1.
Ở trang bià hồ sơ nhập viện, người ta ghi chú: Ty, Le Van.
48 tuổi. Phái tính: Nam. Gia cảnh: Độc thân. Địa chỉ nơi cư trú. Số điện thoại
nhà và ở sở làm…
Rất nhiều tờ giấy kẹp bên trong: Giấy giới thiệu của các bác
sĩ. Giấy chứng thực của trung tâm chuyên khoa phổi. Quang tuyến X. Hình chụp từ
CT Scan. Kết quả của hai lần thử nghiệm sự hô hấp. Những xét đoán mơ hồ về
căn bệnh ung thư… Tóm tắt, hồ sơ ấy có bề dày bằng bản thảo một cuốn tiểu thuyết
khoảng hai trăm trang với những diễn tiến đầy rắc rối xảy ra giữa mười nhân vật:
Bốn bác sĩ, năm y tá và một bệnh nhân.
- Bệnh nhân Le van Ty.
Một giọng nói cất
lên, hơi lấn cấn khi đọc xong ba chữ ghi trên góc trang bià. Hành lang sáng
đèn, nền gạch hoa trơn bóng như đang hứng phải nước mưa. Có thể nó làm cho âm
thanh được đẩy đi xa. Có thể nó ngầm bảo, ở bệnh viện sự sạch sẽ là điều chính
yếu. Máy lạnh không mở, nhưng giá rét từ đâu luôn lảng vảng, thầm lặng thổi
qua.
Người đàn ông đứng
lên từ hàng ghế đợi. Ba bệnh nhân khác hiếu kì ngó. Rồi họ sẽ được gọi tên. May
mắn điểm danh hay thần chết chỉ mặt thì chẳng tài nào đoán được, mặc dù trước
đó bác sĩ phẫu thuật đã đưa ra lời bình: "Mức độ nguy hiểm cho việc mổ xẻ
khâu may chỉ leo lên tới lằn vạch 37 phần trăm thôi, chớ quan hoài". Niềm
tin vào y khoa hiện đại là thứ mà mọi người phải luôn thủ đắc trong tâm tưởng.
Sợ hãi là điều phi lý! Vậy thì 63% còn lại có giúp người ta ngồi yên trên đò?
Thuận buồm xuôi gió tới được bến bờ xa xăm? Cái bến bờ hằng xảy ra những hoạt cảnh
chẳng lấy gì làm lí thú nhưng ai cũng thiết tha mong muốn đừng vội bỏ cuộc. Miếng
cơm manh áo, tình thương yêu và sự bội phản. Từ một người có gia đình bỗng chốc
thấy mình trơ trọi giữa xứ lạ. Họ phải học hỏi lại từ đầu những điều ấu trĩ nhất
với cuốn cẩm nang: Phải cố gắng để không chết lần thứ hai!
Y tá là người đàn
bà có hơi đẫy đà. Bảng tên cài trước ngực lớn, nhô ra hàng chữ: Maria. Bệnh
nhân Tỷ đọc thầm: "linh hồn con ớn lạnh!"
- Anh vào phòng
kia tắm rửa với thứ dung dịch đựng trong lọ này rồi mặc vào người chiếc áo cột
giây này. Trong phòng tắm có máng sẵn cái bao để đựng áo quần anh cởi ra. Họ sẽ
chuyển nó lên phòng anh sau. Có hiểu tôi nói không?
- Hiểu.
- Cởi tất cả. Cởi
tuốt luốt. Trần như nhộng. Chỉ cho phép mang đôi vớ thôi. OK?
- OK.
- Đưa tay đây.
Maria tròng vào cổ
tay Tỷ một vòng nhựa, họ tên in đầy đủ trên đó, và có lẽ nó sẽ bám theo Tỷ trên
suốt những chặng đường phiêu dạt trong cái bệnh viện mênh mông này. Nó là tấm
căn cước tạm thời, chứng thực sự hiện hữu của bệnh nhân Tỷ, chẳng có được sự lựa
chọn nào khác.
