Ông Phạm Trần lúc nào cũng nghiêm trang, nhất là nói to, át
giọng mọi người :
- Theo tao, tụi mày phải làm lại Việt Nam Ký Sự. Tụi mày bỏ
viết lâu quá, chỉ lo nhập vào đời sống ở đây mà quên cái hoài bão xưa. Nhảm !
Nhảm !
Mọi người im lặng như chìm vào dĩ vãng, như cố nhìn lại mình
thuở thanh xuân. Phan Thanh Tâm giống như thuở ở La Pagode ngày xưa, cầm cái ly
xoay nhẹ nhẹ, lim dim gõ xuống bàn. Lê Phú Nhuận bảo :
- Tụi nó tứ tán hết, làm sao gom lại?
- Email, Internet ...
Mọi sự giống y như ở quán Bà Tí, ở cái quán chúng tôi ăn ghi
sổ và cả ngày chỉ nói chuyện báo chí, lòng lúc nào cũng hăm hở cải tổ làng báo,
những mong như cụ Cao Bá Quát, cụ Nguyễn Công Trứ xoay bạch ốc lại lâu
đài. Nhìn ly rượu vang đỏ long lanh, tôi nhớ hôm ấy chúng tôi uống rượu
chát kiểu Sài Gòn, được gọi là Sangria, tức là trái cây cắt thành hạt lựu bỏ
vào cái thẩu lớn rồi đổ rượu chát vào. Rượu chát loại vò, hình như của Bồ Đào
Nha, nếu so với tiêu chuẩn bây giờ ở Tây ở Mỹ là rượu nhà quê, rượu rẻ tiền nhưng
sao hôm đó ở quán Tài Nam, Chợ Cũ nó ngon thế.
Hôm đó, cách đây gần bốn chục năm, chúng tôi bắt tay nhau để
làm Việt Nam Ký Sự, một sự kiện mà Phan Thanh Tâm đại ngôn bằng
tiếng Tây “C’est un fait historique.”
*
Cái ước mơ Việt Nam Ký Sự bắt đầu từ sau khi tờ Đất Mới chết.
Nguyên là chị Song Thi có giấy phép của bộ Thông Tin ra báo nhưng loay hoay
hoài vẫn không thành. Bà Thanh Phương ngồi ở quán Bà Tí VTX thỉnh thoảng nghe
lũ chúng tôi tụm năm tụm ba chê thiên hạ không làm báo, chê thiên hạ làm báo chưa
đúng mức bèn giới thiệu. Chị Song Thi đồng ý cho mượn Manchette. Dê con ngứa sừng,
chúng tôi lao vào làm Đất Mới. Anh em chia ra làm ba nhóm, mỗi
nhóm phụ trách một kỳ, luân phiên làm tuần báo Đất Mới. Trần Công
Sung, Phan Thanh Tâm và Lê Thiệp xung phong. Nhưng thực tế phũ phàng khác xa với
mơ mộng của tuổi trẻ. Báo in xong làm sao phát hành? Tôi lò mò xuống nhà phát
hành Nam Cường điều đình thì ông chủ phát hành bảo cứ đem báo đến cho ông ta,
tiền nong tính sau. Số đầu bỏ cho Nam Cường 2000 tờ, nhưng không hề thấy ở các
sạp.
Tôi tới Nam Cường hỏi nhưng chưa hỏi thì đi về vì thấy
nguyên đống báo Đất Mới vẫn nằm tả tơi ở chỗ tôi đem tới, các
sợi dây buộc báo còn nguyên chẳng ma nào thèm gỡ ra, tháo ra.
Báo cáo với mọi người và mọi người thẫn thờ. Đa số chúng tôi
đều từng tham gia các hoạt động sinh viên hồi đó và cái nhìn cũng đầy vẻ sinh
viên. Sáng kiến không biết của ai nhưng chúng tôi thực hiện liền. Báo Đất
Mới được bán ở dọc đường Lê Lợi theo đúng tiêu chuẩn “tin nhau
là đủ” của Tây, của Mỹ! Chúng tôi làm những chiếc hộp bằng giấy carton
treo ở một số cột đèn, ai lấy báo thì nhét tiền vào một cái khe giống như đi
mua New York Times hay Los Angeles Times ở
các hộp báo tại Mỹ. Khác biệt là hộp báo Đất Mới làm bằng giấy và không có
khóa. Cái gì xảy ra, tất nhiên sẽ xẩy ra. Báo hết veo veo nhưng tiền và đôi khi
cả thùng thì không thu về được. Anh em vẫn hí hửng, ít ra thì báo mình cũng được
phổ biến, dù chỉ phổ biến ở một xó Sài Gòn.
