Trong căn phòng xinh đẹp, gã chủ nhà lần lượt giới thiệu với
tôi những thứ được gã xem là vô giá: một bộ sưu tập những bức tranh nổi tiếng của
các danh họa trong nước mà không biết gã đã lôi ở đâu về - cũng không biết đó
là tranh thật hay tranh nhái - nhưng nghe gã nói mỗi bức tranh có giá ít nhất
vài ngàn đô la, hay những đồ cổ ngoạn mà gã đã chịu khó mang về mỗi khi có dịp
đi du ngọan Malaysia, Singapore hay Trung Quốc: những pho tượng di lặc bằng ngọc
trắng, những con rồng bằng mã não tỏa ánh hồng rờn rợn và những bức tượng mỹ
nhân đẹp và sống động như người thật…
Gã thừa tiền nên sưu tập toàn những đồ quý hiếm mà các tay
chơi chuyên nghiệp dù có mơ cũng khó lòng có được. Dẫu sao thì nhìn gương mặt
bóng nhẫy của gã người ta cũng có thể hiểu rõ hòan cảnh hiện tại của gã. Gã dường
như không biết mình phải tiêu làm sao cho hết cái số tiền lãi vặt cứ sinh sôi nẩy
nở trong ngân hàng mà vợ chồng con cái gã cứ tiêu hoài không hết, mà tiền lãi
chưa hết thì tiền gốc lại sinh sôi đầy dẫy ra rồi…Gã cười cười ra vẻ khiêm tốn
bật nút chiếc máy hát, hạ chiếc kim xuống cái đĩa hát lóng lánh màu đen vương
giả.
- Cái máy hát đĩa này giá mười ngàn đô đặt mua từ bên
Đức gửi về, âm thanh cứ trong vắt như là pha lê…Gã nói. Rồi gã lặng im một cách
trang trọng như muốn nhắc nhở vị khách quí là tôi hãy cùng gã lắng nghe bản
giao hưởng số 3 của Brahm…Nghe tôi khen âm thanh của chiếc máy, gã dường như lại
càng hể hả vì có người hiểu biết giá trị của món đồ chơi trưởng giả của gã. - mời
cậu cứ ngồi chơi thưởng thức nhạc, đã lâu lắm ta chưa gặp lại nhau, nhân tiện mời
cậu thưởng thức món chân gấu hầm rượu vang đỏ, ngon tuyệt…Hai gò má bóng nhẩy của
gã qua nhiều năm không gặp đã trở nên múp míp khác hẳn ngày xưa khi gã vừa mới
khăn gói lên vùng núi cao để khai thác thiếc.
- Mời cậu nâng ly, mừng hội ngộ- gã đưa cho tôi một ly
martin sóng sánh – Tôi nhấp khẻ một chút rượu mạnh, gắp một miếng thịt dòn tan
thơm phức mùi rượu ướp và bất giác nghĩ đến gã của những ngày xa xưa. Ngày ấy
gã thật đẹp trai, trắng trẻo thư sinh và hiền như một thầy tu. Gã lớn hơn tôi
chừng bảy, tám tuổi. Ấy là vào năm 1985 khi tôi còn làm đội trưởng đội chiếu
bóng lưu động số 2 của tỉnh, gặp gã còm nhom đói rách cùng với năm anh em làm
sái thiết đóng đô thường trực trên cái xã vùng cao của người dân tộc Raglai
này. Hồi ấy anh em gã tạm trú ở một cái nhà sàn tồi tàn nhất trong tổng số ba
mươi cái nhà sàn trông từa tựa như nhau chỉ trừ cái nhà Rông là lớn nhất. Ngày ấy
vì tội nghiệp gã nên mỗi lần đem máy lên chiếu phục vụ cho người dân tộc các xã
vùng cao thì tôi lại mời gã qua dùng cơm với đội, nhân tiện tôi nhờ gã dẫn đi
thăm thú khắp vùng, chụp hình những cô gái thượng giã bắp bằng những cái cối
đá, ngực để trần thổn thện. Ở đó bắp là món ăn chính hàng ngày vì tôi thấy
nhà nào cũng treo bắp thành từng xâu đầy trên các cây lồ ô gác ngang rường nhà
, những trái bắp xông khói trông thật đã mắt...
