Từ trên đồi cao nhìn xuống, giữa đại ngàn mênh mông xanh ngắt,
đám rẫy của anh Khan nhỏ như một chiếc chiếu, màu nhạt lá non. Tôi lặn lội tìm
đến giang sơn biệt lập của anh khi mùa bắp đang rộ trái. Lọt thỏm giữa đám rẫy
là lều tranh. Giữa lều, treo một chiếc võng làm bằng bao bố. Những ngày ở đây,
tôi ngủ trên chiếc võng này. Cái sạp tre để sát vách, chỗ ngủ hàng đêm của anh
Khan.
Đối diện vách bên kia, anh kê những viên đá làm ba ông táo nấu ăn. Mọi thứ
trong lều đều đơn giản. Phía ngoài, gần bên hông lều, một cái hố đang đào dở. Hố
rộng bằng căn phòng nhỏ. Theo lời anh, còn phải đào sâu hơn nữa, khoảng hai thước.
Lúc mới đến, tôi hỏi: "Đào hố để làm gì?"
Anh nói: "Bắt khỉ."
Tôi ngạc nhiên: "Bắt khỉ?"
"Ừ , bắt khỉ."
"Để ăn thịt?"
"Khỉ ốm, chỉ có da bọc xương. Thịt khỉ lại tanh, không ai ăn."
"Không ăn thì bắt để làm gì?"
"Để đuổi khỉ."
"Bắt khỉ để đuổi khỉ? Tôi không hiểu."
"Cứ ở đây vài hôm thì hiểu."
Anh Khan không giải thích. Có lẽ anh muốn dành cho tôi một lý thú bất ngờ.
Buổi sáng sớm, trời còn mát, và buổi chiều, khi mặt trời xuống lấp lửng trên đọt
cây rừng, nắng cũng dịu bớt, tôi phụ anh Khan trong công việc đào hố. Anh xúc đất
vào cái ki đan bằng nan trẹ Tôi kéo đất lên, đổ chung quanh hố. Anh gầy nhưng sức
dẽo và bền, tôi không bì kịp. Làm việc với anh, tôi đuối, phải nghỉ từng chặp.
Những lúc tôi nghỉ, anh một mình xúc từng xẻng đất quăng lên. Anh làm đều đặn,
khoan thai như đang tập thể dục dưỡng sinh. Đối với anh, không có gì phải vội
vàng. Anh quan niệm rằng con người lầm lẫn khi chạy đua với thời gian. Đời sống
ngắn ngủi mà một lúc muốn chụp bắt nhiều thứ. Và sau cùng, cái thứ mà họ không
muốn chụp bắt đến với họ. Đó là sự tử vong. Khi nằm ngắc ngoải, họ nghĩ lại và
thấy rằng họ chưa kịp sống cho đúng nghĩa một người đã sống.
Nghe anh bày tỏ cái quan niệm sống này, tôi rất chán, nhưng vẫn hỏi sống thế
nào cho đúng nghĩa một người đang sống? Anh nói, không tham cầu, không chờ đợi,
tận hưởng sự hiện hữu trong từng giây phút. Tôi hỏi tận hưởng luôn cả nghịch cảnh,
và nỗi niềm đau khổ? Anh nói nghịch cảnh hay đau khổ là do tâm cảm. Tại sao
không coi đó là sự thay đổi món ăn của tinh thần? Đã từng ăn những món dở, mới
biết thế nào là món ngon. Tôi cười, rằng tư tưởng anh được chắp nối một phần
triết Đông, một phần triết Tây. Anh nói, anh chẳng cần biết Đông hay Tây. Anh sống
theo kiểu của anh. Và anh cũng nói, tôi đã đến đây rồi, nên bỏ quên sách vở, để
cho cái đầu được nghỉ ngơi thư thái.
Buổi trưa, lúc trời bắt đầu nắng gắt, tạm ngừng công việc đào hố. Tôi theo anh
Khan đi kiểm soát chung quanh rẫy. Có những chỗ bị chồn, sóc cắn phá làm bắp hư
hại. Và, vài nơi trên những luống khoai lang bị heo rừng ủi. Anh lần theo những
dấu chân, để biết lối nào heo thường vào rẫy. Phải trừ khử những con heo phá hoại
này. Anh Khan nói thế.
