Tha hương ngộ …hàng xóm
Nhà tui ở hẻm
3, con đường Bố Thảo chạy từ đầu đường trại Cổ Loa đến Ngã Ba Chuồng Chó, thuở ấy
hai bên đường nhà cửa quán xá còn lèo tèo, lác đác chỉ có mấy cái nhà ngói xây coi
bề thế một chút như nhà bà Tư Hường cho vay bạc góp ở xéo xéo ngoài đầu hẻm mà
lâu lâu thấy má tui đem vòng vàng cẩm thạch ra cầm thế để lấy vốn bán hàng. Mé bên tay trái hẻm cách vài căn là nhà đúc kiểu Tây coi sang trọng
của ông Đốc Múi, cháu ngoại ổng là nhỏ Thủy học bên Pháp văn, nhà ngói ba gian với sân gạch đỏ au của ông Vệ
Hoành, có tên Bảy học cùng trường với tui… Đối diện bên kia đường là biệt thự của
ông Lương y nào đó cũng một thời hoành tráng, sau này chia ra làm mấy căn cho mướn (?) căn chính giữa là nhà nhỏ Hai lớp
A1…còn lại là xóm nhà lá với ba sắc tộc Miên- Tàu- Việt sống chen chúc với nhau hoà
bình hữu nghị.
Trong hẻm tui sát hàng rào là nhà Kim Thai, sau lưng là nhà con Hà, trước mặt là nhà Tuấn sữa, tụi nó học cùng thời, sanh cùng năm nhưng không hiểu bà con từ đời cố lũy nào mà đều gọi tui bằng dì, tui không khoái lắm vì lâu lâu nhỏ Kim Thai gây lộn nó cào bằng hết, con đó chằn khỏi nói! Nhỏ Hà đẹp từ hồi con nít nên mới ..17 tuổi nó “theo chồng bỏ cuộc chơi” sớm nhất hẻm, kế là Kim Phúc (chị Kim Thai) mới lớp 10 đã có chàng ngấp nghé… Tuấn sữa là con trai mà da trắng mịn như con gái nên bạn bè gọi chết tên luôn, nó chơi thân với tui và kêu “dì” ngọt sớt, nhưng tui đố dám kêu nó bằng “con”, nó có thể “quê độ” với đám bạn chung trường mà “quạt” tui te tua lắm chớ!
Cuối hẻm là nhà bà Ba bán xôi, má tui bán cơm
tấm bánh mì bì, nên sáng nào 2 bà cũng cặp
kè chấm muối mè ngồi xuống trước quán cà phê đầu hẻm để bán cho mấy người
trong xóm “một ly xây chừng với gói xôi
hay với dĩa cơm tấm là xong bửa sáng “ghẻ ghề”. Mấy đứa học trò như tụi tui
thì cũng tấp qua mua bánh mì, hay xôi.. ăn dài dài cho tới trường. Cạnh quán cà
phê là nhà chệt Út Chia bán hàng xén,
cả xóm này nhờ cậy có mình ổng, tiệm chạp phô của người Tàu thì không thiếu thứ
gì, tui đã từng chạy ra chạy vô cái hẻm ngày mấy lần
để mua đồ lặt vặt cho má tui, nhiều khi tui tự hỏi sao không mua một lần 5 kg
đường, 10 kg gạo để trong nhà cho khoẻ con gái rượu.. Sau này tui hiểu ra là
người nghèo không bao giờ xài sang như vậy, cứ 200 đồng tiêu, 300 đồng nước mắm
gói ghém đủ một ngày..
