi chuyến ngang qua đây.
Một lần, trong chuyến đi về Bầu Bàng thăm người cháu bà con, ngang qua Tương
Bình Hiệp, tôi bỗng bắt gặp một hình ảnh thoáng qua bên đường. Ngôi trường Tiểu
học Bưng Cầu nằm ngay mặt lộ mà tôi chưa từng thấy và biết đến. Thế mà hôm ấy,
hình ảnh ngôi trường đó găm vào ký ức tôi như một vết thương xưa cũ vốn đang
chực chờ những ngày trở trời để hành hạ thân xác vốn nhạy cảm cùng những ký ức
đau thương. Anh Sơn tôi đó, ngôi trường này năm xưa. Năm mươi năm trôi qua vẫn
còn nặng mang vết thương khôn nguôi. Trái mìn đặt trong ngày khánh thành trường
Bưng Cầu đã xé toang thân xác anh để đến gần năm mươi năm sau, trong lần cải
táng anh, tôi mới có dịp kiểm chứng tang thương đó. Tất cả xương cốt anh còn đỏ
tươi sau gần nửa thế kỷ vùi sâu dưới lòng đất như nhắc nhớ tôi đừng quên anh,
đừng quên người anh tuổi Ngọ, chết năm Ngọ, và chết đúng ngày sinh nhật như để
tô đậm thêm nét đau thương của con người trong cuộc chiến không mang tính người
này.
Và tôi cứ mơ sẽ tìm về một lần, về Thủ Dầu Một khơi gợi tuổi thơ của một cậu
bé chưa đầy mười tuổi, ngày nào đó của năm mươi lăm năm trước, sống cùng gia
đình nơi chốn chẳng phải quê quán mình.
oOo
Con đường quốc lộ 13 từ lâu không còn xa lạ cùng tôi. Tôi vẫn thường đi về
trục đường này có khi cùng anh Chu Trầm Nguyên Minh, có khi cùng bà xã lên
đường, nhưng lần nào điểm đến cuối cùng chỉ là trường Trịnh Hoài Đức, nơi có
hai vợ chồng anh chị Lê Vĩnh Thọ sống, để thăm hỏi và hàn huyên tâm sự chuyện
mới cũ, chuyện trời đất xa gần để chia sẽ nỗi cô độc của anh. Chỉ tới Búng,
không xa hơn.
Tháng trước, tôi hỏi anh, con đường trước nhà anh tới Bình Dương còn bao xa.
Cũng chỉ là câu hỏi vu vơ chưa chủ định. Anh nói còn năm cây số nữa, và nó đi
thẳng tới trung tâm Thủ Dầu Một. Tôi nghĩ trong đầu, thế thì không xa quá, mình
có thể ráng chạy tới một chút là thấy nơi chốn ngày xưa. Bà xã tôi nghe tôi nói
cũng tán đồng chuyện thăm qua nơi thuở nhỏ tôi từng sống. Thế là hôm nay, tôi
quay lại đây thực hiện chuyến về dĩ vãng, dù biết chắc chẳng còn thấy được cảnh
vật xưa.
Chúng tôi tới Búng mà không báo trước cho anh Lê Vĩnh Thọ. Tới nhà anh, chưa
kịp gọi đã thấy dáng anh trước cửa, một bàn con, một ghế nhỏ kê trước sân. Anh
ngồi một mình đọc sách, trên bàn la liệt những bút dạ quang đủ màu cộng thêm
cái gạt tàn và gói thuốc quen thuộc. Ngạc nhiên vì cuộc gặp không báo trước,
nhưng khi nghe tôi nói về chuyến thăm Thủ Dầu Một, anh cười nói, lại là chuyến
ngược giòng của Osin đây mà, tôi cười xòa không trả lời, chỉ cười xòa để tránh
nói tới chuyến đi dối già. Đi là cứ đi thôi khi lòng nhớ thúc giục lòng ta. Vào
nhà, chào anh chị như để điểm danh cùng anh chị, rồi lại lên xe sau khi hứa hẹn
lát nữa quay về nối tiếp chuyện trò.
