11 August 2022

ÁM ẢNH - Xuân Đỗ

Mea Cumpa, Mea Cumpa. Mea Maxima Cumpa”

(Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng)

Lân dựng chiếc xe Honda ngoài cổng, chạy vội vào nhà Thảo. Người chị từ trong nhà chạy ra, nói:

- Thảo có dặn chị, Lân đến, bảo em chạy đến bệnh viện Chợ Rẫy. Ba chị đang nằm nhà thương trong đó. Bệnh tim của ba tái phát, mẹ và Thảo đưa ba vào nhà thương ngay sáng nay. Bệnh tim của ba là vậy. Có việc gì làm ba xúc động mạnh, là có rắc rối. Lần này có vẻ nặng.

Lân ngẩn ngơ một lúc, rồi hỏi chị:

    - Thảo có nói gì với chị, hoặc ba me, về việc ra đi không?

Người chị gật đầu:

    - Có. Hồi tối cả nhà ngồi bên ba nói chuyện. Ba bảo tình hình nguy cấp lắm rồi, bảo Thảo nên ra đi với Lân, dẫn theo thằng Lực, vì ở lại là chết chùm. Nhưng sáng nay ba bị ngất xỉu, đưa vào bệnh viện, sống chết không biết ra sao, nên việc ra đi của em Thảo và thằng Lực theo em, chị không biết ba me, Thảo quyết định ra sao. Tốt hơn hết em chạy gấp lại nhà thương đi.

Lân chào chị, cầm cái tờ giấy địa chỉ phòng bệnh viện, nhảy lên xe Honda, chạy vù đi trong đường sá đầy người, xe cộ chen nhau. Bước vào phòng bệnh, Lân đi nhè nhẹ đến gần giường ba Thảo đang nằm, người ông như quấn đầy dây nhợ, các ống dẫn chuyền máu, ống chuyền nước biển. Bà cụ và Thảo nghe tiếng mở cửa nhìn lên. Thảo bước nhanh lại phía Lân, lắc đầu. Lân chỉ vào đồng hồ đeo tay, ra dấu, mình chỉ còn chưa tới nửa giờ, để ra đi hay không. Thảo lại lắc đầu, cắn môi để khỏi bật ra tiếng khóc, sợ ông cụ nghe. Không hiểu sao ông cụ đưa cánh tay đầy dây nhợ, huơ huơ, như muốn nói gì đó. Bà cụ kê tai sát để đoán thử ông muốn gì. Ông lại huơ huơ cánh tay, ra dấu. Bà cụ vội để cây viết và tờ giấy sát tay ông. Ông viết nguệch ngoạc:

    - Thảo, Lực đi mau với anh Lân. Lân thay ba me dìu dắt hai em nên người. Đi mau đi. Các con thoát đi được, ba có chết cũng an tâm. Đi đi!

Hình như ông dốc hết tàn lực viết các chữ xong, cây viết rớt xuống giường. Thảo cầm tờ giấy, đầy chữ của ba, khóc thảm thiết. Bà cụ cũng lau nước mắt bằng tay mình, khoát tay ra dấu cho ba đứa con ra đi gấp. Thảo và Lực chạy lại, theo cái ngoắt tay của mẹ, vùi đầu vào ôm ba, rồi chạy ra theo Lân.

Len lỏi trong làn sóng người đổ về bờ sông, để tranh nhau được vào căn cứ hải quân, hì hục mãi ba người mới chen lấn vào gần cổng công xưởng nhưng cánh cổng đã đóng, khóa chặt mà những lính gác lại không biết anh, dù anh đang mặc quân phục sĩ quan Hải Quân. May quá có anh trung sĩ Hải Quân đang tìm phương tiện về nhà, biết anh, nói nho nhỏ:

    - Trung Úy đưa cái xe đây em giữ cho, cả chìa khóa nữa, em chạy về nhà chở vợ con. Để em bảo bọn lính hé mở cổng cho Trung Úy và gia đình vào nhé. Nhanh lên, không mọi người ập đến, thì bọn lính không dám mở cổng đâu.

Vào được bên trong, Lân kéo tay Thảo và Lực chạy về chiếc tàu của đơn vị anh, kêu ơi ới các bạn trên tàu, ném tấm ván cầu thang cho ba người lên. Tàu đã đầy ắp người, không một chỗ chen chân. Lân bảo Thảo:

    - Em và Lực ngồi đây, anh chạy về phòng anh, xem có còn chỗ trống không? 

