Tản mạn tuổi già
Đến cái tuổi
nào đó, tự nhiên hết thích .. ô mai,( sẽ có đứa kêu lên “lãng nhách! lứa tuổi thích ô mai qua mất
tiêu 40 năm về trước rồi bà ơi, bộ ngũ gục thấy ác mộng hay sao mà bây giờ mới
giật mình nói mớ ) tự nhiên hết thích lên mạng ..tám líu lo, tự nhiên hết thích
rủ ren lại nhà đứa này đứa kia để ăn bún nước lèo, nhắc chuyện xưa.., tự nhiên
hết thích gọi phone í ới cuối tuần cho lũ bạn phương xa , nói tới thiếu điều
cháy máy..và tự nhiên tui buồn hổng hiểu vì sao tui buồn khi đến cái tuổi “hai mươi lần hai mươi”., ủa là bao nhiêu
vậy ta? Chắc là tuổi đá buồn!
Buổi sáng thức dậy thấy rêm mình, bụng nghĩ tại bị do thời tiết nóng lạnh bất thường ở cái xứ gió cát này, do hôm kia dầm mưa ngoài sau hè làm ráng cho xong mấy vạt rau , do hôm qua đi bộ hơi nhiều nên người bị oãi ..Nhưng quên mất mình U60, nghĩa là đã già rồi, Xời, tưởng còn nheo nhẻo chắc, làm cái gì cũng ỷ sức như thời “chai chẻ”! Tui chợt nhớ lại đám bạn cùng thời đi học với mình, nhất là ở dưới quê, cái tuổi xấp xỉ trên dưới 60, có đứa đã ngồi sui hai ba đám, có đứa cháu nội ngoại đầy đàn, nhưng cũng có tên còn lận đận áo cơm , bạc đầu mà “cha già con muộn”, con số này thì chắc cũng không nhiều, nhưng hiện tượng “một tốt , hai vừa, ba thừa bốn quá” của cái xã hội sau 75 thiếu thốn trăm bề, cuộc sống bươn chải khó khăn , nên lũ bạn tui cũng “rặn” đúng chỉ tiêu một tốt, có đứa cũng muốn đủ trai đủ gái cho có anh có em , ráng rặn thêm ai dè trớt quớt, thành ra chỉ mần một chức thôi, Nội hoặc Ngoại chứ không còn cơ hội nào khác, cho dù có rút thăm trúng thưởng cũng gặp câu an ủi “chúc bạn may mắn …lần sau”.
Nhưng cũng
có vài đứa vượt chỉ tiêu, mần một hơi 3-4 đứa, dù cơm áo gạo tiền chạy vắt giò
lên cổ, cực nhưng mà vui, nín thở qua sông chừng hai mươi mấy năm là có
cháu chắt nhóc nhà, chắc nó cũng tính
hơn tính thiệt quân số của mình.Nghĩ lại ông bà già hồi xưa , sao mà dám sòn
sòn một chục ..14, thiệt là bái phục,
bái phục!
Tui có thằng
bạn cũng thuộc diện một tốt, khi cả
nhà qua Mỹ thì thằng nhóc đâu chừng tiểu
học, Hắn tên LC, nhưng vì khoái phim chưởng quá nên đặt tên con là Lâm Vô Kỵ,
không biết Vô Kỵ văn võ song toàn ra sao, mà bẳng đi mấy năm, tui nghe giọng hắn
phấn khởi ở bên kia đầu dây “Ê, tui có
cháu nội rồi bạn ơi!” Thiệt hôn , tui
nhớ con ông còn nhỏ xíu mà” …Ờ, nó lấy vợ hồi Tết, bây giờ nó báo có con thì
tui ..mừng được lên chức”… Niềm vui
làm quên đi nổi buồn tuổi già sồng sộc của hắn, tui tò mò hỏi “vậy ông định đặt cháu nó tên gì ? sanh năm Cọp kêu Tiger cho dữ dằn”..Tui bật cười “thôi đi , ông khoái uống bia con cọp thì nói
cho rồi!
Vậy đó, thằng bạn tui bổng chốc trở thành thằng .. ông Nội! hắn có vẽ chịu cách gọi
rặt miệt quê này, và đầy hào hứng khi kể về thằng cháu nội đầu đời của hắn.
