13 August 2020

HOA BÈO - Cao Thanh Phương Nghi

Trong một ngày giờ tan sở là lúc nàng cảm thấy tàn tạ và ngao ngán nhất.

Xốc cái túi lên vai, cầm lấy giỏ đựng cơm đã nhẹ hẫng nàng đi bộ đến bãi đậu xe của nhân viên, cách tòa nhà làm việc độ mười phút trong cảnh chiều bãng lãng của thành phố bắt đầu vào đêm. Có vài đồng nghiệp đi từng nhóm nhỏ hai ba người nói chuyện qua lại, có người lầm lũi đi một mình, dáng vội vã. Riêng nàng thì nàng không muốn đi với ai nhưng lại thong thả, không vội vàng. Đây là khoảng thời gian nàng muốn thư giãn và không muốn bị ai quấy rầy. Tâm trí nàng đã bị nhốt trong những lọ hóa chất, trong những ống nghiệm, trong căn phòng không cửa sổ dưới tầng hầm kia mười hai tiếng đồng hồ trước đó rồi, hơn nữa với cái cổ đã mỏi nhừ, cái bụng đói meo và hai bàn chân bị bó cứng trong đôi giày có những sợi dây đan qua lại chằng chịt nàng không còn muốn trò chuyện gì với ai nữa. Mọi thứ trong thân xác nàng đã cạn kiệt. Nàng bước đi và chỉ ngó xuống mũi giày của mình. Trí nàng lẩm bẩm: “Còn phải qua bức tường màu đỏ, qua thêm dãy hàng rào có trồng hoa dâm bụt, rồi tới lối đi bằng xi măng có một đường nứt chắn ngang.” Ráng lên nhé, vài chục bước nữa là tới... Rồi nàng ngước lên, mỉm một nụ cười chịu đựng. 

Bãi đậu xe là một khoảng sân rộng nằm sát bên một ngôi nhà thờ, ngăn cách nhau bởi hàng cây bách có những ngọn hình chóp mỗi lúc một thẫm lại trên nền trời đang tắt mở những ánh sao yếu ớt. Lúc nào đến bãi đậu xe nàng cũng nghe tiếng đọc kinh rì rầm xô qua xô lại trên những ngọn cây im lìm ấy, tiếng con chim nào đó kêu “éc” lên một tiếng cô độc rồi lần lượt tiếng nổ máy hết xe này đến xe khác cho tới lúc trên khoảng sân rộng mênh mông chỉ còn những vết cặn dầu còn đọng lại và những cái lá khô bay là là giữa những hàng vạch trắng đều tăm tắp. Tất cả như bảo nhau: “Ngày mai, ngày mai thôi, những người đó sẽ trở lại và mọi thứ sẽ lập lại y như ngày hôm nay.” Nàng nghĩ tới ngày mai của mình, rồi ngày mốt, rồi ba chục năm nữa tất cả những cảnh vật cũng như tiếng động ấy cũng như vậy thôi. Ngày đầu tiên đến sở làm người chủ nói với nàng: “Làm mười năm thì cô được bao nhiêu đây ngày phép, làm mười lăm năm thì được thêm, làm hai mươi năm thì được thêm nữa.” Nàng hỏi: “Vậy nếu tôi làm ba mươi năm?” Ông ấy cười: “Sau ba mươi năm thì ngày nào của cô cũng là ngày phép.” Nàng ngẫm nghĩ: “Trên đời có nhiều việc làm bốn năm chục năm mà không bao giờ có một ngày phép nào cả.”

Nàng đi lấy chồng năm ba mươi tuổi. Dạo mới đến thành phố này nàng không quen một ai, co ro và nhiều mặc cảm. Nàng sợ nhất là những câu hỏi: “Cuối tuần này con đi đâu? Có hẹn hò gì với ai không?” Nàng tránh né câu trả lời. Ờ, thì con đi chơi... Mấy người hỏi chẳng vừa gì đâu. Họ tinh như con cáo, con mèo. Họ biết ngay là nàng nói dối trong khi nàng nghĩ là mình tỉnh lắm. Họ liếc nàng thật nhanh rồi nói bâng quơ, làm như nói với khoảng không: “Bớt khó lại một chút đi, không thôi ai thèm lấy.” Nàng khó à, không hẳn thế, nhưng những người mà nàng gặp không để lại trong lòng nàng một ấn tượng gì cả, như một quyển sách mà người ta chỉ cầm lên, lật lật vài trang rồi đặt xuống, chẳng nhớ nổi đến một dòng trong số những hàng chữ li ti chen chúc ấy. Người ta chế giễu nàng, hù dọa nàng: “Cứ như vầy thì ế con ơi, phải xăng xái lên.” Nàng gặp anh qua một người bạn cũ, trong bộ quần áo cũ, và tâm hồn nàng cũng chưa kịp làm mới. Anh đưa nàng đi chơi dưới những tàng cây và dẫn nàng về thăm chỗ ở của mình. Anh có một cái nệm gấp, một cái nồi cơm điện, hai cái chảo và thùng mì gói với những muỗng nĩa bằng nhựa. Nàng nhớ tới một câu trong quyển truyện nào đó đã đọc từ rất lâu: “Hai người cùng cô đơn như nhau...” Cha nàng bảo: “Không phải ai cũng phải có một mối tình như Hạng Võ-Ngu Cơ mới thành vợ thành chồng được con à.” Và nàng lấy anh làm người đàn ông của đời mình.