Phòng tắm hơi nhỏ,
cửa khép hờ với ngọn đèn vàng chôn sâu trong tường. Lỗ thoát nước dưới chân và
nước còn lai láng chưa kịp bốc hơi. Như thế có nghĩa là một con bệnh nào đó mới
vừa rời khỏi chỗ này, ra đi chưa được lâu. Hắn có thổi sáo mồm khi đứng dưới
vòi sen không? Chắc chắn không. Đầu óc hắn lưu trữ hình ảnh người thân nào
trong gia đình phút giây đó? Điều gì mang tới sức mạnh cho hắn? Bệnh nhân là
đàn ông hay đàn bà? Tóc vàng, nâu, đen? Hay muối tiêu tựa Tỷ?
Mất năm phút cho
việc tắm táp lẫn thay đổi xiêm y. Tỷ bước ra với chiếc áo kì cục luộm thuộm chẳng
che kín lưng. Tựa như tấm khăn choàng mà người thợ hớt tóc thường phủ lên thân
chủ trước khi động kéo động tông-đơ: Sao, chơi kiểu gì đây? Trọc, ba phân, hay
nuôi dài chỉ tỉa mỏng?
Maria dòm, tỏ vẻ
hài lòng.
- Ngồi đó đợi
chút, người ta sẽ mang giường tới đẩy anh đi.
Tỷ ngó lên cái
thánh giá màu nâu máng trên tường, cố nhìn ra khuôn mặt kẻ chịu đọa đày nhưng
mơ hồ một hình khối đọng vào mắt. Tại sao ông ta bị đóng đinh vào thập tự? Tỷ
không biết. Tại sao người ta cầm nó trong tay và ma quỉ sợ hãi che mặt khi bị
dí cái hình tượng ấy lại gần? Tỷ nào hay. Nó là thứ bùa chú, ít ra gieo được niềm
tín cẩn vào tâm hồn những kẻ ngoan đạo. Rồi con sẽ hưởng được phước lành từ ơn
Chúa. Amen!
Bệnh nhân Tỷ thuộc
tuýp hắc bạch giang hồ, phường ngoại đạo. Gia đình ở cố quận thờ cúng ông bà, mỗi
năm làm dăm ba cái giỗ tưởng nhớ người khuất mặt. Và đó là dăm ba lần được ăn
ngon khi nhang đèn vừa ngúm tàn nguội lạnh. Khung ảnh đen trắng ố vàng nước thuốc
đứng chen vai trên bàn thờ nhìn xuống đám con cháu chen chúc tất bật xuýt xoa.
Tỷ nhớ dường như ông bà cha mẹ khi khuất núi đều nhẹ gánh hành trang, họ ra đi
không phải vì chứng bệnh ung thư. Họ có tuổi thọ khá cao và những người tới
phúng điếu đều nói hệt nhau một câu: "Thôi, vậy là êm đẹp rồi! Giã từ cuộc
đời này mà tựa như ngủ quên một giấc chẳng thèm mở mắt gượng dậy. Êm thắm không
bút mực nào tả xiết! Tịch lặng như hoa rụng trong vườn khuya".
Một chiếc giường
có bốn bánh xe xuất hiện ở cửa thang máy. Người đẩy giường to lớn, mặc bộ đồ trắng
mang giày thể thao Nike cũng màu trắng. Người và giường êm ả thoảng qua như một
cơn gió. Ông ta chào bà Maria, nhận xấp giấy tờ kẹp ở bảng gỗ rồi gọi tên Tỷ. Nắng
ở ô cửa gương đã giảm bớt sắc lửa. Lá xanh lao xao bên ngoài và Tỷ leo lên giường
nằm ôm ấp xấp hồ sơ vừa đặt để trên bụng. Những bóng đèn néon bắt trên trần lùi
dần. Tỷ nhắm mắt, cảm giác như ngồi co quắp trên ghe vượt biên ở một đêm nhiều
sóng bạc đầu ngoài cửa biển. Sự may mắn của đêm ấy xảy ra đã quá lâu. Lâu đến độ
quên mất hình khối của niềm sợ hãi khi đó mỗi lúc muốn hồi tưởng lại. Chòng
chành, nghe từng tràng AK47 bắn vãi theo, léo nhéo lời nguyền rủa độc ác. Say
sóng, nôn mửa, biến thành một con cá ươn. Chỉ có bấy nhiêu là còn lưu giữ vào
tiềm thức. Trí nhớ tựa tấm màn nhăn nhàu khép lại, buồn bã với bản án: Những kẻ
phản bội tổ quốc!