Tất cả các phòng của sĩ quan trên tàu cũng đã có nhiều người chiếm ngụ, có lẽ do sự cho phép của ông hạm trưởng. Do dự một chốc, Lân nói:

    - Thưa bà, đây là phòng của tôi, bà có thể nhường chiếc giường này cho hôn thê của tôi, cũng vừa mới lên tàu, chưa có chỗ ngồi. Bà và các em có thể xử dụng tấm nệm bên cạnh đây. Tôi cũng biết trong cơn loạn lạc, mỗi người chia nhau một tí.

Ba ta nhìn Lân cái nhìn bực bội, nói:

    - Xin lỗi anh, tôi không biết. Anh muốn gì, muốn đuổi tôi và mấy đứa nhỏ ra khỏi phòng anh,  xin nói chuyện với ông tướng nhà tôi, và anh hỏi cấp trên của anh.

Lân chán nản hết sức, trong lúc này, giờ thứ hai mươi lăm của cuộc chiến, đang tháo chạy, hỗn quan, hỗn quân mà những người này còn mang tướng tá ra hù dọa nhau. Anh với tay lấy tấm poncho dưới giường, đi ra, chẳng muốn đôi co với bà ta nữa. Đi loanh quanh một lúc khá lâu mới tìm thấy Thảo ngồi dựa vào thành tàu, hai tay bó gối, đầu gục xuống. Lực đứng nhìn ra đám đông trên sàn tàu. Lân bước lại ngồi xuống cạnh Thảo. Thảo nhướng đôi mắt thâm quần, mỏi mệt nhìn anh, hỏi:

    - Mình đi đâu anh? Nếu tàu đi xuống Vùng Bốn, ghé vào Cần Thơ, Bình Thủy và tình hình yên ổn một chút, anh để em đi về lại Sài Gòn, anh nhé. Em không đành lòng bỏ ba đang nguy kịch nằm lại một mình, bên mẹ em già yếu, bên chị Hai em không biết xoay xở ra sao. 

Thảo lại khóc ấm ức. Lân không thể nói rõ cuộc tháo chạy này đi về đâu, nhưng Lân hiểu rằng, đây là chuyến viễn du, không biết nơi đến, không mong ngày về. Lân an ủi Thảo, cố quên mọi bất hạnh đang ập đổ đến, để sống còn, để làm lại cuộc đời ở một nơi nào đó, không có giặc giã, không chém. giết nhau, không hận thù. Lân nói:

    - Thôi anh đưa em và Lực xuống phòng lái, bên cạnh nhà bếp, chúng ta kiếm chút gì ăn đỡ. Anh từ tối hôm qua, đến bây giờ chưa có gì lót lòng cả. Chắc em cũng vậy. Với lại ngồi trên sàn này không tiện, khi tàu di chuyển theo sông Lòng Tảo, chạy ra Vũng Tàu, Việt Cộng có thể bắn vào tàu từ hai bên bờ sông. 

Thảo uể oải đứng lên, đưa cái xách mang vai, trong đó có mấy bộ áo  quần, giấy tờ tùy thân cho hai chị em,  cho Lực mang, đi theo Lân. Lân đi vào nhà bếp, một lúc lâu, mang ra ba dĩa cơm, rồi chạy vào lấy thêm chai nước. Bây giờ Thảo mới nhớ cả ngày chưa ăn uống chi cả. Thảo cảm thấy cổ khô rát, nhìn chai nước mà không thấy cái ly nào cả, hỏi Lân:

    - Anh có cái gì để uống nước không anh?

Lân lắc đầu, đùa một tí cho không khí bớt ngột ngạt:

    - Chẳng có ly tách gì cả em ạ. Em cầm chai nước, đưa lên miệng tu một hơi cho đã khát, nhưng ăn cơm đi đã, uống nước nhiều quá hết đói, ăn không được.

