Lư Sinh lửng thửng gánh bó củi khô xuống núi. Nắng đã lên cao từ lâu. Cái nắng của những ngày hè làm cho không khí thêm phần oi ả nóng bức, đường từ trên núi về đến chùa là một khoảng đường dài khá xa, lại phải lên xuống nhiều dốc đá đủ làm cho con người không quen đi núi cảm thấy mệt nhọc rã rời. Mặc dù mồ hôi lấm tấm rịn trên mặt mủi tay chân chàng, thấm ướt cả vạt áo sau lưng nhưng điều đó không làm Lư Sinh phải chùn bước vì sức trai tráng của mình cũng như quá quen thuộc với công việc hằng ngày nầy.
Ngày nào chàng cũng lên núi từ sớm khi sương còn đẩm ướt trên bụi cỏ ven đường để có thể chặt củi dược nhiều rồi cột lại thành hai bó lớn để gánh về. Rừng bạt ngàn cây cối, củi ở Nhân Sơn không thiếu chỉ sợ không biết có đủ sức lực gánh về hay không mà thôi. Đi vào buổi sớm tinh sương, trời mát lạnh lại dược nghe tiếng chim hót,tiếng vượn hú, tiếng gió rì rào trên những tàn cây cao, tiếng thú tác trong rừng sâu cũng làm cho tâm hồn cảm thấy rộng mở, gần gủi với thiên nhiên hơn biết chừng nào.Củi một phần để lại sử dụng trong việc bếp núc trong chùa, một phần dùng để đổi gạo và những vật phẩm linh tinh khác dùng trong sinh hoạt hằng ngày của thiền tự.Về đến chùa cũng hơn 9 giờ, rồi lại làm những việc vặt vảnh chuẩn bị buổi cơm chay cũng gần hết một buổi sáng. Lúc nầy sư Tuệ Không cũng đã xong phần kinh niệm trên chánh điện. Hai thầy trò dùng cơm xong, buổi trưa nghỉ ngơi qua giờ mùi là sư Tuệ Không giảng kinh pháp cho Lư Sinh nghe khoảng hai tiếng. Sau đó Lư Sinh thường lui ra phía sau vườn chùa để ôn luyện võ nghệ, còn sư Tuệ Không cũng tản bộ vãn cảnh, cắt tỉa cây cảnh hoa lá trước sân chùa, sau đó thường ngồi lại trên một phiến đá tương đối rộng rải bằng phẳng phóng tầm mắt nhìn ra xa về phía cảnh biển trước mặt mà trầm mặc suy tư. Nhiều khi Lư Sinh luyện tập xong vào lo cơm chiều, ra mời sư phụ vào dùng cơm vẫn thấy sư ngồi ở đó, đôi mắt hướng về cõi mênh mông sông nước, mơ màng như nghĩ một điều gì. Lư Sinh cảm thấy sư phụ có tâm trạng uẩn khúc chất chứa trong cái nhìn xa xăm đó nhưng không tiện hỏi han, đôi lúc chàng cảm thấy tò mò định đánh bạo hỏi nguyên do nhưng nhớ lời sư phụ dạy chuyện gì không phải của ta thì không nên xen vào lại thôi.- Con có thấy trước mặt chúng ta là cửa biển gì không?
Lư Sinh mau mắn trả lời:
- Bạch thầy. Đó là cửa biển Thần Phù(1).
Sư Tuệ Không khẻ gật đầu:
- Đúng vậy. Đó là cửa biển Thần Phù.
Rồi người nói tiếp:
- Chắc con có từng nghe trong nhân gian có truyền tụng câu
ca dao về cửa biển Thần Phù nầy chứ?
Không đợi Lư Sinh trả lời, sư Tuệ Không đọc cho chàng nghe:
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu
thì nổi vụng tu thì chìm.
Đây là một cửa biển rộng lớn và cũng vô cùng nguy hiểm đối với
những thuyền bè muốn vượt qua cửa biển nầy để ra bắc vào nam. Nó nguy hiểm vì
có nhiều núi đá nhấp nhô nằm ngay trên cửa biển, đồng thời có rất nhiều đá ngầm
lởm chởm phía dưới mà người đi sông biển không thông luồng lạch, thuyền của họ
có thể bị đắm lúc nào không biết nếu va chạm phải. Hơn nữa từ sườn núi dốc dựng
đứng chạy dài xuống thành vách núi dưới chân, sóng gió từ đời nầy sang đời khác
đánh mạnh bào mòn vào vách đá tạo thành những cái hang sâu thẳm mà người đi biển
không thể đoán được sự tận cùng của nó nằm ở chổ nào. Thuyền bè qua đây khi gặp
giống tố, sẽ bị một dòng hải lưu tạo thành cơn lốc xoáy cuốn hút vào những hang
động chết người đó dù người có tài giỏi đến đâu cũng khó tránh khỏi.