2.
Màn đêm. Yên lặng.
Khung cảnh đã khác trước. Tỷ mở mắt, những gì thu nhận vào nhãn quang đánh động
lên não bộ, buộc phải đặt ra câu hỏi: Sự sống, cái chết. Cảnh giới này hoang đường
hay hiện thực? Mù mờ, có thể cái miếng nhựa ụp vào miệng mũi truyền dưỡng khí
làm hơi nước biến thành một màn sương mỏng vây quanh mặt Tỷ. Những con số xanh
đỏ nhảy cách khoảng trên máy đo tim phổi, giây nhợ tiếp nối vào cơ thể đâm thốc
tới động mạch tĩnh mạch. Toàn thân không có trọng lượng, tựa nó đã trải ra trên
mặt nệm, chìm sâu. Tỷ nhớ lại những bóng đèn vàng bắt nhô ra trước mỗi phòng mổ.
Đèn thắp sáng, có nghĩa là đang bận. Tỷ nằm chờ ngoài hành lang, đợi một bóng
điện tắt. Y công sẽ mang đồ lỉnh kỉnh vào làm sạch gian phòng ấy trong khi có
người tới xem xét lần cuối tập hồ sơ bệnh lý đặt trên bụng Tỷ. Họ ngó vào mặt Tỷ:
Mày nói tiếng Pháp hay tiếng Anh? Có đeo răng giả không? Có chiếc răng nào đang
lung lay? Rồi không đợi câu trả lời, người ấy tiếp: Mặt xanh dờn thế? Đang sợ
té đái phải không? Này, tin moa đi. Ở đây mỗi ngày có khoảng mười lăm ca phẫu
thuật và tất cả đều OK. Ông ta đưa bàn tay ra, giả làm con dao đi một đường
trên ngực Tỷ: Sẽ như vậy đó, dài khoảng hai mươi lăm phân, họ sẽ lấy cái vật dư
thừa nằm trước lá phổi mày. Thắc mắc làm chi cho ốm người!
Lòng Tỷ chẳng gợn
niềm lo ngại nào cả. Đáp trả lại bằng nụ cười rộng miệng. Nụ cười mà những
chuyên gia đã mất công khảo sát là muốn tươi tỉnh yêu đời như vậy con người phải
huy động tới gần một trăm cơ bắp chằng chéo nơi mặt mày. Đời còn dài, chẳng lý
gì mới ngang đây đã mếu, đã "game over".
3.
Trời ơi! Oh, my God! Đã xảy ra cớ sự gì?
Đường đột. Tỷ cũng nén một tiếng hô hoán. Sylvie đứng dưới
chân giường, như một người của quá vãng bỗng hiện ra, ma đưa lối qủi dẫn đường.
Cả hai nhìn nhau, săm soi. Giường có nếp gấp ở giữa, nên Tỷ nằm mà tựa như đang
ngồi, chông chênh, lấn cấn, ngượng ngùng. Khoảng cách của hai đứa là cái miếng
gỗ bắt cứng vào giường làm mâm đựng thức ăn. Khay nhựa đặt để lên đó. Một hộp sữa
loãng 2%. Một hộp nước cam. Khoai tây nghiền, miếng cá hấp, vài cọng đậu đũa luộc
chín. Từ một người đứng máy sắp trang cắt xén sách trong nhà in Sylvie giờ này
là kẻ mặc đồng phục bệnh viện và cô con gái hai mươi ba tuổi ngồn ngộn sức sống
kia vừa mang thức ăn tới cho Tỷ. Chẳng có gì để nói. Phút giây ấy người ta bận
hồi tưởng, người ta tự truy cứu lấy những đổi thay và chẳng tài nào họ bới tìm
được một đáp số. Phải hỏi lấy nhau thôi, sau khi ngỡ ngàng đã rón rén rời đi.