Tôi thấy chung quanh rẫy có treo những cái thùng thiếc, buộc lòng thòng thêm
vài viên đá, và nối sợi dây dài đến lều.
Tôi hỏi: "Để làm gì?"
Anh nói: "Chuyện đơn giản thế này cũng không biết. Mãi chạy theo máy móc
tinh xảo, lo tìm hiểu những chuyện xa vời tận mặt trăng mặt trời, đến lúc quay
trở lại với đời sống thiết thực cận kề thì loay hoay, bối rối."
"Anh chưa trả lời câu hỏi của tôi."
"Mùa bắp ra trái, thú rừng thường hay đến kiếm ăn. Nhất là khỉ, heo rừng,
chồn, sóc phá hại mùa màng. Thú rừng rất sợ tiếng động. Lâu lâu, giựt sợi dây
làm thùng thiếc khua động để thú rừng bỏ chạy."
"Tôi coi trong sách vở, nói người ta làm những hình nộm, trông giống như
người đang giữ vườn, để đánh lừa thú vật không dám đến gần."
"Chẳng có sách vở nào nói hình nộm để đuổi thú. Hình nộm chỉ có tác dụng
đuổi chim mà thôi. Trên những cánh đồng, mùa lúa chín, người ta làm hình nộm ở
nơi trống trải, dễ nhìn thấy, để chim muông không dám đáp xuống ăn lúa. Còn đây
là rẫy bắp giữa rừng, nhiều cây cối rậm rạp che khuất, làm hình nộm không có
tác dụng với thú rừng."
Tôi đến với anh Khan được ba ngày. Lòng đã chán. Anh ít nói đến độ lầm lì. Sau
những bữa cơm chiều, anh thường ngồi bập thuốc rê, trầm tự Lưng anh hơi còng xuống.
Trông giống một hình tượng cô đơn, im lặng ngồi chịu đựng với thời gian. Tôi
nói với anh như thế. Anh chỉ mỉm cười, xa vắng. Tôi cố gợi chuyện, bằng cách hỏi
tại sao anh tách rời vợ con, lên rừng một mình như người ở ẩn? Tại sao khi ra
khỏi tù, anh vụt đổi thái độ và lối sống? Anh ngó mông ra rừng, nói chậm rãi,
thỉnh thoảng dừng lại một lúc lâu để bập vài hơi thuốc.
Mỗi lần nhìn lại chặng đường đã đi qua, thật kinh khủng. Chiến tranh như con
quái vật khổng lồ, theo nó thì bị nó ăn nuốt, cưỡng lại thì bị nó chà đạp. Đàng
nào cũng chết, chỉ có điều chết trước hay sau mà thôi. Anh may mắn chưa kịp chết
thì chiến tranh chấm dứt, bước sang giai đoạn khác. Trong tình thế mới, anh bị
đẫy vô tù. Ở tù đã khốn nạn, nhưng ở tù dưới chế độ được mệnh danh là ưu việt,
lại càng khốn nạn hơn. Những con người của chết độ ưu việt này, đã phát triển đến
cao độ cái tính nham hiểm và gian trá. Họ biến tù nhân thành những con ma đói,
và hạ xuống ngang hàng với súc vật. Điếu thuốc đã tàn, anh Khan ngừng lại vấn
thêm điếu khác. Lúc nào cũng có điếu thuốc đang cháy khi anh nói, và anh cứ bập
hoài, như để trấn an một nỗi niềm, hay để suy nghĩ, gạn lọc từng câu. Ngày anh
được thả ra khỏi nhà tù, có người bạn cùng chung cảnh ngộ, kể cho anh nghe hai
câu chuyện ngụ ngôn, gọi là chút quà tiễn bạn, làm vốn sống khi ra khỏi địa ngục.
