…khi Ôn Mệ lên ăn Tết với cháu Benji…
Chuyện kể…
Có một phái đàn từ Wu Han nước Trung Huê, đáp chuyến bay du
lịch (chui) tham quan qua năm châu bốn bể.
Khởi hành từ tháng-ba-năm-ngoái 2020.
Chủ xị phái đàn là cô Vi, mười-chín-tuổi.
Tôi vốn vàng (khè) thêm mũi tẹt, tới trước cô Vi mấy mươi
năm bởi mau chân chạy loạn nạn-dịch-đổi-đời hoành hành lấn lướt.
Tôi gọi vùng đất Cờ Huê này là quê Mới, là Vùng Đất Hứa vì tự
thuở tới giờ tôi chỉ có một quê hương.
Quê hương tôi, rẻo đất (quá) nhỏ nhoi trên bản đồ thế giới.
Rẻo nhỏ xíu tới nổi không ai biết là mảnh đất này ở đâu, dân tộc này vàng đỏ
đen trắng…hay còn (có dặm thêm) màu mè gì!!!
Thân phận nhược tiểu bao năm làm vậy mà nay tôi tìm tới được
chốn…cao sang quyền quí uy trùm thế giới.
Phải trải quá quan qua nhiều gian nan gian khổ…
Bài bản lớp lan mở màn mùa dịch nạn Tết con Trâu…
Xin gỏ tiếp thân bài và kết từ Tản Mạn Đầu Năm…
Chuyện cô Vi du hành, ngỡ là chút đỉnh chút xíu đi qua như
mùa dịch cảm cúm bình thường bình thân mổi năm
Ai có dè đâu là chuyện lớn.
Không chỉ riêng quê hương mới của tôi mà tràn lan tràn rộng
dài khắp địa cầu.
Chuyện đâu còn có đó.
Nay, Tết vừa đến rồi Tết vừa đi tôi chỉ “phỏng [sôi]
sự” trước khi, và, sau khi cô Vi qua vùng đất nơi tôi cư trú lì.
Cô: là phái nữ chân yếu xìu tay mềm nhủn.
19 tuổi: theo nhận định riêng là “ mười bảy bẻ gảy sừng
trâu, nay mười chín tuổi chắc là…bẻ gảy sừng tê giác”.
Đi chui: đến đi bất chợt thiệt giống như câu chuyện Liêu
Trai Chí Dị.
Vô hình vô tướng: như pho truyện kiếm hiệp Thần Hành Vô Ảnh.
Báo đài đất Cờ Hoa loan tin: nên đeo mặt nạ, nên đứng cách
nhau sáu phít, nên trách chỗ đông người, nên rửa tay thường xuyên, cha mẹ con
cháu cũng… nên tập lười biếng gặp nhau!.
Cuối bản tin : thế giới giờ lâm nàn nạn dịch cô Vi chớ không
hề, ngàn lần không dám hề, vui mừng gặp cô Vi!…
Ở nơi chốn xa nhà xa ngái xa ngàn dặm cố hương, tới nơi rặt
khuôn đời hiện-đại-hại-điện, mần chi mà có rất thanh cảnh, rất thanh bình, rất
thình lình được dịp tụ họp bên nhau, có nhau ngồi gói bánh Tết!.
Bánh Tét bánh Chưng, nói thiệt tình thiệt cảnh, trưng bày đầy
ngợp trong mấy chợ Á Đông, mắc mớ cớ chi mà bày vẽ chuyện gói bánh ở nhà!.
Nói vậy mà không phải vậy đâu!.
Cũng không vì tiết kiệm tiền xu, cũng chẳng vì (chưa chắc
gì) chê khen ngon dở hay bảo đảm sạch dơ.
Mà vì tình đó!.
Không những vì tình cảm thân thương mà khi thấy các con ruột
con dâu (con rể ngồi coi) vuốt từng mớ nếp dặm bỏ thêm (dày mỏng) nhưn nhị, thè
thẹ gói từng mớ lá chuối xanh, riết chặc dây lạt (ni lông) cho nên hình dạng
đòn bánh Tét bánh Chưng truyền thống.
Thấy ưng cung cách xếp lớp bỏ bánh vô nồi rồi khơi lửa lò ga
(không lò củi) của bà xã.
Thấy Dr.Tư Đạo cùng các cháu bật lửa (lò ga thời hiện-đại-hại-điện
chớ không hề không có không thấy mấy cục gạch đỡ đít nồi an tọa, củi than lọ
nghẹ ngày nào) reo vui nồi bánh Tết.
Thiệt là cảnh an lành thân mật tình cảm gia đình hiếm hoi
tìm thấy được nơi mảnh đất thực tiển này.
Bời, tại, vì có nhiều lý do:
Là: quay lưng không thèm (ưng) ngó về dỉ vãng đói nghèo bởi
nơi chốn phồn hoa ngập tràn phương tiện cần-chi-có-đó theo dòng trôi thương mại
từng mùa ở từng khu chợ Á Đông.
Là: Ngày tháng Đông Đoài khác biệt ví dụ như là Tết Tây có
dành riêng ngày nghỉ ngơi vui chơi. Tết Ta thì trúng vào ngày bình thường đi
cày quá nhiều bận rộn cuộc mưu sinh.
Là: Tuy là một Quê Mới nhưng mổi gia đình mổi một Làng Xóm
cách xa nhau vạn dặm. Tìm tới nhau đặng gầy cuộc đông vui không dễ.
