Tin Điện Biên Phủ thất thủ như một trái bom nguyên tử nổ
ngay trên đầu kiều dân Pháp ở Saigon. Không những Saigon rung rinh mà Paris
cũng rùng mình như sụp đổ, cả thế giới đều hướng về Điện Biên Phủ và Paris.
Pierre đi về nhà với tâm trạng rối bời, chuyện trước mắt là kêu một chiếc xích
lô máy đưa vợ con qua nhà ông già vợ.
-Yves, chào ông ngoại đi con.
Con bé mang hai dòng máu trong người nhưng nó giống cha nhiều hơn, da trắng,
mũi cao, tóc hoe vàng, chỉ riêng đôi mắt là đôi mắt của mẹ.
Ông Tư vừa nựng cháu vừa hỏi Pierre.
-Tình hình ra sao?
-Điện Biên Phủ thất thủ rồi.
Nét mặt ông Tư lộ vẻ thất vọng khiến Pierre thấy lòng mình như chùng xuống, anh
biết được một điều là ông Tư thương anh thật lòng qua cái chau mày vừa qua. Lẽ
ra, ông phải vui mừng vì Việt Nam không còn bị Pháp đô hộ.
Ông Tư cõng Yves trên lưng, đi song song với Pierre vào nhà.
-Pierre nè, mày có biết không?
-Ba nói cái gì?
-Tao nói, Tám Thẹo bây giờ đang là thủ lãnh của đám công nhân ở Saigon.
Ông Tư kín đáo nhìn quanh như dò xét tình hình rồi nói nhỏ vào tai của Pierre.
-Tao nghe phong phanh, hình như Tám Thẹo là xã ủy, tỉnh ủy hay cái con mẹ gì đó
lớn lắm của Việt Minh, nó còn muốn kết nạp tao vào Đảng của nó. Nhưng chuyện
quan trọng nhứt mà nó nói với tao là nay mai sẽ có biểu tình lớn ở Saigon và Chợ
Lớn. Những ngày sắp tới tình hình có thể rối ren, không ổn, vợ chồng tụi bay ở
luôn bên này, lỡ có chuyện gì tao còn lo được.
-Không đến nỗi nào đâu ba, người Pháp vẫn còn kiểm soát miền Nam mà.
Tuy nói cứng như vậy nhưng Pierre không về nhà riêng, anh và vợ con tạm sống ở
nhà ông Tư.
Suốt mấy tháng trường, Pierre sống trong lo âu, thấp thỏm đợi chờ. Hình ảnh
tang thương, tiều tụy của đạo quân Thiên Hoàng bại trận ngày nào vẫn còn in sâu
trong ký ức của Pierre, nó nhắc nhở anh số phận của đoàn quân viễn chinh Pháp.
Mất Việt Nam cuộc sống an lành bấy lâu nay của anh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng
nề. Cho đến khi hiệp định Genève chia đôi đất nước Việt Nam được ký kết, Pierre
mới thật sự thở dài nhẹ nhõm, với anh ít ra người Pháp còn giữ được phân nửa nước
Việt Nam. Bao lâu người Pháp còn ở lại Việt Nam, Pierre vẫn còn cơ hội.
Đệ Nhất Cộng Hòa ra đời, miền Nam độc lập sau hơn 80 năm dưới ách thống trị của
Pháp. Người Pháp vĩnh viễn không còn là chủ nhân ông của Việt Nam.
Pierre đang làm việc với lương cao bổng hậu, tiền bạc dư dả, không dư sao được
khi lương của một Thông Phán bản xứ vào khoảng một ngàn hai một tháng, lương của
Pierre lãnh cao gấp ba lần, công việc lại nhàn nhã chẳng có gì là nặng nhọc khổ
cực.
Khi tiền bạc rủng rỉnh kéo theo sự thoải mái của tâm hồn, dòng sông Garonne lửng
lơ, lơ lửng, cánh đồng nho xanh ngắt một màu, những cơn gió rét căm căm từ dãy
Pyrenees thổi về không làm cho Pierre đau buốt nhức nhối mỗi khi trở mình thức
giấc giữa đêm khuya. Quê hương trong tâm khảm của Pierre mỗi
ngày một phai nhạt dần, thay vào đó là những con đường mát rượi rợp bóng me của
Saigon. Hình ảnh những chiếc xích lô mỗi ngày một thân thiết hơn, quen thuộc
hơn, bữa cơm chiều với dĩa cá chiên dầm nước mắm ớt tỏi, thịt heo luộc cuốn rau
sống, chấm mắm nêm, nghĩ cho cùng cũng đậm đà, ngon ngọt không thua gì patê gan
ngỗng.
Ở đời, mười chuyện hết chín đã không được như ý của mình huống chi chuyện liên
quan đến quốc gia đại sự. Thua Điện Biên Phủ, cả liên bang Đông Dương sụp đổ,
Pháp phải giao lại toàn miền nam cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, cái hãng
Bason bé tí tẹo của Pierre cũng không nằm trong ngoại lệ. Pierre mất việc làm,
suốt mấy năm trường ăn không ngồi rồi, sáng, trưa, chiều, tối lúc nào cũng ly
cà phê, gói thuốc lá, tuy cơm nhà quà vợ nhưng số tiền để dành của anh mỗi ngày
một hao mòn sứt mẻ. Cả một cái tương lai mờ mịt, tối đen đang chờ đón gia đình
Pierre, loay hoay bàn lui tính tới với vợ về sinh kế, cuối cùng cũng vẫn trong
cái vòng luẩn quẩn.
