03 October 2017

MỘT ĐÁM GIỖ NHÀ GIÀU - Phạm Nga

1.
Mấy ngày trước, nhà trên của từ đường họ Phạm, nhất là ở khu vực ngay chính giữa là gian thờ tổ tiên, tất cả đều được quét dọn, lau chùi hết sức sạch sẽ, tươm tất. Phía trước gian thờ, cũng chính là mặt tiền nhà từ đường, đã lâu lắm rồi mới thấy cả ba bộ cửa bằng gỗ quí đồng loạt được mở hoác ra cho không khí, nắng gió bên ngoài được phép lùa vào, xua đuổi cái mùi ẩm mốc lưu niên của những thứ đồ nội thất cổ lỗ sĩ, nặng nề là bộ ván gõ cùng các thứ tủ, bàn, kệ thờ, hương án, tranh tứ bình, cặp liễng…

Theo thói tục phong kiến, trong ba bộ cửa lùn thấp, đầy vết mối mọt ấy, bộ cửa chính giữa, cứ như một tuyến phòng ngự cố định cho gian thờ đang nổi đèn nổi đóm sáng trưng giữa ban ngày kia, chỉ được mở hé và đóng lại lập tức khi có người lách mình vào để thắp nhang đãnh lễ hay bày dọn đồ cúng. Nên nhớ là dù ngày giỗ hay ngày thường, có tục lệ khô cứng là phụ nữ dù có vai vế trong gia tộc cũng không được bén mảng, vô ra nhà thờ bằng bộ cửa chính giữa này.
Ở vùng đất này, đầu óc “trọng nam khinh nữ” còn dày dạn hơn thế nữa. Như phía sau bộ cửa phía bên trái nhà từ đường họ Phạm, xưa nay vẫn có một cái bàn lớn chỉ dành riêng cho phái nam ngồi, theo đúng qui cách phương Đông “nam tả nữ hữu”. Khi có việc phải từ nhà dưới bước lên nhà thờ, như để bày biện mâm quả ở gian thờ hay phục vụ trà nước cho quí ông ngồi ở cái bàn VIP kia, đàn bà con gái trong nhà chỉ được phép ra, vào bằng bộ cửa phía bên phải mặt tiền, hay muốn đi tắt cho nhanh thì có thể dùng ngõ cửa hông vừa hẹp vừa thấp phía bên phải gian thờ, cũng là lối đi thông duy nhất giữa nhà trên với nhà dưới.         
Đang diễn ra là một đám giỗ nhà giàu khá náo nhiệt, đặc biệt ồn ả là đối với đám trung niên, thanh niên ngồi ở mâm nhà dưới. Chỉ cần quét nền nhà cho sạch đất cát, vài tờ báo cũ được trải ra, lót dưới những tô dĩa thức ăn, là lập tức đám con cháu các đời cấp dưới của cụ cố đã có thể biến bữa giỗ thành một bữa nhậu tưng bừng kéo dài. Đàn bà, con trẻ cứ ngồi chung hay bu sau lưng mấy ông một cách thoải mái.
Dĩ nhiên, cánh phụ nữ, nhất là những bà dâu, cô cháu dâu, phải thỉnh thoảng liếc chừng lên nhà trên. Cái bàn ăn bệ vệ, cao ráo dành cho các bậc trưởng thượng kia lúc nào cũng có vẻ trầm mặc, nặng nề nghi lễ và ít ỏi tiếng cười nói hào hứng. Ngày nay, có lẽ do số đàn ông lớn tuổi, có vai vế trong gia tộc đã chết đi nhiều hơn là do sự phai tàn của tục “trọng nam khinh nữ” phong kiến, mà trong mâm giỗ người lớn này đã được phép có mặt một, hai phụ nữ, đúng hơn là những bà già, ít ra là ngang hàng với ông Phạm Thao quá cố, chủ đời trước của nhà từ đường.