- Thưa thầy, con nghĩ câu dân gian truyền tụng ấy không chỉ
dừng lại ở chổ cảnh báo với ngư dân qua lại vùng sông nước nầy mối nguy hiểm tự
nhiên của cửa biển Thần Phù đâu ạ.
Sư Tuệ Không nhìn Lư Sinh mỉm cười gật đầu nói:
- Con nói đúng. Lời dân gian có rất nhiều ý nghĩa chứ không
phải chỉ nói một điều cụ thể gì trước mắt mà không hàm chứa một ý sâu xa nào
trong đó. Con người ta sống trong cõi nhân sinh nầy thiện ác bất toàn, nào ai
có thể tự coi mình là bậc chính nhân quân tử hay cho rằng người khác chỉ là hạng
phàm phu tục tử, vá áo túi cơm kia chứ. Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Mỗi người
phải tự chịu lấy hậu quả trước những quyết định của mình. Những quyết định ấy
có thể mở ra trước mắt chùng ta một con đường sáng giúp ta đi suốt cuộc hành
trình như người đi biển vượt qua cửa biển Thần Phù đầy sóng to gió lớn một cách
dễ dàng, bằng ngược không biết chọn cho mình một con đường chính tạo ắt lạc vào
một cõi u minh, mê cung không thấy đường ra, qua cửa Thần Phù có thể
bị nhấn chìm bất cứ lúc nào khi biết bao hiểm họa luôn chực chờ xung quanh
mình. Chắc con hiểu ý ta?
- Con xin nghe lời thầy chỉ bảo.
Một lần
khác, khi Lư Sinh đứng hầu sư Tuệ Không trong một buổi chiều tà nắng nhạt,
ngoài khơi xa nước xanh thẳm kéo dài đến tận chân trời. Sư chỉ tay về phía vùng
nước xanh thẳm ấy hỏi chàng:
- Con có thấy gì ngoài xa khơi đó không?
- Thưa thầy. Con chỉ thấy một màu nước xanh thẳm mênh mông của
biển cả thôi ạ.
Sư nói với vẻ trầm tư xa vắng:
- Phải rồi chỉ có màu nước biển xanh thôi chứ không có gì cả,
Ngày xưa đã từ lâu lắm rồi tình cờ ta đã từng bắt gặp trên mặt biển trùng khơi
đó những ngọn núi thật xinh đẹp như đào nguyên bềnh bồng trên sóng nước, nó tan
hợp cùng gió mưa mây trời, co duỗi theo sóng gợn, bốn mùa đầy hoa thơm cỏ lạ,
tiếng chim ca, đàn sáo rộn ràng, chỉ có người hữu duyên mới gặp được. Nay trên
mặt nước mênh mông ấy, ta đâu còn nhận ra nơi nào ngọn Phù Lai, đâu là núi La
Phù, Bồng Lai ngày nọ. Phải chăng cõi nhân sinh chẳng qua chỉ là đại mộng, giấc
mơ kê vàng, thấy đó rồi mất đó mà thôi. Tạo hóa tuần hoàn sinh diệt vô thường
ư?
Lư Sinh chưa hiểu ý sư Tuệ Không muốn ám chỉ diều gì
nhưng chàng biết trong lòng của thầy có những tâm tư chưa thể nói hết cùng
chàng. Rồi sư thủng thẳng cùng Lư Sinh rảo bước về thiền tự khi những tia nắng
cuối cùng vừa khuất sau ngọc đồi xanh thẩm sắc cây rừng.
Từ ngày đó sư có vẻ trầm lặng hơn, lời cầu kinh buổi tối thường
ngắn lại, sư Tuệ Không thường đi nghỉ sớm, Lư Sinh bỗng cảm thấy ngôi thiền tự
hình như thiếu sự sống, một nỗi hoang vắng mơ hồ như len vào tâm hồn
chàng trai trẻ. Một buối tối Sư Tuệ Không sau một hồi kinh ngắn, mệt nhọc Sư ngồi
thiền trên nệm cỏ như mọi khi và bảo Lư Sinh ngồi nán lại với mình.