- Ngày cậu lên xã vùng cao chiếu bóng, lúc ấy tôi còn đói
rét lắm…- gã nói.- Chưa có kinh nghiệm khai thác, sái thiết làm ra không có đầu
mối tiêu thụ, phải cùng mấy thằng đàn em ăn bắp quanh năm chẳng khác nào các
nhà sư ăn chay trường. May mà lâu lâu còn có các cậu lên chiếu phim, được
các cậu mời ăn cơm trắng cùng với thịt rừng du kích xã đi bắn về, được uống ké
rượu cần say loạng choạng thật là vui. Tôi vẫn còn nhớ mãi tình cảm ấy…Thật là
cơ duyên. Có vay thì có trả. Tôi đã được cậu chiêu đãi trong lúc thiếu thốn, giờ
có dịp được phục vụ lại cậu. Mà không phải lúc này đâu nhé, bất cứ lúc nào có
thể, cậu hãy hú tôi một tiếng. Tiền bạc không là vấn đề, mong sẽ gặp nhau ở những
nơi có ê hề món ngon vật lạ, để tôi thỏa sức mà phục vụ cho cậu…
Tôi nghe gã bằng tai, nhưng mắt thì tôi cứ nhìn vào đĩa thịt
gấu ướp rượu thơm phức trước mặt mình. Gã đã trở nên giàu có đến mức muốn ăn
món gì cũng được, muốn nghe nhạc gì cũng có…Nhưng trong ký ức còn sót lại của
tôi thì gã vẫn là một cậu thanh niên gầy còm ốm yếu có vóc dáng thư sinh, hình
như lỡ dỡ chuyện yêu đương nên tóc tai cạo trọc, cặp mắt buồn tênh. Gã một mình
mang theo chút vốn lên xã vùng cao làm nghề khai thác thiết. Gã chiêu mộ đàn em
đến từ những vùng quê miền bắc xa xôi như Thanh Hóa, Hải Phòng, bỏ tiền ra muớn
họ khai thác mỏ. Gã đã trải qua khá nhiều đói khát, thất bại. Có khi gã phải tạm
nghỉ cả tuần hay cả tháng vì nhân công chán nản bỏ trốn gần hết , hoặc cả nhóm
thợ lên cơn sốt rét ác liệt phải tạm thời rút lui về đồng bằng chữa bệnh…Những
lúc ấy mà có đội chiếu bóng của chúng tôi lên thì…
- Anh còn nhớ lúc ta đi ngang chổ các cô gái thượng tắm suối
không ?- Tôi hỏi – Không hề quên! – gã trả lời tôi bằng cái nhìn đồng lõa. Thật
vậy, trước mặt người lạ, các cô gái thượng tắm truồng thường luống cuống không
biết phải che đậy phần trên hay phần dưới, thật là ngây thơ trong trắng đến tội
nghiệp...
Rồi trong ký ức dịu dàng của tôi, những ngày sơn cước của
năm 1985 lại ùa về. Những đêm trăng sáng cùng nằm gối đầu trên chiếc gối mây
nhìn bóng trăng xuyên qua mái nhà sàn tôi và gã thường kể cho nhau nghe những kỷ
niệm riêng tư. Gã coi tôi như em, nên thường kể cho tôi nghe về những chuyện vui
buồn mà gã biết. Gã thường kể cho tôi nghe câu chuyện về cô bạn thân của gã.
Cùng lớn lên trên một xóm nghèo nằm tận bên kia sông, Mỵ càng lớn càng xinh đẹp.
