Hoàng Quân, Ngô Nguyên Dũng, Frankfurt 10.2018
Thời giữa thập niên 80, gia đình chúng tôi đến Đức được vài
năm, tạp chí Độc Lập và Măng Non (sau này đổi
thành Văn Nghệ Trẻ) là những món ăn tinh thần quý giá. Học tiếng Đức
thật vất vả, trầy vi, tróc vảy. Bởi thế, chúng tôi thèm thuồng món ăn chữ nghĩa
Việt ngon ngọt, vừa quý, vừa hiếm này. Nhận được tờ báo tiếng Việt, chúng tôi đọc
từ trang đầu đến trang cuối, không bỏ sót mục nào. Đọc xong, chuyền tay qua anh
chị em khác.
“Tác phẩm thủ công” đầu tay của tôi, truyện ngắn “Chó, Mèo,
Chim, Cá” đăng trên báo Măng Non ở Tây Đức của nhà văn Ngô
Nguyên Dũng. Anh Ngô Nguyên Dũng là chủ bút, chủ nhiệm, tổng thư ký… lo toan mọi
việc, từ đầu đến cuối. Tôi ngạc nhiên và thật vui khi nhận được tấm bưu thiếp của
anh Ngô Nguyên Dũng. Anh khen truyện “Chó, Mèo, Chim, Cá” dễ thương và ân cần
nhắc, nhớ viết tiếp. Ít lâu sau, anh Ngô Nguyên Dũng báo tin phải đình bản tờ
báo, mặc dù anh rất yêu chữ nghĩa. Cơm áo hằng ngày đòi hỏi cả tay phải lẫn tay
trái của anh (mà có lẽ của rất nhiều người). Anh khuyên tôi, gởi bài vở đến Xóm
Măng của Làng Văn.
Tôi không gởi bài đến Xóm Măng, nhưng vẫn “gặp”
anh Ngô Nguyên Dũng khi đọc báo Làng Văn. Tôi nhâm nhi những Dòng
Chữ Tâm Tình*, ngắm nhìn Mười Hai Hoa Cúc*, làm quen với Cún 1,
Cún 2, Kiki, mấy nhân vật dễ thương trong Gia Đình Cún*. Đọc truyện
của anh, ngoài những đường xưa lối cũ của Việt Nam, thỉnh thoảng bắt gặp vài địa
danh của nước Đức, nhân vật người Đức, tôi có thêm chút tình… đồng hương với
tác giả Ngô Nguyên Dũng.
Sau khi báo Văn Nghệ Trẻ đình bản, tôi liên
lạc với anh Ngô Nguyên Dũng mỗi năm chỉ một lần, để đặt mua dài hạn báo Làng
Văn. Tôi viết ít chữ, báo tin đã chuyển ngân gia hạn báo. Anh Hải, anh
cả của tôi, kể, anh và anh Dũng cùng là học trò Pétrus Ký, Sài Gòn. Qua Đức du
học, anh tôi theo ngành cơ khí, anh Dũng theo ngành hóa học. Họa hoằn mới gặp
nhau. Anh tôi bảo, anh Dũng rất hiền lành.
Năm 2002, anh Ngô Nguyên Dũng đóng vai ông mai, “xe duyên”
cho tôi với chị Hoàng Nga. Những lúc hai chị em kháo chuyện, tụi tôi nhắc anh
Dũng, gọi đùa là Ngô công tử. Mấy năm sau, anh Ngô Nguyên Dũng xuống München
chơi. Chúng tôi có buổi hội ngộ thật vui ở nhà chị Hoàng Nga. Anh cười cười dễ
dãi, như ông anh lớn, mặc cho mấy đứa em tinh quái trêu chọc. Anh Ngô Nguyên
Dũng mang theo máy chụp hình, đạo diễn cho chúng tôi chụp vài tấm gọi là để
làm kỷ niệm những ngày quen nhau. Thấy hình chụp chung ba người ngồ ngộ,
tôi bèn “vè”:
Gặp anh Dũng, tôi thấy anh hiền thiệt, hiền khô, hiền queo.
Anh dễ quen, dễ mến. Về sau, những email liên lạc của anh, dẫu
chỉ đôi dòng, nhưng gói ghém những đồng cảm, đôi khi là những lời động viên,
khích lệ, như của người anh dành cho em nhỏ.
Anh Ngô Nguyên Dũng đọc truyện Hoàng Quân trên Thế Kỷ
21, anh bình phẩm “… phải công nhận rằng Thúy đem những điều nhỏ nhặt trong
đời sống thường ngày để viết ra những mẩu truyện thú vị như vậy. Không phải là
chuyện dễ, và ít người làm được… ” Những điều nho nhỏ ấy đem đến cho tôi niềm
vui nhẹ nhàng.
