Ngoài sự thay đổi về giọng văn, trong một, hai thập niên
qua, tôi còn một sự thay đổi khác, trong đề tài: Càng ngày càng viết nhiều về
chính trị.
Trước, trong hơn 20 năm đầu cầm bút ở hải ngoại, với tư cách
nhà văn, tôi hoàn toàn tránh né chính trị. Thật ra, ở Quê Mẹ, tôi viết
khá nhiều bản tin và bình luận về chính trị. Nhưng đó là viết báo. Viết xong là
bỏ. Còn trong sách, tôi muốn mình chỉ tập trung hẳn vào một lãnh vực: văn học.
Nhưng sau khi tôi bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam lần thứ hai vào năm 2009, tôi
không nén được phẫn nộ. Ngay lúc ấy Ban Việt ngữ đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) mời
tôi giữ một chuyên mục trên website của họ. Tôi nhận lời. Mấy năm đầu, mỗi tuần
tôi viết bốn bài. Tôi dự tính sẽ dành hai bài cho đề tài văn học hay văn hoá và
hai bài cho chuyện thời sự. Nhưng càng viết tôi càng sa vào chuyện thời sự. Kết
quả, tôi xuất bản ba cuốn sách mang nhiều cảm hứng chính trị như thế: Phản tỉnh
và phản biện (2013), Viết vu vơ (2014) và Những bài viết về chính
trị (2021).
Đã có nhiều người nghiên cứu chính trị Việt Nam từ góc độ cơ chế với những cách thức tổ chức cũng như những sự thay đổi về nhân sự, và cùng với sự thay đổi về nhân sự ấy, những sự thay đổi về chính sách và những hệ quả của chúng. Tôi thích nhìn chính trị từ góc độ văn hoá để giải thích tại sao cả một cộng đồng, hoặc đa số trong cộng đồng, lại tin tưởng và chấp nhận hoặc không tin tưởng và không chấp nhận những cơ chế và sinh hoạt chính trị như thế.
Nếu văn hoá là một hệ thống ý nghĩa, văn hoá chính trị sẽ là
hệ thống ý nghĩa về quyền (right), thẩm quyền (authority) và quyền lực (power).
Tất cả các yếu tố ấy đều gắn liền với, nếu không muốn nói là châu tuần chung
quanh, một thiết chế chính: nhà nước. Nhìn từ góc độ văn hoá chính trị, đối tượng
được khảo sát sẽ là những niềm tin, những giá trị, những biểu tượng và những
quy phạm (norm), một mặt, gắn liền với truyền thống; mặt khác, tác động mạnh mẽ
đến việc lựa chọn và hành xử của cả một tập thể trong lãnh vực chính trị. Với
tôi, góc độ ấy hứa hẹn nhiều khám phá thú vị hơn các góc nhìn truyền thống.
Văn hoá chính trị có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Không có nền
dân chủ nào là vô điều kiện cả. Muốn có dân chủ, trước hết, phải giành giật;
sau đó, phải xây dựng. Để giành giật, cần có cách mạng, nhưng để xây dựng, cần
có văn hoá. Cách mạng có thể tiến hành và kết thúc trong một thời gian ngắn, có
khi vài ba tháng; nhưng văn hoá thì có khi cần vài ba thế hệ. Chờ đến khi làm
cách mạng xong mới tiến hành các cuộc vận động thay đổi văn hoá là quá muộn. Hậu
quả của sự muộn màng ấy là một chế độ độc tài khác có thể sẽ ra đời. Do đó, các
cuộc vận động về văn hoá phải đi trước, càng sớm và càng sâu rộng càng tốt. Có
khi nhờ cái văn hoá ấy, dân chủ có thể xuất hiện và nảy nở mà không cần phải có
cách mạng.
Các bài viết của tôi bao quát một phạm vi
khá rộng, từ Việt Nam đến thế giới.
Với chính trị thế giới, tôi hoàn toàn là một trí thức, khách
quan và bàng quan: Tôi theo dõi như đọc một cuốn sách về chính trị học hoặc xã
hội học, ở đó, mọi câu chuyện đều được giản lược thành những sự kiện; mọi sự kiện
đều được trừu tượng hoá thành những biểu đồ và những con số.
Với chính trị Việt Nam thì khác, theo chiều ngược lại, ở đó,
mọi con số và mọi biểu đồ đều biến thành những sự kiện và mọi sự kiện đều biến
thành những câu chuyện; hơn nữa, trong các câu chuyện ấy, tôi là một nhân vật,
một trong những nhân vật quần chúng đông đúc và lúc nhúc, vô danh và vô thanh.
Để giữ được sự khách quan của một trí thức, tôi phải tập nhìn từ bên ngoài.
Càng viết về chính trị nhiều, tôi càng khám phá, đúng hơn, cảm
nhận sâu hơn, một điều: Không có sự khác biệt quá lớn giữa việc bình luận chính
trị và phê bình văn học. Ít nhất, với riêng tôi, trong cả hai trường hợp, tôi đều
có một đối tượng giống nhau: văn bản.