Truyện một: Có một thương gia giàu có, hay đi buôn bán nhiều nơi,
gom góp những vật quý trong thiên hạ về làm của riêng. Trong số những vật quý
này, có con sáo biết nói tiếng người. Một hôm, người thương gia nói với con sáo
rằng: "Sáo ơi, ta có việc sắp đi ngang qua quê hương thuở trước của mày. Vậy,
mày có gì nhắn cho bạn cũ ở đó, ta chuyển lời chọ" Con sáo nói: "Ông
chủ làm ơn cho tôi gởi lời thăm các bạn, và hỏi chúng có nhắn gì cho tôi hay
không."
Khi đến quê hương của con sáo, người thương gia ngước nhìn lên vòm cây, nơi có
đàn sáo đang đậu, ông nói: "Đàn sáo ơi, con sáo quý của nhà ta, gởi lời
thăm chúng bây. Và hỏi chúng bây có nhắn lại lời gì cho nó hay không?" Đàn
sáo im lặng. Người thương gia đứng chờ một lúc. Và lạ thay, từ trên cây, đàn
sáo rớt xuống chết hàng loạt.
Người thương gia trở về, con sáo của ông hỏi: "Ông chủ ơi, các bạn tôi thế
nào?" Người thương gia nói: "Ta đã chuyển lời thăm của mày, hỏi chúng
có nhắn gì cho mày không, chúng chỉ im lặng. Và sau đó rớt xuống chết như bị lời
trù rủa ghê gớm."
Ngày hôm sau, người thương gia thấy con sáo quý của mình nằm chết trong chuồng.Ông
xách con sáo vất ra ngoài như một thứ đồ bỏ. Bỗng, con sáo vỗ cánh bay đi mất,
trước sự ngạc nhiên của người thương gia.
Dứt chuyện thứ nhất, anh Khan nhìn tôi chờ đợi một sự góp ý. Tôi hỏi ý nghĩa chỗ
nào? Anh giải thích, con sáo bị nhốt trong lồng vì nó có giá trị. Giả chết là một
cách đánh lừa người thương gia, rằng nó không còn giá trị nữa. Nhờ thế mà nó
thoát được sự giam cầm. Trong chế độ ưu việt này, người nào tỏ ra có giá trị, sẽ
bị theo dõi dòm ngó. Nếu không dùng được, họ tiêu diệt, chứ không cho sống. Tốt
nhất là giả ngây khờ, chẳng ai thèm để ý, sẽ được yên thân. Tôi mừng vì anh
Khan đã bắt đầu tỏ thái độ cởi mở, ít ra anh cũng không còn giữ thế thủ với
tôi. Còn chuyện thứ hai, tôi hỏi.
Truyện hai: Trong một buổi lâm triều, sứ giả của một nước láng giềng,
dâng tặng nhà vua ba bức tượng hình người, và xin cho biết bức tượng nào giá trị
nhất. Nhà vua và cả đám quần thần cầm lên, săm soi hoài, thấy ba bức tượng đều
giống nhau, trọng lượng cũng bằng nhau, khó mà phân định bức tượng nào giá trị
nhất. Cuối cùng, vua cho truyền rao trong dân chúng, tìm người thông minh giúp
vua giải quyết vấn đề ba bức tượng.
Khi nghe chuyện này, có một nông dân cầm theo ba cọng rơm, lên đường đến kinh
đô, xin vào yết kiến nhà vua để tìm hiểu giá trị của ba bức tượng. Anh xỏ cọng
rơm vào lỗtai bức tượng thứ nhất, cọng rơm thông qua lỗ miệng. Anh xỏ cọng rơm
vào lỗ tai bức tượng thứ hai, cọng rơm thông qua lỗ tai phía bên kia. Anh xỏ cọng
rơm vào lỗ tai bức tượng thứ ba, xỏ đến cuối cọng rơm, nhưng vẫn không thấy
thông ra chỗ nào.
Anh nông dân cầm bức tượng thứ ba đưa cho nhà vua và nói, đây là bức tượng giá
trị nhất.
