Chị Dung trông trẻ trung hơn lứa tuổi u60 của mình, thời
gian vẫn chưa làm phai hết nét đẹp dịu dàng của người đàn bà góa này. Sau hơn
30 năm làm y tá cho một bệnh viện ở Sài gòn, lúc về hưu, chị được con gái lớn bảo
lãnh sang Mỹ. Chị muốn đi làm để kiếm tiền nuôi hai đứa con còn ở Việt nam và
có thể sớm bảo lãnh chúng sang để đoàn tụ gia đình. Lúc mới qua Mỹ, chị đi làm
giúp việc cho một gia đình giàu có người Việt. Hàng ngày vợ chồng họ đi làm và
con cái đi học, một mình trong một ngôi nhà rộng lớn ở một vùng núi, chị Dung
có cảm giác thật trống trải. Nghe ở vùng này người ta tuyển nhân viên chăm sóc
người cao tuổi, chị Dung cảm thấy công việc này phù hợp với chị hơn nên nộp
đơn. Sau khóa huấn luyện một tuần, chị được phân công chăm sóc ông Đại tại nhà.
Công việc của người chăm sóc theo hợp đồng lao động là giúp đỡ thân chủ trong
việc ăn uống, đi lại, vệ sinh cá nhân, nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa.
Ông Đại vốn là một cựu sỹ quan VNCH, định cư ở Mỹ gần ba
mươi năm trước theo diện HO. Ông bà sang Mỹ khi đã nửa đời người, rồi lao vào
kiếm tiền để nuôi hai đứa con. Ông đã từng làm nhiều việc khác nhau như sắp xếp
hàng ở các siêu thị, nhân viên đưa thư. Dù vất vã nhưng ông đã hoàn thành tốt
nhiệm vụ của một người cha là nuôi hai con nên người. Tony nay là bác sĩ chuyên
khoa da liễu, Mindy là luật sư. Hai ông bà về hưu sống trong căn nhà nhỏ mà gia
đình họ sống trong hơn hai mươi năm ở ngoại ô Phidadelphia. Tony và Mindy sau khi
ra trường, mua nhà riêng gần đó để tiện đi lại chăm sóc hai ông bà.
Hồi các con còn nhỏ, ông Đại vui vẻ hoạt bát và siêng năng
làm việc. Từ lúc hai con trưởng thành và ra riêng, ông Đại trở nên trầm tư ít
nói. Trước đây, ông Đại cảm giác họ là một gia đình đầm ấm. Đó là động lực để
ông làm việc kiếm tiền nuôi con. Lúc các con khôn lớn thì chúng nó thành Mỹ con
từ văn hóa đến lối sống, khoảng cách hai thế hệ ngày một xa. Lúc đầu ông bà
nghĩ như thế cũng tốt cho thế hệ thứ hai. Chúng nó đã hòa nhập với cuộc sống ở
đây, đất nước này trở thành quê hương của chúng chứ không phải như bọn người
già họ.
Bà Tiên là người đơn giản, chỉ cần thấy con cháu có cuộc sống
tốt là bà vui. Ông Đại thì khác. Vốn sinh ra trong một gia đình truyền thống ở
Huế, ông quen với sự gắn kết giữa các thế hệ trong một gia đình ở đó người ông
hay người cha luôn được kính trọng và có tiếng nói trong từng việc nhỏ việc lớn.
Hai đứa con ông cũng suy nghĩ đơn giản như mẹ chúng, cho rằng sứ mệnh của ông
đã kết thúc, bây giờ đến lượt chúng nó. Ông bà chỉ cần ngồi yên để hưởng những
thành quả của mình.
