Tôi ít học và lười đọc nên mãi đến năm 2011 mới
được nhà văn Vũ Thư Hiên giới thiệu cho tập Tùy Tưởng Lục của Ba Kim.
Qua tác phẩm này, tôi lại biết thêm một người cầm bút (danh tiếng)
khác của đất nước Trung Hoa – Lão Xá.
Ông cũng là một nạn nhân bi thảm trong cuộc Cách
Mạng Văn Hoá. Cứ theo như lời của Ba Kim thì Lão Xá đã “ngậm hờn mà chết.”
Ông trầm mình vào ngày 24 tháng 4 năm 1966, với lời trối trăn (“Tôi yêu
nước ta lắm chứ, thế nhưng ai yêu tôi?”) khiến ai cũng cảm thấy ngậm
ngùi.
Nỗi đắng cay của Lão Xá cũng khiến tôi nhớ đến đôi lời cay đắng (khác) nghe được ngay sau khi Chiến Tranh Việt Nam vừa chấm dứt :
Gần nhà tôi có cụ Lập, hơn bảy chục tuổi, thổi clarinette
dàn nhạc cung đình của Bảo Đại, cùng dàn nhạc theo cách mạng, đánh Pháp rồi tập
kết ra Bắc … Sống một mình. Nghèo, đói…
Bây giờ, tôi mau mắn mừng cụ sắp được đoàn tụ gia đình.
Nhưng cụ nắm tay tôi:
– Cảm ơn ông, đoàn với ai, tụ với ai? Vợ con chưa biết hiện
ở đâu, đi theo nhà khác mất rồi có khi. Họ hàng thì chết trong Tết Mậu Thân…
Tôi về đó vẫn lại trơ làm thằng tập kết đợt hai trơ trọi một mình… Ra đi để thống
nhất đất nước, bây giờ ai thống nhất với thân già tôi? (Trần Đĩnh.
Đèn Cù II. Westminster, CA: Người Việt, 2014).
Cụ Lập, tất nhiên, không phải là người duy nhất sống
“nghèo đói” và “trơ trọi một mình” như thế. Tôi còn biết thêm nhiều
ông cụ nữa, cũng rơi vào hoàn cảnh bẽ bàng (và lỡ làng) tương tự :
“Điển hình nhất là ông Đốc Huệ và ông Đốc Thỉnh của tỉnh Bến
Tre. Một học giả uyên thâm có bằng cử nhân Văn chương Pháp thời Pháp thuộc có
được mấy người. Nếu ở lại với Pháp thì ông đã vinh thân phì da vào hạng nhất
Nam kỳ, nhưng ông đã đem cả gia đình đi kháng chiến. Ra Bắc về Nam hai lần. Khi
hiệp ước Hòa Bình 54 được ký kết ông Thỉnh bị bỏ quên…
Tôi hoàn toàn chia sẻ cái tâm cảm uất hận của nhà
văn Xuân Vũ. Tuy thế, tôi e rằng ông không được hoàn toàn khách quan khi
mang hết đám dân miền Nam tập kết bỏ chung vào … một rọ để cho “một
thằng bịp lớn nhất lịch sử Việt Nam” lạm dụng. Thực tế thì cũng có kẻ
này, kẻ nọ, chớ Bác và Đảng đâu có bạc đãi tất cả mọi người.
Gần đây, trên trang Vietnamnet (đọc được vào hôm
13/05/2020) Ths Vũ Thị Kim Yến có những ghi nhận như sau :
Đến năm 1975, hơn 15.000 học sinh miền Nam được đào tạo
qua bậc đại học và sau đại học ở các trường đại học trong và ngoài nước. Phần lớn
các “hạt giống đỏ” mà Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân miền Bắc gieo trồng ngày nào
đã nẩy mầm thành những cây vạm vỡ, vững chắc.
Trong số này, có 6 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng;
18 nguyên ủy viên TƯ Đảng, 3 Bí thư Tỉnh ủy; 18 Thứ trưởng và Chủ tịch tỉnh…
Đặc biệt, hiện tại, nhiều học sinh miền Nam vẫn đang đảm
nhận những trọng trách rất quan trọng của đất nước như Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn
Thiện Nhân, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình…
Không ai chối cãi được rằng có những hạt giống đỏ
miền Nam mà Bác và Đảng gieo trồng nay đã đơm bông. Chỉ có điều đáng
tiếc lại là loại hoa hôi. Tuy đều “đảm nhận những trọng trách rất quan trọng
của đất nước” nhưng những nhân vật thượng dẫn đều không thực hiện được
một thành quả nào ráo, ngoài những lời lẽ mị dân hoặc những câu
tuyên bố ngây ngô hay sáo rỗng :
Gọi họ là những tinh hoa của miền Nam trong đám
người tập kết thì (nghe chừng) không ổn. Về hạn từ này, dịch giả Phạm
Nguyên Trường đã rất cẩn thận khi dụng bút: “Nghĩa của từ ELITE: the richest,
most powerful, best-educated, or best-trained group in a society cho nên nếu
luôn luôn dịch là TINH HOA thì e rằng không đúng.” Vẫn theo lời ông thì có
lắm kẻ chỉ đáng gọi là thuộc giới ăn trên ngồi trốc.
Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn
Hòa Bình, Nguyễn Xuân Phúc … quả đúng là những kẻ thuộc giới ăn trên ngồi
trốc. Họ là những hạt giống đỏ được gieo trồng từ miền Bắc, và đã
ươm mầm thành cây. Loại cây này, học giả Phan Khôi gọi một cách lịch
sự là cây Cộng Sản. Còn dân gian thì gọi là cây cứt lợn!
Tưởng Năng Tiến