02 January 2020

ĐỨNG VỮNG KHÔNG KHUỴU CHÂN - Chân Văn Đỗ Quý Toàn


Đứng vững không khuỵu chân
Trên mảnh đất nghèo khổ
Thở hít tận vô cùng
Ngây say đóa hồng rợ
Thanh Tâm Tuyền,
Vang vang trời vào xuân


Thi sĩ thức dậy trong cái lán tre nằm trong trại K2, vùng Vĩnh Phú, nhìn mặt trời mới lên êm dịu như một vầng trăng ửng hồng trong cơn gió núi rộn ràng. Bỗng nghe tiếng sóng biển từ muôn xa gọi dậy trong lòng. Chợt nhớ mùa xuân đang cất tiếng vang vang.

Mặt trời hồng mở cõi tâm linh thăm thẳm, cất cánh lên chạm cõi không cùng. Trong khoảnh khắc trái tim thi sĩ đập cùng một nhịp với cả quê hương. Vượt ra ngoài căn phòng giam hãm, thấy chung số phận của bao nhiêu đồng bào ngoài kia cùng chia nhau mảnh đất quê hương nghèo khổ. Người đọc câu thơ có thể bay lên cao hơn, vượt thời gian sống lại bao thế hệ tổ tiên đã từng đứng vững không khuỵu chân trên mảnh đất nghèo khổ này, trong mấy ngàn năm. Những đôi chân cứng cáp đó giữ cho dân tộc Việt còn sống được tới bây giờ.
Cũng trên mảnh đất nghèo khổ này tổ tiên chúng ta đứng vững không khuỵu chân suốt một ngàn năm Bắc thuộc. Ghìm vững đôi chân gầy yếu, không cong lưng cúi đầu làm thân nô lệ; không xóa bỏ ông cha để đi theo một giống người khác.  Họ tiếp tục nói tiếng mẹ đẻ, lại làm cho ngôn ngữ đó thêm giàu có, thêm du dương, đến bây giờ con cháu vẫn ca hát, làm thơ: “Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi” (Phạm Duy). Có những lúc cả dân tộc đã ngã xuống, hàng trăm năm; nhưng lại “vịn câu thơ mà đứng dậy” (Phùng Quán). Không chịu thua. Không để mất hồn tính. Không tan biến vào khối nhân loại khổng lồ tràn từ phương Bắc xuống.
Dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa, sau cùng lại dựng được một quốc gia độc lập sau ngàn năm Bắc thuộc; đó là một phép lạ lịch sử. Giống như một phép lạ, vì muốn giải thích rất khó. Một dân tộc nhỏ bé đang thành hình, bị một nước láng giềng với dân số lớn gấp trăm lần đưa quân đội hùng mạnh tấn công, chiếm đóng, lập guồng máy cai trị, trong mười thế kỷ. Đám dân nhỏ bé cuối cùng vẫn đứng lên giành quyền tự  chủ. Tiếp theo, trong một ngàn năm sau đó, quân phương Bắc lại xâm lăng nhiều lần nữa, nhưng dân Việt Nam vẫn đứng vững, không chịu quỳ gối. Nhìn lại lịch sử, tin tưởng hơn vào tương lai. Vì hai ngàn năm trước họ mạnh hơn nhiều, còn mình thì yếu hơn rất nhiều.
Khối người phương Bắc đô hộ nước ta, họ không chỉ mạnh vì đông hơn, vì tài nguyên giầu hơn. Lợi khí đồng hóa mạnh nhất của họ là một nền văn minh phát triển sớm và vững chắc bậc nhất trong nhân loại. Trung Hoa là tên gọi một nền văn minh; trước thế kỷ 20 họ còn chưa nuôi ý thức như một dân tộc hay một quốc gia, theo nghĩa thông thường. Trung Quốc bao gồm một khối người tự coi họ sống ở giữa nhân loại, tiến bộ, văn minh hơn tất cả. Cho nên, họ tự nhiên muốn bành trướng, gây ảnh hưởng trên các sắc dân khác. Từ ba ngàn năm trước, nền văn minh phát xuất từ lưu vực sông Hoàng, sông Hoài bắt đầu chinh phục các miền phía Nam sông Dương Tử. Trong cùng thời gian một ngàn năm đô hộ dân ta, người Hán tộc đã khuất phục  và đồng hóa hầu hết những sắc dân sống ở phía Nam, lập thành một đế quốc; tấn công các bộ tộc ở Trung Á để mở rộng biên giới về phía Tây, sau cùng nuốt cả Mãn Châu ở phía Đông Bắc.
Nước Việt Nam đến nay vẫn không biến thành một tỉnh hay một vùng tự trị của Trung Quốc, như các vùng Quảng Đông, Vân Nam, Tân Cương, Cam Túc, Nội Mông, Mãn Châu bây giờ. Người Việt Nam đọc sử nước mình cũng phải kinh ngạc. Người ngoại quốc cũng thắc mắc: Nhờ đâu người Việt vẫn còn là người Việt mà không biến thành dân Trung Hoa? Lý do nào khiến các sắc dân khác được sử gia Tư Mã Thiên gọi chung là Bách Việt nay đã nhập vào Trung Quốc tất cả; còn trên mảnh đất Giao Châu nhỏ bé thì ông bà, tổ tiên người Việt vẫn đứng vững để lâp thành một quốc gia độc lập?
