11 March 2021

NGHE NHẠC MÙA THU (*) - Trần Doãn Nho

Bản nhạc “Thu Ca” của Phạm Mạnh Cương (Hình: T.Vấn và Bạn Hữu)

Nhạc và lời
Để mô tả nội dung đặc thù của một loại ca khúc nào đó, ta thường gọi là nhạc tình, nhạc lính, nhạc vàng, nhạc xuân, nhạc thu …Nói là “nhạc”, thực ra, đó là những nhạc khúc được soạn ra đi kèm với “lời” (music with lyrics) nhằm mục đích để hát, có tính cách phổ thông, thích hợp với mọi giai tầng xã hội, khác hẳn với loại nhạc “thuần túy” như nhạc cổ điển Tây Phương chẳng hạn, qua đó, người ta sử dụng đủ loại giai điệu để diễn tả ngoại giới và tâm giới chỉ với và bằng âm thanh. Ca khúc: nhạc để ca và để hiểu. Nếu chỉ là nhạc không mà thôi, ta sẽ nghe những giai điệu hoặc buồn, hoặc vui, hoặc mơ màng, du dương…nhưng không biết nó đang mô tả cái gì hay mùa nào một cách rõ ràng. Và những người nghe nhạc bình thường như tôi khó thể phân biệt hay nhận ra đâu là “nhạc xuân”,“nhạc thu” hay “nhạc hè”, “nhạc đông”. Mỗi lần nghe một điệu nhạc quen, chắc không mấy ai chỉ nghe nhạc, mà nghe luôn cả lời. Điệu nhạc và lời ca hòa tan vào nhau, bổ sung cho nhau như mặt trái và mặt phải của một đồng tiền, không thể tách ra được. Nhiều câu hát được lập đi lập lại quen thuộc đến nỗi trở thành một cái gì từa tựa như thành ngữ để người ta sử dụng trong những trường hợp đặc thù nào đó. Chẳng hạn “bây giờ tháng mấy”, “ngày xưa hoàng thị” hay “em ơi nếu mộng không thành..”, “ngoảnh mặt làm ngơ”, vân vân và vân vân.

Hoàng Ngọc-Tuấn, một nhạc sĩ và là một nhà nghiên cứu âm nhạc, gọi những ca khúc là “nhạc phổ thông” (popular music) và ông nhận xét: “So với thế kỷ 19, thế kỷ 20 đã đem đến cho chúng ta hình thức ca khúc phổ thông như một môi trường thuận lợi để diễn tả và truyền đạt những giá trị tinh thần và văn hóa.” Nhạc phổ thông “là một thứ nhật ký tập thể ghi lại mọi góc độ tâm tình và ý nghĩ của người Việt Nam đối với nhau và đối với lịch sử,” theo ông. Nếu những câu ca dao, nhờ vần điệu, dễ dàng đi vào tâm hồn con người (hò ru em chẳng hạn) thì các ca khúc, nhờ các giai điệu đơn giản được lập đi lập lại, nên lời đi kèm theo trở thành sinh động, cũng dễ dàng thấm vào tâm cảm của người nghe. Những câu văn nghe trúc trắc hay những câu thơ bóng bẩy, khi trở thành “lời nhạc” (lời kèm theo nốt nhạc), bỗng trở thành trơn tru, dễ hát, dễ nghe và dễ hiểu. Khi hò, người ta cần những câu có vần có điệu; nhưng khi hát, có vần thì tốt, không vần cũng chẳng sao. Các giai điệu trầm bổng của nhạc đã chuyển văn, thậm chí chuyển những câu nói, thành “vần”. Nhạc “sang hóa” lời, đưa lời thâm nhập sâu vào cảm xúc trong lúc đó, lời “hiện thực hóa” thế giới mơ hồ của âm thanh, đưa nó thể nhập vào cuộc sống. 

(Cũng xin thưa, để tránh hiểu lầm, những phân tích trong bài này chỉ tập trung vào lời ca chứ không dính líu gì đến nhạc lý.)

