Chợ Kiến Tường (Mộc Hóa)
Sau khi có văn bản kết thúc điều tra từ bên công an xã gởi
qua, ban giám hiệu trường phổ thông cơ sở cấp 2 Thanh Hòa họp kiểm điểm thầy Trọng.
Cô hiệu trưởng điều hành buổi họp thật sôi nổi. Cuối cùng, đi đến quyết định, một
là thầy Trọng làm đơn xin nghỉ việc, hai là nếu muốn tiếp tục dạy ở trường thì
phải qua thử thách không được đứng lớp trong thời hạn sáu tháng và chỉ có mỗi
nhiệm vụ trong thời gian thử thách là đánh trống theo thời khắc qui định và
xách nước hằng ngày từ kênh lên đổ đầy hai lu nước sinh hoạt của trường. Tùy thầy
quyết định.
Một tuần lễ sau, thay vì chú Sáu lao công đánh trống từ bao lâu nay thì thầy Trọng lại là người thay thế và còn bao luôn công việc xách nước. Ban đầu mọi người, nhất là học sinh tưởng là trường có phong trào lao động “xã hội chủ nghĩa” và thầy Trọng là ngọn cờ đầu thi đua tiên tiến. Nhưng sau đó lại nghe tin đồn chính xác là thầy bị kỷ luật, phạt như vậy một thời gian.
Lâu dần, câu chuyện thầy Trọng đánh trống lan ra tận ngoài
xã hội. Ai cũng dè bỉu nặng lời. Mà cũng lạ, phải chi thầy nghỉ việc, rời trường
chắc có lẽ ít người biết hơn. Vả lại, lúc bấy giờ giáo viên tự động xin nghỉ việc
rất nhiều, đi làm việc khác thu nhập khá hơn là đi dạy, lương mấy chục đồng, gạo
lãnh 15, 16 kí, nhu yếu phẩm từng cân đường, một bịch bột ngọt cùng hơn ký thịt
heo. Sống không nổi họ còn bỏ đi. Vậy mà thầy vẫn bám trường chịu kỷ luật xuống
đánh trống, xách nước. Thật là chuyện lạ.
Thầy Trọng bị kết tội là do bên công an xã báo cáo như thế
này. Trên con đường làng độc đạo tới trường có nhà ông bí thư xã, có hàng rào
lưới cao khỏi đầu người vây quanh. Cây cối um tùm, kín bưng, cớ sự là trên cao
quá khỏi hàng rào có một quày chuối de ra ngoài đường. Nhà thầy Trọng ở cuối
con đường. Sáng hôm ấy, trời còn sương rịn, ông bí thư ngồi trong nhà uống trà
nhìn ra đường thấy dáng thầy Trọng đi ngang qua, một chút xíu sau, ông lái xe
đi ra ngõ thì thấy quày chuối đã bị chặt mất, mủ chuối chảy xuống đất hãy còn mới
tinh. Ông tình nghi, tức tốc cho công an thân tín qua trường điều tra, khám xét
thì phát hiện ra trong chiếc cặp da của thầy ngoài sách vở còn có một con dao
phay được gói cẩn thận trong bọc ni lông. Công an hỏi:
– Thầy đi dạy
mà mang theo dao phay để làm gì?
– Tôi mang
theo để sau giờ dạy ra làm cỏ, tham gia phong trào làm đẹp sân trường.
– Thế thầy
có chặt quày chuối bên hông nhà ông bí thư không?
– Thưa
không. Ai đời nào lại đi làm như vậy.
– Mời thầy
ngày mốt qua đồn làm việc.
Câu chuyện vẫn y như vậy khi công an báo miệng lại cho ông
bí thư. Đâu cần nói chi xa hay điều tra thêm, cô hiệu trưởng là người em họ của
ông bí thư. Lâu nay cô cũng không vừa lòng lắm về ông thầy giáo “khó ưa.” Cô
thuộc gia đình có công với cách mạng. Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước cô
được gởi đi học trường đảng và trở thành lãnh đạo ngành giáo dục trong xã.
