Như người viết phân tích trong bài “Tác Dụng Của Tầm Nhìn
Chính Trị”, nhìn xa là một đặc điểm cần thiết của những người lãnh đạo đất nước.
Các lãnh đạo cộng sản cũng biết nhìn xa, nhưng không phải nhìn xa cho đất
nước mà nhìn xa cho phần hậu sự của chính bản thân họ.
Võ Nguyên Giáp nghĩ tới hậu sự khi chọn một nơi hoang sơ, hẩm hiu, phải vượt suối băng đèo mới tới được là Vũng Chùa, thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình để làm nơi chôn xác mình. Được biết Vũng Chùa kín đáo đến nỗi gió cũng không thể lọt vào được nên mới được gọi là vũng.
Trường hợp của Võ Nguyên Giáp khá rõ. Ngay cả khi còn
sống Võ Nguyên Giáp biết mình đã chết từ nhiều năm trước. Ngày chết ghi trong
giấy tờ của Võ Nguyên Giáp là ngày 18 tháng 4 năm 1984 chứ không phải 4 tháng
10 năm 2013.
Giấy khai tử của Võ Nguyên Giáp do thủ tướng CS Phạm Văn Đồng
ký trong quyết định 58/HĐBT. Theo nội dung quyết định, Võ Nguyên Giáp không phải
là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng (đã lọt vào tay Văn Tiến Dũng), không phải Bí Thư
Quân Ủy Trung Ương (đã lọt vào tay Lê Duẩn) mà là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân
số và Sinh đẻ Có Kế hoạch, một chức vụ dân sự, không liên quan trực tiếp hay
gián tiếp gì với quân đội hay hiểu biết của Võ Nguyên Giáp.
Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thay vì đặt để họ Võ vào những chức vụ
dễ nghe, không phải cúi gầm mặt xuống khi được xướng danh, đã cố tình hạ nhục bằng
việc giao cho ông ta lo bộ phận sinh đẻ. Việc sinh đẻ là quan trọng nhưng đó là
công việc của các nhà nhân loại học, dân số học, xã hội học chứ không phải của
Võ Nguyên Giáp với toàn bộ quá trình hoạt động không có một chữ nào bà con xa gần
với sinh đẻ.
Bộ máy tẩy não của CS nặn ra những con vẹt có cảm xúc rất giống
người qua những cảnh quỳ khóc khi xe tang Võ Nguyên Giáp đi qua hay ôm cột nhà
khóc khi nghe tin Võ Nguyên Giáp qua đời. Những người đó không biết rằng, nếu
Võ Nguyên Giáp chết trong thời kỳ Lê Duẩn làm tổng bí thư thì ngay cả những người
làm nghề khóc mướn cũng không dám nhận khóc.
Hai năm trước, Chủ tịch nhà nước CS Trần Đại Quang nhìn xa
khi chọn một nơi an táng riêng thay vì nghĩa trang Mai Dịch, nơi chôn các lãnh
đạo CSVN như Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Lê Khả Phiêu v.v…
Mới đây, Phùng Quang Thanh cũng biết nhìn xa cho bản thân
mình ta khi chọn nơi chôn cất tại nghĩa trang dòng họ Phùng. Khi còn sống họ
đoàn kết nhau để giữ chiếc ghế quyền lực nhưng khi sắp chết họ muốn tránh nhau
càng xa càng tốt.
Trần Đại Quang và Phùng Quang Thanh muốn một mình một
cõi nguy nga như lãnh chúa. Nhưng cả hai quên rằng dù chôn trong
vũng như Võ Nguyên Giáp hay chôn trong đất riêng, tội ác vẫn là tội ác.
Lăng mộ Hoàng Cao Khải là một công trình đồ sộ với kiến trúc
tân kỳ của thời đó và vẫn còn được duy trì nhưng hoang phế vì không ai muốn đến
nhìn dấu tích của một kẻ phản quốc. Trong khi đó, khu Lăng mộ Phan Đình Phùng tại
Hà Tĩnh đông đảo người thăm viếng dù chỉ là khu tưởng niệm hơn là một ngôi mộ.