Nhạc thu

Gọi là“nhạc thu”, vì tựa đề các bản nhạc có chữ “thu”. Xin tạm kể ra đây một số: Giọt Mưa Thu, Thu Quyến Rũ, Buồn Tàn Thu, Thu Cô Liêu, Mùa Thu Paris, Mùa Thu Chết, Nước Mắt Mùa Thu, Tình Ca Mùa Thu, Tình Thu, Mùa Thu Lá Bay, MùaThu Cho Em, Mùa Thu Ru Em, Thu Tím Lá Vàng, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Thu Ca, Thu Hát Cho Người, Thu Vàng, Trưng Vương Khung Của Mùa Thu, Mùa Thu Mây Ngàn, Thu Sài Gòn, Thu Trong Mắt Em, Mùa Thu Không Trở Lại, Anh Đã Quên Mùa Thu, Mùa Thu Về Chưa Em Nhỉ, Mùa Thu Không Em, Sương Thu, Mùa Thu Trong Mưa, Mùa Thu Đông Kinh, Hà Nội Mùa Thu, Mua Thu Yêu Đương, vân vân.

Cũng gọi là “nhạc thu” những bản nhạc có nội dung mô tả mùa thu: Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Con Thuyền Không Bến, Chiếc Lá Cuối Cùng, Bên Cầu Biên Giới, Mộng Du, Chiều Nay Không Có Em, Tình Yêu Như Chiếc Lá, Tình Là Hư Không…

Giống các nhà thơ, mùa xuân và mùa thu là hai mùa gợi cảm hứng nhiều nhất cho các nhạc sĩ. Trong kho tàng âm nhạc của Việt Nam, các bản nhạc xuân và nhạc thu chiếm một số lượng khá lớn. Cả hai loại đều là tâm sự của con người trước những thay đổi kỳ diệu của thiên nhiên. Nếu nhạc xuân chứa đựng những giai điệu vui tươi, sôi nổi, rộn ràng đi kèm theo những lời ca đẹp, lạc quan thì nhạc thu lại là nhạc của nỗi buồn, của bâng khuâng, ray rứt, của nhớ nhung tiếc nuối, của lãng đãng mơ mòng. So ra thì nhạc thu nhiều màu sắc, nhiều mùi vị, nhiều cảm xúc, tóm lại, đa dạng hơn nhạc xuân. Trong nhạc xuân, “hoa” chiếm vị trí hàng đầu, thì trong nhạc thu, “lá” đóng vai trò chính. Nhưng không chỉ “hoa” và “lá”! Nhạc xuân còn có mặt trời, nắng mới, chim chóc…và nhạc thu có mưa, mây, gió, sương… Thử liệt kê một số hình ảnh mùa thu xuất hiện trong lời ca của các ca khúc mùa thu:

Lá:

Đêm mùa thu chết/nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng (…) Lá xanh rơi rụng buồn chi lá vàng (VCao)

Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa (PDuy)

Lá vàng, từng cánh rơi từng cánh (ĐChuẩn)

Anh có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ (NTMiên)

Và lá rụng ngoài song/Nghe tên mình vào quên lãng (TCSơn)

Mùa thu vàng tới là mùa lá vàng rơi/Và lá vàng rơi khi tình thu vừa khơi (CTiến)

Mùa thu đã qua một lần/Chợt nghe bâng khuâng lá rơi đầy sân(NLộc)

Lá rơi chiều thu gieo nhiều thương nhớ (…) Lá thu vàng rơi mang tình yêu tới (Vân Tùng)

Mây:

Mây hắt hiu ngừng trôi (ĐTPhong)

Mây tím giăng sầu đó đây (PMCương)

Mây bay về đâu cuốn trời (ĐChuẩn)

Gió:

Gió ngừng đi/Mưa buồn chi (…)Đêm nay thu sang cùng heo may (ĐTPhong)

Hôm mùa thu gió hát bài ca cũ/Mùa thu bay lá vàng (ĐHuy)

Tình xưa còn đó xa xôi lòng/Nhờ bóng chim uyên nhờ gió đưa duyên/Chim với gió bay về /chàng quên hết lời thề (VCao)

Hà Nội mùa thu Hà Nội gió (TCSơn)

Mưa:

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi (…) mưa còn rơi (…) mưa giăng mù lê thê (ĐTPhong)

Mưa rơi làm rụng lá vàng (ĐChuẩn)

Vào tiếng mưa rơi êm đềm/Trời còn mưa ướt thêm (TSa)

Sương:

Đêm nay sương lam mờ chân mây (ĐTPhong)

Lạnh lùng sương rơi heo may (PMCương)

Sương thu xuống rồi (…) Sương thu trắng ngần (…) Mơ hồ sương xuống rồi (VPhụng)

Đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương (PQuang)

Nắng:

Chiều nay tôi thấy em gọi nắng gió lên (Phan Bá Chúc)

Em hỏi anh mùa thu Sàigòn/Nắng còn vương vương trên hàng phố vắng (NTMiên)

Lá thu nhẹ rơi rơi/Nắng thu vàng phai phai (TVũ)

Tình thu là tình buồn

Lá, mây, gió, sương, mưa, nắng, tất cả tổng hợp lại để tạo thành một mùa (đáng được gọi là) đẹp nhất trong năm. Một trong những bài nhạc thu lâu đời nhất của âm nhạc Việt Nam, “Thu Quyến Rũ” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, mô tả mùa thu, trước hết, bằng những đường nét rất tươi vui: nào là đàn bướm, bông hồng, trời đất xanh lơ, nào là chốn thiên thai, cánh chim…. Nhưng, đoạn dạo đầu lạc quan đó chỉ để đi đến một kết thúc buồn: mơ bóng một người mà hóa ra “người mơ không đến bao giờ.” Thì ra, thu đẹp và quyến rũ chỉ vì mùa thu mà mùa tình. Nội dung chủ yếu của tất cả nhạc thu là tình yêu. Chẳng thế mà, nhạc thu là bao giờ cũng là “tình khúc mùa thu”.

Anh có nghe khi mùa thu tới/Mang ái ân mang tình yêu tới (NTMiên)
Anh làm mùa thu cho em mơ màng (Việt Anh)
Vừa khi mùa thu gieo thương nhớ
Làm tôi ngơ ngẩn nhìn qua hồn thơ (HTThơ)
Nhưng, nói như Vũ Thành An, “tình vui” thì “theo gió mây trôi” nên nét đặc thù của tình thu là tình buồn. Không buồn thì chưa phải là tình yêu!

Lạnh lùng sương rơi heo may/Buồn ngơ ngác bóng chim bay
Mây tím giăng sầu đó đây/Ngày đi chiều mang sầu tới… (PMCương)

Lá rơi bên thềm gợi nhớ thương/Tìm trong lá thu vàng trên lối đi về dĩ vãng (LTNguyễn-NHiền)

Đấy: lạnh lùng, ngơ ngác, giăng sầu, nhớ thương, thu vàng, dĩ vãng…! Cảnh buồn, lòng cũng buồn. Nghe lướt qua hàng chục bản nhạc thu, không có lời nhạc nào nói đến hạnh phúc, tương lai, hân hoan, mừng vui. Chỉ toàn là tàn tạ, héo hon, buồn chán. Mùa thu đẹp và…(tinh) quái (ác): hễ dính đến mùa thu là dính líu đến nhớ tiếc, xa cách, chia lìa:

Thu nay vì đâu tiếc nhiều/Thu nay vì đâu nhớ nhiều (ĐChuẩn-TLinh)

Chiều tàn mưa thu lạnh buốt tim tôi/xót xa duyên tình hai lối (Vân Tùng)

Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá/Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa (TKhanh)

Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại

Em ra đi mùa thu, sương mờ giăng âm u (PTCầu)

Không những thế, thu là mùa của nước mắt: khóc! Vũ Đức Sao Biển ngồi khóc mùi mẫn một mình giữa núi đồi: 

Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương,

Trong mênh mông chiều sương

Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín

Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay.

Phạm Duy thê thiết hơn: khóc trong nghĩa trang

Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều/Mùa thu trút lá nghĩa trang đìu hiu.

Không biết khóc ở đâu, nhưng nước mắt mùa thu trong Ngô Thụy Miên dạt dào hơn và…mau hơn:

Chiều thu nhẹ lướt hồn mang mang sầu

Dạt dào lệ mãi tuôn mau

Người xưa thôi khuất xa

Thu về mang giá băng, buồn trôi ngàn năm.

