02 July 2020

THƯ GỬI CÁC CON - Bùi Bích Hà


Santa Ana ngày 16/6/2020

Con yêu quý của mẹ,

Mẹ vừa được đọc lá thư tâm tình của những đứa con tuyệt vời viết gửi người lớn trong mỗi gia đình người Việt di tản đang định cư khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ. Tuy không có tên con trong ban soạn thảo lá thư nhưng mẹ đoán con ít nhiều có cùng tâm cảnh với các bạn ấy nên cho phép mẹ nhân cơ hội này, được chia sẻ với con những suy nghĩ cũng canh cánh trong lòng mẹ bao lâu nay.

Lá thư được soạn thảo thật kỹ lưỡng, từng chữ, từng câu, được cân nhắc thận trọng, như thể các con đã tự kiềm chế mình rất lâu trước nhiều điều các con không chấp nhận nhưng các con muốn giữ hòa khí với ông bà, cha mẹ, họ hàng nên đã không lên tiếng. Có lẽ tình máu mủ và văn hóa lễ giáo tổ tiên để lại đã thành nếp, khiến các con biết cư xử chừng mực với người trên kẻ dưới, không nỡ làm cha mẹ lo buồn. Tốt nghiệp trung học, hầu hết các con đều chọn trường ở xa để có cơ hội chứng tỏ với cha mẹ là các con đã thực sự trưởng thành và có thể tự quyết định mọi việc trong đời mình. Các con có một bề ngoài để cha mẹ yên lòng, chắc không ngờ cha mẹ cũng có một bề ngoài để các con tin là các con đã nghĩ đúng về cha mẹ. Mẹ nói như vậy là vì cha mẹ đều có một thời tuổi trẻ như các con, ngày ngày cắp sách đi học, lễ phép thưa gửi ông bà nhưng cha mẹ cũng có những niềm riêng giấu kín, ít nhiều không còn đặt niềm tin kính tuyệt đối vào cha mẹ như những năm chưa biết tự mình suy nghĩ. Ngày nay, ở Mỹ, các con có tự do và cuộc sống nhiều thuận lợi hơn cha mẹ khi bằng tuổi các con ở quê nhà. Các con được thật sự tôn trọng trong một thế giới riêng tư đằng sau cánh cửa phòng luôn đóng khép, các con có một khoảng cách không cần che đậy với cha mẹ mà dường như nó chưa bao giờ làm các con bận tâm. Mẹ biết các con rất ghét hai chữ “Ngày xưa” (xin lỗi, mẹ không có chữ nào hơn) mỗi lần cha mẹ có dịp kể lại kinh nghiệm “Trứng khôn hơn vịt” của mình thời mới lớn để “ôn cố tri tân,” sống tốt hơn với các con ở thời đại này. Vì không ai trả lời được cái trứng có trước hay con vịt có trước nên thời nay, thực tế cho thấy câu ngụ ngôn nói trên có thể hiểu theo nghĩa đen. Ngày mới lớn, cha mẹ, nhất là mẹ, cũng có lúc ngột ngạt với tư duy của ông bà mà mẹ (có một chút hãnh tiến) cho là không bắt kịp đà tiến hóa của xã hội để có thể hiểu được mẹ, hoàn toàn không biết rằng nếu mẹ không vững vàng trên cái nền nhà cũ lâu đời là sự khôn ngoan của ông bà, mẹ sẽ vào đời bằng những bước chân chông chênh, vấp váp và nhiều thất vọng. 

Mẹ vui mừng đọc lá thư tâm huyết, đầy tình người của hàng trăm tuổi trẻ không sống thờ ơ trong quãng thời gian vừa qua với quá nhiều biến động và quá nhiều vấn đề mà trái tim trong trẻo, khỏe mạnh của các con không thể bỏ qua, không thể không ray rứt, và sau cùng, lễ độ “tuyên chiến” với cha mẹ. Để tháo gỡ tình trạng bao lâu nay chúng ta sống với nhau như những nhà ngoại giao lịch sự tuy mỗi bên theo một đường lối riêng và giữa chúng ta luôn có một vùng trắng trống trơn, băng giá, không có cả một cọng cỏ là mầm xanh, là tín hiệu của đời sống thật luôn trôi chảy từ quá khứ vào tương lai.

