Người ta lúc mới sinh ra đời tính vốn thiện (Nhân
chi sơ tính bản thiện). Hay vốn ác? Câu nói đó đã được đặt ra từ
ngàn xưa. Thiện chăng? Rồi vì hoàn cảnh xấu xa mà biến thành ác. Hay
ác chăng? Rồi nhờ hoàn cảnh tốt đẹp trở thành thiện. Hay người ta
lúc mới sinh ra không thiện, không ác. Môi trường sống, hoàn cảnh
sống, trình độ giáo dục, chế độ xã hội, vân vân, sẽ quyết định bản
tính của con người? Hay mỗi người là một cá thể riêng biệt trong đó
thiện hay ác có tính cách tiên thiên, tiền định. Hoặc do nghiệp duyên
như trong giáo lý nhà Phật?
Vậy thì cá nhân tôi nên được sắp vào loại mục nào? Có khá hơn một số loài thú dữ trong rừng hay không về mặt thiện, ác.
Số là.
Hồi nhỏ tôi thích nhìn ngắm chim đậu trên cây, và
nghe nó hót. Hình dáng của nó trông thật đẹp đẽ, thanh thoát, tiếng
nó hót nghe thật du dương, êm ái. Mà cũng kỳ cục, lại rất thích bắn
chim. Tôi có tay “sát điểu”, bắn ná cao-su giỏi, để phân biệt với mấy
thằng nhóc khác có tay “sát ngư”, câu cá giỏi. Những giờ rảnh rỗi đi
học về hoặc cuối tuần, tôi thường xách ná đi bắn chim. Lúc đó tôi
học lớp sáu hay lớp bảy trung học, mỗi khi đi bắn chim có mấy đứa
con nít cùng xóm đi theo. Con nít thích tôi, tôi cũng thích chúng nó.
Gặp chim gì cũng bắn, chim sẻ, chim sáo, chào mào, cà cưỡng, bồ
chao, cu gáy, cu ngói, chèo bẻo ... Hay những loại chim nhỏ tôi không
biết tên, thì gọi chung là chim sâu. Có hôm thấy chim giàng giàng cánh
lớn bay lượn trên không trung, tôi giương ná bắn đại. Thế mà chó ngáp
phải ruồi, trúng. Con chim bị đạn lạc (đạn: đá cuội nho nhỏ, tròn
tròn, bắn mới chính xác), rơi chập chờn như chiếc lá to bảng. Đúng
ra, khi rơi nó chưa chết, cố vẫy cánh lần cuối cùng.
Hạ xong một con chim, tôi lấy mảnh chai cứa lên nạng
ná một vạch nhỏ làm dấu ghi thành tích. Hết chỗ làm dấu thì thay
nạng ná khác. Mấy em bé đi theo có khi phải chui qua hàng rào tre,
hóp vào vườn người ta để lượm chim bị hạ, có khi phải chui vào bụi
rậm gai gốc, trầy trụa cả chân tay. Thế mà chúng cũng tranh nhau để
được tôi chọn chạy lượm chim. Chờ bắn hạ được vài ba con, tôi bảo
chúng nó làm thịt. Đứa thì nhổ lông chim, đứa thì lấy dao mổ bụng
chim moi hết ruột gan vất đi, đứa thì nhóm lửa. Xong, nướng. Chia nhau
ăn mỗi đứa một miếng nhỏ xíu, thơm thơm, beo béo, tanh tanh. Tụi nó
nhường cho tôi ăn thêm cái đầu. Hai ngón tay cầm lấy mỏ chim đã bị
cháy khét, đun đầu chim vô miệng, nhai rụm rụm, khoái trá. Cuộc “đi
săn tập thể” thế là đã được kết thúc một cách vui sướng, thơ
ngây.
Nhưng riêng tôi nỗi hân hoan lớn lao hơn nhiều mà đám
nhóc con đó không hề biết. Đứng núp dưới hàng rào hay dưới một lùm
cây, nheo một mắt, giương ná bắn. Trúng. Một tiếng động nhỏ vang lên,
một sinh vật mất mạng. Con chim càng lớn càng tốt lao đao rơi xuống
đất cùng một lúc với nỗi thích thú khó tả thành lời tràn dâng lên
rào rạt trong lòng tôi. Có lẽ người lớn săn heo rừng, nai, cọp còn
sung sướng hơn tôi nhiều khi hạ được con thú dữ.
Tôi bắn ngọt tay lắm. Một hôm tôi đang đứng dưới gốc
cây khế nhìn xem có trái nào ăn được chưa bỗng hai con chim chào mào
gặp lúc xui xẻo từ đâu bay sà tới đậu trên một cành khế nhỏ. Tôi
thì may mắn có mang theo ná. Nín hơi thở, nhắm kỹ, bắn một phát,
một con rơi xuống. Con kia ngơ ngác nhìn theo rồi tính bay đi. Tôi ráp
đạn kịp bắn tiếp. Trúng luôn, kêu cái bịch. Nó chết theo vợ hay
chồng nó. Niềm vui trong tôi nhân lên gấp bội.