Tôi lại hỏi ý nghĩa thế nào? Anh Khan cười, nụ cười ít thấy nơi một kẻ trầm tư,
rằng nếu không có lời bình giải kiểu Mao Tôn Cương, thì tôi khó mà lãnh hội được
cái thâm thúy của người xưa. Câu chuyện trên muốn nói, thứ nhất, tai nghe mà
bép xép ra lỗ miệng, thì hoa. tòng khẩu xuất, nghĩa là tai hoa. theo cái miệng
mà ra. Thứ hai, nghe tai này lọt qua tai kia, không nhớ gì cả, là thứ vô dụng.
Cả hai loại người trên, chẳng giá trị gì. Thứ ba, nghe và cất kỷ trong lòng,
không nói ra. Đây là loại người ý tứ kín đáo.Sống trong chế độ ưu việt, áp dụng
Ba Không: không nghe, không thấy, không biết, có thể tránh được nhiều tai vạ.
Tôi nói, tránh được tai vạ để giữ tính mệnh, nhưng sống mà buồn quá, cũng chán.
Anh Khan ngước nhìn lên đám mây cao, nói trời lặng thinh, nhưng bốn mùa vẫn
luân chuyển, vạn vật vẫn không ngừng sinh hoá. Không ai có thể biết được ngày
mai sẽ xảy ra chuyện gì. Hãy chờ xem.
Một ngày, sau bữa cơm chiều, có hai gã người Thượng ghé rẫy của anh Khan. Anh
giới thiệu, một người tên Y Nôm, người kia tên SõLum. Cả hai đều nước da ngăm
đen, thân hình rắn rỏi. Họ dắt theo một con chó, loại chó săn, cao giò, bụng
thon, tai vểnh, lông có vằn như cọp. Và mang theo những cái rế đan bằng mây rừng,
giống cái rế lót nồi ở những vùng quệ Như đã hẹn trước, anh Khan đưa họ đi quan
sát dấu chân heo rừng. Dài theo những lối heo thường ra vào phá rẫy, họ đặt những
cái rế lật ngửa lên. Giữa rế để một miếng mồi bằng loại thịt đã có mùi hôi, được
móc với một chùm lưỡi câu. Mỗi lưỡi câu cột dính với vành tròn phía trong của
cái rế, bằng sợi cước dài khoảng gang tay.
Tôi hỏi: " Làm thế mà có thể bắt heo rừng được sao?"
Y Nôm hỏi lại: "Chứ ông cán bộ nghĩ phải làm thế nào?"
"Tôi nghe người ta nói, dùng một thân cây níu quằn xuống làm cần bẫy, cột
sợi dây làm thòng lọng, đặt trên mặt đất. Khi heo dẵm phải, cần bẫy bật, và cái
thòng lọng siết giò heo treo lên."
"Ông cán bộ chỉ nghe người ta nói, chứ ông không có để cái tay làm công việc.
Làm cái bẫy như thế cũng được, nhưng không tốt và có hại cho con người."
"Tại sao không tốt mà lại có hại cho người?"
Y Nôm cười, lắc đầu.
Anh Khan nói: "Nó không đủ lời giải thích đâu. Này nhé, trên đường heo đi,
không dễ tìm được cây nào thích hợp để làm bẫy. Và khi đã làm bẫy rồi, không dễ
gì con heo dẵm chân phải cái vòng thòng lọng. Giả dụ, heo đã dẵm vào thòng lọng,
cần cây bật siết giò heo treo lên. Nó có thể cắn đứt dây, hoặc cắn đứt lìa một
cái giò bỏ lại để thoát thân."
"Trời đất! Nó dám tự cắn đứt cái giò à?" Tôi kêu lên kinh ngạc.
"Có nhìn thấy cái giò bỏ lại, mới biết loài heo rừng gan dạ phi thường.
Làm cái bẫy như trên, đã khó lại tốn nhiều công, nhưng kết quả rất ít. Và chừng
nào heo chưa mắc bẫy thì còn duy trì cái bẫy. Nếu lỡ có ai ngang qua, vô tình dụng
phải, sức bật của cần bẫy có thể gây nguy hiểm."
"Thế còn cái rế kia, bắt heo cách nào?"
"Cách nào thì chờ xem. Có thể ngày mai, ngày mốt. Không lâu đâu."
