Kính dâng hương hồn anh Hồ văn Hòa
Riêng tặng Anh Hà Khôi (tức Hà Quế Linh) nguyên là đại đội
phó 405 TK của tôi.
Trong đêm xứ người, nói gì về những người muôn năm cũ. Hai đứa
chúng tôi như rưng rưng để nhớ về những đồng đội cũ của mình. Tôi hỏi anh Hòa về
những gì anh biết về đại đội 405 thám kích. Bộ quân sử không nói về 405. (Nếu
có, chỉ ba giòng trong trận đánh năm Mậu Thân). Quân đội miền Nam cũng chẳng
bao giờ nhắc đến một 405. Nó vô danh.
Nó đánh giặc không phi pháo dọn đường, không được yểm trợ tối đa như những lực
lượng tổng trừ bị. Nó là những tổ 3 người, những toán 4 người, mang trên vai những
ba lô với mười mấy ngày lương khô xâm nhập trong lòng mật khu. Thế giới của nó
là những cánh rừng thâm u, những ngôi làng sâu trong rừng, những con đường mòn
xâm nhập của địch. Nó không cần ai biết. Nó buồn như thế đó. Lạc loài như thế
đó. Nó lầm lì như thế đó. Bao nhiêu trách nhiệm nguy hiểm trong vùng địch
kiểm soát, đột kích, thám kích, tiền thám hay viễn thám kể cả tăng
viện và là mũi tấn công chính trong một trận đánh dữ dội, đều giao
cho Đại đội Thám Kích 405. Vì vậy sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ của
đơn vị nầy phải là quân nhân tình nguyện hoặc được chọn lựa trong
thành phần có kinh nghiệm trận mạc, gan lì và nhất là sự bền bĩ
chịu đưng gian khổ ở các đơn vị tác chiến khác của Sư Đoàn. Mặc dù
Đại Đội Thám Kích không có trong Bảng Cấp Số của Sư Đoàn, nhưng do
tính chất cuả nhiệm vụ khi thành lập -vì nhu cầu chiến trường- nên
tính mệnh của mọi cấp trong ĐĐ/TK như “chỉ mành treo chuông” mỗi một
khi được sử dụng. Ai vào thám kích mà ra khỏi được, không chết, ít
nhất cũng mang theo vài chiếc thẹo trên mình. (1)
Rõ ràng, chúng ta là những kẻ may mắn nhất. May mắn bởi vì
thay vì nằm xuống như một số người lính thám kích, chúng ta mang trên người những
vết sẹo. Những vết sẹo mà khi sờ lại, thất lạnh cả người, mà mắt nhắm lại, để cảm
tạ Đấng Quyền Năng đã phò trợ trong dòng binh lửa.
Nhưng tại sao, anh và tôi lại phải giữ gìn như giữ gìn những
gì trân quí nhất?
Viên cựu đại đội trưởng 405 TK nhắc lại một Y Đao như một
con sóc rừng. "...Y nhanh lẹ không thể tưởng. Người y, khi mang ba lô 17
ngày lương thực, không thấy người, chỉ thấy cái ba lô. Còn hạ sĩ Nùng Lương văn
Tướng, ông ta nói tiếng Việt vẫn còn lắp bắp, mặt lúc nào cũng lầm lì.
Ông ta còn có biệt danh là ông Tướng giải phóng. Tại sao là
giải phóng, Thư biết không?." "Thưa đại bàng, tôi không được biết".
Tôi trả lời. "Số là hôm ấy, toán ông bị phát giác. Lính Bắc hỏi: Ai đấy?
Ông Tướng lính quýnh trả lời: Biệt kích Giải phóng. Trời ơi, VC làm gì có biệt
kích. Còn trung sĩ Tám, trung sĩ Khoái, trung sĩ Đặng, hạ sĩ Dự, hạ sĩ Lực, còn
chuẩn úy Bùi Toàn Hảo, chuẩn úy Âu Hoàng Minh, chuẩn úy Phan Thái Gia, chuẩn úy
Nguyễn Thái Lâm..."
Anh kể như thuộc lòng. Đó là điều hiếm hoi cho một người đã
trải qua rất nhiều đơn vị. Nó chứng tỏ đại đội 405 là một dấu ấn đậm sâu vào
tâm trí của một người lính cũ. Nó chứng tỏ, anh đã có một nơi để tự hào trong đời
binh nghiệp của anh.
Rồi anh Hòa nhắc lại hạ sĩ Y Brep và hạ sĩ Ba. VC trồi lên
đánh cận chiến. Thằng Y Brep quạt Thompson bảo vệ anh, thằng Ba xô anh xuống hố.
Và kết quả, Hạ sĩ Ba chết, và Y Brep bị mù một con mắt.