Lại một lần không có con nít đi theo, tôi tình cờ
thấy một con chim lông vàng ánh đậu trên một cành mai chưa trổ bông.
Màu vàng của lông núp sau màu xanh của lá trông thật mát mắt. Tôi
không biết nó là chim gì, nên cứ gọi chim hoàng oanh. Con chim đẹp
quá, tôi không nỡ bắn chết. Phải bắt về nuôi. Nhưng làm sao đây? Rút
ná cao su bắn rất nhẹ, mong nó chỉ bị thương qua loa và rơi xuống cho
tôi bắt. Bắn trật, nhưng nó không bay đi nơi khác. Lạ quá nhỉ. Bắn
tiếp, cũng nhẹ thôi, và cũng trật. Nó vẫn đứng yên sau mấy chiếc lá
xanh, bộ lông vàng càng lộng lẫy. Dường như nó không có vẻ sợ hãi
chút nào. Nếu bắn mạnh, đạn sẽ bay thẳng, trúng ngay. Lần thứ ba,
tôi kéo ná căng hơn một tí, vậy mà cũng trúng. Nó rơi xuống đất rất
nhẹ, hầu như không phát tiếng động. Tới lượm nó lên. Thì ra con chim
non, cánh còn ngắn, có lẽ mới tập bay, sợ tôi quá, đậu dí lại một
chỗ.
Tôi ấp nó trong lòng hai bàn tay cảm thấy hơi ấmcủa
nó, sức sống của nó, truyền qua bàn tay tôi một cách thật mơ hồ. Ô,
không khéo nó chết mất, tôi tiếc. Tôi cũng cảm thấy cái mịn màng êm
đềm của bộ lông tơ nõn. Bỗng nó rùng mình. Thế là nó chưa chết. Tôi
sung sướng quá, âu yếm nhìn nó kỹ hơn. Một vệt máu nhỏ dưới bụng.
Mong nó không đau lắm. Có lẽ tôi đoán không sai vì nó không kêu than gì
cả, chỉ giương đôi mắt trong, tròn, ướt, nhìn tôi vô hồn. Tôi không quên
lấy thuốc đỏ bôi vào vết trầy nhẹ trên bụng con chim.
Tôi mang về nuôi. Mang gạo tới, nó chưa biết mổ. Chắc
nó còn nhỏ quá, phải cho nó ăn thứ gì mềm hơn. Nhớ hình ảnh chim
mẹ tha mồi về cho mấy con chim con trong tổ. Chim con há to miệng, chim
mẹ đút miếng mồi sâu vào cuống họng của chim con phòng khi chim con
chưa biết nuốt, mồi khỏi trệu trạo ra ngoài. Thế là tôi đi bắt cào
cào, ngắt cái đầu và sáu cái chân cứng vất đi, rứt bớt lớp cánh
cứng bên ngoài, phần còn lại nhử nhử cho nó há to miệng. Nó vẫn
không chịu mở mỏ. Tôi banh mỏ nó ra, nhét cào cào sâu vào. Tôi mong
nó ăn nhiều, no bụng, mau lớn, mau lành vết thương.
Tôi tìm mua được một cái lồng tre nhỏ, bắt một thanh
ngang vào cho nó đậu. Dần dần nó biết mừng rỡ vì sắp được cho ăn
khi tôi đi học về. Tôi thấy bàn tay tôi to quá so với cái đầu của con
chim mẹ, khiến nó sợ, cho nên tôi chẻ một khúc tre nhỏ kẹp con cào cào
vào, và nhử nhử trước miệng nó. Sau một thời gian ngắn, con chim tự
nó há mồm. Thế là nó đã trải qua khỏi giai đoạn bị banh mỏ. Tôi vui
mừng hết sức.
Một buổi sáng trên đường đi đến trường, tôi sực nghĩ
tôi đã quên đóng cửa lồng chim lại. Nhưng tôi không lo lắm vì nó chưa
biết bay, chắc không dám ra khỏi lồng. Hết buổi học về đến nhà, vui
mừng thấy nó lần đầu tiên đứng đậu trên thanh tre bắt ngang trong
lồng, nghiêng cái đầu xinh xinh nhìn ly nước đặt cạnh đấy. Cất vội
sách vở vào bàn học, tôi ra cho chim ăn và “trò chuyện” với nó. Rồi
tôi kéo thanh ngang ra, chìa ngón tay vào thay thế thanh tre, nhưng nó
nhất định không nhảy đậu lên ngón tay của tôi.
Những hôm sau tôi cũng kiên nhẫn làm như thế. Thì một
hôm, nó nhìn tôi lâu hơn mọi ngày, con mắt tròn long lanh, rồi kêu lên
một tiếng chíp - lần đầu tiên tôi nghe nó kêu, vô cùng sửng sốt. Vậy
ra nó không câm. Không những thế, nó nhảy gọn lên ngón tay của tôi. Tôi
thích quá, thích hơn xa cái nao nao trước kia những khi tôi bắn trúng
chim đậu trên cành rơi xuống đất. Tôi rút tay ra khỏi lồng có con chim
đậu trên ngón tay. Rồi hai bàn tay của tôi ôm kín lấy con chim, chỉ
chừa cái đầu ló ra với hai con mắt trong, tròn, thơ dại, nhìn lại tôi
một cách tín cẩn. Hơi ấm của nó, ấm hơn hôm nó bị bắn nhiều,
truyền qua bàn tay tôi run run vì sung sướng. Tôi biết chắc rằng nó sẽ
không chết, sẽ ở lâu với tôi. Tôi định đem nó ra nơi tôi và nó gặp
nhau lần đầu tiên trong đời, tức là cây hoa mai, xem nó còn nhớ gì
không.