Văn học là một văn bản, đã đành. Từ đầu thế kỷ 20, hầu hết
các nhà phê bình văn học ở Tây phương, đặc biệt trong nhóm Hình thức luận của
Nga và Phê bình mới của Anh và Mỹ, đều nhấn mạnh điều đó. Từ giữa thế kỷ 20,
các nhà cấu trúc luận phát hiện thêm một điều khác: Mọi hiện tượng trong đời sống
đều có thể được xem là những ký hiệu (sign) tức hàm chứa khả năng phát nghĩa.
Các nhà hậu cấu trúc luận tiến xa hơn một bước, lý luận: Nếu tất cả các hiện tượng
đều có thể được xem là một ký hiệu, nó cũng có thể được xem là một văn bản
(text). Cách hiểu ấy rõ ràng là một sự nới rộng nội hàm khái niệm văn bản vốn
trước đó chỉ được dùng giới hạn trong các loại diễn ngôn viết. Theo đà ấy, các
nhà hậu hiện đại chủ nghĩa xem sự tiêu thụ là một văn bản (consumption as a
text); các nhà hậu thực dân luận xem nhà nước là một văn bản (state as a text);
các nhà nữ quyền luận xem thân thể là một văn bản (body as a text).
Với tôi, chính trị cũng là một văn bản (politics as a text).
Tôi viết về chính trị như phân tích một văn bản. Về phương diện phương pháp luận,
không có sự khác biệt nào lớn. Chỉ có một điều đáng tiếc là, hầu hết, nếu không
muốn nói là tất cả, các văn-bản-chính-trị đáng chú ý đều là những văn bản tồi.
Nếu ví nó với thơ, đó luôn luôn là một bài thơ trúc trắc lạc vận. Oái oăm là,
trong chính trị, khác với trong văn học, chỉ có những bài thơ trúc trắc lạc vận
mới thực sự đáng quan tâm. Thơ hay (ví dụ một xã hội lúc nào cũng thanh bình,
an lạc và thịnh vượng) thì chả có gì đáng nói cả.
Khi xem việc bình luận chính trị cũng giống việc phân tích một
văn bản, tôi cũng muốn nói là: Tôi xem đó như một công việc mang tính khoa học
và nghệ thuật. Tôi đau đớn nhưng không hận thù. Thành thực mà nói, từ góc độ cá
nhân, tôi không có những kỷ niệm quá cay đắng về cộng sản dù, sau khi miền Nam
sụp đổ, tôi sống ở Việt Nam đúng 10 năm, trong đó, có hơn nửa năm ở tù vì “tội”
vượt biên, và dù, sau này, bị cấm nhập cảnh đến hai lần. Nhưng tất cả những gì
tôi chịu đựng cũng giống như những gì những người chung quanh chịu đựng. Chắc
chắn là nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với các sĩ quan và công chức trong các trại
cải tạo. Tôi chả có gì phải oán trách hay ta thán.
Một trong những lý do chính khiến tôi hay phê phán chính quyền
trong nước, trước hết, xuất phát từ việc không đồng ý với vô số các chính sách
đối nội và đối ngoại của họ, đặc biệt, trong quan hệ với Trung Quốc. Từ các
chính sách ấy, toát lên một điều: Họ không biết cách lãnh đạo, không có khả
năng lãnh đạo. Họ chỉ biết cai trị. Để cai trị, rất đơn giản, chỉ cần ba thứ:
công an, quân đội và nhà tù. Để lãnh đạo, người ta cần cái đầu và con tim. Cái
đầu để biết nhìn xa, nghĩ rộng; và con tim để biết bao dung với những cái khác,
từ đó, tạo nên sức mạnh bằng sự đồng thuận chung trong xã hội. Hơn nữa, lãnh đạo
cũng cần rất nhiều kiến thức và kỹ năng cũng như một số đức tính phù hợp với một
văn hoá chính trị dân chủ lành mạnh.
Thiếu khả năng lãnh đạo, đảng cộng sản phá hoại nhiều hơn là
xây dựng. Đã có nhiều nhà kinh tế học vạch trần: Mảng kinh tế quốc doanh do nhà
nước trực tiếp quản lý là mảng lỗ lã nhiều nhất, nợ nần nhiều nhất, và đặc biệt,
thối nát nhất. Tất cả những thành tựu về kinh tế của Việt Nam đều đến từ những
mảng tư nhân. Để phản ứng lại những sự phê phán của dân chúng trước các thất bại
của mình, đảng Cộng sản lại tăng cường vai trò cai trị bằng các biện pháp khủng
bố tàn khốc.
Tuy nhiên, điều tôi phản đối nhất là tính chất độc tôn và độc
tài của chế độ cộng sản. Có nhiều lý do. Những lý do chính là, từ cái nhìn của
một con người: nó vô nhân đạo; từ cái nhìn của một công dân: nó tàn phá đất nước
hầu như trên mọi mặt, không những chỉ về kinh tế mà còn về xã hội, văn hoá,
giáo dục và đạo đức; từ cái nhìn của một trí thức: nó ngu dân hoá; từ cái nhìn
của một người cầm bút: nó giành độc quyền viết lịch sử một cách gian trá. Tôi
không có tham vọng cứu dân chúng, đất nước và nhân tính, tôi chỉ muốn làm một
điều trong phạm vi khả năng và sở trường của mình: quyết giành cho được cái quyền
được góp phần tạo nên những tự sự (narrative) khác. Bằng chính ngòi bút của
mình.
Nguyễn Hưng Quốc