Dường như tôi có chút ngập ngừng do dự khi đối mặt với con đường về chốn cũ.
Liệu tôi có thỏa mãn cơn khát khao nhìn lại khi vẫn biết chắc một điều: Tất cả
cảnh vật cũ sẽ không chắc còn thấy nữa sau dằng dặc năm mươi lăm năm. Trong tâm
cảnh đó, tôi chầm chậm lái xe đi, nhìn quang cảnh hai bên đường dẫn vào Thủ Dầu
Một vẫn còn đâu đó chút hoang sơ, nhà cửa đơn giản bên những sinh hoạt nửa phố
thị nửa làng quê. Bên giòng sông nước cạn, một xưởng cưa lâu đời, cũ kỹ, xiêu
vẹo mái tôle rỉ sét như cho ta biết nó chưa từng phồn thịnh cho đến hiện tại.
Một sự cầm cự vô vọng giữa nền kinh tế bập bênh, vô định.
Đi một vài cây số, một bùng binh rộng chia con đường thành nhiều hướng, tôi
hỏi người lái xe ôm trung niên đường nào dẫn về nhà thờ Phú Cường như tìm một
cây kim chỉ nam cho con đường mò mẫm này. Anh tài xế chỉ cho tôi hai con đường,
một Hùng Vương và một quốc lộ mười ba trước mặt.
Căn nhà số 1 Huyện Quờn ngày xưa lung linh trong trí nhớ. Đường này ngắn như
chưa có đường khác ngắn hơn, chưa kịp đặt rựa lên vai đã thấy cuối đường. Một
phía cuối đường là trường trung học Nguyễn Trải, nơi hai anh tôi theo học, và
tôi cũng từng tạm học vài tháng trước khi chuyển ra Tuy Hòa. Một phía cuối còn
lại của con đường là quốc lộ 13 đi thẳng về miền Đông, nơi cách 101 kilomet nữa
là thị trấn Lộc Ninh. Nơi chốn này là nơi chính thức tôi và hai em cùng ba sinh
hoạt hàng ngày. Thủ Dầu Một chỉ là nơi hàng cuối tuần cả nhà sum họp lại sau
một tuần chia ba: Thủ Dầu Một có má, có hai anh Điệp Sơn, cùng em Tuyết Đông.
Hớn Quản có hai chị theo học trường Trung học Bình Long. Lộc Ninh có chúng tôi,
Long, Oanh, Đạt và Ba.
Lại thêm một con đường lớn cắt ngang. Lần này tôi hỏi một người đứng tuổi về
hai xưởng sơn mài Thành Lễ và Trần Hà ngày xưa. Anh chỉ tôi một tòa nhà có mái
xám nơi xa xa và nói. Bây giờ không còn hai xưởng đó, nhưng ngày xưa đã từng
hiện diện nơi này. Nhìn thấy thoáng mái xám, lòng tôi rộn ràng vì sắp tới lúc
tôi đối mặt cùng một quá khứ bên ngổn ngang đời xa lạ, hững hờ. Ai hay kẻ lãng
du đang về lại tuổi thơ năm xưa.
Chẳng có gì cũ để tôi dựa cơn nhớ. Chậm chậm trôi vòng xe, trước mắt tôi
hiện ra một cảnh chùa dài theo con đường Hùng Vương. Đúng ra phải nói là hai
cảnh chùa, bởi sự liên tiếp nhau. Chùa đầu tiên là chùa Thuận Thiên mà người
dân ngụ cư thường gọi là chùa Công Chúa hay chùa bà Chúa, nơi thờ bà Chúa Thai
sanh, xây dựng từ năm 1898. Tôi dừng xe quan sát, nhìn trước mặt, nơi có mội
hàng rào đỏ nhỏ nhô về phía trước một chút bỗng reo nhỏ:”Phải có một con ngựa ở
đây”. Bà xã tôi ngạc nhiên tưởng tôi ngây, nhớ chuyện “dấu xưa xe ngựa hồn thu
thảo”. Không nói tiếp, tôi nổ máy xe, rề rề đến hàng rào sắt đò không xa, chỉ
cho Hạnh một con ngựa đỏ trong khuôn viên vuông vức khoảng bốn mét ngang mỗi
chiều.
