Chuyến viếng thăm Việt Nam bốn ngày của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và đoàn hộ tống hùng hậu đã gây nên nhiều tranh luận. Bỏ qua bên các tâm trạng xin quẻ, dâng sớ thượng nguyên, không ít ý kiến rất tích cực, thật sự thiết tha với tương lai đất nước.
Nhiều người mong USS Carl Vinson sẽ tạo nên lớp sóng phản hồi
trong cuộc tranh chấp gần như thụ động, một chiều cha nói con nghe giữa Trung Cộng
và CS Việt Nam. Sự hiện diện của USS Carl Vinson thể hiện chính sách cứng rắn của
chính phủ Mỹ trên Biển Đông bất chấp đường lưỡi bò, lưỡi trâu do Trung Cộng vẽ.
Tranh chấp chủ quyền Biển Đông có khả năng cao hơn dẫn đến quốc tế hóa, và chỉ
quốc tế hóa mới đem lại công bằng cho các nước nhỏ.
Do đó, yếu tố quốc tế rất cần thiết. Trong giai đoạn toàn cầu
hóa hiện nay khi sự phát triển của một quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào sự phát
triển của các quốc gia khác, yếu tố quốc tế chưa bao giờ quan trọng và hữu hiệu
hơn.
Lịch sử nhân loại thời hiện đại cho thấy, yếu tố quốc tế thậm
chí còn đóng vai trò quyết định trong hướng đi của dân tộc như trường hợp Ai Cập
sau chiến tranh 1967, Thổ Nhĩ Kỳ sau thế chiến thứ hai và Nam Hàn sau thời Lý
Thừa Vãn.
Anwar Sadat của Ai Cập là một lãnh tụ can đảm. Không ai từng
chống Mỹ quyết liệt hơn cố tổng thống Anwar Sadat và là một anh hùng của toàn
thế giới Á Rập. Tuy nhiên để mưu cầu một nền hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân
Ai Cập, năm 1976, ông đã bỏ đồng minh Liên Sô để bước sang phía thế giới tự do
cho dù ông biết trước sự chọn lựa đó có thể trả giá bằng nhiều rủi ro như ông
tiên đoán trong diễn văn đọc trước Quốc hội Israel ngày 20 tháng 11 năm 1967.
Mustafa Kemal là cha đẻ của nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại
sau khi đế quốc Ottoman tan rã. Những cải tổ tận gốc về văn hóa, giáo dục của vị
tướng tài ba này đã đưa Thổ từ một nước Hồi Giáo với 99 phần trăm dân theo đạo
Hồi sống khép kín tôn giáo thành một quốc gia hiện đại. Nhưng quan trọng nhất
là tầm nhìn xa. Ông rất quan tâm đến việc tạo một thế đối lực với Liên Sô luôn
nuôi tham vọng độc chiếm Eo Biển ĐịaTrung Hải, mạch máu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông qua
đời năm 1938, và người chiến hữu tin cẩn của ông là Mustafa İsmet İnönü tiếp tục
hành trình để đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào quỹ đạo của dân chủ Tây Phương. Cuối cùng Thổ
đã trở thành một thành viên của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương dù quốc gia này cách
bờ phía Đông của Đại Tây Dương tới hai ngàn dặm. Stalin đành ngậm đắng nuốt
cay.
Gần Việt Nam có Nam Hàn. Nhiều người biết vào năm 1950 nền cộng
hòa non trẻ này sống sót là nhờ quân đội Mỹ lúc đó còn mạnh ở Thái Bình Dương đổ
bộ để tái chiếm Nam Hàn và xác định lần nữa việc chia đôi đất nước tại vĩ tuyến
38. Tuy nhiên, ít người để ý, quốc gia dân chủ này suýt trở thành CS lần nữa
không phải do Bắc Hàn tấn công mà do chủ trương khuynh tả trong thời gian đảng
Dân Chủ Nam Hàn do Chang Myon làm thủ tướng. Xung đột ý thức hệ tại Nam Hàn đã
diễn ra kịch liệt do các thành phần tả khuynh chủ động. Phản ứng lại, dân chúng
yêu tự do tổ chức các cuộc biểu tình chống tả khuynh tại nhiều nơi. Ngày 16
tháng 5, 1961, tướng Park Chung Hee (Phác Chính Hy) và quân đội đảo chánh, thiết
lập một chính phủ cứng rắn và xác định một hướng đi mới: Phát triển kinh tế trước,
thống nhất đất nước sau. Chính sách đó đã tạo không gian cho Nam Hàn cất cánh,
từ lợi tức đầu người năm 1960 chỉ vỏn vẹn 76 dollars lên đến 35 ngàn đô la năm
2016.
