Ảnh từ internet, của tác giả
KiraUsagi
Người Việt đang bị đay nghiến là
những kẻ độc ác với đồng loại. Rất nhiều chứng cứ cho thấy tâm tính ngàn đời
của dòng giống Lạc Hồng đang vào cơn lốc thay đổi đến chóng mặt: hàng ngàn
người va chạm nhau trong dịp lễ Tết, xung đột đến mức vào bệnh viện, nông dân
âm thầm bỏ hóa chất vào ruộng đồng, người chăn nuôi bơm thuốc độc vào sản phẩm
trước khi mang ra chợ. Đất nước như đang vào một cuộc nội chiến không tên gọi.
Cuộc chiến không có người chiến thắng mà chỉ có tự hủy diệt như trong đấu
trường La Mã Colosseum, còn những kẻ chủ mưu nào đó thì hò hét và vỗ tay trên
các khán đài.
Hóa ra, như cách nói hiện nay thì
người Việt âm ỉ mang cái ác trong lòng từ lâu, chỉ chờ thời cơ để bùng nổ hay
sao? Dân tộc ngàn đời sống với lúa nước, với chài lưới hiền lành lại giao
truyền lại cho nhau tính hiếu sát?
Thật khác biệt với những gì lịch sử
ghi chép về một đất nước mà Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo để không phải mở
đại sát giới, phát lương thực cho kẻ quy hàng hồi hương. Bạn có nghĩ giống tôi
không, rằng dân tộc mình không như những gì đang thấy, mà đang vào giai đoạn bị
bỏ độc vào tư duy, trở nên biến dị lạ thường.
Trong một lần được chất vấn về thế
nào là sức mạnh, Đức Phật đã trả lời rằng “hiền lương mạnh nhất”. Bởi hiền
lương không tạo ra kẻ thù, và cũng không thể có kẻ thù. Hiền lương sống và tồn
tại với thế gian trong tâm thế hợp nhất, không gì có thể đổi dời được. Dân tộc
Việt Nam trãi qua hàng ngàn năm luôn chiến thắng mọi sức mạnh bên ngoài bởi
không cí ham muốn dùng sức mạnh nào để cướp đoạt hay thống trị. Mà chính sự
hiền lương của một dân tộc biết nhớ thương mái đình, ngôi làng, con trâu, mảnh
lưới… của mình khiến họ cuỡng lại được mọi loại cường quyền. Người Việt hôm nay
rất mạnh và khác biệt. Người Việt thích khoe sức mạnh, thích giới thiệu đẳng
cấp và vượt lên hào nhoáng trên đám đông. Người Việt đang trong một quá trình
lọc máu tim mình, học đòi theo những hình mẫu khác và đânh mất dần sức mạnh
thật sự của mình là sự hiền lương.
Vì sao đánh mất sự hiền lương? Cuộc
sống hôm nay quá đỗi eo sèo, đang hối thúc những con người chân chất nhất phải
nhìn lại mình, rằng mình có đang rất ngu ngốc không giữa cuộc đời đang ngày
càng ích kỷ và vô tâm này. Vài năm trước, người ta đọc tin một đôi vợ chồng trẻ
ở Bắc Kinh bán đứa con nhỏ để mua iphone đời mới. Ít lâu sau ở Việt Nam đã có
người giết ông bà của mình để lấy tiền chơi game. Ở Thượng Hải từng có video
đường phố, ghi lại cảnh đứa con khỏe mạnh đánh đập cha mẹ già giữa đường vì tức
giận phải mang vác chữ hiếu trong khi muốn tận hưởng đời riêng. Không lâu sau,
Việt Nam cũng nổi lên những câu chuyện tương tự, làm nát lòng những người tử tế
trên đất nước mình, với câu hỏi vì sao?
Hãy nhớ lại cách đây không lâu,
người Trung Quốc từng tố cáo các loại thực phẩm độc hại, quảng bá các công ty,
cá nhân ở Trung Quốc đang không màng đến sống chết của người khác, miễn là được
tư lợi. Thật nhanh chóng, làn sóng này ập đến Việt Nam, quy mô hơn và ác hiểm
hơn. Việt Nam và Trung Quốc như trong trong câu chuyện thế giới song song của
Nobieta và Doraemon. Soi vào nhau, chúng ta đang thấy mọi thứ hiện ra của đường
trượt dài vào cái chết. Hãy tự hỏi mình là vì sao chỉ có Việt Nam và Trung
Quốc, chứ không có nơi nào khác sát đường biên như Thái Lan, Lào, Campuchia hay
thậm chí là Mông Cổ, Tây Tạng?
Người dân của đất nước Trung Hoa vĩ
đại đang coi cuộc sống của mình trên quê hương như những dự án ngắn hạn và tạm
thời. Khi cảm thấy thu thập đủ họ sẽ ra đi và để lại phần khốn khó nhất cho tất
cả những người ở lại, mà họ đã tàn hại và bóc lột được. Họ không còn niềm tin
trên quê hương mình ngoại trừ những kẻ đang vẫn còn được quyền lợi hay những kẻ
đang còn tận dụng những âm mưu để nạo vét đất nước mình. Khi ôm đủ những đồng
tiền đầy máu và rũ bỏ sự hiền lương, họ sẽ rời khỏi đất nước không nuối tiếc.
Người Việt cũng đang có những khuynh hướng không khác gì. Những dự án ngắn hạn
như vậy cũng đang hoành hành trên đất nước này. Có thể nhiều người sẽ không có
một cơ hội để ra đi nhưng ít ra, họ tự an ủi rằng họ có thể sống sót ở một thế
giới mà họ còn quá ít niềm tin.
Chắc sẽ có người nói rằng, dẫu sao
thì người Việt cũng ác, nhưng cái ác không tự sinh ra. Cái ác là một tập tính,
tiếng vỗ tay và lời hò reo hiểm độc từ các hàng ghế của bọn quan lại trong đấu
trường Colesseum. Cái ác của chúng ta và người bạn Trung Quốc, lúc này, cũng
hết sức cá biệt trên thế giới.
Tháng 9/2015, có một tai nạn kinh
hoàng diễn ra ở thung lũng Mina, gần thánh địa Mecca, Saudi Arabia. Một vụ ùn
tắc nhỏ trong đám đông hàng chục ngàn người hành hương đã dẫn đến sự hỗn loạn,
biến thành thảm kịch giẫm đạp lên nhau để thoát ra ngoài, gây nên 2000 người
chết và bị thương. Đám đông hiền lành và đầy đức tin đó, trong tích tắc đầy
hoảng sợ và không còn lối thoát đã trở thành những kẻ đạp lên đồng loại
của mình một cách không thương tiếc, tìm cách sống sót, bất chấp mình có thể
phải giết một ai đó.
Cái ác của người Việt trong cuộc
sống, được nói tới lúc này, cũng như những kẻ hành hương mang trái tim hiền
lương đi về phía trước, nhưng rồi bất ngờ phải tàn bạo để có thể sống sót.
Đức Phật nói con người hiền lương là
con người mạnh mẽ nhất. Chúng ta đang bị đầu độc tư duy để làm suy nhược sự
hiền lương của dân tộc này, đất nước này. Sự hiền lương vốn được chứng nhiệm ở
đất nước Miến Điện, nơi chính quyền phải buông súng để nhường chỗ cho những
cánh hoa sứ cài trên tóc. Sự hiền lương khiến họ cũng đủ niềm tin để gọi tên
Trung Quốc là kẻ ác, và từ chối đánh mất mình.