Tui biết
chú Út Chia từ khi ổng còn trai trẻ, rồi thấy ổng tới tuổi lấy vợ, hôm đám cưới
ổng, tụi tui cứ đứng ngó hoài cô dâu mặc đồ Xẩm coi ngộ hết sức. Rồi ổng có
con, một bữa kia tối 2 vợ chồng ngũ mê mệt thế nào mà thằng nhỏ ị cứt su trét đầy đầu ba má nó, sáng ra
họ kể chuyện xí xô xí xào cả xóm đều cười vui, chuyện ngộ nghĩnh nầy được ghi vô làm chuyện dài xóm nhỏ.. Con đường Bố Thảo không
dài mà cũng không ngắn, học trò chung xóm chung đường đi về mỗi ngày nên biết mặt
nhau. Biết nhưng không có nghĩa là chơi chung vì dù cùng chung một trường,
nhưng khác ban, khác lớp và khác cả .. giới tính nữa nên khó mà có thời giờ gặp nhau nhiều. Hồi xưa lại hay chơi theo nhóm, theo
phe (phe húi cua và phe kẹp tóc). Đối diện với hẻm 3
của tui ,sau lưng nhà Út Chia là xóm nhà lá, trong đó tui chỉ nhớ con
Tuyết, bé Lùn còm nhom đen thui so với hai chị em con Khên, con Muỗi
trắng tươi (người Hoa kêu tên con xấu hoắc, nhưng đi học thì tên đẹp hơn, Ái Khanh,Thoại Khanh), có con Yến cháu Nội bà Tư Hường (bà chủ nợ chuyên cho
vay trong xóm, mà Má tui là khách hàng thường xuyên). Xóm dưới tui chỉ chơi với mấy đứa “cháu”, thêm nhỏ Hai, nhỏ Thu Hà vì tụi nó chung lớp, có
Thanh Thủy bên Pháp văn, xóm trên có Thu Hồ, Thanh Phương cũng dân Hoàng Diệu.
Nhà tụi nó có vườn cây trái mát mẻ mà lâu lâu tụi tui kéo nhau lên chơi, hái bỏ
đầy nón lá đem về nào mận, nào me, cóc, ổi, xoài... Phải nói cái thời đó sao mà
êm đềm thế! Đi học về là cứ tụm năm tụm ba làm bài tập đã rồi quay ra ..tám cười chí chóe, ngày nào nghỉ lo bàn chuyện ăn
uống nọ kia. Nhớ có lần nhỏ Hai trổ tài đổ bánh xèo, cả bọn làm biếng không đứa
nào chịu đạp xe ra chợ mua rau nên bàn nhau hái rau dấp cá ngoài sân ăn đở. Lúc đầu thấy ngon ngon, sau ngán gần chết,
bây giờ mỗi lần thấy hay nghe nhắc tới rau dấp cá là tui nhớ tới con Hai dễ
thương và bữa bánh xèo để đời của nó.
Mỗi sáng học
trò trong xóm rủ nhau đi học í ới, tụi tui lội bộ dài dài từ nhà đến trường,
con đường Hai Bà Trưng lúc đó sao thấy xa lắc xa lơ, đến ngã ba gần cầu Quay thì quẹo vô chùa Ông Bổn rồi băng ngang Mạc
Đĩnh Chi, ngay đầu đường là nơi
tập trung hàng bỏ mối, rau cải, gà vịt, trái cây... Xe lôi xe kéo tấp nập
nên sáng sớm nào cũng ồn ào như… cái chợ! Con đường đến trường của tụi tui chỉ
thơ thẩn ở quanh dinh Tỉnh Trưởng cũ, với mấy cây bằng lăng nở hoa tím cả góc
tường, hay vài chùm phượng đỏ ối đầu mùa mưa, một chút “lim xẹt” vàng rực trong sân Dinh, để cho lũ học trò tụi tui mỗi
sáng mỗi chiều nhởn nhơ đếm bước hồn nhiên ngang qua đó, thỉnh thoảng nhìn vô
Dinh thấy 2 nàng tiểu thơ con
gái ông Tỉnh là Kiều
Nga, Kiều Ngọc đến trường bằng xe Jeep, tụi nó cũng học Hoàng Diệu, cũng một thời áo trắng nhưng dễ gì
biết mơ mộng lang thang như tụi tui!
Mấy chục
năm qua nhanh như giấc mộng, bạn bè hàng xóm của tui giống như cơn sóng đời
trôi dạt, có đứa dập dìu gần bờ, sống bám trụ chờ đợi rủi may “trong nhờ đục.. lóng phèn”, có đứa ra
khơi ba trật bốn vuột mấy lần mới tới bến bình yên, và cũng có đứa gặp những
cơn sóng thần đầy cuồng nộ dập cho tơi tả như tui (híc!)