Các con nói về vấn đề người Da Đen bị cảnh sát da trắng sát hại tại thành phố Mineapolis, tiểu bang Minnesota, như một hệ quả của kỳ thị. Mẹ rất cảm ơn các con đã mở lời. Cho mẹ hỏi một câu: các con viết hoa hai chữ Da Đen nhưng các con không viết hoa hai chữ da trắng khi đề cập đến màu da của hai sắc dân, các con có chắc là các con công bằng với cả hai bên không? Các con nhận định: “Án mạng của Floyd không phải là trường hợp duy nhất.” Theo mẹ, cho tới nay, nếu không là duy nhất thì cũng không thường xảy ra theo cung cách một vụ cố ý giết can phạm không vì lý do bảo vệ an toàn cho ai cả. Viên cảnh sát lạm dụng quyền hạn và dùng bạo lực vượt quá mức độ cho phép sẽ phải đích thân trả lởi trước pháp luật trong trường hợp cá biệt của anh ta, không liên quan gì tới chính sách chung của cơ chế cảnh sát là giữ an ninh cho xã hội và bảo vệ cư dân lương thiện. Mẹ rất đồng ý vể nhận định của các con khi đề cập đến người Da Đen, coi họ là một thành phần không thể thiếu trong cuộc sống, xã hội và thế giới của chúng ta. Họ như những bông tulip màu đen tuyệt đẹp cần vun xới trên cánh đồng Tulip tháng tư nhiều màu sắc. Nếu không thế, Tổng Thống Abraham Lincoln vĩ đại của nước Mỹ đã không đem tính mạng của ông ra đánh đổi lấy cuộc sống có hương thơm và phẩm giá cho họ. Một trăm năm mươi năm trôi qua từ cái ngày được đời đời ghi nhớ ấy, cộng đồng Da Đen đã có những nhà lãnh đạo sáng giá, tiếp tục tranh đấu và hy sinh để sự nghiệp giải phóng người Da Đen ngày càng hoàn chỉnh và có ý nghĩa hơn, để cả Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cùng nhau sửa chữa lỗi lầm của lịch sử khi lục địa châu Mỹ mênh mông này ở thời kỳ khai phá, cần nhiều nhân lực làm nảy sinh chế độ nô lệ.

Bước vào thế kỷ 21, cộng đồng Da Đen có mặt ở các vị thế quan trọng trong guồng máy chính quyền và cả các lãnh vực tư, không sót một sinh hoạt nào, đỉnh điểm cao nhất là chỗ ngồi ở Bạch Ốc để điều động các chính sách quốc gia. Thêm nữa, có lẽ để tưởng thưởng nhiều thế hệ tổ tiên người Da Đen đã chịu nhiều bất công nhọc nhằn trên mặt đất này, con cháu họ nhiều đời sau nổi bật với thiên khiếu lừng lẫy khó bị ai qua mặt trong hai lãnh vực Âm nhạc và Thể thao, làm cả thế giới ngưỡng mộ và say mê. Phát triển sum suê và tốt đẹp như vậy, làm sao có thể nói họ bị hạn chế phát triển vì kỳ thị?