Tui cũng có
thêm thằng ông nội ham vui khác tên
MHS, khi con trai hắn đến tuổi gần lấy vợ
(Nam thập lục)thì gia đình hắn lục đục sao đó, bạn bè tưởng phen này
nàng dứt áo ra đi cho đời hắn thong thả hơn , ai dè ít lâu sau hắn “ba thừa” ra con nhí, mặt hắn méo xẹo
khi bị chọc quê “ bộ bể kế hoạch hả?” ..Nhưng nhờ vậy mà hắn trãi nghiệm được cuộc
sống ý nghĩa hơn, mỗi lần đi nhậu , hắn dẫn con nhí theo, hổng gì, có nó, hắn
không dám xỉn, không dám chạy xe lạng quạng, Khi con nhí vô lớp 1 thì hắn cũng
thành ông Nội, sớm nhất trong đám bạn chung bàn, mỗi lần nghe tiếng xe lạch bạch
của ông nội quẹo vô nhà, là cháu nội chạy ra ôm cứng.. tuổi già của hắn cũng cảm
thấy đở tủi thân!
Nói đến con mọn, tui lại nhớ tới KCT, hắn qua Mỹ
sớm hơn ai hết, một thân một mình mưu sinh tự lập, mãi tới lúc tóc bạc mới giật
mình lớ ngớ kiếm vợ, biết tìm đâu bây giờ, trong cơ quan toàn mấy bà Mỹ to
đùng, lở dại cưới về, tối bả gát chân thôi cũng đủ ngộp thở mà chết,
“Hey, sao ông tìm được bà xã vậy?” Ai biết
đâu, đi nhậu với mấy thằng bạn, nó nói có con em bên VN mới qua, thấy được thì
ok, nên phải lật đật rước ngay kẻo huốt tuổi xuân thì (40 hơn mà xuân thì
cái nổi gì) Cưới nhau xong là đi, sau khi nắn được thằng cu, mặt mũi y chang hắn,
thì nàng đi làm xa mút chỉ, lâu lâu mới
về nhà , bỏ hai cha con quanh quẩn với nhau, đưa nó đi học, rước về , chở đi
bơi, đi học võ, lúc nào cũng thấy hắn bận rộn lăng xăng với con mọn , chợ búa
cơm nước không biết hắn trổ tài ra sao mà thằng nhóc khoe Daddy của nó có mỗi
món trứng chiên là ngon tuyệt! Hên cho
thằng bạn tui lập gia đình tuy muộn,mà
cũng ấm êm hạnh phúc, nhưng đợi tới lúc lên chức Nội chắc còn hơi lâu,
nó than hổng biết có sống tới lúc đó nựng cháu không nữa! bây giờ đã thấy già quá rồi.Nghĩ cũng tội
nghiệp!
Cùng xuồng con mọn với hắn có LHT, Hai lúa, CN, T.Hạnh,
HQL, NTV ..cũng tốn khá nhiều thời gian
tâm huyết để chăm chút cho mấy con gà bé
bỏng của mình, cha mẹ nào cũng thương con , nhưng mỗi người mỗi cách, có bạn
khoái nuôi gà thả vườn để nó tự vươn vai
hít thở, vấp té tự đứng lên không cần xuýt xoa,
tự do phát triển tư duy và tự do chạy nhảy theo chiều kim đổng hồ....Cũng
có bạn lại thích nuôi gà công nghiệp, ăn ngũ theo nội qui, học hành theo đường
lối chủ trương, chơi đùa ..trong chuồng và tuyệt đối chấp hành chánh sách giáo
dục của BaMá nó, hở ra là bị la hét rầm trời, nên khuynh hướng mấy con gà này
khoái “nổi loạn”
Dĩ nhiên cách nào cũng có cái lý của nó, miễn
bàn.!.Nhưng xét cho cùng đám bạn già của tui ,từng tuổi này việc con mọn quả là vấn đề “thăm thẳm chiều trôi.” Đáng lẽ nghĩ hưu
phải thong thả vợ chồng ra huê viên hái hoa bắt bướm, chứ ai đời còn đi cày để
nuôi nó ăn học ra trường.. .Rõ khổ!
Buổi sáng
thức dậy ê ẩm vì đau lưng, nhức mỏi, hoa mắt , ù tai vì cao huyết áp..” ở tuổi này không đau mới lạ”(thơ TNHK)..