Năm nay, mùa Hội Chợ Sách Frankfurt, đặc biệt có nhà văn
Nguyễn Ngọc Tư, từ Việt Nam sang Đức, lãnh giải LiBeratur. Ỷ
mình nhà sát rạt Frankfurt, tôi gởi chương trình sinh hoạt mùa Hội Chợ Sách,
chèo kéo anh Ngô Nguyên Dũng đi cùng. Anh cho biết, rất muốn đi hội chợ. Nhưng
anh bận bịu chăm sóc người thân, không thể vắng nhà lâu. Tuy nhiên, anh cố gắng
sắp xếp đến dự Họp Mặt Thường Niên của Exil-P.E.N ở Frankfurt
vào cuối tháng Mười. Anh rủ tôi đến nghe anh đọc truyện trong kỳ họp thường
niên. Anh hỏi tôi có muốn vào hội Exil P.E.N. Anh sẽ tìm hiểu
thủ tục và sẽ giới thiệu tôi vào hội. Tính tôi ham vui, thích sinh hoạt đoàn thể.
Nghe đâu vui, háo hức tìm tới. Tôi vội đánh dấu vào sổ tay, để dành cuối tuần đến
dự kỳ họp của Exil P.E.N ở Frankfurt. Anh Dũng gởi cho tôi những
thông tin về Exil- P.E.N, Hội Văn Bút Lưu Vong, trực thuộc Trung
tâm Văn bút Quốc tế. Điều kiện gia nhập hội là sinh hoạt trong văn chương, có
tác phẩm xuất bản, và được hai người viết (thành danh) ở nước Đức giới thiệu.
Tôi nhờ anh Phù Vân, chủ bút báo Viên Giác của Đức, giới thiệu.
Lúc làm thủ tục, ông tổng thư ký hội cho biết, hai người giới thiệu phải là hai
hội viên mới được. Anh Phù Vân không là hội viên. Vì vậy, tôi cần thêm người thứ
hai. Một người góp ý ngay: “Tôi sẽ bàn với giáo sư Schlott. Ông ấy sẽ viết giấy
giới thiệu cô”. Tôi nghĩ thầm, hân hạnh quá, được ngay ông chủ tịch hội giới
thiệu.
Đến phòng họp, mới hay, không chỉ đơn thuần “cho vui” như
tôi nghĩ, mà là chốn sinh hoạt của những người có đủ cả tên lẫn tuổi. Có người
vừa thơ, văn, và họa. Có người sách đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác. Tôi
như con bé học trò tiểu học đi lạc vô khuôn viên đại học văn khoa. Anh Ngô
Nguyên Dũng chu đáo dắt tôi đến chào ông chủ tịch hội, giáo sư Schlott và gặp gỡ
những hội viên khác.
Hội viên vùng Đông Âu như Nga, Ukraine, Romania, Serbia cũng
như vùng Trung Đông chiếm đa số của hội. Anh Ngô Nguyên Dũng là hội viên người
Á Châu duy nhất có mặt trong buổi họp thường niên năm nay. Anh Ngô Nguyên Dũng
đọc một đoạn trong tiểu thuyết Tausend Jahre im Augenblick (Ngàn Năm
trong Khoảnh Khắc). Anh Ngô Nguyên Dũng viết tiểu thuyết này thẳng bằng
Đức ngữ. Sách được nhà xuất bản POP-Verlag ấn hành trong năm 2018. Anh kể, anh
đã ròng rã “chiến đấu” nhiều năm trời, khi viết cuốn truyện này.
Chủ tịch hội, ông giáo sư Schlott, hỏi tôi: “Cô nghĩ xem, cô
sẽ có những đóng góp gì cho hội?” Thật tình, tôi không dè có câu hỏi này, tôi
không chuẩn bị tinh thần. May sao, lúc ấy, tôi nhanh trí, tóm tắt những điều
tôi đã, đang và vẫn làm, khi ngồi vào bàn viết. “Đến nay, tôi viết bằng tiếng
Việt, tiếng mẹ đẻ của tôi. Những câu chuyện của tôi trình bày, tại sao chúng
tôi, những người Việt Nam có mặt ở nước Đức, ở Âu Châu. Chúng tôi làm gì để hội
nhập vào xã hội Đức. Chúng tôi có thể làm được gì, để tỏ lòng tri ân với đất nước
đã cưu mang, đã cho chúng tôi cuộc sống trong tự do, dân chủ. Thế hệ chúng tôi
và thế hệ con cái chúng tôi có khác biệt, mâu thuẫn gì… ”
Buổi họp vừa dứt, anh Ngô Nguyên Dũng vội vàng ra về, không
kịp dùng bữa cơm tối thân mật với hội. Vì đường xa, chạy xe khuya khoắt, anh rất
ngại. Anh đành để tôi thay thế anh, ở lại trò chuyện với những người mới quen,
vào tối thứ Bảy và sáng Chủ Nhật.
