Khi đọc, và nghiên cứu văn học sử Việt Nam có hai
người đặc biệt làm cho tôi ám ảnh. Đó là nhà văn Nguyên Hồng, và thi
sĩ Nguyễn Ðức Sơn (Sơn Núi) ở hai đầu của đất nước. Sự ám ảnh ấy,
không hẳn bởi văn thơ, mà vì tư tưởng, cũng như cuộc sống của họ. Tuy
ở hai thế hệ, cách nhau bằng một cuộc nội chiến hai mươi năm, song
cuộc sống Nguyên Hồng và Nguyễn Ðức Sơn có sự trùng hợp ngẫu nhiên,
mang đến nhiều điều thú vị, chất chứa nỗi buồn day dứt cho người
đọc. Nếu sự chối bỏ Hà Nội đến với núi rừng Bắc Giang sau 1954 của
Nguyên Hồng làm sửng sốt giới văn nghệ sĩ, người đọc ở miền Bắc,
thì sau 1975 Nguyễn Ðức Sơn chán chường vứt bỏ Saigon, trèo lên đỉnh Cao
nguyên Bảo Lộc còn làm cho mọi giới, trên toàn đất Việt phải giật
mình hơn nữa: “về đây với tiếng trăng ngàn/ phiêu diêu hồn nhập giấc vàng
đó em/ trăm năm bóng lửng qua thềm/ nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi”.
Vâng, tôi nghĩ: Buổi chiều êm biến rồi, không phải tâm trạng, nỗi đau
riêng của Nguyễn Ðức Sơn lúc đó.
Thành thật mà nói, nếu không biết trước nơi sinh, chốn ở của Nguyễn Ðức Sơn, khi đọc tôi sẽ nghĩ, ông sinh trưởng ở một làng quê nào đó thuộc Đồng bằng Bắc Bộ. Bởi, chất dân gian, đồng dao là một trong những chất liệu làm nên hồn vía thơ ca Nguyễn Ðức Sơn. Đi sâu vào đọc và nghiên cứu, ta có thể thấy thơ Nguyễn Ðức Sơn được chia thành hai mảng rõ rệt: Thơ trữ tình mang đậm hồn quê với triết lý nhân sinh, và mảng (thơ) gần với chất thơ dân gian có tính chân thực, trần tục đến nguyên sinh, song vẫn giàu hình tượng, thọc sâu vào những vấn nạn của xã hội và con người. Có thể nói, thơ và con người Nguyễn Ðức Sơn hồn nhiên, thẳng thắn và sắc sảo đến đanh đá, nhưng cũng thật đáng yêu.
Nguyễn Ðức Sơn sinh năm 1937 tại Ninh Thuận, nhưng gốc
gác người Thừa Thiên - Huế. Ông mất vào ngày 11 tháng 6 năm 2020 tại
Bảo Lộc. Nguyễn Ðức Sơn đã từng là sinh viên trường Đại học văn khoa
Saigon, song nửa chừng bỏ học. Đến với thơ văn rất sớm, dưới bút danh
Sao Trên Rừng, ông đã thành công ngay từ những bài thơ đầu. Cùng với
thơ, Nguyễn Ðức Sơn đã trình làng ba tập truyện: Cát bụi mệt mỏi
(1968), Cái chuồng khỉ (1969), Xóm chuồng ngựa (1971). Tuy nhiên,
thơ ca mới cốt lõi làm nên tên tuổi, hồn vía Nguyễn Ðức Sơn. Cũng như
văn xuôi, các tác phẩm thơ của ông hầu hết được xuất bản, và phát
hành trước 1975: Bọt nước (1965), Hoa cô độc (1965), Lời ru
(1966), Đêm nguyệt động (1967), Vọng (1972), Mộng du trên đỉnh
mùa xuân (1972), Tịnh khẩu (1973), Du sĩ ca (1973) và thi
tập Chút lời mênh mông (2020). Ngoài ra, ông còn một số bản thảo
truyện ngắn, tạp văn chưa được in ấn: Độc thoại, Đám cưới trên hư không,
Tâm tư, Tạ từ, Ngọn suối đời, Ngồi đợi ngoài hành lang, Mười lăm năm thi ca Miền
Nam và truyện dài Chỗ nằm của Thạch.