Nỗi ngạc nhiên đó thúc đẩy trí tò mò, muốn tìm hiểu những yếu tố nào tạo nên phép lạ lịch sử này. Nhân duyên nào đã giúp người Việt không bị Hán hóa? Trước một hiện tượng phức tạp như thế, chúng ta dễ có khuynh hướng tìm câu trả lời đơn giản, theo hiểu biết có giới hạn của mình muốn tìm một nguyên nhân duy nhất, hoặc nêu ra một vài nguyên nhân coi là quan trọng nhất để giải thích. Mỗi sử gia thường nêu ra một vài yếu tố trọng yếu, dễ nhận ra nhất. Các câu trả lời đó đều hữu ích, giúp chúng ta suy nghĩ thêm, nhưng không thể nói một câu trả lời nào là đúng nhất.
Trên đường đi tìm câu trả lời, chúng ta lại rất dễ bị tình tự lôi cuốn; dễ xúc động rồi tin vào những lời giải thích thiên lệch, chỉ đề cao ngã mạn tập thể của cả dân tộc. Cho nên, khi tìm cách trả lời câu hỏi này, cần thận trọng gi thái độ càng khách quan càng tốt.
Nghị lực riêng và tính chất riêng
Sử học không bắt buộc phải tìm ra các quy luật về liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng lịch sử. Nhà nghiên cứu lịch sử chỉ cần gạn lọc các dữ kiện và tài liệu theo tinh thần phê phán khách quan để thuật lạ những gì đã thực sự diễn ra. Giải thích lịch sử thường chỉ là việc biện giải những lý do gây nên một sự kiện đã diễn ra rồi (ex-post). Môn sử học không cần đi tìm một quy luật phổ biến, nhờ đó tiên đoán chuyện chưa xẩy ra (ex-ante). Sử gia khó tuyên bố những liên hệ nhân quả; như trong các ngành khoa học khác. Giải thích lịch sử bằng những định luật là một việc thường chỉ các triết gia theo đuổi; mà các triết gia thì họ tha thiết đến hệ thống lý luận của họ nhiều hơn là chú ý đến các sự kiện có thật.
Những giả thuyết giải thích lịch sử của các triết gia thường không thể đem ra thử thách bằng dữ liệu thực tế như yêu cầu của phương pháp khoa học. Các lý thuyết về lịch sử thường không cho người ta cơ hội bác bỏ bằng các phản chứng; cho nên người ta chỉ nêu thêm các bằng cớ để ủng hộ. Như vậy, không theo đúng phương pháp khoa học. Bản chất của khoa học là nêu lên các giả thuyết để thách thức mọi người bác bỏ bằng thực chứng. Nêu ra một lý thuyết rồi chỉ có thể tìm các chứng cớ phù hợp để biện minh, chúng ta dễ bỏ qua những chứng cớ ngược lại. Bỏ qua, hoặc vì không thấy, không biết có nhiều chứng cớ trái ngược ở đâu đó còn chưa ai tìm ra. Hoặc vì trong điều kiện phương pháp nghiên cứu đang sử dụng, muốn đi tìm cũng không thể tìm được đủ các bằng chứng đối nghịch.
Cho nên khi đi tìm những yếu tố giúp người Việt Nam không bị Hán hóa, chúng ta cần một thái độ rất khiêm tốn. Không nuôi tham vọng tìm ra những câu trả lời chắc chắn và phổ quát. Chỉ cố tìm hiểu những yếu tố nào, trong nhiều lãnh vực khác nhau, đã góp phần gây nên hiện tượng dân Việt vẫn tồn tại. Mỗi yếu tố góp phần soi sáng căn nguyên tạo nên sức đề kháng của dân tộc Việt khiến ông cha chúng ta không bị mất gốc rễ. Tìm hiểu sâu xa từng yếu tố một sẽ giúp chúng ta thông cảm hơn với hoàn cảnh sống và khả năng tự tồn của tổ tiên trong đêm dài lịch sử đầy khó khăn.
Các sử gia nghiên cứu thời Bắc thuộc đều muốn giải thích tại sao dân Việt Nam không bị Hán hóa. Trần Trọng Kim viết chương “Kết quả của thời Bắc Thuộc” trong Việt Nam Sử Lược nhấn mạnh đến khả năng và ý chí con người: “Hết thời Bắc thuộc rồi thì người Giao Châu ta có một cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng để độc lập, chứ không chịu lẫn với người Tàu.” Cuốn sách này có thể coi  là một cố gắng chú thích cho nhận xét đó: Nghị lực riêng và Tính cách riêng mà Trần Trọng Kim nói đến, nghĩa là gì?
Sử gia Lê Thành Khôi trong Histoire du Việt Nam giải thích rằng hiện tượng người Việt bảo tồn được tiếng nói là một sức mạnh đề kháng bền bỉ nhất. Sử gia Keith Taylor, trong cuốn The Birth of Vietnam, đồng ý về yếu tố ngôn ngữ; ông ghi nhận thêm sự phát triển của Phật Giáo trong thời Bắc thuộc là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự hình thành nước Việt Nam. Trong cuốn Nhìn Lại Sử Việt (tập I) Lê Mạnh Hùng nêu thêm các yếu tố kinh tế, xã hội. Ông nhắc tới tình trạng tập trung dân số rất đông ở vùng đồng bằng sông Hồng, với nền tảng kinh tế vững chắc, như trong nghề trồng lúa nước. Dựa trên hai lợi thế đó, tổ tiên chúng ta bảo vệ được một nền văn minh cổ truyền trong hai thế kỷ đầu tiếp xúc với người Hán; nhờ thế khả năng đề kháng vững về sau càng mạnh hơn. 

