13 August 2020

ĐỌC RỒI VIẾT - Đỗ Hữu Chí

Hôm nay cô giáo của tôi qua đời. Hay có thể là hôm qua, tôi không biết chắc được vì múi giờ ở tiểu bang Cali của tôi và ở thành phố Huế của cô cách nhau mười bốn tiếng đồng hồ. Sáng Chủ Nhật tôi nhận được e-mail báo tin buồn và gia đình sẽ làm đám táng ngày thứ Hai. Đầu óc tôi phân vân một cách vô lý như chàng Meursault, nhưng lòng tôi thì giao động như một cơn bão. 

“Aujourd'hui, maman est morte. Ou peut-être hier, je ne sais pas. J'ai reçu un télégramme de l'asile: « Mère décédée. Enterrement demain. Sentiments distingués. » Cela ne veut rien dire.” (L’Etranger – Albert Camus)

Năm ngoái là lần chót tôi về Huế thăm cô tại căn nhà trong thành Nội mà cô đã sống từ khi tôi trở thành học trò của “cô Khương dạy lớp mẫu giáo”. Đứng trên lề đường quay lưng lại dãy tường của Tam Toà, tôi bồi hồi nhìn căn nhà mái ngói âm dương cũ kỹ trong ngôi vườn đầy hoa lấm chấm như một bức tranh của Monet. Phía bên phải ngôi vườn là dãy nhà hai phòng rộng dùng làm lớp học như năm 1952 khi tôi còn là đứa học trò 5 tuổi ngập ngừng theo người anh họ đi vào lớp học của cô. Ngập ngừng mà không ngại ngùng vì nhà cô chỉ cách nhà tôi một kiệt nhỏ (người Huế gọi hẻm là kiệt). Thời đó, kiệt là một con đường đất nhỏ im vắng với những hàng rào chè tàu cắt gọn ghẽ. Chỉ cần ra khỏi cổng nhà tôi, rẽ phải, đi băng qua cái kiệt là đến cổng nhà của cô. Ngồi trong lớp học, tôi có thể nhìn qua cửa sổ để ngắm trời xanh và ngọn cây nhãn quen thuộc xum xê, xanh lá giữa vườn nhà tôi ngay phía bên kia Kiệt Một của con đường có cái tên độc đáo một cách rùng rợn: đó là đường Âm Hồn. Bây giờ đường này đã được đổi tên mới là Lê Thánh Tôn.

Hình như thời đó người ta gọi lớp mẫu giáo là lớp vỡ lòng. Tách ra từng ý của từng chữ thì ba chữ “lớp vỡ lòng” nghe sao mà âu yếm nhưng đầy trang trọng như cái bảng đen đứng chễm chệ trước mặt đám học trò lau nhau như một bầy vịt con. Đó là lớp học mà cô Khương là người đã bóc vỡ cái óc tôi ra để tập cho tôi đọc, rồi tập cho tôi viết với tấm lòng chăm chút của một người mẹ hiền đầy ưu ái. Sau hơn nửa thế kỷ, tôi chỉ còn mang máng hình ảnh cô Khương thanh tú mặc áo dài trắng với mái tóc thề đi tới đi lui trong lớp học, uyển chuyển, nhẹ nhàng như một bà tiên bay lượn giữa những tảng mây altocumulus nho nhỏ, tròn trịa là đám trẻ đang tranh nhau ê a một cách hỗn loạn.

