28 April 2020

CHUYẾN ĐI ĐẦY NGUY NAN - Trần Anh Tống


Nói về chạy loạn, trước năm 1954, thuật ngữ lúc bấy giờ gọi là “chậy Tây” hay “tản cư”; gia đình chúng tôi ở sát thành phố Nam Định phải tản cư không ít lần, sợ bị chết chóc, hãm hiếp phụ nữ do binh lính Pháp gây ra; có lần chúng tôi chạy đến một nơi cách xa nhà chừng 4,5 cây số, tạm cư ở đó khá lâu mới trở về; năm 1954, lần này không chạy quanh quẩn mà chạy một mạch xa tận miền Nam nước Việt, nơi đem đến cho tôi một đời sống khá an bình; năm 1975, đặc biệt, chuyến đi mà tôi cho rằng trong đời sẽ không có lần thứ hai; lần này thuần túy là cuộc chạy thoát thân vì lo sợ Việt Cộng vào thành phố, sẽ bị giết theo như đồn thổi mà danh từ thời đại gọi là “tắm máu” qua cuộc giết chóc do Khò Me Đỏ gây ra cho hàng triệu người Campuchia trước đó không lâu.

Chuẩn bị cho cuộc di cư
Tin tức cho thấy miền Nam khó đứng vững trước cuộc tấn công vũ bão, xâm chiếm miền Nam của Việt Cộng đang diễn ra vô cùng khốc liệt; thành phố tôi ở là một thành phố ven biển, rất thuận tiện cho việc đào thoát bằng đường biển đến các nước như Thái Lan, Mã Lai, Indonesia; do đó có hàng triệu người Sài gòn gồm đủ thành phần xã hội, quân đội có, cảnh sát, và các thương gia, đổ ra Vũng Tàu tìm mua những chiếc tàu đánh cá làm phương tiện thoát thân; cảnh chen lấn, cãi cọ tranh giành, không sao tránh được; vợ chồng ruồng rẫy nhau, chồng bỏ vợ con lại, mang theo bồ nhí; anh em, bạn bè lường gạt nhau, mạnh ai tìm cho mình phương tiện riêng để đào thoát; thêm vào đó là binh lính thuộc Vùng Một “vỡ trận” đổ đến Vũng Tàu, chờ được tái phối trí, càng gia tăng sự mất trật tự; không ngoại lệ, tôi cũng âm thầm chuẩn bị cho gia đình chỗ đi trên một chiếc tàu đánh cá do người anh của một linh mục chúng tôi quen nhau từ trước tổ chức; tôi được dành cho 11 chỗ, đủ cho vợ chồng con cái và gia đình bên vợ.
Một hôm, tôi cùng một số bạn bè hùa nhau đi cứu trợ các nạn nhân từ miền Trung đổ về Vũng Tàu, bỗng vai tôi có cái đập nhè nhẹ, tôi quay phắt lại nhìn, thi ra một nhân viên cũ của tôi, lúc đó còn làm việc, nghiêm túc hỏi tôi: “Giờ này ông còn hăm hở lo việc cứu trợ, đã đi đăng ký chưa?”  Tôi thật tình không biết đã có một văn phòng lo việc di tản thân nhân và người Mỹ, được Tòa Lãnh Sứ Hoa Kỳ ở Phước Tuy mở ở Vũng Tàu; tôi theo người bạn dẫn đường cùng chở theo một thân hữu; tới đến văn phòng, anh ta giới thiệu tôi cho một viên Sỹ Quan Lãnh Sự người Mỹ Consulate Officer), sau khi “phỏng vấn”, người Mỹ khuyên tôi: anh nên đi!  Tôi kèo nhèo, xin cho anh bạn, vừa nói tôi vừa chỉ tay vào người bạn đứng bên cạnh, mà rằng bạn tôi là một sĩ quan quân y cao cấp trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, xin cho anh cùng đi; nghe tôi giới thiệu về anh bạn, người Mỹ bảo rằng: anh này ở lại e nguy hiểm lắm, nói đoạn, chỉ tay về phía bàn giấy: ghi tên mau lên; tôi hối hả giục anh bạn: đi thôi!
Tôi được Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ Phước Tuy cho đăng ký để ‘đến lúc biến động” sẽ có trực thăng Mỹ đến bốc đi, đi đâu thì chưa được biết; ít hôm sau, chúng tôi được cho vào tá túc, cách ly trong một ngôi biệt thự ở bãi trước do họ mới thuê dùng làm trại chuyển tiếp, chờ ngày bốc đi.  Trong khi đang ở đó, nhìn thấy chị tôi đứng ngoài hàng rào sụt sùi khóc lóc, mặt mũi méo mó ra chiều thèm thuống,  chị tôi giã biệt tôi: “cậu đi đi nhé, anh ấy phục vụ trong ngành cảnh sát, ở lại chắc sẽ bị giết chết, nhưng sao có chỗ mà đi”, ý muốn nói người anh rể tôi; chúng tôi chỉ còn biết ngậm ngùi nhìn nhau với tâm tình thương cảm; đứng ngoài hàng rào còn có rất nhiều đồng bào đang chen chúc bủa vây, có người lắc đầu thất vọng, có người sợ quá khóc ròng; tôi còn nhận ra một BS, cũng quen biết, đứng bụm mặt khóc; thật là một cảnh tượng vô cùng thẳm thương.  Ở trong “trại cách ly” ít hôm, chúng tôi được nhân viên Toà Lãnh Sự đến báo tin: địa điểm dự trù cho trực thăng xuống bốc bị mất an ninh, sẽ hủy bỏ, mọi người giải tán; ai muốn tiếp tục đi phải về Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài gòn nằm chờ; nghe tin này, tôi buồn bã lếch thếch đưa vợ con về nhà.