Mỵ là con nhà nghèo nên phải nghỉ học từ năm lớp chín, ở nhà chăm sóc đứa em
gái nhỏ. Mẹ mất sớm cho nên Mỵ trở thành trụ cột của gia đình từ nhỏ vì cha Mỵ
cứ bệnh tật triền miên…Mỵ hàng ngày gánh rau quả qua sông trên một chiếc xuồng
con để đến chợ xã ngồi bán cho đến gần trưa, rồi lại qua sông về nhà lo cơm nước
cho cả gia đình…Tấm lưng thon của Mỵ làm say đắm không biết bao nhiêu đàn ông
trong cái xã nhỏ bé này, chỉ trừ có một người không hề biết rung động mỗi khi
tình cờ gặp Mỵ…
. Không phải người đàn ông ấy khờ khạo nên không cảm xúc trước
vẻ đẹp của một giai nhân, nhưng chỉ vì người ấy là một...thầy tu, mà thầy tu
còn đi mê gái thì mới là sự lạ. Trong năm ấy, ba Mỵ qua đời sau những cơn bệnh
trầm kha không chửa trị được. Thế là vị sư trẻ trụ trì ngôi chùa Giác Lâm ở
vùng đó được mời đến để đọc kinh cầu siêu tịnh độ cho cha của Mỵ .Căn nhà đơn
chiếc chỉ có bà dì ruột tất tả lo toan mọi điều tang lễ dưới sự giúp đở của vài
người bà con trong họ mẹ. Cũng đơn chiếc có một mình Mỵ và em gái mặc đồ tang
trắng ngồi sau lưng các vị sư thầy và cúi mình vái lạy sau những hồi kinh. Mà vị
sư trẻ có khuôn mặt mới thanh tú làm sao, đôi lông mày cong cong như con gái, mặt
trắng khôi ngô, nghiêm trang thuần khiết với cái nhìn vừa dịu dàng vừa sâu sắc,
cứ mỗi lần mở miệng nói chuyện với Mỵ thì lại làm cho Mỵ rùng mình vì một
cảm giác ấm áp lan tỏa khắp châu thân…
Chưa bao giờ Mỵ được nghe một giọng đọc kinh nào vừa thanh
tao thánh thót vừa có âm điệu du dương đến thế. Giọng đọc kinh của vị thầy tu
trẻ cứ hết câu này sang câu khác như ru Mỵ vào trong một bầu trời thanh bình
hoan lạc, nơi đó cái chết chỉ là một giấc ngủ dài hơi mà không mộng mị…Mỵ
tự nhiên thấy vơi đi nổi buồn mất cha và nghe vị sư trẻ đọc kinh suốt ngày
không biết chán…Hình như sư thầy đã quen với những đêm thức trắng tụng kinh nên
Mỵ thấy thầy chỉ hơi chợp mắt vào lúc ba giờ sáng. Hơn bốn giờ thầy lại mặc áo
tiếp tục tụng kinh cho tới sáng. Trong thâm tâm, Mỵ thấy thầm kính phục vị sư
thầy trẻ tuổi và trái tim Mỵ bỗng nhiên rung động về cả giọng đọc kinh tha thiết
cũng như dáng vẻ khôi ngô của vị thầy tu…
Sau khi mãn tang cha rồi, Mỵ vẫn thường xuyên mười bữa nửa
tháng mang theo nhang đèn hoa quả đi xuồng vượt sông qua chùa, trước là thăm sư
thầy, sau là nhờ sư thầy đọc kinh siêu độ cho cha…Tình yêu nẩy nở trong
lòng người con gái tự bao giờ không biết nên Mỵ trở nên khác thường trong từng
cử chỉ, khi thì phấn khích, khi lại buồn bã một mình thâu đêm suốt sáng. Trong
những ngày ấy ,chắc hẵn nàng đã xấp xỉ tuổi đôi mươi, cái tuổi đầy chín chắn để
bước vào tình yêu, dù là một tình yêu vô vọng, và vị sư thầy năm ấy tuổi trạc
hai lăm, là vị sư thầy nhỏ tuổi nhất ở vùng này từ trước tới nay. Nhưng làm sao
mà thầy không cảm thấy , không nhìn thấy cái tình yêu nồng thắm mà vị tín nữ
kia đang trao gửi trọn vẹn cho thầy, có lẽ đúng hơn là thầy muốn tránh né cái
tình yêu nam nữ, mặc cho cô gái ngày càng u sầu héo hắt trông thật thương tâm…
Cô gái ngày càng thêm yêu cuồng dại, cứ mỗi tuần lại
mang theo nhiều thứ để cúng dường cho nhà chùa, và cũng để thỏa mãn mối tình
ngang trái của mình…Cô gái chỉ cần được ngồi suốt buổi để nghe thầy giảng kinh,
lắng tai chăm chú nghe thầy đọc những câu trong kinh Báo ân với chất giọng du
dương truyền cảm rồi khẻ nhìn sâu vào mắt của sư thầy như cố gắng tìm kiếm
một tia sáng nào đó của một mối tình vô vọng. Cô gái đã không thể nào giấu diếm
mãi nổi lòng của mình trước kẻ vô tâm. Rồi một buổi trưa nọ khi trong
chùa chỉ có hai người, cô đã khóc thật nhiều khi tự mình thú nhận tình yêu với
vị sư thầy . Cô nghĩ rằng chẳng có gì là xấu hổ khi công khai tình yêu của mình
với sư thầy, vì sư thầy là một người đạo cao đức trọng dù rằng tuổi vẫn còn son
trẻ…Không biết lúc đó có một sức mạnh nào đã xui khiến cho Mỵ ôm chầm lấy nhà
sư mà thổn thức khóc .