Thế hệ Cha theo (may ra) con còn nối tiếp, theo. Tới thế hệ
cháu thì…
Là: Còn có (khá nhiều) gia đình không mặn mòi dưa món bánh
Tét bánh Chưng, không cần thiết cành Mai vàng cũng không đón-đưa-đưa-đón Ông
Bà, hai Ôn (với) Mệ Táo, không Giao Thừa không có Mồng. Nói chung là không có Tết…
Nói chung (đụng) là mổi tình đời mổi tình cảnh, mổi gia đình
mổi sinh hoạt riêng…
Mới cớ sự thăng trầm vui Xuân đón Tết.
Không hàm ý chê bai, cổ súy.
Xin cứ bình tâm bình thường bình thản như Ông Bà xưa có dạy:
“ Rong ruỗi suốt đời người, từ cha truyền con nối, từ thế
hệ đầu đàn chuyền lan qua thế hệ nối rồi tiếp nối. Phải cũng đặng. Trái cũng đặng.
Cứ bình an cho vạn sự an lành”
Tết, không Tết, tùy…
Riêng, Trần gia, từ hai-mươi-mấy năm phiêu giạt xa quê nhà,
vẫn vui mừng đón Tết…
Năm ngoái, cả mấy gia đình Trần gia trang lần lượt trước sau
lên nhà chú Tư Đào gói bánh Tét Chưng khơi lửa nồi bánh Tết.
Tôi ngồi lai rai mấy sợi, vợi mấy chai, ngó hết mấy đứa con
(giờ thiếu vắng thằng Hai) rồi ngó đàn cháu lớn nhỏ.
Lâu lâu, ngồi đây rồi chạy đó, lấp ló, lén “chộp”
mấy tấm hình giữ làm kỷ niệm.
Mấy đứa con gái con dâu chăm chỉ gói bánh.
Mấy đứa cháu gái lớn ngồi chăm chú học (rồi) hành cách gói
bánh theo lời chỉ dẫn của Bà.
Mấy đứa cháu nhỏ, ôi chao bây, rã tới rời dĩa mồi nhậu của
Ôn.
Ưng cung cách Mệ trân trọng bỏ từng đòn bánh vô nồi rồi Dr.
Minh Đạo, có các cháu hùa nhau bưng nồi ra ngoài cươi sau nấu bánh.
Không có củi lửa than hồng, chỉ nóng lò ga hiện-đại-hại-điên…
Nói gộp chung là cùng đươc có dịp chung nhau dựng cảnh cũ
quê nhà, xúm quanh râm ran chuyện vui cười “ôn cố tri tân” khi
ngồi bên nhau gói bánh Chưng, bánh Tét.
Khởi từ năm đầu, tới tiếp một năm, tiếp theo nhiều năm, nhiều
chục năm vui.
Riêng năm nay thì…hoạt cảnh xưa không tìm thấy, niềm vui xưa
không được lấy…
Chỉ thấy cô Vi ngồi đó, ngó chằm hăm.
Bánh Tét (chạy tét) , bánh Chưng (chưng hửng) cho cô Vi ưng
bụng.
Không còn có được cảnh tình xưa, ngồi bên nhau gói bánh Tết.
Tới nỗi, buổi họp mặt đông vui mừng tuổi Ôn Mệ, mừng tuổi co
cháu cũng thứ tự lớp lang, chia nhau từng đợt.
Gia đình cô Út Linh qua trước rồi tới gia đình mợ Hai, tiếp
tới, gia đình cô Ba Quyên.
Cái mặt nạ cô Vi đưa cứ chằm hăm,chờ,trong túi.
Khi nói lời chúc mừng nhau ngày Tết thì vội lấy ra đeo, kẻo
không thôi sợ quá rồi bỏ qua phong tục quê nhà từ lời chúc Tết (con nói tiếng
quê nhà, cháu nói tiếng quê xa) và phong bao lì-xì-tết cho mấy đứa con và
các cháu nôi ngoại.
Từ lớp con tới lớp cháu, đứa mô cũng có phần.
Tui với nhà tui cũng được có phần lời chúc Phúc (tựa Nam
sơn) Thọ (như Đông Hải) .
Ôi chao ơi!. Rời rã hết rồi!!!
Thiệt là tình cảnh “Bỏ thương vương…vướng”.!.
Sau đó là lên Đồi Xanh thăm bác Hai.
Rồi qua đêm qua (hai) ngày Tết cùng cháu nội Benjamin. Vốn
liếng hai ngày vui Tết là Ôn Mệ thay nhau bồng ẳm cháu.
Năm Cũ, cháu Benji còn nhỏ xíu nhăn nheo, khi bồng phải “cẩn-tắc-vô-ưu”, ôm
ghì, không thôi…tuột.
Năm Mới, cháu Benji hồng hào phổng phao nặng chịt vòng ôm bồng
ẳm, yên tâm không còn sợ…tuột.
Lại còn thấy cháu (vâng lời mười-hai-bà-Mụ dạy) liếc
qua ngó lại nhìn Ôn Mệ.
Tôi rất vui với ý nghĩ là không phải chờ tớ dịp “thôi
nôi”, cháu cũng lớn rồi, Năm Mới!
Nay, có lời nhân thời hết Tết…
Ôn rất vui rất sướng rất mản nguyện nhận được “phong-bao-lì-xì-ngày-Tết”,
là có thêm cháu Nội Benji mừng thêm tuổi (già) Ôn Mệ.
Ba cũng cám ơn, hai con Đạo&Ngân, buổi “nhậu” thơm
râu, món Mực phơi-một-nắng…
Tết Trần gia là rứa đó, cô Vi!!!!….