Trời ngả chiều nhưng mặt trời vẫn sáng rực rỡ. Nắng vàng ấm và gió nhẹ khiến
phố xá thêm êm đềm tươi mát, mà đường phố vắng tanh chỉ lác đác vài chiếc xe
vài bóng người. Đại dịch và chỉ thị giới hạn sinh hoạt đã trả cho thành phố cái
thanh bình yên ắng. Ngà nhớ những bức ảnh Sài Gòn xưa đăng trên những trang
facebook, cái thuở thái hòa những năm 1930’s, 40’, và 50’s, khi Sài Gòn chỉ
nhiều nhất một vài triệu dân và mọi sinh hoạt dường như nhỏ nhẹ. Ngà nhớ thành
phố nơi này những năm 1980’s khi Ngà mới đặt chân lên đất Mỹ. Những buổi sáng
chộn rộn trong lặng im và những ánh đèn vàng lúc đêm về là nỗi khốn khổ của Ngà
trong suốt 10 năm đầu. Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở hẻm nghèo chật chội
luôn vang tiếng người với đèn nê ông trắng xóa giờ lọt vào một nơi rộng mênh
mang với bóng đèn mờ tỏ võ vàng, một mình. Đời lúc đó thê lương biết nhường
bao…
Ngà rẽ vào nhà anh Kính. Anh ở cùng thành phố chỉ cách Ngà độ mươi phút lái xe,
nhưng nhà anh tiếp giáp với thành phố biển nên lối xóm không quá xô bồ như khu
Ngà ở.
Căn nhà nhỏ xinh xắn với đất vườn rộng rãi, anh Kính ở một mình nên không
mấy gọn ghẽ dù cũng không quá bừa bộn. Anh hể hả cất tiếng chào đón Ngà nhưng
vẫn không rời căn bếp nhỏ, lửa đang phừng phừng và một món gì đó đang xém cháy
thơm lừng.
– Vô đây em, vô đây. Anh làm cá bống trứng chiên dòn tụi mình nhâm nhi.
Anh Thăng ở đâu hiện ra nơi cửa. Khác với anh Kính cao lớn và hỉ hả như Phật
Di Lặc dù anh không mập như vậy, anh Thăng nhỏ con và gầy gò. Anh nhỏ nhẹ và ít
nói nên nhỏ con thấy càng thêm nhỏ! Anh lôi trong túi giấy ra một chai Martel
để lên chiếc bàn ăn nhỏ kề bên bếp.
– Trời ơi, có đủ hết mà, mang tới chi anh Thăng, anh Kính đưa đĩa cá bống
trứng nghi ngút khói ra bàn.
– Thì ai thích gì uống nấy, anh Thăng cười cười ngồi xuống.
Ngà cũng mở hộp tôm sốt hạt hồ đào đổ ra đĩa. Nhà hàng đóng cửa, chỉ mua
được món này ở quán cơm chỉ Panda Express thôi, mấy anh chịu khó ăn đỡ !
– Gì cũng được em à, miễn vui. Uống là chính, ăn thì bao nhiêu. Anh Kính mau
mắn khui 2 chai Bud, rồi lấy ra 3 cái ly nhỏ vuông vuông. Anh Thăng cũng loay
hoay khui chai Martel rót cho mình một chung.
Cuộc nhậu chính thức mở màn. Cụng một cái, 3 đứa con Ngọc Hoàng.
– Nè, cấm tụ tập mà tụi mình xé rào, coi chừng á. Anh Thăng hăm he thăm dò
– Coi chừng ai, đâu có ai cấm gì đâu, chỉ là “ra nghị quyết” thôi mà, Ngà
cãi
– Tụi mình đứa nào cũng khỏe mạnh, đâu có ai bịnh gì đâu mà lo. Anh dẻo dai
lắm, em không cần sợ. Anh Kính hớn hở tu một hớp.
– Tui sợ, tui đang tuổi quân dịch!
– Anh vừa mới hưu, già chát còn quân dịch gì nữa?
– Thì cô Vi tuyển binh già, không tui thì ai vô đây! Gặp đại dịch, dẫu không
buông tay cũng đến lúc phủi tay rồi, rủi chết không có gì để khiếu nại. Mà dóc
chơi cho dzui, chớ tui độc thân, có bịnh thì cũng không lây được cho ai, chỉ sợ
cô Ngà
– Dạ em cũng độc thân tại chỗ, không có ai để lây
– Thì dô, vạn tuế độc thân, anh Kính mau mắn. Ba đứa con Ngọc Hoàng lại lanh
canh chụm chai và ly.
Ngà đặt chai xuống, bắt đầu tấn công cá bống trứng chiên dòn. Ngà ăn ba con
cá mới hớp một hớp bia, còn anh Kính đã xếp ba chai ra cạnh bàn mà chưa đụng
đũa. Anh Thăng cười rạng rỡ như thể hơi men đã làm anh nở bung như hoa hướng
dương. Anh hết cái vẻ rụt rè ít nói, và anh gọi Ngà là em chứ không “cô, tui”
như mọi khi nữa.
– Anh nói cho em hay, từn nào anh cũng nhậu.
– Anh nhậu với ai?
– Thì dzới bạn cũ trường lựt.
– Ủa, hồi xưa anh học luật?
– Chớ sao. Mà goa đây gần 15 năm mới xong mảnh bằng cử nhân điện toán quản
trị dữ liệu.
– À, ra là em có đồng minh, Ngà vỗ bàn cười, thanh toán thêm mớ tôm hồ đào
cho “thơm râu!”
