Chúng tôi có sáu đứa con, ba trai, ba gái. Nếu vợ tôi không
cằn nhằn thì giờ đây tôi có thể khoe có hơn chục đứa không chừng. Dĩ nhiên con
cái đông phải cắm cổ mà cày, thấy mình còn thua con trâu, nhưng bù vào đó là
cái thú được hi sinh cho con cái. Thỉnh thoảng ngó lại, ngạc nhiên thấy con
mình sao mau lớn quá, áo quần đứa trước đã phải để cho đứa sau mặc rồi. Vợ tôi
đi làm về còn phải lo phục vụ chúng. Giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp... Bà la hét
đứa nầy, nạt nộ đứa kia rồi lại lầu bầu với tôi đủ chuyện, nhưng tôi chẳng hề bận
tâm, tôi biết bà rất thú vị khi làm như vậy, đó là hạnh phúc của bà.
Vợ tôi thương con đến độ thương luôn các vật dụng của chúng nữa, từ đồ chơi lúc nhỏ đến quần áo cũ, giấy bút không dùng...bà đều coi như của quí, đem cất vào kho. Bà thương luôn cả đến bạn bè của chúng, đứa nào đến bà cũng mừng rỡ, săn sóc. Con ăn gì chưa? Ngồi xuống đây, bác lấy gì cho con ăn nghe! Bà giới thiệu tất cả sản phẩm bà có trên bếp, trong tủ lạnh, đứa nào chịu ăn bà thích lắm, nếu khen mấy tiếng Ngon quá! là bà phổng mũi cứ bổn cũ soạn lại, lần sau lại bắt chúng ăn như thế, chúng cũng khen nhưng có vẻ đau khổ, tôi lại phải nhắc chừng để bà đổi món khác, rồi bà lại mời, lại hồi hộp chờ được khen.
Sở dĩ không đứa bạn nào của con tôi dám chê vì có mục đích,
chúng nhắm vào đứa con gái lớn trong nhà. Nó tên Thục Anh. Khi sinh ra nó, tôi
đặt tên mà không hiểu ý nghĩa gì cả. Chỉ vì lúc còn dưới trung học tôi mê một
cô bé học lớp đệ ngũ tên Thục Anh. Tuổi mới lớn, yêu chỉ để mơ mộng nên tên gọi
là phần quan trọng nhất, vì không lẽ buổi tối đang học bài, bỏ vài phút ra mơ mộng
mà lại viết tên người đẹp là Ổi, Ốc hay Cơm, Canh... lồng vào tên mình giữa
hình một quả tim?!...
Sau nầy, dung nhan cô bé đó, tôi không nhớ rõ, chỉ còn ấn tượng
đó là một cô bé ngây thơ, vui tươi, nhí nhảnh, đôi mắt thông minh, trong sáng.
Nhiều cô đẹp hay làm kiêu. Cô Thục Anh đẹp nhưng rất tử tế với bạn bè. Tôi thường
tìm dịp ngắm cô và yêu thầm. Và tên Thục Anh đã thành một âm vang dịu dàng
trong mối tình học trò thuở nào. Tôi lấy tên cô ta để đặt tên cho con gái tôi.
Dĩ nhiên vợ tôi đâu biết điều bí mật đó, nên cũng đồng tình. Tên Thục Anh, nghe
hay đó chứ!”
Thường con cái trong nhà, mỗi đứa tôi thương một cách. Tôi
không khó tính như mẹ chúng. Với con trai tôi nhìn thấy tôi của thời đi học.
Cũng mê gái, cũng cãi lời cha mẹ một cách vô ý thức. Với con gái tôi thấy giống
mẹ chúng, đúng hơn, giống bất cứ cô gái mới lớn nào khác, thế thôi. Trong nhà
thì lười biếng, chỉ siêng soi gương chải đầu, ra đường làm bộ trang nghiêm, áo
quần đẹp, ăn nói nhỏ nhẹ.
