09 July 2022

NỖI ÂN HẬN MUỘN MÀNG... - Tương Giang

Anh Hai là con trai duy nhất mà 30 tuổi vẫn độc thân nên ba má tôi sốt ruột lắm. Hồi đó, tới tuổi băm mà “chưa có gì” thì thế nào cũng xảy ra nhiều suy diễn kiểu như “chắc thằng đó kỹ tính quá”. Đàn ông con trai mà bị mang tiếng kỹ tính thì coi như… hết cứu.
Chị em tôi lần lượt “bấm còi” vượt mặt, anh Hai vẫn giậm chân tại chỗ, mặc kệ má tôi bồng bế cháu ngoại, nói gần nói xa, rồi hỏi thẳng: “Tới chừng nào con mới chịu cho má bế cháu nội?” Anh Hai cười hì hì trốn sự thúc giục của má bằng cách xách cưa và búa lên chùa.
Ba má tôi là Phật tử, từ khi còn nhỏ, anh chị em tôi đã được ba má dắt tới chùa lễ Phật và tập làm công quả như quét sân, kết hoa vải, dọn dẹp trong những ngày lễ lớn… Nhà chùa đang chuẩn bị mở lớp học cho các em nhỏ lang thang. Bàn ghế thu gom từ các nơi cần được sửa chữa và anh Hai đảm nhận phần việc này.
Trong số các giáo viên tình nguyện đến dạy các em, có một cô dạy toán là người theo đạo Công giáo. Chuyện bắt đầu từ đây. Anh Hai tôi thường xuyên lên chùa nhưng không chỉ để làm công quả mà còn để đưa đón cô dạy toán.
Ba má tôi cắn răng thở dài, ông bà mong biết mấy được thấy con trai có đôi có cặp, nhưng khi có rồi thì vui không nổi. Con trai đầu có bổn phận cúng kính mà lấy vợ khác đạo thì làm sao?
Anh Hai biết tình yêu của mình gây khó cho ba má, nên chẳng dám nói năng gì, cũng không dám đưa chị về chào gia đình. Tôi hỏi nhỏ: “Anh đã tới chào ba má chị chưa?” Anh Hai lắc đầu. Tôi hiểu là nhà bên đó cũng chẳng đồng tình.
Hai gia đình biết rõ con mình thương ai, nhưng làm như không biết. Thời đó, chuyện yêu đương mà chưa có tiếng nói của người lớn thì coi như chuyện ngoài đường. Giả vờ như không biết, nhưng ba má tôi âm thầm theo dõi, thấy anh đưa chị đi lễ nhà thờ. Và nhà bên ấy cũng thầm theo dõi, thấy chị theo anh lên chùa lễ Phật ngày rằm. Hai bên cùng thấy, cùng biết và cùng nín lặng chờ đợi.
Chờ đợi gì cũng không rõ, có lẽ, không bên nào muốn là phía đầu tiên thốt lời khiến con mình đau khổ.
Mối tình của anh Hai kéo dài đến năm thứ ba thì má tôi không kiên nhẫn được nữa. Con mình là con trai, lỡ có bề gì thì mang tiếng ác với con gái người ta. Má ra tối hậu thư “hoặc tình, hoặc hiếu”. Anh Hai cúi đầu chọn bên hiếu.
Lựa chọn của anh Hai khiến má mềm lòng, nhưng thật ra, do âm thầm theo dõi, má đã sinh lòng mến thương người con gái hiền ngoan, vừa đẹp vừa nhân hậu, biết đến với trẻ em khốn khó. Được con dâu như vậy thì cũng đáng để má chịu lùi một bước. Má thuyết phục ba cho phép anh Hai ngỏ lời với nhà bên đó, với điều kiện đạo ai nấy giữ.