Giọng nói của sư Tuệ Không nhẹ
nhàng nghe thật xa vắng:
- Từ lâu ta biết con có nhiều điều nghi ngại muốn hỏi ta
nhưng chưa phải dịp để ta tỏ bày cùng con. Chắc con cũng biết từ ngày con lưu lạc
đến tá túc nơi đây, ngoài mặt là tình thầy trò nhưng trong lòng ta luôn xem con
là con trai của ta. Ta biết sức ta đã mòn mõi lắm rồi, ta sắp được về nơi ta đã
từng nơi đó ra đi với một lòng thanh thản vô bờ.Ta vốn người Hóa Châu, Châu Ái
tên Từ Thức. Thuở nhỏ được cha mẹ cho theo đòi nghiên sách ở cửa thánh hiền
cũng nằm lòng kinh sử nhưng lòng lại không thích chốn quan trường đầy hiểm ác
nên không ra ứng thí. Sau khi thân phụ ta qua đời, vì có công lao với triều
đình, có phụ ấm nên ta được bổ làm tri huyện Tiên Du dưới thời Quang Thái nhà
Trần. Vào mùa xuân năm Bính Tý(1)năm ấy, mọi người nô nức du xuân. Gần huyện đường
có ngôi chùa danh tiếng trồng nhiều giống hoa đẹp có một cây hoa mẫu đơn trổ
bông rực rỡ, khắp nơi người ta nô nức đến chiêm ngưỡng đông như trẩy hội. Có một
người con gái không biết từ đâu đến, tuổi độ trăng tròn, mặt hoa da phấn muôn
phần xinh đẹp cũng trong đám người ấy đến xem hội hoa mẫu đơn. Chẳng may thế
nào vịn một cành hoa, cành giòn mà gẩy đi. Người trông coi giữ lại bắt đền, đến
tối cũng chẳng ai đến nhận người quen. Ta thấy vậy bất nhẫn đành cỡi áo gấm gởi
lại tăng phòng để chuộc nàng ra. Sau đó cô gái ấy về đâu ta cũng không rõ.
Xã hội cuối nhà Trần rất rối ren, trong
triều thì quan lại lo tranh giành đoạt lợi, chỉ biết vun quén cá nhân, dân
nghèo bị ức hiềp nổi lên thành giặc.Tánh ta không chuộng hư danh, không thích
trong vòng kiểm tỏa của chốn quan trường nên thường bị quan trên trách mắng,
lòng buồn bực nên trả ấn từ quan. “Một mái chèo về, nước biếc non xanh” du ngoạn
khắp vùng sơn thủy hữu tình chẳng phải là thỏa chí phiêu bồng lắm sao? Vốn tính
hay phiêu lưu ta thường rày đây mai đó, làm bạn với gió mát trăng thanh, sơn kỳ
thủy tú, nơi nào có cảnh đẹp ta thường ghé thăm, đề thơ vịnh cảnh tâm trạng vô
cùng thư thái. Một hôm ta thức sớm trông ra cửa biển Thần Phù, xa xa vài chục dặm,
trong làn sương mờ ảo thấy có một đám mây ngũ sắc, đùn lên rồi từ từ tụ lại như
một đóa sen khổng lồ mọc lên từ biển, ngạc nhiên vì cảnh lạ chưa từng thấy,vội
chèo thuyền ra xem thì đó là một hòn núi thật đẹp, lòng tự bảo: “ Chao ôi! Những
nơi danh lam thắng cảnh các miền trên đất nước nơi nào mà ta không đến, nơi nào
ta chưa từng được nhìn, còn hòn núi nầy từ nơi nào mọc ra trôi nổi trên biển vậy,
há chẳng phải là nơi thần tiên ở hay sao?
Núi cao sừng sững, rêu xanh bám đầy không có
nơi nào bám để leo lên được. Ta đang ngao ngán nản lòng muốn chèo thuyền về thì
bỗng vách núi nứt toạc ra một cái hang nhỏ, vừa bước nào thì tự nhiên
vách hang khép kín lại, ta không còn con đường nào khác phải lần dò leo lên
mãi, cuối cùng cũng đến được một nơi bằng phẳng sáng sủa, lạc vào một rừng đào
đang mùa hoa nở. Ôi! Đào nguyên. Trong ta đâu đây như còn ngỡ mình mới lạc bước
vảo rừng đào thuở nào. Nơi lần đầu tiên ta gặp Giáng Hương bên dòng suối Tương
Tư, nàng đẹp như cánh hoa đào tỏa hương thơm trong gió. Nàng chính là cô gái
xinh đẹp lỡ làm gẩy cành hoa mẫu đơn vào tiết xuân dạo nọ. Để đền ơn tri ngộ
nàng đã tạo nên hòn núi nổi đưa ta đến đây, chốn non bồng nước nhược nầy. Bên
tai ta vẫn còn nghe tiếng cười trong trẻo, rộn rã của nàng và các tiên nữ khác
trong những ngày tháng sống vô ưu. Dọc theo dòng suối là những luống đào chạy
dài tít tắp, đào bạt ngàn trong cõi bồng lai. Những cánh hoa mảnh mai trắng
tinh, phớt hồng lung linh những giọt sương mai trong nắng sớm, rực rỡ hồng tươi
dưới ráng chiều. Mùa xuân bất tận làm cỏ hoa luôn xanh tươi mãi, đất trời như
giao hòa, niềm vui hình như không bao giờ tắt trên hòn đảo thần tiên nầy.