Không chỉ viết nhiều, viết khỏe với những giọng
điệu, cá tính độc đáo riêng biệt, mà mỗi thi phẩm của Nguyễn Ðức Sơn
còn là một giai thoại, mang lại nhiều cảm xúc, suy nghĩ, phản ứng
khác nhau cho người đọc. Khoáng đạt là thế, song tính thiền triết
dường như ôm trọn con người, cũng như hồn thơ ông. Và cái cõi hư vô
ấy, luôn chập chợp trong cái vòng tròn suy tưởng của người nghệ sĩ:
"Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp bãi hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô".
Và nếu nói, văn là người, thì quả thực thơ văn cũng
như cuộc đời Nguyễn Ðức Sơn là một bi kịch. Tấn bi kịch ấy chỉ được
khép lại, khi ông vĩnh viễn trở về với cõi hư vô.
Từ thất vọng đến tâm hồn cô đơn, và lạc lõng.
Khi nhắc đến Nguyễn Ðức Sơn, dường như ai cũng vậy,
thường liên tưởng đến Bùi Giáng. Cái cá tính, hay chất kỳ lạ đi
ngược với chiều kim đồng hồ ấy của hai ông thi sĩ này, thường bị gán
cho cái bệnh điên điên, khùng khùng. Với tôi, không phải vậy, bởi
người điên làm thế chó nào được thơ, mà còn hay đến tuyệt vời nữa.
Vâng, nếu nói hai ông thi sĩ này điên, thì quả thật trước kia còn điên
vừa vừa, điên giật cầm chừng. Sau tháng 4-1975, độp một phát, hai bác
điên thật lực, điên đến tận cùng. Hiện tượng sinh học thật khó lý
giải, và không thể giải phẫu bệnh lý bằng y học.
Do vậy, chỉ văn học mới có thể giải phẫu tâm hồn thi
sĩ nhân chăng. Thật vậy, ta có thể thấy, chính sự khát khao sống,
khát khao tự do ngay từ thuở đầu đời ấy của Nguyễn Ðức Sơn đã bị sụp
đổ trước cái đổ nát, tan hoang của hiện thực cuộc sống và xã hội.
Nó như nhát dao chém vào hồn ông. Để từ đó bầu nhiệt huyết, với ý
tưởng được cho là mới lạ bị đốt cháy, dẫn đến mâu thuẫn, phản
kháng trong lòng Nguyễn Ðức Sơn. Và tìm đến hư vô, phải chăng là con
đường duy nhất giải thoát cho linh hồn người thi sĩ:
"Tôi dừng lại giữa năm mười sáu tuổi
Một sớm hồng nghe nắng rụng tan hoang
Tôi nằm xuống phập phồng hai lá phổi
Sao mạch đời đang chảy bỗng khô ran
Đau nhức quá trong tôi niềm tuyệt đối
Nên cởi quần chạy giữa đám vi lô
Tôi động cỡn nhảy kè bên khe núi
Rồi ôm đầu lao thẳng xuống hư vô".
Mượn thiên nhiên, quả cây, hoa lá để miêu tả, hay bộc
lộ tâm trạng của mình là một trong những thủ pháp nghệ thuật làm
nên đặc tính riêng biệt trong thơ Nguyễn Ðức Sơn. Thật vậy, Cuối Thu
Ở Phương Bối là một bài thơ thất ngôn như vậy. Tâm trạng cô đơn ấy
của ông chìm trong cái qui luật cân bằng tự nhiên, rồi được qui chiếu
qua hình ảnh so sánh ẩn dụ:
"Trưa đứng một mình đợi ai lên
Đất trời đâu có dưới và trên
Đồi cao ổi sót rụng một trái
Dòi ăn một bên ta một bên."
Có thể nói, sở trường của Nguyễn Ðức Sơn là thơ Lục
bát. Dường như, những bài hay nhất, lời thơ đẹp nhất của ông đều
thuộc thể thơ này: "Rồi mai huyệt lạnh anh về/ Ru nhau gió thổi bốn
bề biển xưa/ Trăng tà đổ bóng cây thưa/ Mộng trần gian đã hái vừa chưa em" (Tịnh
Mặc). Và, Một Mình Giả Chết Trên Bờ Biển, tuy không phải là bài
Lục bát hay của Nguyễn Ðức Sơn, nhưng nó đã đào sâu vào nỗi buồn trong
cái tâm thái mông lung, lạc lõng trước tình người đen bạc của người
thi sĩ. Vẫn bằng biện pháp tu từ, để mở ra một con đường mới, một
cõi tuyệt vời cho mai sau, vậy mà, người đọc không khỏi bùi ngùi,
xúc động:
"Nghe đời rút xuống xa xăm
Tứ chi rời rã tôi nằm im ru
Dã tràng tưởng giấc ngàn thu
Mon men vài chú đã bu quanh rồi
Phiêu phiêu mây bạc trên trời
Đưa tôi về cõi tuyệt vời mai sau".