Không biết quan, quân của ông Tưởng Giới Thạch lúc tháo chạy khỏi lục địa Trung Hoa ra đảo Đài Loan, còn giữ được trật tự hay không, nhưng lúc này, thành phố tôi đang ở, mọi sự đều hỗn loạn; nhưng người có phương tiện, ai nấy đều chuẩn bị sẵn sàng, cố tình giấu ghiếm không cho ai biết; còn ai không có thì hoang mang không biết số phận sẽ ra sao.  Trước đó ít hôm, trong một buổi họp cấp trưởng các ngành, các cơ quan, tôi còn nghe nhiều người nói mạnh miếng lắm; có ý kiến, trang bị súng ống, đạn dược cho dân chúng (thanh niên) để họ “cầm chân” bước tiến quân của Cộng sản vào thành phố, để dân chúng di tản; cũng trong buổi họp này, một ông tướng - vì danh dự của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, tôi không nêu tên - đã được toàn thể hội nghị tiến cử đảm nhận lãnh đạo cuộc phòng thủ Vũng Tàu, nhưng giờ phút thành phố bị nguy khốn, không thấy ông xuất hiện; Đại Tá Thị Trưởng, và các giới chức trọng yếu của thành phố cũng đã “biến” từ lúc nào; vỡ lẽ, sau này, mới biết các vị ấy đã “cao bay xa chạy” mấy ngày trước.  Ông tướng hải quân cũng “cắm thuyền” ngoài khơi, bất động chờ nhổ neo, chở theo gia quyến cùng một số người có tiền, có vàng “mua chỗ”.
Trên đường tìm đến Giáo Xứ Đông Xuyên (Gò đen), nơi con tàu đang chờ; vợ chồng, đàn con bốn đứa, và cậu em vợ, chúng tôi phải trải qua một đoạn đường chừng 3,4 cây số trong cảnh hỗn loạn, chen nhau vai sát vai, nách liền nách, tranh nhau từng tấc đất, mạnh ai người ấy lấn; đoàn người đông đảo hết lên lại xuống trên khúc đường Bãi trước, từ nhà bưu điện lên dinh Ông Thượng, tìm phương tiện đi, hoặc hy vọng được tàu Mỹ đến cứu; hình ảnh thảm thương này được khắc ghi trong lòng tôi suốt đời; chúng tôi bị kẹt ở khúc đường này mất cả giờ đồng hồ mới thuê được chiếc xe lam chở khách, đưa chúng tôi tới bến tàu; trước khi đem vợ và bốn con ra khỏi nhà, ông bà già vợ tôi đứng nhìn khóc lóc thảm thiết; nhân tiện, ông chỉ cậu em vợ (út) đang đứng ngơ ngác gần đấy, ông bảo “mày theo anh chị đi đi”, tôi gật đầu;  cậu em vội vàng vào trong nhà khoác được một chiếc ảo mỏng manh chạy theo; sở dĩ gia đình vợ tôi quyết định ở lại, vì có cậu em còn kẹt trong liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, lúc đó còn “chốt”ở Bộ Tổng Tham Mưu (?);.ngoài cậu em kẹt trong quân ngũ, cách đó khoảng một tháng, cậu em kế nhà tôi lại vừa mới tử trận, sau khi ra trường Thủ Đức vài tháng; cậu em này trước đó là học trò của tôi; cậu ra trường và được điều đến phục vụ ở Tiểu Khu Vĩnh Bình, và được “chốt’ ở tiền đồn Cầu Kè; hai sự kiện  đau lòng này khiến gia đình quyết định ở lại.
Bến bình an
Con tàu lênh đênh trên mặt biển, không nhớ bao nhiêu ngày, bỗng vào một buổi sáng, trời còn lờ mờ, tôi nhìn thấy một vật đen lù lù gần đó, tôi nhướn mắt dồn hết thị lực quan sát vật đó là cái gì, thì ra nó là một chiếc tàu, trong thời chiến tranh Việt nam, chuyên chở thiết bị chiến tranh đến đậu ở Tiền Cảng Vũng Tàu, trước khi được xà lan bốc hàng tiếp tế chiến trường Campuchia; tôi hét to: Được cứu rồi!  Được cứu rồi!  

