Biểu ngữ “chống sự thù ghét” trong một cuộc biểu tình ở Hoa
Kỳ. (Hình minh họa: Getty Images)
Trong thời gian ở tù tập trung trong chế độ Cộng sản, tôi ít
khi cảm thấy sợ hãi vì thái độ hà khắc, dò xét của của bọn cán bộ nhà tù, mà luôn
cảm thấy bất an bởi những sự theo dõi, nhòm ngó của những người bạn tù, nghĩa
là những người cùng hoàn cảnh, phe phái sau khi thất trận, phải cùng nhau bị đầy
ải vào đây.
Tôi không sợ thằng lính Cộng Sản mặt non choẹt, vác cây AK từ Bắc vào đây, tập trung, giam giữ, canh chừng những người tù miền Nam. Chúng ít hiểu được chúng tôi, vì hoàn cảnh, tuổi tác, địa vị, học vấn và kiến thức. Chúng u ơ như một lũ Mán rừng, ngu dốt, chỉ biết nói và làm theo chỉ thị của cấp trên.
Trái lại, thằng bạn tù nằm bên cạnh tôi mỗi đêm, lại là người
đồng cảnh ngộ, tâm trạng, kiến thức tương đối bằng nhau, có khi cùng một đơn vị,
biết hoàn cảnh, tâm tư của nhau, nên làm sao mà giấu nhau, một cái trở
mình, một tiếng thở dài lúc nửa đêm, thương nhớ vợ con, quạnh quẽ cảnh cá chậu
chim lồng mà không ngủ được. Đó là chưa nói đến những lúc sơ hở vô tình, đem
gan ruột mình mà bộc bạch với người đồng cảnh ngộ! Trong hoàn cảnh nay, còn ai
gần gũi hơn là một người bạn tù, nằm chung manh chiếu, ăn một khẩu phần như
nhau.
Dưới chế độ “cải tạo” bọn quản giáo luôn luôn khuyến khích
người tù dò xét, theo dõi nhau và báo cáo lên cán bộ những biểu hiện bất thường.
Nếu không có âm mưu phá hoại tài sản, trốn trại… thì cũng báo cáo về phần tư tưởng,
phát biểu “linh tinh,” nói xấu “cách mạng,” chây lười lao động, “không an tâm,
tin tưởng vào chính sách khoan hồng của đảng và chính phủ!”
Bọn cai tù luôn luôn tìm cách tuyển mộ cảm tình viên để làm
vây cánh, mở rộng mạng lưới chỉ điểm và tố cáo lẫn nhau.
Một vị Tuyên Úy Phật giáo xuất thân là nông dân được cán bộ
trại gọi lên, xác định giai cấp và yêu cầu cộng tác. Một người tù có bà chị là
Bộ Trưởng Bộ Trung Học trong chính phủ “lâm thời” miền Nam được móc nối làm
thành viên của “gia đình cách mạng.”
Cũng có thành viên vì sợ hãi muốn tâng công cho được yên
thân, cũng có người nhẹ dạ mong có chút đặc quyền, đặc lợi như một phiếu quà,
thăm nuôi được dễ dãi, cũng có kẻ ngây thơ mong được chính phủ ghi công là người
tù “học tập, lao động, tư tưởng tốt” để được sớm về sum họp với gia đình.
Ngoài những chuyện báo cáo, chỉ điểm nhau trong vòng bí mật,
trại tù bày ra chuyện phê và tự phê mỗi tối để người tù có cơ hội dẫm đạp, đấu
tố, vạch tội nhau ra công khai. Những người tù đói cơm, kiệt lực, giữa mùa Ðông
Hoàng Liên Sơn, ngồi sát vào nhau trên cái giường tre, trang bị bằng những thứ
áo quần kỳ dị, như áo trấn thủ, treillis vá đụp vá chằng, những tấm áo may bằng
bao gai đựng gạo, dưới ánh đèn dầu leo lét trông như những hồn ma. Nhưng hồn ma
đang tìm cách chì chiết, tìm tội lỗi của nhau, một cách không nương tay, để đưa
ra công khai trước tập thể.
Tội nặng nhất là “lao động” không đủ chỉ tiêu, lười biếng
hay làm chậm, không phấn khởi, an tâm tin tưởng vào đường lối “cách mạng.” Phần
bình quân khẩu phần được ấn định, loại chây lười chỉ được ăn 13 cân, loại tiên
tiến là 17 cân. Có mục kích cảnh phê và tự phê mỗi tối trong tại tù mới thấy tất
cả cái nanh vuốt của những con người, mà lại là những người đồng cảnh ngộ dùng
để đấu tố lẫn nhau.
Chúng hăng hái, nhiệt tình trưng ra những khuyết điểm của những
người bạn tù, cùng cảnh “cá chậu chim lồng” với mình, để triệt hạ bạn bè, chứng
tỏ mình là người tích cực học tập, đi theo đường lối của“cách mạng!”