Thấy Pierre hết đi ra rồi lại đi vào, than ngắn thở dài, suốt ngày chỉ lo lắng
về công ăn việc làm, ông Tư rủ Pierre.
-Sáng nay tao với mày ra Thanh Bạch, làm một dĩa bò kho bánh mì.
-Ba đi một mình đi.
-Bò kho Thanh Bạch mà mày chê? Hay là qua Thanh Thế, ngồi ngoài vỉa hè ăn sáng
uống cà phê.
-Ba nè, tui đâu có chê, chỉ tại tiền nó chê tui thôi.
-Tao thấy từ lúc thất nghiệp tới giờ mày thay đổi khá nhiều, thiếu tiền thì thiếu
nhiều chứ vài chục ăn sáng thì sá gì ba cái lẻ tẻ đó. Thực sự đi ăn sáng chỉ là
cái cớ, tao có chuyện muốn bàn với mày, coi có thể giúp đỡ gì được cho bọn bây.
-Ba giúp gì được cho tui?
-Được hay không, tao chưa biết nhưng mà tao còn một căn nhà gỗ lợp tôn cùng với
ba sào đất trồng rau ở Đalat, nếu muốn tụi mày có thể lên lập nghiệp ở trên đó.
Chỉ cần bỏ công, bỏ sức ra làm việc, tao tin rằng có thể sống được.
-Ba à, tui là con nhà nông thứ thiệt, lúc xưa tui làm hãng Bason đó là nghề tay
trái, chuyện cuốc đất trồng rau để sinh sống mới là nghề chính của tui. Sao mấy
năm rồi ba không nói cho tui biết?
-Ai mà biết ý của tụi bây ra sao.
Cơ hội ngàn năm một thuở, Pierre mau mau dẫn vợ, bồng con lên Đà Lạt. Chuyện đời
mấy ai mà biết được, để lâu đêm dài lắm mộng.
Ngày đầu tiên đặt chân lên Đà Lạt, Pierre bàng hoàng, sửng sốt trước phong cảnh
hữu tình, nhà cửa khang trang sạch sẽ và nhất là khí hậu trong lành, mát mẻ,
cái khí hậu mà hơn chục năm rồi Pierre mới gặp lại khiến anh tưởng như mình
đang sống ở Pháp, sống trên quê hương của mình chứ không phải là đang sống ở Việt
Nam. Cái lạnh se sắt của Đà Lạt làm Pierre nhớ lại cái lạnh ở quê nhà, nhớ cái
đêm ở Toulouse. Đêm ấy, Pierre lang thang một mình dọc theo bờ sông tình cờ gặp
mấy người thủy thủ, định rong chơi dăm ba tháng rồi trở về, ai ngờ mới đó mà đã
hơn chục năm lưu lạc, trôi nổi để rồi lạc loài đến đây.
Căn nhà tôn vách ván cũ kỹ mà ông Tư cho nó nhỏ như cái lỗ mũi, chỉ cần bỏ ra
vài ngày sơn sửa là xong. Nơi ăn chốn ở đã có rồi nhưng chuyện làm ăn lại gặp
muôn vàn trắc trở. Với ba sào đất bậc thang, cỏ dại ngút đầu, vợ chồng Pierre
phải bỏ công dọn dẹp sau đó mới trồng đủ thứ rau cải, nông sản chính vẫn là bắp
sú. Qua mấy mùa trồng trọt, dãi nắng dầm sương. Sương mù của Đà Lạt chỉ đẹp đối
với khách du lịch, đẹp đến độ du khách đứng trong sương mù sẽ có cảm tưởng là
đang đứng trước cổng thiên đường. Trái lại, đối với nhà nông, những người trồng
rau cải, sương mù lại là cánh cửa của địa ngục. Khi sương mù gặp thời tiết lạnh
sẽ đóng thành băng mà dân địa phương gọi là sương muối, vài ngày sau rau cải sẽ
bị vàng lá, nếu không chết cũng còi cọc, eo xèo. Pierre đã bị vài trận sương muối
như vậy, mùa màng thất bác, bao nhiêu vốn liếng đi đong đến nỗi tiền mua gạo
cũng không còn. Nhiều ngày đói đến độ vợ chồng con cái sống cầm hơi bằng vài
cái bắp sú với mớ khoai tây luộc, củ khoai tây đào ngoài vườn, to bằng ngón tay
cái bán không ai mua.
Đói thì đầu gối phải bò, vợ của Pierre đi làm công nhổ cỏ cho những nhà giàu có
ở trong xóm, Pierre và Yves đánh xe ngựa chở hàng thuê, tuy cực khổ nhưng được
cái là no bụng. Hàng ngày cha con Pierre thức dậy khoảng ba giờ sáng để chở bắp
sú và các loại rau từ Đa Thiện ra chợ Đà Lạt. Khoảng một tấn bắp sú dồn hết lên
chiếc xe ngựa cũ kỹ, cọc cà cọc cạch đổ dốc Trung Tâm Nguyên Tử, mới thấy chuyện
mưu sinh bằng xe ngựa cũng không dễ chút nào. Cả hai cha con phải tận dụng hết
sức ghìm chiếc xe phụ với con ngựa, để xe đổ dốc an toàn. Sương khuya ướt dầm
vai áo mà trên trán mồ hôi đã lấm tấm giọt đọng giọt rơi. Khi đến chợ lại phải
chuyển hàng xuống, sắp xếp theo ý người chủ vựa.
