Cà phê Tùng là một phần không thể thiếu của Đà Lạt. Hồi mới
từ Hà Nội vào Đà Lạt tôi còn nhớ quán cà phê đã ở đó không biết từ bao giờ. Chú
Tùng (chúng tôi thường gọi một cách thân mật) là người Bắc di cư, nhưng có lẽ
cũng giống như gia đình tôi đã di cư sớm, trước đợt di cư vĩ đại của gần 1 triệu
người vào năm 1954.
Tính cho đến ngày nay, cà phê Tùng đã hiện diện ở Đà Lạt hơn
một nửa thế kỷ. Chú Tùng nay đã qua đời nhưng những người trong gia đình vẫn
còn giữ truyền thống của một tiệm cà phê cổ. Những chiếc bàn cũ kỹ, những bức
tranh bạc mầu, những miếng gỗ ốp tường và cả chiếc cửa ra vào lúc nào cũng mở
hé là tất cả những gì Tùng xưa bắt đầu và Tùng nay gìn giữ.
Cà phê Tùng ngày nay
Giữa cái rét căm căm của Đà Lạt về đêm, ngồi trong cà phê
Tùng nhìn qua lớp cửa kính mới thấy được nét đặc biệt của Đà Lạt trong sương
mù. Những ngọn đèn đường mờ mờ, ảo ảo trong sương đêm tạo nên một Đà Lạt hoàn
toàn khác với Đà Lạt của ban ngày.
Có người chê cà phê ở Tùng không có gì xuất sắc lắm, có người
than nhạc ở Tùng buồn quá, có người lại nói không gian ở Tùng chật chội nhưng
không ai phủ nhận sự hiện diện hơn nửa thế kỷ của cà phê Tùng tại thành phố
sương mù. Sự hiện diện mang tính cách lịch sử gắn liền với thành phố Đà Lạt.
Phong cách, kiểu dáng của quán thuở ấy tới bây giờ, lúc nào
cũng vẫn vậy. Vẫn những bàn ghế trang trọng mà đơn giản giữ mãi một vẻ không cũ
không mới trong tiếng nhạc vừa đủ nghe và cũng vừa đủ để chuyện trò.
Ngày xa xưa, cà phê Tùng dành trọn ngày Thứ Năm cho khách
thưởng thức nhạc Pháp. Người ta có thể nghe Francois Hardy trầm buồn
qua Tous les garcons et les filles, Ton meilleur ami;
Sylvie Vartan nhí nhảnh với La plus belle pour aller danser,
En ecoutant la pluie, Quand le film est triste; Dalida
với giọng ca lão luyện qua Bambino, Histoire d’un anour,
Besame Mucho rồi Christophe cất tiếng hát Mal, Aline,
Main dans la main hay Charles Aznavour với Et Moi Dans Mon
Coin...
Không gian của Tùng được ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng
lớp kính. Ngồi trong Tùng ta có thể thấy cảnh sinh hoạt, người qua lại trên khu
Hòa Bình hay ngắm các cô nữ sinh áo len xanh Bùi Thị Xuân vào những giờ tan trường.
Vào những đêm sương lạnh xuống nhiều, Tùng là cái lò sưởi ấm nhưng đối với tôi,
sẽ thú vị hơn khi ngồi trên balcon (chỉ có một bàn duy nhất) để nhìn xuống đường
trong cái giá lạnh về đêm của thành phố sương mù.
Chiếm khoảng lớn trên bức tường chú Tùng treo họa phẩm
Người đàn ghi-ta của Vị Ý. Bức tranh có mầu tối sẫn, người đàn
guitar một mình một bóng vươn dài rồi gãy gục. Đầu người và đầu phím đàn chúc
xuống bục gỗ màu nâu khô.
Trên vách bên trái là bức Thiếu nữ xanh của
Đinh Cường, màu xanh nhung nhàn nhạt một lớp bụi thời gian. Ở gian trong là họa
phẩm của Cù Nguyễn, Thiếu nữ mơ màng một hạnh phúc nào với chiếc
bandeau màu hồng nhạt cột trên tóc... Hình như những bức tranh muốn nói dù
khách có phiêu bạt bất cứ nơi đâu, khi trở lại Đà Lạt vẫn muôn đời là chốn cũ.
Nếu tinh ý, khi bước vào Tùng có thể nhận ra ngay màu nâu chủ
đạo của quán từ lớp simili bọc nệm ghế ngồi, những mảnh gỗ ốp trên tường cho đến
những bức tranh trang trí, nước sơn tường đều đưa khách về màu nâu sẫm của cà
phê rang chín.