Quay sang chủ tàu, tôi nói, tiến sát vào nó, một mặt yêu cầu tìm một mảnh vải trắng để tôi viết lên chữ SOS cho tàu kia nhận dạng, cứu cấp.  Khi tàu tôi tiến gần sát, lính đứng trên boong tàu dương súng bắn, đạn rơi trước mũi tàu chúng tôi; người lính xua chúng tôi đi, và chỉ tay vào chiếc xà lan đang chầm chậm được kéo tới, ra hiệu cho chúng tôi lên trên đó; tôi hiểu ý, quay lại, một lần nữa, bảo chủ tàu cặp sườn xà lan, đổ người lên.  Khi tàu chúng tôi vừa cặp mạn xà lan, các tàu đánh cá gần đấy tua tủa uà nhau, nhìn giống như những chiếc lá tre, cũng làm theo; chúng tôi ở trên xà lan chừng nửa buổi sáng thì được tàu lớn thả “võng” cẩu lên từng đợt.  Khi bước vào trong chiếc võng để được cẩu lên tàu lớn, sau nhiều ngày lênh đênh trên sóng nước, đói khát trên một chiếc tàu đánh cá mong manh, tôi ghi nhận được cảm xúc oà vỡ sự sung sướng, và có lẽ, sẽ không bao giờ đến với tôi một lần nữa.  

Tôi, sau khi lần lượt dẫn từng đứa con, vợ, và cậu em vào đươc chiếc “túi”, mệt nhọc bước vao; việc đầu tiên là tôi hít một hơi thật dài, thở ra trong sự khoan khoái, sung sướng vô tận, biết mình đã thoát chết.  Khi còn trên con tàu đánh cá, nhìn biển trời mênh mông, không bến, không bờ và không biết sẽ ra sao và đi đâu, nhìn đàn con nheo nhóc, ruột tôi thót lên mỗi khi con tàu dâng lên, ngụp xưống theo triền sóng đổ; tôi không cảm thấy đói khát, bởi vì hầu như các cảm giác đều tê liệt.

Hai ngày sau, tàu Pioneer Contender, chiếc tàu vớt chúng tôi, cùng ba con tầu khác, Greenville Victory, Sgt Andrew Miller, Pioneer Commander, đến được cảng Subic Bay, một căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Philippines, bỗng nghe tiếng oang oang phát ra từ những chiếc loa phóng thanh trên tàu: ai cựu quân nhân VNCH, nhân viên làm việc cho Mỹ, chuẩn bị lên bờ; tôi vội vàng thúc dục vợ con và gia đình anh bạn chuẩn bị sẵn sàng để lên bờ.  Lên đến bờ, người nhà tôi, người nào người nấy, quần áo rách bươm, không có đồ thay, nhìn như đám ăn mày; việc đầu tiên, mọi người làm theo lệnh, nới rộng cạp quần để nhân viên ý tế xịt thuốc sát trùng DDT(?) vào trong bụng và  minh mẩy, xong xuôi mới lần lượt theo người hướng dẫn, vào các lều vải đã được dựng sẵn.  

Ở Subic Bay, chúng tôi nghe tin chiếc tàu Trường Xuân (?), đang trên khúc sông dẫn ra biển, bị trúng B-40 của Việt Cộng, nhà văn kiêm nhà báo Chu Tử bị tử nạn; rồi cũng được nghe tin ông Trần Chánh Thành, Bộ Trưởng dưới thời đê I, và Đệ II Công Hoà miền Nam, vừa tự tử ở Sài gòn; hai tin này làm cho lòng người càng thêm chua xót.