Bất lực trước kẻ thù, người tù đổ tất cả uất hận, bực dọc
lên đầu bạn bè, chiến hữu.
Ở trong trại tù, tôi đã nhiều lần mục kích cảnh bêu rếu, làm
nhục nhau giữa những người tù mà đáng lý ra chúng ta có thể tha thứ hay bỏ qua
được.
Một người bạn tù, buổi sáng trực phiên, đi nhận phần khoai
lang ăn sáng tại nhà bếp. Không cưỡng nỗi cái đói, cái thèm, người bạn tù nhón
lấy một củ khoại trong rổ cho vào túi, nhưng bị người khác trông thấy, tố cáo
ra giữa đội, lúc đó đang chuẩn bị nhận phần khoai ít ỏi của mình để chuẩn bị đi
làm… Thế là cơn bão nổi lên. Đội trưởng bắt nạn nhân đứng trước đội, để mỗi người
lên án, nhiếc móc, xỉ vả hết lời.
Hoàn cảnh của người phạm lỗi trong hoàn cảnh này thật đáng
thương, chịu cảnh xấu hổ, ngượng ngùng mà không biết phản ứng ra sao? Chúng ta
thử nghĩ chỉ vì một củ khoai, mà người bạn này phải xấu hổ, đi đến chỗ tự vẫn
thì sao?
Hèn hạ trước kẻ thù, nhưng hống hách với bạn tù, đó là
những điều chúng ta đã mục kích trong trại tù nhiều lần, với những tên “chức sắc”
được chỉ định làm thi đua, đội trưởng hay đội phó kế hoạch. Tôi đã từng chứng
kiến một đội trưởng lên gối, đá vào ngực một bạn tù chỉ gì người này mang một sọt
khoai vào kho không đầy. Đội trưởng kết án anh chây lười. Một đội trưởng khác
đánh đập túi bụi một bạn tù của mình vì nạn nhân khi cuốc đất đã cuốc dối, lát
này lấp lên lát kia. Tất cả sự hung hãn, hành hạ các bạn tù này đã diễn ra trước
con mắt thản nhiên của bọn cai tù đang đứng ở gần đó, không ai can thiệp và
cũng không ai nói một lời.
Ông bà mình ngày xưa đã than “khôn ngoan đối đáp người
ngoài, gà cùng một mẹ sao hoài đá nhau,” nhưng bản chất của con người Việt Nam
thì không bao giờ thay đổi. Chúng ta đều là nạn nhân của chế độ Cộng Sản, phải
bức bách bỏ nước ra đi, nhưng ra hải ngoại, chống Cộng Sản thì ít thấy mà chống
nhau thì thấy xẩy ra hàng ngày.
Trên Internet, mỗi ngày, chúng ta thấy vô số những bài viết
chửi bới nhau. Những danh từ thối tha bẩn thỉu nhất được đem ra để ném vào mặt
nhau không hề thương tiếc. Những sinh thực khí được mô tả lạnh lùng để nói về
cái mặt của thằng cha này hay con mẹ nọ, làm như đó là những kẻ thù “không đội
trời chung!”
Người ném đá không hề thấy ngượng ngùng hay xấu hổ, phải chi
đối với kẻ thù cho cam, đằng này lại là những nhân vật thuộc phe ta, chung một
chiến tuyến, cùng hoàn cảnh.
Chúng ta đã từng nhao nhao lên vì một bài viết “không vừa
ý,” không khác gì một bài viết của chúng ta vừa xuất hiện, thì bọn “dư luận
viên” trong nước, thay vì có một bài phản bác, phân tích cái sai, cái dở, để
tranh luận, thì chúng đã bâu lại cấu xé, chửi bới không tiếc lời. Người Tàu xưa
có một danh từ để chỉ bọn này là “mạ tử,” tức là những tên chửi mướn! Quả là đánh
nhau, dễ hơn đánh với địch. Có người mới đưa ta nhận định về một nhân vật chính
trị nào đó, lập tức có những người khác bất bình, lôi cả dòng họ năm đời của
người viết mà chửi bới, chỉ về thái độ khen, chê không vừa ý họ.
Càng ngày chúng ta càng thấy cảnh truy lùng, sát phạt lẫn
nay giữa những người cùng chiến tuyến, mà không để ý đến thủ đoạn xảo quyệt,
tinh vi, có phương tiện trong tay, có trăm phương nghìn kế đang gây chia rẽ trầm
trọng trong cộng đồng tị nạn của chúng ta.
Cộng Sản chủ trương “bất chiến tự nhiên thành,” “tọa sơn
quan hổ đấu,” thọc mũi dao vào những chỗ yếu của chúng ta, để cho “phe địch” tự
xâu xé, hủy diệt nhau mà không hề tốn công, mất sức. Chúng ta có đủ mánh khóe,
khôn ngoan, thông minh để tìm cách diệt nhau, nhưng chưa đủ đảm lược để đối đầu
với kẻ thù.
Huy Phương