Ba má chị lắc đầu, với lời phân tích ngọn ngành rành mạch là phải từ chối người con trai nghề nghiệp đàng hoàng, tính tình tử tế, hiền lành thì cũng tiếc lắm, nhưng mai này sinh con ra thì làm sao? Đứa nào theo cha lên chùa, đứa nào theo mẹ đi nhà thờ? Ừ thì cho phép chúng tự chọn đức tin, nhưng khi mới sinh ra chưa biết gì thì cha mẹ là người dìu dắt, lúc đó làm lễ rửa tội thì sao? Đã nhận lễ rồi thì dĩ nhiên là con của Chúa, ông bà nội có chịu không?
Câu trả lời của ba má tôi là không, cháu nội nhất định phải theo đạo nhà mình.
Vậy là anh chị chia tay. Để khỏi gặp gỡ, khỏi xao lòng, chị không đến chùa dạy lớp học tình thương nữa, người thay thế chị là anh Hai. Trước đó, anh chỉ làm những việc công quả cần sức vóc đàn ông, tới lúc ấy, anh nhận luôn việc dạy học. Bọn trẻ thắc mắc: “Sao cô không dạy tụi em nữa hả thày?”, anh Hai trả lời: “Tại các em làm cô buồn”. Bọn nhóc chẳng hiểu câu trả lời này, thường ngày đứa nào cũng có nhiều lần nói chuyện trong lớp, không làm bài tập về nhà, rồi cãi nhau chí chóe… Cô giáo buồn là đúng rồi.
Anh Hai gầy sọm đi. Cả nhà tôi thở dài, bệnh buồn tình chỉ có thầy thuốc thời gian chữa lành mà thôi. Chữa lành thật không, tôi tự hỏi khi thấy anh Hai vẫn đi về một mình, vẫn cười cười nói nói nhưng ánh mắt chẳng còn sáng lên lấp lánh.
Tai nạn xe cộ bất ngờ cướp đi mạng sống của anh Hai.
Đám tang anh, chị lặng lẽ đến vào buổi tối, khi khách viếng đã ra về hết. Chị lặng lẽ chảy nước mắt trước di ảnh của anh. Nén nhang chị thắp cũng như người, lặng lẽ tỏa làn khói mỏng mà làm cay mắt tất cả. Ba tôi lau nước mắt quay mặt đi, còn má tôi ôm lấy chị mà nức nở. Quá muộn màng!
Sư thầy nói tục lệ đốt quần áo cho người chết đem theo là mê tín dị đoan, lãng phí, thay vì vậy, hãy đem làm từ thiện để làm phước. Tôi rủ chị xếp áo quần của anh để đem đi cho. Những ngón tay chị run run vuốt từng nếp vải như đây mới đúng là lần cuối cùng chị được chạm vào anh. Tôi chọn cái áo màu xám tro anh hay mặc, muốn nói chị hãy đem về giữ cho riêng mình, nhưng cái đầu tỉnh táo của tôi lại nghĩ, nỗi nhớ đã đủ làm khổ chị rồi, tốt nhất là để chị quên anh đi.
Tục lệ quê tôi là người vừa nằm xuống sẽ cảm thấy lạnh lẽo nên hằng ngày sẽ đốt củi sưởi ấm ngôi mộ. Sáng sớm, tôi chở má xuống nghĩa trang, ngang qua cổng, ông bảo vệ hỏi thay lời chào: “Con dâu của dì là cô giáo hả?”. Má tôi chảy nước mắt nhìn chị và bọn nhỏ lớp tình thương xúm xít mỗi đứa một khúc củi xếp lên nhau. Rồi những bàn tay nhỏ bé khum khum nối nhau che gió cho chị mồi lửa.
Tôi và má đứng lại ở xa xa nhìn tới, để cho chị được tự do chăm sóc anh. Má tôi vừa khóc vừa nói: “Biết vậy thì hồi đó má đã gật đầu. Chúa và Phật đều dạy người ta thiện tâm mà”.
Không ai biết trước được điều gì, nếu biết trước thì chẳng ai nỡ làm đau người khác. Tôi thường nói vậy để an ủi ba má và cũng là tự nói với mình. Tới tận ngày giỗ lần thứ bảy của anh Hai, sáng sớm mang hoa xuống mộ, tôi vẫn gặp chị bên cạnh đống lửa; lứa học trò ngày đó đã phiêu bạt khắp nơi, chị ngồi một mình…

Tương Giang