Bỗng tôi thấy con mèo nằm lười như đang ngái ngủ ở
góc thềm dưới hiên nhà. Chắc chắn là con mèo đang giận tôi, vì mấy
hôm nay tôi không ngó ngàng gì đến nó. Làm bộ lim dim đôi mắt, thật ra
nó theo dõi tôi sát nút. Tôi lo sợ rằng nếu tôi lỡ quên đóng cửa
lồng, có ngày con chim sẽ là miếng mồi ngon của con mèo này. Mà dù
tôi có nhớ đóng cửa lồng, con mèo thò tay vào chứ cần gì phải chui
đầu vào? Tôi lo bấn xúc xích.
Tôi từng biết những tài lạ của con mèo. Bắt chuột,
bắt chim là chuyện nhỏ, con mèo này còn bắt cả ruồi. Thấy tôi hay
đập ruồi, thường trật, nó bèn chụp ruồi, được ngay. Lần đầu nó vồ
được con ruồi liền giở bàn chân lên, con ruồi bay đi mất. Lần tiếp
theo khi vồ xong, nó dí con ruồi dưới chân, chà lui chà tới nhè nhẹ
rồi mới giở chân lên, con ruồi chưa chết nhưng bay hết nổi. Xong, nó
đưa mắt nhìn tôi ra vẻ muốn bàn giao báo cáo công tác hoàn thành.
Báo cáo một cách lãnh đạm. Chứ nó đâu thích ăn ruồi.
Nó còn biết đấm lưng nữa. Số là nhà tôi có một
bức tường lửng ngăn đôi phòng ngoài và phòng trong. Một chiếc giường
nhỏ đặt ở phòng trong. Một lần tôi nằm chơi trên gường, nó ngồi trên
cao, trên thành bức tường nhìn tôi. Tôi vẫy, nó nhảy xuống giường. Tôi
chỉ vào lưng tôi, xong bồng nó để lên thành bức tường, rồi vẫy nó.
Lần đầu nó không biết ý, nhảy trật, qua lần thứ hai nó nhảy xuống
ngay trên lưng của tôi. Từ đó về sau, hễ mỏi lưng hoặc không mỏi lưng,
tôi đều nhờ nó đấm theo kiểu đó. Đã lắm.
Nó còn có một khả năng khác thường. Nếu nó là
người, tôi sẽ bảo nó biết thôi miên. Nhìn chăm chăm một chốc vào con
thằn lằn đang bò ngược trên trần nhà, rồi nó gào lên mấy tiếng kỳ
quái, thế là thằn lằn rơi xuống nền nhà cho nó bắt lấy.
Cho nên tôi rất yêu quý con “linh miêu” này. Nhưng từ
ngày bắt được con chim, “có mới nới cũ”, tôi hầu như không quan tâm
đến con mèo nữa. Nhưng công bình mà nói, tôi tạm quên thôi, vì đang
phải dồn mọi nỗ lực vào con chim bé bỏng.
Nay, như đã nói, tôi biết con mèo đang giận tôi. Tôi
giận lại. Nhìn nó lim dim đôi mắt quan sát, tôi chột dạ. Tôi cài lại
thanh tre, và đưa ngón tay vào lồng. Con chim biết ý nhảy qua đậu lên
thanh tre. Đóng cửa lồng lại cẩn thận, tôi tới con mèo. Nó vờ ngủ.
Biết tôi tới, nó vẫn nằm yên. Tôi gọi to tên nó. Nó uể oải đứng dậy
cong lưng, duỗi hai chân trước, làm vài động tác thể dục thẩm mỹ
trước khi đến giụi đầu vào bàn chân của tôi giảng hoà. Tôi xoay nó
hướng về lồng chim, rồi dí ngón tay vào đầu nó, miệng gằn gằn dặn
dò mày đừng có bén mảng tới vồ con chim của tao. Nghe chưa! Nó nhún
vai, quay người nhảy vọt lên bộ ngựa trong nhà ngang. Tôi nghĩ rằng nó
đã hiểu ý tôi. Nó vốn lãnh đạm, làm như không nghe thấy gì nhưng tôi
biết nó rất thính tai.
Một hôm đi học về, không thấy con chim trong lồng, tôi
đứng lặng người trong mấy phút. Rồi rùng rùng chạy đi tìm. Trước
hết tìm con mèo. Không thấy. Nhìn lên các cành cây trước nhà nơi tôi
thỉnh thoảng treo lồng chim, cũng không thấy con hoàng oanh đâu cả.