Thảo khát quá, đưa chai nước uống ừng ực. Cơn khát dịu xuống và cơn đói cũng biến đi đâu mất, Thảo nhìn dĩa cơm mà chẳng muốn ăn. Chợt Thảo sờ vào túi áo, chạm một cái hộp, Thảo cầm ra, la to:

    - Anh Lân ơi! Nguy quá rồi. Em bỏ quên hộp thuốc trợ tim của ba trong túi em. Làm sao bây giờ anh? Ba không có thuốc này để uống, thì nguy cho ba quá. Trời ơi, làm sao em trở về đưa thuốc cho ba. Ba có thể…

Thảo không nói hết nỗi sợ hãi của mình. Lân và Lực cũng ngẩn ngơ, không biết nói làm sao. Trở về thì không được rồi, tàu hình như đã tách ra khỏi bến và đang ở giữa sông Sài Gòn, chờ lệnh ra đi. Lân an ủi Thảo: 

    - Lỡ quên rồi, đành chịu, em ạ. Vả lại, ba đang nằm tại nhà thương, nếu không có thuốc này, y tá hoăc bác sĩ sẽ cho thuốc khác.

Thảo lại khóc ấm ức. Nếu ba có mệnh hệ nào, mình sẽ bị ám ảnh suốt đời. Thảo nhắm nghiền đôi mắt, lâm râm cầu nguyện cho ba.

                                                                   *  *  *

Ba mươi năm đã trôi qua, người xưa thường nói, như  “bóng câu qua cửa sổ”. Ngày xưa ví von bóng ngựa chạy vút qua cửa sổ, cho là biểu tượng của sự tuần hoàn nhanh chóng trong vũ trụ. Ngày nay trong kỷ nguyên tin học, ý niệm thời gian đã đổi thay. Đối với Thảo, những giờ phút tháo chạy trong buổi sáng ba mươi tháng Tư đó như mới xảy ra hôm qua, tuần trước. Niềm đau nhức nhối khi gợi lại như một ám ảnh khôn nguôi. 

Trong buổi sáng điểm tâm bây giờ chỉ còn hai vợ chồng ngồi trầm ngâm bên nhau. Thảo uống ly nước lạnh. Lân nhâm nhí ly cà phê sữa đã nguội. Tóc Thảo đã nhiều lần nhuộm vẫn có những gốc cộng tóc trắng mọc lên khá nhanh. Thảo bấm đốt ngón tay, lẩm nhẩm, “mình bước vào tuổi năm bảy, còn ba năm nữa, đến tuổi tiểu thọ, sáu mươi”. Thảo muốn bật cười, mình sắp chào đón “tiểu thọ”, một bà cụ non. Lân bước vào tuổi sáu mươi hai, tóc muối nhiều hơn tiêu, bốn năm nữa về hưu, ở Mỹ đây, đâu có gà để đuổi cho vợ. Đâu có chiếc ao nho nhỏ sau vườn, để buổi sáng mùa thu ngồi trên chiếc thuyền con, để nhìn “ao thu lạnh lẽo, nước trong veo” như thời cụ Nguyễn Khuyến. Lân đưa tờ báo tiếng Việt đang đọc qua cho vợ, nói:

    - Em đọc cái tin này.

 “ Một dự án lớn, xây nhà chung cư và biệt thự nhỏ cho Việt Kiều về nước hưởng tuổi hưu trí”. Tin của ExpressNet:

Tỉnh Đồng Nai: Một dự án đầu tư hỗn hợp, vốn sơ khởi lên đến 50 triệu Mỹ Kim, để mua đất, xây nhiều đơn vị chung cư, đầy đủ tiện nghi, nhiều biệt thự lớn nhỏ, từ một đến bốn, năm phòng ngủ. Đặc biệt dành nhiều ưu tiên cho Việt Kiều trên thế giới về ở, trong tuổi nghỉ hưu. Giá cả dự trù, từ 100.000 đến 700.000 Mỹ Kim/ đơn vị gia cư. Dự án đã được chuẩn y trên cơ sở nguyên tắc đồng thuận giữa các cổ đông bỏ vốn đầu tư và khách hàng có ý định muốn trở về quê hương trong tuổi già. Mọi liên lạc, xin gởi về địa chỉ:………, Điện thoại số: ….

Thảo đùa với chồng:

    - Tin nghe cũng hấp dẫn đấy chứ! Khổ nỗi là mình tin được các dự án, quảng cáo như thế này, được bao nhiêu phần trăm? 

