(Nhân dịp Gs Đàm Quang Hưng xuất bản cuốn 8, trọn bộ tập
Liêu Trai Chí Dị)
Huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, có người học trò họ Vũ, tên Tứ,
bạn bè thường gọi là Tiểu Tứ, tính tình hiền lành nhưng rất cục. Nguyên khi còn
học ở lớp sơ cấp, Tứ có biệt danh là Tứ "con" vì cùng lớp có một Tứ
"lớn". Ở gần nhà có một con bé đen như củ tam thất nhưng có cái răng
khểnh rất có duyên, Tứ thích lắm. Một hôm, Tứ "con" đang đứng ở đầu
phố chơi với mấy đứa bạn thì con bé đi qua; một đứa quen miệng gọi Tứ là Tứ
"con", nó xấu hổ, giận quá, đuổi đánh rất hung dữ, bạn bè phải can
mãi, cho nó cái tên kiếm hiệp, nó mới thôi. Từ đó, Tứ "con" thành Tiểu
Tứ.
Tiểu Tứ lúc nhỏ thông minh, mọi người đều nói thằng bé sau này tất làm nên nghiệp lớn. Nhưng có lẽ thày địa lý đặt đất sai lệch sao đó, khi Tứ đầy tuổi tôi, bố nó bày cung tên nghiên bút xem Tứ chọn thứ nào, chẳng may cái nắp bút rơi ra, Tứ nhặt được bèn giữ chặt lấy rồi đưa lên miệng thổi toe toe như cái còi, lấy làm thích thú lắm.
Năm Tứ sáu tuổi, chí lớn của nó xuất phát như thế này: một
hôm, Tứ rủ em đi trồng cây. Thằng bé em chí khí là là mặt đất, mang mấy hạt ngô
ra trồng. Còn Tứ, nhớ đến cây gạo ở đầu nhà cao ngất trời cùng hình ảnh cô đầm
xinh đẹp ở trang bìa một cuốn tự điển, xòe bàn tay thổi tơ phấn bay phất phơ, Tứ
bèn lấy mấy hạt gạo ra trồng, những mong chiều hè gió lộng thổi để bông gạo bay
ra khắp bốn phương. Cây ngô lớn đâm bắp, còn cây gạo thì dù tưới mãi vẫn chẳng
thấy hạt gạo nẩy mầm; nhưng cây gạo thổi bông bay khắp bốn phương trời đã trở
thành một ám ảnh của đời Tứ.
Năm Tiểu Tứ đi thi lấy bằng thành chung, có bài toán muốn
thay đổi phân lượng vàng bạc trong một hợp kim mà đáp số là hoặc lấy bớt ra từ
hợp kim hai chỉ vàng hoặc cho thêm vào hợp kim ba chỉ bạc. Cả hai cách đều
đúng. Bài toán hỏi thêm một câu phụ: cách nào tiện hơn? Tứ trả lời: lấy bớt ra
hai chỉ vàng lợi hơn. Quan trường bàn nhau: trò này bộp chộp, tham lam, nếu cho
đỗ thủ khoa, sau này chỉ tổ làm hỏng việc lớn, bèn đánh trượt với ý định cho nó
chờ năm sau để tính khí thêm thuần. Nhưng năm sau chẳng bao giờ đến, việc trường
ốc của Tứ từ từ xuống dốc. Ông bố thấy vậy, bèn cho Tứ đi học nghề sửa máy vi
tính để kiếm sống.
Học nghề cũng chẳng đi đến đâu. Tứ cứ ngơ ngơ, làm việc gì
cũng không có chủ đích, cả ngày chỉ thích làm thơ, viết văn. Một hôm trời đổi
gió, Tiểu Tứ bỏ nhà ra đi, dạo chơi những nơi rừng núi khắp cùng trái đất, có
khi leo lên cả dãy núi Smokey, có khi đi lang thang trong sa mạc Negev, có khi
lò mò sâu xuống lòng Grand Canyon, dọc theo nguồn sông Colorado. Đi chán, Tứ dừng
chân ở một thị trấn nhỏ, lấy được cô vợ. Hai vợ chồng mở tiệm sửa máy vi tính
kiếm ăn.
Năm ấy, Tiểu Tứ theo bạn bè đi xem hội Bon-sai ở Quận Bưởi.