Riêng con bé Thục Anh thì đúng là yểu điệu thục nữ. Bình thường
trông nó thật thảm hại. Người ốm, hơi cao, mặt trái xoan dài, trông hơi xanh
xao như thiếu dinh dưỡng, hai mắt to vẻ ngái ngủ. Tóc tai lượt bượt, vướng víu,
khi làm bếp, thỉnh thoảng phải dùng cánh tay gạt ra phía sau, nhưng khi ra đường,
mái tóc dài đen mượt của nó là một giòng suối chảy xuống bờ vai thon nhỏ, dịu
dàng. Còn đôi mắt ngái ngủ, không hiểu nó tô điểm cách nào mà trông vừa buồn buồn
vừa ngơ ngác một cách dễ thương. Trang phục của nó cũng đơn giản, những hàng vải
mềm, màu trang nhã hòa hợp với khuôn mặt và dáng người, trông thước tha và quí
phái khiến các cậu vừa thấy đã xao xuyến nhưng cũng ngậm ngùi vì có vẻ cao sang
quá, mình chẳng đáng hi vọng chút nào.
Nghệ thuật làm xiêu lòng lũ con trai không phải ngẫu nhiên,
nó phải luyện tập gian khổ như một nghệ sĩ tập tuồng vậy. Từ cách ăn mặc, đi đứng
cho đến cách chuyện trò. Chẳng biết nó nghiên cứu đâu ra những phương pháp kỳ cục.
Trong nhà, nó thường đặt trên đầu một quyển sách, cần gì sai nó, nó cứ lững thững
đi trông như người máy. Tôi tưởng nó bị bịnh tâm thần, nó cãi Ba không biết gì
hết, khi nào con đi nhanh mà quyển sách không rớt xuống đất, con sẽ đi đẹp lắm
đó”.
Thục Anh che giấu khuyết điểm của nó một cách tài tình. Nó
gây lộn với các em nó không bao giờ thua. Với các anh, nó chỉ cần thút thít là
các anh nó bối rối ngay. Tuy nhiên Thục Anh biết giữ khoảng cách vừa phải đối với
bạn bè của anh nó. Với đứa nào nó cũng lễ phép và không thân mật quá khiến các
cậu mê mệt mà không dám tỏ tình.
Đúng là cha mẹ sinh con trời sinh tính. Em nó, con bé Đỗ
Quyên lại khác, tuy dáng dấp và khuôn mạt tương tự nhưng bản tánh mạnh mẽ như
con trai. Nó không lượt là như Thục Anh mà lúc nào cũng quần jean, áo pull, tóc
thì cột túm phía sau bằng một sợi giây thun, trong nhà ra đường đều thế, chẳng
hề thấy điểm phấn tô son bao giờ. Nói chuyện với con trai, nó đốp chát thẳng thừng,
bọn con trai tiếp xúc với nó cũng tự nhiên như với em gái thực sự. Có điều lạ
là đứa nào muốn tặng quà cho Thục Anh đều phải qua Đỗ Quyên, nếu không Thục Anh
sẽ không thèm nhận.
Các cậu đã tốn tiền còn phải quị lụy chỉ để được người đẹp
thưởng cho nụ cười và hai tiếng cám ơn. Nhưng có nhìn thấy Thục Anh nhận quà mới
hiểu được sự sung sướng của người tặng. Nó mở quà một cách chậm rải nhưng đầy vẻ
hồi hộp, tò mò, rồi nó kêu lên Ôi, đẹp quá!” mắt mở lớn, ngước nhìn nạn nhân
Cám ơn anh nhiều lắm, sao anh biết em đang cần món quà nầy? Em thích quá, cám
ơn anh!”Cách suýt soa, trân trọng món quà của nó khiến khối chàng si tình muốn
bê luôn ngôi nhà của cha mẹ đem dâng người đẹp. Đâu biết rằng, khi khách đã ra
về, chỉ còn lại người nhà, nó vất cho mấy đứa em Cho tụi bây, có thích thì lấy
đi.