Dù viết về nỗi buồn, sự cô đơn với những mâu thuẫn
chưa thể cởi bỏ, song lời thơ Nguyễn Đức Sơn dường như lúc nào cũng
nhẹ nhàng, và sâu sắc. Mang Mang là một bài thơ điển hình nhất
về thi pháp này của ông. Cả bài thơ là một câu hỏi tu từ. Cái sự cô
liêu quạnh quẽ ấy như được người thi sĩ trộn vào cảm xúc của mình,
để vẽ nên một bức tranh mang mang hoài cổ vậy. Có thể nói, Mang Mang
là một trong những bài có lời thơ tuyệt đẹp, và toàn bích nhất của
Nguyễn Đức Sơn:
"mang mang trời đất tôi đi
rừng im suối lạnh thiếu gì tịch liêu
tôi về lắng cả buổi chiều
nghe chim ăn trái rụng đều như kinh
còn một mình hỏi một mình
có chăng hồn với dáng hình là hai
từng trưa nằm nghỉ đất dài
phiêu diêu nhẹ cái hình hài bay lên
mù sương âm vọng tiếng huyền
có con dơi lạ bay trên cõi đời
sau xưa mắt đã ngợp rồi
tôi nghe tôi chết giữa trời thinh không".
Có lẽ, từ vết nứt đầu đời, với tư tưởng chống
chiến tranh cùng những ngày trốn lính, và tù đày đã ảnh hưởng sâu
sắc đến thi pháp sáng tạo trong thơ cũng như đời sống, nhân cách của
Nguyễn Đức Sơn. Cho nên, đọc Nguyễn Đức Sơn ta thấy hiển hiện lên nhiều
giọng điệu thơ khác nhau. Âu đó cũng là những nét riêng biệt làm nên
tên tuổi của ông vậy.
Tình yêu, nỗi nhớ, mang mang trong hương lúa hồn
quê.
Được người đọc biết đến nhiều hơn, bởi (cách sống
với) những bài thơ tự do, và lập dị, song những bài hay của Nguyễn Đức
Sơn thuộc về thể Lục bát và Thất ngôn, hay bát ngôn. Nhìn lại kho
tàng văn học, ta thấy những bài thơ tình yêu về mẹ, về quê hương phần
nhiều được các thi sĩ viết ở thể Lục bát. Tuy nhiên, khi đi sâu vào
đọc, và nghiền ngẫm, ta có thẻ thấy: Mây Trắng của Nguyễn Đức
Sơn nằm trong số những bài thơ hay nhất của thi ca Việt viết về mẹ,
kể từ khi có thơ mới đến nay, ở thể Thất ngôn. Bài thơ làm rung động
người đọc không phải bởi sự khóc than, vật vã: "Trằn trọc đêm
dài con khóc than" mà vì tài năng sử dụng hình ảnh, với biện
pháp tu từ so sánh của ông: “huyệt dài bóng xế lấp đời con”. Với
từ ngữ mộc mạc, bài thơ đã được Nguyễn Đức Sơn viết trên dưới sáu
chục năm nay (in trong tập Bọt Nước - 1965), song đọc vẫn thấy
mới, và lạ:
“hình bóng ngày xưa khuất núi rồi
còn đây khăn trắng vấn đầu thôi
còn đây một mảnh hồn đơn chiếc
như cánh chim côi bạt cuối trời...”
