Nơi tôi ở sử dụng hai thứ tiếng. Khi giao tiếp, thường được nghe hỏi: Bạn
nói tiếng Pháp hay tiếng Anh? Di dân đến đây trú ngụ buộc phải đi học tiếng
Pháp. Chính phủ ban hành luật 101 nhằm bảo tồn và cổ xuý, phát huy thứ ngôn ngữ
rạch ròi định phận thứ gì thì ta xếp vào “Le” giống gì thì ta đưa vào “La”.
Đực, cái minh bạch chớ nhầm lẫn.
Bạn nói tiếng Pháp hay tiếng Anh? Câu hỏi ấy ngầm mang một hoài nghi: Có
phải giờ này tiếng Anh đang trên đà lấn chiếm? Luật 101 cũng chú thích: Chúng
ta ủng hộ chính sách đa văn hoá, nhưng khi viết ra văn bản, tiếng Pháp luôn đặt
ở hàng đầu, đi tiên phong. Từ đơn xin việc cho tới tấm thực đơn của nhà hàng
thảy đều vậy cả.
Xin lỗi, anh có nói được tiếng Việt không? Tôi đang gắng gượng đè nén một cơn
đau, tôi đang dừng chân giữa hành lang thẳm sâu, tôi đang tập bình thân với hai
thanh nhôm kẹp ở nách, tôi đang trên đường tới phòng tập therapy thì nghe thấu
suốt tiếng mẹ đẻ. Một người đàn bà độ tuổi sáu mươi ngó tôi với ánh mắt phủ màn
hoài nghi. E dè thiếu xác quyết lộ ngay ở một cất giọng yếu đuối. Dạ, tôi người
Việt. Tôi xác minh và tôi đón nhận tức thì cái nhìn quen thuộc của một người
lành lặn quan ngại dòm tới đứa tật nguyền. Tốt quá, may cho tôi quá. Bệnh viện
này lớn quá, tôi vòng vo cả nửa giờ đi lạc… Tiếng Việt, dĩ nhiên. Hoàn toàn
không chen cài một chữ tiếng Anh tiếng Pháp vào. Và giọng bà thì quá đỗi quen
tai, pha tạp nửa Trung nửa Nam. Đó là chất giọng mãi rót vào thính giác tôi khi
chôn chân ở Nha Trang, ở Đà Lạt. Ngày cũ và sự thân thương rớt rơi vừa tìm nhặt
lại. Bà mừng vui hay chính tôi đang mừng tủi?
Khi lê bước giữa hành lang bóng lộn và ngập sáng loạt đèn dấu thu trên trần,
tôi đã nhìn thấy định vị được cái băng ghế gỗ. Hiện tại nó cách chỗ tôi đứng
khoảng bốn nhịp què quặt. Một, hai, ba, bốn, năm rồi nhẹ đặt mông xuống, vướng
víu. Tôi ngồi, bởi tôi nghĩ như vậy tiện hơn, thoải mái hơn khi biết chắc sẽ
đón nghe một sự cậy nhờ từ người đồng hương đi lạc. Băng ghế dài cỡ dành cho 5
bệnh nhân hoặc bà con đi thăm nuôi ghé chân an toạ. Người đàn bà ngồi ở vị trí
thứ 2, có nghĩa là rất sát tôi, kề cận. Bấy giờ tôi mới nhìn kỹ người nói tiếng
Việt ấy. Tóc có nhiều sợi bạc, cái kẹp tóc bằng nhựa có đính nụ hoa nhỏ, gương
mặt chẳng trang điểm ghi dấu chút ngác ngơ chút thất tán, khăn quàng cổ bằng
chất liệu mềm mại hơn cả lụa tuồng như vẽ ở đó một đám mây bay trên nền trời
thôi còn sắc xanh. Tựu trung, tổng thể nhốt giam vào đó một thứ mà tôi tạm gọi
là màu thời gian. Phai nhạt, úa tàn, loãng tan.