Tôi không còn nhớ thời gian học với cô Khương là bao nhiêu lâu nhưng chắc chắn đã đủ cho tôi có thể lẩm nhẩm đọc và có thể nắn nót viết - như “mèo quào” - để nhập học lớp Năm (bây giờ là lớp Một) của trường Bồ Đề ở phía Hồ Tịnh Tâm. Tôi cũng không còn nhớ cô đã dạy tôi làm sao nhận ra 27 mặt chữ rồi ghép lại mà đánh vần, hoặc tập cho tôi cầm cây bút - “vừa chặt vừa lơi” - để gạch những đường ngang, dọc, tròn, vuông thành các chữ a, b, c, ... “Bán tự” đã “vi sư” huống chi là 27 chữ mà cô Khương đã dạy tôi ở “lớp vỡ lòng” của buổi đầu đời. Trong một sắp xếp tự nhiên, cô đứng đầu một hàng gần 100 thầy, cô đã dạy tôi trong các trường tiểu học, trung học, đại học, cọng chung với khoảng một vạn người đã dạy tôi trong trường đời. Những thầy, cô đã dạy tôi làm toán cọng, trừ, dạy tôi vẽ bản đồ Việt Nam hình chữ S, dạy tôi đi xe đạp, dạy tôi học tiếng Anh, dạy tôi tập võ, dạy tôi lòng tử tế, ... Làm sao mà hình ảnh cô Khương có thể bị dời ra khỏi vị trí quan trọng số một trong hàng hàng, lớp lớp những thầy cô đó của tôi? Tuy vậy, thực tế là hình ảnh duy nhất còn lại trong tim óc tôi vẫn chỉ có một cô Khương mặc áo dài trắng đi qua đi lại trước bảng đen. Mơ hồ và êm đềm như vậy giữa hằng hà sa số hình ảnh khác chồng chất trong bộ óc cũ hơn 70 năm của tôi.

Với hình ảnh lãng đãng đó trong hương hoa của một sáng mùa xuân năm ngoái, tôi đứng trước cửa nhà chờ cô đi ra từ sau phòng khách với tâm trạng một đứa bé nao nức, hồi hộp, vừa cảm động vừa hân hoan như ông Thanh Tịnh được mẹ dẫn đi học ngày đầu tiên trong một “buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh”. Và cô từ sau phòng khách hiện ra an nhiên, êm đềm như đi ra từ một giấc mơ của một đứa bé 5 tuổi. Mái tóc đen dài ngày xưa đã thành một vòng hào quang bạc trắng bay bay rực rỡ với đôi mắt hiền như không ai có thể có đôi mắt hiền hơn và nụ cười tươi mát, nhẹ nhàng, ngọt ngào của một chén chè sen xứ Huế. 

Xúc động trào dâng làm cho tôi ấp úng mãi mới nói được hai tiếng của hơn nửa thế kỷ trước: “Thưa Cô”. Đúng ngay thời điểm đó, tôi nhận ra mình là một người rất may mắn khi đã quá tuổi “cổ lai hi” mà tôi vẫn còn được đứng vòng tay trước mặt cô giáo lớp vỡ lòng để nói hai tiếng “Thưa Cô”. Có bao nhiêu người được cái may mắn vô giá nầy? Đúng là một thứ “cổ lai hi” mà tôi có thể hãnh diện để khoe tùm lum về một thời thơ ấu êm ả giữa một cố đô trầm lặng.

Có thật không là sau bao nhiêu vật đổi sao dời, sau bao nhiêu nước chảy qua cầu, sau bao nhiêu bãi biển biến thành nương dâu, ... căn nhà rêu phong của cô vẫn tĩnh toạ như một Thiền sư để cho tôi được trở lại chốn cũ gặp một cô Khương thật? Một cô Khương bằng xương bằng thịt có tiếng nói thật, có nụ cười thật? Với những câu hỏi ngẩn ngơ nầy, cô vừa mỉm cười vừa trả lời: “Thật ra thì cái chi cũng giả”. Bài học cực kỳ căn bản nầy được cô giáo già dạy ngay cho đứa học trò già sau giây phút trùng phùng. 

Trong một bối cảnh thuần tuý thân thương, cô Khương là một Mạn-đà-la của riêng tôi. Cô đã huyền diệu hiện ra trong vũ trụ của tôi rồi chính cô nhẹ nhàng tự xoá đi Mạn-đà-la huy hoàng đó để dạy tôi bài học dứt điểm cuối cùng về tính vô thường của cuộc đời. Cô Khương mẫu giáo của tôi ra đi để lại trong cõi ta bà nầy một đứa học trò đứng ngần ngại trước một tấm bảng đen hun hút sâu rộng như giải Ngân Hà với câu hỏi: Bên kia tấm bảng có phải là cô Khương đang biến thành một con bướm đập cánh bay ra khỏi một giấc mơ để lướt đi xa dần, xa dần về một lớp học mà cô lại sẽ “vỡ lòng” cho một đám học trò thơ dại khác? 

Đỗ Hữu Chí

Để nhớ 49 ngày cô đã ra đi.