Trong số các ứng viên có mấy anh chàng mà vợ tôi chấm là có
đủ điểm để lọt vào vòng chung kết, đó là các cậu đang học y khoa Không nghề nào
tự do lại nhiều tiền bằng”. Ngoài ra còn có một cậu coi bộ cũng si Thục Anh ghê
lắm nhưng cũng rụt rè không kém. Cậu vượt biên qua Mỹ một mình, vừa đi học vừa
đi làm, quần quật cho bản thân còn tiếp tế cho gia đình ở Việt Nam nữa. Chẳng
bao giờ thấy quà cáp cho Thục Anh, chỉ thỉnh thoảng mang đến vài tờ nguyệt san,
báo chí gì đó để ở phòng khách, có ai buồn tình thì giở ra đọc giết thì giờ. Thục
Anh như thấy được thế kém của anh chàng nên thỉnh thoảng có săn sóc, hỏi han rất
thân tình, có lẽ vì lòng trắc ẩn muốn cân bằng tương quan giữa các cậu, để cậu
ta khỏi nản mà bỏ cuộc, vì các bà, các cô tuy không yêu nhưng lại muốn càng nhiều
người say mê mình, càng thích. Mỗi lần ăn uống trong gia đình, cậu chỉ được ngồi
tít xa người đẹp, lo cắm cúi ăn. Vợ tôi tuy cho cậu ra ngoài danh sách ứng viên
khách đông sàng, nhưng lại thương nhiều vì cậu côi cút, thật thà, nhất là khen
bà nấu ngon. Con ăn McDonald, hot dog riết ngán quá, thèm cơm, bác lại cho ăn
ngon nên lần nào con cũng muốn bể bụng...”
Cậu ta, dĩ nhiên bị các đối thủ loại ra vì không có ưu điểm
nào đáng ngại cả. Ăn mặc xuề xòa, thường là bộ đồng phục của tiệm ăn vì cậu là
bồi bàn. Chiếc xe cũ xì, trong bỏ đầy báo chí sách vở. Người cao, mặt mũi cũng
tạm nhưng tóc tai hớt ngắn như lính. Chỉ chừng đó cũng biết cậu chắc chắn đã thất
bại trước khi tham gia cuộc đua chạy đến trái tim người đẹp rồi, đúng hơn cậu
cũng chạy, nhưng lẽo đẽo theo sau để xem thử các bạn mình ai sẽ đến đích chứ
riêng cậu chẳng thấy quyết tâm gì. Thế nên vợ tôi gọi cậu là anh chàng Cá Kèo,
ý nói đứng hạng chót trong danh sách các ứng viên.
Hôm tiệc sinh nhật, mới sáng, các bạn bè đã lục tục mang quà
đến để đầy phòng khách. Không hiểu có phải qua Đỗ Quyên không, hình như cậu nào
cũng biết rằng Thục Anh sẽ lộ ý cho biết ai là ý trung nhân của cô trước khi
lên đường đi học xa, và cậu nào cũng tin rằng mình đã nằm trong mắt xanh người
đẹp rồi. Một cái TV ngạo nghễ chiếm một góc phòng, bên cạnh là một cái máy CD,
DVD gì đó, có mấy gói quà nho nhỏ tuy khiêm nhường nhưng nổi bật nhờ giấy gói rực
rỡ...
Trong lúc chờ đợi chúng tụ tập ở phòng khách chuyện trò rôm
rả. Vợ tôi tuy chuẩn bị trước, nhưng nấu nướng các món không phải đơn giản, các
cô con gái và cả tôi nữa đều phải xuống bếp phụ một tay. Một lần, trong khi Thục
Anh đang ở trong bếp thì anh chàng cá kèo xuất hiện, cậu ta đi có vẻ mạnh dạn lắm
nhưng không che dấu được sự rụt rè, thiếu tự tin. Cậu đến bên Thục Anh đưa ra một
gói nho nhỏ, hình như một quyển sách trong một phong bì màu xám “Anh tặng Thục
Anh... để mừng sinh nhật. Anh cho gì đây? Quyển sách hả, anh để trên phòng
khách, lát nữa em sẽ mở quà, bây giờ tay em dơ lắm. Anh không thích để trên đó,
không thích ai biết trừ Thục Anh. Được rồi, em mở ngay bây giờ, quyển sách phải
không?” “Một tập thơ. Thơ của ai? Thơ của anh. Thục Anh không lộ vẻ gì ngạc
nhiên, nó giở từng trang, nhìn thoáng qua. Em có đọc mấy bài nầy rồi, trong các
tờ báo... Đúng rồi, anh làm thơ tặng Thục Anh đó. Hèn gì, bài thơ nào cũng thấy
đề. Tặng Thục Anh em biết ngay là anh” Con bé chỉ hững hờ nói cám ơn rồi bảo Đỗ
Quyên đem tập thơ vào phòng.
