25 June 2022

BẢN TỰ KHAI CỦA MỘT NGƯỜI NGOAN CỐ - Nguyễn Ngọc Mạnh

Bạn thân mến,

Có lần tôi mơ thấy trở lại Đà Lạt, trở lại ngôi trường đầy ấp những kỷ niệm hai năm thời sinh viên sĩ quan: Trường Đại học Chiến tranh Chính trị Đà Lạt. Đi suốt con đường Võ Tánh nhiều dốc, băng qua ngả rẽ phải đến trường nữ Bùi Thị Xuân của Thị xã, cuối con đường là cổng Anh Đào, qua cổng là bước vào một Vũ đình trường thênh thang đầy gió. Lúc tôi đến thì là lúc Đà Lạt đang đón chào tháng hai, tháng mà anh em chúng tôi chuẩn bị rời trường để đi đến những chiến trường xa xôi, lạ hoắc. Tôi bổng thấy thương ngôi trường của chúng tôi quá đỗi. Nó sinh sau đẻ muộn hơn các quân trường khác rất nhiều. Có thể nó xuất hiện rất mờ nhạt trong các kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu sau những lời gợi ý của nước bạn Đài Loan. Nó xuất hiện khá vội vàng để đuổi cho kịp tư tưởng của Quản Trọng: “Kế hoạch tốt nhất cho một năm là trồng lúa, kế hoạch tốt nhất cho mười năm là trồng cây ăn trái, kế hoạch tốt nhất cho trăm năm là trồng người, là dự phóng cho con người vào mục tiêu phụng sự quốc gia dân tộc”. Nó ra đời trong sự thờ ơ của mọi người khi cuộc chiến đang được đẩy đi một cách khốc liệt bi thảm trên đất nước chúng mình. Nhưng anh em chúng tôi vẫn thấy yêu nó, trân quý nó, tríu mến nó một cách “ngoan cố”.

Vâng chúng tôi đã yêu ngôi trường của chúng tôi, theo cách chơi chữ của những người cộng sản, rất “ngoan cố”. Mặc dù ngôi trường của chúng tôi không có gì đặc biệt và rất mờ nhạt trong ký ức của mọi người, nhưng chúng tôi vẫn yêu nó mãnh liệt. Chúng tôi yêu nó một cách “ngoan cố” dù trường thiếu nhân viên cơ hữu (một nhân viên cơ hữu phải phục vụ năm sinh viên sĩ quan trong khi một quân trường gần bên thì trái lại năm cơ hữu phục vụ cho một sinh viên) chúng tôi phải đảm trách phần gác đêm tại các điểm canh chung quanh trường và ban ngày phải tham gia việc huấn luyện. Điều nầy không làm chúng tôi thôi đi, bớt đi sự “ngoan cố”. Chúng tôi yêu ngôi trường trong sự chật vật vượt qua những khó khăn về vật chất. Chúng tôi yêu những ông Thầy trong Mùa Văn hóa đầy cảm thông không ngần ngại chia sẻ với những đứa học trò gồng mình vượt khó với câu nói về bửu bối “Dĩ tất bất tất” của mình trước khi đám học trò nầy rời trường để ra chiến trường đâu đó. Từ sự “ngoan cố” nầy làm anh em chúng tôi bổng dưng thấy yêu ông Nguyễn Trải vô ngần. Ông là một đại công thần của vua Lê, Lê Lợi, và cũng là người được chọn làm Thánh tổ của Ngành Chiến tranh Chính trị QLVNCH. Chúng tôi cũng yêu ông một cách cũng “ngoan cố” không kém.

Chúng tôi yêu ông không phải lúc ông mím môi nhận bản án khốc liệt dành cho ông cùng thân tộc trong vụ án Lệ Chi Viên: tru di tam tộc. Một vụ án đầy nghi vấn dành cho một công thần lừng lẩy như ông. Chúng tôi yêu ông không phải vì có nhiều người tẩn mẫn các bài Gia Huấn Ca của ông rồi la toáng lên: Nguyễn Trải là một nhà Nho. Chúng tôi yêu ông không phải vì ông luôn “cung cúc tận tụy chức trách của mình thật thành khẩn và chưa lần nào nghĩ đến việc ‘vuốt thẳng một nép y’”, ông thẳng như ruột ngựa.