Mấy lần về
thăm lại xóm cũ cách đây hơn chục năm, lớp già bè bạn cở như Ba Má tui thì ò í
e không còn một mống, lớp sồn sồn như tụi tui thì vượt biển hơi bị nhiều (xuất
ngoại bằng ghe hay bằng máy bay thì cũng giống vậy thôi) Thu Hà, Tuấn Sữa, Kim
Phúc, Thanh Thủy, Lệ Hương... đều định cư thành đạt ở xứ người, Kim Thai xui xẻo
khi vừa có giấy xuất cảnh thì lại chết vào giờ chót vì bệnh gì đó. Tui nhớ nó với
mái tóc dài tới mông, lúc nào cũng kẹp một bên, nụ cười hóm hỉnh, tánh xốc nổi,
lanh lợi hơn chị nó nhiều, tội nghiệp cho con cháu bà chằn của tui vắn số bạc phần!…
Thu Hồ cũng
mất khi tuổi đời còn rất trẻ.. Thanh Phương lưu lạc
ở đâu không ai biết…Nhỏ Hai thì chờ đợi bảo lãnh của gia đình, có lẽ nó là người
bám trụ cuối cùng ở xóm tui.
Khi tui trở
về thì xóm cũ đã trở thành xóm mới, đường xá mới sửa, nhà cửa mới xây, cái bảng
“hẻm 3” của tui bị thụt tuốt vào
trong, nép mình nhỏ nhoi giữa 2 căn nhà bề thế ngoài đầu hẻm, con đường vào hẻm
như chật hẹp hơn, nhà tui đã đổi chủ, bây giờ nó là
căn biệt thự hoành tráng nổi bật giữa xóm, và dĩ nhiên mất tiêu cái hàng rào
bông giấy đỏ thắm một thời của tui. Buồn ơi!
Rồi tui lủi
thủi cũng qua tới Mỹ (sau nhỏ Hai vài tháng). Bạn bè xa xứ kết bè kết đảng trên
mạng để nhớ quê hương, nhớ về một thời chung lớp chung trường Hoàng Diệu. Tui có dịp đi
đây đó và gặp được nhiều đứa thân quen, đông nhất là ở Cali, còn rải rác ở các
tiểu bang xa xôi khác, riêng hàng xóm tui có Tuấn Sữa thì ở bên Úc, lâu lâu
cũng điện thoại thăm “dì”, Thu Hà,
Thanh Thủy cũng vậy, giữ liên lạc bằng “meo”
để khỏi lạc nhau. Hôm gặp Kim Phúc ở Nam Cali, vẫn hiền lành mủ mỉ như thời con
gái, cô nàng mừng ríu rít thân tình, nó mong tui mua cái nhà ở gần nó như hồi
xưa cùng con hẻm cũ, cách nhau cái giậu mồng tơi để
có gì í ới nhau cho ấm tình bà con hàng xóm. Tui hứa cho nó vui mà biết mình túi tiền không lấy gì rủng rỉnh lắm, mua
nhà ở Cali là cả một ước mơ, nhưng “Chặc! Cứ làm đại
coi ra sao”, biết đâu có
duyên thì đặng.
Tình cờ một
hôm nhỏ Hồng Nhan đưa cái email của anh chàng Phutran nào đó kèm theo tấm hình lạ hoắc và
nói là láng giềng Bố Thảo của tui, học trên tui một lớp thì chắc chắn không phải
là cùng phe với tui rồi, nhưng mà “Ai vậy cà?” Tui thắc mắc không biết hỏi ai.
Tuần rồi
lên Austin (một thành phố lớn của Texas) thăm ông anh
của Nứng, tui nhớ cái “meo” Phutran bèn gọi thử, ai dè gặp thiệt, anh chàng còn quả quyết tụi
mình (?!) là đồng hương, đồng môn, đồng xóm.. Thế là tui nhất định phải hẹn gặp
tận mặt cho khỏi ấm ức trong lòng, đi không chẳng lẽ lại về không, khi người đó lại là học chò trường cũ.