Lần đầu tiên ra chốn đô thị phồn hoa, bỡ ngỡ, cái gì cũng lạ. Phố phường quang
cảnh náo nhiệt, người xe đông như nước, chen vai thích cánh. Chợt Tứ thấy trong
đám đông có một thiếu nữ áo tím, nhan sắc xinh đẹp, miệng hé cười cũng có cái
răng khểnh, giống hệt con bé răng khểnh ngày xưa. Tứ mê mẩn tâm thần, liền đi
theo. Một người bán hàng cho thiếu nữ một đóa hồng plastic, thiếu nữ cầm lấy
nhưng đi được vài bước thì vất xuống lề đường. Tiểu Tứ đi sau bèn nhặt lấy đóa
hồng, cất giữ, quý lắm. Đi gần sau lưng thiếu nữ, Tứ ngâm nga, cốt ý cho cô
nàng nghe thấy:
"Ai đã làm chi đời ta..." (thơ Vũ Hoàng
Chương)
Thiếu nữ nghe rồi lẩm bẩm:
"Chẳng ai làm chi đời ta hết. Rõ không biết xấu! Thơ
văn chẳng phải của mình mà cũng học đòi ngâm nga ghẹo gái."
Tiểu Tứ xấu hổ, ngừng ngâm thơ, nhưng mê quá hóa liều, cứ tiếp
tục đi theo. Đến một chỗ hơi vắng, thiếu nữ đưa mắt liếc nhìn. Bắt gặp cái
nhìn, tưởng cô gái ưng ý, Tiểu Tứ mừng quá bước nhanh, với tay định nắm lấy vạt
áo. Thiếu nữ hoảng sợ, vội rảo bước lẩn vào đám đông. Tứ đuổi theo một hồi thì
mất dấu, không thấy cô gái đâu nữa. Đang thẫn thờ tìm kiếm giữa đám họa sĩ vẽ
rong, bán tranh mười tiền bên lề đường, Tiểu Tứ thấy một bức tranh tố nữ vẽ một
cô gái đứng trước cửa căn nhà tranh ở ven rừng, trên bờ dòng sông nhỏ. Người
trong tranh, nét mặt nghiêm nghị như một cô giáo trường làng, trông kỹ chính là
cô gái áo tím răng khểnh mà Tứ đang tìm kiếm. Tứ mừng quá, liền móc túi lấy tiền
mua tranh.
Tứ mang bức tranh về treo trên tường trong phòng làm việc,
trước máy vi tính; còn đóa hồng plastic thì cắm vào lọ, rồi đổ nước vào
và để trước tranh rất cẩn thận. Ngày ngày, mỗi bữa ăn, Tứ mang bát cơm, khi thì
có miếng thịt kho, khi thì có khúc cá rán, xuống ăn trong phòng làm việc. Trước
khi ăn, bao giờ Tứ cũng thay nước cho hoa, rồi thắp một ngọn nến và khấn,
"xin mời nàng xuống ăn miếng cơm nhạt với tôi." Khấn xong, đếm nhẩm đến
mười rồi mới thổi tắt nến, ăn cơm. Tứ nhận thấy nét mặt người thiếu nữ trong
tranh ngày càng linh động, tươi ra. Một hôm, trong lúc Tứ đang khấn khứa, bỗng
dưng từ loa máy vi tính vang lên tiếng hát rất thương cảm :
"Em có mong dòng sông cũ, vẫn xuôi niềm
thương..."
Ai ngờ câu hát lại là câu chú của bức tranh. Câu hát vừa dứt,
người thiếu nữ trong tranh hình như mỉm cười, đóa hồng plastic phảng phất tỏa
mùi thơm, rồi dòng sông nước lững lờ hiền hòa chảy. Tứ bỏ cơm, đứng dậy đi dọc
theo bờ sông một quãng xa. Ở một chỗ quẹo, cây cối um tùm, Tứ thấy thiếu nữ áo
tím đang tỉa lá cây bên cạnh nhà, như có ý chờ mình. Mừng quá, Tiểu Tứ cầm lấy
tay cô gái, không thấy cô rút tay ra. Tứ xưng tên mình rồi hỏi tên nàng thì
nàng trả lời:
"Tên thiếp là Uyển Nhi nhưng vì thích mặc áo tím nên bạn
bè quen gọi là cô Tím."
Tứ ôm lấy nàng, định cởi xiêm y, thì cô Tím lùi lại, nghiêm
mặt nói,
"Người ta yêu nhau, chỉ ngồi cạnh, cầm tay nhau cũng đủ.
Thiếp với chàng tuy có chút tiền duyên nhưng cơ thể thiếp chưa thể quen ngay điều
cuồng bạo. Vả chăng, sông có khúc người có lúc, việc chi mà chàng vội vàng thế?"