Đó là số phận Đất Mới. Nhưng về nội dung
thì quả Đất Mới đáng hãnh diện. Mỗi số là một chủ đề bài vở
công phu trình bày sáng sủa. Tôi không nhớ chắc những anh em nào đã góp tiền
làm Đất Mới nhưng báo chỉ ra khoảng bốn năm số thì đình bản vì hết tiền.
Đất Mới chết nhưng cái mộng lừng danh giang hồ vẫn
còn. Tôi đề nghị làm một bản tin giống như của Việt Tấn Xã ra hàng tuần để bán
cho các báo với lập luận cách đó là cách hay nhất để anh em có thể viết và được
phổ biến.
Ý kiến được ông Trương Lộc và ông Phan Thanh Tâm cắn câu. Và
có một bữa ăn ở Tài Nam. Hiện diện còn có ông Trần Công Sung, nhưng sau ông
Sung bảo bận quá chỉ xin đóng góp bài vở.
*
Ông Phan Thanh Tâm hình như làm trưởng ban phóng viên VTX.
Ông này được anh em gọi là Tâm Mù hay Tâm Khuấy. Mù vì ông đeo kính cận rất
dày. Khuấy vì ông chuyên môn ngồi ở La Pagode dùng cái thìa dài khuấy ly cà phê
có bỏ kem vào, cái ly cà phê có tên là Liégois rất ăn khách của quán Cái Chùa.
Ông Trương Lộc và tôi cùng ở Đại Học Xá Minh Mạng, phòng đối
diện nhau. Ông rất giỏi về chụp hình, lúc đó đang làm cho tờ Washington
Post và hình như còn làm thêm cho một tờ báo Nhật nữa. Ông Lộc lùn,
chân đi khập khiễng và có lẽ vì giọng nói đặc biệt nên anh em gọi ông ta là
Trương Quảng Nam. Sáng kiến đi ăn ở Tài Nam là của ông Lộc với lý do “Tao
mời tụi mày ở đây để chứng tỏ mình nghiêm trang quyết tâm làm việc, không đùa
không giỡn. Và nhất là chứng tỏ cho tụi mày thấy dân Quảng Nam sang, không bần
như tụi mày nghĩ.” Không hiểu cái xước danh Quảng Nam liên quan gì đến
sang và bần nhưng hôm đó chúng tôi được đãi rất hách, có cả rượu Sangria.
Chúng tôi bàn cãi hăng say để đi đến quyết định lấy tên bản
tin là Việt Nam Ký Sự, mỗi đứa góp 10,000 đồng làm vốn khởi đầu.
Trương Lộc được bầu làm quản lý chuyên lo về tiền. Tôi có nhiệm vụ điều đình với
các báo và Phan Thanh Tâm lo ngoại giao với các cô đánh máy ở VTX để họ đánh
giùm ngoài giờ. Cũng xin ghi lại là ông tổng giám đốc VTX Nguyễn Ngọc Linh đã
nhắm mắt làm ngơ để chúng tôi có thể nhờ chị Nga và một số chị khác đánh máy mà
không gặp trở ngại nào. Tôi không nhớ rõ mỗi trang chúng tôi trả cho các chị
bao nhiêu nhưng sự cộng tác kéo dài cho đến khi Việt Nam Ký Sự chết mà không có
điều tiếng gì.
Tôi còn nhớ Trương Lộc nói “Việt Nam Ký Sự sẽ là —
bạn ta ngập ngừng rồi xài chữ Mỹ — một Syndicate đầu tiên của Việt Nam.”
Còn Phan Thanh Tâm cầm cái thìa gõ vào dĩa đựng món chuối đốt
tráng miệng, gật gù: “Nếu làm được thì — ông dùng tiếng Tây
— C’est un fait historique.” ... Tôi lo nốc Sangria tự thưởng cho nỗ
lực của anh em trong khi Trần Công Sung lúc nào cũng cười, giọng lúc nào cũng
khinh bạc “Chờ xem! Chờ xem!”