Bà Tiên cũng nghĩ rằng bây giờ con cháu thành đạt, đây là
lúc ông được nghĩ ngơi thì đúng ra ông nên vui mới phải. Ông muốn nói gì với
con cháu bà cũng ngăn cản, cho rằng ông cổ hủ và con cái bây giờ hiểu biết hơn
cha mẹ hãy để chúng nó tự quyết định. Hồi ông còn là lao động chính trong nhà,
hàng ngày bà cũng cố nấu những món ông thích. Khi về già, bà trở nên mệt mỏi
nên trong nhà ít khi đỏ lửa. Các món ăn thường trực là ngũ cốc với sữa, mì gói,
bánh kẹp thịt đông lạnh hâm bằng lò vi sóng. Ông buồn không muốn ăn thì bà than
rằng ông đổ chướng. Ông thích về Việt nam sống thì bà không chịu vì muốn sống gần
con cái. Nhiều lúc ông nói chuyện về những kỷ niệm ở Việt nam bà cũng không buồn
nghe, bảo rằng ông sống hoài niệm. Dần dà ông chẳng buồn nói vì cảm thấy không
còn ai lắng nghe mình nữa.
Cuối tuần Tony và vợ con ghé qua nhà ông bà để một đống đồ
ăn vào tủ lạnh, hỏi thăm ông bà đôi ba câu rồi đi. Mindy thì ở hơi xa nên thường
gọi điện cho ông bà để biết tình hình. Thỉnh thoảng, cô ghé nhà ông bà khi có
công chuyện cần thiết mà thôi. Cả tuần bận rộn với công việc, cuối tuần hay
ngày lễ những người trẻ muốn nghĩ ngơi và dành thời gian cho gia đình nhỏ của
mình. Ai cũng có xu hướng tập trung vào thế hệ sau, vì cho rằng đó mới là tương
lai. Hơn nữa, ngoài việc hỏi thăm ba mẹ có uống thuốc đầy đủ không, hôm nào đi
thăm bác sĩ thì họ cũng không biết làm gì hơn. Oái ăm thay, con người thông
minh có thể tạo ra những con búp bê biết thể hiện cảm xúc mà bản thân con người
thì lại trở thành những cái mày biết nói theo kiểu lập trình.
Ông Đại đi thăm bác sĩ tâm thần của ông thường xuyên để kiểm
tra và điều chỉnh thuốc. Dường như càng uống thuốc thì bệnh trầm cảm của ông Đại
ngày một tệ hơn. Lần khám gần đây, bác sĩ đề nghị với ông họ sẽ làm sốc điện
cho ông nếu ông đồng ý. Mỗi lần đi gặp bác sĩ, hai thân già tha nhau chứ hiếm
khi nào ông con bác sĩ đưa cha mình đi khám. Có lẽ anh ta quá bận và anh
ta nghĩ điều đó cũng không cần thiết. Công việc ai người đó lo, anh đưa ông đi
cũng không có ích lợi gì hơn. Một suy nghĩ rất Mỹ, tôn trọng sự độc lập và
riêng tư của người khác. Logic đến nhẫn tâm!
Cô con gái Mindy là một nữ luật sư trẻ đẹp, nói tiếng Việt
trọ trẹ. Mỗi lần nói chuyện gì với bác sĩ ông bà cũng phải thông qua một người
phiên dịch. Thỉnh thoảng Mindy đưa ông Đại đi để giải quyết những vấn đề cô cho
là quan trọng. Một lần để nói với bác sĩ rằng cô rất lo lắng cho sự an toàn của
mẹ có khi phải ở chung nhà với ba cô vì đôi khi tức giận ông hay ném vật này vật
nọ. Mới đây cô đến để yêu cầu bác sĩ gia đình rằng ba cô cần người chăm sóc tại
gia vì mẹ cô không đủ sức để làm và nhất là ông bà không còn đối xử với nhau
hòa thuận như trước đây.
Các nhà tâm lý học cho rằng giữa cha và con gái có một tình
yêu đặc biệt. Ông Đại thấy giữa mình và con gái là một khoảng cách vời vợi. Ông
thèm một cái ôm trìu mến, ánh mắt thương yêu, hay một câu an ủi từ cô con gái.