Với Pierre chuyện cực khổ không có gì phải phàn nàn, chỉ tội cho Yves, lẽ ra
vào tuổi đó phải được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác. Đàng này Yves
phải phụ cha khuân vác rau ở ngoài chợ để kiếm sống. Pierre không thương cho
mình mà chỉ xót cho con. Trong một lần đang cùng Pierre chuyển bắp sú từ xe vào
chợ đột nhiên Yves ôm bụng ngồi bệt xuống bên đường, mặt mày của nó xanh như
tàu lá.
-Ba ơi, con đói bụng quá.
Pierre cúi xuống định đỡ Yves dậy, bỗng một bàn tay của ai đó đã lanh lẹ nắm lấy
tay của nó
-Tại sao mày để con mày đói quá như vậy?
Lâu lắm rồi Pierre mới nghe lại được giọng nói quen thuộc bằng tiếng mẹ đẻ.
Pierre nhìn qua, đó là một ông Tây già hơn Pierre khoảng vài chục tuổi. Với giọng
nói đầy ngạc nhiên Pierre hỏi:
-Ông làm gì ở cái chợ rau này?
-Tao cũng đang định hỏi mày làm gì ở cái chợ rau này? Tại sao lưu lạc đến đây?
-Làm gì ông thấy rồi đó, cha con tôi làm nghề khuân vác, đánh xe ngựa.
-Sao không ở Pháp mà qua đây. Nghe con mày nói tiếng Pháp khiến tao nhớ nhà quá
sức. Mà nè, quê mày ở đâu?
-Saint-Macaire, gần Bordeaux.
-Ở phía tây. Tao ở Marseille. Tao đề nghị tụi mình đi kiếm gì ăn sáng, tội nghiệp
con bé, nó đói lắm rồi.
-Đợi một chút, tao chất xong mớ hàng rồi đi.
-Mày muốn con mày chết hả, quăng mẹ nó đi, tiền công cha con mày làm một ngày
được bao nhiêu tao trả đủ cho.
Họ lên chiếc xe Traction đen đậu gần đó, ông già vừa lái xe vừa nói chuyện.
-Tao là Henry, còn mày?
-Pierre.
-Mày muốn ăn sáng ở đâu?
-Đâu lại không được, trong chợ có mấy hàng bán xôi rẻ mà lại ngon, đi đâu cho
xa.
Henry chau mày.
-Mày nói cái giọng y hệt như là đám dân lao động bản xứ.
Chiếc xe chạy chầm chậm quanh khu Hòa Bình, Henry chỉ vào một cái tiệm tạp hóa
của người Tàu rồi nói:
-Ngày xưa nó là cái bar dancing của Pháp, hồi đó tao và mấy thằng bạn thân vẫn
thường hay vào đó làm dăm ba ly rượu, nhảy nhót chút đỉnh cho giãn gân giãn
côt. Bọn nó đã về Pháp từ lâu rồi, chỉ còn một mình tao ở lại, nghĩ cũng buồn.
Ê, Pierre mày nhìn đi, trước mặt của mày là nhà hàng Mekong trong đó có đủ các
món ăn Pháp, Việt.
Henry ngừng nói, thắng xe lại, nhìn vào nhà hàng, lưỡng lự vài giây rồi ông ta
đạp ga đi thẳng.
Họ ghé vào nhà hàng Chic Shanghai, đây là nhà hàng sang trọng ở Đà Lạt. Nó gồm
hai căn, một căn chỉ dùng cho khách ngồi uống cà phê ngắm cảnh, căn còn lại
dành cho thực khách. Dĩ nhiên họ chọn căn phòng dành cho thực khách. Yves được
một bữa no bụng với những thức ăn Tây mà nó ưa thích.
Trong khi ăn, Henry kể cho Pierre nghe chuyện ông ta đã sống ở Đà Lạt từ năm một
ngàn chín trăm hai mươi tám khi nhà máy nhiệt điện của Đalat vừa xây xong, chuyện
ông ta mua đất và xây cất ngôi biệt thự ở gần phi trường Cam Ly nơi mà ông hiện
đang ở. Rồi những năm gần đây khi tuổi già sức yếu ông muốn trở về Pháp thế
nhưng chuyện không dễ giải quyết.
Với ngôi biệt thự sáu phòng ngủ rộng mênh mông và bốn mẫu đất trồng khoai tây,
nông cụ như là máy cày, máy kéo, máy bơm chừng đó thứ mà đem về Pháp làm sao được.
Bán cho dân bản xứ cũng không xong, bán theo kiểu của đổ mà hốt thà rằng cho
không còn hay hơn. Bỏ thì thương mà vương thì tội, đó là một bài toán không có
đáp số.
Khi gặp được Pierre, Henry mừng như bắt được vàng, bởi vì Pierre chính là đáp số
của bài toán.
Henry mời Pierre lên nhà ông chơi để làm quen. Khi đã thân nhau rồi, ông ngỏ ý
thuê Pierre coi sóc ngôi biệt thự này cho ông ta khi ông về Pháp. Tiền công trả
cho Pierre là lợi tức thu được trên bốn mẫu đất trồng khoai tây, sau khi trừ
chi phí sản xuất.
Một công việc tốt như vậy làm sao Pierre có thể từ chối. Cả hai đều có lợi, thật
ra phần lợi ở về phía của Pierre.