Mái tóc vàng cắt ngắn di chuyển lại gần, những nốt tàn nhang, cánh mũi thon
cao, đôi môi hồng có hơi khô:
- Vẫn làm chỗ ấy?
- Vẫn.
- Sao vậy?
- Một hôm thức giấc thấy đau ở ngực. Đi rọi hình thấy ở lòng
mình có đeo thêm một trái tim.
- Đừng đùa.
- Ừ. Một cục gì đấy lớn hơn trái chanh. Vậy đó, và họ quyết
định lấy nó ra. Bác sĩ áng chừng nó nằm trong ấy đã ba bốn năm, tăng trưởng khá
nhanh, lấy sớm chừng nào tốt chừng ấy. Còn bạn?
- Boyfriend làm y tá ở đây, nó kiếm giúp mình một việc làm ở
khu nhà bếp. Tất cả đều tạm bợ. Bạn hiểu không? Tất cả đều chẳng mấy vui.
- Bao lâu rồi?
- Hơn ba tháng. Đi giao thức ăn và thường trực giáp mặt với
bệnh nhân. Cuộc đời luôn buồn tẻ. Đúng vậy không?
- I don’t know. Có lẽ phải mang thương tích mới nhận thấy cuộc
đời có đôi lúc đáng để sống thở, thụ hưởng.
- Vậy sao? Chưa bao giờ mình dám đặt chân vào khu tâm thần.
Một bức tranh màu xám có khi còn nhìn ra vẻ đẹp. Mà thôi, mình phải đi đây. Bạn
cần gì xin cứ nói.
- Cám ơn Sylvie.
- Ở khay chứa thức ăn có cây bút chì cùng tờ giấy in sẵn những
món ăn. Bạn lựa chọn menu cho ngày mai bằng cách đánh dấu vào mỗi ô. Mai gặp.
Take care yourself.
Tỷ muốn bắt tay nhưng khoảng cách chẳng mấy gần. Với người
ra không chắc đã được. Vết thương còn nhức buốt. Tựa hồ một lưỡi kiếm đâm vào,
chưa rút ra.
- Bai. Ngày mai.
Tỷ nói. Tỷ từng thốt ra những chữ ấy và có khi nó chẳng như
ý. Một mai nào đó, Sylvie đã không trở lại. Những ngày tháng cũ, Sylvie đi và
cô chẳng ngờ đã để lại ở Tỷ một sự hụt hẫng khó giải thích. Cái khoảng trống mà
Tỷ tìm mọi cách cố lấp đầy, nguôi ngoai. Không phải dễ. Tỷ ngờ vực: Đó có phải
là tình yêu?
Một bà y tá bước vào, tay cầm bốn năm ly giấy nhỏ đựng thuốc.
Những viên thuốc hình dạng không đồng đều, màu sắc khác biệt. Thuốc chống nhiễm
trùng, thuốc giảm đau, thuốc hồi phục sức khỏe, thuốc chống táo bón… Bà chờ Tỷ
uống hết mới quay lưng rời đi. Một ngày cái việc uống thuốc kia sẽ tái diễn đến
ba bốn bận, kể cả canh khuya. Họ nhẹ nhàng đánh thức Tỷ dậy, lấy gối kê lưng thận
trọng dìu Tỷ ngồi lên, soi đèn pin, vỗ về như hình ảnh một người mẹ chăm sóc
con thơ. Có người còn vạch chiếc áo ra để thăm dò đường kim mũi chỉ may chằng
lên vết cắt. Họ ngó xuống dương vật Tỷ, đưa tay rờ thử cái ống gắn vào đấy có bị
sút rời không. Tỷ cũng nhìn, cái ống cao su dẫn tới cuối đường là một bình nhựa
chứa thứ dung dịch màu xanh pha trộn nước tiểu, lợn cợn máu chảy ngóc ngách qua
từng tầng có vạch ngấc đánh số bên ngoài. Nó móc bên thành giường và đi đâu con
bệnh phải xách nó theo, lủng lẳng, vật bất ly thân.