Hoảng hốt chạy ra cây hoa mai mà lòng không nuôi chút hy vọng nào hết.
Cuối cùng, tôi vào phòng học tìm cây thước kẽ cầm lăm lăm trong tay.
Để làm gì, tôi chả biết. Thì con mèo từ trên bàn thờ gần đó nhảy
xuống bàn học kêu lên vài tiếng dè dặt, nhỏ nhẹ, đón tôi. Thường
ngày nó kêu to hơn nhiều, tự tín, dõng dạc. Tôi ném cây thước xuống
đất, hai tay vồ lấy nó, banh miệng nó ra xem có máu me hoặc lông chim
dính vào kẽ răng hay không. Không thấy gì cả. Nó để yên tôi làm gì
thì làm. Tôi nhìn nó nẩy lửa, nó lim dim mắt nhìn lại. Bỗng nó mở
to mắt, trong veo, nhìn ra ngoài sân, vì có tiếng tàu cau khô rụng
xuống. Tôi quát: “Trợn hả?”. Nó lại lim dim.
Không làm gì được, tôi đành buông nó ra, mắt vẫn gờm
gờm nhìn nó. Nó không bỏ đi nơi khác, rón rén ngồi xuống mặt bàn
rồi đưa bàn chân phải, rồi bàn chân trái lên miệng thè lưỡi ra liếm
liếm, xong quẹt vào hai bên mặt. Lại trêu ngươi chắc?Tôi dùng ngón tay
cái và ngón tay trỏ nắm chặt cái vành tai mỏng dính của nó định
kéo đầu nó lên tra khảo, nhưng thấy mình ức hiếp nó một cách vô lối
quá, đành thôi.
Phải đi tìm cho ra con chim bé bỏng của tôi. Biết tìm
đâu?
Từ khi về sống với tôi -ủa, nó có tự ý về chăng,
tôi sực nhớ - con chim chưa có dịp thử đôi cánh. Nay nó đâu rồi, tôi
mong rằng nó không bị con mèo vồ. Mới hôm qua, để ý thấy lông cánh
của nó có dài ra phủ gần tới đuôi, lòng tôi nao nao. Tôi tự an ủi
rằng bây giờ chắc nó đã bay được. Sẽ bay xa dần, cao dần, bay qua mái
nhà, bay lên trên mấy ngọn cây đu đưa, bay qua con sông dùng dằng. Nghĩ
đến điều đó, tôi bỏ cái ý định đi tìm. Thôi nhé, hãy bay xa thêm
nữa, cao thêm nữa, thoát ly, dù trước khi bay, con hoàng oanh xinh xắn
quên chào từ biệt người đã hết lòng thương yêu và chiều chuộng nó.
Và cũng từ đấy, tôi mất hẳn cái thú vui lớn lao nhất của tôi khi
còn là thằng học trò ưa rong chơi có phần hơn cả sách vở nhà
trường: Tôi không bắn chim nữa.
Bao năm tháng trôi qua, nay tôi đã già yếu. Lại xa quê
hương, sống trên một căn hộ nhỏ miền Nam Cali nước Mỹ này. Không có
khu vườn với đám cây ăn trái để gọi chim về, không có láng giềng tâm
đắc chuyện trò khi rảnh rỗi – mà tôi có bận việc gì đâu --không có
những con đường nhỏ vắng xe lui tới thân thương quen thuộc. Tất nhiên
không có khả năng nuôi mèo, nuôi chó, nuôi chim.
Ngày ngày đi ra khỏi cửa một quãng rất ngắn rồi
vội đi vô, làm như sắp bị lẫn, đi xa sợ không nhớ đường về. Ô, không
phải thế, hay chưa phải thế đâu. Không dám đi xa là vì cơn đại dịch
đang đánh phá khắp nơi, coi chừng xui xẻo tên bay, đạn lạc. Những mũi
tên, những viên đạn nhỏ như chưa bao giờ nhỏ thế, lại vô hình,vô
tướng, vô tình bay vẩn vơ trong không gian rồi theo gió sa vào tóc, vào
tai, vào vai, hay từ miệng những người “dương tính” quên mang khẩu trang
phọt ra bất ngờ làm sao biết trước để tránh né. Ở nhà cố thủ may
ra còn sống thêm được ngày nào hay ngày ấy.
Tôi tự hỏi bao giờ loài người mới có thể vượt qua
khỏi tai ương khủng khiếp này. Khi đó những mất mát có lẽ khủng
khiếp lắm. Khi đó, biết đâu vì ở nhà lâu quá tạo nên một thói quen
mới, đâm ra sợ không gian, sợ choáng ngợp, sợ xe cán, sợ cả người
đồng loại. Và nhất là sợ khi tìm lại bạn cũ sẽ thấy người nào
người nấy già nua, mệt mỏi, ủ rũ, hoặc có khi đã đi xa thật xa. Quả
thế, đã có một số bạn bè vĩnh viễn ra đi trong cơn dịch tễ
này.