Riêng thầy Trọng tốt nghiệp trường Sư phạm Mỹ Tho được chính
thức bổ nhiệm về trường Tiểu học Thanh Hòa trước ngày 30 tháng 4 được chừng vài
năm. Sau đó vì thiếu giáo viên nên được đôn lên dạy trường phổ thông cơ sở cấp
2 ở xã. Điều đáng nói ở đây là sau ngày 30 tháng 4 tất cả thầy, cô giáo không
ai bắt buộc, đều tự động ăn mặc xuống cấp bình dân, cô giáo không còn mặc áo
dài như trước nữa mà chỉ là áo ngắn hoặc bà ba, quần đen, mang dép. Thầy giáo
ăn mặc “xuề xòa” có khi áo cộc bỏ ra ngoài, chân mang dép nhựa, theo mốt mang
dép râu lại càng tốt. Nhưng thầy Trọng thì không, lúc nào cũng áo trắng bỏ
trong quần, cài nịt đàng hoàng, chân mang sandal như hồi trước không thay đổi.
Bấy nhiêu đó thôi cũng thấy ngay là “trật đường rầy” thời xã hội chủ nghĩa.
Cô hiệu trưởng họp bên thường vụ bàn bạc nhiều lần muốn nhổ
cái gai trước mắt. Sẵn dịp, thay vì sa thải cô lại muốn thử xem ông thầy có
thay đổi được kiểu cách “tiểu tư sản” hay không khi tới trường. Nhưng tất cả đều
xảy ra ngoài ý muốn của mọi người. Thầy Trọng vẫn ăn mặc chỉnh tề như xưa. Dù
chỉ đánh trống nhưng mọi người vẫn gọi là thầy. Chú Sáu làm lao công trường học
từ thời xưa thấy áy náy trong lòng nên giành lấy phần xách nước.
– Kỷ luật gì
mà hạ nhục người ta đến như vậy. Thà cho nghỉ dạy còn hơn.
Thật ra, câu chuyện mất một quày chuối đâu có đáng gì để làm
ầm ỹ đến như vậy. Ban đầu bên công an cũng định nhẹ nhàng thôi vì không có chứng
cứ rõ ràng. Chỉ cần thầy Trọng xuống nước xin lỗi hay nhận khuyết điểm (công an
hướng dẫn là có thấy quày chuối bị ai chặt bỏ giữa đường bèn lấy đem về như lượm
của rơi) vậy thôi. Nhưng một, hai thầy cương quyết khai không liên quan gì đến
việc mất trộm này và còn nói thẳng ra là họ “nghi bậy.” Ông bí thư nghe thế
không phải tiếc gì quày chuối, nhưng ghét thái độ trịch thượng của thầy nên mới
chỉ đạo cho cô em làm căng đến như vậy.
Từ ngày lãnh phần đánh trống, thầy Trọng giữ luôn cái đồng hồ
“quả quýt” kè kè bên mình coi như báu vật. Mỗi ngày vặn “dây thiều” một lần, bảo
đảm đồng hồ chạy liên tục. Cho nên giờ giấc rất chính xác. Lúc bấy giờ việc
đánh trống trường chỉ là việc nhỏ và phụ thuộc, thường giao cho chú Sáu lao
công hay bảo vệ trường thay nhau đảm trách, nhưng đến khi thầy Trọng phụ trách
thì lại khác. Tiếng đồn thầy có biết về lễ nhạc ở đình. Không biết có đúng
không, nhưng thầy đánh trống nghe rất hay, giờ vô học khác, giờ tan học khác,
ra chơi khác. Khi thì dồn dập, khi thì thong thả hay chỉ rời rạc như thời khắc
đổi giờ. Từ trước cho tới nay chưa có ai đánh trống bài bản như vậy.
Có nhìn một ông thầy giáo ăn mặc chỉnh tề cầm dùi đánh trống
mới thấy hết ý nghĩa trang trọng của sự học và thật như không có trong đời thường.
Quang cảnh học trò nhộn nhịp bắt đầu xếp hàng để chuẩn bị vào lớp theo tiếng trống
dồn của thầy Trọng nghe y như đang hồi thúc quân tiến tới. Ai cũng xúc động
dâng tràn khí thế bắt đầu một ngày mới ở trường. Không nói ra nhưng mọi người đều
thầm khen ngợi. Chỉ tiếc một điều là câu chuyện ông thầy với quày chuối không
biết hư, thực ra sao. Có khi dở lại hóa ra hay.