- Tốt đẹp cả. Bà y tá thầm thì. Tỷ cho đó là lời trấn an chẳng
đúng lúc. Bởi cái bộ phận tiểu tiện của con cháu Adam kia đã biến dạng một cách
kỳ cục, đầy thảm hại. Nó hệt cái vòi của chú voi con thu bé đến hết cỡ, mốc thếch
và nhăn nhàu. Nó sẽ làm trò cười cho những cô sinh viên y khoa đi thực tập. Và
đương nhiên, trong đầu óc mấy em sẽ mọc lên ý nghĩ: Bất hạnh thay nếu chúng ta
lấy chồng gặp phải một ông anh "nhược tiểu" kiểu ấy!
Sylvie đã nhìn thấy nó. Nhưng cái động từ ngắm nhìn kia chia
ở thì quá khứ, lúc chưa hoạn nạn thân bại danh liệt. Bấy giờ nó râu hùm mày én
lưng hai tấc rộng thân mười thước cao. Nó đường bệ, hữu dõng, đích thực là chiếc
cày sẵn sàng khai mở những vùng đất hoang để gieo mầm sống xuống. Sylvie biểu
nó phải mặc áo và cuối cùng là lưng Tỷ có rất nhiều vết xước hằn in. Cuộc tình
diễn ra không lâu, có vẻ tạm bợ. Nhớ về nó là nhớ tới một mặt nệm xộc xệch chăn
chiếu, da Sylvie trắng muốt trong bóng mờ và cả hai nằm mơ màng với thứ trạng
thái bải hoải một cách dễ chịu. Bye, ngày mai nhé. See you. Và một mai đã không
trở lại. Những lúc làm tình quyết liệt, chú tâm, những thứ ấy chẳng khiến người
ta đâm quyến luyến nhau sao? Quên biến một cách dễ dàng quá, như kì cọ rửa sạch
một vết nhơ vừa bám trên da thịt. Tỷ không hiểu được, nằm mộng cũng chẳng ngờ.
4.
Mặt sau tờ giấy lựa chọn món ăn, Tỷ viết đầy đủ một cái địa
chỉ. Tờ giấy vốn nhỏ, lớn gấp đôi bao thuốc lá, nên muốn chú thích thêm nó
không còn chỗ để rườm lời. Nó tựa một tờ điện tín ngày xa xưa, thông thường lời
nhắn nhủ in trên đó sẽ rất cô đọng. Ví dụ: "Con cần tiền. Gửi gấp cho
5000". Hoặc: "Mai con về. Chuyến bay AC 1234. Đến lúc 5 giờ".
Hay: "Anh luôn nhớ em. Anh yêu em".
Sylvie cầm tờ giấy, cô xếp đôi:
- Tôi còn giữ tấm ảnh chụp hai đứa mình đứng trước metro
Atwater. Tôi sẽ cho họ xem.
- Em gái tôi rất hiếu khách. Nó học sư phạm ban Anh văn. Nó
sẽ mừng vui khi gặp Sylvie, tôi nghĩ thế. Nó sẽ giúp bạn những thứ bạn cần. Đừng
ngần ngại.
- Bao giờ xuất viện?
- Ngày mai, có lẽ vậy. Sáng sớm hôm nay bác sĩ đã làm cuộc
trắc nghiệm, tôi đi bộ lên xuống xầu thang, vững chãi, đạt yêu cầu. Chẳng có gì
phàn nàn.