Tôi thấy lại hình ảnh tôi cùng bạn Lục, con của ông Chef de dépôt sát nhà
tôi, mỗi cuối tuần vẫn cùng nhau lang thang ra đây, mê mẩn ôm hàng rào ngắm chú
ngựa dũng mãnh mơ về một thảo nguyên khoáng đạt chốn tương lai rực sáng ánh hào
quang nào đó, và tôi, và Lục chưa từng chán nhìn ngắm nó khi cuối tuần có dịp
quay về.
Ngôi chùa này là chùa Ông, hay còn gọi chùa Ông ngựa. Con ngựa xích thố của
Quan công, xây dựng năm 1868 tiền thân là một cái miếu do nhóm người Hoa theo
đạo Minh sư và phong trào phản Thanh phục Minh xây dựng, nhưng do nghèo quá nên
bỏ đi và nhờ ông Trần Hiển Vinh, một người giàu có nhơn đức tiếp quản phụng
thớ. Đến năm 1930 được trùng tu lại, đặt thêm tượng con Xích thố cùng Thanh
Long đao và đổi tên là Thanh An tự.
Tôi nhìn phía trước không xa, biết chắc chắn rằng chỉ một lát nữa thôi, tất
cả khu phố này sẽ nhòa đi để nhường chỗ cho ký ức tôi sống lại cùng bồi hồi
người cũ cảnh xưa.
“Chiều chiều mượn ngựa ông Đô
Mượn ba chú lính đưa cô tôi về
Đưa về chợ Thủ bán hủ bán ve,
Bán bộ đồ chè bán cối đâm tiêu…”
Phố thị Thủ Dầu Một ngày xưa không phát triển theo chiều dài như bây giờ ta
thấy. Tất cả những con đường trung tâm thị xã gom gọn giữa con sông Sài gòn và
quốc lộ 13. Tuy chưa từng nổi tiếng về đất học, nhưng Thủ Dầu Một lại là cái
nôi cũa nghề làm sơn mài, tập trung nhiều nhất ở làng Tương Bình Hiệp, nơi anh
Sơn nương náu làm việc sau khi rời trường Nguyễn Trãi. Con đường Hùng Vương từ
cầu Bà Hên đến trung tâm thị xã Phú Cường chỉ một thoáng vòng xe. Ra khỏi quốc
lộ chỉ bát ngát hoang vu.
Tôi lái xe đi tới dõi mắt nhìn qua bên trái đường tìm lại dấu tích của
trường Tư thục Nguyễn Trãi của thầy Nguyễn Tiên Sanh ngày nào. Khu trưng bày
sơn mài Thanh Lễ do hai ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thanh Lễ gây dựng nay đã
là cao ốc nguy nga Gold star Tower ngất ngưỡng chiếm ngự ngay đầu con đường
Huyện Quờn ngày nào. Bên kia đường, nơi ngày xưa là xưởng gốm và sơn mài Thanh
Lễ cũng biến thành khu Nhà hàng tráng lệ, Dù lẽ đời vẫn vần xoay nhưng tôi mãi
hoài niệm Thủ Dầu Một về một thời tột đỉnh vàng son của sơn mài, với những nhà
trưng bày tiếp nối nhau trên con đường ngắn này: Thanh Lễ, Trần Hà, Sông Gianh
và nhiều nữa những cơ sở nhỏ hơn. Cúng tôi vẫn luôn choáng ngợp khi chiêm ngưỡng
những kỳ công của những nghệ nhân đất Thủ. Không chỉ là tranh, tất cả đồ dùng
trong nhà đều có mặt tại đây để phô ra tính sang trọng và uyển chuyển trong
nghệ thuật sơn mài. Tất cả đã lắng chìm, chỉ còn chút dư ba xôn xao giữa lòng
tôi.