Mọi chuyện tiến triển tốt đẹp, bất ngờ một tuần lễ trước khi về Pháp, Henry bỗng
nhiên đổi ý.
-Pierre nè, tao có chút chuyện muốn bàn lại với mày.
-Chuyện gì vậy? Sửa đổi hay thêm bớt gì trong giao kèo phải không?
-Đúng, tao đổi ý rồi.
-Ông không muốn thuê tôi giữ nhà nữa?
-Đúng vậy.
-Ông làm tôi mừng hụt, mấy tháng rồi cả gia đình tôi sống trong mộng, có phải
ông định bán hết nhà cửa ruộng vườn rồi đem tiền về Pháp, phải vậy không?
-Không.
-Vậy chứ ông định làm gì?
-Tao đã suy nghĩ kỹ càng suốt mấy tháng trường. Với số tiền hiện có ở ngân hàng
tao tiêu xài vung vít, thoải mái cho đến chết cũng không hết, như vậy rán lấy
thêm chút ít nữa để làm gì. Chết có mang theo được đâu, thôi thì nhà cửa, ruộng
vườn, tao cho mày tất cả.
Pierre tưởng mình nghe lầm.
-Ông cho tôi?
-Ừ.
-Cho không?
-Ừ, chỉ một điều kiện duy nhứt, khi tao chết mày nhớ về Marseille xây mộ cho
tao.
-Chuyện đó tôi có thể làm được, không có gì trở ngại.
Giọng nói của Henry đột nhiên trầm xuống.
-Cùng là dân tứ cố vô thân, lưu lạc giang hồ, chỉ có những người đồng cảnh ngộ
mới hiểu được nhau. Cố gắng làm việc nuôi vợ con, đừng để cho con mày bị đói
như đã có lần tao bắt gặp.
Pierre ôm Henry mà nước mắt lưng tròng.
*
Đang loay hoay ráp cái dàn chảo vô xe máy cày, Pierre phải ngừng tay, hình như
có ai đó đang bấm chuông ngoài cổng, cái lối bấm chuông của những người không
biết phép lịch sự, bấm mà không để cái chuông nó kịp thở. Mặc kệ, đối với hạng
người như vậỵ cứ để cho họ chờ, Pierre cứ tà tà siết thiệt chặt mấy con bù long
nơi dàn chảo rồi mới thong thả đi về phía cổng.
-Ai đó?
Ông khách với giọng nói đầy tự tin.
-Biết ai không? Đoán coi?
Qua khe hở của những song sắt, Pierre đã thấy đó là ai rồi, anh đưa tay mở cổng,
mắt nhìn Tám Thẹo.
-Mày mập hơn xưa nhiều. Nếu không nhờ cái thẹo trên mặt chắc tao không nhận ra
mày. Cũng dễ chừng cả chục năm hơn chứ ít ỏi gì. Mà nè, ai nói cho mày biết là
tao đang ở đây?
-Còn ai trồng khoai đất này, ông già vợ mày, ông Tư chứ ai. Báo cho mày biết
tao lên đây ăn Tết với vợ chồng mày.
Đứng trước chuyện đã rồi, đem con trâu đặt trước cái cày dù có muốn từ chối
cũng không được, Pierre nói với ông khách bất đăc dĩ, khách không mời mà đến.
-Vô nhà nghỉ ngơi rồi nói chuyện sau.
Tám Thẹo tay xách va li, tay xách cái lồng gà mà hắn vừa mua ở chợ Đà Lạt cách
đây vài tiếng.
-Tao đem cho vợ chồng mày cặp gà cúng Tết. Cặp gà này vợ tao bỏ công nuôi hơn
sáu tháng mới lớn được như vậy, gà mái tơ đó mày luộc chấm muối tiêu là hết sẩy.
Tám Thẹo vừa đi vừa đảo mắt nhìn quanh, đôi mắt sắc như dao của hắn không bỏ
sót bất cứ chỗ nào.
-Chà, ngôi biệt thự này bảnh quá ta, coi bộ to dữ, lại kiến trúc theo kiểu
Pháp, Tây mà ở nhà Tây chỉ có thua cọp. Còn cái vườn phía sau sao mà rộng quá vậy,
được mấy mẫu?
-Gần bốn mẫu.
-Trời đất, bốn mẫu? To như cái nông trường.
-Ừ.
-Còn cái nhà gì cao cao ở tuốt đàng xa kia?
-Đó là đài kiểm soát không lưu của phi trường quân sự Cam Ly.
-Chắc có lính canh phải không?
-Có chớ.
-Có lính Mỹ không?
-Hình như có, mà mày hỏi làm chi vậy?
Tám Thẹo hơi lúng túng.
-Thấy lạ tao hỏi vậy thôi. Mà nè, thời buổi chiến tranh, đánh nhau ngày một, tại
sao mày chọn chi cái chỗ gần cơ quan quân sự mà ở, lỡ có đánh nhau, tên bay, đạn
lạc làm sao tránh?
-Mấy năm trước khi tao dọn tới đây, phi trường Cam Ly như một cái phi trường bỏ
hoang, xuân thu nhị kỳ mới có một cái máy bay bà già đáp xuống, đâu có biết là
nó bận rộn như bây giờ, mà cho dù có biết tao cũng dọn đến như thường. Tao đâu
có quyền chọn lựa.
-Bi e nè, sao độ rày mày nói tiếng Việt giỏi quá vậy, thiếu điều giỏi hơn dân bản
xứ nữa là khác.