Nghe một số nhạc thu

Trong một ca khúc hay, nhạc và lời phải hòa quyện với nhau, nâng đỡ lẫn nhau. Dẫu vậy, có một số bản nhạc, giai điệu thì hay nhưng bị những lời ca sáo rỗng, lập đi lập lại, hoặc chữ nghĩa thiếu “chăm sóc” làm hỏng. Với tôi, có một số ca khúc nổi tiếng, giai điệu thì rất “sang” nhưng “lời nhạc” kèm theo có đoạn nghe “ngây ngô” đến độ khiến tôi phải bị chững lại. Quả là “lời” đã hại “nhạc”, thật đáng tiếc! Ngược lại, cũng có một số bản nhạc chỉ có vài giai điệu nghe rất bình thường gồm một vài hợp âm “tiêu chuẩn” nhưng lời ca hayđã làm giai điệu nghe “sang” ra. Trịnh Công Sơn chẳng hạn. Xin được nhắc lại một ý kiến của tôi trong một bài viết trước đây bàn về lời ca trong nhạc Phạm Duy và Trịnh Công Sơn: “ …ca từ của Phạm Duy và Trịnh Công Sơn có thể tách riêng khỏi nhạc, tự tồn tại một mình. Ngoài giá trị về "lời nhạc" (lời để hát), chúng có thể được nghiên cứu như những văn bản về mặt văn học. Nghĩa là, chúng ta vẫn có thể nghiên cứu chúng một cách riêng biệt mà không cần lưu tâm đến nhạc. Do vậy mà hầu hết những số báo đặc biệt hoặc những bài viết về Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, ngoài một số đánh giá thuần túy về phương diện âm nhạc, đều được viết dưới dạng phê bình hay nhận định văn học.”

Âm thanh cần ngôn ngữ. Một ca khúc hay đòi hỏi một sự cộng hưởng tích cực giữa nhạc và lời. Sang, sến, dở, hay…từ đó mà ra.

Đặng Thế Phong (1918-1042)

(Hình: vi.vikipedia)

Trong số những ca khúc viết về mùa thu, tôi thích nhất lời ca trong mấy ca khúc của Đặng Thế Phong. Người nhạc sĩ này không những tài hoa trong các giai điệu mà còn tài hoa cả trong sáng tác lời. Lời ca trong ba bản nhạc “Trăng Thu”, “Giọt Mưa Thu”và “Con Thuyền Không Bến” được ông viết đến nơi đến chốn, đẹp cả về hình ảnh lẫn ngôn ngữ, đọc lên nghe như một đoản văn hay thậm chí, như một bài thơ. Chúng sống động, rất “thu”, rất sáng tạo, khiến ta có cảm tưởng như ông đã sáng tác chúng một cách riêng biệt, không lệ thuộc vào các giai điệu. Trong “Trăng Thu”, hình ảnh “trăng” thật đẹp và sinh động:
Vườn khuya trăng rãi hoa đứng im như mắt buồn
(…) Trăng xuống dần cỏ cây thêm âm thầm

Dâng buồn trong ánh sao

Diễn tả một đêm thu khuya trăng sáng trong vườn thật hết ý: trăng rãi, hoa im, mắt buồn.

“Giọt Mưa Thu” đặc tả một ngày “mưa thu” với những chi tiết cụ thể: giọt mưa rơi ngoài hiên, mây trôi, chim kêu hiu hắt…:
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
(..) Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
Trong“Con Thuyền Không Bến”, ta nghe tiếng “gió thu” xuyên qua cây lá:
Trong cây hơi thu cùng heo may
Vi vu qua muôn cành mơ say

Miền xa lời gió vang thông ngàn

Ngôn ngữ lạ và chính xác: hơi thu, cành mơ say, miền xa lời gió…

Phải có một tâm hồn mẫn cảm với thơ và văn mới tả được “trăng”, “mưa” và “gió” thu một cách sinh động như thế. Hình ảnh chọn lọc mà chữ nghĩa cũng chọn lọc. 

Trong lúc đó, ở mấy bản nhạc thu của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” và “Thu Quyến Rũ”, lời ca không trau chuốt bằng; nói chung, chúng đơn giản, nhẹ nhàng, chân thành, nghe như những lời tâm sự đời thường. Nhưng khi hát lên, ta cảm thấy những cái “đời thường” đó bỗng “sang” hẳn ra.Theo tôi, có thể nói, các giai điệu của các bài hát đã nâng những lời ca này lên thật cao, cao hơn hẳn những gì chúng muốn diễn tả:

Đập gương xưa tìm bóng
Nhưng thôi tiếc mà chi
Chim rồi bay, anh rồi đi
Đường trần quên lối cũ
Người đời xa cách mãi
Tình trần khôn hàn gắn thương lòng (Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay)
(…) Đêm đêm nhìn cây trút lá
Lòng thấy rộn ràng ngỡ bóng ai về.
(…) Mầu áo xanh là mầu anh trót yêu

Người mơ không đến bao giờ.(Thu Quyến Rũ)

Riêng tôi, mỗi lần hát lên những câu như “nhưng thôi tiếc mà chi, chim rồi bay anh rồi đi” hay “người mơ không đến bao giờ”, tôi có cảm giác như được bay ra khỏi thế giới ngôn ngữ bình thường. Nỗi buồn chúng gợi ra nghe như đậm đà và da diết thêm.