Ngày xưa, toàn thị xã Phú Cường chỉ duy nhất trường Trung Học Tư thục Nguyễn
Trãi, không có trường công lập. Có lẽ do quá gần Sài gòn, 25 cây số đường, nên
Thủ dầu Một bị thua thiệt trong lãnh vực giáo dục. Học sinh cứ phải đổ về thành
phố để tiếp tục bậc trung học. Nhưng cũng nhờ vậy, trường Nguyễn Trãi nổi bật
như một ngôi sao đơn chiếc giữa bầu trời của Hiệu Trưởng Nguyễn Tiên Sanh, bộ
óc lừng danh có thể nhớ vanh vách từng từ trong từ điển Petit Larousse, cùng
lớp giáo sư có tiếng một thời: Nhạc sĩ Lê Thương (Ngô đình Hộ), Phạm Duy Nhượng
(anh nhạc sĩ Phạm Duy), Dư văn Tâm (Thanh Tâm Tuyền), họa sĩ Ngọc Dũng, Cổ
Thượng Lân, Phạm văn Thành, Nguyễn Ngọc Châu….Hai anh tôi thuộc lớp học sinh
cùng thời với Võ Kỳ Điền, Nguyễn Thành Nhơn.. Để đến trường, sau khi bước vào
cổng, chúng tôi phải đi một quãng khá xa hàng trăm mét mới đến những lớp học
khang trang, sân trường yên tĩnh giữa lòng phố thị. Con đường dẫn này nay đã co
lại chỉ còn một nửa. Tấm bảng ghi Trường Mầm Non Huỳnh Thị Hiếu như đánh dấu
chấm hết cho ngôi trường danh tiếng Nguyễn Trãi lớp tuổi chúng tôi.
Tôi không biết Thầy giáo Chương là ai, nhưng đó là tên thay cho tên đường
Huyện Quờn trước nhà cũ. Dù sao tên cũng có chút hiền từ và gần gũi, Ngày nhỏ,
tôi đi qua lại con đường này biết bao lần khi ghé thăm xưởng Trần Hà, đi qua
trường Nguyễn Trãi, hay lang thang trên đướng phố về hướng chợ Thủ. Bây giờ về
lại mới thấy nó ngắn ngủi biết bao, không phải tính hàng trăm mét như tôi nghĩ,
nhưng chỉ vài chục mét đường. Trừ hai căn nhà song lập của gia đình tôi và ông
Chef de Dépôt thì con đường chỉ còn lại khoảng 30 mét dài để ra tới đường Hùng
Vương. Giờ đây, cảnh cũng nhòa xóa, thay vào đó là một ngân hàng màu xanh lá
cây cao vút, xây dựng lại sau khi đã san nền cao bằng mặt đường. Không còn cây
lý, cây mận ngày nào mấy đứa lóc nhóc chúng tôi leo lên hái trái, nhìn ngắm
chiếc xe Merdedes của Tổng thống Diệm một lần kinh lý ngang qua, hay mỗi buổi
chiều ngắm những chiếc xe ngựa có mái cong, sàn lót bằng chiếu, gắn paneau
quảng cáo những phim đang chiếu và thả những tờ programme cho đám trẻ con lon
ton chạy theo phía sau xe ngựa. Những ngày vui đã qua đi mang theo thơ dại thời
xanh, mang theo những sắc màu hoa trái mỗi lần cuối tuần từ Lộc Ninh về lại
thăm Má, thăm các anh em. Món quà đơn sơ là những chùm trái trường đỏ sậm da
lươn như những trái mây ngộ nghỉnh chua lè, những chùm trái gùi màu xanh vàng
lạ lẫm chỉ có vùng Bến cát mang về. Chẳng có gì ngon, nhưng nhìn những giòng
nhựa trắng tuôn ra từ vỏ trái gùi chúng tôi lại nghêu ngao hát bài vọng cổ trái
gùi bến cát như một đặc sản ký ức vĩnh viễn không phai về tình mẫu tử:
Mẹ đi chợ chớ ở lâu
Khi về mẹ nhớ mua xâu trái gùi
Con chờ xe lửa tút còi
Ra ga đón mẹ lấy gùi ăn chơi
Bà mẹ bình dị Trương Thị Nhành trong bài vọng cổ đó đã theo tôi qua bao năm
tháng như một thân tình….trong chút bùi ngùi, hình ảnh anh Đặng Hồng Sơn dáng
vẻ nghệ sĩ, mái tóc ép uốn dợn cong, đang ngồi bên thềm nhà, ôm chiếc đàn
guitar nghêu ngao hát bên Martiné, con thầy Nguyễn Tiên Sanh bỗng chập chờn
cùng nỗi nhớ mông lung.