Thế là tui
ra đứng giữa cái Mall, mặc áo màu vàng chóe để anh chàng dễ nhận diện..Chời đất,
Phutran không trang nghiêm mặc Veston giống như tấm
hình “tờ khai gia đình” trên mạng, ở
ngoài coi bụi bụi với râu tóc bờm xờm và cái áo thung màu sậm, nhưng nụ cười
răng khểnh thì .. ăn đứt chò Hương! (nói
vậy chớ có dịp gặp nhau, 2 người nhe răng cười để chấm điểm coi ai ..cắn đứt ai
nhe)
Vừa gặp
chưa kịp xã giao thì Phutran bắt vợ chồng tui lên xe chở một mạch về nhà Má ảnh,
cũng là dịp tình cờ hôm nay sinh nhật bà cụ 84 tuổi rưởi (nghe có vẻ lạ, nhưng sự thật là một kỹ niệm riêng của gia
đình, bà cụ chọn ngày sinh nhật là ngày đầu tiên đặt chân lên nước Mỹ mà cả nhà
bà được đoàn tụ đông đủ và bình yên, cũng là một ý tưởng hay, rất đáng trân trọng)
Một đại gia
đình tề tựu quanh bàn ăn, chủ đề SócTrăng-Hoàng Diệu- BốThảo được nhắc đến hào
hứng bởi vì có đến 4-5 thành viên trong nhà là dân Hoàng Diệu, với những dây mơ rể má thật bất ngờ
thú vị. Đầu tiên là chị cả Nga, dân Nông Lâm Súc nhưng học một số thầy dạy ở
HD, hỏi ra thì cũng “đồng môn” với
nhau, ngoài ra là chị kết nghĩa với Hồng Nga em gái của Hồng Nhan , PhuTran học trên tui một lớp và Mai Phương (em kế Phú) học dưới tui một lớp,
cô nàng học chung với Kim (sau này là bà xã thằng bạn tui) với Kiều Ngọc, với
Huệ Xuân, Mai Phương sau này chơi thân với nhỏ
Hai và giữ liên lạc tới bây giờ, PhuTran học chung với
Thu Cúc, Ngọc Thủy, chơi chung với Mã thành Long, Trương văn Sùng.. nhắc lại tất
cả những cái tên đều rất thân thiết với phe của tụi tui thuở ấy cho đến bây giờ…Cả bọn lại hỏi về xóm cũ, bà Ba
bán xôi mất lâu rồi, PhuTran nhắc đến cục xôi cuộn trong miếng bánh phồng ngon hết biết mà gia
đình đông dân số như nhà Phú thì chỉ có xôi mới trang trải đủ cho mấy cái tàu
há mồm. Có lần tui ghé đốt cây nhang cho Bà mới biết anh Tín (cũng dân HD) là
con trai của bà, lúc tui vô trường thì anh đã đi lính, hèn gì không biết. Vợ chồng Chú Út
Chia cũng đi bán muối hồi năm nào, tiệm chạp phô hình như vẫn còn, do thằng con “ỉa
cứt su” đứng bán…Má anh Phú thì nhắc ông giáo Khỏe, ông vệ Hoành, thiếu tá
Mưu, hàng xóm cùng thời với bà.. “những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ”,
Bà nắm tay tui chỉ mấy tấm hình đen trắng treo trên tường, hình hai vợ chồng và
9 đứa con cách đây gần 40 năm, do tiệm Mỹ Dung ở Đường Giữa chụp. Tui chợt nhớ
mình cũng có chụp mấy tấm hình răng thỏ ở đó. Ôi chao, thời gian trôi mau kinh khủng thiệt! Mới đó mà… ai cũng bắt đầu
chớm chớm già!
Tự dưng cả
bọn thấy như ấm lòng khi nhắc về quê cũ, tuy xa mà gần trong tâm tưởng mỗi người vương vấn hoài hương.. Chia tay ra về với nỗi
nhớ Sóc Trăng còn quanh quẩn trong từng câu nói. Bây giờ tui nhận ra PhuTran là ai rồi, anh chàng hồi xưa cao gầy lêu khêu, đi học về ngang qua
nhà nhỏ Hai, mà tui thì hay qua nhà nó ngồi tán dóc, dám hổng chừng có lúc tui
ngứa miệng chọc ghẹo anh ta gì đó nên bây giờ nhớ ra hàm răng khểnh của chàng.
Thôi thì “bà con xa không bằng láng giềng
gần”. Tha hương ngộ… hàng xóm cũng vui quá chời, bỗng nhiên tui muốn rống
lên .. Anh háng xòm ơi! biết Anh có còn nhớ đến tôi..
Trên Từng
Cây Số
Khi trúng
mánh trong làm ăn hay sản xuất thì ai cũng phấn khởi, người ta gọi là được
mùa, như mùa lúa , mùa tôm, mùa cá… độ, còn tui cũng hào hứng trong hè này
khi tui được mùa họp bạn. Hết tiền tới hậu đại hội cựu học sinh Hoàng Diệu (HD) Nam Cali, rồi liên tục đánh lẻ
mấy chuyến giao lưu với bạn bè gần xa. Cứ đi suốt trên từng cây số mỗi lần nghe
đâu đó có đông vui hao, chỉ tội nghiệp Nứng cứ lái xe chở dzợ
ngao du sơn thủy không quản ngại tấm thân già.