-Mày nhớ lại đi, tao sống ở Việt Nam hơn hai chục năm rồi. Tối ngày sáng đêm
lăn lộn buôn bán kiếm sống ở ngoài chợ, cứ tiếng Việt mà nói, riết rồi quen
luôn.
Tám Thẹo hình như không để ý đến những câu trả lời của Pierre, hắn chăm chú
nhìn xuống cái thung lũng dài và hẹp phía bên trái của căn biệt thự. Hắn đưa
tay vẽ một cái vòng cung như muốn đo thử cái chiều dài của thung lũng rồi buột
miệng.
-Quá tốt.
-Mày nói cái gì?
-À…à… tao nói vợ chồng mày có nơi ăn chốn ở quá tốt. Mày mua căn biệt thự với đất
đai nữa là bao nhiêu? Tao đâu có ngờ mày giàu quá sức như vậy. Đừng có nói với
tao là tiền mày để dành khi còn làm ở hãng Bason.
-Giàu cái con mẹ gì. Đalat có trên hai ngàn căn biệt thự như thế này. Còn chuyện
tao mua căn biệt thự này bao nhiêu khi nào rảnh rỗi, có nhiều thì giờ tao sẽ kể
cho mày nghe.
o O o
Tám Thẹo ngồi uống cà phê bên cạnh lò sưởi. Từ thủa cha sinh mẹ đẻ tới giờ Tám
Thẹo mới có cơ hội ngồi sưởi ấm bên cái lò sưởi. Mấy thanh củi trong lò cháy đều
tỏa ra hơi ấm dìu dịu, thêm mùi thơm của khói gỗ thông khiến hắn thấy dễ chịu
thoải mái trong người.
Pierre đưa cho Tám Thẹo gói thuốc Gauloises.
-Cà phê mà không có thuốc lá mất ngon đi một nửa.
-Tao không hút thuốc lá ngoại quốc.
-Hồi xưa khi làm hãng Bason, mày uống rượu, hút thuốc lá ngoại quốc như điên
sao bây giờ lại trở chứng.
-Hồi đó khác bây giờ khác. Mày có Bastos xanh không?
-Không, mùi vị của thuốc Gauloises cũng giống như là Bastos xanh, cùng một họ
thuốc lá đen với nhau, chỉ khác là Gauloises được làm tại Pháp. Mày thử đi.
Tám Thẹo cầm gói thuốc nhìn quanh. Thấp thoáng nơi nhà bếp vợ và con của Pierre
đang lục đục rửa chén sau bữa ăn tối, Tám Thẹo cất tiếng gọi.
-Yves.
Con bé lật đật chạy lên.
-Chú kêu con.
-Cho chú thêm chút đường, cà phê ngon nhưng đắng quá. Mà nè, năm nay con được mấy
tuổi rồi?
– Dạ mười tám.
-Chà, lớn dữ a, hôm nay cúng ông Táo về trời, còn mấy ngày nữa là Tết rồi chú
lì xì cho con một trăm đồng lấy hên, khi nào cho chú uống rượu lúc đó chú sẽ mừng
nhiều hơn.
Yves đi xuống bếp, nó quay đầu nhìn Pierre rồi nói:
-Chuyện uống rượu mừng, chú hỏi ba con.
Pierre nói với Tám Thẹo:
-Thực tình tao chưa bao giờ nghĩ đến chuyện kiếm chồng cho Yves. Mày có biết
không gia đình tao mới có được cuộc sống thoải mái như vầy chừng vài năm trở lại
đây. Hơn mười năm ở Đà Lạt, hết bảy năm bọn tao sống trong tận cùng của nghèo
khó, có lúc tuyệt vọng đến nỗi tao tưởng như là cả gia đình sẽ chết đói đến
nơi.
-Chắc mày đào được kho vàng hay là trúng số độc đắc cặp mười, chứ làm sao trong
vài năm từ chỗ nghèo nàn khốn khó mày có thể tạo dựng được cơ ngơi to lớn như
thế này.
Pierre chưa kịp trả lời Tám Thẹo, bất ngờ hai cái ly trên bàn nhỏ chợt rung nhẹ,
tiếp theo đó cường độ rung động mỗi lúc một tăng đồng thời một chuỗi âm thanh ầm
ầm như sấm động kéo theo, Tám Thẹo la to.
-Chết mẹ rồi, chuyện gì vậy?
Pierre vội vàng nói với Tám Thẹo.
-Không có gì đâu, một chiếc phi cơ đang cất cánh, nó bay ngang qua nhà mình.
-Tổ mẹ nó, làm tao sợ hết hồn, chưa bao giờ tao nghe tiếng động cơ máy bay nổ
to đến như vậy.
-Đó là chiếc vận tải cơ C-123 của Mỹ vì chở nặng, phi đạo ngắn, khi cất cánh phải
tận dụng tối đa sức đẩy của động cơ nên nó mới ồn như vậy.
-Chở gì mà nặng? Vũ khí, đạn dược?
-Không, nó chở rau cải của Đalat cung cấp cho quân đội Mỹ, không chừng trong đó
lại có một mớ khoai tây của tao. Thông thường một ngày có hai chuyến bay, một
chuyến buổi trưa và một chuyến buổi tối. Trưa mai nếu thích mày lên sân thượng
mà coi, khi máy bay ngang qua nhà mình, mày với tay có thể chạm được cái bánh
xe của nó.
-Thiệt không, bay thấp vậy sao?