- Hy vọng mọi chuyện đều tốt đẹp.
Sylvie đưa tay sờ soạng vào ngực Tỷ. Ở đó người ta dùng những
cái móc bằng kim loại để níu kéo vết mổ cho thực kín miệng. Chính những cái
chân rết ấy làm da thịt hai bên phải chịu bầm tím, thoạt trông cứ ngỡ là ở ngực
có bắt cái zipper, tiện cho việc đóng mở nhìn ngó vào bên trong. Một cái
fermeture lạ đời chẳng sợ "đụng hàng". Mười ngày sau, y tá sẽ dùng thứ
kềm đặc biệt tháo gỡ từng cái ra, chùi thuốc khử trùng rồi cắt đi những gút thắt
của sợi chỉ đen đâm tua tủa như râu loài chuột cống.
- Có nên báo cho người nhà bạn biết tình trạng này không?
- Chẳng ích gì. Bên đó con người luôn quần quật với những lo
toan, đừng bắt họ phải chất thêm gánh nặng. Sylvie cho họ xem tấm ảnh. Đấy, nó
vẫn tươi cười như thế, chẳng mảy may hư hao. Đi bao lâu?
- Hai tuần. Nhưng ở Viet-nam chỉ sáu ngày thôi.
Tỷ nhìn Sylvie. Da dẻ trắng ngần kia sẽ rám nắng miền nhiệt
đới. Cô mặc áo thun, quần cụt, chân mang dép và rồi cô sẽ có được một tên gọi:
Tây ba-lô. Thế nào đứa em Tỷ cũng dắt cô đi ăn bánh khoái, lên Kim-long thưởng
thức món bánh ướt thịt nướng, xuống Gia-hội ăn bánh bột lọc bánh nậm mụ Đỏ. Và
để giữ lời hứa, cô sẽ vô Thành-nội, đứng trước ngôi trường cũ của Tỷ để chụp
hình. Ngôi trường như mộ huyệt, chôn dùm Tỷ biết bao kỉ niệm êm đềm. Có hồi
sinh, hoán đổi được tiền kiếp cũng chẳng tài nào tìm lại nguyên vẹn cảnh sống đẹp
đẽ kia. Tỷ tin chắc thế. Mỗi người chỉ có cho riêng mình một gian đoạn đáng sống,
và đa phần đó là những ngày của quá khứ xa xăm, tuổi thơ ngây.
- Đủ sức để xuống cafeteria không?
- Sao không? Mình từng lội bộ xuống mua cà phê và journal.
Đi lâng lâng như cỡi mây, thú vị lắm.
- Tốt. Tôi mời bạn, như một lời giã từ.
- Đợi tôi thay áo quần. Không lâu đâu.
Sylvie kéo màn vây bọc che lấy chiếc giường. Trong cái túi
nylon có đánh số chứa đựng áo quần của bệnh nhân Tỷ, vô tình người ta đã đánh
rơi đâu mất chiếc quần lót. Xóc xáo hoài chẳng thấy, cứ mãi loay hoay tìm.
Sylvie nhìn cái vật thể bèo nhèo xấu xí của Tỷ. Nó chưa thực sự bình phục, họ
giật cái vòi cao su rồi mang cái bình nhựa kì cục ấy đi đã bao lâu? Sao dung
nhan cái vật nọ ngó tội nghiệp, có vẻ như bị tấy sưng bỏng rát? Sylvie mặc váy,
một chiếc jupe không mấy bó và thật dễ cho cô khi cởi tuột nội y.
- Mặc tạm cái này đi.