Có lẽ cậu cá kèo đang chờ đợi một tiếng kêu ngạc nhiên của
Thục Anh kèm một cái ngước mắt nhiều cảm động và biết ơn, giống như lúc nhận
quà của mấy cậu kia. Không ngờ vẻ lạnh lùng của Thục Anh khiến cậu ta như bị một
cú đấm bất ngờ. Phải rồi, tập thơ chẳng có giá trị gì cả, cũng chẳng biết dùng
vào việc gì! Mặt cậu tái nhợt, cậu nói vội vã như hụt hơi. Anh về nghe! rồi cậu
lễ phép với chúng tôi. Xin phép hai bác con về, con bận có chút việc. Vợ tôi vội
chận lại. Có chuyện gì gấp vậy? Con ở lại với bạn bè cho vui, hay để bác dọn
riêng, con ăn trước rồi hãy về. Thấy vẻ bẽ bàng lúc nãy, tôi đoán cậu thất vọng
nhiều lắm nên cần rời nơi nầy, tìm một chỗ yên tĩnh để gặm nhấm nỗi buồn nên
tôi không chen vào. Vừa lúc Thục Anh đến. Anh về em giận lắm đó. Ở lại, nghe
chưa! Lối ra lịnh như thế khiến tôi cũng bất bình, cậu cá kèo đành nghe theo.
Có lẽ lúc sượng sùng nhất của cậu là khi mở quà vì cậu chẳng
có tặng vật gì ở đó cả. Tôi ngồi ngắm những nhân vật của vở kịch đời, thấy rõ
tâm lý hiện lên trên từng nét mặt. Với món quà nào Thục Anh cũng có một lối mừng
riêng, nó khéo léo đến độ anh chàng có món quà ít giá trị coi bộ còn sung sướng
hơn người khác nữa.
Thục Anh quì giữa đống quà và những giấy gói đủ màu sặc sỡ
trông nó dễ thương và ngây thơ như một đứa bé. Tôi nhìn nó lòng vui sướng và ngạc
nhiên, mới năm nào sinh ra, nó chỉ có chút xíu, ngọ ngoạy chân tay một cách vụng
về, miệng cười thơ dại, thơm nức mùi sữa mẹ, bây giờ thành một cô thiếu nữ xinh
đẹp.
Trong lúc dự tiệc, anh chàng cá kèo vẫn giữ vị trí xa người
đẹp nhất. Những lần trước cậu thường lặng lẽ ngắm Thục Anh, thỉnh thoảng góp
chuyện với bạn bè, lần nầy cậu im như thóc, mặt buồn thiu, cầm đôi đũa vầm vầm
món gì đó trong chén chứ không ăn, có điều cậu uống bia hơi nhiều, mặt bắt đầu
đỏ, trông lầm lì, dữ tợn.
Cũng như mọi khi, bọn trẻ tha hồ nói thánh nói tướng về
mình, về mọi chuyện, nhất là chuyện người đẹp, cậu nào cũng ra vẻ ta đây có số
đào hoa, con gái chạy theo thiếu khối mà không thèm (Ý muốn nói chỉ để ý một
người thôi) Rồi chúng xoay qua anh chàng cá kèo để chọc phá. Còn mầy thì sao? Kể
ra xem, trước giờ có được mấy em theo mầy? Có mấy con cháu bà Só! Cả bọn ngớ
ra, nhưng vợ tôi cười rộ lên giải thích. Cháu bà Só là chó bà Sáu đấy.”
Thấy có người hiểu được mình lại thêm chút rượu trong người,
cậu bắt đầu triết lý. Con trai là nam châm, con gái là sắt, thép; có cứng bao
nhiêu cũng chạy theo nam châm. Mầy ngon, vậy chứ có mấy cục sắt chạy theo mầy rồi?