Nghe vậy, Tiểu Tứ bẽn lẽn, từ đó xử sự nghiêm chỉnh. Uyển
Nhi dẫn Tứ vào trong nhà, pha trà đối ẩm, trò chuyện rất là tương đắc, không
sao dứt ra được. Từ đấy, Tiểu Tứ cứ chờ chập tối mới ăn cơm chiều rồi nghe hát "Em
có mong dòng sông cũ..." để đi gặp cô Tím. Cô Tím quả là người bất
phàm, hình như cái gì cô cũng biết. Tứ biết nàng không phải là người thường
nhưng không biết nàng là ma, là chồn hay là tiên. Một hôm, Tứ vừa cầm đèn dơ
cao, với ý định xem nàng có bóng hay không thì Uyển Nhi đã cười, tinh nghịch hỏi:
"Chàng muốn biết thiếp có phải là ma phải không? Thiếp
không là ma đâu!"
Một buổi tối khác, hai người dạo chơi dưới ánh trăng, Tứ vừa
nảy ý định đưa tay mó phía sau xem nàng có đuôi hay không thì Uyển Nhi vụt nói:
"Chàng muốn biết thiếp có phải là chồn phải không? Thiếp
không là chồn đâu!"
Uyển Nhi thông thuộc kinh sách cổ kim, thấy Tiểu Tứ ham chuộng
thơ văn, thường chỉ bảo, khuyến khích. Một hôm, Tứ nhớ lại cái tịch mịch hiu quạnh
vô cùng ở sâu dưới Grand Canyon cùng cảm nghĩ cô đơn hoang vắng của đời mình
khi bước đi dọc nguồn sông Colorado, Tứ nảy ra ý định làm một bài thơ tựa đề Cô
Đơn, bèn lấy giấy trịnh trọng viết:
Biết bao lần tôi đã xuống nơi đây
Trong lòng Đại Vực
Bên cạnh nguồn sông
Trong cô quạnh của sâu thẳm
Tôi ngồi im lặng trông
Nhịp đập của trái tim
Cùng tiếng cười thanh thót pha lê vỡ
Của em
Xuôi theo niềm thương của dòng sông cũ
Đó là bí ẩn của đời tôi
Mãi mãi...
Uyển Nhi lẩm nhẩm đọc, rồi khen:
"Chàng thật tham lam; trong phép làm văn có ba cái khó
nhất, ấy là tả cái bất động, cái tối mò và sự im lặng. Chàng đã chọn sự im lặng
và thơ chàng hay lắm!"
Tiểu Tứ sung sướng, khiêm nhượng nói:
"Ta phải đổi lại chữ 'trông' thành chữ 'nghe'. Ai lại
trông nhịp tim với tiếng cười?"
Uyển Nhi vội xua tay:
"Không! Không! Chàng cứ để nguyên như vậy, nhịp tim đập
cùng tiếng cười pha lê vỡ đã ồn ào quá, ta cứ trông thôi, vừa có thêm một hình ảnh.
Tâm hồn chàng bản chất là một tâm hồn thi sĩ."
Tiểu Tứ đê mê nghe người đẹp khen. A ha, bây giờ ta đã là
thi sĩ! Tứ cầm tay Uyển Nhi để cảm ơn, thấy nàng ưng thuận, bèn đánh bạo ôm người
đẹp vào trong lòng hôn hít. Thân thể nàng ấm áp, tỏa hương gây gây, ngai ngái của
cô gái đương thì khiến Tứ rộn ràng, ngây ngất. Tứ đang loay hoay cởi khuy áo
nàng thì nghe tiếng đàn bà gọi to ở sau lưng:
"Anh ơi, mau lên trả máy tính của ông Ba!"
Tiểu Tứ giật mình, thức tỉnh, dụi mắt ngoảnh nhìn, thấy vợ
đang đứng ở cửa buồng, một tay cầm điện thoại, còn tay kia cầm con dao phay
thái thịt. Một con thú dữ bị cướp mất miếng mồi ngon có thể làm lắm chuyện bất
ngờ, nhưng thấy con dao phay vẫn còn lăm lăm trong tay vợ, Tứ cũng có ý nể, bèn
lí nhí trả lời.
Liếc mắt ngửng nhìn, Tứ ngạc nhiên thấy trong tranh, ở đầu
nhà, một cây gạo đã mọc cao tự bao giờ đang thả bông trong gió và cô Tím, một
khuy áo ngực vẫn chưa cài. Nàng mỉm cười, đôi môi phác họa một nụ cười ái ngại.
Am Mơ tháng Giêng năm Đinh Hợi
Nguyễn Đức Tường