– Thầy ơi , hãy giúp con với, con đã lỡ yêu thương thầy lắm
rồi. Thầy ơi, thầy hãy hòan tục đi. Thầy và con sẽ có một cuộc sống nên thơ vui
vẻ, thầy hãy cho con cơ hội, thầy hãy đáp lại tình yêu của con, hãy cứu vớt đời
con . Nếu thầy không đáp lại thì con xấu hổ lắm, con sẽ không thiết sống ở cõi
trần tạm bợ này nữa...Vị sư thầy ngơ ngác nhìn cô gái như thấy hình dáng của
yêu nữ hiện lên thử thách lòng mình - hãy bình tỉnh, vị sư thầy khuyên nhủ…- Chắc
tín nữ trong lúc nhất thời cảm thấy xúc động nên phát tâm trần tục với kẻ tu
hành, nếu tín nữ bình tâm trở lại, bần tăng tin là mọi chuyện sẽ trở nên bình
thường như cỏi đời sắc sắc không không này thôi, tín nữ đừng vì bần tăng mà làm
hủy họai cả tinh thần và thể xác của mình nữa- …
Những câu khuyên nhủ của vị sư trẻ không làm nãn chí cô gái,
cô vẫn khăng khăng thuyết phục vị sư thay lòng đổi ý . Cô cương quyết đến nỗi
sư thầy cảm thấy ái ngại không biết dùng lời lẻ nào đủ khôn khéo để thuyết phục
cô gái si tình . Sau cùng thầy đành phải đánh một nước bài liều lĩnh…
- Con hãy cho ta có thời gian để đọc kinh suy ngẫm, rồi tối
nay vào lúc nửa đêm con hãy qua đây gặp ta. Nếu định mệnh đã buộc ta không thể
đạt thành chánh quả , thì cứu một mạng người cũng là điều nên làm. Ta sẵn sàng
làm theo sự sắp xếp của con…
Thật ra, cả nhà sư và cô gái đều biết rằng vào mùa này
ban đêm nước nguồn từ trên núi thường xuyên đổ xuống dữ dội tràn ngập cả hai
bên bờ sông. Ban ngày nước rút sự đi lại còn khó khăn huống chi là nửa đêm khi
trời tối đen như mực. Làm sao thân gái có thể vượt qua con sông dữ để đến được
với nhà sư…Rồi đêm đó, nước lớn thật sự, lớn khủng khiếp như chưa bao giờ lớn đến
như vậy trên con sông này. Dưới ánh trăng vằng vặc, nước lũ tràn về trắng xóa cả
hai bên bờ sông, làm thành một cái biển nước mênh mông tít tắp lạnh lùng, ai đứng
trên bờ nhìn thấy cảnh nước trôi cuồn cuộn như thế cũng phải từ bỏ cái ý
định điên cuồng là bơi qua sông , dù là bằng bất cứ loại phương tiện gì…
À không, cậu đừng ngắt lời tôi, hãy để tôi kể cho hết câu
chuyện buồn này…Đêm hôm đó, Mỵ đẩy xuồng ra sông dù biết rằng làm thế là đùa giỡn
với số mệnh của mình, nhưng Mỵ vẫn làm, vì người ta thường nói : “tình yêu mạnh
hơn cái chết”…phải không cậu ? Rồi việc gì đến sẽ phải đến…Sáng hôm đó người ta
tìm thấy chiếc xuồng của Mỵ kẹt lại trong mấy cây kèo của một căn chòi bị trôi
trên sông. Dĩ nhiên, không ai còn thấy mặt cô gái xinh đẹp ở cái xóm nhỏ đó nũa
, cũng như không ai biết được câu chuyện bí mật đã từng xảy ra giữa hai người:
một cô gái đẹp và một vị thầy tu, mà ta có thể gọi một cách lãng mạn là một mối
tình tục lụy…
Còn về phần vị sư thầy trẻ tuổi thì sao hả ? Cậu có vẻ trách
móc nhà sư vì đã đưa ra một đòi hỏi quá sức đối với một cô gái nhỏ…Thật vậy,
đòi hỏi thật là quá đáng. Nhưng thử đặt cậu vào vị trí của một nhà sư không hề
biết qua về tình yêu và tâm lý của phụ nữ thì cậu sẽ đưa ra được điều kiện nào