Bó chân ru rú tại nhà thì làm gì cho hết ngày? Xem
TV, mở Internet, điện thoại với con cái, bạn bè xa gần. Trời lạnh,
rang đậu phụng ăn cho đỡ buồn miệng, pha thêm cà phê uống cho đêm không
ngủ được. Hay đọc sách. Thì giờ còn lại ngồi lên, nằm xuống, thức,
ngủ. Ngủ nhiều hơn thức chẳng khác gì trẻ thơ đang nằm nôi. Và những
bữa ăn không theo đúng giờ giấc. 11 giờ ăn sáng, 5 giờ chiều ăn trưa.
Ăn tối qua loa bữa có bữa không vì lười nấu mà cũng không thấy đói.
Sinh hoạt thường ngày bị thay đổi dần.
Một hôm mở youtube tình cờ thấy cuộc
sống trong rừng. Bèn chăm chú coi. Vì phải “tôn trọng luật rừng”, cho
nên con thú nào cũng cảnh giác qua từng cử động, bước đi, nhất là
cặp mắt. Những cặp mắt truy lùng, dữ dội của loài mạnh, hoặc ngơ
ngác, sợ hãi của loài yếu. Mới lọt lòng mẹ, nhất là loài yếu, nai
chẳng hạn, đã phải chống chỏi bốn chân như bốn que củi lung lay, run
rẩy một vài phút, rồi chập chững bước tới, rồi chạy lúp xúp theo
mẹ. Phải thế chứ, mẹ nó đâu có thể ở đó mà chờ nó, ru nó, nựng
nó như con người trông nom con cái, “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết
bò, chín tháng lò dò biết đi”. Biết bao loài thú dữ khác đang đói
bụng sẵn sàng xơi tái cả hai, nếu mẹ con con nai không lỉnh đi nhanh
chỗ khác chơi.
Youtube tiếp tục quay cảnh con nai mẹ bị
hai ba con sư tử cái rượt bắt. Sư tử đực thì nằm oai phong trên mô đất
cao quan sát cuộc săn đuổi. Vâng, sư tử đực nằm trông cũng oai vệ như
ông tướng ngày xưa gò ngựa trên ngọn đồi nhỏ vung gươm điều khiển ba
quân. Sau nhiều lần chạy quanh co “trốn lính”, con nai bị một con sư tử
vồ trúng lưng. Gượng chạy thêm mấy bước có con sư tử đeo dính, nai
nhào lăn. Con sư tử nhanh nhẹn chồm tới ngoạm vào cổ con nai. Nai nằm
ngửa, vùng vẫy. Một con sư tử nữa chồm tới tiếp sức. Cuối cùng con
nai chỉ có thể đưa bốn vó lên trời cựa quậy yếu ớt. Sư tử đực lúc
đó mới rời mô đất cao, khoan thai chạy tới ngang nhiên chia chiến lợi
phẩm, giành phần lớn.
Một con sư tử cái khác chẳng hiểu vì sao không tham
gia cuộc săn đuổi, trái lại đi uể oải trên con đường rừng gần đấy,
thì gặp con nai con vừa mới lọt lòng mẹ. Có lẽ con nai con này không
chạy theo kịp mẹ bị sư tử đuổi bắt, ngơ ngác đứng dưới một bụi
rậm. Con sư tử từ từ tiến tới. Cũng lạ thật, mới lọt lòng mẹ, bộ
lông còn ướt, mà đã biết chuyện gì sắp xẩy ra, con nai con vội chạy
trốn. Chỉ một cái vớ chân nhẹ, con sư tử đã túm được con nai sơ sinh.
Tôi nghĩ thầm, thế là xong thêm một đời, thế là cả hai mẹ con con nai
cùng chết một lúc.
Con sư tử dí bàn chân to lớn đè con nai xuống. Có lẽ
đè nhẹ. Con nai con nằm rạp trên mặt đất, bốn chân co quắp, không cựa
quậy. Mới ra đời mà đã biết sợ, đã biết khép nép dưới bàn chân to
lớn của chúa sơn lâm. Bỗng con sư tử chồm đầu xuống, và thè lưỡi
liếm bộ lông còn ướt của con nai con. Liếm rất kỹ, đầu, cổ, lưng,
bụng, đuôi. Con nai kêu lên những tiếng nho nhỏ, có lẽ không phải vì
đau, mà vì sợ. Liếm lông xong, sư tử há mồm, nhe bốn chiếc răng nanh
dài nhọn hoắt. Con sư tử này ưa sạch sẽ chăng cho nên liếm sạch lông
trước khi nhe răng ra nhai rồi nuốt? Nhưng đã liếm thì đồ bẩn cũng
vào miệng mất rồi, tôi nghĩ thế. Đúng là lối giữ vệ sinh “không
đúng quy trình” của loài vật.
Nhưng tôi nghĩ sai. Nó không nhai, không nuốt, chỉ cạp
nhẹ vào cổ con nai, rồi nâng lên, ngồi dậy, tha đi. Tôi lại đoán nó
muốn đem con nai con về làm quà cho đấng trượng phu đầu đàn. Con nai
kêu to hơn, lần này có lẽ vì đau. Sư tử bèn đặt nai xuống đất. Nai
mừng rỡ, vẫy đuôi rối rít, cái đuôi ngắn mới nhú ra. Con sư tử lại
nằm dài, một chân trước ấp lên mông của con nai. Con nai sơ sinh mà đã
biết vâng lời, nằm yên, cái đầu thò ra, hai con mắt nhìn ngơ ngác, sợ
hãi.