Chỉ chừng đó là ông có thể bớt bệnh, chứ không phải những viên thuốc với những
công thức hóa học chính xác đến vô hồn kia. Ông Đại ước gì con trai con gái ông
cứ bé như hồi nào, để mỗi buổi sáng ông được cõng chúng ra xe bus, rồi được hai
đứa ôm hôn trước khi đến trường. Những buổi đi coi phim tụi nó đòi ông mua cho
những bao bắp rang nóng hổi hay những kem cây mát lạnh. Những lúc cô đơn, ông
có thói quen lục lạo những ký ức đẹp. Ông vẫn còn nhớ như in cái đang chạy chân
sáo đầy phấn khích của hai đứa những lúc đó. Tụi nhỏ quấn quít bên ba mẹ, thế
giới của chúng có một phần ông trong đó. Bây giờ thế giới chúng nó và ông là những
đường tròn chỉ tiếp xúc ngoài mà thôi. Đó là những lúc tụi nó đem thức ăn đến
cho ông hay là đến bác sĩ để khai thêm triệu chứng của ba nó. Tụi nó được gọi
là thành đạt nhờ học và hành những thứ logic vô hồn, lạnh lẽo còn hơn những cái
thánh giá trên các ngôi mộ.
Ông không hề trách chúng nó vì cuộc sống của chúng đâu có
nhiều thử thách như ông đâu để hiểu hết những suy nghĩ của ông. Ngay cả người
đã đồng hành với ông qua những thăng trầm là vợ ông còn không hiểu được ông.
Nhiều khi ông có cảm giác lạc lõng ngay trong tổ ấm của mình. Thông thường cảm
xúc của mỗi con người như là tấm gương phản chiếu tâm hồn người đối diện. Dễ
thương thì dễ được thương, chứ mấy ai chịu khó thương người khó chịu. Trong cuộc
sống gia đình thì sự hiểu biết và thương yêu là điểm then chốt. Nếu không có đủ
hiểu biết và tình thương thì khi có chuyện gì xảy ra, mọi người có xu hướng đổ
lỗi cho người khác. Từ đó, khoảng cách giữa mỗi người ngày càng xa. Hiểu và
thương giúp mình trở nên vị tha, hy sinh hơn để có thể ôm ấp người thương những
lúc họ không dễ thương. Đó cũng là lúc người thương của chúng ta cần vòng tay của
mình nhất.
Đến thế hệ thứ ba thì thế giới ông và cháu là những đường
tròn không tiếp xúc nữa mà xa nhau như những hành tinh quay cuồng trên những
quĩ đạo riêng, không bao giờ đụng nhau. Tụi nó nói tiếng Mỹ, ăn đồ Mỹ, Việt nam
đã quá mơ hồ với chúng. Những gì ông nói chúng không bao giờ hiểu và ngược lại.
Ngay cả vợ ông cũng khuyến khích các con nuôi dạy cháu mình theo kiểu Mỹ để được
như cha mẹ nó, để bà nở mày nở mặt về thế hệ Mỹ con này. Vợ ông luôn tự hào về
các con, khoe con mình giỏi cỡ nào, nhà cửa to lớn ra làm sao. Bà Tiên là người
thiên về vật chất và dễ thỏa mãn. Bà hay than rằng ông đòi hỏi nhiều quá. Bà thấy
ông ngày một khó tính cũng không còn muốn gần ông nhưng cũng không muốn để người
khác chăm sóc ông. Ông Đại có cảm giác ngày xưa mình ông gánh cả nhà thì bây giờ
ông đã trở thành gánh nặng cho vợ con.
…
Mấy năm trước khi chị Dung đến, một ngày của ông Đại là ngồi
hàng giờ ở sofa nhìn vào khoảng không vô định. Đến buổi thì ăn, tối trời thì
lên giường. Như một cái máy, không còn chút hứng thú gì. Không ai biết hay quan
tâm những suy nghĩ trong đầu ông. Đơn giản, bệnh thì uống thuốc. Vốn là một y
tá nhiều kinh nghiệm, chỉ chưa đầy một tuần bên ông, chị Dung nhận thấy lối sống
là phần quan trọng nhất đối với căn bệnh trầm cảm của ông Đại. Chị Dung nghĩ rằng
nếu mình không giúp ông thì đến người thứ n cũng không ai thay đổi được gì.