Có lẽ, buồn thương nhất của người phải đi xa là nỗi
nhớ quê. Một nỗi đau thường trực trong lòng người. Và thi sĩ Nguyễn Đức
Sơn cũng vậy, chiều chợt về mang theo tiếng võng, lời ru càng làm cho
tâm hồn thi sĩ bơ vơ, và khắc khoải. Cùng tiếng ru hồn thơ Lục bát
ấy đưa ông trở về với cái thuở ban đầu: "Bơ vơ tìm trở lại nhà/
Chiều im lắng dưới canh gà thê thê/ À ơi tiếng võng sầu quê/ Buồn nghe tóc trắng
ru về ban sơ." (Cố Hương). Đọc những bài hương đồng gió
nội này của Nguyễn Đức Sơn như kéo tôi về với hồn thơ Nguyễn Bính
vậy. Thật vậy, nếu đọc Xuân Tha Hương của Nguyễn Bính cho ta
cảm xúc, niềm nhớ thương vời vợi trong cô độc phận người, thì khi đọc Giữa
Mùa Nắng Vàng của Nguyễn Đức Sơn sẽ cho ta một tâm trạng y chang như
vậy. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt, những lời thơ tự sự này của
hai thi sĩ viết cho người chị ở hoàn cảnh, không gian, thời gian hoàn
toàn khác nhau. Có thể nói, Giữa Mùa Nắng Vàng không phải nằm
trong số những bài thơ hay nhất của Nguyễn Đức Sơn, nhưng nó tiêu biểu
về tính chân thật mang mang hương lúa đồng quê trong những trang viết
của ông:
"Gặp nhau sao mà không nói
Tuổi hiền mà cũng lao đao
Ơ kia làm sao chị khóc
Tình em vẫn như dạo nào
---
Chị hỏi rằng đây hoang vắng
Biết rồi em có sầu vơi
Đêm đêm ai người tâm sự
Tha hồ mà đếm sao rơi" (Giữa Mùa Nắng
Vàng)
Dường như, Nguyễn Đức Sơn sống và viết nặng về tính
bản năng, chứ không bị chi phối bởi lý trí. Khoái gì, thì ông viết
nấy, và viết đến tận cùng. Cái tự do trong tâm hồn, suy nghĩ, hành
động của ông rộng mở, khác lạ. Và trong cả tình yêu đôi lứa cũng
vậy. Có một giai thoại khá ly kỳ lưu truyền trong dân gian về cái
khoản yêu đương, giai gái của ông, không biết đúng sai thế nào. Số là,
Nguyễn Ðức Sơn trốn lính, lên ở với ông bạn (nhà sư) trụ trì một ngôi
chùa ở Bình Dương, rồi hành nghề gõ đầu trẻ. Ở cái tuổi 30, không
hiểu thế quái nào tiếng sét ái tình của cô học trò tuổi 17, cũng
là cháu ruột ông bạn nhà sư đã quật đổ ông. Tình yêu một phía, và
có vẻ hơi bị tréo ngoe, nên Nguyễn Ðức Sơn không được sự đồng cảm và
ủng hộ cho lắm. Nhưng với ông: Em là Thánh, là Mẫu. Trước em, anh
chỉ là con chiên ngoan đạo.
Do vậy, một đêm (đẹp giời) trăng thanh gió mát, Nguyễn
Ðức Sơn kéo ông bạn, và cô gái ra trước sân chùa, nơi có cái giếng
thành cao, và sâu thăm thẳm, để xin cưới Phượng (tên cô gái) làm vợ.
Tất nhiên, ông bạn nhà sư, và Phượng đều lắc đầu. Nguyễn Ðức Sơn liền
bảo, không cưới được Phượng sẽ tự kết thúc cuộc đời của mình, bằng
cách cắm đầu xuống giếng ngay bây giờ. Nhưng trước khi chết, gã xin
được đọc bài thơ viết tặng riêng cho Phượng, trước khi giã từ cõi
đời này. Chẳng chờ ông bạn nhà sư và Phượng có đồng ý hay không,
Nguyễn Ðức Sơn đọc liền, với cảm xúc, chất giọng như hút hồn người
vậy:
"Anh chưa nắm tay em mà muốn chết
Trong khu rừng huyền hoặc của chiêm bao
Ôi hạnh phúc mong manh như sắp hết
Giữa đêm nào trăng thở quá xôn xao
Anh quỳ xuống dưới vòm trời khao khát
Dù thật lòng em chưa muốn cho xem
Đời anh đó đâu lớn bằng hạt cát
Đã vô tình vương dưới gót chân em".
