23 May 2020

ĐÁM CƯỚI - Trần Mộng Tú


Bà mẹ cô dâu đưa thêm người khách nữa vào bàn cho đủ mười người. Trong bàn đã có bốn cặp vợ chồng và một phụ nữ đi một mình.

Bà tươi cười giới thiệu:

Đây là chị Trang, mẹ đỡ đầu của cô dâu, em xin được đưa chị Trang ngồi đây với các anh chị.

Bà Trang còn khá trẻ, so với những cặp đôi trong bàn, chỉ khoảng ngoài 40, khẽ cúi nhẹ đầu chào mọi người. Mắt bà chợt mở to hốt hoảng khi chạm vào cặp mắt của người phụ nữ ngồi đối diện với mình, người phụ nữ cũng đi một mình. Người này cũng chạc tuổi bà. Cả hai cùng như sững người lại trong một giây rất ngắn, rồi họ cũng nghiêm mặt lại, cười nhẹ như chưa hề biết nhau. Họ ngồi đối mặt nhau nên thỉnh thoảng lại nhìn nhau, rồi lại giả vờ như không nhìn thấy nhau. Người phụ nữ đó được cặp vợ chồng ngồi cạnh gọi là chị Hoa.

Hoa nói trong đầu: Đúng là Trinh rồi, sao bây giờ lại là Trang. Người đàn bà tên Trang đó cũng hơi cau mày lại: người này tên là Hoa à? Hay mình nhìn nhầm. Cũng may họ không ngồi cạnh nhau nên không phải nói chuyện với nhau, nhưng họ lại đối mặt nhau nên khó lòng tránh cặp mắt của nhau. Những người khách cùng bàn nói cười vui vẻ, tiếp thức ăn cho hai người phụ nữ độc thân, cả hai chắc chắn cùng trẻ hơn họ. 

Hai người đàn bà trẻ đó thỉnh thoảng vẫn nhìn trộm nhau, thỉnh thoảng bắt gặp ánh mắt nhau, cả hai cùng bối rối, họ như muốn nói với nhau một điều gì nhưng lại không nói được.

Bỗng một ông khách trên bàn đang nói chuyện con cái, chuyện sắp về hưu đổi đề tài, hỏi hai người đàn bà độc thân: Hai chị sang đây từ năm nào?

Bà Trang ngập ngừng: Dạ…dạ từ năm 1985, nói xong bà hạ mi mắt thật thấp xuống, tránh nhìn bà Hoa.

Bà Hoa làm như không nghe thấy câu hỏi, nghiêng đầu sang nói khe khẽ điều gì với bà ngồi bên cạnh mình, không trả lời câu hỏi của ông khách.

Ông khách nhấc ly rượu vang uống khà một cái, quên cả câu mình vừa hỏi, bắt sang chuyện khác.

Khi cô dâu chú rể đi chào bàn cùng cha mẹ thì cả bàn mới biết thêm là ngoài bà Hoa là mẹ đỡ đầu của cô dâu từ Okahoma tới, bà Trang lại là cô ruột của chú rể từ Kansas về. Cặp vợ chồng mới cưới ôm thắm thiết hai người phụ nữ khiến cả hai người đàn bà cùng ứa nước mắt cảm động. Cô dâu nói:
Hôm nay con vui lắm vì cả hơn 20 năm nay mẹ đỡ đầu của con không có chịu đi gặp ai hết.

Chú rể cũng hấp tấp nói theo:
Cả con cũng mừng nữa, cô của con trốn gia đình lâu quá rồi, con phải nói bây giờ tìm được cô rồi, nếu cô không về ăn cưới con thì con không lấy vợ nữa đâu.

Cả bàn ai cũng cười to vì biết anh chàng này nói dối. 

Cô dâu chú rể bắt đầu cắt bánh, rồi khai mạc kiêu vũ, những người lớn tuổi khẽ chào nhau, kẻ trước người sau ra về.

Bà Trang và bà Hoa không biết họ có thần giao cách cảm gì mà hai người phụ nữ cùng đi về phía cuối một hành lang khá vắng. Khi họ chạm vào vai nhau cả hai cùng đứng khựng lại, họ nhìn sững vào mắt nhau:

Trinh ơi!

Hân ơi!

Rồi họ ôm choàng nhau cùng khóc nức nở. Cái thảm kịch vượt biên bị hải tặc hãm hiếp cả hai chị em cùng chịu đựng gần 30 năm về trước hiện ra trước mắt họ.