Tôi lắng nghe tiếng anh nghẹn lại. Vâng, tôi cũng vậy. Anh
nói rằng, những người lính 405 anh hùng quá, dũng cảm quá, anh chưa bao giờ thấy
đơn vị nào mà tất cả đều cùng một lượt xung phong lên đồi cỏ tranh, đứng thẳng
mà tiến lên. Anh chưa bao giờ thấy một đại đội lại đánh tan tành một tiểu
đoàn... Vâng, anh kể lại thời của anh từ 1963 đến 1964, và tôi kể lại thời của
tôi từ 1967 đến 1971. Anh làm tôi nhớ lại hạ sĩ Đông mang máy truyền tin. Đông
cũng cõng tôi mà chạy dưới bao lằn đạn. Và ông Y Suk đã cứu tôi thế nào trên đỉnh
Kỳ Sơn.
Tôi cũng muốn nói về cái uy danh của đơn vị, khiến lúc đơn vị
bị vây khỗn, ngỡ chừng như tuyệt vọng, nhưng địch vẫn không dám ùa ra cận chiến...
Đêm nay, quê người, và hơn 30 năm xa cách cho hai cánh diều
hâu bỏ đàn bỏ tổ. Những giọt lệ bỗng nhiên lại thêm một lần chảy lạnh cả tâm hồn.
Người sống nhớ về người đã chết. Người may mắn nhớ về người không may mắn. Nguồn
cội từ một mái nhà được phanh ra, để cùng nhau tự hào và cũng để cùng nhau mà
khóc thầm. Những con người, không bao giờ nhìn lên, mà chỉ nhìn xuống, cam phận.
Có ai còn nghĩ đến họ. Nghĩ đến một người như hạ sĩ Ba chịu hứng đạn thù để cứu
một đại đội trưởng, để anh còn sống, để anh được cơ hội nhận hai lần thăng cấp
tại mặt trận chỉ trong vòng hai tháng từ một ông tướng khó nhất là tướng Đỗ Cao
Trí.
"Thư à, lon mình không phải do tướng Đỗ Cao Trí gắn mà
là do hạ sĩ Y Brep, hạ sĩ Ba gắn..."
Cám ơn anh Hoà đã nhắc lại thời kỳ đầu tiên của một đại đội.
Khi tôi hỏi anh một câu mà tôi nghĩ là quá thừa: Anh nghĩ thế nào về đại đội
mình. Bên đầu dây xa, giọng anh ấy trở nên phấn khích: Đó là một đơn vị chỉ biết
chiến thắng. Anh kể lại những địa danh rừng núi. Những mật khu, đặc khu. Những
đồi tranh, và những trận đánh ác liệt. Anh lại kể lần tướng Đỗ Cao Trí, tướng
Linh Quang Viên, đáp xuống ngọn đồi mà đại đội vừa chiếm lại giữa ầm ầm tiếng
pháo, và la liệt xác phe bên kia. Tôi cũng kể lại những nồi cơm mà Bắc quân bỏ
chạy còn nấu lỡ dở, trong những đêm chúng tôi đột kích mật khu ở Bình Định. Tôi
nói suốt hơn bốn năm, đại dội không cho phép bất cứ một trái pháo nào lọt vào Bộ
Tư Lệnh. Vì sao? Vì địch là ma, ta cũng là ma. Chúng tôi cùng nhau cười ha hả.
Anh lại nhắc đến công trạng của thiếu úy Đặng đức Thành, người khai sinh ra đơn
vị Biệt kích Sư đoàn, tiền thân của đại đội 405 thám kích. Anh còn nói nhiều nữa.
Chính cái cái khăn quàng đen mà tiểu đoàn 35 Biệt Động Quân mang là biểu tượng
truyền thống của đại đội 405 Thám kích sư đoàn 22 BB:
"Thư à, mình phải kể cho Thư nghe, ngày về nhận tiểu
đoàn 35 BĐQ, mình đã mang theo chiếc khăn quàng cổ của đại đội cho đơn vị mới."
oOo
Từ 405, anh Hòa đã mang chiếc khăn quàng cổ màu đen về 35
BĐQ. Từ 405, tôi cũng đã mang 9 tác phẩm văn học đến cùng độc giả. Con số quá đủ
cho một tấm lòng đối với bạn bè đồng đội của mình. Tôi hẹn với lòng, sau Mặc Niệm
Chiến tranh là bỏ viết. Tôi đã gởi gấm những gì mà tôi cần gởi gấm. Nhưng bây
giờ, tôi lại ngồi trước máy. Những lời của anh Hòa chẳng khác cơn bão xoáy lốc
vào tâm não. Một đằng, tôi cảm thấy mình thật hãnh diện, bởi vì tôi đã có mặt tại
một đơn vị đã từng tạo nên một thành tích kỷ lục có một không hai trong QLVNCH.
