22 February 2020

CON LE HÀNG XÓM - Phan Ni Tấn


Phan Ni Tấn
qua nét vẽ Nguyễn Hữu Thời

Hổm rầy thím Khả cứ mắc cười hoài. Ngộ một cái là thím không cười mím chi cọp hay tủm tỉm cười như thường ngày mà đương làm bếp hay đương ngồi chơi bất thần thím đều ré lên cười khe khé. Tội nghiệp chú Ngón, chồng thím Khả, đương ăn cơm, coi TV hay đương ngon giấc kê vàng nghe thím cười ré lên chú thẩy đều giật nảy mình, văng cả cái thần hồn xuống đất. Té ra thím Khả nhớ lại chuyện tình của chú Ngón hôm sinh nhật tuần rồi chú vui miệng kể ra làm thím cười tới lộn ruột.


Mình biết hông. Hồi đó, con nhỏ hàng xóm nó để ý tới tui, thương tui hồi nào, mụ nội tui cũng hổng biết. Thấy tui tỉnh khô (có biết gì đâu mà hổng tỉnh) cùng tụi bạn suốt ngày cà nhõng trong xóm con nhỏ đâm bực. Có lần đi ngang qua mặt tui nó hứ một tiếng tui tưởng nó “hứ” thằng bạn. Lần khác tui đương ôm eo thằng em cùng lớp lê la ngoài phố, thình lình ở đâu hổng biết, nó xộc tới thò tay nhéo eo ếch tui một cái nhảy dựng. Đau quá tui xuýt xoa cắm đầu chạy dìa nhà… mét má. Tưởng được má binh ai dè bị bả rầy cho một trận: “Con ơi là con! Mầy gần 16 tuổi đầu chớ còn nhỏ nhít gì đâu mà để người ta ăn hiếp”. Nói thiệt dzới mình lúc đó tui đâu có dám khai con gái ăn hiếp tui, mặc dù nó đứng chỉ ngang ngực tui, dzới lại tui búng một cái là nó dzăng… “trên từng cây số”.
Mà có hết đâu nà. Một hôm con nhỏ lò mò tới nhà tui thấy hổng có ai ở nhà nó gan trời thần, sấn tới hun tui một phát nghe một cái “chuu… ooạt!” tưởng tét cả môi. Tá hỏa tam tinh, tui la lên một tiếng, bật ngửa ra sau, nằm giẫy giụa, mắt mũi nhắm tịt, tay quẹt mỏ phun lia lịa. Thấy điệu bộ tui dzậy nó gập người ôm bụng cười ngả cười nghiêng, cười lăn chiêng, cười tét ghế bố.