Tuy nhiên, ba ví dụ trên cho thấy, yếu tố quốc tế có một điều
kiện tiền đề: hoặc lãnh đạo sáng suốt, can đảm, thấy rõ nhu cầu của đất nước
trong hướng đi dân chủ và cường thịnh thời đại, hoặc tinh thần người dân của quốc
gia đó đủ mạnh để gây áp lực dẫn đến sự thay đổi quốc gia.
Việt Nam, cả đảng lẫn chống đảng đều không thỏa mãn được điều
kiện tiền đề đó.
Về phía đảng CS.
Đảng CSVN là một đảng (1) bán nước, (2) không có tính chính
danh, (3) bám lấy quyền lực và (4) ngu dốt trong điều hành đất nước.
Bốn đặc điểm này của chế độ CS không cần phải phân tích dài
dòng, ngoại trừ những người phải chịu khuyết tật về thể xác hay tâm hồn mới
không thấy và không biết.
Sự kiện một nước Việt Nam có trên ba ngàn cây số bờ biển và
từ bao đời sống nhờ vào biển nay chỉ còn đủ rộng để đi câu là kết quả của sự thần
phục Trung Cộng của bao thế hệ cầm quyền CS.
Trước đây, ý thức hệ CS làm mù lương tri Việt Nam của giới cầm
quyền CS, ngày nay ý thức hệ CS đã chết nhưng họ vẫn tiếp tục dùng các phương
pháp CS dã man do Lenin, Stalin, Mao nghĩ ra để tuyên truyền tẩy não và trấn áp
người dân nhằm củng cố chiếc ghế quyền lực.
Tạm gác qua một bên chuyện đúng sai trong chiến tranh trước
1975, thử hỏi sau 43 năm đưa đất nước vào ngõ cụt của lạc hậu về kinh tế, chậm
tiến về giáo dục, băng hoại về đạo đức, ung thối trong tận cùng của xã hội, họ
có xứng đáng để tiếp tục cha truyền con nối cai trị trên đầu trên cổ của hơn 90
triệu người Việt hay không? Ai bầu họ ra? Ai cho phép họ sống trên xa hoa,
phung phí giữa sự lầm than của đại đa số người dân Việt?
Chuyện các lãnh chúa CS ngu dốt cũng cũng không phải là chụp
mũ hay bôi nhọ. Nhìn cảnh một Phan Văn Khải rút trong túi ra một tờ giấy viết sẵn
để đọc cho TT G.W. Bush nghe một người Việt dù chống Cộng cũng không khỏi mắc cỡ
giùm. Nội dung tờ giấy đó không phải là văn bản cần ký kết, cũng chẳng chứa đựng
một thuật ngữ kinh tê’ chính trị gì dễ bị hiểu sai mà chỉ đôi lời thăm hỏi xã
giao. Rồi mấy lớp cai trị khác theo sau cũng ngu ngơ không kém. Nếu không có
thành phân phên giậu, thành phần xăng nhớt thì bộ máy CS đã ngừng chạy từ lâu rồi.
Về phía chống đảng CS.
Phía những người chống đảng cũng chưa có một hướng đi chung.
Những người chống CS cả trong và ngoài nước đều muốn lật đổ
chế độ CS và xây dựng một Việt Nam dân chủ và cường thịnh. Nhưng nếu câu hỏi tiếp
là làm thế nào để “lật đổ chế độ CS và xây dựng một Việt Nam dân chủ và cường
thịnh” thì người viết nghĩ rằng không phải mọi người đều trả lời giống nhau.
Phải chăng câu hỏi quá khó để trả lời? Không.
Các quốc gia cựu CS, rộng như Ba Lan, hẹp như Estonia, xa
xôi như Ethiopia, chậm tiến như Mông Cổ đã trở thành những nước dân chủ dù mức
độ còn khác nhau bởi vì họ trả lời giống nhau câu hỏi thứ hai.
Những lãnh đạo phong trào dân chủ tại các nước này thấy rõ mục
đích cần phải đạt trong từng giai đoạn của tiến trình dân chủ hóa và chỉ tập
trung vào từng mục đích mà thôi.
Họ không phải là những chính trị gia chuyên nghiệp, nhà cách
mạng nổi tiếng mà là những giáo sư, văn nghệ sĩ, công nhân, nông dân, sinh viên
rất bình thường. Chỉ khác, họ không tham lam, không lãng phí thời gian và công
sức vào những chuyện chỉ có thể giải quyết sau khi giải thể chế độ CS.
Việt Nam có hầu hết các yếu tố để dẫn đến một cuộc cách mạng,
tuy nhiên vẫn còn thiếu lực lượng của những người nhận thức đúng hướng đi để
chèo chống con thuyền qua cơn bão tố CS.
Xây dựng và phát triển tập hợp những người Việt vượt qua được
mọi tiêu cực để tập trung vào việc tháo gỡ bộ máy cai trị của đảng CS trở thành
nhu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Và mãi cho tới khi lực lượng dân chủ
đó ra đời, Việt Nam vẫn còn là một con thuyền không bến.
Trần Trung Đạo