Khó có một ai trong bất cứ đơn vị nào được tướng Đỗ Cao Trí thăng cấp hai lần
trong vòng hai tháng ngay tại mặt trận. Có người gọi tôi là điên khùng. Có kẻ
cho tôi là ái quốc lãng mạn. Vâng, quả tôi điên khùng thật. Nhưng bây giờ tôi
phải cám ơn về cái điên khùng này. Nhờ nó tôi mới hiểu cái tàn bạo của con người,
của chiến tranh, của hận thù, và những tay chỉ biết xúi tuổi trẻ ra chiến trường
để chết thế, và nhất là một khi tuổi trẻ muốn bày tỏ những ước mơ chân thật của
mình thì bị gán cho những danh từ như phản chiến, hèn nhát, trong khi chính những
kẻ ấy là co rúm hơn ai hết. Chính nhờ nó, tôi mới hiểu cái câm nín chịu đựng của
những người lính bộ binh trong một thời chỉ con ông cháu cha mới được sống.
Chính nhờ nó tôi mới cảm nhận được thế nào là tình đồng đội cũng như nỗi kiêu
hãnh của những người lính tác chiến.
oOo
Phải. Không tự kiêu sao được khi đám lính khăn choàng đen
huy hiệu diều hâu vồ mồi đã làm địch Bình Định kinh hồn bạt vía. Chúng tôi đã
áp dụng tối đa chiến thuật dạ kích. Anh bạn, tôi xin nhắc lại, nếu địch là ma,
thì ta cũng là ma, tại sao mấy ngài chỉ huy cao cấp chỉ biết cái chiến thuật
nhà giàu, ngày đánh, đêm về phố nhảy đầm hay ngủ với vợ. Tại sao các ngài không
thành lập những đội quân chuyên đánh đêm, hay đổi lại chiến thuật đánh ngày
sang đánh đêm. Địch lợi dụng bóng tối tại sao ta lại không lợi dụng bóng tối để
đột kích mật khu, phá nát hậu cần, gây cảm giác lo âu kinh sợ cho đối phương, bắt
đối phương lúc nào cũng hoang mang giao động? Tại sao cứ chơi trò đóng đồn
phòng thủ, chờ chuông báo tử.
Chuông báo tử. Những hồi chuông đã kéo hối hả khắp cả miền
Nam, và bóng u minh đã òa chụp xuống từng người, từng thân phận. Không phải vì
ta hèn. Chưa có một đội quân nào trên thế giới này, thua trận, nhưng lại tự hào
cùng hàng ngũ, cùng màu cờ sắc áo như quân đội miền Nam này. Không phải một
ngày, một tháng, mà cả đời. Chỉ có những kẻ trong cuộc mới hiểu và thấm thía được
nỗi tự hào. Và đó là lý do cắt nghĩa tại sao tôi lại phải viết hoài, viết không
mệt về màu áo cũ của mình.
oOo
Viết về một đơn vị, để mà tự hào, nhưng riêng tôi lúc này
còn để hối hận. Bởi vì, ngòi viết của tôi chưa bao giờ có một nhân vật như Y
Brep trên trang giấy. Và tôi cũng chưa bao giờ mời ông Tướng giải phóng, trung
đội phó của tôi một cốc rượu, một lon bia. Ông ta anh hùng như thế, dẫn toán
vào mật khu, hù lính Bắc quân, thế mà mỗi ngày vẫn chào tay tôi, trình diện
tôi, giúp đỡ tôi, nâng bước chân tôi lên trên những bãi chiến trường sôi bỏng.
Thế mà tôi không có cả một lời. Và dù có viết, thì đám kiểm duyệt ở Sài Gòn lại
bôi đen chữ Tướng viện dẫn tôi chơi xỏ một ông tướng nào đó. Vâng, tôi đã vô
tình quên họ, những người lính của trung đội tôi như Y Đao, Nay Lat,Y Suk, như
Nha, Vọng, Tròn, Hường, Nai, Lợi, Ký, Mễ, Ưng Luông. Tôi chỉ bận tâm đến bản
thân tôi. Tôi chỉ tìm mọi cơ hội để được thăng quan tiến chức, hay để được
thoát khỏi địa ngục trong lúc họ vẫn tiếp tục cùng chiếc poncho, hay lon cơm gạo
sấy, coi đơn vị là mái nhà vĩnh viễn của mình mà không một lời ta thán.
(1) Trích từ Định Mệnh - tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 46 của
Văn Nguyên Dưỡng (bút danh của cựu trung tá Nguyễn văn Dưỡng, cựu trưởng phòng
2 SĐ 22 BB).
Trần Hoài Thư