Nàng nhớ tới một người bạn rất xưa, lúc nàng còn cột tóc đuôi gà, mặc áo cổ lá sen tay phồng và đeo bông toòng teng. Bạn nàng tên Tâm, ở gần nhà, hai đứa ríu rít như chim sáo cả ngày. Tâm ao ước trở thành ca sĩ và nàng nhớ mãi cái áo màu xanh có kim tuyến của bạn trong lần lên sân khấu duy nhất ấy. Tâm đi lấy chồng năm hai mươi tuổi - một văn sĩ ở đâu miệt Thủ Đức. Mẹ Tâm thở dài: “Biểu nó đừng lấy thằng này mà nó cứ khăng khăng.” Nàng ngó theo nụ cười viên mãn của bạn bị che khuất một phần bởi tấm khăn voan qua cửa kính xe hoa có một hai xác pháo hồng hồng rất nhỏ bám vào. Hai đứa không còn liên lạc với nhau nữa cho đến một hôm rất lâu sau đó nàng có dịp đi Thủ Đức thì tình cờ gặp lại người bạn xưa ấy. Lúc đó nàng đang đứng trước một cửa tiệm bán đồ lạc xoong, lơ đãng nhìn những người qua lại thì chợt có một người đàn bà trẻ, một tay bồng con, tay kia xách giỏ đi chợ nặng trĩu các thứ, còn thò ra những cọng cải xanh có hoa vàng lấm tấm đang đi bỗng dừng lại, ngó sững rồi chợt bật lên gọi tên nàng. Hai đứa mừng rối rít và Tâm dẫn nàng về nhà chơi, một tòa nhà ba tầng có xưởng hàn tiện ở phía trước. Tâm đã già hơn sự tưởng tượng của nàng nhiều lắm, vừa bồng con vừa xào nấu mà trên tóc còn lấp lánh những mảnh vụn của kim loại bám vào. “Chồng mình hết viết văn rồi. Bây giờ lo làm ăn buôn bán. Mỗi ngày mình phải đi chợ nấu cơm cho cả nhà và mười hai người thợ”- Tâm nói. Nàng xót xa nhìn cái áo đứt nút chưa kịp đơm của bạn với những vệt mũi dãi trên vai mà đứa bé đã quệt vào. Lúc tiễn nàng ra về Tâm nói: “Con gái đi lấy chồng vui được ba năm thôi.”

Con gái đi lấy chồng chỉ vui được ba năm thôi à, ngắn ngủi đến vậy sao? Vậy thì mẹ nàng, ngoại nàng, những người đã có một đời sống hôn nhân năm chục năm ấy không lẽ bốn mươi bảy năm chỉ là một cái bóng biết đi ra đi vô, biết đứng lên ngồi xuống, biết ăn biết ngủ thôi sao? Kỳ vậy. Nàng nhớ mới năm ngoái đây thôi, nàng về một vùng quê ở huyện Phú Tân tỉnh An Giang thăm người bà con. Cả gia đình là ba thế hệ, mười bốn người sống quây quần trong một căn nhà xây theo kiểu xưa, phía trước có cổng tam quan, bên trái là lẫm lúa, phía sau là chuồng bò, sau nữa là đất nhà, làm ruộng. Mọi người xúm xít làm bánh xèo, bánh ít đãi nàng. Diệu - đứa cháu dâu nhỏ nhất nhà mới cưới về năm trước bước ra chào. Cô mười tám tuổi, mới sẩy thai nên trông xanh mướt, đong đưa như tàu lá chuối. Bà Út - bà Nội chồng của Diệu nói: “Con xay hết thau bột này rồi ra ngoài sau hái lá dứa vô rửa sạch, xay nhuyễn, vắt nước cho bà Nội làm bánh ít. Ờ, nhớ hái dừa vô nạo nữa nghe con...” Nàng đi theo Diệu, hỏi chuyện vu vơ: “Hồi đó làm sao con quen Nguyên vậy?” Diệu đáp: “Con đâu có quen. Bà Nội anh Nguyên qua Bình Thủy chơi, gặp ba má con rồi xin cưới con về.” Cô bé làm việc suốt, tráng hai mâm bánh xèo, vừa chay vừa mặn xong lại phụ bà Út gói bánh ít, chiều ra tưới rẫy, tối nấu sữa đậu nành cho mẹ Nguyên sáng đem ra chợ bán. Nàng tự hỏi Diệu đi lấy chồng mới được một năm, liệu còn khoảng trống nào cho cái vui cái buồn chen vào một ngày đầy dẫy công việc như thế. Rồi năm mươi năm sau, khi Diệu đã trở thành bà Nội như bà Út bây giờ thì cuộc đời nàng có cái gì khác hay cũng chỉ xoay quanh chừng đó công việc, xay bột, làm bánh, tưới rẫy, nấu sữa đậu nành... Con gái đi lấy chồng như Diệu thì rốt cuộc là vui được mấy năm? 