*
Hãy nói về chuyện in trước. Suy đi tính lại chúng tôi in mỗi
kỳ 100 số, đưa cho các báo hết cỡ gần 50 số, còn lại phát cho anh em.
Nhưng in ở đâu?
Giải pháp nhờ VTX bị gạt bỏ vì đây là cơ quan nhà nước dù
ông Tâm có làm trưởng ban phóng viên nhưng cũng không đủ thẩm quyền. Nhờ mấy chị
đánh máy ngoài giờ làm việc đã là quá rồi. Nhớ ra ở trụ sở Thanh Niên Chí Nguyện
có máy quay ronéo, tôi liên lạc và được Đỗ Duy Tùng đồng ý giúp.
Bốn số đầu, tôi và Trương Lộc lo quay in ronéo, xếp đóng bở
hơi tai vì không biết nghề nên xáo trộn lung tung, tờ thì nhiều mực quá tèm lem
đọc không được, tờ thì chỉ ăn mực có một nửa. Nhưng rồi cũng được. Ít lâu sau
chúng tôi điều đình với nhà in Phụng Hiệp thuê họ in và đóng xếp giùm. Sau đó
là chuyện phát hành.
Bản tin Việt Nam Ký Sự được bán dưới hai
hình thức, hoặc mua dài hạn hoặc mua từng bài, đăng bài nào trả tiền bài đó.
Giá 4000 đồng nếu mua tháng và 500 đồng một bài nếu muốn đăng từng bài. Hai tờ
báo duy nhất đồng ý mua tháng là Chính Luận và Sống.
Ông Đằng Giao, con rể ông Chu Tử, lúc đó điều động báo Sống và là chỗ thân tình
nên đã hết sức cổ võ cho Việt Nam Ký Sự.
Báo Sài Gòn khá nhiều nhưng không phải ở đâu cũng như Chính
Luận và Sống. Có báo thấy bài Việt Nam Ký Sự hay quá, chạy
liền tù tì cả loạt nhưng khi tôi đến đòi tiền thì ông chủ bút cười “Tưởng
là không tính tiền giống như VTX chứ.” Tôi cười nói “VTX đâu có
chùa, quí vị cũng phải mua. Đây là công sức của anh em trẻ, muốn có bài hay
đăng thì quí vị phải ủng hộ chứ.” Hẹn tới hẹn lui, cuối cùng là huề và
từ đó những báo loại này vẫn nhận được Việt Nam Ký Sự nhưng rất ít khi xử dụng
và nếu xử dụng họ đều trả tiền sòng phẳng.
Gặp lại Trương Lộc ở California sau gần 30 năm, ôn lại chuyện
cũ, Trương Lộc vẫn cay cú về xước hiệu Trương Quảng Nam. Trương Lộc bảo “Mày
thấy không, suốt thời làm Việt Nam Ký Sự, tao lo tiền có điều tiếng gì không? Mẹ
kiếp, tụi bay bảo tao dân Quảng Nam.”
Ơ hay, cái tên Trương Quảng Nam hay thế sao bạn ta còn hậm hực?
Phải công nhận là quản lý Trương Lộc làm việc nghiêm trang
vì sau hai ba lần họp báo cáo tài chánh rồi chẳng ai để ý lời lỗ mà chỉ gào
nhau đi nhậu.
Ông quản lý Việt Nam Ký Sự chi tiền bài rất
sòng phẳng cho anh em, bài trao tiền lấy ngay lập tức, nhuận bút mỗi bài 500 đồng.
Anh em ở đây là những ai? Tôi cố nhớ nhưng chắc không thể nhớ hết, tuy nhiên
cũng cứ ghi ra chẳng theo thứ tự gì : Dương Phục, Lê Phú Nhuận, Ngô Đình Vận,
Nguyễn Ninh Quang Anh Tử, Bích Thu, Trần Trọng Thức, Trần Công Sung, Vũ Ánh, Lê
Hùng, Đông Duy, Nguyễn Văn Sĩ, Bảo Hoàng ... (các bạn ta nếu có dịp đọc những
dòng này, xin bổ khuyết giùm.) Với một lực lượng hậu thuẫn khá mạnh của
bằng hữu, Việt Nam Ký Sự đều đều xuất hiện trên các báo Sài
Gòn. Người đọc báo ở Sài Gòn lúc đó chắc chắn không biết đến tập hợp Việt
Nam Ký Sự nhưng đối với các tòa soạn thì sự hiện hữu của Việt
Nam Ký Sự là điều không thể phủ nhận.