Chưa có, nhưng muốn lúc nào là có ngay. Cả bọn nhao nhao. Thằng nầy xạo, biểu
diễn coi, bữa nào đưa một em đến đây cho tụi tao xem, hay dẫn một em xấu hoắc
thì đúng là sắt rỉ, nói làm gì. Đâu đến nổi, tụi bây chấm được mới kể, nhưng phải
thong thả, ít ra cũng vài ba ngày, hẹn hò đàng hoàng chứ thình lình như đâu
trên trời rớt xuống được. Chúng tôi bắt đầu ái ngại cho cậu ta, có lẽ vì bị Thục
Anh lạnh nhạt trước món quà vô duyên đó nên cậu tự ái, một phần vì ngấm rượu cậu
đã bị các bạn đưa vào bẫy thách đố, nhưng trông còn vẻ bình tĩnh tôi đoán cậu
có cách thoát ra. Thứ bảy nầy đi, mầy đưa người đẹp đến đây, dám không? Có
ngay, nhưng em vô nhà hay không tùy quyền em. Tụi bây đông quá, em khớp, đâu
dám. OK, đứng trước sân đủ rồi, chín giờ sáng thứ bảy, được chưa?”
Vợ tôi và mấy đứa con gái cũng bị kích động theo, anh chàng
cù lần nầy làm sao kiếm được một cô bạn nhanh như thế, hắn không có bà con quen
biết để nhờ đóng vai người bạn tạm bợ “Sáng thứ bảy mấy đứa ghé đây ăn sáng,
bác sẽ nấu phở cho mà ăn” Lát sau cậu ta xin kiếu từ về trước, thấy lối đi ngất
ngưỡng, vợ tôi bảo Con ra phòng khách ngồi nghỉ một lát, tỉnh rượu hãy về, cảnh
sát gặp thì nguy” “Dạ, không sao đâu bác, con đi trong xóm chứ không ra ngoài lộ
đâu.”
Sáng thứ bảy, bọn trẻ đã tụ tập tại nhà tôi chờ xem anh
chàng cá kèo đem người đẹp đến trình diện. Tôi không quan tâm đến chuyện trẻ
con đó, nhưng tò mò xem cậu ta giải quyết sự thách đố ra sao. Trước chín giờ cậu
ta đã đến, cả bọn nhao nhao “Người đẹp đâu?” “Mười phút nữa em sẽ đến” “Mầy
không đón em đến đây à?” “Em đến đón tao chứ xe tao em nào thèm ngồi” “Thằng nầy
ngon, chà bữa nay áo quần coi bộ láng quá há!”
Tôi cũng nhận thấy cậu ta ăn mặc lịch sự, tóc tai gọn gàng,
áo quần mới thẳng nếp lại thêm chiếc cà vạt hoa lá cành trông rất bảnh bao, coi
bộ còn đẹp trai hơn các bạn nữa. Vợ tôi bảo “Mỗi đứa vào bếp lãnh tô phở rồi ra
phòng ăn mà ngồi” “Thưa bác, lát nữa con đi ăn điểm tâm với cô ta.”
Bỗng có tiếng còi xe, cả bọn ùa ra cửa. Cậu cá kèo chửng chạc
đi ra. Chiếc xe đời mới, cũng rực rỡ như cô gái trong xe. Cậu ta nói gì đó, cô
gái ra khỏi xe, cười thật tươi, vẫy tay chào trong nhà. Tuy cô không đẹp lắm
nhưng cách ăn diện ra người đứng đắn, quí phái. Dự đoán một cô tào lao nào đó
không đứng vững. Cô gái nhường tay lái cho cậu cá kèo và xe vụt chạy đi.