Hàng sáng chị pha trà mời ông uống, nấu những món Việt thuần túy cho ông ăn, đọc
truyện và mở nhạc cho ông nghe, đưa ông đi dạo . Chị cố gắng trò chuyện với ông
Đại bằng cách khơi gợi những kỷ niệm hồi còn ở Việt nam, những ký ức vui vẻ với
vợ con. Lúc đầu bà Tiên tỏ vẻ không thích chị Dung làm những điều đó nhưng chị
mạnh dạn thưa với bà đó là trách nhiệm của chị, nếu bà không muốn thì có thể
yêu cầu với công ty để đổi người. Kinh nghiệm mách bảo chị có thể giúp ông
thoát ra khỏi tình trạng sống cũng như chết này nên chị thà làm theo lương tâm
rồi bị cho nghỉ việc chứ ngậm miệng ăn tiền rồi cũng chán và tự ý xin nghĩ như
năm người trước.
Và chị Dung đã đúng. Ông Đại ngày càng có những biểu hiện
trên khuôn mặt một nhiều hơn. Giọng nói và cử chị dịu dàng của chị Dung làm ông
Đại nhớ lại cô bé học cùng lớp tiểu học hơn nửa thế kỷ trước. Những kỷ niệm nhiều
khi giúp con người ta sống qua thực tế phũ phàng. Trí nhớ ông sống lại hình ảnh
cô bạn cùng lớp xinh xắn với hai má lúm đồng tiền có giọng đọc và hát thánh
thót như sơn ca. Lần đầu tiên sau nhiều năm làm tượng đá, ông đã tìm được nụ cười
trên môi và những hoan hỉ trong tâm của mình.
Tuần thứ ba, ông Đại đã chịu theo chị Dung ra sân mỗi buổi
sáng để chăm sóc các cây cảnh. Ông bắt đầu đi đứng nhanh nhẹn hơn, nói năng
ngày một nhiều hơn. Những buổi sáng sau đó, ông Đại thấy lòng mình háo hức như
là cậu học trò ngày xưa mong đến trường mỗi ngày để được gần cô bạn cùng lớp.
Thứ hai tuần thứ tư, ông Đại thấy sốt ruột vì đã hơn 9 giờ sáng mà chị Dung vẫn
chưa đến. Rồi ông nhận được điện thoại của công ty cho hay trên đường đến nhà
ông, chị Dung bị tai nạn xe và họ sẽ phân công người khác đến chăm ông.
Ông cho họ hay rằng ông đã khỏe không cần người chăm sóc nữa.
Ngay lập tức, ông lấy xe chạy vào bệnh viện thăm chị Dung. Nghe chị Dung bị tai
nạn, đột nhiên ông trở lại mạnh mẽ, quyết đoán như thời còn cầm súng. Sau nhiều
năm không ngồi trước vô lăng, mà hôm nay ông chạy xe thật ngon. Ông hỏi người
trực ở bệnh viện, người ta dẫn ông đến phòng mổ não nơi chị Dung vừa được đưa
vào. Ông được cho biết chị Dung đang trong tình trạng nguy kịch tính mạng cần
phải phẫu thuật ngay.
Mới hai tuần trước ông còn thờ ơ với mọi thứ trên đời với
đôi mắt nhìn vào hư vô thì bây giờ trông ông bồn chồn bước tới bước lui trong
phòng chờ với đôi mắt mở to như dán vào cánh cửa dẫn từ phòng mổ ra phòng đợi.
Mỗi khi cánh cửa trắng mở, ông Đại nhìn chằm chằm vào những bóng áo xanh bước
ra, cố tìm nụ cười trên gương mặt họ. Bất chợt ông Đại nhận ra những gì làm ông
suy nghĩ trong mấy năm qua đã hoàn toàn tan biến trong giờ phút sinh tử
này.
TYKH