Sống ở Mỹ, mẹ học được chữ “to earn,” bao gồm trong nó cả nền văn hóa tự lực tự cường của người Mỹ. Mẹ thường nói với các con khi có dịp, là một vài thứ trong cuộc sống, chúng ta phải tự tạo, không trông chờ ở ai được. Đó là Tự Do đi đôi với Trách Nhiệm; là Phẩm Giá đi đôi với lòng Tự Trọng. Con đường hội nhập của chúng ta vào đất nước này chưa bằng 1/3 con đường của cộng đồng Da Đen, chúng ta chưa có nhiều thành tựu thực sự to lớn nhưng trên đại thể, dù không tránh khỏi tiêu cực, ít nhất “khi ra đường, chúng ta không bị ai coi mình là tội phạm, khi gặp cảnh sát, người Việt mình cũng ít khi phải lo sự sống chết” như thư các con đã viết. Điều này không tự nhiên mà có, càng không do một cộng đồng nào khác khua chiêng trống kêu gọi giùm chúng ta mà phải do nỗ lực đóng góp của bản thân mỗi chúng ta cho cái chung. Các bạn Da Đen của các con hãnh diện trương khẩu hiệu Black Lives Matter trong các cuộc xuống đường nhân danh chống kỳ thị, không thấy ra cái khẩu hiệu ấy tự nó đã là một trời kỳ thị rồi? Đời sống là tặng phẩm quý giá của Tạo Hóa, dù trong tay ai thì cũng đáng quý cả, sao lại chỉ đáng quý trọng riêng trong tay người Da Đen thôi? Chưa kể rằng khi các con dễ dàng phung phí cuộc sống ấy, tự mỗi người không coi trọng nó, yêu quý nó, làm thăng hoa nó cách này hay cách khác, ai sẽ làm những cố gắng đó thay cho các con bất luận các con trong sắc da nào!

Lá thư các con viết và gửi ra công luận cho mẹ niềm vui bao lâu nay mong ước, là một ice-breaker để chúng ta có thể nói chuyện với nhau về các vấn đề đòi hỏi giải pháp chứ không phải cố né tránh để có hòa bình giả tạo, kiểu quét nhà giấu rác dưới thảm. Các con cố khách quan trả lời các bà mẹ, các ông bố, là các con có biết ngay trong nội bộ cộng đồng Da Vàng của chúng ta cũng có vấn đề kỳ thị mà người tham dự không ở đâu xa hơn dưới một mái nhà cùng với các con. Những buổi sinh hoạt cộng đồng trong vòng 30 năm trở lại đây, trong thính chúng tham dự, không hề có bóng dáng những bạn trẻ. Tất nhiên, khi chủ đề thảo luận không hấp dẫn các con, các con sẽ không phí thì giờ ở cái đất nước mà những ai thực sự làm việc, sẽ phải tính từng phút. Mẹ cũng hiểu là sự khác biệt làm phong phú cuộc sống và tạo ra tiến bộ nhưng công thức này sẽ không hiệu quả nếu không có sự tương tác giữa các yếu tố. Mẹ tin tưởng mãnh liệt rằng nếu các con quyết tâm xây dựng sự tiến bộ chung của cộng đồng từ đó các con bước ra như chim phượng hoàng tái sinh từ lửa hóa thân, cộng đồng chúng ta đã có một bộ mặt khác hẳn bộ mặt nhếch nhác ngày nay ngày một đẩy các con trôi xa. Các con có thật sự cảm thấy hài lòng với thân phận một người vô tổ quốc (stateless) không hay cũng có lúc các con thấy cần một quê hương như chim cần tổ? Các con có bao giờ nghĩ tới chuyện một ngày nào trở về VN khôi phục lại giang sơn cẩm tú do tổ tiên chúng ta để lại và chúng ta có bổn phận phải bảo vể quyền sở hữu không? Các con chờ gì, mong ai sẽ làm việc này thay cho các con mà chưa muốn bắt tay vào việc dọn đường, xây cầu? Đây là thời điểm để tuổi trẻ đưa vai gánh vác lịch sử của dân tộc khi tuổi già đã làm xong nhiệm vụ ngày ra đi:

Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời…

Một trong vài nỗi khổ tận cùng của người Việt đang mất quê hương là biết rằng họ không còn hy vọng trở về và sẽ vùi thân xứ người. Có vẻ con đường từ ngôi nhà đóng cửa quanh năm hay từ những viện dưỡng lão ra nghĩa trang gần gũi và dễ đi hơn nhiều con đường về với quê hương nên tâm lý chấp nhận trở thành cam chịu là chung nhất cho thế hệ ông bà, cha mẹ các con, sức đã cùng, lực đã kiệt.