Lân cười lớn:

    - Có thể gọi đây là dự án “bịp bợm hỗn hợp” giữa các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư Việt Kiều ở nước ngoài để mồi chài Việt Kiều, để gạt tiền của các khúc ruột ngàn dặm, muốn về nước trong tuổi cuồi đời. Nhưng nạp tiền cọc rồi chẳng biết “bắt thang lên hỏi ông trời…ở đâu”.

Thảo kể:

    - Anh có nhớ không, hồi gần Tết năm 1984, chuyến về Việt Nam đầu tiên của em, như em kể cho anh nghe nhiều lần, thật phập phồng lo sợ. Tâm trạng lúc đó, có lẽ không khác Kinh Kha vào đất Tần, làm kẻ thích khách. Mọi con mắt của các công nhân viên, từ các cô tiếp viên hàng không đến mấy ông hải quan, thật dữ dằn, soi mói và như muốn tra tấn mình để phát giác ra mình là kẻ hiểm nguy cho Việt Nam. 

Có một lúc, trên máy bay, em sốt ruột quá, bèn hỏi cô tiếp viên:

    - Máy bay đang ở không phận nào đó hả cô? Bao lâu nữa đến Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn?

Cô ta nhìn em, một cái nhìn dữ dội, giọng cao vút:

    - Không phận gì? Đang ở vùng trời Bắc bộ. Độ hơn một giờ nữa đến Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chính Minh. Hiểu không?

Từ đó cho đến khi xuống máy bay, vào khu hải quan trình giấy tờ, em có cảm giác như mình mang chất nổ về phá hoại chế độ Cộng Sản, nên người cứ lo sợ, quýnh quáng, nói năng ngọng nghịu, tay run cầm cập, khi đưa tờ chiếu khán, cho anh nhân viên hải quan, kèm phía dưới tờ giấy hai mươi đô la mới tinh. Anh ta hỏi cung:

    - Tên?

    - Dạ, Nguyễn Thị Thu Thảo.

    - Sinh năm?

    - 15 tháng 8 năm 1948.

Anh ta cầm tờ giấy bạc, vuốt lại cho ngay ngắn, bỏ vào túi áo, hất đầu cho em đi. Em mừng hết lớn, chạy như lực sĩ chạy nước rút, ra khu thân nhân chờ đợi, nhìn dáo dác, xem chị Hai có cầm tấm bảng đề tên chị cho dễ nhận, như em đã viết thư về bảo chị. Quả nhiên em thấy có ai như một bà… cụ, cầm tấm bảng bằng bìa cứng, ốm tong teo, miệng móm rọm, kêu em:

    - Thảo, Thảo. Chị Hai đây em.

Em và chị Hai nhào vô, ôm nhau, khóc như mưa, như gió. Khá lâu sau, em mới nhìn lại chị. Trên khuôn mặt choét khô của chị, trên làn da nhăn nheo, trên chiếc miệng hom hem, móm méo mà ngày xưa em hay khen, miệng chị có duyên… tất cả nói lên một cách rõ ràng, hùng hồn, sự nghèo đói, khổ ải chị đã và đang gánh chịu. Bụng em lại quặn đau, thương chị. Chị xoay qua giới thiệu người đàn ông đứng phía sau chị từ lâu mà Thảo không để ý:

    - Thảo, đây là anh Hồng, chồng chị.

Thảo ngạc nhiên đến há hốc mồm. Trời ơi! Sao chị Hai kín miệng đến như vậy. Từ sau năm 75, bao nhiêu thư từ qua lại giữa hai chị em, nói đủ thứ chuyện về ba mẹ, những ngày cuối đời của hai đấng sinh thành, nhà cửa, nhưng tuyệt nhiên chị không đả động gì đến chồng chị, anh Hồng. Tuy chưa gặp anh lần nào, vì anh đi tập kết ra Bắc năm 54, sau khi hiệp định Genève ký kết, chia đôi đất nước. Ba mẹ và Thảo biết mối tình thật đẹp của chị, nhưng đầy nước mắt, theo vận nước chia cắt. Chị nhất quyết ở vậy chờ anh, dù  trong hơn hai mươi năm, anh chị không thể nào trao đổi thư từ giữa hai miền Nam Bắc đang chém giết nhau. Thảo cũng biết, nhiều khi bất ngờ, nghe lỏm các cuộc bàn tán thầm thì giữa chị và mẹ. Kết thúc cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con, là những đêm khóc đầy nước mắt của chị trong đêm khuya và những cái lắc đầu cương quyết của chị, vẫn một lòng sắt son chờ ngày gặp lại anh. Bây giờ đối diện với anh, Thảo trở nên lung túng, ấp úng chào anh:

    - Thưa anh, em hân hạnh biết anh, nhưng em cũng trách chị Hai quá bí mật trong tình chị em ruột thịt gia đình. 