Lư Sinh gần như nín thở trước cảnh đẹp kỳ vĩ của ngọn
núi tiên ngoài khơi cửa biển Thần Phù qua lời sư phụ kể nhưng không dám ngắt lời,
sư Tuệ Không nói trong hơi thở nhẹ nhàng của đêm thanh vắng:
- Nhưng hỡi ơi.Cũng vì lòng ta còn chút lưu luyến hồng trần
mà sự chia ly ngày ấy cũng là sự vĩnh biệt giữa ta và nàng Giáng Hương. Mỗi năm
vào đầu mùa xuân các tiên nữ đểu lên thiên đình chầu Tây Vương Mẫu, Giáng Hương
nói cùng ta: Mấy ngày thiếp ở trên thiên đình chàng cứ mặc tình ngao du vui
chơi thỏa thích nhưng xin đừng mở cánh cửa phía sau rừng đào vì đó là điều cấm
kỵ xin chàng nhớ lấy. Ta nào phải kẻ không nghe lời nói phải, nhưng khi rong
chơi đây đó đã nhàm chán, ta chợt nhớ lời Giáng Hương, tò mò ta lần bước đến
cánh cửa mở xem có cái gì bí mật trong đó mà nàng nói cấm kỵ không được mở, thì
ra phía sau khung cửa hiện lên khung cảnh sinh hoạt dưới trần gian. Nhỉn ra ra
cửa bể thấy những chiếc thuyền đang căng buồm xuôi về phương nam. Lòng quê lay
động. Từ khi ta lên non tiên thời gian từ trôi qua bao nhiêu ngày ta không còn
nhớ, ao sen quê nhà đã bao mùa tàn rửa, những đêm gió thổi, những sáng sương
sa, bóng trăng soi qua cửa sổ, thủy triều lên xuống bao nhiêu lần ta nào biết
được. Chỉ nghĩ đến đó thôi cũng đủ làm ta chạnh lòng sa nước mắt. Giáng Hương về
thấy cánh cửa trần gian đã mở, biết ta lòng trần chưa dứt, lòng cảm thấy bùi
ngùi.Ta thấy thế chỉ xin về thu xềp việc nhà rồi trở lại. Nàng khóc mà nói rằng:
“Thiếp không dám vì tình phu thê mà ngăn cản tấm lòng hoài hương của chàng
nhưng chỉ e từ nay hồng trần cách trở, ngày về non tiên mù mịt chân mây mà
thôi, e rằng chỉ có thể gặp nhau trong giấc mộng mà thôi”. Rồi cho xe loan đưa
ta về.
Ta đâu ngờ mấy năm ở cõi đào nguyên là mấy trăm năm
nơi chốn dương trần. Quê nhà vật đổi sao dời, cảnh đời dâu bể đổi thay không thể
ngờ được. Hỏi người cố cựu, bóp trán nhăn mày, tra tìm gia phả mới hay: Có ông
cụ tam đại ngày xưa tên đó, một hôm rong chơi ngoài biển không thấy về nữa đến
nay gần 400 năm. Từ đời Trần năm nọ bây giờ dưới thời Lê Trung Hưng rồi, Trịnh
Nguyễn phân tranh, nắm quyền chia đôi thiên hạ rồi còn đâu. Ta buồn bã ra đi,
người thân không còn ai, ta ở lại trần gian để làm gì nhưng đường về non tiên
đã mờ mịt lối ta biết phải về đâu. Thôi đành lập ngôi thiền tự nơi núi cao
hoang vắng, ngày ngày nhìn ra cửa Thần Phù mênh mông sông nước, nghĩ lại chuyện
xưa ăn năn đã muộn. Thật là:
Mặt suối hoa đào lặng lẽ trôi
Rêu trùm sắc thắm uổng phai phôi
Lưu lang biệt động sao khờ mấy
Thư ngọc buồn tênh giở bồi hồi(3)
Ngày ta mất xin con đóng bè đưa xác ta ra cửa Thần
Phù, mặc tình trôi theo dòng nước, ở chỗ mênh mông của đất trời ta có còn được
hội ngộ cùng Giáng Hương chăng?