Anh Kính chợt đứng dậy, bước ra cửa vườn cách bàn ăn chỉ vài bước. Bên ngoài
trời đỏ sẫm, những cụm mây xám bỗng tím biếc rực rỡ. Anh bật lửa châm điếu
thuốc. Anh Thăng xoay ghế ngó ra vườn, tay vẫn cầm cái ly vuông vuông xinh xắn,
nhẹ lắc cho rượu sóng sánh. Ngà đã no, cũng cầm chai ra đứng kế, ngửa cổ tu một
hớp.
Anh Kính chợt dúi điếu thuốc vào tay Ngà, làm một hơi đi em. Con Ngọc hoàng
giờ lên ngôi, Ngà vừa nghĩ vừa với tay cầm điếu thuốc hít một hơi. Anh Thăng
bật tiếng- trời đất, dữ à nghen?
– Chuyện nhỏ, nó làm bộ cho vui chứ thấy là biết không phải dân thở khói.
– Dzậy là sao, nó dzừa hút đó thôi?
– Coi nè, anh Kính rít một hơi thuốc thật sâu, lại đưa điếu thuốc qua tay
Ngà, Ngà cũng hít một hơi khói bay mù mịt.
– Nó hít vô miệng rồi nhả ra chứ đâu có ếm vô như em đâu anh Thăng.
Anh Thăng bật cười, à, cái đó tui hổng biết.
– Nói dóc, sao biết được em có hít vào phổi hay không, Ngà cãi.
– Anh đi lính em còn con nít, hút cả ngàn điếu rồi, sao lại không biết.
– Mà sao lính hay hút thuốc?
– Cái thú dễ nhất tiện nhất và rẻ nhất. Vậy mà nhiều khi cũng đói thuốc đó
em. Như có giọt sầu rơi xuống đáy giếng, anh Kính dập tàn trở vào bàn. Thức ăn
đã nguội, mùi gia vị giờ mới trùm lên đầu tóc. Anh Thăng nhìn Ngà loay hoay thu
vén đĩa thức ăn chợt hỏi:
– Em tích trữ giấy vệ sinh chưa?
– Em có đủ.
– Không biết thiên hạ làm gì mà khùng dữ dzậy, chớ thuở xưa mình xài lá tre
lá chuối cũng còn được mà, em nhớ hông?
– Không, thuở em là thuở xài giấy báo! Mà anh có đi lính hông?
– Không cần phải đi lính mới khổ
– Nhưng không ai khổ bằng lính, anh Kính phản đối.
– Khổ sao ông nói tui nghe, anh Thăng cười cợt.
– Quên rồi. Lúc đó vô quân trường là chấp hành bổn phận, ra mặt trận là phải
hoàn tất nhiệm vụ, nhưng vào chỗ súng đạn rồi thì chỉ còn nhớ một điều là không
được chết. Không được chết, còn trẻ quá mà, chết sao được… Hết chiến tranh còn
mắc ở tù, không thể chết. Ra tù phải kiếm cơm, phải vượt biên, không thể chết.
– Thì bi giờ được chết rồi còn muốn gì, anh Thăng châm chọc
– Ừ, bây giờ ở đây yên lành, hết bổn phận hết trách nhiệm, không chết, nhưng
sống để làm gì? Bây giờ chết cũng lố tuổi chết non rồi anh Thăng ơi. Lỡ độ rồi!
Dô một cái giải sầu nè!
Ba đứa lại ngửa cổ. Không dưng Ngà nhớ bài Rượu Xuân:
Cao tay nâng chén rượu nồng
Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay
Uống đi em, uống cho say
Để trong mơ thấy những ngày Xuân qua
Thấy tình duyên của đôi ta
Đến đây là, đến đây là, là thôi
Em đi dệt mộng cùng người
Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh
Thật là lạc quẻ, không biết mình say hay vớ vẩn nữa! Ngà nhìn anh Kính, anh
ngó chừng cũng đã say nhưng vẫn chưa muốn thôi, anh Thăng thì hồng hào như tiên
chứ không có vẻ gì sắp lật. Bên ngoài đã tối hẳn, một ngày sắp qua, như 40 năm
12000 ngày đã qua, sáng trưa chiều tối. Ngà đưa anh Kính thêm một chai, anh vặn
mở nắp chai rồi đưa lại cho Ngà.
– Hết chai này em về
– Lái được hông đó?
– Được, con gái Ngọc Hoàng không đến nỗi đâu.
Ba đứa con Ngọc hoàng chợt im lặng chẳng ai nói với ai câu nào. Ngà nhìn
chai bia trên mặt bàn. Hơi sương lúc mới lấy ra khỏi thùng đá giờ đọng thành
giọt lăn dài xuống dọc thân chai như những giọt nước mắt nâu lạnh rớt vào lòng.
Bốn mươi năm thái bình trên đất chẳng chiến tranh, sống thì cũng bốn mươi năm
lăn lóc khóc cười, bốn mươi năm nhăn nhó vật vã bươn chải, cũng bốn mươi năm
yêu đương ngăn cách đắp xây phá bỏ. Bụng dạ đã đầy mảnh chai, sống thêm cái gì
nữa?
Ngà lái xe về, đường đêm vắng lặng. Đại dịch tàn phá, cái hoang vu của thành
phố hay của khắp nơi trên thế giới thì cũng chỉ như những chiếu vọng của từng
cõi lòng đã rữa tan. Đâu chỉ mình anh lỡ độ, anh Kính!
Lưu Na
29.03.2020