Đầu
tiên phải kể là xuyên bang du lịch Alaska , trên đường hẹn hò gặp Thanh Thủy
ở Seattle , một thành phố cảng. Hai đứa có một buổi để tâm tình đã đời.
Cô hàng xóm hơn 30 năm mới gặp lại, người đẹp Bố Thảo ngày xưa tan trường về có
lắm chàng theo đuôi Ngọ. Gặp nàng vẫn nhỏ nhẻ như thơ “cặp sách trên tay rất
dịu hiền”. Nàng thủ thỉ nhiều về chuyện cũ, chuyện mới, nhưng hai đứa chỉ
tâm đắc một điều, cái thời đi học Hoàng Diệu quả là ..tuyệt cú mèo!! Có lẽ lúc đó đứa nào
cũng đẹp(?), ít nhất là trong mắt nhìn của một chàng nào đó phải
không?
Tiếp đến được
mùa nữa là tin Thoại bay từ New York qua Cali, tui phone hỏi Kiều Công Thành “bao nhiêu người?” “Vợ và hai con!? Chắc
Thoại muốn dẫn binh sang uýnh Nam Cali chắc”. Thoại tính một công đôi ba chiện, sẵn nghĩ hè dẫn tụi nhỏ đi chơi
Disneyland cho biết.
Vừa gặp mặt là tui nhận ra ngay gương mặt y
chang thuở nào của hắn. Mà nghĩ cũng lạ, bạn bè trang lứa như nhau, nhưng tùy
hoàn cảnh, môi trường sống mà có đứa già hơn, có đứa trẻ hơn so với mức tuổi. Bác
Thoại là một dẫn chứng, hồi xưa đi học bác ấy nhỏ tuổi, nhỏ con nhất
nên tụi bạn cứ kêu là “nhóc”,
nhưng so với bây giờ bác chửng chạc thấy rõ, cái giọng nói hiền khô
chánh gốc vùng Lịch Hội Thượng, khác xa Thoại trong trí nhớ của bạn bè, và dĩ
nhiên là hổng giống luôn mấy vần thơ Đường chua chát, chán chường trên mạng của
hắn.
Bạn bè Cali nghe tin Thoại qua cũng họp cà phê
cà pháo thăm hỏi thân tình, đứa nào cũng mấy chục năm mới gặp nhau, “văn kỳ
thanh bất kiến kỳ hình” mà nên câu chuyện luôn nói cuời rôm rả. Ngọc Thủy méo mó nghề nghiệp nên cầm máy quay phim
lên làm màn phóng sự tại chỗ và tui thuyết minh “xin giới thiệu với các bạn, Thoại Ph.D của chúng ta vừa mới bào chế một
loại thuốc trị chứng hói đầu, thoa đâu mọc đó và đang thời kỳ thử nghiệm lâm
sàng ngay trên đầu của đương sự, xin để máy quay sát hơn để chúng ta có thể thấy
được những sợi tóc mới bắt đầu lún phún…Có thể nói bước đầu khá hy vọng cho các
bạn nào đồng bệnh tương lân như Thoại nên đăng ký ngay từ bây giờ, để có cơ hội
phủ xanh đất trống đồi trọc…” Chời ơi, chọc cười muốn bể bụng, nhưng Thoại
nhà ta rất chân tình khi nói về giấc mơ bào chế thuốc mọc tóc của mình. Hình
như đàn ông qua Mỹ hay bị chứng hói đầu(?) biết đâu được hắn sẽ thành công và
giàu to nhờ phát minh này, đằng sau sự thành công của đàn ông là công lao của
người đàn bà, vợ Thoại đúng là nội tướng khi giúp chồng quán xuyến việc nhà
cửa con cái trong suốt thời gian dài Thoại cặm cụi ở phòng nghiên cứu. Tui buộc
miệng khen nàng “bề thế” mà hổng biết nàng có để bụng giận tui không,
nhưng dù sao đi nữa qua cuộc hội ngộ này, hy vọng Thoại sẽ nhận ra bạn bè của hắn
dễ thương, thân thiết hơn, chí ít cũng không còn “đôi mắt hình viên đạn” như mỗi lần gặp nhau trên mạng trước đây.