2.
Bữa nay, tại bàn VIP còn có mặt hai người đàn ông khoảng trên dưới 50 tuổi, hơi lạ mặt. Đúng ra, cũng không là ai xa lạ vì họ chính là cháu nội không được thừa nhận của cụ cố họ Phạm. Rõ hơn, cha của hai người này, chỉ được bà con gọi tạm mà thành chính danh luôn cho đến ngày chết là ông út Tú – một vai ‘út’ nào đó – do không chắc là có tờ khai sinh chính thức nào trích ra từ sổ bộ đời địa phương này đề tên họ đứa bé chính thức là Phạm Tú, do đây chỉ là con rơi của cụ cố họ Phạm mà thời sinh tiền, ông bá hộ đã ngó lơ, chỉ chu cấp cho có lệ mà không hề nhìn nhận. Phải chờ cho đám người già lần lượt qua đời, con cháu các đời sau của họ Phạm, mà có quyền lực nhất là cậu chủ nhà Phạm Khanh đang thủ từ đường, đã phóng khoáng, tiến bộ hơn khi tự ý giải tỏa cái thói buông bỏ máu mủ gia đình của ông cố mình mà bắt liên lạc, mời hai ông chú họ của mình về nhà từ đường.
Thắp nhang xong trước di ảnh ông nội mình, hai người chú chỉ ngồi một lát tại bàn nhà trên. Như không được thoải mái khi phải ngồi đối diện, chuyện trò nhạt nhẽo với những người thuộc dòng chính thất, tức được ghi tên rành rọt trong gia phả họ Phạm, hai con người cũng mang họ Phạm này cứ nghe ngóng, liếc nhìn xuống mâm nhà dưới. Sau cùng, lấy cớ cần nói chuyện làm ăn với cháu Phạm Khanh, hai người đã xin phép rời bàn, cầm ly đi xuống nhà dưới – phía ăn uống, vui đùa thoải mái, không câu nệ lời thưa tiếng gởi.
Chính Phạm Khanh, quản gia đương nhiệm nhà từ đường hương hỏa, cũng làm động tác rút lui này từ trước rồi. Do vai trò thủ từ đường, đương nhiên anh thuộc về mâm giỗ của các bậc già lão ăn trên ngồi trước, dù cho anh chưa tới 30 tuổi.
“Một, hai, ba, dô!”, “Dô đi chớ mấy ông!”, tiếng hò hét của đám đàn ông hòa lẫn tiếng trẻ con đùa giỡn chí chóe, tiếng mấy bà mắng yêu chồng và xuỵt đuổi chó, mèo đi chỗ khác… Những âm thanh náo nhiệt ấy làm người ta nhớ lại những bữa giỗ cụ cố trước kia, hồi còn rất sinh động, vui vẻ, ấm áp, khi mà những người sống trong nhà từ đường này còn nghèo mạt – nghèo mà đám giỗ lại đông vui hơn.
Hồi đó là những năm mới sau 30 tháng 4, ai nấy trong xóm làng đều nghèo hay trở nên nghèo nhưng số người già trong họ hay trong chòm xóm lân cận cũng chưa qua đời nhiều quá, khiến cho những người lớn tuổi nhưng vai vế thấp cứ đến dự đám giỗ là ngồi dưới đất với đám thanh niên. Đồ ăn thức uống vào những ngày giỗ nghèo ấy chỉ là một bữa cơm gia đình mở rộng, nghĩa là đạm bạc, xoàng xĩnh không khác ngày thường bao nhiêu. Nhưng số người say xỉn, quá đả lại nhiều hơn.
Riêng mấy ông già thì có cùng một kiểu đi đám giỗ rất chân quê. Đó là cắp nách theo một chai rượu chứ không phải bánh trái, đèn đóm gì. Gia chủ có nhiệm vụ đặt chai rượu cúng ông lên bàn thờ cho người chủ chai rượu thắp nhang khấn vái chút đỉnh. Rồi chai rượu lập tức được hạ thổ, đem tiêu thụ ngay khi cây nhang còn chưa kịp tàn. Có điều là, như một mặc định không cần văn tự, phía gia đình làm giỗ cần phải ghi nhớ và phân biệt cho kỹ mọi loại chai cũ, chai mới, chai vuông, chai nhựa…, để trả vỏ chai đã cạn rượu cho đúng với người mang chai đến cúng.
Kết quả của một trận uống chung chạ đủ thứ rượu trắng hay rượu thuốc không rõ lai lịch – chỉ biết mỗi một điều là toàn rượu dõm, rượu rẻ tiền, chính xác là toàn rượu của đám bợm nghèo – là cả đám nhậu rất mau thấm rượu mà gục ngã, ói mữa, nằm lăn lóc khắp nơi trong nhà. Nhưng có hỗn loạn, trây trúa như thế thì cả chủ lẫn khách mới cùng hưởng thụ một đám giỗ vui hết biết, chủ khách gì cũng đều công nhận.
Ngày giờ này, bia lon và bia chai ê hề thì cũng coi như bữa giỗ vui, nhưng không đông đủ cho bằng những bữa giỗ nghèo với rượu đế dõm năm nào.