Đằng xa, một bầy linh cẩu mắt điên dại, lông vàng,
nâu, đen lẫn lộn dơ bẩn, cái mỏ xám ngoét sùi bọt mép, răng nanh
chìa ra nhọn hoắt, chạy dai dẳng quanh đám sư tử đang cấu xé con nai
mẹ vừa ngã gục. Một vài con linh cẩu chạy tới chỉa mỏ vào định ăn
ké, bị con sư tử đực chồm tới xua đuổi. Linh cẩu không tỏ vẻ sợ hãi
gì cho lắm, bỏ chạy cầm chừng, không xa, rồi đứng kiễng chân, hai chân
trước dài hơn hẳn hai chân sau, ngỏng cao cổ lên nhìn và chờ. Hẳn là
chờ sư tử ăn không hết, hay bị quấy rầy mãi phải bỏ đi, thì mò tới
ăn mót chút thịt thừa, gặm mấy mẩu xương còn dính máu đỏ loét. Trên
bầu trời cao hàng mấy chục chim kênh kênh đầu trọc nhăn nheo bay lượn
vòng vòng. Có con hạ xuống đất, đi lúc lắc từng bước sau mấy lùm
cây khẳng kheo gần đó. Bị linh cẩu chạy tới đuổi, kênh kênh lại bay
lên không trung. Xa hơn nữa, đàn trâu rừng đen nhẻm có đến năm bảy chục
con, chưa kể những con còn bé lúp xúp chạy theo, tất cả đều quay đầu
về một hướng, vừa đi vừa chăm chú gặm cỏ. Và đằng xa tít tắp, bầy
sơn dương bị động phóng mình khỏi mặt đất vờn vờn như làn khói.
Một con sông cạn chảy qua cánh rừng chết chóc này,
đá tảng to lớn lổm nhổm rải rác dọc lòng sông, nước tràn qua đá
lóe lên trắng xóa dưới ánh mặt trời thiêu đốt buổi trưa. Rừng sâu
hầu như câm lặng, u uẩn. Thỉnh thoảng vẳng trong gió tiếng nước róc
rách thê lương và tiếng cười hích hích ma quái của bầy linh
cẩu.
Hai, ba ngày trôi qua. Con nai con mau lớn đã tập chạy
tung tăng trước chân con sư tử mẹ. Không chạy sau. Luôn luôn chạy trước,
và không xa “mẹ” nó. Có lẽ sư tử mẹ đã có tín hiệu nào đó cảnh
giác cho con nai con phải chạy đằng trước mới có thể dễ dàng được
bảo vệ chống lại những thú dữ khác luôn luôn rình rập kiếm
mồi.
Thật là chuyện lạ lùng. Thì ra con sư tử nhất định
không ăn tươi nuốt sống mà còn tỏ ra rất thương yêu con nai bé bỏng.
Thì cũng như mình ngày xưa thương con chim non chăng? Ô, so sánh khập
khiểng rồi. Chim chóc đâu phải là thức ăn thường ngày của tôi, trong
khi những con thú như heo rừng, trâu rừng, ngựa vằn, đôi khi cả cá
sấu, hươu cao cổ đều là “thực phẩm” của sư tử. Nai lại là thức ăn sư
tử ưa thích. Thế mà nó tha mạng sống cho con nai. Hay nó xem con nai
như thứ đồ chơi giải trí chẳng khác gì tôi thích nuôi con chim hoàng
oanh trong lồng, nuôi con mèo tinh khôn.
Nhưng cũng không phải thế. Nó “không ở đó mà” vui
chơi, đùa giỡn với con nai ấy. Ngày đưa nai đi gặm cỏ non, lá cây non,
đêm nằm thức canh cho nai ngủ yên giấc. Có lần nó ngủ quên. Một con sư
tử đực mon men đến sắp vồ lấy con nai cũng đang ngủ say, thì con sư
tử cái tỉnh ngủ nghe tiếng động giật mình nhổm người lên. Và chống
trả hết sức quyết liệt. Sư tử đực đành gầm gừ bò lui từng bước
một. Trong khi đó con nai con hoảng hốt nằm mẹp đằng sau con sư tử
cái.
Từ đấy con sư tử càng cảnh giác hơn. Cảnh giác bằng
cặp mắt dữ dội, soi chiếu quanh quẩn pha chút lo âu, buồn bã, bằng
những đêm không ngủ hai chân trước ôm lấy con nai, bằng những ngày dài
bám sát đưa con nai con đi hết đồi cao đến lũng sâu. Chỉ những khi âu
yếm nhìn hoặc chăm chú liếm lông con nai con, cặp mắt đó mới dịu
xuống biến thành những tia sáng rất hiền từ.