Khi
đang viết bài này thì nghe tin Mẹ của Thoại đã qua đời tại Mỹ, và
linh cửu được đưa về quê nhà tại VN, có đông đủ gia đình bà con gần
xa, cả nhóm bạn học cũng đến viếng tang. Đám tang tuy buồn mà vui,
vì người chết được chôn cất yên ấm ở ngay đất nhà thỏa lòng ao ước,
vui vì nhờ vậy mà Thoại mới có dịp về lại quê hương sau bao nhiêu năm
xa xứ biền biệt, gặp đủ mặt họ hàng thân quen, bạn bè trường cũ…Chắc
Thoại sẽ nhận ra rằng “quê hương bao giờ cũng đẹp hơn cả” nếu
mình quên đi những giận hờn quá khứ... Ừ, quên đi cho nó nhẹ lòng
Thoại ơi !.
Đầu
tháng 8, bất ngờ nhận được phone của Trần Văn Long từ phi trường Los “Ủa, sao
lang thang ở đây?” Thì ra Long về VN mới qua, ghé Cali chơi trước khi bay về
Houston, vậy thì cơ hội này sao mình không tổ chức họp bạn? Tui bèn nhắn Thành
ra đón Long lên nhà tui chơi, sẳn dịp dẫn Long tham quan thủ phủ của chò
Hương ở Sacramento, rủ ren Thành đi cùng nhưng hắn bận rộn việc nhà đành phải
lên chuyến xe ba người Bắc tiến trên đoạn đường dài hơn 400 mile. Nứng
Sâm phần nể vợ, phần ham vui, mặc dù long thể bất an, long đền rệu rạo, nhưng vẫn
mần anh hùng xa lộ cho đàn em nể mặt ông già 70 chịu chơi quá cỡ, phen này chắc
nhỏ Hương ngạc nhiên, hết hồn, bởi vì bà
chằn này đã từng hăm he uýnh “hộc máu”
chò Long vì món nợ giang hồ gì đó giữa hai người trước đây. Trên đường đi tui
cẩn thận gọi hỏi nó “Mày nhất định uýnh
Trần Văn Long thiệt hả?” Ừa, ai biểu
nó nói dóc với tao là đi Hawai mà bay về VN mình ên, làm tao tưởng thiệt! Xời
ơi, có vậy mà cũng giận, đúng là con nít! Bạn bè tui hay ăn nói bạt mạng như vậy,
thật ra tụi nó tưởng mình còn nhỏ xíu như thời hai đứa còn chung xóm ở Sóc
Trăng, chơi tạt lon hay u mọi bù khú cả ngày với nhau trước
sân nhà, dưới tàng cây trứng cá của một thời xa lắc. Long qui Mã, nhưng
chưa bao giờ Lương qua Hông, nên cuộc gặp lần này chắc hào
hứng thú vị lắm đây.
Vì
có hẹn trước nên xe chạy thẳng lại lâu đài của công chúa Bạch Tuyết,
bấm chuông mà cứ sợ lộn địa chỉ. Ngôi nhà hoành tráng quá sức nên
cả bọn ngập ngừng, may mà sư tỉ kịp thời mời vô chánh điện.
Nhà chò
Hương cũng gần đó, chắc ẻm đi làm chưa về, để tăng thêm phần hồi hộp
cho cuộc đụng độ giữa hai bên, nên chiện
Long lên đây vẫn còn là bí mật của bà tám. Bàn nhậu dọn sẳn chờ
đợi, Long nép mình trong góc, giọng chò Hương oang oang “tao mà gặp nó là uýnh...”. Đèn
xanh bật lên, Long bước ra cười “ Nè,
uýnh đi”..Ủa, Chời! Tới đây thì khỏi nói nữa rồi, gương mặt sửng
sốt và mừng rở hết biết của chò Hương làm tui cũng hả dạ đường
xa.Ừa, tao chở lên đây cho mày thằng bạn nối khố một thời đó nhỏ à.
Vui nhe.
Buổi
ăn tối ngon lành với bao điều để nói, Nứng Cường nhìn Nứng Quan,
Nứng Sâm và có ý kiến: “Mình thấy
bây giờ ai cũng già hết xí quách rồi, Nứng chi được nữa, mình đổi
thành Nựng đi, Nựng cũng dzui dzậy ..” Cả bọn cười cái rần, không
thấy ai phản đối nhưng cũng không chắc là có người ok nhe…Nói tới
Nứng, Cường như cao hứng kể tiếp chuyện anh chàng nào đó tên Hưng,
bạn bè gọi đùa là Hưng nám, bà vợ thấy cũng lạ nên đính chánh là
chồng của bà không hề bị nám ở chỗ nào hết, nhưng khi lái ra thì..
có nám thiệt! Chời ơi, sao mà một bụng tiếu lâm dzậy !?