Bỗng chạnh lòng nhớ lang man đến thời
thanh xuân đã qua của mình của bạn bè cùng lớp, bây giờ đứa nào cũng tóc muối
tiêu, có đứa muối trắng .. Đã thành ông Nội, bà Ngoại , vui và mệt với lũ cháu
nhỏ trong nhà, có đứa cũng đang dài cổ ra chờ ngồi sui, chờ có mụn cháu đích tôn nối dõi tông đường.Nói chơi vậy
thôi, thời buổi này đừng mơ nó nhớ ngày cúng cơm, nhất là bên Mỹ, may ra nó để
cái pizza, hotdog lên bàn là xong bửa giổ.
Nhà nào gia phong nề nếp lắm thì bắt nó học
nói tiếng Việt, biết lơ lớ thưa ông thưa bà thì cũng hả dạ phần nào, nhưng
không chắc là nó hiểu hết những điều mình muốn nói, tiếng Việt như một dạng
sinh ngữ phụ, trường lớp sẽ dạy nó nhiều hơn, lâu dần nó sẽ quên tiếng mẹ đẻ..
Đó cũng là điều đương nhiên! Ngẫm nghĩ thấy buồn thay, như nhà tui có đứa cháu
Nội chừng 6 tuổi , dạy hoài tiếng kêu “ông
Nội” mà nó ấm ớ mãi để rặn ra câu “Anh
Nội” , bó tay!
Tuổi già
bây giờ thì chưa đến nổi, tui lại nhớ câu chuyện vui 3 bà đi chợ
-
Bà
thứ nhất nói: bửa nay trời mù sương
-
Bà
thứ hai : Ờ, đi chợ mua tương
-
Bà
thứ ba : mấy bà nói lạ, con cháu ai hổng thương!
Tưởng tượng
chừng mươi năm nữa tụi mình nếu còn ráng leo lên Internet để conference hú hí với
nhau, chắc cũng giống như vầy, lúc đó mạnh đứa nào nấy nói, nghểnh ngãng đâu biết
gì,lại cải nhau chí chóe cũng rậm đám lắm chớ bộ. Chời đất ! mới tưởng tượng
thôi mà đã thấy buồn tàn thu rồi bà con ơi, Nên tui nghĩ bây giờ còn phẻ ngày nào, còn cơ hội họp bạn bè, nhậu
nhẹt với nhau, còn chát chiết , meo tới meo lui thì cũng là quý lắm rồi, phải không các bạn!?
Xem dung
nhan ấy bây giờ ra sao..
Buổi chiều
cuối năm khi tôi đang loay hoay với một đống công việc cần phải giải quyết cho
xong, thật ra cũng không có gì gấp gáp, nhưng do thói quen tống tiễn năm cũ để
đón năm mới thong thả hơn nên tôi thấy mình khá bận rộn. Chợt điện thoại reo
vang, một giọng nữ ríu rít như quen từ đời nào “ Chị Ngọc Ánh phải không? chị học HD năm nào vậy? tôi mới coi trên báo NV về vụ họp mặt
nên gọi chị hỏi thăm nè ” Chời! lối nhập đề trực chỉ, xoáy thẳng vô trọng tâm làm tôi hơi lúng
túng , thật tình tôi cũng không biết chị là ai, nhưng nghĩ phải là dân HD hay
ít nhất cũng “liên trường Sóc trăng”
mới quan tâm đến vấn đề hội họp này, nên tôi cũng thân tình mời chị tham dự cho
vui. Như một đồng hồ quả lắc được lên dây cót sẳn , chị hỏi một hơi về mấy ông
Thầy cũ, về bạn bè xưa chung lớp với chị, nhắc tên người bạn trai theo đuôi chị
từ hồi chị mới vô đệ thất… rồi chị cười dòn tan, trong trẻo như thời còn đi học,
chị kể huyên thuyên về gia đình, qua Mỹ mấy chục năm sống cũng nhàn hạ, cuộc đời
chị gắn liền với chữ C..Chồng- con- cháu-
chó- chim- cá, nên lúc nào cũng lu bu bận rộn,loay hoay vậy mà sắp hết đời, cháu nội chị năm nay 20 tuổi, nghĩa
là chị sắp có thêm chữ C nữa là “chắt”.