-Giỡn với mày chút thôi, thực ra khi đó máy bay đã lên cao lắm rồi. Bây giờ,
mày yên chí có thể đi ngủ mà không phải lo lắng gì về chuyện ồn ào vì đó là
chuyến bay cuối cùng trong ngày.
*
Buổi sáng khi núi đồi, rừng thông quanh phi trường Cam Ly còn mờ mịt trong
sương mù, Pierre đã thấy Tám Thẹo đi bộ dọc theo hàng cây xá lị bên hông ngôi
biệt thự. Khi đi được mươi bước hắn đứng lại nhìn quanh rồi lại đi tiếp. Hình
như Tám Thẹo muốn làm cái gì đó chứ không phải là đi bộ để tập thể dục.
Pierre la to:
-Ê, Tám Thẹo mày làm gì đó? Vô nhà uống cà phê rồi ăn sáng.
-Khoan đã, mày dẫn tao đi tham quan một chút được không?
-Mày nói gì? Đi thăm ai?
-À… mày dẫn tao đi quanh nhà để tao biết ngôi biệt thự này nó rộng như thế nào.
-Nếu mày thích, tao sẽ theo ý mày, tụi mình bắt đầu từ đây. Trước mặt mày là
nhà kho chứa nông cụ, tất cả máy móc, dụng cụ sản xuất đều nằm trong nhà này.
Pierre hơi khom người lấy sức đẩy mạnh vào cánh cửa hình chữ nhật. Tiếng kêu
cót két của bánh xe nghiến trên mặt đường sắt khiến Pierre nhớ lại cái thời làm
ở hãng Bason
-Tám Thẹo, mày nhớ gì không?
-Nhớ chứ.
-Nhớ cái gì?
-Cánh cửa trong xưởng tiện của hãng Bason.
-Kể ra trí nhớ của mày cũng còn khá tốt.
Pierre nương theo ánh sáng đi vào bên trong nhà kho. Mày thấy đó tất cả máy
cày, máy kéo, máy bơm trong căn nhà này hư hao bất cứ thứ gì một mình tao bao
thầu hết, hư đâu tao sửa đó. Kinh nghiệm làm ở hãng Bason giúp cho tao rất nhiều
trong việc tu sửa máy móc ở đây.
-Ai xử dụng mấy thứ máy móc này?
-Công nhân. Tao mướn hai người chuyên lái máy cày và máy kéo, còn lại mười lăm
người là lao động chân tay. Họ ở trong căn nhà kế bên.
Tám Thẹo rảo bước nhanh hơn, hắn đi tới trước dãy nhà ngang, rồi nhìn vào bên
trong.
-Còn dãy nhà này chứa gì?
-Khoai tây giống, đủ trồng cho bốn mẫu đất. Mày thấy không? Kệ ngang, kệ dọc, kệ
cao, kệ thấp, kệ nào cũng đây khoai tây giống. Mầy hiểu cuộc sống của gia đình
tao như thế nào rồi phải không?
-Tao hiểu.
-À quên còn một chỗ nữa, lại đây tao chỉ cho mày coi. Đây là một cái hầm ngầm, gặp
khi Việt Cộng pháo kích mình có chỗ trốn. Từ đây có một con đường hầm đi thẳng
qua ngôi biệt thự.
-Hầm bí mật?
-Có cái con mẹ gì đâu mà bí mật với không bí mật. Tất cả mọi người ở đây đều biết,
đây là hầm tránh pháo kích, sẵn đây tao với mầy theo con đường hầm này về biệt
thự luôn, đi cho biết.
Dưới ánh sáng của ngọn đèn điện lù mù vàng hoe, hai người lui cui vừa đi vừa dọ
dẫm từng bước.
Pierre cất tiếng:
-Hôm qua tới giờ, mày hỏi tao lung tung chuyện, chuyện gì cũng hỏi, bây giờ tao
hỏi lại mày.
Không đợi Tám Thẹo trả lời có chịu hay không, Pierre nói:
-Hình như mày theo Việt Cộng lâu lắm rồi phải không?
-Đừng có nói tầm bậy, tai vách mạch rừng, mất mạng như chơi đó mày, mà ai nói với
mày như vậy?
-Còn ai trồng khoai đất này, ông già vợ tao chứ ai.
-Mày tin ổng có ngày bán khoai tây giống mà ăn.
*
Tết Mậu Thân.
Giữa khuya, Pierre chợt thức giấc vì nhiều tiếng động lạ, hình như có tiếng
chân của nhiều người chạy lộn xộn ở trong nhà. Đang mơ mơ màng màng, bất ngờ một
vật lạ lạnh như thép dí vào mang tai của Pierre. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy
ra, Pierre đã bị cột chặt bằng một sợi dây thừng to bằng ngón tay, hai cánh tay
bị trói giựt ngược ra phía sau. Tuy lo sợ trong lòng nhưng Pierre vẫn cố gắng
la to.
-Mấy người là ai? Tại sao lại bắt tôi?
Trong cái im lặng của bóng đêm một giọng nói lạ hoắc vang lên.
-Anh em đã đến rồi, đồng chí ở đâu?
Pierre nghe được giọng nói của Tám Thẹo trả lời:
-Đợi đó, tao bật đèn lên.
Dưới ánh sáng của mấy ngọn đèn vàng trong phòng, Pierre nhìn thấy một gã trung
niên mặc thường phục với cái túi xách bằng da đeo bên hông, chân đi dép da còn
mới tinh. Bên cạnh gã là bốn tên Việt Cộng súng AK đeo vai, đầu đội nón cối,
chân đi dép râu, tất cả đều trẻ măng khoảng chừng mười tám tuổi, họ đứng theo
hình cánh cung giống như là để bảo vệ cho Tám Thẹo.