Con nai mau lớn, mập ra, bộ lông mượt mà, vàng ánh,
trong khi con sư tử ngày càng gầy gò, xương sườn nổi lên rõ dần dưới
lớp da lông sù sì màu nâu nhạt xơ xác. Nó không ăn gì cả trong nhiều
ngày. Thỉnh thoảng nó đưa con nai xuống khe, suối, cùng nhau uống
nước. Và thỉnh thoảng nó tung mình đuổi theo một con thú rừng vô
tình chạy qua gần, chỉ đuổi một đoạn ngắn, rồi đổi ý đứng lại,
tần ngần nhìn theo cho đến khi con thú kia biến mất sau những lùm cây,
những gò đống. Có lẽ nó sợ lỡ nó mải săn mồi, con nai không được
bảo vệ, sẽ bị thú khác ăn thịt.
Nếu tình cảnh này kéo dài thêm một tuần, hai tuần,
liệu con sư tử có còn đủ sức để chăm sóc và bảo vệ cho con nai?
Càng ngày nó càng đi thất thểu, uể oải, yếu đuối. Có khi con nai
chợt soãi chân chạy nhanh, con sư tử cố chạy theo một cách vất vả.
Có thể rằng nếu con nai chạy tiếp sẽ thoát vòng kiềm toả của sư
tử. Do linh tính chăng, nó chưa dám chạy xa con sư tử, vì còn biết bao
nhiêu bất trắc trong rừng sâu. Nó chạy chậm lại để con sư tử bắt
kịp, rồi ngoan ngoãn, tung tăng đi trước sư tử vài ba bước. Tất nhiên
tình trạng này đâu có thể kéo dài mãi mãi được. Và con sư tử còn
có thể nhịn đói được bao lâu nữa?
Tại sao hiện tượng này xẩy ra, tôi không thể nào
hiểu nổi. Cho nên tôi đánh liều tưởng tượng ra một “kịch bản”: Con sư
tử vừa mới sinh con, khát nước, tìm được dòng suối khá xa. Trong khi
nó đi xuống suối, lũ báo đã rình sẵn, vội vàng lẻn đến ăn thịt sư
tử con. Sư tử mẹ trở về hang không thấy con đâu cả. Đi Tìm. Thì tình
cờ gặp con nai con này. Bản năng làm mẹ trổi dậy, nó nhận con nai con
làm con nuôi.
Thì cũng như tôi, tình cờ gặp con chim non bé bỏng
bắt về nuôi, thương yêu và săn sóc nó hết lòng. Ồ, lại so sánh sai.
Tôi nuôi con chim như một món đồ chơi, mất cũng tiếc, nhưng rồi lại
tìm đồ chơi khác. Con sư tử khác hẳn. Nó đem cả sinh mạng đánh đổi
lấy sự an nguy của con nai con. Nó chịu đựng biết bao gian khổ.
Rồi chuyện phải đến, đã đến.
Một buổi tối nó cùng con nai nằm nghỉ cạnh mô đất
cao sau một ngày dẫn con nai đi kiếm ăn. Con nai trông liến thoắng, nhanh
nhẹn, tươi tắn, ngây thơ. Con sư tử thì mệt nhoài, đờ đẫn, héo hon.
Cặp mắt của nó dù mệt mỏi nhưng trông lại dữ dội hơn, quyết liệt
hơn, và cũng tuyệt vọng hơn, xót xa hơn chẳng khác gì mắt một con
chó sói bị cường địch dồn vào vách đá của một góc hang động trong
rừng sâu. Mặt trời tắt, hai con thú nằm nghỉ bên nhauchứ không lò dò
đi trong đêm như khi con sư tử còn khoẻ mạnh.
Rồi con sư tử, có lẽ mệt và đói, không cưỡng lại
nổi, ngủ thiếp. Không lâu sau đó, nó thức dậy, không thấy con nai đâu
cả. Nó quắc mắt, gầm gừ nhìn quanh. Và đi tìm. Ngày hôm sau nó cũng
thất thểu đi tìm. Có lẽ nó cũng như tôi khi không thấy con chim trong
lồng hoảng hốt tìm quanh trong khi vẫn vẫn nghi ngờ rằng con mèo đã
ăn thịt con chim. Trong rừng có lắm thú dữ, có thể con nai con đã bị
ăn thịt.
Lại ví von không đúng. Con sư tử sau đó đi tìm mãi
không thấy con nai cho đến một hôm, nó gục ngã, nằm dài bên góc rừng.
Tôi đâu gục ngã. Tình yêu của tôi đối với con chim non còn hời hợt
lắm, làm sao so sánh nổi.
Một đám linh cẩu không biết từ đâu chạy tới bao vây
tấn công. Chúng kêu hích hích, chạy quanh con sư tử nằm dài, nghiêng,
trên đám cỏ mọc lởm chởm. Một vài con mon men tới cắn thử vào chân,
vào mông của sư tử. Sư tử vẫn nằm yên. Có lẽ nó đã chết, tôi buồn
rầu. Nhìn kỹ hơn, không, nó chưa chết. Ngực và bụng của nó còn thoi
thóp nhè nhẹ. Thêm vài con linh cẩu khác chạy tới cắn vào bụng. Tôi
biết thú rừng như sư tử, cọp, beo thích ăn bụng, ruột của con mồi
trước tiên. Linh cẩu cũng thế thôi. Sư tử bèn vùng dậy chồm tới, linh
cẩu bèn chạy lui. Sư tử lại nằm dài, nghiêng, duỗi bốn chân về một
phía. Linh cẩu chạy trở lại, và lại cạp vào bụng sư tử. Sư tử lại
vùng lên. Cứ thế nhiều lần.