Dành một chút thời gian hồi tưởng khi con tàu còn đang chơi vơi trên hải phận Vũng Tàu: sóng to gió lớn, áo quần mong manh, vừa đói vừa rét; sóng hành hạ con tàu hết nghiêng bên này, lại ngả bên kia, cứ thế tiếp diễn suốt đêm; mỗi lần sóng sô con tàu “đổ”, thằng bé nhà tôi, đang được tôi ôm trong lòng, sợ bị lọt xuống biển, khóc thét lên: bố ơi, con sợ lắm!  Tôi vỗ về: con, đừng sợ, mình gần đến bờ rồi con ơi; nói xong, lại nghe tiếng đứa khác, con đói, đứa thì con khát, thật là thảm thương!
Những con tàu đánh cá bỏ đất liền ra khơi, đậu san sát nhau trên biển; họ mang theo thức ăn đồ uống đầy đủ; có tàu còn mang theo gà, vịt, chó, heo lúc đó ngả ra giết thịt; súc vật bị giết kêu vang dậy khắp mặt biển; mùi xào nấu bay ra thơm ngát mà không có phần mình. Nhờ gió biển lần hồi vực dậy cảm xúc, tôi, cơn thèm kéo đến dằn vặt.  

Thật ra, chúng tôi không phải là người được mời xuống tàu này; sở dĩ gia đình tôi được lên tàu này là do một nhân viên từng làm việc với tôi, ông có người con gái lớn cặp kè người con trai chủ tàu; cậu ấy yêu cầu cha mình cho gia đình bạn gái “quá giang”, còn tôi, tại bến, lúc lên tàu trên một con tàu khác.  Trên đường tháo chạy, khi hai con tàu sát bên nhau trên mặt biển, ông chủ tàu nhận ra có Linh mục chánh xứ của ông đang ở bên tàu kia, lên tiếng mời cha, chiếc tàu của ông vừa lớn, vừa rộng hơn, cha từ chối; khoảnh khắc, tôi nghe anh bạn cũng lên tiếng mời tôi, tôi vội vàng thúc dục vợ con mau chuyển tàu; vừa đưa được người xong, đồ đạc chưa kịp lấy, hai con tàu, sóng sô tách ra, tôi đành tiu nghỉu bồng thằng bé hai tuổi, con của một người bạn khác, đưa cho vợ, hy vọng hai con tàu sẽ cùng đến một bờ bến nào đó, tôi sẽ trao trả cha mẹ nó; không may, con tàu bố mẹ thằng bé đi, trên đó có cả Linh mục chánh xứ Đông Xuyên, đã không gạp tàu Mỹ cứu, phải chạy tuốt xuống miền lục tỉnh, hết gạo hết nước uống nó phải quay về Vũng Tàu; thằng bé chúng tôi bồng theo đến trại tỵ nạn Guam, nó ờ với chúng tôi cho đến ngày chuẩn bị sang Hoa Kỳ, cơ quan xã hội “bắt” phải giao cho họ, vì thằng bé thuộc diện unaccompyìng children - trẻ em dưới 18 tuổi không có cha mẹ đi theo – khi tới nơi định cư, chúng tôi nhờ Mục sư bảo trợ nhận làm foster cho nó, mãi gần hai năm sau, bố mẹ thằng bé mới vượt biển sang Mỹ, chúng tôi giúp đưa họ đến ở cùng thành phố, lúc đó mới giao trả cho bố mẹ nó.  Tau tôi càng lúc càng xa con tàu kia, bỗng nghe tiếng súng nổ, mọi người nhìn nhau nhớn nhác; ngay lúc đó, chúng tôi nhìn thấy mấy người lính đang trên môt chiếc xuồng bé chạy theo xin quá giang; tôi lên tiếng nói với ông chủ tàu cho họ lên; lên được trên tàu, hai người coi bộ mệt mỏi, nằm đờ xuống sàn ngủ một mạch; tôi lại bảo người con trai chủ tàu và anh bạn tôi lập tức tước khí giới của hai người lính này, vừa để phòng thân, vừa an toàn.  

Con tàu cứ thế vượt ra khơi; đang trên đường chạy, tôi nhìn vào bờ, thấy tùng cụm khói vọt lên, một lúc sau mới có tiếng nổ đùng; có một cụm khói vọt lên gần khu nhà mình, tôi lại càng lo sợ, thành phố càng lúc, càng mờ nhạt dần.  Lênh đênh trên biển, tôi không nhớ bào nhiêu ngày, nghe tiếng phát ra từ một chiếc máy thu thanh cầm tay của người con gái bên cạnh, bỗng nghe tiếng ông Dương văn Minh đọc lời hiệu triệu, yêu cầu binh lính bỏ súng đầu hàng, ai ở đâu ở tại chỗ chờ quân giài phóng đến bàn giao; mọi người trên tàu bàn tán xôn xao, thở dài thậm thượt: thôi rồi quê hương không còn nữa!  Sau này, một người bạn khác, còn bị kẹt lại cho đến lúc Việt Cộng vào thành, kể cho nghe rằng thành phố Vũng Tàu vô cùng hoảng loạn, súng bắn đì đùng kháp nơi, cướp bọc nổi lên như gi, nhà nào nhà nấy run sợ, đóng cửa kín mít; những người này là ai, thật ra không riêng anh em binh lính bị cấp trên bỏ rơi đâm bất mãn làm càn, còn những tên du đãng “tạt nước theo mưa” thừa cơ hội đi cướp bóc đồng bào.  