Nàng lấy chồng đã được mười năm. Đời sống giữa hai người rốt lại chỉ còn cái thời khóa biểu, mấy giờ đi đón con, mấy giờ có hẹn với bác sĩ, những ngày giỗ quảy bên nội bên ngoại là ngày nào, những món tiền phải ký trả hàng tháng là bao nhiêu. Khi mọi thứ đã trở thành tập quán, thành thói quen thì ta không còn lưu tâm đến nó nữa cũng như nó không gợi lên ở ta một cảm xúc mới lạ nào, giống như khi cầm lên một đôi đũa có bao giờ ta chú ý xem các ngón phải sắp xếp như thế nào cho đũa đừng rớt mà vẫn gắp được thức ăn một cách dễ dàng. Chỉ có những người ngoại quốc, những đứa bé mới tập cầm đũa mới có sự chú ý đó thôi. Nàng nhớ lại có một hôm thức sớm nàng ngó ra vườn và thấy anh đang lui cui lượm những trái chanh rụng, xếp vào cái rổ nhựa bị lủng một chỗ do nàng sơ ý để gần lửa. Ủa, cây chanh của nàng ra hoa hồi nào, kết trái hồi nào mà nàng không hay biết? Nàng đi thật nhẹ đến sau lưng chồng, chăm chú nhìn những sợi tóc bạc của anh sáng mờ trong nắng sớm lung linh. Trong ngực nàng dội lên sự cảm động đến đau đớn. Nàng không dối được mình là có những lúc nàng hầu như quên mất người đàn ông ấy, vì anh đã là cái tay, cái chân của nàng rồi thì sự quan tâm nhiều khi cũng phải là một sự cố gắng.

Ồ, có phải là nàng đã nắm bắt được điều ấy rồi chăng? Cái gì đã ràng buộc được cha mẹ nàng, ông bà ngoại nàng đến bốn năm chục năm? Ngay bây giờ mẹ nàng vẫn nói là lòng bà hãy còn rộn rã reo vui khi nghe tiếng bước chân quen thuộc của cha, tiếng chìa khóa lách cách không giống bất kỳ ai của ông khua lên trước cửa. Có lần nàng và anh đến dự một buổi ăn uống ở nhà bạn. Người ấy nhờ anh và nàng đốt lửa nướng thịt ngoài sân dưới bóng một cái cây gì rất cao có những cái lá to bằng bàn tay. Trong bóng chiều ảm đạm hai vợ chồng lúi húi nhen lửa, cời than và hít hà bảo nhau cái mùi thịt nướng sao mà thơm đến thế. Nàng nghe nỗi sung sướng rón rén vào lòng mình lúc đó. Rõ ràng là vẫn có những cái vui, những cái vui rất lặng lẽ, không ồn ào, ẩn náu, lẩn khuất đâu đó mà nếu thờ ơ thì ta không dễ gì bắt gặp được trong đời sống vốn dĩ rất tù đọng. Ý nghĩ đó khiến nàng liên tưởng đến cái ao thả cá trong vườn nhà Diệu mà nàng đã thấy ở Phú Tân. Trên mặt ao xanh nhớt tưởng như chỉ độc nhất một màu xanh của những lá bèo mọc ngang tàng, lấn lướt gần như muốn chồm cả ra ngoài là những cái hoa bèo nhỏ và trắng, trắng đến nao lòng đang nở rất êm đềm, xao xác. Còn gì tù đọng hơn những mặt ao, còn gì rẻ mạt hơn những cánh bèo, thế mà chúng vẫn nở hoa, nở hồn nhiên, xao xuyến. Nàng không muốn nghĩ đến đời sống như những buổi chiều tan sở nữa, nàng nghĩ đến một hình ảnh khác, tuyệt vời hơn và tha thiết hơn... 

Tháng 7 năm 2007

Cao Thanh Phương Nghi