Chúng tôi yêu ông một cách “ngoan cố” vì ông chỉ biết duy nhất nghĩ đến, lo tưởng đến cho Dân và cho Nước như lời thầm nguyện ước của ông với người cha Nguyễn Phi Khanh của mình lúc hai người chia tay tại Ải Nam quan. Đến đây tôi muốn nhân dịp nầy kể cho bạn một câu chuyện rất lạ của công thần Nguyễn Trãi. Chuyện nầy được biết như là một truyện về “Hồi ức của một người họ Lữ”. Quyển hồi ức nầy luân lạc một vòng khá lớn và khá lâu. Từ tài liệu của nước ta nó được mẫu quốc đô hộ Pháp lang sa thu vét đem về trưng bày như một chiến lợi phẩm tại các bảo tàng viện chiến tranh của họ, rồi các tướng lãnh Đức quốc xã đến chiếm đóng Pháp đem về làm của riêng của mình. Sau cùng nó được người Việt thuyền nhân tỵ nạn khám phá trong cái tủ sách đồ sộ của một vọng tộc tại Tây Đức.

Bạn thân mến,

Chuyện được viết lại và được tóm lược như sau:

Đây là câu chuyện của một người họ Lữ được Vua Lê cho cải họ thành họ Lê sau suốt một chặng đường dài gian nan theo phò vua Lê. Chuyện kể về HAI thanh kiếm mà Lê Lợi đã nhận được từ Thần Kim quy trong lúc ông khởi nghĩa kháng Minh. Sách cũng nhắc lại truyền thuyết cho rằng khi nhận kiếm vua Lê được Thần Kim quy dặn dò: Sau khi nước nhà được bình định thì phải trả lại kiếm cho Thần nếu không đất nước khó tránh được can qua sau nầy!

Theo người họ Lữ vua Lê nhận được từ Thần Kim quy tất cả là hai thanh kiếm: một thanh kiếm dài, hai lưỡi, rất sắc, được gọi là Long kiếm dùng để phục quốc; thanh kiếm còn lại thì ngắn, bản to và dày, được gọi là Lạc kiếm dùng để trị quốc. Long kiếm dài và rất sắc, trên chuôi kiếm có chạm trổ hình một con rồng ở phần cuối của tay cầm, Long kiếm chém sắt như chém bùn. Lạc kiếm hình dạng rất thô, lưỡi dầy và cùn, ngay phần chuôi kiếm có chạm hình con chim lạc giống trên các trống đồng thời xưa. Lạc kiếm được cho là tâm kiếm khi dùng tâm sử dụng có thể làm lưỡi kiếm lọt được giữa hai răng lược.

Sau khi nhận kiếm vua Lê dùng Long kiếm để thoát khỏi vòng vây của quân Minh lúc ông còn đi ra đi vào Chí Linh, Lam Sơn. Sức kiếm rất mạnh đã giúp cho nhà vua rất nhiều trong những lúc bị vây khổn, nhưng không đem đến cho vua Lê một thế mạnh dứt điểm và đè bẹp đối phương. Ông ra vào Chí Linh ròng rã gần mười năm và tình thế kháng chiến không tiến triển nhiều với uy lực của thanh Long kiếm. Vua Lê giao cho Nguyễn Trãi tìm cách sử dụng thanh Lạc kiếm trong lúc thời cuộc nóng bỏng bấy giờ là lúc dấy lên những chiếc lá với dòng chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” được tìm thấy tại các nguồn nước nhiều nơi.