Nguyễn Ðức Sơn dứt lời, ông bạn nhà sư lặng người,
còn mắt Phượng dường như có những giọt lệ rơi. Nguyễn Ðức Sơn liền
trèo lên thành, đang định cắm đầu xuống giếng. Ông bạn nhà sư và
Phượng cùng xô lại, kéo ông xuống. Chẳng biết do thơ, hay sợ ông chết,
cả hai đều gật đầu..
Vâng! Với cái thứ tình yêu có tính vĩnh cửu này,
và nâng em lên, hạ mình xuống như hạt cát vướng vào gót em, được gửi
vào trong thơ, thì các cô gái mới lớn chịu thế chó nào được mà
chẳng gật. Thế thì, ai dám bảo bác Sơn Núi là không mưu ma quỷ quái
nào?
Vậy là Nguyễn Ðức Sơn có vợ. Và cái thứ tình yêu
này, đã kết tinh thành chín người con (nheo nhóc) sau này. Chẳng biết
là yêu thơ, hay yêu người mà Phượng đẻ cho ông nhiều con đến thế.
Không chỉ cho riêng Phượng, mà trước và sau đó, Nguyễn
Ðức Sơn viết nhiều thơ tình với từ ngữ được cho là dung tục, mang đậm
chất dân gian. Có thể nói, đây là thể thơ dễ viết, dễ ứng khẩu,
nhưng khó hay. Bởi, từ thơ đến vè có khoảng cách rất gần, nếu người
viết không có tài thật sự. Trước đây thơ ứng khẩu có tính vui đùa
dung tục này, thường được diễn ra trong lúc làm việc của các bác
thợ cấy, thợ cày…Tuy nhiên, đến Nguyễn Ðức Sơn, ta có thể thấy, ông đã
đưa nó lên một bậc cao hơn, song vẫn giữ được nét dân dã. Được như
vậy, bởi Nguyễn Ðức Sơn giàu trí tưởng tượng, và tài năng sử dụng
hình ảnh so sánh ẩn dụ trong thơ. Hơn nữa cái tính chân thực, không
chỉ ở cuộc sống, mà cả trong thơ Nguyễn Ðức Sơn cũng vậy, nó hiện lên
từ trần tục đến nguyên sinh. Một cái nhìn mới lạ chăng? Vâng, nếu theo
cách nói của các nhà phê bình khoa bảng thì: Bác Nguyễn Ðức Sơn này,
đã thay đổi quan niệm về đối tượng thẩm mỹ.
Thật vậy, ta hãy đọc lại bài Vũng Nước Thánh
dưới đây, không chỉ chứng minh cho những điều đó, mà còn cho ta thấy
rõ, sự khao khát, một tình yêu tuyệt đối, với những hình ảnh so
sánh ẩn dụ của thi sĩ Nguyễn Ðức Sơn:
"anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước
miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi
ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
em chưa đái mà hồn anh đã ướt".
Tuy nhiên, cũng như những nhà thơ khác, Nguyễn Ðức Sơn
còn không ít câu thơ dở nhất là ở những bài thơ dân dã này. Có
những câu trong bài Thương Cảm, đọc lên dường như ta thấy ngay,
đó là câu nói, khẩu ngữ thường nhật chưa phải là thơ: “Ôi tấm thân
và da thịt đàn bà/ Tôi rất thèm và muốn biết qua”. Ngược lại có những
câu thơ cho là dung tục, nhưng mang triết lý nhân sinh, trong sự liên
tưởng rất độc đáo. Thành thật mà nói, phi Nguyễn Ðức Sơn (hoặc Bùi
Giáng ra) khó có ai đủ can đảm viết những câu thơ này. Âu đó cũng là
một điều lạ: "Cái lỗ của em/ Cùng với cái lỗ huyệt/ Mở ra hai đầu
sinh tử bất tuyệt".
Có thể nói, thơ Nguyễn Ðức Sơn đa dạng, với nhiều thể
loại hình thức cũng như nội dung, từ thơ bác học đến dân dã. Do vậy,
thơ ông gần gũi với mọi tầng lớp trong xã hội. Ông giáo sư, hay người
nông dân đều có thể đọc.
Thắt nút đã cởi bỏ - tính thời sự qua lăng
kính, và tư tưởng mới.