Ngoài sân rộng, dưới tàng cây mận, chúng tôi đang chơi trò tập trận giả cùng
bạn Lục với thanh kiếm gỗ trên tay được mang về từ Lộc Ninh sau lần tham gia
hoạt cảnh bài Hội nghị Diên Hồng. Cái Nụ, cái Thắm –em của Lục- cùng chị em tôi
ngồi rải rác chuyện trò trong khi hai đứa tôi vừa múa kiếm vừa hát:
Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà
Đoạt thành trì toan xéo giày lăng miếu
Nhìn bao quân Thoát lấn xâm tràn nước ta
Ôi sông núi nhà rền tiến gmuôn dân kêu la
Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến…
Bao giờ sau tiếng quyết chiến cũng là một cú chém dứt khoát vào thanh gươm
gã tàu phù tên Lục đang đối diện cùng tôi…ôi tuổi thơ tôi đang dừng lại trong
lắng trầm tâm tưởng.
Xuống tới đầu chợ
(Có cái) cột cao thấy sợ
Lại có gắn máy đồng hồ
Cửa day trở vô
Có bán đồ đủ món
Bán dù, bán nón
Bán áo, bán khăn
Mua bán lăng xăng
Mấy chàng khách trú
Ở trần để vú
(Vè Chợ Thủ)
Về chợ Thủ, với tôi ngày trước, nghĩa là bước ra ánh sáng thị thành, nơi đó
có công viên trước chợ thênh thang, có ngôi nhà thờ chính tòa rêu phong cổ kính
vươn cao vút trên đồi, giữa hoa lá tàng cây, đặc biệt hoa phượng rộ nở bông học
trò rực rỡ ngay trung tâm ngã sáu. Còn có dinh bố chánh cổ kính nằm hiu hắt chơ
vơ cạnh đường chính như muốn khẳng định dấu tích một thời đã qua. Ngôi chợ với
ngọn tháp ciment cao vút trên gắn chiếc đồng hồ đã từng đón đưa biết bao ghe
thuyền ngược xuôi tấp nập. Khu vực này chẳng những đổi trao thổ, thủy sán, đồ
gốm, mỹ nghệ, mà còn là trung tâm sầm uất những bè gỗ tập trung về hàng ngày.
Những cư dân lâu năm ở đây gọi chợ bằng cái tên dân dã thân thương: Chợ đồng
hồ. Điểm thu hút đám nhóc chúng tôi không phải là cái chợ, chỉ là cái công viên
mênh mông trước chợ và giòng sông Sài gòn sau chợ. Chiều chiều, anh em chúng
tôi thường thả bộ rong chơi dọc hàng dương, lang thang vào chợ cá đã vắng vẻ
sau ngày họp chợ. Nơi đây, cái khu chợ bằng sắt hình lục giác trên sông dù còn
tanh mùi cá tôm, nhưng đủ thu hút chúng tôi bước xuống đứng tựa lan can trông
bốn bên tứ hướng. Xa xa phía phải là chiếc cầu nho nhỏ Phú Cường, xa hơn nữa
bên kia cầu là trường Công binh nhà dọc ngang giữa chiều tà chỉ là những nét
chấm phá tượng trưng. Bên kia sông là Củ Chi, thỉnh thoảng những đóm sáng hỏa
châu bừng lên báo hiệu sự bất an. Nhưng không sao, bên này sông, chúng tôi chưa
ý thức nổi những rình rập chết người đó. Tuổi hoa niên vẫn ươm đầy hoa lá và
mộng mơ thả hồn cùng thiên nhiên giữa ngày buông bên giòng Thủ giang lờ lững.