Anh Hồng nhỏ nhẹ:

    - Xin dì Thảo đừng giận, vì tôi muốn chuyện riêng tư của chúng tôi không làm bận lòng ba mẹ, cũng như anh chị em trong gia đình. Bây giờ chúng ta có dịp gặp nhau, đoàn tụ trong tình thương yêu chân thật.

Buổi tối hôm đó, hơn chín năm trở về căn nhà xưa, Thảo và chị Hai nằm trên giường, nói chuyện thâu đêm. Chị Hai kể:

    - Đến tháng chín năm 75, nghĩa là năm tháng sau ngày Sài Gòn rơi vào tay họ, anh Hồng mới chống gậy đến tìm nhà. Chị mở cửa mà tưởng cán bộ nào nào đến kiểm tra. Khi nhìn thấy đôi mắt to, đen, cương nghị ngày xưa, thời còn đi học, chị muốn té quị xuống sàn nhà. Trời ơi! Anh Hồng. Chị không ngờ còn gặp lại anh. Chị cứ ngỡ anh đã chết ở một xó rừng núi nào rồi. Anh cũng sững sờ nhìn chị, mắt mở lớn, ngơ ngác như người trên cung trăng rớt xuống trần gian. Anh ôm chị trong vòng tay run rẩy, không biết trong bao lâu. Mười, mười lăm phút, nửa giờ… Thời gian như không còn giữa anh và chị. Nước mắt chị chất chứa trong hơn hai chục năm làm ướt chiếc áo nâu cũ của anh. 

Anh đã mang về cho chị sự sống, phá tan dùm cho chị sầu não, cô đơn cùng cực, nhất là sau khi ba, rồi mẹ mất đi. Anh cũng mang về cho chị niềm hãnh diện, vì anh cũng là kẻ bị phản bội, đứng bên lề trong xã hội miền Bắc, một kẻ thương tật, ốm đau, có “vấn đề” về chính trị. 

Thảo ngồi nhỏm dậy trên giường, hỏi chị:

    - Chị Hai, em có một mối bận tâm khác, hay nói đúng hơn, một ám ảnh khôn nguôi, về ba trong ngày cuối cùng của đời ba, khi bọn em bỏ nước ra đi.

Chị Hai có lẽ cũng cảm thấy có điều gì quan trọng Thảo muốn nói, cũng lòm còm bò dậy, ngồi bên em, chờ đợi:

    - Chuyện gì vậy em?

    - Ngày cuối cùng, khi Lân chạy đến đưa em và Lực đi, Ba trong một cố gắng cuối cùng của cuộc đời, viết ra giấy những lời nhất quyết bắt bọn em ra đi gấp. Đến khi lên được tàu hải quân, sờ vào túi áo, em mới biết, em mang theo hộp thuốc trợ tim của ba. Không biết có phải, vì ba không có thuốc trợ tim uống, nên ba đã chết. Đây là điều dằn vặt em trong bao nhiêu năm nay. Vì nhờ có sự quyết định dứt khoát của ba, đã cứu bọn em, thoát ra khỏi địa ngục, trong lúc đó em lại vô hình chung, là nguyên nhân của cái chết của ba.

    - Chị hoàn toàn không biết chuyện này, vì ngày đó em nhớ không, khi ba đau tim đột ngột, em và mẹ đưa ba vô nhà thương Chợ Rẫy. Chị ở nhà một mình coi nhà. Khi Lân đến đưa em và Lực đi, mẹ ở bên ba, săn sóc cho ba. Tối đó ba lên cơn đau tim nặng, mẹ báo động cho y tá, nhưng hình như các bác sĩ điều trị, đa số đã bỏ đi và ba mất trong tình trạng thiếu bác sĩ đó. Như vậy, theo chị nghĩ, nỗi ám ảnh trong em hơi quá đáng, em không nên tự làm khổ mình như vậy. Em cũng đừng quên rằng, bệnh tim của ba đã mắc phải gần hai mươi năm.