Chuyện gì đã xảy tới với anh? Lạ chưa, sao lại để tâm tới vấn nạn tôi đang
ôm ấp? Tôi gượng cười: Không sao đâu ạ, chỉ té gãy xương thôi. Người đàn bà có
mặt ở đời trước tôi khoảng đôi ba năm đang nắm ở tay một cái túi xách khá lớn,
bà đặt xuống băng ghế cho đôi bàn tay thong dong xoắn lại mười ngón chen cài
với nhau. Một bàn tay của kẻ có trăm công ngàn chuyện và nếu còn ở bên nhà,
nghề nghiệp ghi vào sổ gia đình: Nội trợ. Tôi sang đây chẳng mấy lâu, đứa con
nó bảo lãnh và vô phúc cho bọn tôi, cháu nó bị xe cán gãy chân. Khi nhìn anh từ
xa tôi linh cảm rằng anh sẽ giúp đỡ tôi khi muốn đến đúng phòng cháu nằm điều
trị.
Ở lầu 8, tôi xuống với mặt đất sau mười ngày nằm lặng lẽ trên đó, một thiên
đàng có thật. Tôi ra đi mà quên gửi lời chào tạm biệt các thiên thần tốt bụng e
sẵn đây mình thử vác bộ mặt trầy trụa của kẻ vừa xuống sinh hoạt với nhân gian
lên nhăn răng nham nhở cười với họ một phen. Tôi biết chỗ, hy vọng tìm ra người
con chị nằm. Cháu tên chi? May mà gặp được anh. Đi lại như thế liệu có gây trở
ngại cho anh không? Cháu tên Nguyễn Thị Nhiên An.
Thang máy mỗi tầng có không dưới mười cái nằm cách khoảng và cái nào thì
cũng chuyển người lên non xuống vực đều êm ả tựa nhau, còn siêng năng phát
tiếng nhắc về độ cao khi cửa mở. Tầng thứ tám, khung cảnh chưa phụ rẫy mắt
nhìn, ấm áp một màu vôi cùng những nụ cười của các cô y tá luôn săn đón. Nghĩ
cũng ác nếu bảo “y tá là người sẵn lòng đánh thức bạn dậy giữa canh khuya để
bắt bạn uống thuốc ngủ”. Tôi đi cùng “người bạn đường” đến nơi cần dọ hỏi. Tôi
tật nguyền nhưng tôi nói được chút tiếng Pháp tiếng Anh. Bà lành lặn chân đi
nhưng sẽ va vấp khi mở miệng. Đành vậy, ở đây không ai trong chúng ta đều toàn
vẹn cả. Bệnh nhân bị gãy chân tên Nguyễn Thị Nhiên An nằm ở phòng mấy ạ. Tôi
hỏi cô mặc áo khoác trắng ngồi trước máy vi tính và một xấp hồ sơ bệnh lý dày
cộm. Cặp gương cận lưu giữ vệt sáng phản chiếu từ màn hình cất cao đầu. Một
người có tên là Anne Ngu du uyen, chắc vậy. Người Việt duy nhất nằm ở phòng
804, giường B. Cám ơn.
Thôi chết rồi. Tôi la thầm. Trời xui đất khiến có oái oăm không, khi mươi
bữa trước tấm thân xiêu lạc hồn ma bóng quế của tôi ngã lưng trên chiếc giường
ấy. Nhắm mắt lại tôi cũng nhìn rõ sự bày biện của vật thể ngóc ngách chen chân
trong vuông phòng đó. Phòng có hai giường, A nằm ngoài và B nằm trong phân chia
địa phận bằng tấm màn có móc kéo gắn trên thanh sắt uốn cong bắt sát trần.
Nhiên An không ngủ, chăn đắp ngang ngực chừa một cánh tay trần có cây kim
chuyền nước biển dán băng keo bên ngoài động mạch. Da mặt Nhiên An sáng trắng.
