Viết về thiên tài âm nhạc, nhân dịp đi nghe “Đêm nhạc dương cầm kỷ niệm 250
năm sinh của Ludwig van Beethoven”
Đêm đầu tháng hai trời tối đen như mực và gió thổi mạnh, cái lạnh buốt xương của mùa đông còn vương vấn đâu đây vẫn chưa chịu ra đi, tôi kéo cổ áo khoác lên cho ấm, bước chân ra về sau gần hai tiếng đồng hồ thưởng thức “Đêm nhạc dương cầm kỷ niệm 250 năm sinh của Ludwig van Beethoven” trong một ngôi nhà thờ gần chỗ tôi ở. Phải thú nhận tôi không phải là người sành điệu về âm nhạc, nhất là nhạc cổ điển châu Âu không chỉ khó nghe mà còn khó hiểu. Nhiều khi nghe một bản nhạc giao hưởng (Symphony), tôi cũng cảm thấy mình “ù ù cạc cạc” như “vịt nghe sấm”. Nhưng nếu có dịp, tôi vẫn cố đi tới những buổi trình diễn âm nhạc đó, với hy vọng “mưa dầm thấm lâu”. Theo thời gian trình độ thưởng thức của mình sẽ được „nâng cấp“, có nghĩa là nghe sẽ khá hơn, hiểu sẽ nhiều hơn và rồi có thể sẽ thích hơn. Nghề chơi cũng lắm công phu huống chi là ngồi nghe thứ nhạc cổ điển nặng nề, khó nuốt đó. Như một nhà triết gia nào đó đã nói nghệ thuật không phải tự nhiên mà có, mà là sự đào luyện lâu dài.
Nhạc sĩ Tim Ovens
Hôm nay là buổi trình diễn độc tấu dương cầm những liên khúc Sonata của
Beethoven do nam nghệ sĩ Tim Ovens biểu diễn. Tim Ovens không phải một nghệ sĩ
vô danh, ông là giáo sư dạy dương cầm ở đại học âm nhạc Vienna thủ đô của nước
Áo và đã từng trình diễn khắp nơi trên thế giới như ở châu Âu, Nam Mỹ, Trung
quốc, Nhật bản và cả ở Việt Nam,… Nhạc đã hay mà người chơi đàn cũng tuyệt vời,
tôi thả mình trôi theo từng nốt nhạc trầm bổng, lúc nhanh lúc chậm, lúc vắng
lặng lúc lên cao của Tim Ovens. Những bản Sonata trong sáng, nhẹ nhàng và có
sức truyền cảm lớn lao, dễ để lại trong lòng người nghe những cảm xúc lâu dài.
Hơi tiếc là hôm đó Tim Ovens đã không trình diễn bản Für Elise (tiếng Anh là
For Elise) của Beethoven mà tôi rất ưa thích. Für Elise là một trong những tác
phẩm đã đưa ông lên tột đỉnh của vinh quang. Tuy là một bản tình ca không lời
(Bagatelle), nhưng khi những nốt nhạc được đánh lên, người nghe cảm nhận được
cái rạo rực của tình yêu, cái réo rắc của hân hoan và cái day dứt của đau
thương như hòa trộn vào nhau, quyện vào nhau đan thành những âm thanh tuyệt
vời. Beethoven viết Für Elise (gởi Elise) vào năm 1810, cho đến giờ không một
người nào biết rõ cô gái mang tên Elise là ai. Có một trong nhiều “truyền
thuyết” cho rằng Elise, cô gái mà ông ngưỡng mộ, say mê là nữ ca sĩ hát giọng
soprano Elisabeth Röckel. Beethoven là một thiên tài về âm nhạc, nhưng người
nhỏ con và ăn mặc rất luộm thuộm, cũng có thể vì vậy mà nàng Elisabeth đã khước
từ tình yêu của ông để đi lấy người khác, nhà soạn nhạc Johann Nepomuk Hummel. Trong
nỗi đau thương tột cùng, Beethoven đã sáng tác Für Elise và từ đó ông sống độc
thân cho đến chết, dành hết thì giời cho nghệ thuật. Trong cái không may của
Beethoven, nhân loại có cái may là được thưởng thức những tác phẩm bất hủ để
đời.