Thời gian qua nhanh, mọi người ai cũng nghĩ rằng sự việc rồi
sẽ quên đi và thầy Trọng sẽ lên lớp dạy lại như cũ. Chỉ có gia đình một mẹ, một
con mới là vấn đề khó trôi qua. Hình như luôn có một điều gì đó vừa nhục nhã vừa
cay đắng. Thầy Trọng lại không phân bua, giải thích như thế nào cho đỡ gánh nặng
đè lên sinh hoạt gia đình và các mối quan hệ xã hội.
– Hay là con
xin chuyển đi trường khác. Mẹ thầy bảo vậy.
Nhưng thầy cũng không nghe thấy. Không dự tính gì cả,
vẫn bình chân như vại. Hình như thầy tin rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ trắng đen
minh bạch. Không có điều gì có thể che dấu mãi dưới ánh mặt trời. Nhưng càng
lúc, mọi người càng tin rằng thầy Trọng đang cố gắng thích nghi với hoàn cảnh để
sống vì thầy luôn vui vẻ bình thường và không có vẻ gì khó chịu hay than phiền,
trách móc. Đó mới chính là điều làm cho mọi người hoang mang nhất.
Thầy Trọng sinh quán người làng Thanh Hòa. Sau khi tốt nghiệp
trường Trung học Đốc Binh Kiều, Cai Lậy, thầy thi đậu vào trường Sư Phạm Mỹ
Tho. Ra trường xin về nguyên quán đi dạy gần nhà để phụng dưỡng mẹ già. Trong
trường cũng có bạn bè quen nhau từ thời trung học và thường hay qua lại, thầy
có để ý cô N. cùng quê, cùng học trường sư phạm và cũng về dạy ở Thanh Hòa. Cô
N. thật đẹp và nổi tiếng trong vùng nên thầy cũng ngại chưa dám ngỏ lời. Em
trai ông bí thư hiện đang là Phó công an xã cũng đang ngấp nghé. Phận mình đã vậy.
Nay vụ việc lại xảy ra. Thật khó bề mà tiến tới.
Thế rồi, chỉ ít lâu sau, công an xã bắt được một đối tượng
chuyên trộm, cắp liên xã, trong quá trình điều tra, tội phạm khai có chặt quày
chuối ở nhà ông bí thư cách đây mấy tháng. Công an hỏi:
– Có thật
không?
– Dạ thật,
chính em đã chặt trộm quài chuối.
Sau đó, tên tội phạm khai rằng hắn đã chặt quày chuối ngay từ
khuya gà gáy sáng, cùng với một đồng bọn chuyển về nhà đương sự cất giấu. Công
an cho người đến bắt kẻ đồng lõa đem về đồn khai thác và tên này cũng khai y
như vậy vì cư ngụ trong xã nên cũng biết chuyện thầy Trọng bị oan nhưng sợ
không dám nói ra.
Rồi ông Bí thư biết chuyện, cô hiệu trưởng và hết thảy trường
Thanh Hòa đều biết chuyện. Mọi người thở phào, nhẹ nhõm. Bên xã chỉ đạo cô hiệu
trưởng họp để công bố văn kiện xin lỗi thầy Trọng và chính thức trao bằng “Kỷ
Niệm Chương” cho thầy. Nhưng rất tiếc thầy cáo bệnh và làm đơn xin thôi dạy từ
đó. Lần cuối cùng, người ta thấy thầy Trọng theo đò máy quá giang vô trong kênh
ngọn vùng Mộc Hóa. Đi biệt.
Mấy năm sau, dấy lên phong trào đổi mới, công nhân viên chức
bắt đầu thay đổi cách ăn mặc. Nữ mặc áo dài đủ màu, đi guốc cao gót. Nam mặc âu
phục, đi giày da đen. Lãnh đạo xã mặc đồ vest thắt cà vạt màu sáng chói. Trường
phổ thông cơ sở cấp 2 Thanh Hòa theo chỉ đạo trên toàn quốc, đâu đâu cũng có tổ
chức lễ đánh trống đầu niên học mới và ở xã chính ông bí thư là người đánh trống
khai giảng.
Nhìn bộ vest mới, cà vạt đỏ dài quá khổ cùng với điệu bộ cầm
dùi kệch cỡm của ông bí thư khiến mọi người lại nhớ đến thầy Trọng và nhớ luôn
tiếng trống của thầy cùng với câu chuyện quài chuối năm xưa mà ngậm ngùi. Than
ôi. Tiếng trống oan nghiệt. Thầy ở phương nào giờ có thấu…
Trần Bạch Thu