*
Làng báo Việt Nam hình như vẫn chưa thống nhất cách đặt tên
cho những thể tài báo chí. Phóng sự như định nghĩa của ông đàn anh Hoàng Hải Thủy “là
dựa vào một tí sự thật nào đó và phóng ra.” Cái chữ phóng của ông
Hoàng Hải Thủy thật rộng nghĩa. Đọc Ông Tây Bà Đầm hay Vũ
Nữ Saigon, Yêu Tì của ông sẽ rõ chữ phóng này. Tác giả là cây bút nổi
danh và ông đã viết đủ các thể tài báo chí, đảm nhiệm nhiều chức vụ của tòa
báo. Đọc Sống và Chết ở Sài Gòn để biết rõ hơn về Công Tử Hà
Đông.
Nhưng có lẽ loại phóng sự này nên có thêm hai chữ nữa để
thành tiểu thuyết phóng sự cho chính danh. Loạt phóng sự “thăm
dân cho biết sự tình” trên báo Tự Do của ký giả Vũ Bình là một trong số
phóng sự đáng đồng tiền bát gạo nhất, ghi lại cảnh sống của nông dân đồng bằng
sông Cửu Long. Tác giả Vũ Bình tự dưng mất tăm mất tích không thấy có thêm loạt
bài nào, nhưng ông đã để lại thành ngữ Thăm Dân Cho Biết Sự Tình, một
thành ngữ được rất nhiều người dùng sau này.
Đến phóng sự chiến trường thì sự việc có hơi khác. Ông Phan
Nghị có lẽ là người đầu tiên dùng chữ này trong loạt bài viết hình như có nhan
đề “Vượt Trường Sơn”(tôi không nhớ chắc.) Nhưng phóng sự chiến trường
của ông đôi khi — có khi hơi nhiều — là những suy nghĩ cá nhân, những hồi ức về
kháng chến, về bến Đò Lèn đâu đó ở Thanh Hóa, nhưng lại rất thiếu dữ liệu và dữ
kiện minh chứng, làm nền cho bài viết. Sau này Phan Nhật Nam vượt hẳn lên như
trong Chiến Tranh Và Hòa Bình hay những loạt bài viết về Quảng
Trị, Mùa Hè Đỏ Lửa, về An Lộc. Nhưng tựu chung, tất cả tác giả (hoặc
ký giả) nói trên đều viết nhiều kỳ — thường là nhiều như phơiơ- tông sau đó được
in thành tác phẩm. Văn học Việt Nam sau này sẽ phải ghi nhận công lao của các vị
trên. Cái đáng nói là nhu cầu báo chí cần những bài ngắn gọn đăng hết trong một
kỳ báo. Hai chữ Đặc Ký được ghi dưới một số bài báo thỉnh thoảng vẫn xuất hiện
nhưng họa hiếm và đôi khi vẫn rất lòng thòng.
Trong các bản tin VTX thỉnh thoảng cũng xuất hiện vài bài loại
này, dài cỡ hai tới ba trang quay ronéo nhưng thường có tính cách cổ võ cho các
hoạt động của cơ quan chính quyền nên ít được báo chí hoan nghênh xử dụng. Khi
thảo luận chúng tôi đồng ý với nhau lấy chữ Ký Sự cho bài viết và giới hạn số
chữ để báo chí có thể đăng gọn trong một số báo. Chữ Ký Sự có
lẽ nên được hiểu ở đây như từ Feature tức một bài báo khá dài
đào sâu hơn về một đề tài nào đó. Khi Hội Đồng Đô Thành họp về ngân sách trong
đó bàn thảo kinh phí tưới cây bên vệ đường, Phan Thanh Tâm đã mò mẫm thêm để viết
bài “Bộ phổi của Sài Gòn” với các chi tiết như Sài Gòn có bao
nhiêu cây, khoảng xanh chiếm diện tích thế nào, làm sao để duy trì, săn sóc những
cây quá già, và vạch cho mọi người thấy chính những hàng cây me, cây bàng đã
làm sạch không khí Sài Gòn ra sao. Đó là một bài ký sự yểm trợ cho cái tin ngân
sách của Đô Thành.