Quần lót CK for her, bằng cotton màu xanh da trời. Chẳng có
gì dị biệt. Và nó sạch, chắc thế, qua sự tự tin của Sylvie khi cô đưa nó tới
tay Tỷ. Tròng vào chân với bàn tay giúp đỡ của khổ chủ. Vừa vặn, ấm áp dù phút
đầu cảm thấy chút rợn cảm mọc vội lên da thịt. Tỷ ôm lấy Sylvie, lâu lắm rồi,
nhưng Tỷ còn hít được, còn nhận ra thứ hương mùi rất đỗi trung thành từ cơ thể
Sylvie. Bệnh viện nghiêm cấm nhân viên làm việc trong đó xức nước hoa, sợ gây dị
ứng cho bệnh nhân. Nội quy ấy rất đáng hoan nghênh, cho nên Tỷ ngây ngất mùi da
thịt của Sylvie. Nguyên chất, thực thụ, chẳng giả dối lừa gạt bằng mỹ phẩm.
- Tôi đổi ý định.
- Về chuyện gì?
- Tôi muốn đứng lặng như thế này thay vì đi uống cà phê.
- Tùy bạn. Nhưng người ta sẽ kéo màn ra, y tá sẽ mang thuốc
vào và chúng ta sẽ thôi không còn được ôm nhau.
Quần jean Tỷ mặc là loại cài nút đồng, những năm khuy. Muốn
gài kín Sylvie phải tốn khoảng hai phút và Tỷ đã tiêu khoảng thời gian ngắn kia
bằng tất cả sự bồi hồi. Đứng chết trân, mường tượng tới những điều nhảm nhí.
Kéo màn ra, bệnh nhân nằm cạnh giường ngó Tỷ bằng đôi mắt
đong đầy sự ganh tị. Thảng hoặc Tỷ thấy vợ ông ta vào thăm, vỗ về ông, đút thức
ăn, rót nước, lau mặt, chải tóc, rồi một đôi khi cao hứng bà leo lên giường nằm
"kể chuyện đời xưa". Ông ta thuộc loại đẻ bọc điều, nhưng Tỷ hiểu niềm
ganh tị kia phát sinh từ một cuộc so sánh: Ta đã già mất rồi, chẳng cơm cháo
gì. Còn hắn? Ờ, với số tuổi đó ngày xưa ta chơi bời chết bỏ bể bỏ!
- Sau kỳ nghỉ hè, bạn còn trở lại làm việc ở đây không?
- Có thể. Chẳng ai biết chuyện ngày mai cả.
- Mỗi ba tháng tôi phải đến tái khám. Mong gặp lại bạn ở những
lần ấy.
Sylvie im lặng, cô nắm tay Tỷ dẫn ra hành lang. Một người
đàn bà bước đi khi chẳng mặc quần lót. Họ khó chịu hay dễ chịu với cái trống trải
nhột nhạt?
- Thích gì ở Viet-nam? Tôi mua mang qua…
- Chẳng thích gì cả.
- Bao lâu rồi? Bạn có về thăm lại lần nào chưa?
- Gần ba mươi năm. Tôi không về. Có quá nhiều thay đổi và kì
cục một điều là tôi ghét nhìn những đổi thay.
Cafeteria đông người, chật kín, lố nhố. Tỷ cũng ghét chuyện
sắp hàng rồng rắn, chỉ để mua một cốc cà phê.
- Vậy thì thôi, tôi đi. Có thể mai sẽ vào thăm.
Môi Sylvie có hơi khô, như người tập thể hình ở gym đã lâu,
như chạy bộ đường trường, như đang gặp vấn nạn lòng dạ rối bời. Muốn nó ướt,
cũng dễ. Tỷ đặt môi hôn lên đó. Không lâu, Sylvie cúi đầu:
- Tôi không muốn James nhìn thấy. Anh ta làm việc ở quanh
đây.
Ngoài sân chói nắng. Màu tóc vàng của Sylvie phản quang, hoa
mắt. Tỷ ôm ngực, nếu cơ thể mọc thêm một trái tim, có lẽ Tỷ sẽ kháng cự đến hơi
thở cuối cùng để bảo vệ nó. Sẽ không vào bệnh viện, sẽ không phẫu thuật cắt bỏ,
sẽ đau đớn ôm giữ lấy nó, dẫu nó chứa đựng toàn những mối tình dở dang.
Hồ Đình Nghiêm