Dẫu vậy, còn nước còn tát. Thư các con viết : “Chúng ta cần phải ngồi xuống chia sẻ về vấn đề này.” Từ khi đến Mỹ, ngay cả với các con, mẹ chưa bao giờ dùng chữ “phải” như một mệnh lệnh thay vì “Con có thể, con có muốn, có tiện cho làm việc này/việc kia…, Would you please, Could you please…nhưng mẹ (và các ông bà cha mẹ dưới nhiều mái nhà khác) sẵn sàng vâng lời các con, ngồi xuống chia sẻ bất cứ vấn đề gì các con nêu ra như nút chỉ rối, cần gỡ rối vì không thể cắt đi.

Các con viết: “…những người Da đen đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của con: đó là những người bạn đồng hành, cùng lớp, cùng nhóm, cùng chỗ ở, và là gia đình của con. Hôm nay, con thật sự lo sợ cho họ.” Mẹ rất tiếc con đã không cho mẹ cơ hội gặp gỡ thường xuyên những người bạn da đen ấy của con để con được nhìn thấy (rồi hãy phê phán) mẹ cư xử với các bạn con thế nào, là ai nếu không là một phần đời con của mẹ? Mẹ không cần phải sống cùng, đi cùng với các bạn ấy mới thấy họ giống như con vì mẹ được giáo dục phải tôn trọng mọi người và không phán xét ai. Liệu có phải các con không tin được rằng ông bà ngoại của các con đã ra đi từ một đất nước quê mùa nhưng có nền văn hóa không làm các con hổ thẹn không? Thêm nữa, sống trong một xã hội Tự Do hiển thị nhiều hơn Trách Nhiệm, sự trái nhiều hơn sự phải, mẹ lo sợ an nguy cho con mẹ trên từng bước chân nhưng mẹ hy vọng đã trang bị đủ cho con những vũ khí tùy thân để tự bảo vệ mình, không mong đợi bạn con phải che chở hay bảo vệ con vì mẹ hiểu rằng có những lúc giữa con và điều ác, khi con đã chống đỡ hết sức mình, chỉ còn Thượng Đế gìn giữ con vì ngay cả mẹ cũng không làm gì được nữa cho con. Các con hãy bình tâm nghĩ lại bên lề sự náo nhiệt đang lắng xuống, các con ra đường không bị ai nghi ngờ là kẻ phạm pháp, khi chạm mặt cảnh sát, các con ít có nguy cơ bị họ xử tử (như thư các con viết) là nhờ vào phong cách của riêng các con hay nhờ vào ai khác? Năm ngoái, 2019, trong 1,099 người chết dưới tay cảnh sát đủ mọi màu da, 24% là người da đen so với 76% còn lại là các sắc dân khác, có lẽ con số đã tự nó biện minh cho tình trạng kỳ thị mà các con kết tội. Nếu tính trên tỷ lệ dân số, so với 13% người Da Đen trong cộng đồng Da Trắng thì con số 24% quả là rất đáng quan tâm không phải chỉ về mặt cảnh sát mà cả về đường lối giáo dục gia đình và xã hội dành cho họ. Mẹ muốn thành thực hỏi các con có bao giờ suy ngẫm lời dặn dò của vị lãnh đạo tinh thần cộng đồng Da Đen được cả thế giới ngưỡng mộ, Mục sư Martin Luther King: "Tôi có giấc mơ một ngày nào đó, bốn đứa con của tôi lớn lên trong đất nước không bị phán xét bởi mầu da, nhưng bởi chính tư cách của chúng" (I have a dream that my four little children will one day live in a nation where they will not be judged by the color of their skin but by the content of their character.) Có phải ngụ ý của ông là chính tư cách của một người đưa đến cách phán xét về người ấy không?