Định nghĩa về Ký Sự được anh em đồng ý và tên Việt
Nam Ký Sự có hàm ý rằng chúng tôi cũng ngang ngửa với Việt Nam Thông Tấn
Xã, một ngụ ý hơi lớn lối. Trương Lộc là người cổ võ cho chữ Việt Nam nhất vì vẫn
cho rằng đây là Syndicate đầu tiên của Việt Nam!
Danh chính và ngôn đồng thuận, chúng tôi lao vào việc. Bằng
hữu, anh em đi săn tin, đi mò tin, đi công tác xa, đi lấy tin chiến trường luôn
luôn được dặn dò ngoài cái tin phải viết có tính chất ngay lập tức, có tính chất
tin tường trình thì nhớ nhìn ngang nhìn dọc, nhìn sâu hơn để có bài riêng
cho Việt Nam Ký Sự. Mới đầu Việt Nam Ký Sự không
được chú ý nhưng không lâu sau đó gần như tất cả các bài do Việt Nam Ký
Sự cung cấp đều được báo chí Sài Gòn xử dụng. Độc giả có lẽ chẳng bao
giờ hiểu bốn chữ Việt Nam Ký Sự viết tắt sau tên tác giả bài
báo nhưng các vị chủ bút, tổng thư ký các báo rất chú ý đến chúng tôi. Rõ ràng
nhất là họ trả tiền sòng phẳng, hễ đăng là trả, không hề quịt như lúc đầu.
Đã gần 40 năm qua, biến đổi của cuộc đời khiến trí nhớ trở
nên cùn nhụt nhiều nhưng khi gặp lại Trương Lộc từ Việt Nam sang, tôi hỏi “Ê,
hồi đó tụi mình có nạp cho thư viện quốc gia các số Việt Nam Ký Sự
không?” Trương Lộc đoan xác với tôi là có và bạn ta cũng đã mò mẫm lại
sau hai chục năm để xem Việt Nam Ký Sự có còn nằm đâu đó trong thư viện chăng.
Nhưng như lời Trương Lộc “Mẹ kiếp, có trời mà mò được trong cái đống
rác đó. Tao hỏi, tao lục, nhưng vô vọng.” Chúng tôi ngồi nhẩm mỗi tuần
trung bình sáu bài ký sự, vậy hơn ba năm, Việt Nam Ký Sự đã cung cấp trên dưới
1000 bài ký sự về đủ mọi thể tài từ xã hội, kinh tế, tài chính, chiến tranh ...
Âu cũng là một mất mát.
Hầu như cả lũ chúng tôi lúc đó chỉ trên dưới 30 tuổi đời và
dăm ba năm tuổi nghề nhưng chúng tôi tự cao tự đại vô cùng. Trong cái tự cao tự
đại đó, chúng tôi muốn chứng tỏ khả năng của mình và muốn độc giả có những bài
ký sự đáng đồng tiền bát gạo. Từ đó biết bao nhiêu kỷ niệm cũng nên ghi lại.
Bài báo đầu tiên của Ngô Đình Vận và Trần Trọng Thức được
làng báo đăng là qua Việt Nam Ký Sự. Tôi nhớ bài của Trần Trọng Thức hiền lành
viết về “Hoa Hồng Đà Lạt” và bài của Ngô Đình Vận là bài ký sự
chiến trường viết về trận đánh đâu đó ở Bình Dương.
Nguyễn Ninh Quang Anh Tử bị rớt máy bay ở Bảo Lộc, viết bài
“Đối diện thần chết trong rừng Bảo Lộc.” Bài của Anh Tử mô tả hành
động vô trách nhiệm của viên phi công đã bỏ lại một người bị thương, và sau đó
tìm cách tách riêng tìm đường thoát một mình khiến Bộ Tư Lệnh Không Quân phải
lên tiếng. Cũng trong bài này, Anh Tử mô tả đêm phải leo lên cây ngủ và lúc đói
quá lội qua suối vớ được mấy quả sung rụng nên anh em đặt cho Anh Tử cái tên giễu
là “Tarzan Ấn Độ.”