Hơn một giờ sau xe quay lại, cô gái lại ra khỏi xe vẫy tay
chào trong nhà, cậu cá kèo nói gì đấy cô ta cười gật đầu từ biệt. Bây giờ thì cậu
ta chẳng còn chút buồn nào nữa, vợ tôi cũng vui lây, có lẽ bà cảm thấy như có lỗi
vì cách đối xử của Thục Anh hôm trước, nay đã có một cô gái thay thế con gái bà
trong quả tim anh chàng tội nghiệp nầy rồi. Rồi đây, khi Thục Anh chọn được một
đối tượng, các cậu kia cũng sẽ buồn như vậy, có khi buồn hơn vì ấp ủ nhiều hi vọng
hơn. Vợ chồng tôi cứ áy náy về cách xử sự vụng về của Thục Anh, cho nên chúng
tôi dự định một dịp nào đó sẽ bắt Thục Anh xin lỗi cậu ta và chúng tôi sẽ nói mấy
lời an ủi để cậu khỏi buồn.
Ba nói hơi nhiều, bây giờ ba đề nghị thế nầy, sáng mai chủ
nhật con mời anh ta đến và nói lời xin lỗi cũng như cám ơn tấm lòng của anh ta,
ba tin con biết cách nói cho anh ta hiểu rằng con rất hãnh diện và cảm động được
anh ta quan tâm thương yêu, nhưng thời gian sẽ giúp con trả lời và những bài
thơ đó con sẽ giữ gìn như một kỷ niệm quí nhất, đẹp nhất trong đời”.
Thục Anh đứng yên lặng nghe, nó có vẻ buồn buồn, tôi không
hiểu nó đang nghĩ gì, nhưng lòng tôi rung động một tình phụ tử. Tôi tưởng nó đã
lớn, đã thay đổi rồi, nhưng giờ đây trước mắt tôi, khuôn mặt, đôi mắt, chiếc miệng
đó vẫn y nguyên như thời thơ ấu, nhất là khi nó sắp khóc, khiến tôi nhớ lại lúc
nó còn nhỏ mỗi khi tôi giận dữ, la mắng điều gì, hễ mắt nó rơm rớm là lòng tôi
chùng xuống, giận dữ tiêu tan, chỉ còn tình thương đứa con bé bỏng. Tôi ân hận,
có lẽ đã nặng lời với nó chăng? Hay nó có tâm sự gì buồn? Vợ tôi cảm thấy điều
đó, bà ôm Thục Anh vào lòng, nó bỗng khóc nấc trên vai bà. Tôi hôn lên đầu nó
và thì thầm” Ba xin lỗi con!”.
Sáng chủ nhật hôm sau, anh chàng cá kèo đến, Thục Anh tiếp ở
phòng khách. Chúng tôi không muốn xen vào, chỉ ngồi ở phòng ăn. Tôi uống cà
phê, vợ tôi loay hoay trong bếp nhưng đôi tai vẫn hướng về phòng khách. Phòng
ăn sát với phòng khách, chúng tôi loáng thoáng nghe được cuộc đối thoại. “Hôm
trước thấy anh uống rượu mà ghê, tưởng bị cảnh sát bắt nhốt rồi chứ” “Đâu có
say, uống cho vui”
Im lặng...
Lại yên lặng... “Em mà không đi học xa đừng hòng em nói cho
mà biết. Người ta thương!.. Chưa gì đã lăng nhăng. Lúc tối em tức phát khóc.…”
Rồi nó lớn tiếng “Bây giờ về đi, chứ ngồi đó làm gì nữa? Đưa lại em tập thơ. Đứng
lên!.. Cúi xuống! Cúi xuống nữa! Sao cao quá vậy?! Vẫn giọng lạnh lùng đó, như
đang đốp chát với mấy đứa em nó! Vợ tôi lầu bầu. Con nhỏ nầy... Sau nầy ăn hiếp
chồng dữ lắm! Và bà nhỏm dậy, định ra giữ thằng bé lại ăn điểm tâm, nhưng mới đến
cửa, bà khựng lại, ngoắc tôi đến.
Tôi biết rõ Thục Anh, bao nhiêu con trai đến nhà tôi thường
xuyên, đố đứa nào đụng được chéo áo nó. Nó giữ ý, nghiêm trang lắm. Vậy mà giờ
đây nó đang hôn lên trán anh chàng thi sĩ si tình mấy cái. Rồi vừa cười nho nhỏ,
nó vừa vò vò đầu cậu ta như đang đùa với một em bé.
Phạm Thành Châu