Các con viết trong thư: “Đây là thực tế khủng khiếp mà vài người bạn thân nhất của con phải trải qua mỗi ngày.” Không chỉ vài người bạn thân nhất của các con, không chỉ các con, cả nước Mỹ ngơ ngác buồn đau vì những điều lạ thường vượt ra ngoài kinh nghiệm sống của hầu hết những ai lo âu về phẩm chất cuộc sống quanh họ. Căn cứ trên sự việc xảy ra trước và sau biến cố được chính thức ghi nhận, anh G. Floyd có vẻ là nhân vật trung tâm của một mưu toan hãm hại nhuộm màu sắc một thứ chính trị tối tăm, lầm lỗi. Nói như bà Candace Owens, dù không thần thánh hóa cái chết của Floyd, mọi người đều hết sức mong muốn công lý đến với gia đình anh. Về cái chết của bà Breonna Taylor ở Kentucky mà thư các con nêu ra, mẹ đã tìm hiểu qua nhiều nguồi tin tức, biết bà liên quan đến một cuộc tình tay ba, trong đó, ít nhất một trong hai người tình của bà dính líu đến việc buôn bán ma túy. Cảnh sát tới nhà bà có trát tòa dựa trên một tin mật báo, chạm súng với người tình thứ hai đang có mặt bên cạnh bà trong căn nhà đóng kín cửa. Trong bắn ra, ngoài bắn vào. Khi cửa mở, bà đã chết với 8 dấu đạn trên người. Tất nhiên luật sư hai bên sẽ phải chứng minh vì sao bắn mù qua cửa đóng mà nạn nhân lại lãnh tới 8 dấu đạn? 

Ôi, cuộc sống ngày nay đầy rẫy những dấu hỏi. Muốn đại chúng thấp cổ bé miệng có niềm tin tuyệt đối vào công lý như lá bùa hộ mạng cho họ tại một xứ sở xưa nay trọng pháp, công lý phải là ngọn đuốc soi sáng sự thật và các con, nếu dốc lòng, hãy là lực lượng bảo vệ sự trong sáng ấy. Ngày xưa, khi truyền thông còn thực hiện đúng chức năng của ngành nghề thì đó là lưỡi tầm sét trừ gian diệt bạo. Bây giờ, truyền thông phục vụ ai, phục vụ theo tiêu chí nào?

Sau cùng, các con muốn biện bạch cho những người bạn Da Đen có vấn đề phạm pháp bằng lý luận họ có cả một quá khứ nhiều thế kỷ “bị trói buộc, bắt ép sang Mỹ làm nô lệ. Cộng đồng họ, gia đình, thân thể, và hình hài của họ phải trải qua bao giằng xé vì lợi nhuận của người khác. Ngay cả sau thời nô lệ, họ phải tự gây dựng lại cuộc sống bằng hai bàn tay trắng mà không nhận được bất kì trợ giúp nào của định chế xã hội…”