"Nếu trong vài ngày, heo không đi qua lối đặt những cái rế, thì có cần phải
thay mồi không?"
"Không cần. Heo là loài ăn tạp. Mồi càng bốc mùi càng hấp dẫn."
Khi hai gã người Thượng đi khỏi, tôi hỏi anh Khan, tại sao Y Nôm gọi tôi là cán
bộ? Anh nói, tất cả những ai đến với buôn bản vùng Cao, mang cái dáng dấp phi
lao động, chỉ biết đứng nhìn, hỏi những câu ngớ ngẩn, và chỉ trích phê bình, lý
thuyết suông mà chẳng làm được gì , họ đều gọi là cán bộ. Anh nói tiếp, trong thời
chiến tranh, người Thượng đã đóng góp tích cực một phần xương máu cho sự thành
công chiếm đoạt miền Nam. Người ta hứa hẹn với họ, rằng họ sẽ được đền bù xứng
đáng bằng cách cải thiện cho đời sống dân buôn bản tốt đẹp hơn. Nhưng chiến
tranh chấm dứt đã lâu rồi, chế độ đã thành hình vững chắc, mà đời sống của họ vẫn
thế, thậm chí còn khó khăn hơn. Họ không còn được làm ăn tự do nữa.
Thỉnh thoảng, có những ông cán bộ từ miền xuôi lên đây, gọi sự tự do này là sự
tùy tiện, thiếu tổ chức. Người ta đặt ra kế hoạch, bắt họ phải làm theo khuôn mẫu.
Những kẻ không có một chút kinh nghiệm nào về đời sống giữa núi rừng, dạy khôn
cho kẻ được sinh ra và lớn lên từ bao đời cha ông ở đây. Tóm lại, người ta nói
về vấn đề cải thiện đời sống, mà không hề cung cấp phương tiện. Người ta chỉ muốn
tổ chức lại mô hình xã hội, để dễ bề kiểm soát mà thôi. Trên đường trở lại căn
lều, anh Khan nói từ ngày có tôi đến đây, anh đã phá lệ Ba Không: không nghe,
không thấy, không biết.
Sáng hôm sau, anh Khan và tôi đang ăn khoai lang lót dạ, nghe có tiếng chó sủa,
và tiếng kêu ơi ới ngoài rừng.
Anh Khan nói: "Y Nôm, SõLum gọi."
Tôi theo anh ra nơi đặt bẫy. Hai gã người Thượng, mỗi người cầm một cây lao, đầu
có bịt sắt nhọn, đứng vây một lùm cây rậm. Con chó sủa, nhiều lần dọm mình muốn
chồm vô, nhưng không dám.
SõLum ngoắc tôi: "Ông cán bộ lại đây coi."
Theo ngón tay chỉ của SõLum, một con heo rừng lông xám, hai bên mép có nanh dài
và cong. Loại heo độc chiếc, đủ khả năng tách bầy, đi kiếm ăn một mình riêng lẻ.
Nhìn cái tư thế mắc bẫy của con heo, tôi hiểu được tất cả những gì hôm qua còn
thắc mắc.Heo táp miếng mồi, nuốt tới cổ, không trôi được vì đã mắc phải những
lưỡi câu, cột bởi những sợi cước dính vào lòng chiếc rế. Vì sợi cước ngắn nên
cái rế áp sát vào mõm. Heo dùng chân trước đẫy chiếc rế ra, nhưng không dám đẫy
mạnh vì sợ sợi cước căng, làm lưỡi câu móc đau cuống họng. Đẫy một hồi, chân
trước vô tình lọt vào một cái lỗ của chiếc rế. Coi như một cái chân đã bị trói.
Cái chân trước còn lại, sẽ tiếp tục đẫy nữa, rồi cũng sẽ lọt vô cái lỗ khác,
không rút ra được. Thế là cái mỏm heo và hai chân trước hoàn toàn bị khoá bằng
chiếc rế. Heo không dám làm động mạnh chiếc rế, sợ lưỡi câu móc đau cuống họng.