Trong cuốn Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam (Quyển I, 1987), Phạm Cao Dương đã nêu ra nhiều yếu tố, có thể coi là đầy đủ hơn cả: “… khả năng kinh tế của các miền đồng bằng sông Hồng và sông Mã; cơ cấu tổ chức và sinh hoạt tự trị của các làng xóm Việt Nam; khoảng không gian ngăn cách giữa Cổ Việt và triều đình Trung Quốc vào lúc mà mà ngay cả cả miền Nam của nước này chưa được hoàn toàn Hán hóa, tình trạng không mấy ổn định ở chính quốc trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là từ sau năm 902 ở Hoa Nam… Cuối cùng ta không thể không kể tới sự đóng góp của các di dân người Tàu.”

Tất cả những ý kiến trên đều có lý. Nhưng người Việt học sử dân tộc vẫn còn tò mò muốn biết rõ hơn. “Cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng” mà Trần Trọng Kim nói, thực ra đó là gì? Nhờ đâu tổ tiên chúng ta có những nghị lực và tính chất đó; và cả hai đã được thể hiện như thế nào?
Giải thích là ngôn ngữ đã bảo vệ hồn tính dân tộc chắc phải đúng; nhưng tại sao rất nhiều sắc dân cũng mang tên “Việt” ở Quảng Đông vẫn giữ được tiếng Quảng, người Triều Châu vẫn còn nói tiếng “Tiều,” mà họ vẫn được sát nhập vào nước Trung Hoa từ hơn ngàn năm nay? Yếu tố tôn giáo được Keith Taylor chú ý, chắc chắn cũng quan trọng. 

