Tôi bị ngấm thuốc “Biệt ly”, từ tuổi học trò. Miền thanh tân
của tuổi trẻ đã mau chóng biến dạng. Khởi đầu là vô danh, bóng tối. Từ một con ấu
trùng sống qua hai trăm ngày, để ra kiếp/con phù du, chết trong một hoàng hôn
ngày. Lửa mặt trời hãy còn, chúng tôi đã vào kết thúc.
Than thầm vậy, vì những đoàn tụ, những hạnh phúc giống nòi tôi, đã mau chóng phôi pha. Ác với thiện, xấu và tốt, máu cùng thịt, một ít xương cốt khởi đầu bởi những sụn, một ít lông vừa mọc ra, có thể, là một chuẩn bị kỹ lưỡng trong một cái trứng gà, vịt, chim chóc rừng, hải đảo, chẳng hạn; lũ trứng nhé, là mong chờ những ríu rít chào đời; tiếc rằng, chúng tôi thiếu cái ấm áp bụng mẹ ấp trứng, nên cả thảy lũ chúng tôi, trở ra một loài trứng ung. Đáng tủi nhục, mùi/cái/sức thối của ung vữa ấy, lại được bao bọc an toàn trong mỗi cái vỏ riêng tư.
Tiên với Rồng, ca bài ái ân, ra mớ trứng. Chỉ ấp một lứa đầu
ra con người. Không dạy các con cháu về sau, nghệ thuật và kỳ công ấp trứng. Cả
mặt đất một lũ con cháu mang dạng trứng ung, đầy phẩm cách vỏ ngoài.
Mẹ Âu Cơ cả tin. Đâu ngờ con cháu tút mù về sau, có một thời
cắc cớ, chúng như chim chóc, rùa cá, để ra toàn là trứng. Bọn trứng ấy lạc
loài, không được ấp ủ trong hồn vía của Rồng Tiên.
Mùa hè năm 1958, là học sinh giỏi, tôi được một phần thưởng
của bộ Giáo dục, cho đi dự trại Hè học sinh toàn quốc. Nước Việt Nam Cộng Hòa,
chỉ từ Quảng Trị trở vào Mũi Cà Mau. Khi tôi cúi người xuống soi mặt trong nước
sông Bến Hải, uống một ngụm nước con sông chia cắt hai miền nam-bắc, để kỷ niệm
một lần đến, Đất Nước này của tôi, vừa tròn...bốn tuổi, kể từ tháng 7 năm 1954,
hiệp định Genève được ký kết.
Gọi là “trại” nhưng không căng lều cắm cọc. Bọn chúng tôi cộng
lại chỉ vừa hai trăm đứa. Nam được ở trong trường Quốc Học, nữ ở trường nữ Đồng
Khánh kế cận. Các phòng học trống, mùa hè. Hai trường chuyên biệt nam nữ danh
tiếng này nằm song đôi, kiểu như cặp nhân tình nằm cạnh nhau lúc không hôn hít,
riêng rẻ mỗi giấc mộng thẳng ron. Cổng trường kiến trúc rất đẹp, cùng nhìn nhau
ra sông Hương, con sông yểu điệu, mặt nước hầu như không có sóng, nước trong vắt
nhìn thấy rêu tận đáy, thơ mộng tư mùa.
Trường nào cũng rộng lớn, những hàng cổ thụ trong khuôn viên
trường đổ bóng. Mùa hè, ve kêu chí mạng. Đi thẩn thơ, loanh quanh trong khuôn
viên trường, lá vàng, chiều nắng, bồn bề vắng queo, bọn học trò đứa nào có tí
chút tài văn chương, tha hồ thơ phú. Tôi mần mấy bài thơ lục bát. Được thầy
Vương chọn, mang về Sàigòn đăng báo. Vui mút chỉ.
Có 21 ngày thảnh thơi. Vui chơi, ca hát, đi thăm đó đây. Ban
ngày đi, một đoàn xe, mỗi xe nam nữ ngồi chung, chuyện trò thân thiết. Buổi tối,
tụ tập chung trong sân trường Quốc Học. Đốt lửa trại, ngâm thơ, kể chuyện, ca
hát, trình bày những bài thơ, những đoản văn, bản nhạc, vừa sáng tác. Có nhiều
cặp vợ chồng êm ấm, về sau, là từ những dan díu trong vắt thanh tân, trong dịp
trại hè này.
Đầu tiên, thăm các di tích, lăng tẩm các Vua nhà Nguyễn, Đại
nội, kinh thành Huế.