Trong số nhiều bản nhạc thu về sau này, tôi thích “Thu Ca” của Phạm Mạnh Cương. Người nhạc sĩ này đã sáng tác những lời ca sống động với nhiều nét tinh tế bất ngờ. Rõ ràng là ông chú trọng đến nội dung của lời ca, cố gắng chọn lọc chữ nghĩa và hình ảnh để diễn tả tâm cảm phức tạp của mình. Sóng đôi với nhịp tango tình tứ, “Thu Ca” mang lại cho người nghe những cảm xúc sâu lắng về khung cảnh man mác của mùa thu. Cần ghi nhận một nét đặc biệt: Phạm Mạnh Cương chú trọng đến việc gieo vần khiến khi đọc riêng, lời ca trở thành một bài thơ khá hoàn chỉnh:
Lạnh lùng sương rơi heo may
Buồn ngơ ngác bóng chim bay
Mây tím giăng sầu đó đây
(…) Làn sương chiều thu lả lơi
Tiếng mưa rơi nhẹ trên lối
(…) Chiều thu về đây lạnh lẽo
Mà sương chiều rơi hắt hiu
Gió xa đưa nhẹ tiếng tiêu
Hình ảnh chiều thu được diễn tả qua lời ca thật đẹp và buồn:
Màu chiều thu reo lá úa
Buồn se sắt nhớ Thu xưa
Lời ca trong “Anh Đã Quên Mùa Thu” của Nam Lộc và Trường Kỳ cũng có những câu khá mượt mà như thế:
Chiều vắng khói sương mù
Hàng cây khô sầu úa
Hiu hắt đứng trong mưa
“Hàng cây khô” hiu hắt “đứng” trong mưa: một hình ảnh đẹp ngậm ngùi, đắc giá!
“Mùa Thu Trong Mưa” của Trường Sa cũng có những lời ca thi vị:
chiều mưa không có em
giăng mắc mây không buồn trôi
Chiều mưa không có em
đường phố quên chưa lên đèn
Hai chữ “quên” và “chưa” trong câu cuối gợi nên một cảm giác lạ và bất ngờ!

*

Những ca khúc nói trên đều đề cập đến mùa thu một cách chung chung, có tính cách điển hình, diễn ra ở bất cứ nơi nào trên đất nước, không gợi cho người nghe một địa danh nào cụ thể nào. Thu là thu, đâu cần phải biết là ở chỗ nào! Mấy ai nghe nói đến thu Huế, thu Đà Lạt, thu Sài Gòn hay thu Đà Nẵng, Hải Phòng…Ấy thế mà ta lại có mùa thu Hà Nội. Y như thể nó khác với mùa thu ở những nơi khác. Hà Nội có những nét riêng nào để chiếm lĩnh được tâm hồn những người nhạc sĩ như thế?
Trong bài “Kỷ Niệm Mùa Thu Hà Nội”, Vũ Cẩm mô tả Hà Nội với những chi tiết khá đặc thù:
Một chiều Hồ Tây xanh xanh lộng gió
Hà Nội mùa thu tràn ngập nắng vàng
(…) Chiều tím Hồ Tây.
Khác hẳn khi về phương nam: 
Trở về phương nam một ngày đầy nắng
Xa Hà Nội
Xa mùa thu yêu dấu
Về phương nam nghe điệu lý qua cầu

Trịnh Công Sơn, qua hai bài “Đoản Khúc Thu Hà Nội” và “Nhớ Mùa Thu Hà Nội”, cũng đưa ra những hình ảnh chỉ Hà Nội mới có:

Cây cơm nguội vàng,

Cây bàng lá đỏ 

Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm sâu…

(…) Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió

Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ

Thì ra là thế! Cây bàng, cây cơm nguội, phố xưa, mùa cốm…Giữa những thứ đó, lá, nắng, mưa Hà Nội đâm ra cũng có khác mà chỉ Trịnh Công Sơn mới nhìn ra chăng?

Xôn xao con đường xôn xao lá

Nhòe phố mong manh nhòe phố mưa

Chợt nắng long lanh chợt nắng thưa.