Chúng ta nên hiểu rằng bất cứ tôn giáo nào, không riêng gì đạo Phật, nếu đã được truyền bá ở nước ta trước khi quân Hán xâm lăng, cũng đóng vai trò giúp dân Việt xây dựng ý thức dân tộc, giống như đạo Thiên Chúa ở Ba Lan hay đạo Hồi ở Pakistan. Nhưng Đạo Phật cũng từng phát triển rực rỡ ở Vân Nam dưới các triều vua Nam Chiếu và Đại Lý; vậy mà cả vùng đất này, dù chỉ bị quân Mông Cổ sát nhập vào đế quốc Đại Nguyên vào thế kỷ 13, nay đã Hán hóa, hoàn toàn thuộc vào Trung Quốc! Ngoài những yếu tố như nghị lực, tín ngưỡng, hay tiếng nói là những yếu tố chủ quan, còn có những nguyên nhân khách quan nào phù trợ dân tộc Việt hay không?

Một hiện tượng lịch sử lớn lao thường không do một căn nguyên độc nhất gây ra. Dân Việt có khả năng giành lại độc lập sau một ngàn năm Bắc thuộc, chắc phải nhờ có nhiều cơ duyên hội tụ lại. Một yếu tố riêng lẻ thì không đủ, nhưng tất cả họp lại, tác động lẫn nhau để mỗi yếu tố đều gia tăng cường độ, ảnh hưởng chung càng mạnh hơn. Các yếu tố đó cùng có mặt và cùng tác động một lúc; hay lần lượt thay phiên nhau gìn giữ và thúc đẩy lòng tự tin của tổ tiên người Việt, giúp họ quyết tâm giữ gìn nền nếp sống riêng, tự phân biệt mình với những người từ phương Bắc xuống, ý thức mình là một cộng đồng dân tộc.
Ước vọng khiêm tốn của cuốn sách này là tìm hiểu để thấy một số giả thuyết đã được các sử gia nêu ra có thể tin là đúng. Có thể tin nếu những lời giải thích này phù hợp với nhiều hiện tượng có thật, từng diễn ra khắp trong nhân loại. Những giả thuyết đó không thể minh chứng hoàn toàn theo phương pháp khoa học để trở thành quy luật; nhưng mỗi giả thuyết có thể đáng tin khi được đề ra với thái độ khách quan, không thiên vị cũng như không bị chi phối bởi ngã mạn tập thể. Cộng chung lại, các lời giải thích này ít nhất giúp chúng ta hiểu rõ hơn, một phần nào, phép lạ lịch sử là dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại.
Mỗi giả thuyết sẽ thúc đẩy trí tò mò của chúng ta muốn tìm hiểu kỹ hơn. Ngôn ngữ của người Việt Nam đã được tạo nên như thế nào? Ngôn ngữ đó khác với tiếng nói mà người Hán đã đưa sang truyền bá ra sao? Nhờ đâu dân mình vẫn giữ được tiếng nói riêng sau cuộc tấn công ngôn ngữ của người phương Bắc? Muốn hiểu rõ hơn, cũng cần xem lại trong lịch sử loài người có những dân tộc nào mà số phận được quyết định nhờ bảo tồn ngôn ngữ hay không? Nói đến tín ngưỡng cũng vậy: Tôn giáo đã đóng vai trò gì trong sự hình thành các dân tộc và việc thành lập quốc gia? Hiện tượng đó đã diễn ra trên thế giới như thế nào?
Muốn thấy rõ việc bảo vệ hồn tính nước Việt khó khăn ra sao, chúng ta phải thấy sức mạnh bành trướng của nền văn minh Trung Hoa phát xuất từ miền sông Hoàng Hà. Bằng cách nào họ đã đồng hóa được bao nhiêu sắc dân khác ở miền Hoa Nam? Muốn thấy rõ hơn, cần so sánh với số phận các dân tộc khác ở bên cạnh Trung Quốc nay vẫn độc lập, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Miến Điện, Mông Cổ, và trước đây nửa thế kỷ còn cả Tây Tạng. Các dân tộc này có từng chịu chung hoàn cảnh đô hộ giống như người Việt không, hay họ được những cơ duyên may mắn khác?
Phúc đức tổ tiên
Yếu tố quan trọng nhất giúp tổ tiên người Việt không bị Hán hóa có lẽ là, trước khi người Hán tới, dân Việt đã có sẵn một nền nếp trong cuộc sống chung, gọi là văn minh. Tổ tiên chúng ta đã có bản sắc văn hóa đủ vững chắc, nhiều đời trước khi bị chiếm đóng rồi bị đô hộ trực tiếp. Tổ tiên người Việt đã xây dựng một đời sống xã hội đủ chặt chẽ để họ có thể tự hào về chính mình. Nhờ thế họ không bị hấp dẫn, không bị lôi cuốn chìm vào nếp sống mà người phương Bắc đem tới, bắt phải theo. Ngoài những yếu tố chủ quan, như ngôn ngữ, chủng tộc, phong tục riêng, tinh thần bất khuất, vân vân, chúng ta còn thấy những điều kiện khách quan cũng thuận lợi cho ý thức dân tộc thành hình và phát triển. Có nhiều yếu tố bên ngoài hỗ trợ dân tộc Việt Nam. 

