Trong nhiều ngày, thành phố bị bao
vây rất đỗi ngặt nghèo. Bất kỳ ai cùng đều có thể nhìn thấy điều đó, theo bước
chân của người xuống đường hay chỉ nhìn lén qua khung cửa sổ với những lời thì
thào.
Rõ là thành phố bị bao vây. Những
hàng rào thép gai được cài chặt kiên cố vào khung sắt rực đỏ dựng lên ở nhiều
lối đi. Phối cảnh có khi là tháp nhà thờ cổ hay một kiến trúc có hơn trăm năm,
khiến người ta nhớ đến một cuộc tấn công nào đó vào thời Trung cổ của các đoàn
quân tàn bạo Vikings đến từ Bắc Âu, mục đích để bảo vệ thịnh vượng của mình
bằng cướp phá và huỷ diệt kẻ khác.
Suốt trong nhiều ngày, không chỉ Sài
Gòn mà nhiều thành phố khác cũng bị bao vây. Người dân bị giam hãm trong sự sợ
hãi về môi trường sống của mình đột nhiên chuyển màu u ám. Hàng hàng lớp lớp
sinh vật thiên nhiên chết gục trên bờ biển. Cảnh tượng như sấm truyền về ngày
tận thế. Biển trở thành cửa địa ngục. Những thợ lặn nhoi người lên mặt nước,
thở gấp và qua đời không nói kịp lời ai oán.
Suốt trong nhiều ngày, nhiều thành
phố bị cầm giữ trong bí mật về cái chết mà tất cả vua quan đều lánh mặt. Bọn
tôi tớ nói vài lời qua loa với đám đông đang xanh xao vì lo sợ. Bọn tôi tớ ấy
chạy vội về nhận bữa ăn riêng đặc cách: sạch sẽ và an toàn như đã hứa để trả công
cho sự dối trá.
Suốt trong nhiều ngày, thành phố thì
thầm về những khu ghetto mới lập. Có thể đó là một sân vận động, nhưng cũng có
thể là một văn phòng của cơ quan địa phương. Tất cả những nơi đó đều có một
điểm chung: những loài súc sinh có gương mặt người được trao hiến pháp mới về
quyền cắn xé bất cứ những ai có một linh hồn.
Thời đại của thành phố với những tấm
bảng tuyên truyền về đạo đức Hồ Chí Minh, là những background ngập màu sắc, tạo
nên một bức tranh hùng vĩ ghi lại từng gương mặt những người Việt yêu con cá,
yêu giọt nước biển và yêu một tương lai không mù mờ u ám. Họ bị bao vây, đánh
đập, chà đạp. Trẻ nhỏ bị giật tóc lôi trên đường. Những thanh niên bị đấm, bị
xịt hơi cay mà khi chưa hề có ý định kháng cự. Những phụ nữ bị sờ soạng và đạp vào
đầu. Máu. Internet như một loại truyền hình vĩnh cửu với các buối chiếu không
dứt miễn phí cho vợ con, cha mẹ… của những bọn khát máu đánh người. Họ im lặng
ngồi xem, có thể xem trong bữa ăn tối, với phần ăn là một con cá vô định.
Thành phố bị bao vây không chừa ngày
nào. Mọi ngôi nhà bị đánh dấu như số phận của Moses. Mọi bà tổ trưởng trở thành
kẻ cướp rình mò tự do của hàng xóm. Số phận con người nhỏ nhoi như ngọn cỏ. Đức
Phật ở Sài Gòn không còn ngăn nổi một cuộc chiến nhằm vào con người, mà
Ajàtasattu mê đắm cưỡng đoạt Vajji, trong suy nghĩ chỉ còn nụ cười xã hội chủ
nghĩa.
Thành phố không chỉ bị bao vây bởi
những kẻ muốn dẫm lên đồng loại để giới thiệu mình, mà còn bị bao vây bởi những
đoàn diễu hành quanh thành phố với những cái lưỡi nhọn. Nhà thơ Zbigniew
Herbert có nhắc tôi rằng đó là những cái lưỡi được mài nhọn, chực chờ để dùng
hiến tế đồng loại. Những trái tim dám mơ về tương lai hay dám bật ra điều mình
nghĩ có thể bị treo lên trong nhiều tuần, chết khô với hoài bão.
Thành phố bị vây chặt trong ngày của
Mẹ. Một ngày của mẹ đẫm máu đáng nhớ trong ký ức của những người yêu tự do.
Những người đàn bà bị chà đạp trong tiếng reo hò của nắm đấm và của đoàn diễu
hành lưỡi nhọn: những kẻ hèn nhát và đê tiện luôn cầm loa nói át đi sự thật,
nhưng không bao giờ dám tự cật vấn về cuộc đời sâu bọ mà họ đang mang là loại
sự thật gì.
Những loại đê tiện và hèn nhát đó,
có thể là một kẻ nghe hóng và lập tức nói để khoe khoang sự phân tích khôn
ngoan của mình, có thể là một tên chủ báo đêm đêm che mặt vào nhà thổ nhưng
thích nói giọng đạo đức. Tất cả gào thét và cùng che giấu một sự thật, như là
một người phụ nữ bị đánh đập trên đường phố Công xã Paris cùng con của mình.
Mọi giọng hò hét bạo dâm đều lạc đi vì phấn khích do an toàn ngồi trước máy
tính, chưa bao giờ dám đặt chân xuống vỉa hè để phỏng vấn một con cá, nhưng lại
mừng rỡ vì mình được sơn màu công lý của kẻ mạnh.
Tôi nhớ Wislawa Szymborska, bà viết
và để lại trong cuộc đời đã sống và chiêm nghiệm, về giống loài suy đồi, qua
các triều đại cộng sản:
Không có gì đồi trụy hơn là suy
tưởng.
Cái
thứ phóng túng này tràn lan như một giống cỏ dại
mà gió đem lại trên một mảnh đất dành cho hoa cúc.
Không có gì là thiêng liêng đối với
bọn người suy tưởng.
Trâng tráo gọi mọi sự bằng tên,
những phân tích bạt mạng, những tổng hợp sỗ sàng,
theo đuổi như điên cuồng và phóng đãng những sự kiện trần
truồng,
mân
mê thật bẩn thỉu những chủ đề dễ kích ứng.
Tôi viết vội bản tường trình về
thành phố bị bao vây, mọi thứ được bỏ vào một cái chai, thả vào tương lai. Tôi
gửi đi với niềm hy vọng chưa bao giờ mạnh mẽ hơn lúc này. Vì lẽ, cùng tiếng loa
công cộng vờ điềm tĩnh kêu gọi trật tự để che giấu cho bạo lực phi nhân được
kích hoạt, tôi nhận thấy những tiếng hát vang – đã ngày càng lớn – của những
con người công chính về một ngày mới sẽ đến tốt đẹp hơn.
Tôi có gửi thêm trong chai một câu
chuyện cổ xưa của người Ấn Độ. Câu chuyện kể về những ngày tháng thế gian dị
động. Ngày tháng có rất nhiều dạng súc sinh mang hình dáng người, trà trộn vào
trần thế để tung hoành nhưng chúng sớm bị phát hiện, bởi vẫn còn nguyên vẹn
trái tim loài súc sinh. Tôi muốn nói rằng chúng tôi – thế hệ chúng tôi, có cả
những người rất trẻ – đã từng kiêu hãnh vì thật sự là con người trọn vẹn nơi
thành phố đó.
Tuấn Khanh
——————–
Các bản dịch thơ, do Diễm Châu,
Hoàng Ngọc Biên, NXB Trình Bầy.