Nghe tiếng cười pha lê hết sức hồn nhiên của con nhỏ, tui chợt im bặt, mở mắt ra dòm thì trời đất quỷ thần thiên địa ơi lúc đó tui mới để ý thấy nó đẹp hết biết. Má ơi, con nhỏ như tiên giáng trần. Nó chơi nguyên bộ đầm xòe trắng, trán buộc cái ruy-băng màu huyết dụ, tóc cum-bê ôm gọn gương mặt bầu bĩnh, trắng trẻo, thiệt… khó ưa; cái gương mặt gì mà sáng như trăng rằm, cặp mắt thì trời ơi… như sóng lượn, cái mũi dọc dừa, đôi môi đỏ chét, má lúm đồng tiền. Bao nhiêu cái đẹp trời cho đó đủ để nó hớp hồn tôi cái rột.
Thấy tui nín khe, ngẩn tò te, chống cùi chõ lõ mắt dòm lên, con nhỏ hí hửng cười toe xà xuống dí mặt nó sát mặt tui làm tui như con thằn lằn đứt đuôi luýnh quýnh lùi lẹ ra sau. Mà sao con nhỏ có mùi thơm lạ lắm, trời nà. Mùi lúa, mùi sữa hay mùi xạ hương gì đó, lúc nó ập xuống nó đẩy nguyên mùi thơm trên người xộc vào mũi tui bắt ngợp.
Bị con nhỏ “tấn công” lần đó tui tè quá, hễ nhác thấy nó từ đằng xa là tui lủi lẹ. Con gái con lứa gì mà dạn thầy chạy. Ấy dzậy mà ông trời ổng có để tui yên đâu nà.
Số là lần thứ hai, hổng biết ai thọt thẹt mà con nhỏ biết tui đương ở nhà ca cải lương một mình, nó lại mò tới. Hồi xưa dưới quê có nhà nào đóng cửa bao giờ, tha hồ cho gió lọt nhà trống. Ngồi sau hè, dựa gốc me, tui đương ôm đờn lim dim xàng xê mấy câu vọng cổ, con nhỏ như ma rón rén tới đứng sau lưng tui hồi nào tía tui cũng hổng hay. Đợi tui vừa dứt câu: “Sông sâu bên lở bên bồi. Tình anh bán chiếu trọn đời không phai” – bản Tình Anh Bán Chiếu đó – là nó cúi xuống chu mỏ thồi phù phù dzào tai tôi. Thú thiệt dzới mình hổng riêng gì tui mà bất kỳ ai đương mùi mẫn thả hồn theo câu hát thình lình bị nó thổi phù dzô lỗ tai thử hỏi ai mà hổng hết hồn. Phản ứng tự nhiên là tui la hoảng, quăng cây đờn, nhảy dựng lên, co giò phóng chạy ra cửa. Tới chừng nghe tiếng con nhỏ cười khăng khắc, kêu to: “Anh Hai ơi! Bạch le ne…e…è!” tui mới đứng lại, ngoái đầu, chổng khu thở dốc. Tiếng “ne…e…è!” của nó sao mà trong veo véo, dẻo nhèo nhẹo; nó “ne…e…è!”dài theo chưn tui khiến “cái thằng bỏ chạy” cũng thấy lòng dạt dào, xao xuyến.
Nhưng nghĩ ông trời chơi ngặt thiệt đa. Con người ta đẹp như thiên thần giáng thế, giọng nói thì líu lo như chim hót, tiếng cười thì trong trẻo như thủy tinh, dzậy mà lại mang cái hỗn danh “Bạch le”, trong khi tên thiệt của con nhỏ là Uông Thị Bạch Lê. Mà cũng bị tại nó hay le lưỡi liếm môi cho ướt- nó thích môi ướt – nên mới chết danh “Bạch le” đó chớ.
Mỗi lần đi học dìa hay đi đâu chơi, thoáng thấy con nhỏ là bọn con trai con gái cứ la ong ỏng “Bạch le! Bạch le!”. Ban đầu nó giận hết… loài người nhưng nghe riết rồi cũng quen. “Tưởng le gì chớ le lưỡi mà nhằm nhò gì”, chính con Bạch… le phán như dzậy mà. Hề hề.
Rồi đất nước ngày một dầu sôi lửa bỏng, nối gót tía (tía tử trận ở cổ thành Quảng Trị, má rầu rĩ ít lâu sau cũng… theo ông theo bà) tui xếp bút nghiên theo nghiệp kiếm cung. Ngày đêm, dzác súng dzác đạn băng rừng dzượt núi, lội suối trèo đèo đánh giặc được năm năm thì tui bị đạn AK cày mất cha nó ba ngón chưn.