tốt hơn điều kiện mà nhà sư trẻ đã đưa ra ? Vậy là nhà sư trẻ đâm ra hối hận…Những
ngày sau đó sư thầy đóng cửa sám hối tội lỗi của mình dưới chân Phật tổ. Thầy
không ăn uống gì trong suốt một tuần lễ và sau đó thì thầy bỏ chùa mà đi đâu
không rõ…Sau khi vị thầy tu trẻ bỏ chùa ra đi, sự thật mới từ từ hé lộ
qua lời kể của cô em gái của Mỵ, và vì chẳng còn ai để trách cứ nên câu chuyện
đã từ từ trôi vào quên lãng …
Những tình tiết của câu chuyện được kể vào năm 1985 giờ đây
lại hiện về mồn một từng chữ từng lời trong tâm trí tôi. Giờ đây trước mắt tôi
là người bạn cùng xóm với cô Mỵ xinh đẹp trong câu chuyện, một cô Mỵ ngây thơ
trong trắng nhưng lại yêu điên cuồng say đắm hơn cả nàng Juliet. Anh bạn này,
qua hai mươi năm dài đăng đẳng mà lúc nào cũng nhớ đến bạn gái thân yêu của
mình và kể lại cái chết của Mỵ cũng như mối tình tuyệt vọng của Mỵ bằng một giọng
kể buồn muôn thuở…Rồi tôi giật mình rời bỏ quá khứ của những năm một chín tám lăm
để trở về thực tại qua cái vỗ vai thân thiết của gã chủ nhà.
– Nào, nâng ly đi cậu em. Cậu hãy chúc cho sự thành đạt của
người anh nuôi của mình đi chứ. Kia là tay gấu sốt rượu vang Pháp, kia là món hải
sâm cực bổ và chén chè yến đắt tiền, cậu hãy dùng cho vui lòng anh chứ…
Tôi mĩm cười nhìn lên trên chiếc kệ bằng gỗ cây sưa lên nước
bóng ngời, nhìn những món đồ gia bảo mua được từ mọi miền thế giới, tôi chợt thấy
lẫn lộn trong đó là một cái mỏ dùng cho các bậc tu hành để công phu tụng niệm…Trên
cái mỏ đen bóng được truyền tay y bát mấy trăm năm, tôi thấy có ghi hai chữ Hán
“ Giác Lâm”, cái tên này nhắc cho tôi nhớ đến một nhân vật trong truyện kể, và
trong phút chốc tự nhiên trí óc của tôi rực sáng lên , tôi buộc miệng :
- Tôi chỉ muốn hỏi anh một câu này thôi nhé ?
- Cậu cứ tự nhiên.
- Có phải chính anh là vị sư trẻ trong câu chuyện đó không?
Gã mĩm cười, không nói. Nhưng trong đôi mắt đang nhìn xuống,
gã đã công nhận với tôi điều đó là sự thật…Cũng trùng khớp với những gì tôi nhớ
về gã khi lần đầu gặp gỡ…Cái đầu trọc lóc, vẻ mặt chán chường. Và cả câu chuyện
về nàng con gái tên Mỵ…- Tội nghiệp Mỵ…- Tôi lẩm bẩm…- Nhưng tôi không giết Mỵ…!
- Gã cười vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra, rồi không để tôi phải nghĩ ngợi
lâu, gã nói tiếp – Nghĩa là Mỵ không chết, Mỵ vẫn còn sống…!!!
Rồi gã kể cho tôi nghe vì sao Mỵ không chết. Đêm đó, Mỵ lấy
xuồng để qua với gã thật, nhưng xuồng trôi ngay khi vừa bỏ xuống nước. Điều đó
làm cho Mỵ sợ…Và sáng hôm đó khi nước rút, Mỵ lặng lẽ ra đi đến một nơi không
ai biết nhằm chôn dấu mối tình mà Mỵ biết sẽ bị rùm beng lên vào những ngày sau
đó. Rồi Mỵ lấy chồng, có hai con, sau đó lại ly dị chồng và dắt theo đứa con nhỏ
về lại quê hương…
- Tội nghiệp cho chị Mỵ…Rồi anh có gặp lại chị ấy không ?
- Được rồi, tôi sẽ cho cậu thêm một sự ngạc nhiên nữa nhé !
Mỵ ơi, mang cà phê lên cho chú Thanh đi em…….
Ngô Lạp