Tiểu sử
Ludwig van Beethoven sinh ngày 16 tháng 12 năm 1770 tại Bonn, một thành phố
nhỏ nằm bên bờ sông Rhine (tiếng Đức là Rhein) và nơi đây đã từng là thủ đô của
Tây Đức (Cộng hòa Liên Bang Đức) từ năm 1949 đến năm 1990, thời gian từ sau đệ
nhị thế chiến cho đến khi nước Đức thống nhất. Ở Bonn vẫn còn căn nhà thơ ấu
của Beethoven, nơi ông đã sinh ra và lớn lên và hiện nay là viện bảo tàng để du
khách tới thăm viếng. Gia đình của ông không thuộc loại khá giả nhưng có truyền
thống lâu đời về âm nhạc. Cha ông, Johann van Beethoven, một ca sĩ trong cung
đình, là người thầy âm nhạc đầu tiên và cũng là người thầy rất nghiêm khắc, đã
bắt ép ông tập luyện ngày đêm, đến nỗi có lần mấy ngón tay ông bị sưng vù. Ngay
từ lúc còn nhỏ, Beethoven đã chứng tỏ có năng khiếu đặc biệt về đánh đàn dương
cầm. Năm 7 tuổi ông đã đi trình diễn dương cầm nhiều nơi và đến năm 12 tuổi,
ông đã sáng tác nhiều bản Sonata cho dương cầm và đã tạo được tên tuổi của mình
trong làng âm nhạc. Năm 1786, lúc 17 tuổi, ông được học bổng qua Vienna, thủ đô
của nước Áo và cũng là thủ đô của âm nhạc cổ điển, để theo học Wolfgang Amadeus
Mozart. Vào thời điểm đó, Mozart đã là một nghệ sĩ dương cầm thành danh, một
nhà soạn nhạc cổ điển có tiếng. Nhưng chỉ được mấy tháng, nghe tin mẹ bị bệnh,
ông trở về lại Bonn. Năm 1792 trở lại Vienna, ông học âm nhạc của Joseph Haydn,
một nhà soạn nhạc xuất chúng về âm nhạc cổ điển của Áo. Haydn được coi là cha
đẻ của nhạc giao hưởng và tứ tấu dây (String Quartet). Ngoài Haydn, ông còn học
thêm ở những người thầy nổi tiếng khác như Johann Baptist Schenk, Johann Georg
Albrechtsberger, Antonio Salieri. Nếu Bonn là thành phố Beethoven sinh ra và
lớn lên thì Vienna là thành phố ông sống, sáng tác, thành danh và rồi cuối cùng
nằm xuống ở nơi đây. Ông mất ngày 26 tháng 3 năm 1827 mới 56 tuổi. Đám tang
Beethoven được tổ chức rất trọng thể ở Vienna, khoảng 20.000 người đã đưa tiễn
ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Beethoven sống trong buổi giao thời giữa cũ và mới, giữa phong kiến và cách
mạng, giữa cổ điển và phóng khoáng. Khi cuộc cách mạng Pháp bùng nổ vào năm
1789 đã làm sụp đổ chế độ phong kiến lâu đời cũ kỹ để đưa đến sự hình thành
những tư tưởng mới về tự do, bình đẳng và bác ái. Những cuộc cách mạng về kiến
trúc, về công nghiệp, về văn học nghệ thuật, về âm nhạc cũng theo đó lần lượt xuất
hiện. Tiêu biểu nhất trong văn học, nghệ thuật, âm nhạc là sự ra đời của trường
phái lãng mạn. Trường phái lãng mạn chủ trương phá bỏ sự gò ép, trói buộc
nghiêm ngặt của trường phái cổ điển, đề cao tự do, phóng khoáng để nhắm đem trả
lại cho người nghệ sĩ quyền tự do để họ có thể phát huy được tối đa khả năng
sáng tạo và trí tưởng tượng. Trong gia đoạn nhạc cổ điển bước qua nhạc lãng
mạn, Beethoven đã trở thành một trong những hình tượng quan trọng trong âm nhạc
thế giới. Ông được xem là người hoàn thiện nhạc cổ điển và cũng là một trong
những người đi tiên phong trong trường phái lãng mạn.