Đọc những câu như thế này, tự chúng, dường như đã có giai điệu. Thêm giai điệu vào, ngôn ngữ càng được sức vẫy vùng.

Thêm một nét Hà Nội nữa: “hoa sữa”. Theo một bài báo được đăng tải trên nhiều trang mạng, thì “Mùa hoa của nó thực sự bắt đầu từ cuối tháng 9 và kéo dài đến khoảng đầu tháng 12 Dương lịch. Thường thì càng về cuối vụ, hương hoa sữa càng đậm hơn. Và đặc biệt về đêm, nhiệt tích tụ của một ngày càng kích thích hoa sữa nở rộ. Từng cây đơm hoa trắng thành cụm xum xuê, gió heo may đẩy hương hoa bay xa.”

Tuy nhiên, “Mùi hương ngào ngạt của nó tạo cảm giác đau đầu, khó chịu.” Nó tỏa hương ngào ngạt về đêm đến nỗi “dân tình khốn khổ tìm đủ cách xoay sở.” Thì ra, trong cái đẹp, cái thú cũng chứa đựng điều không thú. Tuy nhiên, với nhạc thu, hoa sữa vẫn là thành tố đáng yêu của mùa thu Hà Nội. Thì làm sao khác được.

Thái Thanh và Trần Quang Lộc (1949-2020)(Hình: Facebook Trần Quang Lộc)

Ngoài ra, có một ca khúc rất hay cả giai điệu lẫn lời ca: “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội” của Trần Quang Lộc. Tuy nhiên, khác với mấy ca khúc trên, tất cả mùa thu diễn tả ở đây chỉ bao gồm trong hai chữ “mùa thu Hà Nội” mà không kèm theo một hình ảnh cụ thể nào. Chẳng hoa sữa, cây bàng, lá vàng, hàng me, hồ Tây… Mùa thu Hà Nội chỉ là nỗi nhớ, là lòng mong ước, là nỗi khát khao được đến Hà Nội. Chỉ vì người viết lời, Tô Như Châu và người viết nhạc, Trần Quang Lộc, cả hai đều chưa hề đặt chân tới Hà Nội bao giờ. Ấy thế mà ca khúc này lại được khán giả lẫn giới chuyên môn và cả chính người Hà Nội cho là “thấm đẫm chất Hà Nội”. Cũng là điều lạ lùng!

Tháng tám mùa thu lá rơi [khởi] vàng chưa nhỉ

Từ độ người đi thương nhớ âm thầm

Có phải em là mùa thu Hà Nội

Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm

Câu đầu tiên trong bốn câu trên: lá “rơi” vàng hay “khởi” vàng? Tìm trong Internet, có nơi thì ghi là “rơi”, có nơi thì ghi là “khởi”. Hầu hết các ca sĩ đều hát “lá rơi vàng”, chỉ có Hồng Nhung là hát “lá khởi vàng”. Nguyên văn bài thơ ghi là “khởi vàng”. “Khởi vàng” thì có nghĩa hơn và lạ hơn là “rơi vàng”. Lá khởỉ vàng chưa nhỉ = lá đã bắt đầu trở màu vàng chưa.

*

Đã tháng 12 rồi, trời vào cuối thu. Cuối thu hay đầu thu thì cũng là thu. 

Mời tất cả quý độc giả tìm thưởng thức một số nhạc thu yêu thích trước khi mùa đông đến.

Trần Doãn Nho

(12/2020)

__________________________________ 

(*) Ghi chú: Bài viết này đã được đi hai kỳ trên nhật báo Người Việt-California vào các ngày 25/11/20 và 9/12/20 được nhuận sắc lại đôi chút.

CHÚ THÍCH :

1 Xem ở:Tiền Vệ:

http://www.tienve.org/home/music/viewMusic.do?action=viewArtwork&artworkId=2235

2 Tình hiện thực trong ca từ của Phạm Duy. 

Xem: http://talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1266&rb=0206

https://kenh14.vn/khi-mua-hoa-sua-ve-thom-tung-con-gio-tro-thanh-noi-am-anh-voi-nguoi-dan-thu-do-20171129170411533.chn

http://gaga1938.blogspot.com/2017/11/huong-hoa-sua-gan-voi-mua-thu-ha-noi.html

4 Một chút cóp nhặt về "Có phải em mùa thu Hà Nội", xem:

https://hopamviet.vn/info/related/47/mot-chut-cop-nhat-ve-co-phai-em-mua-thu-ha-noi.html