Sẳn
dịp lên đây cũng nên ghé qua một thắng cảnh nổi tiếng ở CA là Lake Tahoe,
tiếc cho Long không thể nấn ná chơi lâu được, mới sáng sớm đã đón xe
bus về lại Los cho kịp chuyến bay go home Houston, thôi thì cũng
chút tình Hoàng Diệu ghé thăm nhau, hẹn tái ngộ dịp khác. Tui có một ngày vui chơi
trong khung cảnh mây nước hữu tình trên núi với bao điều cảm nhận thú
vị về tuyệt tác của thiên nhiên bao la, phải nói lời cám ơn đến anh
chị Bạch Tuyết đã nhiệt tình đãi khách đường xa, phải khen anh Quan
làm tài xế giỏi khi leo núi bon bon (chứ hổng phải lái dở như Cảnh hù đâu nhe, hi hi) Qua chuyến đi này chắc
phải đề nghị Ban Tổ chức họp mặt lần sau nên có thêm hậu đại hội cắm
trại ở những nơi cây xanh bóng mát như vầy, để tối đốt lửa trại nhảy
“lâm thôn” mới đã. Trên đường tới
San Jose, tui quẹo qua một thành phố nhỏ tìm thăm cô giáo dạy Việt
Văn..cũng rất nhỏ (ít ra trong mắt tui mấy mươi năm về trước, hình
ảnh Cô trẻ trung xinh xắn lúc mới đổi về trường. Quả thật Cô Lê cũng không thay đổi lắm dù ở tuổi lục tuần,
dáng vóc thon gọn nhanh nhẹn như ngày xưa. Căn nhà rất mới, căn phòng
trang trí thanh nhã với màu tím thật lãng mạn. Cô dọn về hơn tuần
nay nên còn bận bịu sắp xếp… Bây giờ Cô đang chuẩn bị cho giai đoạn
nghĩ hưu sắp tới, chắc là Cô sẽ tiếp tục làm thơ... .
Cô nắm tay tui chân tình “Em nghĩ xem Cô
sẽ đặt cái bàn ở ngay cửa sổ này nhe, Cô sẽ nhìn thấy con sông đàng
xa kia, rồi Cô sẽ viết lách trong sự yên tỉnh mà Cô từng ao ước ..”
Tự dưng tui thấy Cô thật gần gủi, thật thân thương...tui đọc cho Cô nghe
câu thơ của Lý Hoàng Minh“Hai mươi mấy năm thời gian như
dao cắt..” Dao
cắt chắc là đau lắm hả em? Cũng như Thầy trò mình lăn lóc, ba mươi
mấy năm mới gặp nhau ở xứ người. Còn sống, còn khỏe là vui rồi Cô
ơi. Ra về giữa trưa nắng chang chang, xe chạy khá xa , tui mới nhớ ra
là đã quên chụp chung với Cô một tấm hình kỷ niệm trên bước đường
dong ruổi này. Hẹn gặp năm sau vậy, rủ thêm tụi bạn lên thăm, chắc Cô
mừng lắm.
Nghe
tin Hai lúa qua Cali, sẽ có độ nhậu ở nhà Kiệt vào cuối tuần, tui
và Nứng quyết định phục kích bất ngờ cho tụi nó ngạc nhiên chơi, đâu
có ai ngờ từ dưới Nam Cali mà chạy tuốt lên đây...Quả thiệt mấy chò
phục lăn ông già Nam bộ lù lù xách chai “gụ” đi thẳng ra nhà
sau, bá quan văn võ đủ mặt, cặp Bạch Tuyết, cặp Xuân Mai, cặp Thu Hương,
Thạch, Cảnh, Đức. Cũng đâu kém “vườn me” ở quê nhà, có gỏi dưa
bồn bồn, cua lăn bột.. bún mắm của em gái Sông Hàn nấu cũng hấp dẫn
đâu thua bún nước lèo chùa ông Bổn Sóc Trăng. Bạn bè gặp nhau thì đủ
thứ chuyện để nói để cười. Hai lúa cứ lăm le máy chụp hình, bấm
hoài hổng thấy nhá đèn, bị chê là hàng dỏm cũng tức, nhưng dù sao
cũng ráng kiếm bằng chứng đem về cho bà xã thấy là “anh chỉ chơi
với bạn thôi, hổng có cà phê “Lú” với con nhỏ nào khác” để lần sau còn được nàng cấp
phép đi xa. Ai mà biết Hai lúa có bán lúa giống để tối nay theo Cảnh
Kiệt đi thăm mấy em nhà nghèo nổi tiếng ở San Jose. Thiện tai , thiện
tai !!