Tôi không nhớ rõ tác giả là anh em nào nhưng bài Việt Nam Ký
Sự viết về Dạ Lan gây nhiều phiền phức cho tụi tôi. Dạ Lan là một chương trình
ăn khách của đài phát thanh Quân Đội hàng đêm với nội dung người em gái bé bỏng
hậu phương nói với anh trai tiền tuyến. Giọng Dạ Lan ngọt ngào tâm sự là một
hình thức vận động tâm lý rất đắc lực trong cố gắng nâng cao tinh thần chiến đấu
của quân đội. Trước đòi hỏi, một tấm hình Dạ Lan được in cả triệu tấm để gửi
cho binh sĩ ngoài tiền tuyến. Đó là hình một cô gái mặt trái xoan, chụp nghiêng
tóc xõa rất dễ thương. Nhưng cô Dạ Lan trên đài là người khác, cô gái trong
hình có lẽ không có thật mà là hình được ghép theo xảo thuật phòng tối. Việt
Nam Ký Sự viết bài điều tra. Sau đó bộ Quốc Phòng, nha Chiến Tranh Tâm Lý và cả
đài Quân Đội nổi lôi đình lớn với tụi tôi. Nay tôi cũng không rõ câu chuyện đã
được dàn xếp ra sao, chỉ biết hình cô gái tóc xõa không được phổ biến tiếp.
Trần Công Sung viết bài “Trí thức trẻ hoan
nghênh trí thức già” nội dung về một cuộc thảo luận của trí thức ở
Đà Lạt. Bài báo bị một số “thầy học” của chúng tôi lên tiếng rầy rà vì cách viết
giễu cợt của Trần Công Sung. Khi Đại Học Xá Minh Mạng được cải tổ lại, tôi viết
bài “Dọn dẹp ổ Minh Mạng.” Đại Học Xá Minh Mạng vốn là cư xá
dành cho sinh viên đại học Sài Gòn từ 1954 nhưng càng ngày nơi này trở thành cứ
địa anh truyền em nối, sinh viên mới vào đại học không cách gì len vào được và
sinh hoạt tại Đại Học Xá có nhiều điều rất đáng phàn nàn. Tôi bị vị quản đốc
mang ra chửi giữa giảng đường Đại Học Sư Phạm không tiếc lời.
Khi bộ Kinh Tế liệt cánh kiến là một vị thuốc bắc và miễn
thuế nhập cảng thì Việt Nam Ký Sự viết một bài với đầy đủ con
số cho thấy Ba Tàu Chợ Lớn nhập cảng cánh kiến hàng chục tấn về để dùng chế tạo
sơn, dầu gì đó, không ăn nhập đến thuốc bắc. Giá thuế nhập cảng nếu khai là
dùng để chế sơn sẽ cao gấp cả trăm lần.
Khi chiến tranh leo thang, quân đội Mỹ đổ vào Việt Nam ào ạt
và một số nan đề được đặt ra, trong đó có nhu cầu giải trí của đồng minh. Sáng
kiến được thực hiện là lập những khu riêng cho binh sĩ Mỹ lui tới với cái tên đẹp
là khu Giải Trí nhưng thực tế là nơi binh sĩ Mỹ kiếm gái. Khu Giải Trí thường
được lập ở gần các đại đơn vị Mỹ, có rào kẽm gai vây quanh và muốn ra vào phải
có thẻ. Nguyên tắc như vậy, nhưng đó chính là nơi cần sa, bạch phiến, gái và đồ
lậu buôn bán công khai. Sau bài viết về “Khu Giải Trí An Túc”, một
khu ở sát sư đoàn Dù 101 của Mỹ ở An Khê do Việt Nam Ký Sự tung ra,
Trương Lộc hớt hải tìm tôi “Coi chừng, bài của mày
được Đài Giải Phóng đọc tối qua.” Tôi chưng hửng hỏi lại “Nó đọc
thì kệ mẹ nó, tao có viết bài riêng cho đài Việt Cộng hồi nào đâu mà sợ. Bộ
không lẽ cớm nó vồ tao chắc.” Cớm không vồ nhưng tôi bị Tổng Nha Cảnh
Sát mời lên nói chuyện và yêu cầu tôi xác nhận đúng là tác giả của bài ký sự.