Anh bạn tôi nói, lúc đó chỉ mong sao Việt Cộng mau vào thành phố dẹp những tên côn đồ (có súng) đang hoành hành sách nhiễu dân chúng.  Có bao giờ người dân lại có ý tưởng “ngộ” như thế; trước đây, mỗi khi Việt Cộng đến nơi nào, dân chúng ùn ùn bỏ chạy, kéo nhau vào vùng trấn giữ bởi quân đội Việt Nam Cộng Hoà, đến bây giờ lại mong Việt Cộng đến giải cứu, nghe xong, mọi người đều hỡi ôi, khó cầm nổi nước mắt tuôn tràn!

Định cư
Ở Subic Bay khoảng hai tuần lễ, chúng tôi được máy bay của Mỹ chở sang đảo Guam.  Ở đây tôi hàng ngày dẫn một toán thông dịch viên đến các địa điểm như trạm ý tế, nhà thương, quan thuế, và hỗ trợ nhân viên Di Trú phỏng vấn người tỵ nạn, lập thủ tục nhập cảnh vào Hoa Kỳ, một việc làm rất vất vả, thức ngày, thức đêm, nhiều khi liên tiếp cả tuần lễ không được nghỉ ngơi.  Lúc đó tôi còn nghiền thuốc lá rất nặng mà tiền thì không có – giấy tờ tùy thân bị mất hết, không được phát lương - các con tôi phải hàng ngày lần theo các dây phơi quần áo ở trại NAS (Neval Air Station), tìm luợm từng đồng penny sao cho đủ 10 pennies để cho bố mua thuốc hút; một hôm, có một nhân viên thương hại tôi, cho mượn $5.00 mua được nửa cây thuốc, thuốc bán ở PX, 10 pennies một bào, 20 điếu; một lần khác, cũng có người quen cho tôi mượn $2.00, tôi cũng dành mua thuốc hút.  

Tội nghiệp các con tôi, đầu trần phơi nắng, nắng ở Guam cũng rất khắc nghiệt, xếp hàng đi lấy đồ ăn, ngoài ra, còn phải tìm cho ra từng xu cho tôi.  Rời đảo Guam, tôi nhận được tiền lương làm việc trước đây, chạy vội đến PX mua cho mình chiếc đồng hồ đeo tay để biết giờ giấc đi làm, vợ và các con, và tôi, mỗi người một đôi dép cao su đi cho bớt đau chân.

Tôi đến Mỹ vào một buổi trưa, trời còn nắng gắt, không ai có mũ đội đầu, ngồi xếp hàng chờ xe bus đưa vào trại, Camp Pendleton, California.  Ở đây, tôi lại tình nguyện đi làm cho IRC (Internationnal Rescue Commitee), mỗi ngày họ cho $5.00 gọi là tiền uống nước; lúc ra trại, nhà tôi dành dụm được trên $600.00, đó là vốn liếng của chúng tôi mang đến Mỹ; hú vía, số tiền “định mệnh” xuýt bị mất; một hôm nhà tôi đi tắm, lúc ra về, bỏ quên túi tiền trong phòng tắm, rất may được người tắm sau trả lại; tôi gọi nó là số tiền định mệnh vì cả nhà gồm 7 người trông cậy vào nó.
Chúng tôi ra trại vào ngày 4 tháng 9, 1975 bằng xe lửa, do tôi chọn, từ California, đến tiểu bang Michigan định cư ở một thành phố nhỏ; nơi đây, chúng tôi được giáo dân thuộc giáo xứ Tin Lành, cùng với Ban Tuyên Úy Tin Lành Michigan State University bảo trợ; tôi bắt đầu đi làm công việc mà họ đã tìm cho trước khi đến; một tuần lễ, việc định cư ổn định, chúng tôi xin với người bảo trợ, cho tự túc mua đồ ăn ngày sau khi có việc làm.  Chuyến đi tìm tự do của tôi gian truân thế đó!


April 2020
Trần Anh Tống