Cho đến một ngày, Nguyễn Trãi tìm thấy trên chuôi thanh Lạc kiếm có một khe hở nhỏ dưới phần đầu của chim Lạc. Cạy phần hở nầy ông thấy phần đầu chim Lạc rời ra bên trong có thanh tre nhỏ bật ra đẩy cái chuôi đầu chim văng xa hiện ra bên trong phần chuôi kiếm có khắc một chữ NGHỆ. Thanh tre nhỏ bị ép trong chuôi kiếm: đó là điều gợi lên những suy nghĩ mãnh liệt trong đầu vị công thần. Tre, tại sao lại là tre? Tre được tìm thấy trong các khu vực làng xã nước ta được trồng như một hàng rào thiên nhiên bảo bọc cho đơn vị xã hội đất nước nhỏ nhất nầy. Tre, nó cũng tượng trưng cho dân tộc ta bền bĩ kiên trì trước mọi tấn công, uyển chuyển chịu đựng trước mọi hoàn cảnh. Tre khi bị ép cong có thể bật trở lại với sức mạnh to hơn sức ép. Nó là Dân Việt, là Nước Việt.

Theo người họ Lữ sau sự kiện nầy vua Lê bắt đầu rời Chí Linh chuyển tất cả binh lực về Nghệ An theo gợi ý của Nguyễn Trãi. Bắt đầu từ đó Bình Ngô đại cáo và Bình Ngô sách đã được Nguyễn Trãi cho ra đời. Cũng bắt đầu từ lúc đó trước khi công hãm một thành trì nào của quân Minh Nguyễn Trãi đều cò thư cáo thị gửi trước, điều nầy làm cho có nhiều thành quân Lam Sơn không cần động binh mà vẫn chiếm được thành vì quân Minh đã ra hàng trước. Chiến thắng của quân Lam Sơn vang dội đuổi hết quân Minh về nước nhiều người vẫn nghĩ đó là thành tích của thanh Long kiếm, nhưng theo người họ Lữ chính Nguyễn Trãi và thanh Lạc kiếm mới chính là sự kiện đáng lưu ý.

Bạn thân mến,

Đến đây chúng ta mới bàn đến việc vua Lê trả kiếm lại cho Thần Kim quy. Hồi ức của người họ Lữ không có ghi lại sự kiện nầy. Hồi ức chấm dứt ngay khi nước ta hoàn toàn độc lập thoát khỏi ách đô hộ của quân Minh. Hồi ức không nói gì thêm sau đó cho chúng ta một câu hỏi: Vua Lê trả lại kiếm thế nào cho Thần Kim quy?

Kiếm đã được vua Lê trao lại cho Thần Kim quy theo truyền thuyết là trên hồ mà sau nầy được đặt tên là Hồ Hoàn kiếm đúng như đòi hỏi cùng lời dăn dò của Thần Rùa. Nhưng chúng ta để ý sau đó đất nước chúng ta vẫn còn can qua, chiến tranh. Nếu vua Lê đã trả lại gươm rồi thì sao quê hương chúng ta vẫn còn triền miên khói lửa, chiến tranh chưa chịu buông tha đất nước Việt Nam và chúng ta vẫn mong chờ một thời đại thanh bình thật sự sẽ đến với đất nước mình. Một bài hát của một nhạc sĩ Việt Nam đã nói đến điều nầy khi buông ra lời than thở “… chưa thấy thanh bình một lần”.

Điều nầy cho chúng ta đối diện với một sự thật hiển nhiên: thanh kiếm mà vua Lê trả cho Thần Kim quy là thanh Lạc kiếm do Nguyễn Trãi sử dụng. Kiếm trị quốc đã bị trả lại thay vì phải giữ lại để TRỊ, để GIỮ nước. Chúng ta phạm một lỗi lầm không thể chuộc lại được, chính lỗi lầm nầy làm cho tôi yêu ông Nguyễn Trãi một cách hết sức là “ngoan cố”. Ông đã bậm môi nén xuống trái tim đau xót của mình một tiếng thở dài cho vận nước Việt Nam. Bạn có thấy trái tim mình trỉu nặng đến nghẹt thở khi nhìn quê mình vẫn hoài những điêu linh như bây giờ không? Mong rằng bạn thông cảm cho một người “ngoan cố” như tôi, thông cảm cho cái tánh hàm hồ của tôi trước sự đau xót quá lớn mà tôi chịu đựng đã mấy chục năm nay. Mong rằng trong đợt điểm danh kỳ nầy bạn sẽ nghe một ông già đã qua cái thiên mệnh “bảy bó” của mình khàn giọng hô to: có mặt.

Nguyễn Ngọc Mạnh