Thân xác ông đã bị Nguyễn Thân ra lịnh đốt thành tro nhưng ngày nào dân tộc Việt
Nam còn có mặt trên trái đất này, trong tim của từng người Việt vẫn có một ngôi
mộ mang tên Phan Đình Phùng.
Những sự kiện lăng mộ các lãnh đạo CS bị dời đi, lăng bị san
bằng hay xác bị đào lên lấy sọ không phải là chuyện thời phong kiến hay quân chủ
chuyên chế mà vừa xảy ra cách đây không lâu tại nhiều nước CS trên thế giới.
Chuyện dời xác Stalin đã được nói đến nhiều nhưng chuyện giật
sập lăng Georgi Dimitrov, tổng bí thư CS Bulgary hay chuyện đào mả lấy xương sọ
của Janos Kadar, tổng bí thư CS Hungary, chắc ít người biết.
Chuyện giật sập lăng Georgi Dimitrov.
Dimitrov là lãnh tụ đảng CS Bulgaria và là nhà hoạt động CS
Châu Âu nổi tiếng. Ông ta là cộng sự viên đắc lực của Stalin sau khi bị trục xuất
từ Đức sang Nga năm 1934. Trong thời điểm này, Stalin cử Dimitrov vào chức vụ Tổng
Bí Thư của Đệ Tam Quốc Tế CS (Comintern).
Dimitrov chết bất ngờ tại Liên Xô ngày 2 tháng 7, 1949. Thi
hài được đưa từ Liên Xô về Bulgary để ướp và trưng bày trong Lăng Georgi
Dimitrov ở Prince Alexander of Battenberg Square, giống như Ba Đình của Việt Nam,
tại thủ đô Sofia.
Tháng 8, 1999, khi Bulgary trở thành một nước theo chế độ cộng
hòa, thi hài của Dimitrov bị đưa ra khỏi lăng và hỏa thiêu. Tro của Dimitrov
thay vì được đem rắc đâu đó lại được đem về chôn ở nghĩa trang Sofia. Việc đưa
xác của Dimitrov ra khỏi lăng để đi thiêu phải thực hiện một cách kín đáo lúc nửa
đêm để tránh dân chúng từng là nạn nhân của chế độ CS đến đòi nợ máu xương.
Chôn cất Dimitrov là một quyết định không quá khó nhưng san
bằng lăng Dimitrov là một công việc nặng nề. Các chuyên viên cho nổ ba loạt mìn
có sức công phá mạnh nhưng vẫn không giật sập hết lăng. Lần thứ tư họ vừa dùng
mìn vừa dùng xe xúc lớn mới giật sập được lăng màu trắng của cựu Tổng Bí Thư Đệ
Tam Quốc Tế Cộng Sản.
Chuyện đào mả Janos Kadar
Janos Kadar, nguyên tổng bí thư đảng CS Hungary và là một kẻ
phản quốc theo Liên Xô để tàn sát đồng bào mình sau cuộc Nổi Dậy Hungary 1956.
Sau 1960, Janos Kadar thay đổi đường lối cai trị bằng các chính sách ôn hòa hơn
nhưng tội ác do y gây ra không vì thế mà được quên đi.
Janos Kadar chết ngày 6 tháng Bảy, 1989, ba tháng trước khi
chế độ CS tại Hungary sụp đổ.
Người viết không có ý nguyền rủa hay trù ẻo gì ai và cũng
không tiên đoán những gì sẽ xảy ra cho lăng tẩm hay phần mộ các lãnh đạo CSVN.
Những sự kiện vừa nêu vẫn còn mang tính thời sự chứ không cần ai tiên
đoán. Ngày nào trái đất còn xoay, sự thật sẽ còn cơ hội được soi sáng và lịch sử
sẽ phán xét một cách công bằng.
Trong mỗi khoảnh khắc đi qua trong cuộc đời, chính chúng ta
chứ không ai khác gieo một nhân cho tương lai mình. Tương lai có thể là ngay
trong phút tới, giờ tới, ngày mai, sang năm hay nhiều năm nữa nhưng nếu gieo
nhân ác sẽ phải gặt quả báo ác dưới hình thức này hay hình thức khác. Tuy
nhiên, một điều mà ai cũng nên biết là không bao giờ quá trễ cho một người để
thay đổi tương lai.
Trần Trung Đạo