Giờ đây, giòng sông vẫn trôi lờ lững bên bờ xa phất phơ từng hàng lau lách
nghiêng ngã vô tình theo gió thoảng. Nhưng chợ cá ngày xưa chỉ còn trong hồi niệm,
hàng dương xưa đã mất chẳng còn. Công viên ngày cũ biến mất theo nhịp sống xô
bồ người chen chúc. Con đường trước chợ rộng ra nhưng tôi chỉ thấy hẹp dần bởi
hổn loạn xe cộ lại qua. Như dáng tượng đài mới cao vút bên nhà thờ lớn chỉ
khiến tầm nhìn thêm rối rắm, tiếc thay một thành thị có tiếng về mỹ thuật sơn
mài. Ngay cả khu nhà thờ mới. Sự lộng lẫy quá sức tây phương đó cũng làm tôi
bùi ngùi thương nhớ ngọn đồi nhỏ xưa. Cao độ nào nâng nổi vẻ tân kỳ.
Đất Bình Dương vẫn còn rộng, tuy không bằng thời nửa thế kỷ trước, bước khỏi
thị xã đã thấy hoang vu.
Tay em bưng rổ kiếng bước lên xe kiếng chín từng
Đường về thăm phụ mẫu trước rừng, sau truông
(câu hát huê tình Bến Cát)
Những cụm dân cư Bầu Bàng, Chơn Thành, Bến Cát, Tân Uyên chỉ như một vết mực
trên chiếc áo rộng, cùng con người chơn chất sống nhờ của rừng, nhờ tài nguyên
kaolin nuôi lớn danh phận Thủ Dầu Một. Những dịp đi xa về vùng cũ Bầu Bàng, tôi
vẫn nghe ra một hoang sơ dù dân đông đường rộng. Có một chút gì của lo toan
cuộc sống, chưa thấy rạng nụ cười tròn. Phải chăng nghề tay chân ngàn đời chẳng
làm nên nổi sự nghiệp, có chăng chỉ một thiểu số. Nhưng tiếc thay, họ chưa chắc
đã từng lao động chân tay.
Con gái chí những trai tơ
Đồng lòng móc đất lập lò xứ ta
Đờn ông chí những đờn bà
Người thời đập đất, người thời giã vôi
Trộn vào với giọt mồ hôi
Đồng tiền vô cửa mấy người siêng năng
Mấy chi đạp đất lăng xăng
Mấy chị vẽ chén thì ăn miếng trầu
Nghề làm lò chén nhức đầu
(Vè làm chén)
oOo
Tôi trở về sau khi đã làm một vòng ngược thời gian đào lại ký vãng dịu êm
thuở cùng đất Thủ viết vào ký ức non trẻ những buồn vui. Chụp vội những tấm ảnh
cuối cùng trên vòng xe ngược lại, lòng tôi như nuối tiếc khoảnh khắc rời tay.
Như sương, như khói, giòng ký ức tan dần theo khoảng cách rời xa. Đôi khi ta
chỉ nên thưởng thức hương vị êm đềm của kỷ niệm một cách dè sẻn, để trở về thực
tế dù nỗi sống cùng nỗi chết vẫn tồn sinh và lớn dần theo năm tháng thu tàn.
Tôi sẽ trở về khi lòng nhớ dâng tràn, Thủ Dầu Một ơi.