Khi đã mắc bẫy, heo chỉ có thể lê lết xa nơi đặt bẫy một khoảng mười thước
không hơn. Và, người thợ săn chỉ còn một việc phải làm sau cùng, là phóng lao
đâm vào những chỗ nhược của con heo mà không sợ bị nó tấn công ngược lại.
Sau vụ bẫy heo rừng. Anh Khan nói, Y Nôm và SõLum cho biết đàn khỉ đã kéo về lảng
vảng vùng này rồi. Nhưng chừng nào chúng đến tảo thanh rẫy bắp thì chưa biết. Một
hôm, tôi thấy vài con khỉ nấp ló trên cây. Anh Khan nói, đó là những con tiền
sát, đi dò địa bàn hoạt động. Khỉ là loài tinh khôn sau loài người. Chúng sống
có đàn. Mỗi đàn có một con khỉ đầu đàn. Con này sẽ dẫn đàn đi kiếm ăn rày đây
mai đó, như những bộ tộc du mục thời xưa. Chúng đến cái rẫy nào một lần, sẽ lẩn
quẩn ở đó nhiều ngày, ăn cho tàn mạt rồi mới chịu đi nơi khác. Con khỉ đầu đàn,
không vào rẫy. Nó ngồi trên ngọn cây cao để canh chừng, và xua con cháu vào mục
tiêu, ăn cho no, còn độn hai bên má làm phần dự trữ. Trước khi rút lui, chúng
còn mang theo một hoặc hai trái bắp làm chiến lợi phẩm, và đóng thuế cho con khỉ
đầu đàn. Khi nào con khỉ đầu đàn la ré lên là báo hiệu có biến, đàn khỉ đang ăn
sẽ bỏ chạy, mất trật tự còn hơn cuộc di tản chiến thuật từ cao nguyên về miền
biển. Tôi hỏi thế những cái thùng thiếc khua động chung quanh rẫy, không có tác
dụng làm chúng sợ hay sao? Anh Khan nói, cũng có tác dụng trong những lần đầu,
nhưng nhiều lần sau chúng quen, không sợ nữa. Khi ta ở trong lều, thì chúng phá
ngoài rẫy. Khi ta ra rẫy, chúng kéo vô trong lều, lục phá tan hoang đồ đạc.
Một buổi trưa, nghe tiếng khọt khẹt ngoài rẫy, anh Khan giựt dây khua thùng báo
động và chạy ra xem. Một vạt bắp bị phá. Nhiều cây gảy gục và trái bị cạp lem
nhem dang dở.
Anh nói: "Chỉ mới đợt đầu mà thiệt hại như thế, thì đàn khỉ này có thể
đông gần trăm con."
Tôi ra bìa rẫy, nhìn lên những ngọn cây rừng, tất cả đều im lìm.
"Chúng đã chạy xa hết rồi." Tôi nói.
"Chưa chắc. Có thể chúng nấp đâu đó trong những vòm lá. Thử ném mạnh một
viên đá lên thì biết ngaỵ"
Tôi ném viên đá, không thấy động tĩnh gì. Anh Khan ném một khúc gỗ mục lên tàng
cây khác. Bỗng nghe ào ào trên cây. Bầy khỉ hốt hoảng chuyền cành, đổi chỗ ẩn nấp.Chỉ
trong vài giây ngắn ngủi, tất cả đều im lìm trở lại. Nhìn kỹ sẽ thấy vài con
thu mình trong lá, hai mắt thao láo nhìn xuống.
Trở lại lều, anh Khan chuẩn bị bắt khỉ bằng cách đâm một chén muối ớt thật cay,
trộn với cơm nguội, để xuống hố. Anh dựng thêm một cây tầm vông từ dưới lên miệng
hố, và giải thích, cây tầm vông làm cái thang cho khỉ xuống hố. Gặp cơm trộn ớt
đỏ, nó sẽ bốc ăn, cay quá chảy nước mắt, nó sẽ đưa tay dụi mắt. Tôi cười, bàn
tay dính ớt mà dụi vào mắt, thì chỉ còn có cách làm hiệp sĩ mù nghe gió kiếm mà
thôi.