Giải ngũ tui “xi-cà-que” trở dìa quê mần ruộng thuê, dzác lúa mướn mới hay Bạch Lê đã đi lấy chồng. Con gái đẹp như lựu đạn sét cả nhà sợ nổ bậy nên sớm sang sông là phải rồi. Nhưng nghe nói mà tội nghiệp cho Bạch Lê ưng phải thằng chồng tuy cao ráo bảnh trai con nhà giàu mà hổng ra gì. Bét mắt ra là vác mặt xuống quán chệt Ìa bù khú với đám ăn nhậu say đến nỗi té sông mà chết.
Thiềm Cáo, thằng bạn học ngày xưa, trở thành địa chủ, dzợ con đùm đề, ruộng cò bay bẻ cánh, thấy tui dìa nó tới nói ngay:
“Thằng chồng vũ phu của con Bạch le nửa đêm nửa hôm đi nhậu dìa sỉn tới độ thất kỳ bất ý trợt chưn té nhào đầu xuống sông bị hà bá nhấn nước chết chìm cha nó luôn. Con Bạch le vốn trời cho đẹp, lúc đi chôn thằng chồng thấy nó khóc, nước mắt nó cũng… đẹp hết hồn luôn.”
Ra chiều cao hứng, Thiềm Cáo tiếp: “Từ ngày góa chồng con Bạch le càng xinh như nguyệt thẹn.” Trời đất! Chơi dzới thằng Cáo từ hồi nhỏ, lớn lên tui hổng dè cái thằng hay khóc nhè trong lớp lại trở thành đại phú, ăn nói trưởng giả quá chừng. Nó còn nói cô Bạch Lê đã trở thành một thiếu phụ thuần thục bá cháy. Trai làng trong, làng ngoài tới dạm hỏi, cổ đều lắc đầu.
Riêng tui biết thân biết phận, từ ngày binh bại dìa làng chẳng bao giờ tui héo lánh tới nhà cô Bạch Lê.
Dzậy mà một hôm rảnh rỗi, tui ngồi dựa gốc mít hát vọng cổ đã rồi lim dim lộn hồn dìa thuở xa xưa chợt nghe có tiếng chân người rỏn rẻn đi tới. Ngoẻo đầu hé mắt dòm lên thì trời mẹ ơi, con… Bạch le! Tui nói thiệt tình mình đừng nổi nóng. Dưới ánh nắng mai, Bạch Lê giống hệt như cô Bạch Tuyết bảy chú lùn vừa từ huyền thoại, cổ tích bước ra.
Vừa thấy Bạch Lê tui dọn mình đứng phắt lên, quên trớt mình “xi-cà-que”, lạng quạng chực té nhưng may quá tui gượng lại được. Dĩ nhiên lần này tui… ngon, hổng sợ cổ hun ẩu như hồi nhỏ. Ngược lại tui hách-xì-xằng đứng dạng chưn, tay chống nạnh, hất mặt nghênh nghênh nhìn cổ ra vẻ mình hổng ngán một ai. Hổng biết điệu bộ tui lúc đó diễu dở ra sao mà Bạch Lê trố mắt nhìn tui trong tích tắc rồi cổ rung người cười toáng lên. Nguyên cái thân hình thanh mảnh, gọn ơ kia vừa thụt lùi vừa gập bụng lại, mắt liếng khỉ, mở thật to, thật đẹp, ngón trỏ xinh xinh chỉ vào mặt tui, miệng phun ra từng tràng cười ngặt nghoẽo.
Chèn đéc ơi! Tiếng cười trong vắt ngày xưa lại ùa dìa tuôn ra từ cái miệng… ngon như bánh ít nhưn dừa mà mình hay mần cho tui ăn.
Trộm nghĩ lần này coi bộ mình “dính” với cô Bạch Lê luôn quá. Nghĩ dậy tui nghe “cục sướng” trong lòng râm ran nổi lên. Ấy dzậy mà thói đời thiệt bất nhơn quá chừng nghen. Mình nghĩ coi, tui đang “sướng một cục” chợt cô Bạch Lê nghiêm mặt rồi tươi rói hí hửng báo tin tuần tới cổ đi lấy chồng, mong tui mừng cho cổ. Trời mẹ ơi! Mừng đâu hổng thấy, thấy mình đang sướng chuyển qua quê một cục. Thiệt tình.
Nói thiệt dzới mình lúc đó tui “quê” tận mạng. “Quê” cho tới khi trời xui đất khiến tui gặp mình, nên duyên chồng dzợ dzới mình tui mới hết “quê”. Hề hề…

Phan Ni Tấn