Tôi liên tưởng đến một video khác. Về
con sư tử chúa sơn lâm. Một con sư tử đực bị thương nặng nằm dài trên
mặt đất cạnh một gốc cây to, và ngay trước nó là một con bò rừng
đứng nhìn, đuôi vẫy liên tục có vẻ sốt ruột. Có lẽ hai con này đã
chạm trán nhau, sư tử vô ý để sừng bò đâm sâu vào cạnh sườn. Đằng
sau con bò là một bầy bò đang chen lấn nhau bên bờ sông. Khi con bò bước
lui, sư tử không tha, liền vùng dậy, hai chân trước vồ ngay lấy cổ con
bò và bám cứng. Con bò cố vùng vẫy đưa sừng húc loạn xạ cho đến
khi sư tử bám không nổi đành phải buông bỏ con bò ra, rồi lại nằm
phục xuống bãi cỏ, thở hổn hển. Con bò lại đứng yên nhìn con sư tử.
Sau một chốc ngắn, con bò lại thụt lui, thì con sư tử lại vùng dậy
vồ lấy cổ con bò. Cứ thế, con bò không thể nào chạy thoát khỏi
móng vuốt con sư tử trọng thương. Có vài lần một con bò khác chạy
đến húc khiến con sư tử lăn qua một bên, nhưng dường như nó vẫn sợ oai
con sư tử nên không dám tấn công lâu, lại chạy lui nhập vào đàn. Thế
mà con bò kia vẫn đứng nhìn, không biết nhân đó bỏ chạy. Có vẻ như
nó sợ con sư tử vùng dậy rượt theo riêng nó. Rất tiếc video không
cho xem đoạn cuối.
Loài sư tử ghê gớm thật. Khi trả thù cũng như khi
thương yêu con thú khác giống.
Tôi không biết con sư tử cái kiệt lực này còn vùng
dậy được mấy lần nữa trong chốn rừng sâu núi thẳm trước khi bị bầy
linh cẩu xé xác.
Người và thú vật vẫn thương nhau, nhưng tình thương
của loài người có phần vụ lợi, và thường rất tàn nhẫn. Nuôi chim,
nuôi cá cho vui nhà vui cửa thì lại tước đoạt tự do của chúng, bắt
chúng chịu cảnh cá chậu chim lồng. Heo, bò, gà, vịt v.v... thì nuôi
để ăn thịt, trâu để cày ruộng, ngựa để kéo xe, chó giữ nhà, mèo
bắt chuột.
Cũng nuôi chó, mèo như con vật cưng (pet), không bắt
nó làm gì cả. Người phương Tây còn gọi chó là người bạn quý giá
nhất – the best friend. Có người đã để lại một phần lớn gia tài cho
chó, mèo hoặc hơn thế nữa, đưa nó lên bàn thờ tổ tiên khi nó “thất
lộc”. Có lẽ sẽ có ngày cáo phó hay phân ưu về chuyện “chó chết”
được đăng trên mặt báo. Thế nhưng tình thương đó tương tác. Ta cưng nó,
ta cũng được nó cưng lại. Ta gọi nó là “con vật cưng”, thì, theo lẽ
công bình, nó cũng có thể gọi ta là “con người cưng”. Hơn nữa chó,
mèo có nhiều đức tính, nhất là chó. Nó biết vâng lời, chiều
chuộng, mừng rỡ, cuống quýt. Nó lại binh vực ta trong mọi hoàn cảnh.
Và nhất là nó suốt đời trung thành với ta khi giàu sang, phú quý
cũng như khi ta sa cơ thất thế. Cho nên người quý chó là phải. Tình
thương hai chiều. Riêng tôi yêu quý con “linh miêu” và con chim non cũng
không ngoài lý do “có đi có lại”.
Nhưng tình thương của con sư tử này khác hẳn. Nó lớn
lao quá. Nó hoàn toàn vị tha, bất vụ lợi. Một thứ tình thương nhuốm
đầy đau thương, xót xa, bi tráng. Một thứ tình thương bất chấp cả đe
dọa của Thần Chết.
Đây là một trường hợp hiếm hoi, hay vẫn xẩy ra trong
rừng sâu mà ta không hề biết đến. Dù gì đi nữa, người ta cũng nên suy
nghĩ lại khi dùng câu nói “đồ lòng lang dạ thú” như một lời mắng
nhiếc quen miệng. Và cũng nên tự hỏi phải chăng bản tính của con sư tử
còn “thiện” hơn tính tình con người nhiều. Hay chí ít cũng “thiện”
hơn tôi.
1/2021
Ngự Thuyết