Gã trung niên mặc thường phục trải tấm bản đồ lên bàn.
-Báo cáo đồng chí, tiểu đoàn 145 đang bố trí quân tại đây.
Ngón tay trỏ của gã di chuyển dọc theo bìa tấm bản đồ, rồi ngừng lại nơi có chữ
X màu đen, gã nói tiếp.
-Như vậy tiểu đoàn 145 còn cách mục tiêu khoảng năm cây số. Tiểu đoàn 186 đang
khắc phục chuyển quân còn cách mục tiêu tám cây số. Riêng các chiến sĩ của tiểu
đoàn đặc công đã sẵn sàng vào trận.
Tám Thẹo nhìn lên trần nhà, hắn vừa đi vừa nói, giọng nói chắc và gọn khác hẳn
với Tám Thẹo của mấy ngày hôm trước.
-Chiến dịch Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa bắt đầu vào đúng giao thừa Tết Mậu
Thân, bây giờ đã hai giờ sáng rồi mà các đơn vị cũng chưa chuẩn bị xong. Chúng
ta đã không làm tròn trách nhiệm, không thi hành đúng chỉ thị của trung ương, của
Bác và Đảng.
-Báo cáo đồng chí, sở dĩ có sự chậm trễ, hai tiểu đoàn 145 và 186 chưa vào vùng
vì chúng ta phải ém quân, chờ những đơn vị trinh sát của Ngụy di chuyển.
-Chuyện đã rồi, chúng ta sẽ dời giờ đánh lại một ngày. Đúng một giờ sáng ngày mồng
hai Tết, tiếng súng tấn công Đalat phải được khai hỏa.
Tám Thẹo lên giọng.
-Ta có ba hướng tấn công chính. Hướng thứ nhứt là mặt trận Tây Nam của Đalat sẽ
do tiểu đoàn 145 đảm trách, nhiệm vụ đánh chiếm viện Pasteur và Tiểu khu Tuyên
Đức, đường tiến quân là ấp Saint Jean và ấp Du Sinh. Hướng thứ hai là mặt trận
Tây Bắc do các chiến sĩ của tiểu đoàn đặc công đảm trách, nhiệm vụ chiếm dinh Tỉnh
Trưởng ngụy và Lữ quán thanh niên. Hướng thứ ba là mặt trận Đông Nam do tiểu
đoàn 186 đảm trách, đánh chiếm Trại Hầm, ga xe lửa và nha Địa dư của địch.
Quay sang bốn người lính cộng sản Tám Thẹo nói:
-Đem thằng Tây thực dân này và gia đình của nó cùng với đám công nhân phản động
giam trong hầm bí mật. Đợi khi giải phóng xong Đalat, sẽ đem ra cho nhân dân
xét xử.
Suốt mấy ngày qua, kể từ cái đêm giao thừa gia đình Pierre và mười mấy người
công nhân bị nhốt chung trong căn hầm chống pháo kích chật chội và ẩm thấp. Lúc
nào trên mặt hầm cũng có hai tên Việt Cộng canh gác cẩn mật bất kể đêm hay ngày.
Họ bị bỏ đói, không cơm, không nước ngay cả việc xin ra ngoài làm vệ sinh cá
nhân cũng không cho, may nhờ Yves cùng hai nữ công nhân lén theo con đường hầm
về ngôi biệt thự, đem qua được hơn chục đòn bánh tét cùng một ít nước lọc, đủ
cho mọi người sống cầm hơi. Tuy nhiên vấn đề vệ sinh thật là khủng khiếp. Nước
tiểu và phân người tích tụ từ nhiều ngày qua trong góc phòng bắt đầu phân hủy bốc
thành hơi, mùi xú uế xông lên nồng nặc. Hai chục mạng người sống ngoi ngóp
trong căn hầm với bầu không khí ô nhiễm nặng nề. Tuy sống thiếu thốn đủ mọi thứ
nhưng tin tức bên ngoài mọi người đều biết rõ nhờ vào cái radio Sony nhỏ bằng
bàn tay của một anh công nhân.Từ tin Huế, Saigon và hơn ba mươi tỉnh thành trên
toàn quốc bị Việt Cộng đồng loạt tấn công, cho đến lúc quân lực Việt Nam Cộng
Hòa phản công đánh đuổi Cộng Sản ra khỏi những vùng đã chiếm. Riêng thành phố
Đalat sau bảy ngày chiếm giữ cây số 4, quân Cộng Sản đã bị đánh bật ra khỏi nơi
này. Hy vọng được quân đội Quốc Gia giải cứu của gia đình Pierre và mười bảy người
công nhân ngày càng thêm sáng sủa hơn.
-Thằng Tây thực dân đâu?
Pierre biết là họ gọi mình, anh vội vàng lên tiếng.
-Có mặt.
Hai tên cán binh Cộng Sản trói giựt ngược hai cánh tay của Pierre ra sau bằng một
sợi dây thừng, xong xuôi chúng luồn sợi dây qua dây nịt rồi kéo Pierre đi qua
ngôi biệt thự.