3.
Đã rõ đám giỗ cụ cố họ Phạm bữa nay cúng lớn, thịnh soạn bởi được thực hiện vào thời phất lên của nhánh con trai thứ của cụ cố là ông Phạm Thao, người vừa mất năm ngoái và quyền thủ từ đường trao lại cho con trai thứ là cậu Phạm Khanh. Đúng ra, người đáng lẽ kế thừa quyền thủ từ đường từ ông Phạm Thao phải là cậu con trưởng, nhưng cậu đã vượt biên lâu rồi, vào cái thời sa sút của cả dòng họ cũng như cả đất nước sau 30 tháng 4. Gần đây, do đã sinh sống ổn định ở Mỹ, cậu ta gởi về một số tiền khá lớn, bảo em mình tu sửa nhà từ đường và khỏi tiện tặn như trước kia, cứ làm giổ ông cố cho thật rình rang.
Khổ nổi, cũng vào lúc đám con ông Phạm Thao phất lên thì lại nổ ra cuộc tranh chấp đất hương hỏa họ Phạm với đám con của ba bà cô – chị ông Phạm Thao, những gia đình nheo nhóc với đủ thứ khó khăn, nợ nần. Thảm kịch đánh lộn đánh lạo, kiện thưa ra tòa giữa mấy nhánh anh em họ đã xảy ra bởi không bên nào biết kềm chế, khiến vào giỗ cụ cố năm nay, người của gia đình ba bà cô đều không qua dự, cũng không đem bánh trái qua cúng khi đánh tiếng rằng mỗi nhà cứ tự cúng ông, có bao nhiêu cúng bấy nhiêu là được hết thảy.
Trớ trêu là hai ngày sau giổ cụ cố lại có giỗ chồng cô Hai, tức dượng rể cậu Phạm Khanh, thì nhánh anh em Khanh cũng đáp lễ bằng cái cách trống không, lạnh nhạt y như vậy.
Tình cờ có một anh, cũng thuộc hàng cháu cụ cố họ Phạm, từ Sài Gòn về quê nhà dự giỗ, đã tự thấy phải có mặt ở cả hai bữa giỗ, một bên giàu và một bên nghèo. Ở cả hai chiếu nhậu đều là bà con dòng họ, anh ta lấy tư thế người ngoại cuộc, không hề có quyền lợi gì dính vào vụ tranh chấp đất đai, đã tìm cách nhắc lại chuyện xưa chuyện nay, nói gần nói xa về một sự giảng hòa, nhường nhịn qua lại. Nhưng cả hai phe đều giả điếc, lạnh lùng, thản nhiên ép anh ta uống tới tấp như một cách ngắt lời, bịt miệng. Chỉ được cái là mỗi phe đều biết kềm chế, đang đám giỗ thì ngừng chữi bới, ngưng nói xấu người vắng mặt.  Nhưng vẫn còn y nguyên đó cái tuyến thù hận, đối nghịch giữa hai dòng anh em họ.
Vậy mà, ở cái làng Kim Bông xanh mát vườn dừa này, vào thời niên thiếu của cả hai nhánh họ Phạm, họ đã từng cùng nhau sống những ngày tháng rất êm đềm, hòa thuận trong khuôn đất tổ tiên. Phải nói là hạnh phúc, chan chứa thương yêu, bát ngát tiếng cười, khi cả bọn trẻ, trai cũng như gái, cùng vui đùa, nghịch ngợm với nhau đủ trò. Như thi nhau leo bẻ dừa để cùng nhau uống đến no căng bụng cái thứ nước ngọt lành ấy. Như cùng tắm truồng, bơi đua dưới sông hay lén lấy ghe của ai đó chèo qua cái doi đất giữa sông để tìm hái đọt rau ráng. Đem thứ rau hoang dã này về, chúng chui vào bất cứ nhà đứa nào còn cơm nguội trong nồi. Cứ nhanh chóng luộc rau rồi chấm nước cá kho, cùng nhau vét sạch nồi cơm là tuyệt nhất trên đời.
Áo quần lôi thôi lếch thếch, mặt mũi đen đúa, ngờ nghệch, hồn nhiên thời đó của tất cả bọn chúng sao mà dễ thương lạ thường! Không đứa nào nói ra nhưng những kỷ niệm tuổi thơ rất sâu đậm ấy đã chiếm một chỗ ngọt ngào nhất trong ký ức lớn khôn của mỗi đứa.
Ngày giờ này, tóc trên đầu đã hoa râm, các gia đình đã sản sinh ra cả đống trẻ con, cũng đang cùng chơi đùa, nghịch phá y như cha, chú của chúng ngày trước. Nhưng cha mẹ chúng, những anh em họ hàng –  đời thứ tư của họ Phạm –  lại quay mặt với nhau, đánh nhau đổ máu đầu, kiện nhau ra tòa, đòi xâu xé đất hương hỏa dành để thờ phượng tổ tiên. Chỉ vì đất đang có giá.
Run rủi là ngay giữa mùa anh em máu mủ tương tàn lại có ngày giỗ cụ bá hộ họ Phạm mà các nhánh đều đồng loạt gọi là ngày cúng cơm ông cố, cụ cố.
Các bậc tổ tiên họ Phạm, hơn ai hết là cụ cố Phạm Đam – người đã để lại đất hương hỏa, người mới được con cháu, khách khứa kính cẩn nhắc tới trong ngày giỗ của chính cụ – có từ trên bàn thờ nhìn xuống, thấy vụ tranh chấp, xâu xé đất tổ giữa con cháu thì cũng bó tay, chỉ biết nhìn dương gian bằng cặp mắt lạnh lẽo, vô hồn mà thôi.

Phạm Nga