Hơn ba năm với cả ngàn bài, nhất là trong cái hỗn mang của một
quốc gia lâm chiến, tất nhiên thế nào cũng có chuyện xảy ra. Khi Việt Nam
Ký Sự công bố một nhật ký tịch thu được của một cán bộ cộng sản cao cấp, chúng
tôi phải trao nguyên tập nhật ký này cho An Ninh Quân Đội sau khi khai thác
xong. Chúng tôi bị sĩ quan an ninh mắng mỏ, trách cứ sao lại khai thác trước
thay vì nộp tập nhật ký cho nhà cầm quyền và xin phép rồi mới viết bài.
Sau gần nửa thế kỷ, bèo giạt hoa trôi, mỗi đứa trong chúng
tôi đều có những thảm kịch nhỏ lồng trong thảm kịch lớn của dân tộc. Chết ngoài
mặt trận như Bình làm cho Cục Tâm Lý Chiến. Chết ngoài biển như Trần Đại, Bình
Minh. Vượt ngục tù cải tạo như Dương Phục, tù đày như Vũ Ánh, Lê Phú Nhuận,
lang thang góc bể chân trời ở khắp nơi như bất cứ người tị nạn Việt Nam nào
khác. Nhưng thỉnh thoảng nhắc lại, không đứa nào không thương nhớ Việt
Nam Ký Sự. Thương đến nỗi cách đây ít lâu, Phan Thanh Tâm đã kêu gào, liên
lạc tứ tung để ra một tập Việt Nam Ký Sự tại Mỹ. Anh em đều gửi
bài đóng góp. Tâm cho tôi hay lỗ chỏng gọng mất mấy ngàn nhưng “sướng
không chịu được vì tinh thần đóng góp của tụi nó vẫn như xưa!!” Tụi nó
đây phải hiểu là những người trẻ tuổi của hơn ba mươi năm trước và bây giờ đã
có kẻ có cháu. Tụi nó là những kẻ lòng trinh dạ trắng hăm hở bước vào làng báo
với tất cả lòng thành.
Tụi nó là tác giả của hơn 1000 bài ký sự vẽ lại, đằng sau những
tin tức, một xã hội chiến tranh với tất cả cái đa dạng của nó.
*
Khoảng một năm trước, Phan Thanh Tâm từ Minnesota trở lại
Hoa Thịnh Đốn. Lê Phú Nhuận từ Philadelphia nghe tin bò xuống chơi. Phạm Trần
hí hửng kéo đến. Bốn đứa hăm hở toan làm lại Việt Nam Ký Sự nhưng
rồi đánh trống bỏ dùi. Chúng tôi già rồi chăng?
Hay cái thời Việt Nam Ký Sự đã qua đi như
chính tuổi trẻ của chúng tôi?
Cái syndicate đầu tiên của Việt Nam, cái sự
kiện lịch sử hoặc như tôi gọi, đó là “một thời Việt Nam Ký Sự”,
độc giả Việt Nam ngày đó chắc chắn không nhớ.
Một số vị ký giả lớn tuổi nay chắc cũng đã quên. Nhưng với
chúng tôi, bạn bè anh em của Việt Nam Ký Sự dù đang ở đâu, đã chết hay vẫn ngất
ngư ở Việt Nam, còn làm báo, làm phát thanh ở Mỹ, ở Úc, ở Anh hay đang cong
lưng cày bừa kiếm sống, vâng, với chúng tôi, Việt Nam Ký Sự lúc nào cũng là những
kỷ niệm đáng yêu nhất của tuổi hoa niên với cái mộng đổi thay làng báo Việt
Nam. Hoài bão lớn, rất lớn đó, qua Việt Nam Ký Sự có thành được
chút nào chăng là một câu hỏi không cần đặt ra. Nhưng nỗ lực của Việt
Nam Ký Sự thì không ai phủ nhận được.
Lê Thiệp
Trích từ Lững Thững Giữa Đời của Lê Thiệp