Chuẩn bị xong, anh Khan kéo tôi ra một góc rẫy, nơi bìa rừng, ngồi dưới bóng
cây tọ Anh nói, bỏ trống cái lều, nhường cho bầy khỉ. Nhưng suốt chiều hôm đó,
không có con khỉ nào bén mảng vào lều.
Hai hôm sau. Trên đường từ nhà Y Nôm trở về, vừa đến rẫy đã nghe tiếng con khỉ
đầu đàn trên ngọn cây ngoài rừng la ré lên, anh Khan chạy vội vào lều. Bầy khỉ
tuôn ra, phóng chạy. Đồ đạc trong lều bị phá tung, vất bừa bãi. Dưới cái hố,
bên hông lều, những con khỉ còn kẹt lại, tranh nhau leo lên bằng cây tầm vông.
Cứ con này ôm cây tầm vông leo lên, thì con kia sợ hãi nắm đuôi kéo xuống,
giành leo lên trước. Rốt cuộc, không con nào lên được miệng hố. Chúng quờ quạng,
loi choi, bưng mặt, dụi mắt, và la chí choé. Anh Khan rút cây tầm vông lên. Thế
là những con khỉ dưới hố đã hoàn toàn bị nhốt. Tôi đếm được bảy con.
Tôi hỏi: "Đã bắt khỉ rồi. Bây giờ, làm cách nào đuổi khỉ?"
"Đến giai đoạn này, mọi chuyện sau đều dễ dàng."
Tất cả đồ nghề đã chuẩn bị từ trước. Anh Khan dùng thanh cây, một đầu có buộc
thòng lọng, tròng vào cổ từng con, kéo lên, trói lại. Anh lấy kéo cắt lông trên
đầu khỉ, như bị cạo trọc. Và lấy sơn màu đen đỏ trắng vàng, phết lem nhem lên đầu,
lên mặt khỉ, trông rất khôi hài. Xong, anh mở trói, thả nó chạy vào rừng. Lại
lôi con khác lên, hớt lông, sơn đầu...
Anh Khan giải thích, khỉ có khuynh hướng nhập bầy. Những con khỉ này, nó sẽ chạy
đi tìm bầy để nhập. Nhưng những con khỉ khác không còn nhận ra bạn nữa, và
tránh xa nó như con vật quái đản. Tự bản thân con vật bị sơn mặt, nó không biết
nó quái đản, nên bầy khỉ càng chạy tránh, nó càng bám theo để nhập bầy. Cứ thế,
một bên chạy, một bên bám riết, càng ngày càng đi xa, thật xa.
"Rồi nó sẽ về đâu?"
"Rừng núi bao la muôn trùng, ai biết sẽ về đâu."
"Những con khỉ bị bôi sơn lên mặt, rồi sẽ ra sao?"
"Cũng không ai biết sẽ ra sao. Nếu nó cứ bám riết theo bầy, có thể một
ngày nào đó, con khỉ đầu đàn sẽ cắn nó chết."
Sáng mai, tôi sẽ rời khỏi lều rẫy, bỏ lại núi rừng, từ giả anh Khan để đi một
nơi thật xạ Trong đêm, tôi nằm thao thức trên chiếc võng, không ngủ được. Nhìn
ánh trăng khuya lạnh lẽo soi vào căn lều trống trải, tôi nghĩ đến những ngày cô
đơn của anh Khan giữa đám rẫy đìu hiu. Tôi lại nghĩ đến đàn khỉ cứ chạy mãi, chạy
mãi, không biết giờ này chúng dừng lại hay chưa? Anh Khan cũng không ngủ được.
Anh ngồi dậy vấn thuốc, bất ngờ anh hỏi tôi, nghĩ thế nào về những con khỉ bị
sơn mặt? Tôi nói, nếu ở Âu Mỹ, Hội Bảo Vệ Súc Vật sẽ can thiệp cho nó. Anh bảo,
khi tôi sang xứ người, nên tìm đến cái Hội Bảo Vệ Súc Vật, để nhờ họ che chở.
Và nhớ hỏi họ, rằng giữa vùng rừng núi Việt Nam, có những "con khỉ người"
đang bị sơn mặt, họ có bảo vệ không?
Lâm Chương