Dù nằm, tóc rẽ đường ngôi chia đều ra hai bên những sợi dài, mịn, mềm rủ xuống
gối. Tôi hơi lúng túng bởi tôi nghĩ thân phận một kẻ lạ mặt, nhất là phái nam,
không nên đứng đó để gây sự khó xử cho nữ bệnh nhân. Một người con gái, họ
tuyệt không muốn người ngoài nhìn thấy cái xuống sắc mà họ đang mang. Con thấy
sao rồi? Má… Má… Tôi chen vào, chắc tôi xin rút lui, chị phải tập quan sát
ngoại vật để thong dong chuyện tới lui khỏi lạc lối. Cám ơn anh. Con à, má phải
nhờ chú đây bày đường chỉ lối. Đi đứng khó khăn vậy chứ sốt sắng dẫn má tới
đây. Nhiên An nhìn tôi cười nụ nhỏ thế lời chào. Tôi rất muốn nói chỗ Nhiên An
nằm là nơi tôi từng ê ẩm cứng người trở trăn khi muốn vùi sâu vào giấc ngủ nhọc
mệt. Tôi ngậm miệng, chiếc giường này, tấm nệm đó đã giúp bao nhiêu kẻ hồi sinh
hoặc nó đã tiễn đưa biết bao linh hồn đi quàng xiên về cõi miền khác. Nha Trang
đi Đà Lạt. Đà Lạt xuống Sài Gòn và Sài Gòn đi ra ta bà thế giới lạc lõng. Má có
mua ít thức ăn cho con ăn dặm vì má nghĩ đồ của bệnh viện e khó nuốt trôi,
không hợp khẩu vị. Người đàn bà nói và lôi từ xách tay ra những bao bì ny-lông
nhỏ đặt trên cái bàn có bánh xe đẩy sát bên giường.
Chú bị gì thế? Cô con gái áng chừng 27, 28 tuổi hỏi. Ờ, mùa đông, đi đứng
thiếu ý tứ, băng trơn và ngã té gãy xương, bên chân trái. Sao giống cháu thế,
khác biệt là cháu bị xe đụng. Có nghĩa là họ cũng bắt vít vào chân như chú? Dạ
phải. Tôi ngó xuống người dưng khác họ, thấy mà xót ruột thứ đồng bệnh tương
lân. Thôi chú đi, để má nói chuyện cùng cháu, gắng vững tinh thần rồi cũng
nguôi ngoai, như chú vậy. Phải luôn cố gắng thích nghi những thứ mới lạ luôn
xảy tới.
Người đàn bà nói, má trở vô ngay khi đưa tiễn tôi ra khỏi phòng. Trên tay
còn nắm đong đưa một túi xách nhỏ. Đong đưa cho tới tận cửa thang máy. Anh cầm
cho tôi vui, tôi biết thế nào rồi hôm nay cũng gặp người đồng hương để cậy
việc. Chẳng có gì đâu, chỉ là cây nhà lá vườn. Tôi sang đây sợ ngồi không đâm
nghĩ quẩn nên đào xới đất đai gieo trồng rau quả tìm chút niềm vui khi xa xứ.
Anh đừng chê bai thành quả vụng về của tôi. Chỉ là hai trái bầu thôi. “Bầu ơi
thương lấy bí cùng”. Xin bí đừng chê bai của ít lòng nhiều. Đôi mắt người đàn
bà long lanh những đốm sáng. Đôi mắt của người bạn gái tôi đang ở nơi cách xa.
Tôi nhận quà mà chẳng nói nên lời cho tới khi cửa thang máy mở ra. Anh đi cẩn
thận. Cửa thang máy đóng và nó mang tấm thân trì nặng của tôi xuống tới lầu 2,
nơi có phòng therapy chờ tôi hoá thân làm một baby tập đi những bước vụng dại
ban đầu.
Cuộc đời này thật lạ, hôm nay không dưng nó xúi tôi đụng phải một cơn sóng
vỗ bờ, xô tới chút duyên kỳ ngộ chẳng biết có bèo bọt không. Tôi máng hai trái
bầu lên giá, móc áo khoác rồi trút bỏ nhẹ đi áo xống để mặt đỏ tía tai học cách
thế làm quân bằng bổn mạng. Bầu có thương bí không? Bầu ơi, bầu ơi. Màu thời
gian đang tím.
Hồ Đình Nghiêm