Beethoven đã viết tổng cộng 9 bản giao hưởng cổ điển. Bản giao hưởng số 3
(Eroica, Anh hùng ca) được viết vào năm 1803 để thể hiện sự mến mộ đối với
Napoleon Bonaparte. Nhưng khi nghe tin Napoleon tự phong mình lên ngôi hoàng đế
Pháp (1804), Beethoven đã xóa lời đề „Tặng Bonaparte” và đổi tên bản nhạc thành
Eroica (Anh hùng ca). Bản giao hưởng số 5 (Schicksalssinfonie, Định mệnh) đã đi
vào lịch sử âm nhạc. Khi được hỏi động cơ nào thúc đẩy ông viết bản giao hưởng
số 5, ông trả lời “Đó là âm thanh của Định mệnh gõ lên cánh cửa“. Đúng như định
mệnh đã gõ cửa, người nhạc sĩ tài ba này đã viết bản giao hưởng số 5 vào năm
1808 lúc bắt đầu bị điếc. Bằng âm nhạc ông đã lột tả được sự mạnh mẽ quyết liệt
đấu tranh của con người và niềm vui chiến thắng, khác hẳn với bản giao hưởng số
6 (Pastorale, Đồng quê) viết cùng năm, vẽ lên một bức tranh thôn dã êm ả và
thanh bình. Bản giao hưởng số 9 (Freude, Hân hoan) mới là tuyệt tác, Beethoven
đã phổ nhạc từ bài thơ Ode An Die Freude (Khúc Hoan Ca) do đại thi hào người
Đức Friedrich Schiller (1759-1805) sáng tác năm 1785. Schiller đã ngợi ca sự tự
do, công bằng, bác ái và lòng đầy hân hoan hướng về một thế giới đại đồng.
Thành anh em chung một nhà,
Khi ta mở rộng vòng tay vương tới.
Alle Menschen werden Brüder,
Wo dein sanfter Flügel weilt.
(Ode An Die Freude, Friedrich Schiller)
Beethoven sáng tác bản giao hưởng Hân Hoan lúc bị điếc hoàn toàn, nhưng tác
phẩm của ông đã làm thế giới rung động, chính vì thế đã được UNESCO công nhận
là Di sản thế giới năm 2001, được Hội đồng châu Âu chọn là bài ca chính thức
cho Liên Hiệp châu Âu năm 1972 và sau đó vào năm 1985 được chọn làm quốc ca
(Europa Hymne) cho Liên Hiệp châu Âu và khi bức tường Berlin sụp đổ đã được
đánh lên đầu tiên như một thông điệp dóng lên cho tự do, nhân quyền của con
người.
Beethoven sáng tác những bản nhạc Sonata cho dương cầm, cũng như cho vĩ cầm
(violin), hồ cầm (cello),…. Sự xuất hiện của Sonata đã đánh dấu một bước ngoặt
quan trọng trong âm nhạc, nhạc sĩ thể hiện được những cảm súc mà trước đây
người ta nghĩ rằng nhạc không lời (khí nhạc) không thể nào diễn đạt được.