Sau biến cố 1975, sự thật đã được đã phơi bày, thắt
nút, mâu thuẫn đã được cởi bỏ trong tâm hồn Nguyễn Ðức Sơn. Do vậy, nó
đã tác động mạnh đến tư tưởng cũng như ngòi bút của ông: "Văn
chương/ Cách mạng/ Lựu đạn/ Cầm tay/ Nện ngay/ Chủ nghĩa/ Súng tỉa/ Từng thằng/
Nhào lăn/ Trên giấy." Do vậy, cũng như những văn nghệ khác,
ông hoàn toàn bế tắc về cuộc sống và linh hồn. Nỗi đau, và sự chán
chường ấy, ông gửi vào trong thơ với những tiếng chửi, khi thì giàu
hình ảnh nhẹ nhàng:
"Đụ mẹ
Cây bông
Hắn không
Lao động
Ai trồng
Chật chỗ
Mày nhổ
Xem sao
Máu trào
Thiên cổ".
Lúc thì hịch toẹt, đanh đá chẳng khác gì tiếng
chửi của mấy bà già nhà quê, khi bị mất cắp gà: "Giữa trưa nằm
nghĩ quanh/ Thấy đời sao muốn chửi/ Ngẫm một kiếp qua nhanh/ Ngồi buồn móc đít
ngửi". Và ra đi là con đường duy nhất cho các văn nghệ sĩ. Tuy
nhiên, con đường của Nguyễn Ðức Sơn cũng trái ngược với đồng loại. Khi
mọi người xuống biển, ra khơi, thì ông lại ngược lên rừng: "Bao
nhiêu học thuyết bước đều qua/ Nay về dắt bóng chơi am vắng/ Thơ ấu vườn trăng
một tiếng gà". Dường như, Nguyễn Ðức Sơn đã tĩnh tâm, đến gần
với Phật pháp chăng? Chẳng vậy mà trong bài: Tâm sự với một đảng viên
trí thức muốn ra khỏi đảng của ông như một lời tự sự vậy. Không đao to
búa lớn, và dường như Nguyễn Ðức Sơn mở ra một lối thoát, một tấm
lòng nhân ái, tình đồng loại cho con người cùng xã hội vậy:
"Anh đi cách mạng bao năm
Từ rừng đến phố dao găm chưa xài
Vẫn chưa dứt điểm sòng bài
Tấm thân ê ẩm khuya dài đau sao
Cứ yêu tha thiết đồng bào
Tuy nhiên hễ thấy máu trào thì ngưng".
Những năm cuối đời, cuộc sống và thơ văn Nguyễn Ðức
Sơn dường như càng an nhiên, tự tại. Thiên nhiên, đất nước tình người
đi sâu vào những trang viết của ông. Và với ông tất cả đã đi vào hư
vô:
"đầu tiên tôi thở cái phào
bao nhiêu phiền não như trào ra theo
nín hơi tôi thở cái phèo
bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không"...
Không chỉ trong thơ, mà cuộc đời Nguyễn Đức Sơn cũng
vậy, nó như một câu hỏi tu từ. Cả đời ông cứ cần mẫn kiếm tìm, song
không có lời giải đáp. Chập chờn trong cái hư vô ấy, cái mâu thuẫn
nội tâm của người thi sĩ càng sâu sắc, và mãnh liệt. Và chỉ đến sau
biến cố 1975, thì nút thắt trong tâm hồn Nguyễn Đức Sơn mới được cởi
bỏ. Ông chợt nhận ra, số phận của của con người, luôn được (hay phải)
gắn liền với những bi thương của đất nước, dân tộc. Và cũng như
đường lên núi Bắc Giang của nhà văn Nguyên Hồng, đến với Cao Nguyên
Bảo Lộc là con đường Nguyễn Đức Sơn buộc phải đi đến…
Từ thân phận, nỗi đau ấy, với món nợ đã trả xong
cho một giấc mơ, một kiếp người, tôi xin mượn bài thơ Hoài Niệm
(của chính ông) để kết thúc bài viết này, cũng như làm sáng tỏ thêm
tính dự báo trong hồn thơ Nguyễn Đức Sơn:
“Không biết từ đâu ta đến đây
mang mang trời thẳm đất xanh dày
lớn lên mang nghiệp làm thi sĩ
sống điêu linh rồi chết đọa đày”.
Leipzig ngày 21-6-2020
Đỗ Trường