Con trai chị kêu chị bằng “người đẹp”,
đi đâu với nó , người ta dễ lầm tưởng là hai chị em bởi vì chị coi cũng còn rất
trẻ..Nói tới đây chị lại bật cười, sự hài lòng về nhan sắc vẫn mặn mà ở tuổi
trên dưới 60 khiến tôi cũng tò mò muốn biết tên chị, một hoa khôi Hoàng diệu đi
lạc qua Mỹ mà bấy lâu nay bạn gần xa không ai tìm thấy. Chị niên khóa 66 hay 67
gì đó chị không nhớ rõ lắm, nhưng có điều lên đệ tam là chị đã “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Câu chuyện
đang hào hứng rôm rả thì chị nín ngang khi hỏi đến tên, ngập ngừng một chút chị
mới tâm tình “tên tui xấu hoắc, qua Mỹ tui đổi tên khác rồi, hồi nhỏ tui cứ cằn nhằn
Ba tui sao mà đặt cái tên gì vô duyên kỳ cục, ông già cười nói tại tui xấu háy,
khó nuôi, phải đặt tên xấu mới sống nổi..”Rồi chị lại cười ha hả, “nghĩ lại
ông bà già mình hồi xưa dị đoan thiệt nhe, bây giờ tui có cả chục đứa cháu vừa
nội vừa ngoại mà tôi có thấy xấu háy đứa nào đâu”.
Qua Mỹ đã
lâu nhưng chị cũng ít bạn bè, lu bu chuyện gia đình nên cũng không có thời gian
đâu mà lân la gặp người quen, thậm chí đến Cell phone hay Internet chị cũng
không quan tâm đến, trong khi ông chồng chị lúc nào cũng chúi mũi vào
Computer..Sở dĩ chị biết được thông tin họp bạn HD này là cũng do ông chồng tò
mò của chị đọc trên online
-“ Hồi đó em
ở SócTrăng mà em có học Hoàng Diệu không vậy?
-Có, rồi
sao?
-Đây nè HD
sắp họp bạn, có hình mấy ông Thầy nữa nè, em nên ghi tên tham dự đi?
- Lại đó
làm gì? biết có gặp ai không? Lâu quá rồi ai mà nhớ mặt ai.
Chồng chị cứ
thúc dục hoài nên chị gọi đại tên tôi..ai dè có dịp nói chuyện vui quá. À, thì ra vậy! âu cũng là cái duyên tương ngộ,
tôi mời chị nên đến họp bạn một lần cho biết, khi người ta già thì tình bạn cần
thiết lắm, nhất là có dịp gặp bạn chung lớp, chung trường, cùng quê hương xứ sở
thì thú vị biết bao nhiêu, tôi xúi chị nên mở một cái email để tiện liên lạc với
bạn bè ở khắp nơi, biết đâu sẽ gặp lại một số bạn cùng thời, sẽ thấy mình như
trẻ lại sống vô tư của tuổi học trò. Chị ngập ngừng không hứa chắc lắm…Có lẽ chị
ngại gặp lại cố nhân? Mà đã sao nào, bây giờ thành bà ngoại ông nội hết rồi, kỹ
niệm đẹp thì cũng nên nhắc chứ. Chị cười hồn nhiên khi đọc cho tôi nghe mấy câu
thơ mà hồi xưa anh chàng Bê hai nào đó đã tặng chị, mà chị còn nhớ đến bây giờ
“ Trời
sanh ra chi một Bé Hai.
Tuổi
mới mười ba đã ba gai
Bé
ngồi nhấp nhỏm sau cửa lớp
Làm chết lòng anh “tứ bê hai”
Và chị kết
luận buổi nói chuyện bằng một tràng cười ha hả “mà thiệt, hồi đi học tui cũng ba gai lắm, hỏi tên tui ai cũng biết hết,
nhưng bây giờ tui đổi tên khác rồi, kêu tui BH là tui giận đó”
Tìm gặp một
dân Hoàng Diệu lang thang trên xứ người, đối với tôi đó là niềm vui nên tôi hứa với chị
là sẽ giữ liên lạc thường xuyên, tên chị sẽ add trong danh sách học chò HD ở hải ngoại, đợi khi nào chị có “meo” thì bạn bè gần xa sẽ tìm thấy chị, người đẹp một thời “nổi cộm”dưới mái trường xưa. Quá khứ không phải là điều đáng quan tâm,chỉ có Hiện tại
mới đánh giá đúng về con người của chị dù cái tên xấu ỉn như chị thường nói.
BH! Cám ơn cuộc gọi cuối năm của chị, hẹn gặp chị trong dịp họp bạn HD sắp tới.
Thú thật tôi cũng nôn nóng muốn “xem dung
nhan ấy bây giờ ra sao,” bởi vì nghe tiếng cười vui của chị, chính tôi cũng
thấy mình như trẻ lại.