Thảo thở phào nhẹ nhõm. Gánh nặng trong tâm thức lâu nay Thảo khắc khoải, ít ra nay được giải tỏa phần nào. Nhưng rồi có những đêm mất ngủ, Thảo lại thao thức, nỗi ám ảnh lại trở về. Có những cơn ác mộng, Thảo và ba cãi nhau kịch liệt, không hiểu về một vấn đề nào đó mà Thảo khi thức giấc, không còn nhớ. Ba đập bàn la lớn:

    - Tao là chủ cái nhà này, tao có toàn quyền quyết định mọi việc. Mày không nghe, mày đi ra khỏi nhà này lập tức.

Thảo uất ức nhìn ba, một cái nhìn thách thức, rồi ôm mặt khóc, bỏ chạy về phòng, đóng ầm cánh cửa gỗ. Thảo nằm sấp, úp mặt xuống gối, khóc trong tức tối. Hình như một lúc điên cuồng nào đó, Thảo ước chi ba chết quách, cho khỏi phiền con cái. 

Thức dậy trong đêm khuya, người Thảo bần thần, mồ hôi vã ra như tắm. Thảo không ngờ được trong thâm tâm mình, cũng manh nha ý nghĩ, mong ba chết quách đi, trong lúc tức giận. Không thể chấp nhận điều bất hiếu như vậy dù chỉ là ý nghĩ trong một cơn ác mộng. Thảo rùng mình sợ hãi chính mình.

Trong gia đình, mẹ Thảo thương con, nuông chiều các con hết mực. Nhiều khi ba bực mình, la lối ầm nhà, đổ lỗi cho bà, đã làm cho con hư, làm cho con chống lại ông, một cách âm thầm. Mẹ chỉ khóc, rồi lại nuông chiều các con như cũ. Thảo còn nhớ, ngay cả việc chị Hai nhất quyết ở vậy, chờ đợi anh trong vô vọng, ba đã nhiều lần la mẹ:

     -  Bà phải bảo nó, con Hai, quên cái thằng “lãng mạn chính trị” đó đi.Hồi thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nó vào bưng chiến đấu chống thực dân trở lại đặt ách đô hộ lên Việt Nam, có thể hiểu được vì đó là tinh thần yêu nước nồng nàn của tuổi trẻ. Nhưng đến năm 54, nó cũng sắp bước vào tuổi “tam thập nhi lập” mà không thấy rõ cái đuôi Cộng Sản hiện nguyên hình, thì không chấp nhận được.

Giọng mẹ sũng nước mắt, năn nỉ ba:

    - Ông ơi! Tội nghiệp con, mà ông. Chính trị, chính em làm sao chen vào trong tình yêu được, hả ông? Nó yêu thằng đó, vì hai đứa yêu nhau, chứ nó có cần biết thằng đó là kháng chiến hay Cộng Sản đâu!

Thảo nghe lén câu chuyện nhỏ to giữa ba mẹ, Thảo lại thương mẹ hết sức. Ba lúc nào cũng áp đảo mẹ và các con. Ngay cả khi Thảo yêu Lân, ba biết Lân vừa tốt nghiệp trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, một lần nói chuyện, ba cau mày nói:

    - Ba luôn luôn thương các người lính trẻ trong thời chiến, hy sinh thân mình, hạnh phúc mình cho quốc gia, dân tộc. Nhưng ba dị ứng với các anh tướng tá trẻ, già, sống lâu lên lão làng, hò hét đàn em, rồi tranh dành nhau chức quyền, lợi lộc, chẳng ra cái thể thống chi cả. Một đám hèn nhát, chỉ đẩy miền Nam này mau rơi vào tay Cộng Sản. 

Nghe ba nói, Thảo hoang mang, có thể nền chính trị miền Nam đang rơi vào khủng hoảng lãnh đạo, tướng tá bỏ chiến trường, nhảy vào chính trường dành dựt cùng các chính trị gia cơ hội, cũng là lẽ thường tình trong thời tao loạn. Những kẻ thức giả, già, trẻ, quân sự, dân sự có lòng thao thức với vận mệnh quốc gia, dân tộc ở đâu, sao không lên tiếng. Lỗi tại ai?

Ba bực mình, gằn từng tiếng:

    - Lý thuyết rỡm, con ơi!. Nhưng thôi, vận nước đến hồi nhiễu nhương, một giai đoạn đen tối của lịch sử như một cộng nghiệp dân tộc đang phải trả, mình cũng đành… chấp nhận thôi! 