Khi biết tôi là người Việt, cô Slavica, người Serbian, kể
câu chuyện cô được nghe tận tai. Đầu thập niên 80, cô là y tá bệnh viện ở một tỉnh
miền bắc Đức. Trong những lần tàu Cap Anamur đưa thuyền nhân vào bờ, có vài người
phải ở lại bệnh viện điều trị vì tình trạng sức khỏe không ổn định. Cô được
nghe được nhiều câu chuyện của thuyền nhân. Có câu chuyện gây ấn tượng mạnh mẽ
nhất, đã thúc đẩy cô viết lại trong ngôn ngữ của cô. Như vậy, câu chuyện thuyền
nhân Việt Nam có mặt trong một cuốn sách viết bằng tiếng Serbian những năm đầu
thập niên 90. Trong một chuyến vượt biên từ một vùng biển miền Nam Việt Nam, có
một phụ nữ trẻ, cùng người em trai, dắt đứa con nhỏ chuẩn bị ra khơi. Người em
xuống tàu trước. Người chị, vì lý do nào đó, bị buộc ở lại, có lẽ do tàu đã quá
đông người. Phút cuối, trong tích tắc, người mẹ trẻ quyết định gởi đứa con cho
cậu em mang theo. Người mẹ, phút giây ấy, không đủ thì giờ cảm nhận nỗi đau đứt
ruột rời xa con mình, cô chỉ kịp thảy đứa con xuống tàu, có người em đưa tay
đón cháu. Thật may mắn, hai cậu cháu đã bình an đến được bến bờ tự do. Câu chuyện
của mẹ con, cậu cháu đã gây xúc động tột độ trong lòng cô y tá trẻ người
Serbian. Cô Slavica viết một truyện ngắn về câu chuyện này. Bây giờ, mấy chục
năm qua, cô kể lại cho tôi nghe, giọng cô vẫn còn xúc động.
Giờ nghỉ giải lao, thêm vài người đến bắt chuyện. Bà Hella gật
gù: “Tôi thấy đề tài về những xung đột giữa các thế hệ rất hấp dẫn.” Sẵn có tờ
báo (giấy) Viên Giác trong tay, có đăng bài Yêu Lời Mẹ
Ru, tôi “khoe” ngay với các ông bà, đây là con trai tôi. Tôi kể sơ câu chuyện
con trai học luật, các ông bà tấm tắc, sehr interessant, thú vị
quá.
Bà Hehn, bà phó chủ tịch hội, thân ái vỗ nhẹ vai tôi: “Sang
năm, họp thường niên, cô phải đóng góp phần đọc truyện đấy nhé. Chúng tôi rất
vui, có thêm tiếng nói từ miền viễn đông, từ Fernost. Cô nói tiếng
Đức giỏi đó. Cô phải dịch truyện của cô sang tiếng Đức nhé.” Như một cô học trò
gương mẫu, tôi lễ phép: “Vâng, tôi sẽ cố gắng. Đấy là Hausaufgaben
cho tôi vào những tháng tới. Trước đây, tôi đã nhiều lần có ý định dịch truyện
mình qua tiếng Đức. Rồi cứ hẹn lần, hẹn lữa. Nhưng lần này, tôi sẽ ghi rõ vào lịch
của mình, ngày giờ nộp bài.”
Buổi họp mặt bế mạc, tạm biệt với các vị hội viên, nhiều người
nắm chặt tay: “Nhớ nhé! Sang năm gặp nhau ở Tübingen. Chúng tôi muốn nghe những
câu chuyện của cô đấy.” Tôi muốn nói, nhưng chỉ dám nghĩ thầm: “Vâng, tôi cũng
muốn được các ông bà lắng nghe câu chuyện của tôi.”
Trên con đường từ Măng Non của thế kỷ trước
đến Văn Bút Lưu Vong của hôm nay tôi đã có những dấu mốc đặc
biệt cho mình, được nhìn những bài vở của mình đăng trên các báo ở Đức, ở Mỹ,
Gia Nã Đại. Được cầm trên tay ba tập truyện đã được xuất bản và phát hành.
Năm sau, tôi còn 12 tháng để chuẩn bị kể câu chuyện của mình
bằng tiếng Đức.
Hôm nay, tôi muốn kể câu chuyện về Măng Non và Hội
Văn Bút Lưu Vong bằng tiếng Việt. Nghe xong chuyện của tôi, có lẽ anh
Ngô Nguyên Dũng sẽ nhắc: “Nhớ viết tiếp tiếng Việt và viết thêm tiếng Đức nhé
Thúy.” Có lẽ tôi sẽ nhủ thầm: “Đừng dời việc gì qua ngày mai, nếu có thể dời việc
ấy qua ngày mốt. Bởi, ngày mai, Thứ Bẩy, tôi bận làm cô giáo dạy tiếng Việt cho
bầy trẻ nhỏ.”
Ngày mốt, Chủ Nhật, tôi nhất định sẽ khai bút, dịch từ tiếng
Việt sang tiếng Đức vài truyện ngắn của Hoàng Quân.