Toàn cảnh gian ngoài cà phê Tùng
Nguyễn Đạt đã viết về Cafe Tùng: “Ông Tùng đã mất
vài năm nay, trở thành người thiên cổ, như nhà văn Nguyễn Tuân còn lại ở quán
cà-phê Tùng câu chuyện về ly rượu mạnh, như hoạ sĩ Vị Ý còn lại trên bức tường
quán Người đàn ghi-ta mãi hoài cơn đam mê khắc khoải. Người con của ông Tùng,
Trần Đình Thông, đảm đương quán cà-phê Tùng tiếp nối ông Tùng. Chúng tôi nghĩ tới
những tên tuổi danh xưng như định mệnh: Tùng, Thông ở nơi chốn ngàn thông..”.
Lần gần đây nhất tôi trở lại Đà Lạt vào năm 2009 để xây mộ
cho song thân. Cùng với một người bạn học cũ vẫn còn ‘tử thủ’ tại Đà Lạt, chúng
tôi ghé cà phê Tùng mong tìm lại những giây phút của thời mới chớm bước vào tuổi
thanh niên của ngày nào.
Cảnh vẫn như xưa nhưng người xưa còn lại chỉ có vợ chú Tùng.
Bà ngồi yên lặng một mình nơi góc cửa, mắt đăm đăm nhìn ra những người qua lại
ngoài đường. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt đó một nét buồn của hơn một nửa thế kỷ
còn đọng lại.
Bà Tùng với nét buồn sau hơn nửa thế kỷ
Một lúc sau, bà quay vào ngồi ở quầy tính tiền. Tôi biết, bà
đã quay về với thực tế đời thường của cơm áo, gạo tiền. Cũng là lẽ thường tình,
khách nhớ chủ quán chứ chủ cà phê làm sao nhớ hết khách vãng lai. Sau khi tự giới
thiệu là khách phương xa trở về Đà Lạt, bà Tùng như cởi mở tấm lòng đã từ lâu
chôn kín.
Nhìn những bức tranh trên tường bà kể lại sau 30/4/75 quán
phải ‘cất’ đi vì ‘tự’ thấy vị trí của những bức tranh đó không thích hợp trong
buổi giao thời. Nhưng rồi tranh cũng được treo lại đúng vị trí cũ. Lúc đó tôi tự
nhiên nghĩ đến quán cà phê Lâm ngoài Hà Nội với những bức tranh được vẽ bởi các
nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Sáng, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng…
Hỏi thăm về chú Tùng bà cho biết ông qua đời sau vụ tai nạn
xe cộ ngoài đường, hỏi về ‘cái chú cao cao, đầu hói’ (là người phục vụ chính của
Tùng ngày xưa) bà nói chú ấy cũng đã ‘quy tiên’ rồi. Hóa ra, giờ thì chỉ còn
mình bà với cái tên cà phê Tùng đã đi vào lịch sử của Đà Lạt cùng với những
nhân vật một thời nổi danh của miền Nam.
Bà Tùng còn nhắc lại thời kỳ quán phát đạt ông Tùng còn mở một
quán cà phê thứ hai trên đường Phan Bội Châu, lấy tên là Domino. Cà phê Domino,
giá rẻ để phục vụ cho giới lao động chân tay còn cà phê Tùng, đắt hơn, dành cho
giới trí thức. Ông Tùng đã xã hội hóa các quán cà phê của ông
từ những năm 60, đi trước khái niệm xã hội hóa của thời đại
này đến hơn một nửa thế kỷ!
Tại cà phê Tùng ngày nào, Trịnh Công Sơn đã gặp Khánh Ly, Từ
Công Phụng và đám bạn của tôi trong ban nhạc trường Trần Hưng Đạo đã từng mài
đũng quần trên ghế cà phê Tùng. Thi sĩ Bùi Giáng cũng đã ngồi nơi đây. Có lẽ
ông nhìn bầu trời Đà Lạt âm u qua cửa kính cà phê Tùng để viết hai câu thơ lục
bát phá cách trên miếng giấy bạc của bao thuốc lá:
Quán ngồi mỏi. Nắng chưa lên.
Chợt vui tràn. Thấy còn nguyên sơ đầu.
Xin kết thúc bài viết về cà phê của Đà Lạt sương mù với câu
chuyện của một anh bạn thuộc loại ghiền cà phê có hạng. Anh bảo: “Uống rượu thì
say mới quậy, nhưng uống cà phê thì quậy rồi mới say!”.
Theo lý luận thường tình, tôi phản ứng: “Làm gì có chuyện uống
cà phê quậy rồi mới say?”.
Anh bạn thủng thẳng đáp: “Thì uống cà phê phải quậy cho tan
đường rồi mới uống chứ?!”
Nguyễn Ngọc Chính