Cặp Toàn Ngôn tới trể với hộp bánh trên tay.
Thì ra Toàn nhớ tháng 8 sinh nhật của Hương và Cường. Mèn ơi,
mới có 45 chứ mấy, hai chò cầm tay nhau cắt bánh sao mà giống đám
cưới quá chời, mặt chò Hương đỏ hồng vì ..khoái chí. Bàn nhậu do anh Quan chủ xị, nhưng lại do
Kiệt chủ chốt, nên ai hay dở, đúng sai đều bị phạt tuốt, tui cao hứng
cụng chăm phần chăm làm thiên hạ giật mình, chiện nhỏ! Trong cơn
say ngà ngà, Kiệt hỏi mấy nứng sao mà cua mấy chế giỏi
dzậy? Hồi đi học Kiệt cũng cua mà có dính ai đâu. Tại vì lúc đó con
chai học chung lớp, mấy chế coi như ..đàn em thôi. Toàn nói xong, Kiệt
thấy đúng quá nên tự phạt mình một ly, coi như huề. Bửa nay tui biết
thêm Xuân Mai, học Pháp văn, chồng Mai là Nứng Xiếc, từ nảy giờ ngồi im, ai nói sẳn thì cười, chợt
Nứng bật đứng dậy nhìn Ngôn chăm
chú và dồn dập như hỏi cung : “Phải hồi đó anh học trường kia, phải
hồi đó anh trắng trẻo, áo quần lúc nào cũng bảnh bao, anh thường
chơi chung với thằng A, B, C? Phải hồi đó anh thường chạy xe màu xanh
màu đỏ...Anh nhớ hôn , tui học chung lớp với anh nè,tui ngồi bàn
dưới.. tui nhớ không lầm mà..” Đến đây thì cả bàn nhao nhao “Ừ, đúng
rồi , anh Xiếc không lầm mà Ngôn Lầm. Hahahahaha” Nứng Ngôn chợt ngớ người khi bị
quay đột ngột, ráng lục lọi trong trí nhớ mơ hồ của mình xem anh
chàng ốm nhách đang ngồi đối diện với mình là ai? Làm sao nhớ nổi
chuyện hơn 40 năm trước, đã vậy còn bị tụi quỷ đặt cái tên khó
nghe... nhưng không sao, gương mặt sáng rỡ của Nứng Xiết khi nhận ra bạn cũ mới là đáng quý. Hai người
bắt tay nhau vui vẻ, Kiệt rót rượu phạt cả hai tên vì cái tội quên
và cái tội nhớ! Chắc Kiệt ỷ đá tại sân nhà, độc cô cầu bại
chưa chắc là đứng vững sau độ này nhe.
Chia tay ra
về, tối nay Hương Cường và sư tỉ Bạch Tuyết trực chỉ Sacramento, ngày
mai Thạch bay về New Jersey, tui và Nứng lại trở về vùng
sa mạc 110 độ F của mình. Chia tay mùa hè,
chia tay mùa họp bạn. Cả bọn đã có những gặp gỡ thú vị, những trận
cười no nê bên nhau, kết nối thêm tình thân ái đồng môn, đồng hương,
đồng khói.Vậy là bội thu, là được mùa rồi ,còn gì tuyệt hơn thế
nữa phải không các bạn?! Chợt nhớ sắp tới tháng 9, gần ngày tựu trường rồi nhe, mấy chò nữ
may áo dài chưa, con chai nhớ cắt tóc ngắn, áo bỏ vô thùng
đàng hoàng, đi học nhớ réo nhau một tiếng, kẻo vô trể bị “chú sáu
Mỹ Thuận” phạt đứng cột cờ đó. Ủa, mà quên, tụi mình già hết
rồi còn đi học cái nổi gì..Tui thiệt lẩm cẩm, Chời ơi, mới đó mà
hơn bốn chục năm rồi, thời gian kinh khủng quá, may mà bây giờ tụi
mình vẫn còn có nhau. Hên thiệt!
Ngọc Ánh