Trinh nói trước.- Khi ra trại và biết mình có mang em đã không tìm về với họ hàng, em đi trốn thật xa ở những nơi không có hoặc có rất ít người Việt. Em nhất định không cho ai biết em là nạn nhân của hải tặc. Em không muốn bị khinh bỉ hay được thương hại. Đứa bé sanh ra thì em bệnh gần chết, phải cho một gia đình không có con. Em yếu đuối quá, tai nạn ngoài sức chịu đựng của em. Con em bây giờ nó hạnh phúc có cả cha lẫn mẹ yêu thương, em xin cha mẹ nuôi nó nói là em đã bệnh chết rồi, để nó được sung sướng, không thắc mắc hay đi tìm. Em không muốn con em lớn lên biết cha nó là một hải tặc, mẹ nó bị hãm hiếp mới sanh ra nó. Em thay tên, đổi chỗ ở rất nhiều lần vì mỗi khi gặp người Việt em lại sợ, chỉ sợ họ biết em đã là nạn nhân hải tặc. Vài ba năm em mới liên lạc với gia đình một lần, nhưng nếu họ muốn thăm em thì em lại thay đổi địa chỉ. Lần này về em tính lại dọn đi nữa, nhưng chưa biết sẽ đi đâu.

Hân quàng tay ôm chặt lấy bờ vai gầy của bạn mà nghe chính thân xác mình đang rung như cái cây bị gió.

Mình cũng thế, mình may mắn không có mang nhưng cũng bị cướp mất sự trong trắng của tuổi xuân trong ký ức kinh hoàng đó. Ngay khi còn ở trong trại tỵ nạn mình đã tránh nhìn những cặp mắt thương hại của đám đàn ông và mình biết chắc rằng không ai trong đám đàn ông này dám yêu mình và những người đàn ông khác sau này chẳng ai muốn lấy mình làm vợ. Người yêu của mình đã bỏ đi sang khu khác trong trại, ngay sau khi mình tỉnh lại, đã dạy cho mình biết lòng dạ hẹp hòi của đàn ông. Nên khi ra trại là mình tách ngay ra khỏi gia đình người bà con mình đi chung và đi thật là xa cộng đồng người Việt. Mình cũng thay tên khi vào quốc tịch, không muốn ai nhận ra mình. Mình biết mình không thể yêu một người đàn ông nào được nữa. Cũng như Trinh, mình về ăn cưới cháu lần này rồi lại sẽ đi biền biệt. 

Cả hai nói xong cùng im lặng. Họ như cùng quay ngược thời gian, nhớ lại cuộc hành trình l5 ngày trên biển, con tầu lạc trong mưa bão, sóng gió, nôn mửa. Kẻ chết vứt xuống biển, người sống nằm chồng lên nhau. Rồi hải tặc tới, một đám gần mười tên. Đàn ông trong tầu không có khí giới, lại đã yếu đi sau hơn 10 ngày trên biển, vài người chống lại, bị chém, quăng xuống biển. Tất cả phụ nữ già trẻ đều bị hãm hiếp, không phải chỉ một lần, mà hai ba lần với những tên hải tặc khác nhau. Tiếng thét, tiếng khóc, tiếng sóng hòa vào nhau. Trinh và Hân là hai cô gái ở tuổi mới ngoài hai mươi, làm sao chịu nổi cái định mệnh tàn khốc đó. Đau đớn là Hân lại đi với người tình, anh trốn được vào trong một khoang tầu, khi anh chui ra là lúc hải tặc đã bỏ đi, Hân nằm ngất với những vết thương không biết gọi tên là gì.

Im lặng, hai người đi bên nhau. Định mệnh nào đã thu xếp cho họ gặp lại nhau. Họ đã trốn đám đông, xa lánh cộng đồng hơn 20 năm nay. Họ đã thu mình khuất lấp, thay tên đổi họ, thay đổi chỗ ở luôn luôn, nhưng tối nay vì gia đình, họ gặp lại nhau, quá khứ tất cả bỗng lại quay trở về. Họ biết mình đã là nạn nhân của hải tặc và mãi mãi không bao giờ họ thoát ra được cái ám ảnh đó. 

Tiếng nhạc trong đám cưới vọng ra ngoài hành lang nghe lao xao như tiếng sóng va vào thành tàu.Trong bóng tối hành lang hai người đàn bà đứng ôm nhau, im như một bức tượng đá đặt ngoài nghĩa trang.

Trần Mộng Tú
Tháng 4 năm 2020