Lại mười năm sau, năm 1995, Thảo cùng chồng về Việt Nam, để dự lễ cải táng mộ cho ba mẹ. Bước ra phố phường luôn luôn ngày đêm người đông như ngày hội, Lân ngơ ngác, không tìm thấy các hình ảnh dĩ vãng anh mang theo trong tâm tưởng, trong hai mươi năm. Tất cả đều xa lạ, nhưng hình như có nhiều điều nghịch lý, một xã hội quá xô bồ, luật pháp chẳng phân minh. Người dân mạnh ai nấy sống. 

Lân nói với vợ:

    - Anh có cảm tưởng, Việt Nam ngày nay, cái gì cũng “quá độ”. Sau khi thống nhất đất nước năm 75, họ cố đẩy đất nước “quá độ” tiến nhanh, tiến mạnh lên Xã Hội Chủ Nghĩa. Họ đã thành công trong mục tiêu này, Việt Nam được xếp vào hạng nghèo đói nhất thế giới, cùng hạng với vài nước Phi Châu!

Lễ cải táng mộ ba mẹ, chỉ được làm âm thầm trong gia đình nho nhỏ. Anh Hồng, chị Hai, Thảo, Lân, trông thảm não trong những bộ đồ tang chế, vải thô, mủ rơm, đọc kinh cầu siêu cho ba mẹ, sớm về cõi cực lạc. Bên ly trà vừa cúng xong, anh Hồng nói chuyện thầm thì với Lân, anh kể những chuyện ngày xưa còn bé, từ thôn quê lên thành phố để học. Một lần, khi anh lên mười lăm tuổi, dịp về quê ăn tết, sau tết trở lại đi học. Trong túi rủng rỉnh đầy tiền, tiền cơm tháng, tiền quà vặt, tiền sách vở, giấy bút. Anh đi ngang qua một quày đánh bạc, tráo bài ba lá. Anh chủ sòng ăn nói ngọt ngào, mời mọc:

    - Cậu học trò thông minh, đĩnh ngộ ơi, thử thời vận đầu năm xem sao? Dừng chân một chút thôi mà. 

Anh lưỡng lự đứng nhìn, định bỏ đi. Có một tên cở tuổi anh, chạy lại, móc tiền trong túi ra đánh một ván. Nó thắng dễ dàng. Một ván nữa, nó lại thắng. Nó thắng liên tiếp ba, bốn ván, rồi bỏ đi, bảo đói bụng quá, đi ăn bún cái đã, rồi sẽ trở lại đánh nữa. Tên chủ sòng cười thân thiện:

    -  Ăn uống no say, trở lại đánh nữa cho vui, nghe em. 

Hồng ngứa ngáy trong người, nghĩ, đánh bạc cũng dễ thắng đấy chứ! Thế là anh móc vài ba đồng ra đánh thử. Mấy ván đầu thắng dễ dàng như thằng nhỏ kia. Rồi  vài ba ván kế tiếp, đặt nhiều tiền hơn, anh thua. Anh nỗi tức, móc tiền thêm, đặt nhiều gấp bội, lại thua. Những đồng bạc cuối cùng bay vèo vào tay tên chủ sòng. Anh thất thểu về nhà trọ, khóc ấm ức xin khất tiền, nhắn về cha mẹ gởi cho  tiền trả cơm tháng. Cha lên đánh cho một trận nên thân. 

Anh cười chua chát:

    - Thế mà vào đời, mình vẫn quên trận đòn khi còn bé, vẫn bị cờ bạc bịp!

Lân nhìn Thảo, nói nho nhỏ:

    - Bọn mình thì tệ hại hơn, sát phạt nhau chí choé, để cuối cùng, cũng thua những kẻ cờ bạc bịp cấu kết nhau, vào ván chót. Trách ai đây!

Chị Hai đã dọn dẹp đồ cúng trên bàn thờ, sắp xếp bàn ăn, mời mọi người ngồi vào bàn. Thảo bước lại trước bàn thờ, thắp nén hương, khấn vái trong tiếng khóc tức tưởi:

    - Xin ba mẹ tha thứ cho chúng con.

Thảo lảo đảo bước lại ôm chị Hai, khóc trên vai chị./.

Xuân Đỗ