Nỗi nhớ tháng 5
Tôi rời
SócTrăng lên Sài gòn 42 năm trước cũng vào tháng 5, rồi bỏ Sài gòn mà đi 10 năm
biền biệt cũng vào tháng 5...Mùa mưa và chùm phượng đỏ sũng nước như trái tim
tôi trĩu nặng nổi nhớ không nguôi một thời làm học trò hoa bướm bình yên, người
ta tốn nhiều giấy mực khi nhắc lại kỹ niệm đầu đời đầy nhạc và thơ này, tôi
cũng tự hào khi mình đã có một bình minh rạng rỡ như vậy, ký ức êm đềm đến độ nằm
mơ cũng thấy mình lang thang trong đó
Hoàng Diệu
trường xưa luôn sáng rực khi nổi nhớ đong đầy, nhớ từng gương mặt của bè
bạn ngày nào, nhớ tiếng giảng bài sang sảng của Thầy, tà áo dài thướt tha
của Cô, trò nghịch ngợm của nhất quỷ nhì ma khi cột áo dài phóng qua hàng rào
cái rột, nhớ từng góc lớp thân quen, từng cây còng phủ bóng sân trường giờ ra
chơi , cột cờ, hồ sen, khu căn tin lụp xụp… Nhớ bậc tam cấp cả bọn thường ngồi
lê la trong giờ chơi, để ngó qua vai ai vào khung cửa sổ có đôi mắt như biết cười
đang dõi theo
Mười năm xa
xứ, tôi vẫn bồn chồn nôn nao trong mỗi chuyến đi về, Sóc trăng ngày càng khác lạ,con
đường giữa như ngắn hơn khi cuốc bộ qua cầu quay, dòng sông như chật hẹp hơn
khi nhìn dề lục bình trôi quanh quẩn lúc con nước lớn ròng, và cũng có những
tên đường lạ hoắc...
Có lần tôi
trở về quê, ngập ngừng vào thăm trường cũ, cái cổng trường ngày xưa mất tiêu,
khung bê tông vuông vức không còn chỗ cho cây còng xanh lá, tôi đứng ngẩn ngơ
nhìn lũ nhỏ đang giởn đùa ríu rít,áo trắng bay rợp con đường Mạc đỉnh Chi
trong buổi tan trường, tự dưng thấy như có mình trong đám đông rộn ràng
đó, cũng có những đôi mắt như biết cười mà sao không giống bạn tôi!
Buổi sáng
đi lại con đường Giao Hạ bên hông dinh Tỉnh trưởng cũ, phượng đỏ, bằng lăng
tím, nắng vàng...chân mình như bị vấp vào gốc phượng già nua để nhớ tiếng guốc
khua vang buổi tựu trường năm nẳm.
“ Ngũ thập
niên tiền thập nhị” Ừ, năm mươi năm trước ta mới 12 tuổi, hồn nhiên chim sáo
nên đâu biết thơ Nguyên Sa để yêu hoa cúc, lá sân trường… Và bây giờ khi tuổi
già ngất ngưởng, tóc pha màu thời gian, ngồi lại bên nhau mới thấy như mình huốt
một nụ cười, nhớ câu thơ của ai đó “ Một trăm lá thư gửi đi không bằng một
lá thư không gửi, một vạn nụ cười không phải nụ cười xưa” Chắc vậy
người ơi!
Tháng năm
bên xứ người, hiếm hoi phượng đỏ, chỉ thấy màu phượng tím thênh thang trên những
nẻo đường xa lạ, lòng lại bâng khuâng ở hai đầu nổi nhớ,quê hương sao mà vời vợi.
Bạn bè tôi
trăm nẻo như dòng sông phân nhánh, có đứa len lỏi ra được biển rộng hay ở lại
quanh co giữa những thác ghềnh nghiệt ngã, thậm chí chỉ là “ con kênh ta đào” mương cạn trong góc khuất
tối tăm,dù thành công hay thất bại cũng ráng vươn lên trong nhịp đời hối hả, đó
là thế hệ của chúng tôi, cái thời được giáo dục tử tế trong ngôi trường tỉnh nhỏ
này, không thành danh thì cũng thành nhân,và chúng tôi đều không quên cội nguồn
bao dung đầy ấm áp thân tình , để làm nơi chốn trở về sau bao thăng trầm mệt mỏi.
Tháng Năm
vào Hạ, thèm nghe tiếng ve kêu để nhớ một thời!
Ngọc Ánh