Vị trí nước ta ở ngã ba Châu Á, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương giúp cho dân Việt tiếp nhận nhiều nguồn văn minh trước khi gặp người Hán; cho nên bản sắc thêm vững chắc và bền bỉ đủ để tự vệ. Nhiều biến cố chính trị, kinh tế vào mỗi thời, ở Trung Quốc hay trong vùng Đông Nam Á, cũng tình cờ tạo cơ duyên thuận lợi cho các cố gắng giành tự chủ của người Việt. Các điều kiện địa dư, khí hậu do thiên nhiên cống hiến góp thêm những hàng rào ngăn cản khiến người Hán bành trướng xuống tới biên giới nước Việt thì bị ngăn lại.

Chúng ta càng thấy rõ sức mạnh tiềm ẩn trong dân tộc Việt khi hiểu những “sức mạnh mềm” dùng để đồng hóa của nền văn minh Trung Hoa, với chữ viết và các định chế chính trị, luân lý, tư tưởng. Họ đã Hán hóa bao nhiêu sắc dân khác sống ở phía Nam Trường Giang, còn gọi là sông Dương Tử. Các nhóm dân cư miền Hoa Nam đã hoàn toàn hòa nhập với khối người phương Bắc. Con cháu họ bây giờ tự nhận là người Hán, hãnh diện là thành phần của một quốc gia đông dân nhất thế giới, với một nền văn minh cổ và tồn tại liên tục nhất trong lịch sử nhân loại. Còn người Việt Nam thì nuôi niềm hãnh diện khác: Họ giữ được một quốc gia độc lập không chịu biến thành người Hán. Có người sẽ hỏi: Giữa hai con đường này, làm dân một nước nhỏ độc lập, hay làm dân của một nước lớn như Trung Quốc, con đường nào tốt hơn, nghĩa là giúp cho người dân sống yên lành, hạnh phúc hơn? Tổ tiên người Việt Nam chọn con đường độc lập là khôn hay dại?
Việc tìm hiểu các nhân duyên khiến dân tộc Việt Nam vẫn còn độc lập sẽ giúp chúng ta hiểu công trình của bao nhiêu thế hệ trước, sẽ biết ơn tổ tiên và tin tưởng ở tương lai dân tộc. Nếu sau một ngàn năm Bắc thuộc dân Việt vẫn tồn tại, thì bây giờ cũng không lo sẽ mất. Đã không bị đồng hóa thành người Hán, tổ tiên chúng ta còn thu hút được các di dân từ miền Bắc tới học sống theo mình, trở thành người Việt. Chúng ta sẽ thấy biến chuyển quan trọng nhất trong thời Bắc thuộc không phải là hiện tượng người Việt chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa. Các nước khác ở Á Đông không bị người Hán đô hộ ngày nào mà cũng vẫn tự nguyện tìm học những điều hay của nền văn minh đó. Ảnh hưởng Khổng Giáo trên nước ta không phải là một điều đáng ngạc nhiên. Nếu nước Việt Nam không bao giờ bị lệ thuộc người Hán thì chắc chắn tổ tiên chúng ta cũng vẫn tìm học; không khác gì các dân tộc Triều Tiên và Nhật Bản.
Hiện tượng đáng kể nhất trong một ngàn năm Bắc thuộc là quá trình chuyển hóa các di dân người Trung Hoa sang nước ta, bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất, họ đã dần dần hòa nhập vào khối người Việt ở địa phương; chính họ cũng góp phần bảo vệ và xây dựng nước Việt. Lâm Ngữ Đường từng công nhận chính các di dân thuộc các sắc tộc “Rợ Hồ” từ phương Bắc tràn xuống vùng sông Hoàng Hà trong nhiều thế kỷ đã “góp máu,” giúp cho dân tộc Trung Hoa cường tráng, hùng mạnh gấp đôi. Những “người Hoa” di dân sang nước ta trong một ngàn năm cũng đóng góp cho dân tộc Việt giống như như vậy.
Trong một ngàn năm Bắc thuộc, bao nhiêu thế hệ người Trung Hoa sang Việt Nam dần dần đã biến thành người Việt; chính họ cũng góp phần bảo vệ và xây dựng nước Việt. Người Việt Nam đầu tiên tự xưng hoàng đế và chính thức đặt quốc hiệu là ông Lý Bôn, mà tổ tiên là người Hoa đã di cư sang Giao Châu vào thời Vương Mãng, trước đó năm thế kỷ. Tổ tiên các vua nhà Trần cũng là di dân gốc Phúc Kiến.  Vị thủy tổ của nhà văn Vũ Phương Đề đã quyết định di cư sang Việt Nam từ mươi thế kỷ trước khi ông ra đời. Hiện tượng hội nhập này tiếp tục suốt trong lịch sử. Trịnh Hoài Đức là người Việt gốc Hoa, nhưng khi đi sứ sang Trung Quốc năm 1802, đến Ải Nam Quan vẫn viết một bài thơ chê bai Tôn Sĩ Nghị dại dột xâm lăng nước Việt. 