Trước mắt tôi đã thấp thoáng những hàng cây thấp, dáng ngôi trường Trịnh
Hoài Đức màu gạch đang dần hiện ra, Căn nhà của anh chị Lê Vĩnh Thọ màu nâu
vàng nằm lùi khiêm tốn bên mặt đường đối diện đã cắt đứt giòng hồi ức phôi
phai. Cuộc tìm kiếm quá khứ vẫn chưa đến hồi kết thúc, chỉ là bước qua ngã rẽ
khác, của một người khác mà bản thân tôi là một thính giả tận tâm nhặt lại
những hương đời chỉ còn tồn tại trong tâm tưởng của người bạn vong niên, anh Lê
Vĩnh Thọ, để thấy rằng thế giới hồi niệm của anh có một phần bối cảnh của đời
tôi.
Lần nào cũng vậy, khi chúng tôi bắt đầu bước vào cổng, vốn thường xuyên khép
kín, của anh chị Lê Vĩnh Thọ, là lúc bấm nút vận hành một giòng vui, rộn ràng,
hớn hở theo từng cử chỉ, lời nói của chúng tôi, của anh chị. Những không khí ấy
luôn gởi lại cùng tôi những xúc động bồi hồi theo suốt hành trình về lại nhà
mình.
Dù hôm nay quỹ thời gian đã bị xén đi một ít, do chuyến hành hương, nhưng
tôi và anh Thọ vẫn đủ thì giờ để nhâm nhi đúng ba lon bia theo hạn định trong
tiếng nói vọng về từ quá khứ của anh. Câu chuyện bắt đầu từ trên trời, hạ xuống
trần thế, vòng quanh những bạn hữu, những hoạt động sôi nổi một thời xanh ngắt
ước mơ. Anh kể về một thời Văn Học, một thời Kiến thức ngày nay, những lần bút
chiến cùng hội Văn Bút, cùng Nguyễn Mộng Giác, những cuộc tình của Nguyễn Vỹ,
những ngang tàng của Cao Bá Quát, những kỷ niệm cùng Vĩnh Điện, Luân Hoán,
Dương Kiền, vốn bấy lâu nay ém chặc giữa trùng vây cô độc và nỗi niềm chìm trôi
sâu tận đáy đời.
Tôi thích thú nghe lại giòng đời trôi ngược của anh, ngắm lại trên khuôn mặt
anh giòng cuồng lưu nhiệt huyết trào dâng theo giọng kể. Từng chi tiết mạch
lạc, từng câu thơ vốn hằng sâu trong ký ức sống dậy. Anh bây giờ là Lê Vĩnh Thọ
của những năm tháng ngang tàng, vạch sâu từng câu thơ không chấm câu để thỏa
cơn khát vọng ôm hết nỗi đời. Không còn thấy một Lê Vĩnh Thọ đăm chiêu ủ rũ,
một ngày không nói nổi một chữ dư thừa, chỉ vùi đầu vào những trang sách cũ mới
tìm vui.
Phải chăng cuộc đời là những chuyến tìm lại, những cơn mộng trở về khi bước
vào năm tháng thu tàn. Ta có cảm giác đang đứng đâu đó ngoài lề cuộc sống lạ
lẩm của thực tại và đang cố dõi từng chuyến xe qua để quá giang tìm về một thời
xa lắc, nơi ấy, ta tung hoành thỏa chí một thời xanh.
Tôi bùi ngùi nghe những lời tiếc nuối ngày vui qua mau của chị, của anh Thọ.
Mỗi lần cuối cuộc gặp gỡ là những lời nhắn nhủ cho mai hậu như một cuộc chia
tay không chắc gặp lại. Và sau đó là cuộc đếm từng ngày, mong từng thời khắc,
chờ cuộc trùng lai. Và cứ thế, đời phôi phai theo từng nỗi nhớ. Tôi dặn lòng
hôm nay phải nhớ gọi điện lại cho anh chị khi về tới nhà để không phải nghe
tiếng anh Thọ gọi thăm hỏi về tới nhà chưa. Mỗi lần nghe cứ da diết bồi hồi.
Đặng Châu Long
07-12-2015