06 December 2018

VƯƠNG QUỐC BÓNG ĐÊM - Tuấn Khanh


Cảm giác bất lực nhất thời trước nỗi đau của người khác, là một cảm giác ghê sợ và xoáy nhói vào trong suy nghĩ không thôi. Câu chuyện của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức mới đây, về việc ông bị ngộ độc trong nhà tù, là một ví dụ.
Theo lời kể, gia đình của ông Thức choáng váng khi nghe ông mô tả về việc ông có biểu hiện ngộ độc, nhưng được chữa trị sơ sài, thậm chí khi ông Thức muốn áp dụng các biện pháp muốn tự bảo vệ mình như chọn ăn mì gói và đồ đóng kín sẳn, thì cai tù phản ứng lạ thường là nói sẽ không cấp nước sôi.

Điềm tĩnh và thậm chí có phần ngạo nghễ, ông Thức nói lại rằng “vậy thì ăn mì sống cũng được”.
Dĩ nhiên, đó là bản lĩnh của người trong cuộc, nhưng với người bên ngoài, thì nghe quặn đau. Bởi tự do của một con người bị tước đoạt, giờ lại nghe đâu cuộc sống cũng dần bị cấu xé từng phần, theo kiểu vô luân nhất mà hiện thực Việt Nam được biết.
Lần đầu tiên, từ trại giam Nghệ An ra sân bay, gia đình ông Thức đã viết thư khẩn cho bạn bè, người quen. Ngay trong đêm, khi máy bay chưa cất cánh về Sài Gòn, thư đã đến với từng người. Có nhiều người đã không ngủ được. Những lời nhắn từ các luật sư, bác sĩ, giới truyền thông… liên tục qua lại với nhau trong đêm ấy.
“Sau khi đọc bài hát của ảnh tặng Ba, ảnh nói ngay là cách đây 4 ngày (tức Thứ Ba), lúc 5h15, thức dậy ảnh thấy chao đảo, đo huyết áp rất cao: 150/110, mồ hôi ra rất nhiều, uống nước thì bị ộc ra, ộc ra có lẫn một vài sợi máu tươi. Nằm một lát thì ộc ra rất nhiều mật vàng, mật xanh, chao đảo, nghiêng ngã, quay cuồng. Y tế trại giam cho uống 2 viên thuốc thì ộc ra hết. Họ nói “bị tuần hoàn não”.
Đến 7h, huyết áp trở lại bình thường và có thể ăn sáng, ăn cơm bình thường nhưng cả ngày hôm đó mệt lắm. Đếm hôm sau thì trở lại bình thường đến hôm nay.
Anh Thức nói nhờ bác sĩ xem như vậy là bị gì.
Anh Thức dặn tháng sau gia đình đi thăm vào ngày 8/12 nhưng nếu bác sĩ thấy tình hình sức khoẻ của ảnh gấp thì ra thăm ảnh ngày 1/12.
Anh Thức nói bây giờ ảnh cảm thấy không an toàn, không dám ăn cơm trại, chỉ ăn mì gói cầm cự kêu cứu nhân dân, bạn bè quốc tế. Nếu trại không phát nước sôi thì ăn mì sống.
Anh Thức cho biết bây giờ trại giam gây khó khăn cho ảnh rất nhiều, trái ngược hẳn trước đây, họ chỉ cần nói “lãnh đạo quyết định, không cần căn cứ gì hết” để trả lời các phản đối, yêu cầu căn cứ luật của anh Thức.
Họ hạn chế và không cho anh Thức gửi và nhận thư. Họ không cho gửi thư bằng phát chuyển nhanh và nói với anh Thức sắp tới họ sẽ xem xét không cấp nước sôi, không cho sử dụng đèn pin, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết. Anh Thức hỏi căn cứ thì họ không trả lời. “Những gì tốt đẹp trước đây đã mất hết rồi, không còn gì nữa”, anh Thức nói vậy.
Về thư yêu cầu luật sư Trần Vũ Hải lo cho vụ án của ảnh và đề nghị luật sư vào gặp, anh Thức nói là sẽ làm nhưng bây giờ thư từ nó chậm lắm (trại giam làm chậm duyện hoặc không gửi đi)” (trích)
Có chi tiết đáng chú ý, là khi ông Thức kể về chuyện ông bị ngộ độc, các nhân viên của trại giam để yên cho ông nói, như một cách mượn ông Thức truyền đạt sự kinh sợ cho gia đình. Nhưng khi bàn về các vấn đề luật pháp, và việc pháp lý được giao cho luật sư tìm hiểu thì họ lập tức ngăn cản. Cũng vậy, mọi đơn từ hợp pháp của ông Thức gửi cho các cơ quan công quyền và luật sư đều bị ách tắc, cản trở.
Nhà tù ở Việt Nam lạ lùng như vậy đó. Nó không khác gì kiểu vương quốc của bóng đêm, mọi thứ được điều khiển bằng ý chí của một cá nhân hay một nhóm người nào đó, mà cái ác và sự bất lương được lấy làm căn bản. Luật pháp chỉ là thứ để giới thiệu về cái bóng của sự văn minh, được nhà cầm quyền luôn trình diễn sự rượt đuổi.
Tương tự như bộ phim Monster Inc của trẻ con – về những giống loài chỉ có thể tồn tại và lớn lên bằng năng lượng tạo ra từ sự sợ hãi của kẻ khác – nhà tù Việt Nam cũng thích tạo ra sợ hãi như vậy, không chỉ cho người bị giam giữ, mà còn nhắm đến cả người thân của họ ở bên ngoài.
Chúng ta vẫn nghe chuyện nhà tù Việt Nam ngăn chận không cho tù nhân gặp người nhà trong nhiều tháng, không cho gọi điện thoại về, cho tù thường phạm đe dọa, đánh đập, chuyển trại giam thật xa, heo hút để làm khổ người bên ngoài, khủng bố tinh thần người bị giam, đau bệnh không được chăm sóc đúng mức cần thiết… Những điều đó, ắt phải có mục đích tạo ra cảm giác bất lực và đau đớn cho cả gia đình của người bị giam hãm. Vương quốc bóng đêm ấy không chỉ dành cho người tù, mà nó tạo nên sự thì thầm sợ hãi và đau đớn cho cả một xã hội quen sống với nhân ái và luật pháp.
Nhưng đừng quên, trong đau đớn ấy, con người còn biết nuôi dưỡng cả sự căm giận và sự nhận thức về đổi thay.
Lấy sợ hãi làm nền tảng cho sự tồn tại cho mình, thế kỷ này, đó là suy nghĩ vô cùng ấu trĩ. Hãy chạm vào nhận thức, về một nền văn minh phải đi tới và mọi sự tồn tại của các chế độ đều có giới hạn nhất định, thì bất kỳ ai cũng có thể nhận ra sự ấu trĩ đang sụp đổ trong vương quốc, mà bóng đêm không bao giờ là vĩnh cửu.

Tuấn Khanh