Chỉ vì nạn nước, các con theo ông bà cha mẹ lưu lạc xứ người, thậm chí sinh ra và lớn lên ở Mỹ, các con không có cơ hội học sử Việt Nam để biết rằng tổ tiên các con cũng từng gánh chịu biết bao nhọc nhằn, khổ ải cả “ngàn năm đô hộ giặc Tàu, cả trăm năm nô lệ giặc Tây,”* người thay trâu cày trên ruộng đồng, thê thảm không kém gì người Da Đen hai trăm năm trước tại lục địa châu Mỹ. Hết ngoại xâm bóc lột đến gông xiềng của cường hào ác bá thời phong kiến chà đạp, vùi dập, hết phong kiến đến chiến tranh do nhiều thế lực trong ngoài liên kết dùng Đất Nước chúng ta làm chiến địa tranh quyền đoạt lợi. Xen kẽ những đau thương chồng chất qua thời gian không bút mực nào tả xiết, sức sống của người Việt Nam bền bỉ như mầm xanh vùi trong đất mầu mỡ, sẵn sàng vươn lên cùng nắng mới. Thế hệ ông bà, cha mẹ các con đã có hai mươi năm thoáng qua như một ngày nắng đẹp để phát triển đất nước rực rỡ về mọi mặt nương theo ngọn gió tự do/dân chủ tràn lên các thành phố miền nam mang theo mùi thuốc súng, mùi máu từ các chiến trường vẫn sôi sục quyết tâm bảo vệ các thành quả đạt được ở hậu phương. Tiếc thay, ông bà cha mẹ các con đã học được bài học tự chủ muộn màng với cái giá quá đắt, kết thúc bằng cuộc di cư bi thảm thứ hai là vết thương sâu trong cuộc đời mỗi người như các con đã nhìn thấy phần sau. Nếu chúng ta không tự mình đứng vững trên hai chân mình, không ai cõng chúng ta trên lưng họ cả.

Dân tộc chúng ta có truyền thống biết ơn. Chúng ta không bội ơn ai nhưng nếu các con nghĩ rằng các con nợ những người bạn Da Đen món nợ tự do và nhân quyền khi đến Mỹ thì các con đã tự trói buộc mình món nợ không có thật. Nếu chúng ta đến Mỹ mà không tự lập, không cư xử như người có văn hóa, chúng ta sẽ có cuộc sống rất gần với các nạn nhân của cảnh sát có trách nhiệm không cho chúng ta làm phiền người khác, quấy nhiễu họ. Món nợ mà chắc chắn chúng ta không bao giờ chối bỏ, không bao giờ không tìm cách đền đáp (như tất cả những nhân vật tiếng tăm của cộng đồng người Việt đang trả ơn nước Mỹ bằng thành quả vượt bậc của họ hầu như ở khắp các sinh hoạt quan trọng của nước Mỹ; như các con đang ngày đêm dùi mài kinh sử ở các trường Đại học để mai này trở thành công dân hữu dụng cho xã hội Mỹ; như những người chiến binh nam nữ đầy sinh lực tốt nghiệp từ West Point hôm 13/6 vừa qua làm mẹ khóc nghĩ đến cha mẹ các anh/chị đã cống hiến những đứa con thân yêu của họ cho sự an nguy của đất nước này sau khi chính họ ngày xưa, đã không tiếc gì thân thế hiến cho quê hương; như tất cả những ai thuộc cộng đồng chúng ta, gồm chính mẹ một thời, đã cần mẫn, miệt mài, chăm chỉ lao động trong các xí nghiệp để góp phần mình vào sự thịnh vượng của nơi chốn cưu mang chúng ta. Đó là món nợ Tình Người không phân biệt màu da, tôn giáo, địa vị, tuổi tác, món nợ của sự tử tế, của yêu thương tự đáy lòng, của những ước mơ đẹp đẽ thầm mong cho nhau để cùng nhau xây dựng phần đất này thành nơi đáng sống nhất trên hành tinh loài người.

Sau hết, mẹ cảm ơn các con về cơ hội trò chuyện thẳng thắn với nhau hôm nay qua lá thư ngỏ của các con. Mong rằng lòng con bớt buồn phiền, tâm hồn con thư thái hơn. Nếu chưa là tất cả những gì tồn đọng giữa mẹ con mình đã được thanh thỏa, nếu con thấy chúng ta vẫn chưa nói cùng một ngôn ngữ chung dịp này, ít nhất chúng ta cũng đã có thể nhắc nhở nhau về sự trao truyền không thể thiếu, để khoảng cách thế hệ giữa chúng ta gần lại hơn, trước khi các con bắt tay giúp xây chiếc cầu…biên giới.

Cho mẹ mượn lời chúc của các con để chấm dứt thư này, “Với tất cả thương yêu và kỳ vọng.”

Bùi Bích Hà

*Trịnh Công Sơn