Những tác phẩm Sonata tuyệt vời như Mondscheinsonate (Sonata Ánh trăng),
Pathetique Sonata (Sonata Bi tráng), Waldstein Sonata (Sonata Bình minh),
Appassionata (Sonata Đam mê),…đã góp phần làm tăng nhanh sự nghiệp lớn lao về
âm nhạc của Beethoven. Bản Sonata Ánh trăng viết vào năm 1801, nguyên thủy được
Beethoven đặt tên là Sonata Quasi Una Fantasia (Như một ảo mộng) và có thể coi
như là một trong những tác phẩm đầu tiên của Beethoven khi bước qua giai đoạn
mất dần thính giác. Bản Sonata như đưa ta vào cơn ảo mộng, gợi cho người nghe
hình ảnh ánh trăng phản chiếu lung linh trên hồ Lucerne ở Thụy Sĩ. Chính vì thế
nên được quen gọi là Sonata Ánh trăng. Người ta đồn rằng ông đã sáng tác Sonata
này khi nhìn thấy một cô gái mù ngồi bên cạnh một chiếc đàn dương cầm và khuôn
mặt cô được ánh trăng luồn qua khung cửa sổ tỏa sáng. Sonata Waldstein được
viết để tặng người bạn và người bảo trợ của ông là bá tước von Waldstein.
Sonata này còn được gọi tên là Bình minh vì gợi cho người nghe hình ảnh của một
buổi sáng sớm khi mặt trời bắt đầu xuất hiện và từ từ lên cao.
Gia tài âm nhạc Beethoven để lại cho hậu thế không những khá đồ sộ mà còn
rất phong phú và đa dạng, ngoài 9 bản giao hưởng và Sonata cho dương cầm còn có
Sonata cho vĩ cầm (violin) từ số 1 đến số 10, Sonata cho hồ cầm (cello),
Concerto cho dương cầm từ số 1 đến số 5, khúc mở màn Overture như Corolian,
Egmont… vở kịch Fidelio cho Opera,v.v.v
Cuối cùng
Mặc dù sự nghiệp về âm nhạc của Beethoven rất thành công, nhưng cuộc sống
của người nhạc sĩ tài hoa ấy lại không được êm đềm và phẳng lặng. Beethoven bị
nghèo khó túng quẫn vây quanh, bị bệnh tật hành hạ và tình yêu làm cho lận đận,
lao đao. Ông đã từng tuyệt vọng vì tai mình bị điếc, không có gì đau khổ hơn
cho người nhạc sĩ là không nghe được nốt nhạc của mình viết đang được tấu lên
và nỗi đau lại càng sâu đậm hơn sau mỗi lần trình diễn người nghệ sĩ không được
thưởng thức những tràng pháo tay mến mộ của thính giả gởi đến. Ông sống cô đơn
và lạc loài trong một thế giới hoàn toàn yên lặng, không một tiếng động, không
một lời nói bên tai. Vì điếc nặng, nên ông sáng tác nhạc chỉ bằng sự rung cảm
của con tim và sự tưởng tượng của trí óc. Nhưng con tim đó, trí óc đó đã tạo
nên những tác phẩm để đời như bản giao hưởng số 9 (Hân hoan) tuyệt vời hay bản
Sonata Ánh trăng mơ mộng,…. Ngày hôm nay, nhạc của Beethoven đã được trình diễn
khắp nơi trên thế giới từ các Philharmonie hay Opera House nổi tiếng như ở
Berlin, Hamburg, Vienna, New York, Sydney… cho đến những quốc gia nhỏ bé xa
xôi. Ông là nhạc sĩ sống qua hai thời đại, thời đại nhạc cổ điển và thời đại
nhạc lãng mạn. Ở cả hai thời đại, ông đã nén nỗi đau thương để chọn cho mình
một thế đứng, đứng chót vót trên cao như sao bắc đẩu dẫn đường cho những thế hệ
sau đi tới. Tác phẩm của ông đã ảnh hưởng rất nhiều trong các lãnh vực văn học,
nghệ thuật và âm nhạc không chỉ ở châu Âu mà cả thế giới, không chỉ trong quá
khứ, hiện tại mà cả tương lai sau này.
Lương Nguyên Hiền
Tài Liệu: Wikipedia