Đến xứ Quảng Nam, nơi nhiều danh lam thắng cảnh. Đèo Hải Vân
hùng vĩ, mùa hè không mưa mù bão gió, mây và biển chia biệt rõ ràng; vùng xanh
thẳm như bất tận dưới này, vùng thanh thản lang thang trắng muốt trên kia. Núi
Sơn Trà, tấm bình phong phương bắc của thành phố Đà Nẵng, có rừng thiên nhiên,
nhiều động vật hiếm, có nghĩa địa lính châu Âu thời chinh phục thuộc địa; về
sau Sơn Trà là một cứ điểm chiến lược biển của quân viễn chinh Mỹ. Thăm Ngũ
Hành Sơn, năm ngọn núi đứng riêng rẻ, rời rạc, lẻ loi giữa đồng bằng; chừng là
năm đứa con thất lạc của dãy Trương Sơn.
Thăm Phố cổ Hội An, nơi có mặt sớm nhất những người Hoa đến
cư ngụ thời Phản Thanh phục Minh; các thương thuyền, thương nhân Bồ Đào Nhà, Y
Pha Nho, có mặt từ thế kỷ 15; Người Nhựt Bổn xây Lai Viễn Kiều. Cầu có chùa,
dân gian gọi là Chùa Cầu. Thăm quần thể tháp Chàm Mỹ Sơn, vùng rừng núi Xứ Quảng,
đế đô tôn giáo của Vương quốc Chiêm Thành.
Lại đến tận nơi đầu mút Quảng Trị, là cầu Hiền Lương, sông Bến
Hải. Vào phía nam, viếng núi Thiên Ấn, thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi, nơi có mộ
chí nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.
Đến thị trấn Đông Hà đi ngược về mạn Cùa, thăm thành Tân Sở,
hôm nay là cùng tận đìu hiu, nơi Vua Hàm Nghi lập hào lũy chống Pháp 1885. Lại
hướng về Khe Sanh, đường đất đỏ bụi mù, những rừng thổ sản mịt mùng, lá cành
nhuộm bụi đường chẳng còn màu xanh. Những năm về sau, con đường thọc thâu vô bụng
Trường Sơn này, xuyên tới Hạ Lào, là con đường của máu và thuốc súng trong cuộc
nội chiến.
Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, cửa Tùng, núi và sông, cỏ cây
và biển, là ranh giới đọan tuyệt tình Bắc-Nam.
Quảng Trị, mùa hè hanh khô, núi đồi cỏ hoa khan khát, chờ bốc
cháy. Thấy trước tình thế, kẻ giàu có đã sớm ra đi, đến những thành phố lớn
phương Nam, mong tránh cuộc tương tàn có thể xảy ra, Quảng Trị chính là miền đất
đầu tên mũi đạn.
Đoàn xe chúng tôi tới Đông Hà, một thị trấn vắng vẻ, thơ mộng,
như một bức tranh tỉnh vật. Thật là quá bảnh bao, đúng mười năm sau lúc chuyến
xe đang có cái mặt cái mũi tôi lướt qua, vào 1968 tôi quen một cô gái Đông Hà.
Thình lình phía này chập điện đằng kia dính chấu. Đám cưới, ăn bữa cơm chay
trưa thanh đạm, trong chùa Già Lam, Gia Định. Có hoa nở, bóng cây và chim chóc
trong nắng ấm vườn chùa. Thượng tọa Thích Trí Thủ làm chủ hôn. Ba năm đẻ ba đứa
con. 1958 cô nàng mới vừa bảy tuổi, chưa có sữa cho tôi bú.
Từ ngã ba rẻ trái, là đường đến Khe Sanh, Lao Bảo, xuyên Trường
Sơn, sang nước Lào. Xe chạy thẳng về hướng Bắc, là gặp sông Bến Hải, giới tuyến
17. Qua một đọan đường những ngọn đồi khô khan nối đồi, từ cao, đã thấy trải rộng
một cánh đồng úa vàng, xóm làng buồn hiu, cây cầu Hiền Lương xa xa bên dưới.
Hai bên đầu cầu, mỗi phía Bắc và Nam, đều có một đồn lũy
phòng ngự. Hai kỳ đài cao vút. Quốc kỳ mỗi bên bay phất phới. Cổng chào của
phương Bắc có hàng chữ, đứng bên này sông thấy rõ, “Nam Bắc Một Nhà”.