Ngừng giây lát, giọng sư Tuệ Không mỗi lúc một yếu đi:
- Con còn nhớ khi con xin ta xuất gia ta đã nói với con điều
gì không?
Lư Sinh ràn rụa nước mắt trả lời:
- Con vẫn nhớ thưa thầy. Thầy bảo muốn đến cửa phật phải tùy
duyên không thể ép buộc lòng mình được.
- Đùng vậy. Tuổi con còn trẻ, nhiệt huyết còn cao có thể đem
tài năng cống hiến cho nước nhà sao vì một lỗi nhỏ mà nhụt chí trượng phu?. Chẳng
qua con định xuất gia để trốn chạy thực tế mà thôi. Tính tình con ngay thẳng bộc
trực thấy chuyện không theo đạo lý là sẵn sàng ra tay trừ bạo, cứu giúp người
hoạn nạn. Việc con lỡ tay đánh chết cường hào hà hiếp dân lành cũng là vạn bất
đắc dĩ mà thôi. Nay nước nhà đang trong thời kỳ loạn lạc, đàng ngoài chúa Trịnh
tiếm quyền vua Lê làm điều bạo ngược, đàng trong mấy đời chúa Nguyễn không yên,
tham quyền vơ vét tiền bạc của dân, đất Tây Sơn có kẻ anh hùng, cờ đào dựng
binh khởi nghĩa, mưa đồ việc lớn thống nhất giang sơn, con theo t về, với võ
nghệ của con ắt sẽ hữu dụng.
Lư Sinh quỳ trước mặt sư Tuệ Không, nước mắt ràn rụa hứa:
- Con xin nghe lời thầy dạy.
Đêm hôm ấy sư Tuệ Không viên tịch. Nhớ lời thầy dặn,
Lư Sinh đóng bè đưa xác thầy ra cửa Thần Phù, đợi gió lớn đẩy bè ra khơi. Chiếc
bè tự nhiên trôi băng băng theo dòng nước phút chốc đã biến mất trong màn sương
mù mịt.
Lư Sinh quỳ đất hướng về cửa biển Thần Phù lạy
ba lạy như để từ biệt thầy. Gạt nước mắt đứng lên, trở về chùa đóng cửa thiền tự,
khăn gói tìm đường vào Nam. Năm đó là năm 1773 quân khởi nghĩa của Tây Sơn tam
kiệt vừa đánh chiếm thành Qui Nhơn của chúa Nguyễn, lập làm đại bản doanh khí
thế vô cùng mãnh liệt, nghĩa sĩ anh hùng khắp nơi về tụ nghĩa rất đông.
Sài Gòn, 17/4/2018
Nguyễn An Bình
_______________________________________________
(1) Năm Bính Tý niên niệu Quang Thái thứ 9(1396) đời
nhà Trần, Trần Thuận Tông đang ở ngôi vua (1388 – 1398)
(2) Cửa Thần Phù: Còn gọi là cửa Thần Đầu, là một cửa biển
hiểm yếu xa xưa nằm trên tuyến đường thủy hành quân Nam tiến của người Việt nên
được gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ trong dân gian và sử sách. Cửa Thần Phù
ngày nay đã bị phù sa bồi đắp và trở thành vùng đất nằm cách bờ biển hơn
10 km. Trước đây khu vực này thuộc tỉnh Ninh Bình,
dưới thời Nguyễn, một phần được tách về tỉnh Thanh Hóa.
Cửa biển Thần Phù hiện nằm trên tuyến sông Nhà Lê, thuộc ranh giới giữa 2 xã Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình và Nga
Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa.
Khu vực Thần Phù nay ở thượng nguồn lưu vực sông
Càn, con sông cùng với dãy núi Tam
Điệp là ranh giới giữa 2 miền Trung - Bắc Việt Nam.
(3) Nguyên tác: Đào hoa nhiễu giản xuất thiên
thai
Ủy địa tàn hồng bán lục đài
Khước tiếu Lưu lang khinh xuất động
Lâm phong kỷ bả ngọc thư khai.
(Trích truyện “Từ Thức lấy vợ tiên” trong Truyền Kỳ Mạn Lục
của Nguyễn Dữ)