Tám Thẹo ngồi bên cạnh lò sưởi tay cầm điếu thuốc rê, gương mặt của hắn lạnh
như một pho tượng. Bên cạnh hắn là gã trung niên, người mà đã từng nói chuyện với
Tám Thẹo đêm giao thừa, cũng vẫn với bộ đồ mà gã mặc tuần trước. Hình như
Pierre đã có gặp mặt tên này ở đâu rồi. Sau một hồi suy nghĩ, Pierre mới nhớ
ra, gã là cái thằng thợ hớt tóc ở đường Phan đình Phùng Đalat. Bốn tên cán binh
Cộng Sản đứng thành một hàng bên trái của lò sưởi. Một tên trong bọn nói.
-Báo cáo, đã áp giải thằng Tây thực dân đến.
Gã thợ hớt tóc lấy trong túi ra tấm giấy vở học trò được xếp gọn gàng, hắn
thong thả mở tờ giấy, vuốt lại cho thẳng thớm rồi nói:
-Theo chỉ thị ở trên, đây là bản án dành cho bọn phản động, tay sai của Mỹ Ngụy.
Gã nâng tờ giấy lên ngang ngực rồi thong thả đọc.
“Mặc trận dải fóng miền nam.
Chiếu theo nguyện vọng của nhân dân Đalat sét rằng tên bi e là thằn tây do thực
dân fáp gài lại, hắn làm việc cho cê I a, làm việc cho đế quôc mỉ xâm lượt,
đánh fá cách mạng. Sét rằng vợ con của bi e và bè lủ công nhân fản động gồm 17
người đả dúp đở và tiếp tế thực fẩm cho bọn mỉ ngụy trong nhiều năm qua, nay
tiên án tử hình gia đình tên bi e và 17 tên công nhân fản động, bản án fải được
thi hành ngay sau khi đọc.
Khu ủv khu 6
Kí tên Sáu Dân. ”
Gã thợ hớt tóc nhìn về phía bốn tên cán binh rồi dõng dạc ra lịnh:
-Các đồng chí hãy đến hầm bí mật, dùng xích sắt trong kho cột tất cả bọn chúng
lại sau đó giết bằng dao và cuốc, cấm sử dụng súng. Đạn của cách mạng phải dùng
để bắn nát đầu bọn lính Mỹ Ngụy. Thi hành xong bản án, các đồng chí tập trung ở
thung lũng bên trái của căn biệt thự đợi lịnh.
Khi tên Việt Cộng cuối cùng vừa bước ra khỏi phòng, gã thợ hớt tóc quay nhìn
Pierre.
-Còn thằng Tây thực dân nàỵ?
Tám Thẹo tự nãy giờ vẫn ngồi yên như một pho tượng, bất ngờ hắn đứng lên rút khẩu
K54 đeo lủng lẳng bên hông bắn luôn hai phát vào chân phải của Pierre.
-Đồng chí đi lo phần việc rút quân, đem tiểu đoàn 145 và 186 về mật khu núi
Voi. Riêng thằng Tây phản động này tui phải đích thân hạ sát nó.
Đợi cho gã thợ hớt tóc đi khuất sau cánh cửa của ngôi biệt thự, Tám Thẹo nghiêm
giọng nói với Pierre.
-Hôm nay là mồng mười Tết, tao ở đây đã hơn hai tuần được sự giúp đỡ của mày,
con người Cộng Sản làm việc phải có tình có lý, ai có công với Cách mạng sẽ được
thưởng, kẻ có tội phải bị trừng trị.
Dứt lời, Tám Thẹo hướng nòng súng vào ngọn đèn trên trần nhà, bắn thêm hai phát
nữa rồi quay mặt bước nhanh ra cửa.
*
Giọng nói nhẹ nhàng như hơi thở bên tai của cô chiêu đãi viên hàng không khiến
Pierre giật mình.
-Ông dùng cà phê, trà hay sữa?
-Cho tôi một ly rượu vang.
-Uống rượu ông phải trả tiền, xin ông bốn đồng.
Pierre duỗi thẳng chân trái, chân phải của anh là cái chân giả làm bằng
plastic, cho nên Pierre phải dùng cả hai tay nâng nó lên mới nhích được chút
xíu.
Mới đó mà Tết Mậu Thân tới giờ cũng đã hơn chín năm rồi, chín năm dài đăng đẵng,
Pierre sống trong ác mộng triền miên. Càng thương vợ nhớ con bao nhiêu, Pierre
càng bị ám ảnh bởi câu nói của Tám Thẹo bấy nhiêu. Câu nói mà lúc nào cũng lởn
vởn trong đầu Pierre.
-Con người Cộng Sản làm việc phải có tình, có lý.
Vợ con của Pierre và mười bảy người công nhân làm việc cho Pierre, họ có tội
tình gì mà phải chết một cách oan ức, tức tưởi. Chỉ một mảnh giấy học trò nhỏ bằng
bàn tay với vài hàng chữ đơn sơ đã đủ sức giết chết gần hai chục mạng người. Những
người bị giết không có lấy một tấc sắt trong tay, không nói được một lời để biện
hộ cho sự vô tội của mình. Hơn ai hết Tám Thẹo biết rõ vợ con của Pierre đâu có
tội gì, còn Pierre một câu tiếng Mỹ cũng không biết, lấy gì mà làm việc cho
CIA. Như vậy tình và lý nằm ở đâu?
Có một điều bí mật mà cho đến khi chết Pierre không bao giờ biết được, đó là
cái bản án tử hình dành cho gia đình Pierre và mười bảy người công nhân được viết
và ký bởi Sáu Dân, khu ủy khu 6, mà Sáu Dân là bí danh của Tám Thẹo.