1958, cuộc nội chiến chưa khởi phát, nên câu khẩu hiệu kia là một tín hiệu của
hy vọng một ngày thống nhất đất nước. Thánh thiện từ một tin Lành. Sẽ một-nhà
trong tiếng cười hân hoan. Sẽ một-nhà không một ai thương tích. Không cơn rầu
máu những vết chàm lương tri.
Đám học trò, một lũ khỉ non chúng tôi đứng bên này
sông. Không một con đò trên sông. “Sự sống”, một dòng im bặt, nước không muốn
trôi. Từng không là nắng vàng, tất cả là một tuyệt cùng im vắng, một không gian
đang chờ cơn bão bạo liệt sẽ tới.
Quảng Trị buổi ấy, là một “Con tin của lịch sử”. Hợp nhất đất
nước trong hòa bình, Quảng Trị hòa bình. Bước qua lằn ranh bằng lửa đạn, Quảng
Trị là đầu tiên của nguồn máu và trời tan thương. Uống nước nhớ nguồn. Thảm
thương thay, một ai đó mong “uống máu” để nhớ nguồn máu anh hùng.
Bên bờ sông phương Nam, các thầy giảng về lịch sử. Bài
học lịch sử trong lớp học giờ đây đã khác. Đứng trên bờ sông này, những lời thầy
giảng không mơ hồ màu phấn trắng. Một nỗi buồn đầu tiên về thân phận nước non,
đang bàng bạc trong hồn thơ trẻ chúng tôi. Những bèo xanh trôi kia, những hàng
cây xa như chìm trong bờ nước bên kia sông, cây cầu không một chuyến xe qua về...
tất cả, đang lặng buồn.
Nỗi buồn, chập chùng một hiện thể pha lẫn siêu nhiên. Cái
sâu thẳm, mâu thuẫn, là chừng như một trực giác. Chúng không đến với tôi, một đứa
học trò rất mỏng kinh nghiệm sống, qua ý thức lẫn đường dài mưa bụi. Thoạt là
thương nhớ quê nhà, cảm ra nỗi đau phận người, có từ bọn trẻ, không là từ kinh
nghiệm, được dạy dỗ, mà là cái đã được thông qua từ công đồng nhiều thế hệ, âm
thầm, tự nhiên lưu/giữ lại bởi một gen truyền bản năng. Nó được hằng nhiên lưu
lại từ thế hệ trước cho thế hệ sau, thuần là qua một ảnh hưởng nam châm, vai
trò của vô thức.
Con chuột biết trở về hang, con bê chạy thục mạng trước con
sói, con sư tử mẹ biết liếm sạch con khi con vừa lọt lòng, con gà mẹ biết sè
đôi cánh mỏng bảo vệ đàn gà con khi diều quạ từ từng cao lăm le. Không có trường
trại nào dạy chúng. Không có ngôn ngữ như giống người, được phát ra cho nhau,
những triết-văn, những kinh-lời đề truyền nhau tri/ý thức.
Chúng ta yêu tiếng nói nước ta, thương quý đồng loại đồng
bào, tận tình tri ân và giúp đỡ cha mẹ khi tuổi già, nhớ con đường quê để trở về
làng cũ, là những bừng thoát ra từ ý thức, nhưng chỉ như một mồi lửa nhỏ nhoi để
nhóm một nguồn lửa. Phần sâu đậm, cái phi ý/tri thức dài dặc kia, là phần lót nền,
là cái bản năng. Vùng im lìm, xác chết trong tâm thức. Nhưng có khi, qua nó,
dòng truyền lưu sinh tồn của con người được bền vững. Cái, tất cả chúng ta kinh
qua hôm nay, tổ tiên đã từ từng hôm xưa kinh qua, đã nhiều kinh nghiệm. Thần
kinh, xương cốt, bắp thịt, chừng chúng có ngôn ngữ riêng của chúng nó. Bản năng
lưu giữ, có thể, do vậy mà chúng bền vững lưu đời.
Chúng tôi, chẳng đứa nào sai khiến đứa nào, nhưng cùng nhau
cúi xuống, dùng hai bàn tay bụm một bụm nước sông Bến Hải, uống ực.
Hãy giữ một ít bùn, nước này trong máu châu thân. Nước rất trong, rất mát. Quảng
Trị thân yêu của tôi ơi. Nắng trưa óng vàng, thấy khuôn mặt của mình run rẩy
trong làn nước trôi.
Tôi cũng có một mớ vân tay tội phạm trong dòng nước này.
Cung Tích Biền