Những người Hoa di cư sang nước ta đã lựa chọn, tự coi mình là dân Việt chứ không “hoài cố quốc” và giữ lòng trung thành với các triều đại vua chúa bên Tàu. Họ là một nhân tố đóng góp vào sự trưởng thành của dân tộc Việt Nam. Họ mang lại những sức sống mới, những nếp sống tốt đẹp, góp phần tạo thành văn minh Việt Nam. Cuốn sách nhỏ này là kết quả của công việc đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc khi đọc lịch sử dân Việt. Người viết hy vọng sẽ gợi ý để các học giả sau này đào sâu về mỗi câu hỏi và câu trả lời, để người Việt hiểu rõ hơn về niềm bí nhiệm này: Tại sao chúng ta vẫn tiếp tục làm người dân Việt, tiếp tục bảo vệ một nước Việt Nam?

Tìm hiểu niềm bí nhiệm đó, chúng ta càng thông được “cái nghị lực riêng và tính chất riêng” của tổ tiên mình, như Trần Trọng Kim nhận xét. Tổ tiên không những để lại một mảnh đất và một nền nếp văn hóa để chúng ta sống với nhau; mà còn để lại cả cái nghị lực và tính cách riêng mà họ đã nung nấu suốt ngàn năm Bắc thuộc. Nghĩ tới phúc đức tổ tiên, chúng ta sẽ vững lòng tin rằng nước Việt Nam sẽ không bao giờ mất, như có người lo sợ.
Khi bàn về lịch sử dân tộc mình, người viết khó kiềm chế ngã mạn tập thể không cho nổi lên; do đó có thể sẽ biểu lộ những thành kiến, đố kỵ mà chúng ta đều biết không nên chứa trong lòng. Mặt khác, khi nhìn lại công trình bảo vệ dân tộc và xây dựng quốc gia của cha ông, chúng ta cũng xóa bỏ được mặc cảm nước mình nhỏ bé so với nước láng giềng phương Bắc, và chịu quá nhiều ảnh hưởng nền văn minh của họ. Mặc cảm đó biến mất khi chúng ta nhìn rộng ra ngoài phạm vi một quốc gia và thấy các nước Á Đông đều chia sẻ một nền văn minh chung. Truyền thống đó được người Trung Hoa đề xuất và phổ biến đầu tiên vì họ sống trong khung cảnh địa dư và kinh tế kích thích nhu cầu sáng tạo đưa tới một nền văn minh lớn. Các nền văn minh khác trên thế giới cũng ra đời khi có hoàn cảnh thúc đẩy như vậy.
Chúng ta sẽ bắt đầu đưa mắt nhìn lại con đường mà tổ tiên đã đi qua trong một ngàn năm Bắc thuộc. Thời kỳ đen tối đã bắt đầu khi quân Hán đến thay chân guồng máy cai trị do Triệu Đà lập nên (111 Trước Công Nguyên), và chấm dứt khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán (939), chuẩn bị cho Đinh Bộ Lĩnh thống nhất, dựng nên nước Đại Cồ Việt.


Chân Văn Đỗ Quý Toàn